Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.068
123.234.095
 
Ba nhà cải cách- Tiểu thuyết lịch sử
Vũ Ngọc Tiến
Chương 8

HỒI THỨ TÁM

Đất Quảng chăn trâu ngồi đợi chúa

Ông trời bạc tóc mới xe duyên

 

Chùa Long Hưng nằm trên khuôn viên khá rộng và bằng phẳng bên sườn đồi ở phía Đông của trấn Dinh thuộc huyện Duy Xuyên đất Quảng Nam. Bốn năm sau cuộc chia tay với Đào Duy Từ, vào năm Mậu Ngọ (1618), sư Tuệ Năng cũng giã biệt Hữu Dư vào Nam, dắt theo Hữu Tiến và dừng chân ở chùa này. Đêm trước, hai thầy trò  nghỉ trong túp lều chăn vịt ven sông Thu Bồn, đại sư Duy Giác hiện về báo mộng: “Gần đây có chùa Long Hưng vừa khuyết một vị trụ trì do sư thầy Thích Quảng Tôn  viên tịch đột ngột. Hiện trong chùa chỉ có một già lam[1] là Huỳnh Bảo tạm thời coi việc nhang đèn. Đó là ý Phật muốn dành chỗ cho Tuệ Năng, con hãy mau đến đó”. Sư Tuệ Năng choàng tỉnh giấc, thấy lòng rạo rực. Giấc mộng sao khéo trùng hợp với lời hẹn ước của  Đào Duy Từ sẽ chờ gặp Tuệ Năng trên đất Quảng tại chùa Long Hưng. Dọc đường, từ ngã ba sông Ngàn Sâu vào đây, nhà sư vẫn luôn hỏi dò về chùa Long Hưng và các chùa khác của người Việt mới xây cất trên miền đất cũ của người Chiêm. Nghe đồn, năm Canh Tý (1600), Nguyễn Hoàng lấy cớ đi dẹp loạn ở Cổ Lễ rồi theo dòng Ninh Cơ xuôi ra cửa Ba Lạt, dong buồn chạy thẳng vào Nam. Khi đoàn người đổ bộ vào đất liền, ông cùng các tướng Tống Phước Trị, Nguyễn Hữu Dật đi thám sát địa hình, địa vật. Đến miền Hà Khê thuộc huyện Hương Trà, ông chợt thấy giữa cánh đồng nổi lên một gò đất cao, có dáng đầu rồng, soi bóng xuống mặt nước con sông lớn và đẹp. Dân chúng bẩm rằng gò ấy rất thiêng. Xưa có người nằm mơ thấy gặp ở trên gò một bà lão người Chiêm mặc áo đỏ, quần xanh, bóng chập chờn khi mờ khi tỏ. Bà lão bảo với người ấy, sẽ có một vị chân chúa đến dựng nghiệp ở đây để tụ khí thiêng, cho bền long mạch. Từ đó, dân địa phương gọi tên là gò Thiên Mụ, tức gò Bà Trời. Nguyễn Hoàng cho là ý trời phật muốn cho mình là chân chúa, cai quản cả người Việt lẫn người Chiêm, nên năm Tân Sửu (1601) sai người xây cất chùa Thiên Mụ. Năm Nhâm Dần (1602) ông lại cho xây tiếp chùa Sùng Hoá ở Phú Vang và chùa Long Hưng ở Quảng Nam để tạ ơn Phật tổ, Bồ tát. Cả ba ngôi chùa đều được Nguyễn Hoàng kén thợ giỏi quê gốc ở Thanh - Nghệ vào xây dựng theo mẫu các ngôi chùa lớn ở xứ đàng ngoài. Riêng chùa Long Hưng, khi Nguyễn Phước Nguyên lên kế nghiệp, đã cho tu bổ lại lần nữa để kỷ niệm những năm trấn nhậm ở Quảng Nam. Xem ra, Phước Nguyên là người có duyên với Phật, chăm lễ chùa còn hơn cả Nguyễn Hoàng, nên dân chúng gọi là chúa Sãi...

 

Sư Tuệ Năng từ lúc mơ gặp đại sư Duy Giác không sao chợp mắt ngủ tiếp. Sư bồi hồi liên tưởng câu chuyện Đào Duy Từ gặp Nguyễn Hoàng ở chùa Tiêu Sơn trò chuyện tâm đắc với việc Nguyễn Hoàng vào Nam xây chùa Thiên Mụ, Nguyễn Phước Nguyên được suy tôn là chúa Sãi. Phải chăng đã đến ngày Phật giáo hưng thịnh ở Thuận - Quảng? Phải chăng Phật tổ và đại sư Duy Giác đã gửi thông điệp trao cho Tuệ Năng sứ mệnh truyền bá Thiền phái Trúc Lâm vào Nam? Thời cuộc cho thấy người Việt rồi đây sẽ ồ ạt di cư vào Nam, không chỉ dừng chân ở miền Thuận - Quảng. Duy Từ nảy ra ý muốn chu du qua các nước Xá Lợi, Lâm Ấp, vào tận vùng Cửu Long Giang của nước Thuỷ Chân Lạp, rồi mới hẹn ta gặp mặt ở Quảng Nam, có lẽ cũng là do trời phật muốn vậy. Người Việt nghèo đói, tha hương vào đây sinh sống, vốn sẵn chứa trong lòng nhiều uẩn ức, dễ sinh tính hung bạo, hiếu sát. Họ cần giáo lý của Trúc Lâm tam tổ khai mở tâm linh để giúp họ quên đi mọi điều uẩn ức, sống hoà hiếu với người bản địa. Người phương Nam lâu đời theo Phật giáo tiểu thừa, còn người phương Bắc lại theo Phật giáo đại thừa. Xét cho cùng, cả hai Phật phái đều có chung một tâm nguyện rũ bỏ hết Tham - Sân - Si, dắt tay nhau về cõi Niết Bàn. Hoà hợp hai Phật phái tiểu thừa và đại thừa cũng có nghĩa là hoà hợp chung sống giữa người Việt với người Chiêm, người Chân Lạp và người Thượng ở trên dãy Trường Sơn. Sẽ là hạnh phúc biết bao cho chúng sinh khi các tộc người ở phương Nam này có chung một đấng minh chúa, lại có chung một đời sống tâm linh theo giáo lý nhà Phật... Càng gần về sáng, sư Tuệ Năng càng hiểu ra thâm ý của Nguyễn Hoàng khi xây chùa Thiên Mụ. Nhà sư cũng nuôi mối thiện cảm với Nguyễn Phước Nguyên, chắc đây chính là người để Duy Từ lựa chọn, dốc lòng phò tá sau này. Đệ tử Hữu Tiến mà lâu nay nhà sư hết lòng truyền dạy môn phái võ thuật chùa Đàn Xuyên và binh pháp trong bản thảo cuốn “Hổ trướng khu cơ” do Duy Từ gửi lại, chắc rồi cũng có cơ hội giúp đời. Thằng bé này qua mấy năm đã lớn dần thành trang tuấn kiệt. Nó đang ngủ. Vầng trán nó mới vô tư, thanh thản làm sao!

 

Gà vừa gáy sáng, sư Tuệ Năng vội đánh thức Hữu Tiến trở dậy. Hai thầy trò hăm hở tìm đường đến chùa Long Hưng. Đến nơi, sư Tuệ Năng cảm thấy choáng ngợp trước vẻ bề thế của ngôi chùa xây theo lối kiến trúc của xứ đàng ngoài, mạn Kinh Bắc. Trước cổng chùa là một sân đất vuông vắn được đầm kỹ, hai bên có hai hàng phỗng đá. Từ sân đất bước lên một bậc vào cổng tam quan có mái che và ba tấm cửa gỗ lim dày đóng kín, tượng trưng cho ba điều cần xem xét rõ trong đạo Phật là Không Quan, Giả Quan và Trung Quan[2]. Cạnh tam quan về mé tay phải có một cổng nhỏ ra vào thường nhật, nép mình dưới tán cây bồ đề. Qua khỏi cổng, nhà sư bước vào một sân rộng lát gạch, bầy nhiều chậu cây hoa mộc, hoa ngâu, hoa sứ, hoa nhài, hoa lan... Ở hai bên sân có hai dãy nhà bán mái chín gian, một bên dành cho người nhà chùa, một bên dành cho khách thập phương đến chờ dâng lễ. Chính diện là nhà thờ Phật rồi đến nhà bái đường, nối với nhau bằng chiếc cầu đá uốn cong, chạm khắc nhiều hoa văn lạ theo tích của đạo Phật. Phía sau lưng nhà bái đường có khu vườn chùa rộng chừng một mẫu đất, bao bọc bởi luỹ tre, bên trong có nhiều cây trái, từng đàn chim bay về làm tổ...

 

Già lam Huỳnh Bảo lật đật chạy ra sân đón chào thầy trò sư Tuệ Năng. Ông lão đã già, răng rụng gần hết, nhưng đôi mắt thì sáng quắc. Ông mừng rỡ kể rằng đã được Phật báo mộng, sẽ có vị sư mới từ xứ đàng ngoài vào thay cho hoà thượng Thích Quảng Tôn vừa viên tịch để trụ trì chùa này. Từ mờ sáng, ông lão đã đun nước, ủ sẵn nồi chè tươi chờ đợi. Hai người ngồi trước thềm nhà chính điện chuyện trò thân mật, còn Hữu Tiến khép nép chắp tay đứng hầu đằng sau sư phụ. Hồi lâu, sư Tuệ Năng nhắc Hữu Tiến theo già lam đi thu xếp trai phòng và nấu cơm, còn mình lững thững ra ngoài bước dạo quanh chùa ngắm cảnh. Nhà sư phóng tầm mắt bao quát cả vùng quê trù phú phương Nam sơn thuỷ hữu tình, núi đồi và đồng ruộng đan xen chạy tít tắp tận chân mây và những xóm làng người Việt, người Chiêm cũng đan xen ôm ấp lẫn nhau. Lòng ông thầm gọi: “Duy Từ ơi! Hiền đệ giờ đang ở nơi đâu? Kể từ buổi biết nhau ở chùa Đàn Xuyên đến nay thoắt đã hơn ba chục năm. Thời gian cứ trôi nhanh vùn vụt, ta đã ngoài tuổi năm mươi, còn đệ cũng sắp vào tuổi “tri thiên mệnh”. Người có tài năng, ôm ấp nhiều hoài bão như hiền đệ, sao số phận cứ phải lênh đênh trôi dạt khắp đó đây, liệu bao giờ mới gặp được minh chủ để phò tá cho thoả chí bình sinh? Vẫn biết đời người như áng phù vân, như giấc hồ điệp, nhưng ta cứ muốn hiền đệ sớm làm nên sự nghiệp, lưu danh sử sách. Vả chăng, trên vai hiền đệ còn nặng gánh những điều mà sư phụ của chúng mình đã ký thác và hy vọng. Kiếp đời trần tục của hiền đệ cũng cần phải có một mái ấm gia đình làm nơi trú ngụ lúc tuổi già, bệnh tật. Ta thương hiền đệ, nhưng vô phương cách, đành phải nhờ vào trời phật vậy thôi...” Mang nặng trong lòng những ý nghĩ mông lung, sư Tuệ Năng bồi hồi quay vào chùa. Đêm ấy nhà sư ngồi tụng kinh cầu phúc cho người bạn thủa ấu thơ, hồn thoát khỏi xác, bay đi dõi tìm bước chân hành hương của Duy Từ ở phía trời xa...

*

*             *

Già lam Huỳnh Bảo sớm nay thức dậy sớm hơn mọi ngày. Từ lúc canh ba, ông đã nhóm lửa nấu cơm gạo lức, nắm từng suất ăn vừa đủ bữa cho Hữu Tiến dùng trong ba ngày, vào trong những chiếc mo cau đã nhúng nước sôi rồi lau thật khô. Muối mè ông cũng phân thành từng gói nhỏ, đựng trong lá chuối khô. Nắm xong sáu suất cơm chay, ông lão tần ngần thở dài, mở từng gói, lo Hữu Tiến sẽ mói dạ. Ông muốn nắm to hơn, nhưng không dám trái lệnh của sư Tuệ Năng. Thường ngày, sư chỉ cho phép Hữu Tiến ăn mỗi bữa có ba miệng chén cơm gạo lức muối mè. Ngài bảo, đang sức thiếu niên, nó ăn mấy cũng vừa, nhưng no quá sẽ thành trì độn, lười nhác và dục vọng sẽ nổi lên cho tâm mờ tối. Ăn vừa đủ là nguyên tắc  tối giản của việc dưỡng dục. Từ buổi sư Tuệ Năng về trụ trì chùa Long Hưng, ông rất khâm phục trí tuệ uyên bác, đạo hạnh của Ngài. Phong độ ung dung, nhàn tản và lời nói điềm đạm, ấm trầm của Ngài thật tương phản với vóc người to lớn, gân bắp nổi cuộn của một võ sư có chưởng lực siêu hạng, võ công thượng thặng. Gần trọn một đời làm việc công quả cho nhà chùa, già lam Huỳnh Bảo chưa từng gặp ai có giọng tụng kinh truyền cảm đến vậy. Nhưng đến giờ dạy võ cho Hữu Tiến, nhà sư thét lên như sấm sét, đếm từng động tác trong các chiêu thức mới cho đệ tử chú ý nhập tâm. Càng yêu kính sư Tuệ Năng, già lam càng thương cảm và hết lòng chăm sóc Hữu Tiến. Nó cũng giống ông, mồ côi mẹ, từ tấm bé đã ăn mày cửa Phật, nhưng không xuống tóc đi tu. Có khác chăng là ở chỗ già lam không thể thắng nổi ma lực cám dỗ của men rượu nên không xuống tóc, còn chú bé Hữu Tiến nương nhờ cửa Phật để học văn, luyện võ, chờ dịp nhập thế giúp đời thay cho sư phụ. Mỗi ngày qua đi, già lam thêm gắn bó, thân thiết với Hữu Tiến như tình cha con, ân cần chăm sóc cậu. Ở tuổi 15, Hữu Tiến bắt đầu vỡ giọng, hiểu đời và điềm đạm, chín chắn hơn nhiều so với bạn bè đồng lứa tuổi. Nhưng già lam vẫn coi cậu như chú bé ngây thơ, côi cút. Ông lo chuyến đi này sẽ làm cậu vất vả, dễ gặp nguy hiểm. Trời đã gần sáng rõ, tiếng gà trong xóm le te báo canh năm và sau vườn chùa lác đác có tiếng chim cu gáy gọi nhau đi kiếm mồi. Già lam bần thần hồi tưởng lại buổi chiều qua, sư Tuệ Năng gọi Hữu Tiến lên giao việc:

 

- Này con! Lại đây ta hỏi.

- Bạch thầy, con đã sẵn sàng.

- Con đã đủ tự tin về kiến thức tam giáo và võ thuật của mình chưa?

- Bạch thầy, biển học mênh mông đi mãi cũng chẳng hết bến bờ, nhưng gần đây con đã thấy tin rằng mình có thể dấn thân vào trường đời, vừa hành sự vừa học thêm.

- Từ nay, sách vở về đạo Nho, đạo Lão và kinh Phật trong trai phòng của ta, con có thể tự mình lựa chọn để đọc thêm theo sở nguyện của riêng mình. Nếu có chỗ nào chưa thông tỏ, con có thể đàm luận cùng ta. Riêng  về binh pháp, ta muốn con giành thời gian chuyên tâm nghiên cứu và thực hành từng chương mục trong tập bản thảo cuốn “Hổ trướng khu cơ” mà thúc phụ Duy Từ của con gửi lại. Đây là sự tổng hoà giữa kiến thức uyên bác của đại sư Duy Giác với những điều suy ngẫm, tìm tòi, ghi chép trong dân gian của Duy Từ. Sách có ba phần chính là Tập Nhân - Tập Thiên - Tập Địa. Hai phần Tập Nhân bàn về đạo làm tướng và Tập Thiên bàn về cách xem thiên văn, tiên liệu thời vận, xét đoán tướng người..., ta đã kết hợp giảng giải cho con lâu nay, khi con học sách Mạnh Tử, Trung Dung, Đại Học, Luận Ngữ hay sách của Lão - Trang, sách Kinh Dịch của Chu Công. Con hãy nhập tâm và nhớ lấy mỗi khi đọc lại hai phần ấy, để rồi suy rộng mãi ra. Riêng phần Tập Địa, trong bản thảo của Duy Từ viết rất cô đọng mà súc tích, rất cần con vừa đọc vừa thực hành. Nay ta giao cho con phần Tập Địa để đêm nay đọc kỹ, sớm mai con sẽ ra khỏi chùa thực hành trong ba ngày. Tập Địa dạy cách lợi dụng địa thế tự nhiên có nhiều tiện ích cho mình để chọn nơi đóng quân, lập trại, bày trận và chọn nơi đất xấu xem như là tử địa để nghi binh, dụ cho quân địch tới mà tiêu diệt. Xét toàn cục trận chiến là như thế. Đi sâu vào tiểu tiết từng trận đánh cũng là như vậy. Giả sử như lúc con cầm quân, hai bên giàn trận, muốn dùng phép bày trận  “Chu Thiên” cũng phải tuỳ nghi: ở đồng bằng có bãi rộng thì kết trận tròn, gặp chỗ đất gập ghềnh hiểm trở thì biến làm trận cong, gặp chỗ đường cái lớn lại bày trận thẳng, đón lõng giặc từ trên đất cao xuống thì kết trận vuông... Sớm mai, lúc khởi hành ta cho con mang theo bức địa đồ của xứ Quảng Nam. Từ chùa Long Hưng, theo con đường nhỏ băng đồng một đoạn, con sẽ gặp con lộ độc đạo, rẽ trái sẽ ra biển, rẽ phải sẽ lên núi và đi về phía địa phận nước Xá Lợi của người Thượng. Trong ba ngày dò xét địa hình con phải trả lời cho ta biết, nếu con cầm quân đánh nước Xá Lợi thì dùng binh ra sao; còn nếu nước Xá Lợi đem quân đến sát bờ biển đánh ta con sẽ đối địch thế nào.

 

- Bạch sư phụ, muốn định được kế sách phá giặc còn phải xem tương quan ta với địch lúc đó mạnh yếu ra sao.

- Điều này tự con lẽ ra phải xét đoán được rồi. Người học luôn phải động não suy nghĩ vượt ra ngoài sách. Xá Lợi là một tiểu quốc có đời sống còn mông muội. Họ dám đến đánh ta là nhằm lúc ta suy yếu để vào cướp bóc. Ngược lại, khi ta đem quân đi đánh họ, đương nhiên đang lúc ta mạnh và chuẩn bị kỹ. Thôi, con mau mang bản thảo Tập Địa của thúc phụ Duy Từ về đọc rồi đi nghỉ sớm, mai còn lên đường.

 

Già lam Huỳnh Bảo vô tình nghe được câu chuyện giữa hai thày trò khi ông ngồi đan sọt ở ngoài hiên, trước cửa trai phòng của sư Tuệ Năng. Hữu Tiến đi rồi, nhà sư gọi ông vào dặn dò chuẩn bị mọi thứ chu đáo cho Hữu Tiến. Đêm qua mấy lần già lam đến phòng của cậu giục đi ngủ sớm, vẫn thấy đĩa dầu lạc trên bàn đang leo lét cháy. Ông bùi ngùi thương cậu, linh cảm thấy sẽ có một ngày cậu bé này sẽ rời chùa, dấn thân vào cuộc đời gió bụi. Ngày ấy chắc không xa và ông sẽ thấy buồn, cô độc biết bao!...

 

Hừng đông ló rạng, chân mây về phía ấy chuyển dần từ màu hồng sang màu vàng mơ. Vườn chùa lảnh lót tiếng chim sâu chuyền cành. Ngoài đồng, những cô gái người Chiêm đội thúng, người Việt quẩy gánh, cùng đi gieo mạ đông. Hữu Tiến đã thức dậy, múa một bài quyền giữa sân chùa. Sư Tuệ Năng ngồi uống trà ở trai phòng, lim dim mắt nhìn đứa trò yêu khi xuống tấn, lúc vung quyền hay phi thân nhả cước. Động tác của cậu dứt khoát và mạnh mẽ. Nhà sư bất giác mỉm cười thanh thản trong lòng. Ngài tin rằng Hữu Tiến sẽ hoàn thành tốt bài học thực hành đầu tiên về binh pháp trong phần Tập Địa. Già lam sớm nay đặc cách nấu một nồi cháo loãng, có đỗ xanh cho mọi người ăn với đường phổi, tiễn chân Hữu Tiến đi dã ngoại. Loại đường quí hiếm này nhà chùa chỉ dùng khi tiếp khách quan trọng. Sư Tuệ Năng không nói ra lời, nhưng rất hài lòng trước mối thân tình của già lam với đứa trò yêu. Nhà sư khoan thai đứng dậy, nhắc Hữu Tiến đã đến giờ xuất hành. Bóng cậu thiếu niên đã khuất sau cánh cửa chùa, già lam mới sực nhớ ra, vội cầm nải chuối ngự, lật đật chạy theo, buộc vào đầu cây gậy trúc cho cậu, miệng lẩm bẩm cầu chúc cậu thượng lộ bình an. Hữu Tiến quay lại vái tạ già lam rồi hăm hở băng đồng, nhằm hướng đường cái quan còn khuất lấp trong sương mờ. Cậu đã xem kỹ bức địa đồ, nhẩm tính trong ngày đầu sẽ đi qua mười con suối lớn và năm đoạn đường đèo dốc quanh co để đến một thung lũng rộng, chạy dài theo hướng Bắc - Nam. Ở đó cậu sẽ tìm một nhà dân nghỉ nhờ và ghi chép lại những gì quan sát được trên đường. Hôm sau cậu sẽ quay trở về nơi ngã ba xuất phát, dọc đường sẽ dừng lại ở một vài nơi, hỏi chuyện các già làng về phong tục tập quán của họ và lai lịch các địa danh có hình sông, thế núi đặc biệt. Ngày thứ ba, cậu sẽ từ ngã ba ấy theo đường độc đạo đi về phía biển. Dò trên bức địa đồ, cậu dự đoán khoảng nửa ngày sẽ đến ngã ba sông Thu Bồn gặp con sông Vu Gia. Vừa hay nơi ấy có địa hình lợi cho việc bày trận “Tiểu Chu Thiên cửu biến: Trường xà liên châu” để lấy sức yếu phá thế giặc mạnh. Như vậy vào lúc ăn trưa, cậu có thể ghi chép tỉ mỉ mọi điều quan sát được và trở về chùa vừa lúc trời tối, hoàn thành bài tập binh pháp ba ngày như sư phụ đề ra. Hữu Tiến cảm thấy vững tin, lòng rạo rực niềm vui, bước những bước dài sảng khoái. Có lẽ sư phụ đã nhiều lần thị sát con đường này nên Ngài vạch sẵn cung đường có nhiều hình sông, thế đất khác lạ để cậu tự biến hoá trong bài tập đầu tiên. Tri thức của sư phụ thật sâu rộng, lại rất chuộng sự thực hành hơn là sách vở. Vậy mà mỗi khi nhắc đến thúc phụ Duy Từ, ngài thường tự ví mình như con đom đóm so với mặt trời. Chắc hẳn thúc phụ phải là người phi phàm xuất chúng trong cõi nhân gian. Lúc còn ở nhà, phụ thân của cậu cũng không ngớt lời ca ngợi Duy Từ, dặn cậu suốt đời noi gương thúc phụ mà học hành phấn đấu, nuôi chí anh hùng. Bất giác cậu chạnh lòng nhớ quê, nhớ con sông Ngàn Sâu và trang trại của phụ thân dưới chân núi Vụ Quang. Cậu khao khát một ngày trở về thắp nén nhang lên phần mộ mẫu thân.

*

*             *

Ở ngã ba, nơi hai con sông Thu Bồn và Vu Gia hợp lưu đổ ra biển có mấy quả đồi thoai thoải, cỏ mọc xanh mởn, lúp xúp những bụi hoa sim, hoa mua mọc rải rác, tô điểm thêm cho cảnh vật như bức tranh thuỷ mạc đời Tống ta thường gặp ở các dinh thự hay tiệm cao lâu sang trọng. Đây là khu vực chăn thả gia súc của nhà phú hộ Cao Nham. Trâu bò của ông cỡ hàng vài chục con, lại thêm đàn dê đông đúc, kêu be be chạy đuổi nhau nô đùa trên thảm cỏ. Coi sóc đàn gia súc là một ông lão để râu ba chòm lốm đốm nhiều sợi bạc, vốn là một gã ăn mày. Ông đến làm thuê cho phú hộ Cao Nham vào một đêm mưa gió. Bữa đó ông kiệt sức vì đói và cảm lạnh, nằm co quắp dưới chân tường, gần cổng ra vào của nhà phú hộ. Tiếng rên của ông làm đàn chó trong sân sủa loạn. Người ta khiêng ông vào cạo gió, thay quần áo, nhưng ông vẫn mê sảng, luôn miệng gọi những tên người: Thục Nga, Hữu Dư, Tuệ Năng... Đồn rằng lúc mới đến gã ăn mày có dáng vẻ một nhà Nho nghèo, nom quắc thước và rất khó đoán tuổi. Sau trận ốm dài, được phú hộ họ Cao tốt bụng hết lòng chăm sóc, ông khỏi bệnh nhưng râu tóc mọc dài, có nhiều sợi bạc, nên mới biến thành ông lão. Cảm cái ơn cứu mạng, ông tình nguyện ở lại chăn trâu không công cho nhà phú hộ. Lúc rảnh rỗi ông làm thơ rồi đọc cho các ngư phủ ngoài bến sông nghe, lại dạy họ nhiều điệu hát cho quên sự mỏi mệt. Nghe các ngư phủ trong vùng ca ngợi cảnh đẹp của cửa biển Tư Dung, ông lão cao hứng làm bài thơ “Tư Dung vãn” dài hơn 300 câu lục bát, mượn cảnh thần tiên ấy ca ngợi chúa Tiên[3] Nguyễn Hoàng:

 

Cõi Nam từ định phong cương

Thành đồng chống vững, âu vàng đặt an

 

Hay như:

 

Đoái lòng thương hải rộng thênh

Bâng khuâng sẽ nhớ đức lành tiên quân

Đường Ngu lấy đức trị dân

Súng trời buông lửa, sóng thần nép oai...

 

Có lúc, hình như cảnh ấy gợi niềm thương nhớ của ông lão về một người bạn là vị thiền sư đang trụ trì ở đâu đó:

 

Thơ thôi, vẫy gọi Thiền tăng

Cảnh này sư có vui chăng hỡi thầy.

Nghêu ngao tắm suối nằm mây

Thị phi mặc thế tháng ngày thung dung

Làu làu gương sáng giá trong

Vui niềm son đỏ, lánh vòng bạc đen

Người Đà nên đứng cao Thiền

Phật dầu chưa hẳn, ắt Tiên đã gần.

 

Lại có lúc ông lão tưởng tượng mình ra cửa biển Tư Dung gọi ngư phủ dưới thuyền lên bờ đàm đạo thế sự nhân tình:

 

Khách nghe cả gọi ngư ông

Thuyền người đậu đó, tớ cùng luận chơi

So xem trong đạo làm người

Lấy nơi đâu chánh, bỏ nơi đâu tà...

 

Ông còn có bài thơ “Ngoạ Long Cương vãn”, tự ví mình như Gia Cát Lượng đời nay nên đám ngư phủ gọi ông là “lão ngông”. Mà ngông cũng chẳng oan, vì một ông lão chăn trâu có đận đi ăn mày lại dám so với Thừa tướng Gia Cát võ hầu thì thật tức cười. Tuy vậy, hết thảy ngư phủ trong vùng đều thuộc lòng cả hai bài thơ. Những lúc ngồi buồn trên thuyền hay khi uống rượu, họ thường nghêu ngao hát hai bài thơ ấy.

 

Nhà phú hộ có cô con gái lớn Cao Thị Nguyên, goá chồng, tuổi ngoài ba mươi, ở vậy nuôi con gái lên mười, nhưng nhan sắc vẫn còn mặn mà. Phú hộ họ Cao nghe lời khuyên của lão ngông, đổi tên nàng thành Vân để tránh tên huý của chúa Sãi. Nàng Vân rất mê thơ và nghe ông lão chăn trâu hát. Vân cố nài nỉ song thân, đòi được hàng ngày mang cơm cho ông để được trò chuyện, chiêm ngưỡng một con người ngông nghênh, lập dị mà nàng dự cảm thấy bên trong ông tiềm ẩn sự phi thường. Lúc đầu, ông có ý lạnh nhạt, lảng tránh con mắt tha thiết của nàng. Dần dà, họ thành đôi bạn thân thiết, đọc được tâm trạng và ý nghĩ của nhau. Ông kể cho nàng nghe những cuộc chu du kỳ thú trên miền rừng núi hoang vu của nước Xá Lợi, nước Lâm Ấp với những mái nhà rông và tiếng cồng chiêng bên bếp lửa bập bùng. Ông hát cho nàng nghe những điệu dân ca sâu lắng, mượt mà ở vùng đồng bằng Cửu Long Giang xa xôi của nước Thuỷ Chân Lạp. Những lúc buồn nhớ quê hương ở xứ đàng ngoài, ông cầm đũa gõ vào chiếc chén úp thay trống chầu, để hát những điệu ca trù nghe bổng trầm, tha thiết, du dương, và ca từ chính là những bài thơ ông viết. Nàng Vân nhớ mãi một lần vào lúc xẩm tối, ông lão ngông lùa trâu về chuồng, gặp rất đông quan khách đến dự tiệc mừng thọ Cao Nham. Trong số ấy có nhiều kẻ ngạo mạn, rượu vào lời ra, thả sức cao đàm khoát luận về văn chương, chữ nghĩa trong các sách của thánh hiền. Lão ngông đứng ở giữa sân, khoanh tay nhìn họ cười nhạt. Một gã say trừng mắt, đứng dậy, sấn đến túm ngực lão ngông quát:

 

- Thằng khố rách chăn trâu biết gì chữ nghĩa mà dám đứng đây nghe vụng?

Lập tức đám đông nhao nhao xỉ mắng:

- Cút xéo ngay, đồ mạt hạng!

- Thả chó ra cho nó cắn chết thằng khùng.

- Loại người tha phương cầu thực ở xứ đàng ngoài vào đây sao không biết thân biết phận?

- Trói cổ nó đem lên quan bỏ tù cho bõ ghét...

 

Chủ nhà Cao Nham vốn biết con gái mình có tình ý với lão ngông, chợt nảy ra ý muốn nhân dịp này thử tài lão. Ông đứng dậy can ngăn mọi người hãy yên lặng, bình tĩnh nghe gã chăn trâu nói sau rồi có muốn bắt tội cũng chưa muộn. Lão ngông thấy vậy liền ngửa mặt lên trời cười vang. Lát sau, lão bước lại gần dãy bàn tiệc, nhìn khắp lượt mọi người và nói:

- Chư vị ngồi đây thảy đều vỗ ngực là Nho sinh hay văn nhân, thi sĩ, nghĩa là toàn những bậc cao sang tôn quí. Lão ngông ta rõ ràng là kẻ chăn trâu, cắt cỏ. Nhưng chư vị hãy nên nhớ rằng Nho có Nho quân tử và Nho tiểu nhân, chăn trâu cũng có người chăn trâu anh hùng và kẻ chăn trâu tôi tớ, hèn mọn, cao thấp khác nhau, hiền ngu chẳng phải một. Nay cứ tạm gọi tôi là đứa tiểu nhân đứng nhìn chư vị, tất chẳng liên quan gì đến sự tôn quí, có tội lỗi gì mà xua đuổi?

- Vậy nhà ngươi hãy nói cho rõ thế nào là Nho quân tử, Nho tiểu nhân? - Một người trong bọn chất vấn.

- Phàm là Nho quân tử thì trên thông thiên văn, dưới hiểu địa lý, giữa thấu việc người. Ở nhà tất phải giữ đạo cha con, anh em, bạn bè, chồng vợ... trật tự phân minh, nghĩa tình vẹn đủ. Đối với nước tất phải biết mưu lược yên dân giúp đời, cứu hiểm phò nguy, bày binh bố trận, vào chính ra kỳ,  lập công danh, lưu sự nghiệp rạng rỡ nghìn thu. Nhà Thương có Y Doãn, nhà Chu có Thái Công, nhà Thục Hán có Gia Cát Lượng, còn bên ta có Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi... là những người như thế. Lại nói về Nho tiểu nhân thì tài học chỉ ở chỗ tằm chương trích cú, háo danh cầu lộc; cậy danh là Nho mà chỉ biết cười gió cợt trăng, kiêu căng giấu dốt, xu nịnh luồn cúi, hống hách khoe khoang..., hỏi làm sao hiểu được ý chí của thánh hiền, đạo lớn của thiên hạ? Hoạ may họ leo được ghế này phẩm nọ, nhất thời được coi sóc dân chúng xử lý chính sự thì trăm phương nghìn kế mưu cầu lợi riêng, không nghĩ rằng sâu mọt hại dân chính là thứ giặc nội xâm, nguy cơ mất nước sờ sờ ra đó mà giả đui giả điếc. May hơn nữa mà được dự bàn kế sách lớn của nước nhà thì mặc người khác lo toan suy nghĩ, còn mình chỉ bàn tán rông dài, thao thao múa mép như bọn Kiều Hạo, Vương Diễn đời Tấn bên Tàu, loại người ấy có gì đáng nói đến. Ở bên ta cũng có  gương tày liếp là bọn tiểu nhân Ích Tắc, Nhật Hiệu đời Trần đấy thôi!...

 

Khắp mấy bàn tiệc ai nấy nghe xong sững sờ, kinh ngạc. Nhưng vẫn có người hung hăng hỏi tiếp:

- Thế còn loại người chăn trâu anh hùng với chăn trâu tôi tớ ra sao, hãy nói thử cho chúng ta nghe một thể? Ha ha! Chăn trâu mà cũng có anh hùng sao?

- Này người kia, mau dỏng tai mà nghe lão ngông này nói tiếp: Kẻ chăn trâu vẫn có Ninh Thích phục hưng được nước Tề, Điền Đan tung lửa đốt giặc thu lại hết các thành trì bị mất vào tay nước Yên, Hứa Do cho trâu uống nước ở khe mà có thể phân biệt hưng - vong - trị - loạn, Bách Lý Hề chăn dê ở miền hoang nước Tàu mà biết được thời vận bĩ - thái, thịnh - suy. Đó há chẳng phải là những kẻ chăn trâu, dắt dê anh hùng trong sách sử nước Tàu đó sao? Sử bên ta cũng đã từng ghi nhận cậu bé chăn trâu Đinh Bộ Lĩnh phất cao cờ nghĩa, dẹp loạn mười hai xứ quân, thu giang sơn qui về một mối, liệu chư vị ngồi đây có dám so mình với hoàng đế chăn trâu nhà Đinh?... Còn như hạng chăn trâu tôi tớ thì quẩn quanh trong cõi, xe chở đấu lường, no thì bỏ thừa, đói thì xin ăn, trộm quả ban ngày, khoét vách ban đêm, làm xấu lây các bậc cha anh, để oán giận cho làng trên xóm dưới... Loại Nho tiểu nhân ban nãy vừa nói, nếu gặp lúc khốn cùng tất sẽ thành kẻ chăn trâu tôi tớ cả thôi.

 

Mọi người nghe lão ngông nói năng lưu loát, bác cổ thông kim, thảy đều giật mình cứng lưỡi, ngồi im thin thít, trán vã mồ hôi, nháy nhau lỉnh dần. Chủ nhà Cao Nham thấy vậy mừng khôn xiết, ân cần cầm tay lão ngông nói:

 

- Tài giỏi như vậy, sao ông giấu mắt lão phu? Thật là xót xa, mấy tháng nay lão để ông phải phong trần dính áo, ngọc đá chẳng phân, công gà lẫn lộn! Lão phu không biết nhìn người, có tội lắm, có tội lắm!

 

Nàng Vân chứng kiến mọi việc xảy ra trong bữa tiệc mừng thọ, lòng tràn ngập vui sướng, càng yêu say đắm lão ngông. Những ngày sau đó nàng lại cảm thấy u sầu, hờn tủi vì song thân nàng may sắm quần áo, mời ông lên ở nhà trên có kẻ hầu hạ mà ông vẫn một mực từ chối, an phận làm kẻ chăn trâu. Đã có lúc phụ thân nàng đánh bạo gợi ý sẽ tác hợp cho hai người nên vợ nên chồng, nhưng ông bảo mình sự nghiệp chưa thành, không muốn vướng bận thê nhi. Nàng Vân đành ôm hận, chờ đợi mỏi mòn thành người ốm lửng, ngày một hao gầy...

 

Hữu Tiến rong ruổi đi bộ trên con đường độc đạo dẫn ra phía biển lòng đầy hứng khởi. Hai ngày đầu cậu đi về hướng  miền Tây Quảng Nam học được bao điều lạ, lại được mở rộng tầm mắt bao quát một vùng rừng núi hiểm trở và kỳ vĩ. Cậu thầm biết ơn sư phụ đã cho mình cơ hội dã ngoại nhiều bổ ích. Cậu đến bờ sông Thu Bồn, nơi gặp dòng Vu Gia, cách biển chừng hơn một dặm thì trời đã tròn bóng nắng. Cậu thơ thẩn leo lên sườn một quả đồi, nhìn ra bốn bề đồng lúa bao la sông nước, gió thổi lồng lộng. Nơi đây có đồi dốc thoải, có sông rộng hợp lưu xuôi ra cả biển, lại có đồng lúa xen lẫn ao đầm um tùm lau sậy, thật đắc địa cho việc dụ binh của giặc từ xa đến mà lấy sức nhàn cự nhọc. Cậu thấy lâng lâng xao xuyến khi thấy đàn bò, trâu, dê nhẩn nha gặm cỏ trên các sườn đồi đầy cỏ non xanh mởn. Xa xa, mấy nếp nhà tranh ẩn mình sau luỹ tre, yên bình và thơ mộng. Lúc nãy, trên đường đến đây, cậu có ghé qua thăm một chợ quê khá tấp nập người mua, kẻ bán. Hàng hoá trong chợ thật phong phú, có nhiều sản vật của người Thượng trên núi cao của nước Xá Lợi, lại có những sản vật gốm sứ vùng Trấn Biên của nước Thuỷ Chân Lạp đưa ra theo đường biển, còn nông lâm hải sản của đất Quảng thì ngập đầy các sạp hàng, lều chợ. Cậu nhớ lại lời của sư phụ nói với già lam Huỳnh Bảo: “Muốn biết lẽ thịnh suy của nước, chỉ cần đi vào các chợ quê, nhìn từng gương mặt đàn bà, con gái ở đó thì khắc hiểu”. Cậu đã gặp họ và cảm thấy họ rạng ngời niềm vui hạnh phúc. Điều ấy đủ biết quan Tổng trấn Quảng Nam là Nguyễn Phước Kỳ, con trai cả Nguyễn Phước Nguyên cai trị dân có phép tắc nghiêm cẩn và nhân hậu. Thêm nữa, cậu còn nghe dân chúng đồn đại nhiều chuyện ly kỳ, thú vị về lão ngông nào đó, chăn trâu cho nhà phú hộ họ Cao. Hành tung bí hiểm, tài làm thơ, đàn hát và kiến thức sâu rộng của lão ngông này chợt khiến cho cậu liên tưởng đến thúc phụ Duy Từ. Cậu hồi hộp, khấp khởi mong sao điều phỏng đoán đó là sự thật. Những đàn trâu, bò và dê kia đang ăn cỏ bên sườn đồi, phải chăng là của phú hộ họ Cao? Nếu vậy, nhất định cậu sẽ được gặp lão ngông, tất rõ thực hư. Hữu Tiến quên đói, bỏ bữa ăn trưa, bủa đi sục sạo, tìm kiếm khắp mấy quả đồi thì gặp chiếc lều cỏ sơ sài che mưa nắng. Cậu bước vào lều, gặp một ông già đang ngồi xoay lưng lại trên chõng tre, trầm ngâm đọc sách. Chiếc nón rách và cây gậy trúc gác lên đùi làm giá đỡ cho cuốn sách đã nhầu nát, ố vàng. Cậu sững người ngắm kỹ ông lão hồi lâu rồi quỳ xuống đất gọi to:

 

- Thúc phụ!... Cháu... cháu là Hữu Tiến ở sông Ngàn Sâu vào tìm thúc phụ đây.

- Ta đang nằm mê chăng?... Hữu Tiến!... Sư phụ của con đâu? Sao con tìm được chốn này?...

Đào Duy Từ bàng hoàng sung sướng. Chiếc nón rách và cây gậy rơi xuống nền đất. Ông cầm cuốn sách, xoay lưng lại,  nhìn Hữu Tiến đang quỳ trước mặt. Cậu vùng dậy, lao tới, ôm chặt lấy Duy Từ, nghẹn ngào nói:

- Thúc phụ không nằm mê đâu. Con và sư phụ Tuệ Năng đêm ngày mong ngóng, không ngờ thúc phụ lại ra nông nỗi này.

- Con vẫn chưa trả lời ta, sư phụ của con giờ ở đâu?

- Ngài ở chùa Long Hưng, chờ thúc phụ, sao thúc phụ không đến? Vì sao thúc phụ phải chăn trâu cho người ta? Con chắc sư phụ Tuệ Năng sẽ rất đau lòng khi biết thúc phụ rơi vào cảnh khốn cùng này.

- Chăn trâu cũng là một nghề lương thiện, có sao đâu. Ơ kìa, Hữu Tiến! Sao con lại khóc?

- Con thương thúc phụ quá! Sao ông trời lại nỡ đoạ đầy một người như thúc phụ?

- Bình tĩnh đi con. Tự ta muốn vậy chứ đâu phải trời đầy.

- Nhưng sao thúc phụ không đến chùa?

- Chuyện dài lắm! Ta chịu ơn cứu mạng của phú hộ họ Cao nên ở lại chăn trâu trả nghĩa người ta. Việc đã nhận rồi, biết lấy ai thay ta trông đàn gia súc, để lên chùa Long Hưng gặp sư phụ của con. Gặp mặt con ở đây ta không còn lo gì nữa. Nào, hãy đứng dậy cho ta nhìn kỹ đứa cháu yêu, nghĩa tử của ta.

 

Hữu Tiến từ từ đứng dậy. Duy Từ gạt nước mắt, tay run run sờ nắn khắp người cậu. Ông không ngờ đứa bé mười tuổi năm xưa nay đã lớn vồng thành một thiếu niên tuấn tú, sức vóc cường tráng. Càng nhìn càng thấy cậu giống Thục Nga từ vầng trán, đôi mắt, sống mũi, cái cằm, đến miệng cười, giọng nói. Hình ảnh người bạn gái thủa ấu thơ ở làng Hoa Trai quê nhà lại hiện lên trong trái tim ông. Bao năm qua đi, có lúc nào ông nguôi thương nhớ nàng. Vì cái miệng cười và ánh mắt ấy mà thủa còn trai tráng ông đã khước từ tình yêu của nàng Thục Anh bên đất Tàu, giờ đây ông cũng đang lưỡng lự trước mối tình của nàng Vân, con gái phú hộ họ Cao. Đã có lúc ông xiêu lòng vì thấy nàng Vân có thể lấp vào chỗ trống vắng của đời mình, ông cũng cần một tổ ấm muộn mằn, trước khi quyết định vào phủ chúa ra mắt Nguyễn Phước Nguyên. Nửa năm chăn trâu ở đây ông đã dò hỏi được nhiều điều về cha con Nguyễn Phước Nguyên và Nguyễn Phước Kỳ. Ông thấy họ nối được chí hướng của Nguyễn Hoàng nên mới chủ tâm làm bài thơ “Tư Dung vãn” để các ngư phủ trong vùng truyền cho nhau hát trên thuyền, đánh tiếng thăm dò với phủ chúa ngoài Thuận Hoá. Bài thơ “Ngoạ Long Cương vãn”, ngày xưa ông đã từng gảy đàn, hát cho Nguyễn Hoàng nghe ở chùa Tiêu Sơn ngoài Bắc, đám ngư phủ cũng thuộc lòng, truyền đi rất xa, ắt có ngày đến tai Nguyễn Phước Nguyên. Ông chỉ giữ kín miếng lụa trắng có bút tích Nguyễn Hoàng ghi bài thơ xướng hoạ giữa hai người. Nó chỉ có thể là kỷ vật giữa ông và chúa Tiên, chứ thâm tâm ông không muốn dùng nó làm bùa hộ mệnh để được tiến cử. Người ta không biết tên thật, gọi ông là lão ngông, cũng vì ông còn muốn giáp mặt Nguyễn Phước Nguyên, dò xét thêm lần cuối về chí hướng của bậc minh chúa trước khi quyết định bộc lộ mình. Dẫu sao, ông đã dự cảm thấy ngày thực hiện lời uỷ thác của đại sư Duy Giác giúp họ Nguyễn mở cõi, hùng cứ phương Nam đang đến gần. Ở tuổi năm mươi, ông cần một tổ ấm và cần có người nối dõi tông đường. Nàng Vân là người hiểu ông như Thục Nga đã từng hiểu và thương ông. Điều ông ray rứt là chưa có tin tức gì của cha con Hữu Dư - Hữu Tiến, nên chưa thể an tâm đáp lại mối tình của nàng Vân. Nay giọt máu để lại của Thục Nga xuất hiện làm xao động hồn ông, khơi dậy trong ông tình yêu thời trai trẻ, tưới lên cánh đồng khô khát trong ông trận mưa rào của nỗi đam mê, của niềm khát vọng. Bất giác ông ôm chầm lấy Hữu Tiến, nuốt những dòng lệ chảy tràn, gọi thầm hai tiếng “Thục Nga”... Bên tai ông vẳng nghe tiếng thì thầm của nàng Vân hay của Thục Nga, ông cũng không biết nữa...



[1] Già lam: người (nam giới) trông coi chùa

[2] Không Quan, Giả Quan, Trung Quan: cõi trời, cõi âm, cõi dương (theo Toan Ánh)

[3] Chúa Tiên: tên mà dân Nam thường gọi chúa Nguyễn Hoàng (ví như vị Tiên), giống như các tên chúa Sãi, chúa Nghĩa, chúa Hiền... sau này.  

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8   9    10    11    12   
Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 2710
Ngày đăng: 28.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dầu máu - Vĩnh Trà
Gia phả dòng họ Đinh - Dương Ðình Hùng
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)