Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.077
123.233.783
 
Ba nhà cải cách- Tiểu thuyết lịch sử
Vũ Ngọc Tiến
Chương 9

HỒI THỨ CHÍN

 

Minh chúa thâu đêm bàn mở cõi

Anh hùng suốt sáng luận cơ mưu

 

Nắng chiều lạt dần rồi lịm tắt. Xa xa phía trời Tây, dãy Trường Sơn đã ngậm già nửa mặt trời. Cánh đồng trên bờ sông Vu Gia chỉ còn những vệt sáng chuyển sang mầu tím sẫm. Những cánh cò thôi bay, rủ nhau về ngủ trên các bụi tre. Trong nhà phú hộ họ Cao, nàng Vân ngơ ngẩn vào ra, ngóng đợi đàn trâu về chuồng mà sao chưa thấy. Có lẽ lão ngông gặp chuyện gì chăng? Thường ngày vào giờ này, nàng đã thấy ông ngả nón, xếp gậy vào góc sân và ra bờ giếng kéo gầu nước lên, ngửa cổ uống từng hớp ngon lành. Nàng sẽ bồi hồi ngắm lồng ngực đỏ au, cặp mắt sáng rực và bộ râu ba chòm của người mình thương nhớ. Nàng sẽ mang khăn chạy ra đưa ông lau mặt và giục ông ăn cơm tối với cá bống kho riềng hay tép khô rim với khế chua mà ông ưa thích. Trời tối dần, vẫn chưa thấy ông lùa đàn trâu về, khiến nàng phấp phỏng lo âu. Nàng tất tưởi chạy ra đầu làng đón đợi. Kia rồi, ông đang về cùng với một cậu thiếu niên tuấn  tú, ăn mặc theo lối nhà chùa. Cậu cầm gậy lùa trâu đi trước, còn ông lững thững theo sau, nói cười vui vẻ. Chưa lần nào nàng thấy ông vui như hôm nay. Ông đã tìm gặp lại được người thân, điều ấy đã rõ. Nhưng cậu thiến niên ấy quan hệ với ông thế nào? Nàng đã nguyện một lòng thờ phụng ông, sẵn sàng chia xẻ cùng ông niềm vui và nỗi buồn, nếu đó là con trai của ông, cũng sẽ là con của nàng; nếu nó là người cùng quê, nàng sẽ nói với song thân thu nhận vào làm việc nhẹ, phụ giúp nàng đưa cơm cho thợ cấy, thợ cày. Chỉ mong sao ông đón nhận tình yêu của nàng vun đắp hạnh phúc lâu dài, thì dù có phải tát cạn sông Vu Gia để ông được vui như chiều nay, nàng cũng làm bằng được.

 

Lão ngông dắt Hữu Tiến lên nhà trên, chào vợ chồng Cao Nham và giới thiệu với nàng Vân. Cả nhà mừng rỡ, ân cần thăm hỏi và nài ép hai người cùng ăn cơm tối ở nhà trên, không chịu để họ xuống ăn ở nhà dưới. Trong bữa ăn, cô bé Hương, con gái nàng Vân nhanh chóng làm thân với Hữu Tiến. Nhìn đôi trẻ quyến luyến nhau, bất  giác Duy Từ chạnh nhớ đến cô bé Thục Nga năm xưa tiễn mình đi chùa Đàn Xuyên theo học đại sư Duy Giác. Con bé Hương kia cũng trạc tuổi nàng năm ấy. Có lẽ  trời phật muốn xe duyên cho hai đứa trẻ này chăng? Ông liếc nhìn sang nàng Vân, cảm thấy nàng cũng chung một ý nghĩ. Cả hai cùng ý tứ nhìn nhau mỉm cười. Khi ông trình bày với Cao Nham muốn xin nghỉ vài ngày theo Hữu Tiến lên chùa Long Hưng thăm sư Tuệ Năng, nàng Vân chợt giật mình lo sẽ mất ông. Nàng khẽ thở dài nhìn vào mắt ông, cúi đầu the thắt buồn. Ông hiểu và thương nàng, muốn ôm nàng vào lòng an ủi rằng ta sẽ quay về, nhất định sẽ quay về cùng nàng xe tơ kết tóc. Ta sẽ cho nàng biết, ta không phải là lão ngông, ta là Đào  Duy Từ nuôi chí vào Nam, giúp chúa mở cõi, giúp dân lập nghiệp, giúp đời tương ái.

 

Đêm ấy Duy Từ và Hữu Tiến nằm trong ổ rơm, rì rầm tâm sự đến sáng. Ông hỏi thăm tình hình làm ăn ở trang trại của Hữu Dư ngoài Bắc và những dân di cư đói khổ trên đường vào Nam được Hữu Dư giúp đỡ ra sao. Ông hỏi chuyến đi của thày trò Tuệ Năng - Hữu Tiến từ sông Ngàn Sâu vào chùa Long Hưng qua những nơi nào, phong thuỷ và tập quán dân chúng có gì khác biệt. Ông hỏi về việc học văn, luyện võ của Hữu Tiến. Trong câu chuyện, cậu kể lại cho thúc phụ nghe về ba ngày thực hành binh pháp mà sư phụ đã bố trí vừa rồi. Duy Từ thầm cảm phục, biết ơn sư Tuệ Năng đã không quên nghiên cứu tập bản thảo cuốn “Hổ trướng khu cơ” mà mình dày công khởi thảo suốt cả một thời trai trẻ. Ông cũng mừng vì Hữu Tiến rất thông minh, sớm nắm được cái hồn của mỗi trang viết trong cuốn sách ấy. Nó chưa hoàn thiện, cần được ông suy ngẫm chỉnh lý nhiều, nhưng vẫn có thể giúp đứa con trai duy nhất của Thục Nga làm nên sự nghiệp sau này. Gần sáng, ông nói với cậu:

 

- Hoá ra sư phụ của con đã tiên đoán trước những nước cờ mà ta sẽ sắp đặt trên chính trường ở phương Nam. Sư Tuệ Năng có nói thêm gì với con trước lúc khởi hành không?

- Sư phụ chỉ đặt ra cho con hai tình huống, nếu ta đánh nước Xá Lợi thì hành quân, lập trại và giao chiến trên vùng rừng núi hiểm trở ra sao; còn nếu họ đem quân xuống đồng bằng ven biển cướp phá thì cự lại bằng cách nào?

- Vậy giả sử chiều qua, ở ngã ba sông Vu Gia - Thu Bồn có giặc, con định ứng xử cách gì?

- Trong binh pháp của thúc phụ có dạy phải lấy sức nhàn cự nhọc, chọn địa thế có lợi rồi nhử cho giặc sinh kiêu mà vây hãm. Vì thế, con định sẽ thưa với sư phụ rằng nếu con làm tướng sẽ vờ đánh nhau với giặc ở thung lũng thượng nguồn sông Thu Bồn rồi vừa đánh vừa lui, nhử giặc đến đầm lầy ven sông Vu Gia, lúc đó sẽ vây bọc chúng lại để quyết chiến.

- Tại đây con sẽ dùng trận pháp gì?

- Con sẽ dùng phép “Lưới trời yểm trại” của thúc phụ viết trong sách hôm qua con đọc.

- Nói cụ thể hơn cho ta nghe.

- Thưa thúc phụ, con đang lúng túng, chưa biết vận động kết hợp trong ngoài ra sao cho phù hợp với địa thế có ruộng, có đồi,  có sông, có biển như ở đây.

- Ta sẽ giảng cho con rõ: phép đánh trận có chính binh và kỳ binh, có lực lượng tiên phong và quân dự bị. Hãy xem xét địa thế ở đây thật kỹ, con sẽ mường tượng ra ba điểm có địa hình đặc biệt mà tùy nghi bày binh, bố trận. Trên các sườn đồi, con chọn những đội binh tinh nhuệ đào hố ẩn nấp để ém quân chờ dịp xuất thần độn thổ xông ra. Ở cửa sông, con lập một thuỷ trại thành thế ỉ dốc làm lực lượng dự bị. Nơi quyết chiến với giặc theo phép “Lưới trời yểm trại” con chọn ở đầm lầy, ruộng lúa kẹp giữa hai sông Vu Gia và Thu Bồn. Phép làm trại, trước lấy dây gai làm lưới thật to, bốn mặt đều có mảnh tre làm nẹp, bốn góc lại có vòng sắt, mỗi vòng đường kính rộng chừng hai tấc. Bốn bên lưới ấy, chia đều trên mặt đất làm bốn góc, mỗi góc đóng hai cọc cao hai thước, cách nhau một thước, đầu cọc đục xuyên một lỗ chừng một tấc năm phân, hai lỗ ở hai cọc đồng tâm với nhau, bốn góc đều thế. Con dùng gỗ dài đẽo bốn cái cột neo, mỗi cái dài tám  thước, một đầu đóng cốt sắt vào (to một tấc chín phân), còn đầu kia đục lỗ to hai tấc xuyên ngang. Con lại lấy thanh gỗ cứng dài một thước sáu tấc, rộng một tấc chín phân, bốn góc lưới làm đủ như thế. Đến khi dùng, trước hết đem neo để ở quãng giữa hai cái cọc, lấy thanh gỗ rắn cắm vào như hình cái chàng xay, rồi lấy cán gỗ đầu neo cắm vào vòng sắt ở bốn mặt lưới và giương lưới lên cao. Sau đó dùng bốn cây nống mà nống bốn cái neo lên, lại lấy bốn sợi dây chão buộc vào chân cây nống kéo ra. Xong rồi, con lấy một mảnh ván vuông hai thước, bốn góc mỗi góc dùi hai cái lỗ, đem đặt lên mặt hố vuông sâu hai thước trên nhỏ dưới to, rồi kéo dây buộc vào các lỗ đã dùi sẵn ở bốn góc tấm ván. Trên lưới treo các thứ đao, thương, tên, đá và bên ngoài lưới làm sẵn các lều trại giả như ém quân trong đó để nhử giặc đến. Quân giặc đang kiêu, tham lợi hùa nhau xông vào cướp trại, xéo vào tấm ván vuông, ván sập xuống, dây giật cây nống bốn mặt đổ xuống như lưới bẫy chim sẻ, giặc tha hồ mà kêu gào, giãy dụa.

 

Duy Từ giảng tiếp:

 

- Phép “Lưới trời yểm trại” của ta chỉ dùng bẫy giặc vào ban đêm, ở nơi đầm lầy hay ruộng lúa. Khi quân giặc bị sập bẫy, đội hình rối loạn thì các đội kỳ binh ẩn nấp trên sườn đồi cùng nhất loạt khua chiêng, đánh trống mà ào xuống, phối hợp với quân ở đầm lầy vây bọc trong ngoài quyết chiến. Lúc này quân ở thuỷ trại ngoài cửa biển theo pháo lệnh chia thuyền thành hai mũi tiến vào hai dòng sông Vu Gia, Thu Bồn để tiếp ứng, truy kích giặc...

 

Mờ sáng hôm sau, Duy Từ và Hữu Tiến vái chào gia đình phú hộ họ Cao, hăm hở đi về chùa Long Hưng. Nàng Vân lưu luyến tiễn chân hai người ra tận cổng làng, nước mắt lưng tròng. Duy Từ cầm tay nàng an ủi, hẹn trong vài ngày sẽ quay lại. Nàng gục đầu trên vai ông thổn thức không muốn rời xa. Cô bé Thu Hương cũng quấn quýt bên Hữu Tiến, muốn theo cậu lên chùa. Duy Từ bồi hồi xúc động. Ông thoáng nghĩ về Thục Nga, thầm cầu khấn nàng linh thiêng hãy về chứng giám cho cuộc tình của ông với nàng Vân mà sau này tác hợp cho Hữu Tiến với bé Hương, để gắn kết mãi mãi các thế hệ mai sau trong một mái nhà chung của những kẻ mồ côi, bất hạnh vì chiến tranh tàn khốc. Cuộc đoàn tụ của ông với sư Tuệ Năng ở chùa Long Hưng suốt mấy ngày sau đó đã bù đắp những tháng năm cô đơn, đem lại cho ông niềm tin vào cuộc đời, nuôi lớn trong ông khát vọng mở cõi ...

*

*             *

 Khán lý cống[1], quận công Trần Đức Hoà nhận được thư báo hỉ của người anh em họ ngoại dưới quê là Cao Nham, vui như mở cờ trong bụng. Ông lật đật vào phủ chúa xin ra mắt Nguyễn Phước Nguyên. Dẫu chỉ là người trông coi việc thu thuế, vận lương cho chúa Sãi, nhưng ông vốn quê ở Quảng Nam, thời gian Phước Nguyên làm Tổng trấn đất Quảng có quan hệ thân thiết với gia đình họ Trần, tình như thủ túc, nên khi chúa lên kế nghiệp có ý muốn cất nhắc. Theo quy định thời chúa Tiên, nghiêm cấm việc bổ nhiệm đặc cách vào những chức quan từ tam phẩm trở lên, nếu người đó chưa có công lao gì đặc biệt. Vì vậy chúa Sãi tạm giao cho Trần Đức Hoà chức Khán lý cống,  tuy đứng vào hàng tứ phẩm, nhưng ông được phép ra vào phủ chúa bàn việc cơ mật như quan nhất phẩm, dần dần mới phong tước quận công. Chúa Sãi coi trọng ông không hề vì tình riêng mà sớm nhìn thấy ở con người này bản tính thận trọng, trung thực, hợp với công việc thu thuế, vận lương là chức quan dễ mắc vào tội tham nhũng, hối lộ. Mặt khác, ông xuất thân trong lớp bình dân, có quan hệ rộng với nhiều bậc trí giả ở các địa phương, sẽ rất cần cho việc tiến cử hiền tài ra giúp nước. Thời gian ở Quảng Nam, ông đã tiến cử tướng Nguyễn Hữu Dật làm gia tướng cho quan Tổng trấn Phước Nguyên. Đến khi Nguyễn Hoàng theo kế bày sẵn của Duy Từ ở chùa Tiêu Sơn, Nguyễn Hữu Dật đã lập công lớn, ém quân tại hòn đảo hoang ngoài cửa Ba Lạt, hộ tống chúa Tiên trốn vào Nam an toàn. Giờ đây, Hữu Dật đang đảm trách việc tuần phòng, trấn giữ vùng biên ải giáp ranh với xứ đàng ngoài không hề có một sơ suất nhỏ.

 

Dinh thự của chúa Sãi vừa được xây cất khá công phu, bề thế uy nghiêm không kém gì phủ chúa Trịnh ở kinh đô đàng ngoài. Năm ngoái, chúa kén người xem phong thuỷ, cho khởi công xây dựng ở địa phận xã Phước Yên thuộc huyện Quảng Điền toà lầu gọi là Bác Vọng, hàm ý chúa đêm ngày ngóng vọng các bậc chân tài, bác học theo về họ Nguyễn, đem lại quốc thái dân an, cương thổ mở rộng. Nguyễn Hoàng sinh hạ được mười công tử và hai công nữ, công tử thứ năm Nguyễn Hải phải để lại Đông Đô làm con tin cho chúa Trịnh, công nữ Ngọc Tú cũng gả cho Trịnh Tráng để làm mối giao hoà giữa hai họ Trịnh - Nguyễn. Đồn rằng kể từ khi sinh hạ công tử thứ sáu là Nguyên mới bắt đầu dùng chữ lót là Phước. Một đêm bà Nguyễn Thị nằm  mơ thấy chữ Phước rất to, lấp lánh hào quang rơi vào bụng mình thì chuyển dạ. Nguyễn Hoàng là bậc danh tướng dòng dõi thế gia, học vấn cao minh nên cho là điềm trời cho họ Nguyễn phước lộc để gây dựng sự nghiệp, hùng cứ phương Nam, bèn đặt tên cho con là Nguyễn Phước Nguyên. Từ đó, chúa Tiên hết lòng yêu thương chăm sóc Phước Nguyên, đặc cách giao việc dạy dỗ công tử thứ sáu cho trọng thần Nguyễn Ư Dĩ. Mười năm thử thách làm quan Tổng trấn Quảng Nam của Phước Nguyên rất đẹp lòng chúa Tiên. Ông thấy công tử dốc lòng chăn dân, khuyến nông, khuyến thương, mở mang hải cảng Hội An thông thương với các quốc gia trong vùng; bỏ tiền xây dựng và tu bổ các chùa chiền như Long Hưng, Bửu Châu... Khi chúa Tiên lâm bệnh nặng, ngài có ý muốn truyền ngôi cho công tử thứ sáu Phước Nguyên, gọi các đại thần Nguyễn Ư Dĩ, Tống Phước Trị, Mạc Cảnh Huống lại bên giường bệnh dặn dò: “Các ngươi đều là những trọng thần trung nghĩa, theo ta vào Nam đã mấy chục năm, cùng nhau kham khổ dựng nên cơ nghiệp. Nay ta đã 89 tuổi, chết chẳng ân hận gì, muốn giao gánh nặng cho Phước Nguyên, các ngươi nên đồng lòng hợp sức giúp đỡ nó hoàn thành sứ mệnh, phía Bắc giữ yên bờ cõi, phía Nam mở rộng vương quyền, để lưu danh sử sách”. Các đại thần đều khóc và quỳ xuống nhận lời uỷ thác. Chúa Tiên lại gọi Phước Nguyên bắt phải quỳ lạy tôn ba vị đại thần làm sư phụ, rồi ngài dặn tiếp: “Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, anh em trước hết phải yêu thương nhau. Con giữ được lời dặn dó thì ta yên tâm về với tổ phụ. Đất Thuận - Quảng này phía Bắc có núi Hoành Sơn và sông Linh Giang, phía Nam có núi Hải Vân và sông Thu Bồn, sông Vu Gia, lại có núi Thạch Bi, rừng Đại Lộc nhiều lâm sản và quặng quý hiếm. Đây thật là nơi trời để dành cho người anh hùng dụng võ, xây bền cơ nghiệp. Vậy con phải chuyên tâm yêu dân, siêng năng luyện tập quân sĩ, kính trọng hiền tài để nước nhà cường thịnh. Đất này giữ vững không khó, nhưng muốn mở cõi vào sâu trong Nam hay lên Tây Nguyên cần có một nhân tài kiệt xuất. Lần ra Bắc thứ hai, ta may mắn gặp được tiên sinh Đào Duy Từ ở chùa Tiêu Sơn, trấn Kinh Bắc.  Nhờ có tiên sinh ấy mà ta thoát hiểm vào Nam, lại cài đặt được mạng lưới thám tử ngoài Đông Đô trong cái vỏ ngoài làm thương nhân. Thoắt đã hơn hai mươi năm ta chờ đợi mà Duy Từ vẫn bặt tăm. Thám tử ngoài Bắc cho biết sau khi gặp nạn ở bên Tàu, tiên sinh đã vào Nam mà sao chưa đến ra mắt ở phủ chúa. Khi xưa ở chùa Tiêu Sơn, ta có để lại bút  tích ghi bài thơ xướng hoạ giữa ta và tiên sinh họ Đào. Người này còn kém con một vài tuổi, nhưng đã là thầy ta, tất cũng là sư phụ của Phước Nguyên. Dù phải tát cạn biển Đông, con cũng phải cố tìm cho được tiên sinh Đào Duy Từ” ... Đó là vào năm Quý Sửu (1613). Chúa Tiên băng hà, Phước Nguyên  theo di chúc, sai người đi khắp nơi dò tìm không gặp được Đào Duy Từ. Thoắt đã 6 năm mỏi mòn tìm kiếm, trông đợi mà chúa Sãi vẫn chưa hề nghe được tin tức gì của Đào Duy Từ. Nước nhà đang hưng thịnh, văn võ bá quan trong phủ chúa rất đông, thảy đều giỏi giang, trung tín, nhưng Phước Nguyên vẫn phân vân, lo ngại, khao khát có được một người cầm đầu họ để mở cõi. Các đại thần Nguyễn Ư Dĩ, Tống Phước Trị, Mạc Cảnh Huống... hoặc đã già, không còn đủ sức kham nổi việc lớn, hoặc đã về trời theo gót chúa Tiên. Nguyễn Hữu Dật là danh tướng tài ba nhưng uy tín và tầm vóc trí tuệ chỉ đủ làm tướng tiên phong đoạt thành, phá ải hay trấn thủ một vùng mà thôi. Nguyễn Phước Kỳ, con trai cả của chúa Sãi có tài cai trị dân nhưng chưa đủ sức chỉ huy các tướng đi mở rộng bờ cõi. Gần đây Phước Kỳ từ Quảng Nam sai người tâm phúc về báo, có một lão ngông chăn trâu cho nhà phú hộ họ Cao và sư Tuệ Năng ở chùa Long Hưng là những bậc kỳ tài. Đối với sư Tuệ Năng, Phước Kỳ đã nhiều lần tiếp kiến, tha thiết ngỏ lời, nhưng nhà sư một mực từ chối, chỉ xin được chuyên tâm truyền bá đạo Phật của Thiền phái Trúc Lâm, để người Việt và người bản địa sống hoà thuận với nhau trong một vương quốc thống nhất. Âu đây cũng là việc rất nên làm theo sở nguyện của chúa Tiên khi xây chùa Thiên Mụ. Riêng lão ngông chăn trâu kia có hành tung thật bí hiểm, nên Phước Kỳ đang còn e ngại chưa muốn gặp. Cách đây vài tuần, chúa Sãi cùng quận công Trần Đức Hoà ngồi thuyền du ngoạn trên cửa biển Tư Dung có nghe lũ ngư phủ người Quảng Nam hát bài “Tư Dung vãn” và bài “Ngoạ Long Cương vãn” ý tứ thâm trầm, tinh thần khoáng đạt,  một Nho sinh tầm thường không thể làm được, nói chi đến dân chài mỏng học. Chúa Sãi cho gọi vài người đến thuyền hỏi, họ đều đáp là thơ của lão ngông, chăn trâu ở bờ sông Vu Gia cho Cao Nham. Người này phải chăng là Đào Duy Từ mai danh ẩn tích nên mới hiểu rõ chúa Tiên qua bài “Tư Dung vãn”, lại còn tự ví mình như Khổng Minh tái thế qua bài “Ngoạ Long Cương vãn”? Nhưng Đào Duy Từ đã có bút tích của chúa Tiên ghi lại bài thơ xướng hoạ giữa hai người, cần gì phải mai danh ẩn tích làm kẻ chăn trâu?...

 

Trần Đức Hoà đến phủ xin ra mắt chúa Sãi, vừa hay viên thái giám thân cận của chúa bảo rằng chúa đang rất nóng lòng, định sai người tìm ông bàn việc. Thái giám dẫn thẳng ông ra vườn thượng uyển, thấy Phước Nguyên đang ngồi câu cá bên hồ nước, dáng vẻ đăm chiêu suy ngẫm điều hệ trọng quốc gia. Chúa vẫn buông cần, nhìn phao câu đang nhấp nháy, chỉ khoát tay ra hiệu cho Đức Hoà ngồi xuống gốc cây bên cạnh. Viên quận công hồi hộp trước không khí bốn bề tĩnh lặng và thái độ vừa thân tình, lại vừa ngỡ như không muốn ai cắt ngang dòng suy nghĩ của chúa Sãi. Chiếc phao câu chìm xuống đáy hồ, kéo căng sợi dây câu về một phía và chúa Sãi giật mạnh cần câu theo chiều ngược lại, quăng lên bờ một con cá chép đực có bộ vây rất đẹp. Chúa Sãi ngả người ra sau cười lớn, đứng dậy thân mật dắt tay Đức Hoà vào lầu thưởng nguyệt đã bày sẵn rượu ngon, thức nhắm. Đám cung nữ được lệnh lui hết, chỉ để lại viên thái giám tâm phúc đứng hầu rượu. Hai người thù tạc với nhau vài tuần rượu, Đức Hoà vẫn chưa hết hồi hộp, vì không phải ngẫu nhiên giữa kỳ bận việc thu thuế, quân lương mà chúa Sãi gọi mình đến chỉ để thưởng hoa, uống rượu. Đó không phải là tính cách của vị minh chúa đêm ngày lo toan việc nước, đau đáu tấc lòng cầu hiền tài giúp nước mà ông lâu nay vẫn hằng ngưỡng mộ. Hồi lâu chúa mỉm cười nhìn Đức Hoà hỏi:

 

- Khanh thấy bữa nay ta vui hay buồn?

- Bẩm, chúa công có cái thần khí vui ở bên ngoài, nhưng trong bụng lại đang bộn bề lo nghĩ. Thần muốn được cùng chúa công chia sẻ điều lo nghĩ ấy.

- Vậy khanh thử đoán xem ta lo nghĩ điều gì nhất?

- Bẩm chúa công! Hiện nay cả nước được mùa, thóc thuế kìn kìn nhập kho, cửa biển thuyền buôn tấp nập, trên núi nhộn nhịp khai mỏ vàng, mỏ sắt, rõ là thái bình thịnh trị. Điều chúa công lo nghĩ nhất hẳn là chưa có người đủ tài kinh bang tế thế, giúp chúa Bắc cự họ Trịnh, Nam đi mở cõi.

- Giỏi lắm! Khanh đúng là người hiểu rõ bụng ta, từ thủa ta còn làm quan Tổng trấn Quảng Nam, không ai thân thiết với ta hơn khanh.

- Bẩm chúa công, thần đang muốn tâu bày việc hệ trọng.

- Ta với khanh thử cùng viết vào tay hai chữ xem sao.

Hai người viết xong, xoè tay ra đều thấy ghi “Lão Ngông?”, chúa tôi vui sướng cả cười. Chúa Sãi kể:

- Đêm qua ta mơ thấy một ông già hiện về cho ta một con cá chép hoá rồng bay lên cao giữa bầu trời có chín chữ "Phước" và mười ba chữ "Vương". Lát sau, con rồng biến mất, để lại trên bầu trời chín vì sao to sáng rực và mười ba vì sao cứ nhỏ và tối dần. Ta tỉnh dậy, chợt nghĩ đến người chăn trâu trên cửa biển Tư Dung. Vừa nãy, ta ngồi câu bên hồ, miệng niệm Phật mong người phù hộ, nếu giấc mơ linh ứng, ta gặp được hiền tài thì cho phép ta câu được một con cá chép như Lã Vọng đời Xuân Thu bên Tàu đã từng buông câu trên sông Vị.

- Bẩm chúa công! Vậy là giấc mơ đã linh nghiệm và chúa công cho rằng lão ngông chính là ông già nọ trong giấc mơ, người sẽ đem lại chín chữ "Phước" và mười ba chữ "Vương"[2] cho họ Nguyễn của chúa công?

- Đúng vậy, nhưng ta còn chưa hết băn khoăn.

- Thần cũng ngờ rằng tác giả hai bài thơ, kẻ đã tự ví mình là Gia Cát Lượng chính là Đào Duy Từ mượn đám ngư phủ đánh tiếng với phủ chúa.

- Nếu quả hắn là Duy Từ sao vào Nam đã lâu mà không mang bút tích của chúa Tiên gặp ta?

- Đấng trượng phu xưa nay không chịu hạ mình tiến thân bằng thư tiến cử của người khác. Thời Tam quốc, Bàng Thống có sẵn thư của Khổng Minh, nhưng gặp Lưu Bị vẫn giấu nhẹm, nên mới  phải đi làm huyện lệnh ở nơi hẻo lánh một thời gian.

- Nhưng hắn vào Nam tính đã gan chục năm, nếu có thực tài vẫn có thể không cần bút tích của chúa Tiên, gặp ta đàm luận khoe tài cơ mà? Bao năm nay ta treo biển cầu hiền ở khắp nơi, ai mà chẳng biết.

- Về điểm này thần cũng đã từng nghĩ như chúa công. Song từ lúc nhận được thư của người em họ Cao Nham dưới quê gửi lên thì thần đã ngẫm lại và có cách nghĩ khác.

- Khanh hãy nói rõ cho ta nghe đi.

- Bẩm chúa công! Trong thư Cao Nham mời thần về quê làm chủ hôn cho lão ngông với người con gái goá chồng của họ Cao là Thị Vân.

- Ta nghe nói Thị Vân tuy goá chồng nhưng rất xinh đẹp, giỏi cầm kỳ thi hoạ, lại con nhà giàu có, lấy đâu chẳng được tấm chồng. Nếu Cao Nham gả con gái cho lão ngông, ắt phải rõ lai lịch và tài năng của kẻ chăn trâu nghèo khó này.

- Theo Cao Nham kể, hắn có tên Trần Năng, quê ở làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn ngoài xứ Thanh. Có lần, vào bữa tiệc mừng thọ Cao Nham, hắn đã ngang nhiên bắt bẻ đám hủ nho trong làng, lời lẽ lưu loát, kiến thức sâu rộng, chưa từng thấy ai ở phương Nam được như vậy. Hắn đã từng chu du đi khắp buôn làng người Thượng ở nước Xá Lợi, Lâm Ấp, sau đó vào tận cực Nam của nước Thuỷ Chân Lạp rồi mới theo đường ven biển qua nước Chiêm Thành về Quảng Nam. Thần chợt nghĩ, sinh thời chúa Tiên kể rằng Đào Duy Từ giỏi binh pháp, lại rất am tường địa lý mọi miền lãnh thổ của xứ đàng ngoài, vì ông ấy thích đi chu du khắp thiên hạ để vẽ địa đồ và ghi chép phong tục dân quê từng nơi. Khi chúa Tiên gặp Duy Từ ở chùa Tiêu Sơn, Người đã thổ lộ ước vọng mở cõi vào Nam, được ông ta hết lòng ủng hộ. Theo đó mà xét, thần cho rằng có hai điểm để ta phỏng đoán Trần Năng với Duy Từ chỉ là một. Thứ nhất, Duy Từ cùng quê ở làng Hoa Trai, rất trùng hợp với lời kể của chúa Tiên về Duy Từ. Thứ hai, người giỏi binh pháp như Duy Từ, nếu vào Nam với ý định giúp chúa công mở cõi tất muốn mình am tường địa lý và nội tình các nước ở phương Nam, nên không thể đi theo lối cưỡi ngựa xem hoa mà vừa đi vừa nghiên cứu, ghi chép tỉ mỉ, nên thời gian phải đi gan chục năm. Thời gian này khá trùng hợp với những năm tháng chúa công tuân theo di chúc của chúa Tiên đi tìm kiếm Duy Từ. Còn Trần Năng thì lộ trình chu du sao giống với sự tưởng tượng của thần về nước cờ của Duy Từ đã đi đến vậy!

- Hay lắm! Nếu không có lá thư của Cao Nham và sự phân tích của khanh thì giấc mơ đêm qua cũng đã thúc giục ta sai khanh tìm rõ thực hư về người chăn trâu ở Quảng Nam rồi. Nay theo lời khanh vừa nói, có lẽ mười phần chắc tám đó là Đào Duy Từ. Vậy khanh hãy vì ta khó nhọc một chuyến, mời cho được người đó về phủ.

- Bẩm chúa công! Đó là phận sự của thần, đâu dám ngại gì đường xa vất vả. Hơn nữa, chúa công đã cho thần một cơ hội về thăm quê, dự hôn lễ của người thân trong gia tộc bên ngoại. Thần tin chuyến đi này sẽ có nhiều sự lạ.

Chúa Sãi giữ Trần Đức Hoà lại trong phủ uống rượu, dặn dò mọi nhẽ. Ngài cao hứng uống rượu, làm thơ, nói cười sảng khoái. Cuộc rượu gần tàn, chúa chạnh nhớ đến chúa Tiên Nguyễn Hoàng, đôi mắt ngấn lệ, xúc động ngâm bài thơ xướng họa giữa chúa Tiên và Duy Từ năm xưa:

 

               Vó ngựa sườn non đá chập chùng

               Cầu hiền lặn lội biết bao công

               Đem câu phò Hán ra dò ý

               Lấy nghĩa tôn Lưu để ướm lòng.

 

*

*             *

 

Đám cưới giữa lão ngông chăn trâu Trần Năng với nàng Cao Thị Vân được báo trước từ mấy ngày rằng sẽ có quan Khán lý cống, quận công Trần Đức Hoà về làm chủ hôn lễ, nên quan viên chức dịch và những người có máu mặt khắp vùng đều đến dự đông đủ. Sư Tuệ Năng ở chùa Long Hưng nghe tin rất mừng cho hạnh phúc muộn mằn của người bạn thủa ấu thơ. Nhà sư theo giới luật không thể dự hôn lễ, sai Hữu Tiến đem đến mừng bạn cũ bằng một bài thơ “Xuân muộn” của  Thiền tổ Trần Nhân Tông, được Tuệ Năng viết trên tấm lụa, nét chữ bay bướm như rồng lượn:

              

               Tuổi trẻ sao từng hiểu sắc không

               Cả xuân hoa nở ngất ngây lòng

               Đến nay đành rõ mặt xuân ấy

               Nệm cỏ giường Thiền ngắm rụng hồng.

 

Hết thảy quan khách trong tiệc cưới không ai hiểu hết ý nghĩa sâu xa của bài thơ Thiền do chính tay sư Tuệ Năng đề tặng chú rể. Riêng có Đào Duy Từ nghẹn ngào xúc động ôm lấy Hữu Tiễn nói nhỏ: “Phụ mẫu sinh ra ta, nhưng người hiểu và thương ta nhất chỉ có sư Tuệ Năng”. Suốt buổi tiệc cưới Trần Đức Hoà rất kiệm lời, chỉ quan sát kỹ từng cử  chỉ, lời nói của chú rể. Ông đã được chúa Sãi cho xem bản tấu trình của công tử Phước Kỳ về tài năng, đạo hạnh của Thiền sư Tuệ Năng. Tình bạn keo sơn giữa chú rể với nhà sư, người được Phước Kỳ nhận xét chắc nịch rằng nếu có được Tuệ Năng phò tá có nghĩa là được nửa thiên hạ, ắt hẳn chú rể cũng không phải kẻ tầm thường. Tận mắt chứng kiến sức hút kỳ lạ của chú rể với mọi người từ bậc cao sang đến kẻ tiện dân, từ người cao niên đến đám trẻ thơ, ông càng tin chắc Trần Năng với Duy Từ chỉ là một. Đợi cho quan khách về hết, chủ nhà Cao Nham mới bố trí một căn phòng riêng để Trần Đức Hoà đàm đạo với chú rể. Lúc này được nghe Đức Hoà nói rõ hết tâm nguyện của chúa Sãi, tha thiết cầu hiền và suốt hơn chục năm vâng theo di huấn của Nguyễn Hoàng, đau đáu trông đợi Đào Duy Từ như người khát tìm nước, chú rể Trần Năng bồi hồi xúc động. Ông nhận mình chính là Đào Duy Từ và đưa cho Đức Hoà xem bút tích của chúa Tiên. Hai người vui vẻ đàm luận say sưa khiến bà Cao Nham cầm lòng không được, bạo gan bước vào, nhắc quan quận công đã đến giờ giao loan hợp cẩn của cô dâu chú rể...

 

Hôm sau, một chiếc thuyền lớn neo đậu ở sông Vu Gia đón vợ chồng Đào Duy Từ đem theo cả Hữu Tiến và bé Thu Hương xuôi ra cửa biển, dong buồm về Thuận Hoá. Tạm thời gia quyến của Duy Từ ở lại dinh thự của quận công Trần Đức Hoà, còn hai người đi vội vào phủ chúa ra mắt Phước Nguyên.

 

Chúa Sãi đang vui đùa với hai cung nữ. Nghe có khách quý đi cùng Trần Đức Hoà xin gặp, chúa vội ra tiếp, mặc nguyên bộ đồ ngủ bằng lụa trắng. Duy Từ nhác trông thấy chúa Sãi liền nghiêm mặt dừng lại rồi quay gót lui ra. Đức Hoà sợ hãi chạy theo níu lại trách:

 

- Tiên sinh sao dám vô lễ với chúa công?

- Người đã không biết lễ sao còn trách ta vô lễ!

- Tiên sinh nói vậy là cớ làm sao?

- Bộ đồ kia chỉ dùng để ôm mỹ nữ trên giường hay tiếp kẻ nô bộc chứ đâu phải dùng tiếp kẻ sĩ trong thiên hạ.

Chúa Sãi nghe nói vậy vội chạy vào nhà thay áo đại lễ ra sân, nắm chặt tay Duy Từ, sượng sùng nói:

- Ta đợi tiên sinh đã bao lâu rồi, nay được gặp mặt, mừng quá quên cả lễ quân thần. Sao tiên sinh đến chậm thế?

- Bẩm chúa công! Lễ được đặt ra từ thời Chu Công, sau được Khổng Tử và các bậc tiên hiền công phu biên soạn và bổ sung sao cho trật tự phân minh, phép tắc quy củ, làm sao có thể tuỳ tiện mà nên nghiệp lớn được.

- Ta biết lỗi rồi, xin tiên sinh đừng giận.

 

Chúa tôi vui vẻ cười to, cùng sánh vai bước vào điện, nhưng Duy Từ vẫn giữ lễ bước lùi sau chúa nửa bước. Đức Hoà thấy vậy cũng giật mình bẽn lẽn lùi theo, không dám sánh vai cùng chúa. Khi mọi người đã an toạ, phân định ngôi thứ ngồi xuống ghế, chúa Sãi ôn tồn nói:

- Hôm nay gặp mặt, ta muốn tiên sinh trước hết nói cho nghe về đạo trị nước của bậc quân vương.

- Bẩm chúa công! Thần thiết nghĩ, vua chúa với thứ dân cũng đều là người cả. Vậy trước khi nói về đạo trị nước hãy nói đạo làm người đã. Khổng - Mạnh hay Tống Nho đều đã bàn nhiều về cái lẽ Tu - Tề - Trị - Bình, phàm người quân tử ai cũng học qua, nhưng ít ai hiểu cho cùng nhẽ. Từ nhỏ, thần đã được sư phụ là đại sư Duy Giác thâu tóm nôm na cái đạo lý ấy rằng Tu - Tề gồm có chữ Nhẫn và chữ Xỉ, còn Bình - Trị gói trong sự điềm đạm. Nhẫn thì việc khó mấy, cảnh khổ đến đâu cũng vượt qua. Xỉ thì biết rèn đức cho mình, tín lễ với người. Điềm đạm là cái gốc của sự thành công trong mọi việc lớn nhỏ. Điềm đạm thì nóng giận không trào sôi, yêu thương ghìm nén trong lòng, thắng không kiêu, bại không nản, lo kỹ việc gần và tính kỹ việc xa, khoan dung độ lượng, thong dong nhàn tản, không nôn nóng và cũng không rềnh rang bỏ lỡ thời cơ khi hành sự... Đạo Phật của Thiền tổ Trúc Lâm dạy rằng, đã tự giác rồi phải giác tha. Nếu chúa công có được những điều ấy, rồi lại giác ngộ cho quần thần đến thứ dân đều noi  theo mình mà phấn đấu, đó chính là chuyển đạo làm người thành đạo trị nước. Đơn giản vậy thôi!

 

- Nay ta kế nghiệp chúa Tiên, chuyên chế một vùng Thuận - Quảng, tiên sinh có kế sách gì hay xin chỉ bảo.

- Đối nội, thần xin hiến mấy chữ: cải cách chính sự, khuyến nông - công- thương, xây nền văn hiến.

- Thế còn đối ngoại?

- Thần lại có sáu chữ: Bắc hoà Trịnh, Nam mở cõi.

- Kế sách của tiên sinh rất hợp ý ta, nhưng cô đọng trong mấy chữ làm sao kiến  giải?

- Bẩm chúa công! Đạo học của thần chuộng sự thực hành, ưa lời dân dã, không quen thói hễ mở mồm là thánh phán thế này, Phật dạy thế kia để lấp đi sự nông cạn, che giấu cái tâm bất định, cái tính hiểm độc, cái khí bạc nhược. Ngay cả những chữ thần vừa hiến kế cũng phải tuỳ thời mà biến đổi, tuỳ nghi hành sự sao cho hợp đạo trời, ý phật, lòng dân mới mong đạt tới quốc thái dân an, vương triều cường thịnh. Nói về đối nội, Đại Việt ta từ thời vua Tương Dực, Uy Mục đến nay chính sự đổ nát, pháp luật buông lỏng, quan thì tham nhũng, dân thì rên xiết dưới ách cùm kẹp và sưu cao, thuế nặng, lại thêm bao nhiêu khoản đóng góp vô bổ cả về tài vật lẫn sức người. Phàm là dân ai cũng muốn yên ổn, no đủ, tự do. Phàm là quan ai cũng muốn lạm quyền để sinh lợi. Vì vậy pháp luật phải nghiêm, chi ly đến căn tơ kẽ tóc để không có kẽ hở về quyền và lợi cho nạn tham nhũng. Bộ máy cai trị phải gọn nhẹ, trong sạch, lấy quyền áp chế quyền, lấy hiệu quả để làm thước đo tài trí, lấy đức để cảm hoá đức. Chính sách phải linh hoạt, mềm dẻo, thích ứng với từng nơi, từng lúc, lại biết hài hoà với tập tục của các tộc người. Tuy nhiên tùy nghi chứ không tùy hứng, hình luật về cơ bản phải ổn định lâu dài. Cai quản đất nước mà tùy hứng thay đổi luật, nay thế này, mai thế khác là điều ngu xuẩn nhất, trật tự sẽ rối như canh hẹ. Toàn bộ vương pháp và bộ máy vương quyền phải được cải cách theo các tiêu chí vừa đặt ra ở trên, để khuyến khích dân thi đua làm giàu bằng các hoạt động nông - công - thương, tất yếu dân giàu thì nước mạnh, vương triều bền vững. Lại nói về văn hiến, xứ Thuận - Quảng vốn là đất cũ của người Chiêm, nay người Việt di cư vào mỗi lúc thêm đông đúc. Thời cuộc rồi đây biến đổi, có thể người Việt sẽ còn ở lẫn với người Thượng ở Tây Nguyên, người Môn - Khơ Me ở đồng bằng Cửu Long Giang. Mỗi tộc người đều có văn hoá riêng để gắn kết nhau lại trong đời sống tâm linh. Người Môn - Khơ Me có văn hoá Phù Nam, người Chiêm có văn hoá Chàm Tháp, người Thượng có văn hoá Cồng Chiêng... đâu có thua gì văn hoá Đại Việt. Nay chúa công muốn hùng cứ phương Nam, biên cương mở rộng tất phải tôn trọng mọi nền văn hoá bản địa, xây đắp một nền văn hoá chung bao quát tinh hoa của hết thảy các tộc người. Sức mạnh vật  chất chỉ chiếm được đất,  còn văn hoá rực rỡ mới chiếm được tâm linh. Sử sách đã từng ghi nhận người Mông chiếm được Trung Nguyên, nhưng vì thua kém về văn hoá, cuối cùng bị người Hán đồng hóa và bị  Minh Thành Tổ đuổi ra khỏi bờ cõi. Theo chủ kiến của thần, chúa công có thể dùng đạo Phật làm sợi dây kết nối các nền văn hoá ở phương Nam trong nền văn hiến chung của vương triều nhà Nguyễn. Muốn vậy thì Phật giáo đại thừa ở phương Bắc và Phật giáo tiểu thừa ở phương Nam phải hoà nhập làm một, đem những giáo lý của Thiền tông Trúc Lâm khai mở tâm linh người Việt di cư để họ sống hoà thuận, kiêm ái tương lợi với các tộc người bản địa, lập tức các nền văn hoá sẽ giao hỗ tương đồng thành một di sản chung ngày thêm  rực rỡ.

 

- Có người bẩm với ta rằng, Thuận - Quảng giờ đây đã thành quốc gia độc lập. Đất này nhờ ơn đức của chúa Tiên và hơn chục năm ta kế nghiệp nỗ lực phấn đấu nên mùa màng bội thu, quốc khố đầy ắp, quân đông tướng giỏi, há sợ gì chúa Trịnh đàng ngoài mà phải giao hảo?

- Người ấy tuy biết một mà chẳng rõ hai. Thần xin hỏi lại: so với chúa Tiên thì chúa công thế nào; còn đem so sánh Trịnh - Nguyễn hai họ mạnh yếu ra sao?

- Ta so với chúa Tiên, chí hướng có thể nối, nhưng uy tín và đảm lược chưa bằng. Trịnh hơn ta ở chỗ mượn danh vua sai khiến chế ngự thiên hạ và đất rộng người đông. Nhưng họ thua ta ở  chỗ ta quan với dân trên dưới một lòng, khác với họ vua tôi nghi kỵ, lòng dân ly tán. Xét về mọi mặt Trịnh - Nguyễn ngang nhau, kẻ tám lạng người nửa cân.

- Như vậy đã rõ. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng tài năng, đức độ và uy tín vượt trội mà vẫn phải hai lần ra Bắc xưng  thần, gửi con trai làm tin, gả con gái cho họ Trịnh để giao hảo, đủ thấy chúa Tiên sáng suốt nhường nào, thời thế thế thời phải thế. Lực lượng hai bên chúa công cũng nhận ra đôi bên ngang nhau và có thể Trịnh nhỉnh hơn ta một chút. Vạn nhất chiến tranh nổ ra, hai bên giằng co, chiến sự kéo dài, sinh linh điêu đứng, giang sơn đổ nát. Đại Việt từ ngày họ Mạc cướp ngôi, chiến tranh Lê - Mạc kéo dài hơn sáu mươi năm có biết bao người ngã xuống, biết bao vợ goá con côi, gia đình lưu lạc. Máu xương Nam - Bắc đâu cũng là của con dân nước Việt. Chiến tranh với người cầm đầu sẽ có bên thắng bên thua, nhưng dân chúng bên nào cũng mãi là kẻ chiến bại. Sau này, khi điều kiện cho phép, thần xin chúa công chỉ cần xua quân ra chiếm nốt một phần lãnh thổ bờ Nam sông Linh Giang rồi đổi tên sông thành sông Gianh để mượn thế cách sông cự địch là đủ. Khi ấy, dẫu chỉ là trận đánh nhỏ  thần vẫn mong rằng sẽ giảm thiểu đến mức tối đa thiệt hại sinh mạng của binh lính và dân chúng trong vùng.

 

Quận công Trần Đức Hoà ngồi bên cạnh chúa Sãi, nghe Duy Từ thuyết giảng càng thêm bội phần yêu mến, khâm phục ông. Ba người đàm luận sôi nổi về đường đi nước bước của quá trình cải cách xã hội phương Nam. Có lúc chúa tôi tranh biện với nhau bình đẳng, không cần e dè, câu nệ cả về những điều quan hệ đến nội bộ gia tộc của phủ chúa. Khi chúa Tiên băng hà, bốn người anh của chúa Sãi là Hà, Hán, Thanh, Diễn đều đã chết, còn anh thứ  năm là Hải bị cầm giữ làm con tin ở Đông Đô. Sự biến năm Canh Thân (1620) do hai công tử Phước Hiệp và Phước Trạch ngầm thông gian với chúa Trịnh để làm loạn, hai người bị chết, bè đảng của họ đều bị diệt hết là một bài học đau xót đối với chúa Sãi. Quyền lực là thứ  cám dỗ mạnh nhất đối với con người. Nó chỉ bị đè bẹp khi công cuộc cải cách bắt đầu từ hoàng tộc ra đến triều thần, rồi mở rộng ra toàn xã hội. Phương châm chiến lược hoà hoãn với chúa Trịnh, Phước Nguyên đã có chủ định từ lâu. Ông chỉ ướm hỏi Duy Từ để có thêm một cách kiến giải mới và thông tuệ của con người từng được chúa Tiên hằng ngưỡng mộ. Cuộc đàm luận thâu đêm xoay dần vào điều cốt yếu mà chúa Tiên, chúa Sãi đều mong đợi ở tài năng quân sự của Duy Từ.

- Việc mở cõi vào Nam, tiên sinh đã đi nhiều, biết rộng, có cao kiến gì chăng? - Chúa Sãi hỏi.

- Tránh được chiến tranh mặt Bắc, lại phát động chiến tranh ở mặt Nam, có hợp với mệnh trời, nêu cao đại nghĩa? - Quận công Trần Đức Hoà thắc mắc.

 

Đào Duy Từ mỉm cười, ung dung mở tấm bản đồ lãnh thổ phương Nam do ông dày công nghiên cứu, vẽ lại trong nhiều năm chu du khắp các tiểu quốc trước sự kinh ngạc  của chúa Sãi. Đợi cho mọi người xem kỹ từng nét vẽ, địa danh, thành trì và các đường bộ, đường sông, đường biển, ông từ tốn nói:

- Bẩm chúa công! Một dải hẹp phương Nam chạy dài theo bờ biển, từ sông Linh Giang đến đồng bằng Cửu Long Giang mà có đến năm tiểu quốc. Ngoài xứ Thuận - Quảng của ta là còn khả dĩ về tài lực ra, các nước Xá Lợi và Lâm Ấp ở Tây Nguyên, Chiêm Thành và Thuỷ Chân Lạp ở ven biển đều đang suy yếu. Người Việt từ cuối đời Trần bao cuộc loạn ly, đã di cư vào bốn nước này khá đông. Gần đây trong cuộc chiến Lê - Mạc, dân nghèo hai xứ Thanh - Nghệ lại ào ạt những đợt sóng di cư vào Nam. Người Thượng ở Tây Nguyên dân trí thấp kém, canh tác lạc hậu và chia thành nhiều bộ tộc cát cứ làm suy yếu vương quyền ở kinh đô đã đành một nhẽ. Hai nước Chiêm Thành và Thuỷ Chân Lạp có nền văn hiến rực rõ lâu đời, đất đai màu mỡ, dân chúng kiệm cần, nhưng vua quan sa đọa, chính sự nát như tương, nên cả người Việt di cư lẫn người bản địa đều đói khổ, chán ghét và oán giận triều đình. Nguy cơ diệt vong của bốn nước kia đã hiện rõ từ lâu. Thời cuộc ngày nay đã đổi khác. Họa xâm lăng của xứ Thuận - Quảng và bốn nước nhỏ yếu kia không phải chỉ có từ phía chúa Trịnh, cũng chưa phải từ phía nước Tàu vì nhà Minh bên đó đang bị người Mãn quấy rối ở biên thuỷ, lăm le vào cướp Trung Nguyên. Nguy cơ xâm lấn lâu dài và lớn nhất hiện nay của năm nước nhỏ phương Nam này là từ phía biển. Người Tây dương đã chế được tàu lớn vượt  biển đi xa hàng vạn dặm. Họ có súng to, súng bé có thể bắn phá thành trì, sát thương nhiều người một lúc từ tàu chiến neo đậu ngoài biển. Đảo quốc rộng lớn của người Chà Và [3] rất gần ta, đã mất vào tay người Hoà Lan. Thử hỏi nếu giặc Tây dương đến xâm chiếm lần lượt bốn nước kia, thì Thuận - Quảng của ta bé bằng bàn tay trên bản đồ này làm sao giữ được. Ta chủ động mở cõi sát nhập bốn nước kia vào chung một vương quyền, trước là cứu khổ cho dân chúng bản địa và người Việt di cư, sau nữa là tạo thế mạnh gom lại của năm nước để chống giặc Tây dương, chính là nêu cao đại nghĩa giúp người và tự cứu lấy mình. Chiến tranh đương nhiên là tàn khốc, nhưng ta đang ở thế bắt buộc phải mở cõi. Cái điều nhân nghĩa cũng giống như cõi Phật vậy, nó ở trong tâm ta, chẳng phải ở trong những câu chữ giáo điều, lời nói hoa mỹ.

- Nếu ta tiến quân vào Nam đi mở cõi, tiên sinh định liệu việc quân cơ, kế sách thế nào? - Chúa Sãi hỏi tiếp.

- Bẩm chúa công! Nhìn trên bản đồ ta thấy hai nước Xá Lợi và Lâm Ấp núi cao hiểm trở, rừng già rậm rạp, ít ai ngờ nhất ta nên đánh trước. Chiếm được cao nguyên, từ đó chĩa các mũi quân chia cắt nước Chiêm Thành làm ba khúc đánh chiếm dần dễ như trở bàn tay. Từ nước Lâm Ấp ở đèo Bảo Lộc và từ nước Chiêm Thành ở phủ Ninh Thuận ta dồn binh tập kết, chờ đạo thuỷ binh vào phối hợp, làm gì chẳng đánh chiếm được nước Thủy Chân Lạp. Quân đi đến đâu, chúa công cho người Việt di cư đến đó làm ăn, lại cho binh lính già yếu hoặc bị thương tật ở đó lập đồn điền, cưới vợ người bản địa mà định cư lâu dài; nghiêm cấm người Việt và binh lính xâm phạm tập tục, tín ngưỡng của địa phương, cùng họ chung sống hoà hiếu theo tinh thần “Lục hoà” của phật giáo là “Thân hoà - Khẩu hoà - ý hoà - kiến hoà - giới hoà - lợi hoà”... Thần tin chắc người Nam sống hiền hoà, nhân hậu sẽ sớm tiếp nhận người Việt vào cộng đồng của mình, nhiều cộng đồng hoà hợp sắc tộc gom lại thành quốc gia thống nhất, dưới một vương quyền sáng ngời nhân nghĩa không gì phá vỡ nổi.

 

Chúa Sãi nghe xong rất hài lòng, ân cần mời mọc, tiếp rượu hỏi han gia quyến của Duy Từ. Hai người kết nghĩa anh em thề cùng chia sẻ hoạn nạn, chung hưởng phú quý. Hôm sau, chúa Sãi hội họp đông đủ bá quan văn võ, phong Đào Duy Từ làm quân sư tước Lộc Khê hầu, có phủ đệ riêng, tự do ra vào phủ chúa.



[1] Khán lý cống: chức quan trông coi việc thu thuế, lương thảo.

[2] Chín chữ Phước và mười ba chữ Vương: sau này linh ứng với 9 đời chúa, 13 đời vua nhà Nguyễn.

[3] Chà Và: Indonesia

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9   10    11    12   
Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 2708
Ngày đăng: 28.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dầu máu - Vĩnh Trà
Gia phả dòng họ Đinh - Dương Ðình Hùng
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)