Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.076
123.233.591
 
Ba nhà cải cách- Tiểu thuyết lịch sử
Vũ Ngọc Tiến
Chương 10

HỒI THỨ MƯỜI

 Nam Vương tặng mâm vàng hai đáy

Bắc Chúa đành ngậm đắng bãi binh

 

Mùa xuân năm Ất Sửu (1625), chúa Sãi gặp được Duy Từ như rồng gặp mây, cá gặp nước, hết lòng khoản đãi. Phủ chúa mở ba ngày một tiệc nhỏ, năm ngày một tiệc lớn để Phước Nguyên cùng Duy Từ ngâm thơ xướng hoạ, đàm đạo về tam giáo và binh pháp. Có đêm chúa giữ Duy Từ ngủ lại trong phủ, nằm chung một sập để tâm tình cả chuyện riêng tư. Quan hệ giữa chúa Sãi với Duy Từ càng thân thiết, càng khiến cho các vị công tử trong vương thất, đại thần trong triều có phần ganh ghét. Người đem lòng thù hận Duy Từ nhiều nhất là công tử Phước Anh, thứ đến nàng Tống Mỹ Hoa, vợ của công tử Phước Kỳ. Phước Anh tâm địa hiểm độc, thấy chúa Sãi đã cao tuổi, còn công tử trưởng Phước Kỳ thường xuyên đau ốm nên rắp tâm gây dần thế lực, mua chuộc các đại thần, tung tin bịa đặt để bêu riếu công tử Phước Lan. Trong nhà của Phước Anh nuôi sẵn nhiều tay kiếm thuật siêu hạng nhưng rất dữ dằn, chờ dịp sử dụng hành thích những ai cản đường mình kế nghiệp ngôi chúa. Nhiều lần Phước Anh kiếm cớ qua lại thăm hỏi, quà cáp, nhưng Duy Từ đều lạnh nhạt, nghiêm mặt nhắc nhở. Chúa Sãi theo lời khuyên của Duy Từ đuổi hết đám môn khách trong nhà Phước Anh và nghiêm cấm các quan không được kéo bè, kết đảng với người trong vương thất. Công cuộc cải cách do Duy Từ phát động chạm đến lợi ích sát sườn của gia tộc họ Tống nên nàng Mỹ Hoa cũng ngấm ngầm phản đối. Tống Kiến Tường vốn là thương nhân người Quảng Đông, sang đất Nghệ An buôn bán, rồi thấy xứ đàng trong có cảng biển Hội An dễ kiếm ăn nên rời gia đình đến đó. Họ Tống có truyền thống kết hợp quyền lực vào trong việc buôn bán để độc quyền thao túng giá cả một số ngành hàng quan trọng. Ông nhờ cậy đại thần Nguyễn Phước Khê, con trai út chúa Tiên làm mối, gả nàng Mỹ Hoa cho công tử Phước Kỳ. Mỹ Hoa xinh đẹp, lẳng lơ, thường hay liếc mắt đưa tình, quyến rũ cả hai em chồng là Phước Lan và Phước Anh. Quan tổng trấn Quảng Nam Phước Kỳ cai trị dân đúng phép tắc, không vị tình riêng khi giải quyết việc công, lại hết lòng ủng hộ cuộc cải cách của Đào Duy Từ. Từ năm Canh Thân (1620), cha con Tống Thị thông qua quận công Phước Khê, bẩm với chúa Sãi ra sắc lệnh độc quyền thu mua sản vật khai mỏ và nhiều loại lâm sản quí hiếm. Chúa nghe lời, sai lập “Nhà Đồ” ở các nơi để thu mua, giao cho Tống Kiến Tường phụ trách. Lệnh đã ban bố, dân không thể không chấp hành, nhưng muôn phần ấm ức, nhiều địa phương dân bị Tống Kiến Tường chèn ép quá đáng làm ngừng trệ sản xuất. Ở Quảng Nam, dân các hộ đãi vàng gọi là liêm hộ, mỗi người trong hộ hàng năm phải nộp 2 đến 3 lạng vàng cốm. Các chủ mỏ vàng gốc ở Lỗ Động mỗi năm nộp 70 lạng, mỏ ở Thu Bồn mỗi năm nộp 80 lạng. Riêng chủ mỏ ở Tịnh Sơn trong Quảng Ngãi, vì chống đối với Tống Kiến Tường bị hắn nâng mức nộp lên 180 lạng. Mỏ sắt ở xã Phúc Điển, châu Bố Chính mỗi năm phải nộp 2000 khối, mỗi khối nặng 25 cân. Tệ nhất là ở xã Mậu Tài huyện Phú Vang có nghề truyền thống làm dây đồng thau, dây thép, cứ 100 cân đồng đỏ pha vào 40 cân kẽm làm được hơn 100 cân dây thau rất có giá trị cũng bị người “Nhà Đồ” xử ép khiến làng nghề có nguy cơ tan rã. Xã còn có thợ dát vàng, cứ 10 lạng vàng dát được 9 vạn lá vàng quì. Tống Kiến Tường đã bắt dân trong xã nộp hết sản phẩm cho hắn thu mua với giá rẻ mạt để bán cho tàu buôn nước ngoài. Ngoài ra, các sản vật như dầu gù hương, sáp ong, ngà voi, chiếu mây, sơn dầu, nhựa trám... nơi nào sản xuất đều bị cấm mang ra chợ bán, phải đem đến “Nhà Đồ” của Tống Kiến Tường bán với giá rẻ. Hàng hoá của các tàu buôn nước ngoài từ Phúc Kiến, Quảng Đông, Nhật Bản... chở đến cảng cũng do “Nhà Đồ” mua lại rồi đem bán cho các chủ hàng trong nước, nhưng thực chất lợi cho quốc khố một phần, còn lợi cho cha con Tống Thị hai, ba phần. Quan tổng trấn Quảng Nam Phước Kỳ thấy từ khi có “Nhà Đồ” việc khai mỏ, nghề thủ công và các thương cảng suy sụp rõ rệt. Ông lựa lời khuyên bảo cha con Tống Thị không được, nhiều lần bẩm với chúa Sãi, đều bị Phước Khê gạt đi. Khi quân sư Đào Duy Từ đề ra chính sách cải cách tô thuế và khuyến nông - công - thương nghiệp đã bẩm trình với chúa Sãi bãi bỏ các “Nhà Đồ”, cho dân tự do khai mỏ, chế biến quặng, làm các nghề thủ công với mức thuế giảm nhẹ, lập tức được Phước Kỳ tán thưởng, sốt sắng thi hành. Việc này không chỉ động đến quyền lợi của cha con Tống Thị mà can hệ đến cả một dây tham nhũng trong triều. Các quan  người ra mặt chống đối, người ngấm ngầm tìm cách gây cản trở. Có kẻ căm tức vì mất quyền lợi đã thuê kiếm khách người Hán nhiều lần lẻn vào phủ quân sư hành thích Duy Từ, may có đám bộ hạ của tướng Hữu Dật kịp thời giải cứu. Ngay như người có công tiến cử Duy Từ là Trần Đức Hoà cũng có nhiều điều ấm ức, không hài lòng với quân sư về cải cách. Nhớ hồi năm Mậu Ngọ (1618), chúa Tiên băng hà được mấy năm thì thuế ở Thuận - Quảng bị thất thu nghiêm trọng. Đức Hoà đã có sáng kiến bẩm với chúa Sãi tổ chức đo đạc lại toàn bộ công điền và tư điền ở các địa phương. Chúa khen ngợi Đức Hoà, giao việc này cho ông thực hiện. Nhờ sáng kiến này, những năm tiếp theo việc thu thuế đi vào nề nếp và tăng lên gấp bội. Nhưng việc đôn đốc giám sát khi đo ruộng vẫn còn có chỗ sơ hở. Các quan địa phương bảo nhau giấu đi một số diện tích ruộng công để thu thuế riêng cho mình, mức thuế ở các ruộng này lại rất tuỳ tiện, bắt chẹt dân nghèo không có ruộng hoặc dân di cư từ ngoài Bắc vào. Trong chuyến đi kinh lý, thị sát vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Duy Từ ghé thăm chùa Long Hưng, được già lam Huỳnh Bảo cho biết sự việc gian dối này. Ông hạ lệnh cho đo lại ruộng ở một vài nơi làm thí điểm. Đương nhiên các quan địa phương lâu nay gian lận thóc thuế được trót lọt, đều nhờ vào quan hệ đi lại hối lộ cho bạn bè hoặc người thân trong gia đình Trần Đức Hoà. Pháp luật không thể không nghiêm trị, nhưng Duy Từ vì muốn giữ thể diện cho bạn, chỉ nói riêng với Đức Hoà chuyện này, giao cho ông xử lý. Tuy vậy, Đức Hoà chưa thật bằng lòng với Duy Từ, giữa hai người nảy sinh mâu thuẫn, thỉnh thoảng đối chọi nhau khi bàn đến cải cách. Điển hình là chính sách thuế sai dư hay còn gọi là thuế thân, Duy Từ cho rằng chưa công bằng. Trước đây, chính sách thuế ở Thuận - Quảng qui định: Kẻ tráng đinh nộp hai quan, quân hạng nộp 1 quan 5 tiền, dân hạng nộp 8 tiền, còn các loại lão hạng, tật hạng, cố hạng đều nộp 5 tiền, loại cố cùng mạt hạng và  kép hát nộp 2 tiền. Đào Duy Từ xin chúa Sãi điều chỉnh cho lão hạng chỉ nộp 2 tiền, còn các loại khác (tật, cố, cùng hạng và  kép hát) đều cho miễn. Ngoài ra theo Duy Từ, thuế sai dư  nên phân biệt ra chính hộ và khách hộ. Chính hộ là dân đã định cư ít nhất năm năm trở lên sẽ đánh thuế theo qui định ở trên. Khách hộ là dân ngụ cư mới di đến từ ngoài Bắc hay từ địa phương khác, tất gặp nhiều khó khăn, nên cho giảm thuế sai dư  xuống còn một nửa trong thời hạn năm năm để họ an cư lạc nghiệp nơi đất mới. Đức Hoà không đồng tình, cho rằng như vậy sẽ tạo tiền lệ ưu đãi cho người Việt, bạc đãi người Chiêm và người Thượng. Hai bên tranh luận gay gắt, chúa Sãi phải đứng ra giảng hoà, rồi lẳng lặng phê duyệt vào tấu biểu của Duy Từ. Đôi lần chúa Sãi cảm thấy hoang mang, do dự, khuyên Duy Từ nên nhẹ tay cải cách từ từ, để tránh được mũi nhọn công kích từ nhiều phía và gây khó xử cho phủ chúa. Ông ôn tồn hỏi lại:

 

- Chúa công muốn theo nền chính sự vương đạo hay bá đạo?

- Tiên sinh hiểu ta muốn gì rồi, sao còn hỏi nữa!

- Người theo vương đạo thì cải cách chính sự vì dân chứ không vì các quan hay vì mình. Phàm đã là cải cách thì phải kiên quyết vứt bỏ nhiều cái cũ, cái hủ lậu, thói hư tật xấu đặng xây dựng nên cái mới, cái tiến bộ. Cải cách nửa vời sẽ xới lên một mớ bòng bong làm loạn xã hội, chẳng thà đừng làm còn hơn. Cải cách triệt để, toàn diện đương nhiên vấp phải nhiều sự chống đối, có khi quyết liệt.

- Chẳng lẽ những người thân tín như Đức Hoà hay các công tử cũng là đối tượng của tiên sinh và ta, nếu họ phản đối cải cách?

- Người có tâm, có đức như quận công Trần Đức Hoà sớm muộn sẽ hiểu thần. Những ai cố tình không hiểu, cố tình cản đường cải cách, cho dù là hoàng thân quốc thích, xin chúa công đừng tin nghe theo họ mà hỏng việc lớn...

*

*             *

 

Công cuộc cải cách đang tiến triển thu nhiều thắng lợi, nhưng cũng gây ra không ít xáo trộn trong hàng ngũ các quan văn võ dưới quyền, khiến chúa Sãi vừa mừng vừa lo. Đương lúc như vậy, chợt được tin có sứ thần của chúa Trịnh cử vào. Ngày rằm tháng bảy năm Đinh Mão (1627), chúa Sãi lên điện có đông đủ bá quan văn võ đứng chầu. Quân sư Đào Duy Từ được đặc cách ban cho ghế ngồi đầu hàng quan văn, sát gần án thư của chúa. Sứ thần của Trịnh Tráng mang theo sắc dụ của vua Lê Thần Tông ban chức tước cho Nguyễn Phước Nguyên và lệnh cho Thuận - Quảng đưa con trai Phước Nguyên vào chầu làm con tin, lại phải nộp cho triều đình ở Đông Đô 30 thớt voi, 50 chiến thuyền và nhiều sản vật phương Nam khác. Các tướng Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Mỹ Thắng... bừng bừng tức giận, chỉ mặt sứ thần quát mắng, khiến Đào Duy Từ phải đưa mắt ra hiệu cho họ ngồi im. Chúa Sãi hiểu ý Duy Từ, ân cần tiếp đón sứ thần, mời ra quán khách nghỉ ngơi, lại ban cho vàng, lụa, gấm thêu và hẹn sau ba ngày sẽ trả lời. Sứ thần đi rồi, chúa Sãi hỏi ý kiến các quan văn võ dưới quyền nên nhận hay không nhận sắc. Các quan võ Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Mỹ Thắng, Mạc Cảnh Dinh, Trần Bảo, Nguyễn Tú, Nguyễn Cửu Kiều... đều hăng hái đòi tuyên chiến với họ Trịnh và khuyên Chúa không nhận sắc chỉ của vua Lê Thần Tông. Đám quan văn có nhiều người đố kỵ với Duy Từ, bảo nhau im lặng nhìn quân sư xử trí ra sao. Có người trong số họ mạnh bạo gợi ý sát sạt :

 

- Lâu nay chúng thần mừng vì Chúa công gặp được hiền tài giỏi giang, lắm mưu sâu kế lạ để trị quốc, an dân, mở mang bờ cõi, xin quân sư cho lời chỉ giáo để quần thần mở thêm tầm mắt.

Mọi người nghe vậy đều nhao nhao hùa theo. Đào Duy Từ vẫn thản nhiên ngồi, không hề bực tức. Ông đợi cho đám văn quan nín thở, giương mắt chờ đợi hồi lâu, mới điềm đạm cất lời:

- Bẩm Chúa công, thần nghĩ, ta nên nhận sắc mà thực ra cũng là không nhận.

- Quân sư nói gì mà ba phải, nước đôi thế thì sao đáng để triều thần tin ở tài của ông? - Phước Khê cười vang, ngắt lời.

- Lão ngông chăn trâu cho nhà phú hộ họ Cao ấy có tài đức gì mà ngồi ghế quân sư - Phước Anh đế theo.

Tống Kiến Tường khôn ngoan hơn, che miệng nói mát với mấy người xung quanh:

- Quân sư chắc có kế lạ, hãy để ông ấy nói rõ ra khắc biết. Chúng ta là kẻ học nông nghĩ cạn, hiểu sao được mưu kế của bậc kỳ tài.

 

Chúa Sãi thấy vậy tức giận đập bàn quát to :

 

- Các ngươi không được vô lễ! Xin quân sư hãy nói rõ cho ta nghe chủ kiến của tiên sinh.

- Bẩm Chúa công! Thần đã từng khuyên Chúa công mấy chữ, “Bắc hoà Trịnh, Nam mở cõi”. Hoà hoãn với Trịnh là chiến lược của ta để yên tâm kiến quốc, mở rộng biên thuỳ vào Nam. Vậy ta nhận sắc lúc này là việc đương nhiên để phục vụ cho kế sách hoà hoãn với Trịnh, theo di chúc của chúa Tiên. Nhưng thời thế bây giờ đã khác với thời của chúa Tiên. Xưa kia, chúa Tiên phải hai lần ra Bắc xưng thần là bởi tiếng rằng làm chủ phương Nam, nhưng thuộc tướng ba ty đều do họ Trịnh cất đặt để kiềm chế, giám sát chúa Tiên: thời vua Thế Tông có Ma Cầu làm tổng binh Thuận Hoá, thời vua Kính Tông lại có Vũ Chân làm hiến sát Thuận Hoá. Nhất cử nhất động của chúa Tiên đều khó qua được con mắt của Trịnh Tùng, nên chúa mới phải nhẫn nại như thế. Nay Trịnh Tùng đã chết, Trịnh Tráng lên thay còn lo đối phó với nhiều phe đảng của các anh em trong nhà, chưa dám nghĩ đến việc liều lĩnh đánh ta. Trịnh Tráng có nhiều thê thiếp mà vẫn phải phong công nữ Ngọc Tú, em của chúa công làm chính phi đủ rõ ý muốn Trịnh - Nguyễn hoà hoãn. Mặt khác, từ khi chúa công lên kế vị đã tự mình chuyên chế, đuổi hết các tướng tay chân của họ Trịnh về Bắc, nước nhà lại đang cải cách ngày thêm cường thịnh, lo gì không giữ được cơ nghiệp tổ phụ. Ta hoà với Trịnh trong thế mạnh để dằn mặt Trịnh Tráng, không gửi con tin, không cần nhận sắc, cũng không cần cống nạp theo yêu cầu của họ. Tuy vậy, hiện giờ ta chưa chuẩn bị kỹ nên chúa công hãy tạm thời nhận sắc làm kế trì hoãn, cho sứ thần của họ về trước rồi ta cho sứ thần ra Đông Đô tạ lễ, vờ thực hiện những yêu sách kia, nhưng thời gian chưa hẹn trước được. Thần xin hiến một kế vẹn toàn để giải quyết việc này.

 

Duy Từ bước lên ghé tai chúa Sãi thầm thì hồi lâu. Chúa nghe xong cả cười, hạ lệnh bãi triều, hớn hở dắt tay quân sư lui vào hậu cung.

*

*             *

Mùa thu năm sau (1628), mọi việc chuẩn bị đối phó với Trịnh Tráng đã hoàn tất. Duy Từ tổ chức một cuộc diễn tập trận pháp trên bộ, dưới biển rất lớn để phô trương lực lượng dằn mặt chúa Trịnh. Sau đó, chúa Sãi cử Lại Văn Khuông lên thuyền đi sứ ra Bắc, thực hiện kế hoạch của quân sư. Duy Từ tiễn chân Văn Khuông ra tận bến thuyền dặn dò mẹo mực, lại giao cho sứ thần hai chiếc túi gấm mầu nâu và mầu vàng. Văn Khuông chưa hiểu ý của quân sư liền hỏi :

 

- Tiên sinh đã sắp đặt mọi việc cho hạ quan chu đáo, vậy còn hai túi này dùng làm gì?

- Túi gấm mầu nâu để ngươi ngồi thuyền trên đường ra Bắc thì mở ra học thuộc lòng những gì ta viết. Đó là những câu hỏi ta giả định chúa Trịnh sẽ chất vấn và những lời đối đáp lại ta chuẩn bị cho ngươi sử dụng. Đây chỉ là điều có thể xảy ra chứ chưa chắc chắn. Người trí giả phải biết tuỳ cơ ứng đáp sao cho đúng với tinh thần ấy, giống như đọc sách thánh hiền phải lý rộng ra các điều không có ở trong sách. Sư phụ ta là đại sư Duy Giác vẫn thường dạy như vậy. Ngươi đi sứ chớ để có gì sơ suất làm nhục chủ mình.

 

- Thế còn túi gấm màu vàng?

- Dâng lễ và đối đáp với chúa Trịnh xong, ắt họ sẽ đưa ngươi về dịch quán nghỉ ngơi. Trong số lễ vật có chiếc mâm vàng hai đáy ta cố tình để lộ ra một kẽ hở. Trịnh Tráng giống cha hắn ở điểm đa nghi, sẽ sai thuộc hạ mở ra xem. Ở phần đáy có sắc chỉ của vua Lê Thần Tông mà chúa công ta sai ngươi đem trả lại. Ngoài ra, trong đó còn một bài thơ chơi chữ lắt léo của ta không dễ gì đoán ngay được. Xem ra, ngoài ấy chỉ có quan trạng nguyên Phùng Khắc Khoan mới có khả năng giải đoán, nhưng ông ấy lại đã cáo lão về quê. Đây chỉ là kế mọn đề kéo dài thời gian cho ngươi nhanh chóng trốn vào Nam. Túi gấm màu vàng là ám hiệu gặp các thám tử gài lại ở Đông Đô từ thời chúa Tiên. Trong túi có địa chỉ để ngươi tìm họ và thư của ta bảo họ đưa đường cho ngươi đi trốn.

 

- Tiên sinh liệu việc như thần, đâu có thua gì Khổng Minh!

- Thôi ngươi có thể đi. Chúc ngươi thượng lộ bình an!...

 

Văn Khuông cáo biệt quân sư Duy Từ, dong buồm đi về phương Bắc, lòng vui phơi phới. Tiết trời cuối xuân còn chưa tan hết lạnh, chan hoà nắng gió. Từng đôi cánh hải âu bay rập rờn trên mặt biển bao la, gợi lên thi hứng. Chàng làm thơ ca ngợi chúa Sãi, nhớ Duy Từ rồi ôm đàn hát nghêu ngao trên sóng nước. Văn Khuông thuộc lớp văn quan trẻ, được quân sư đích thân ra đề thi khảo trong đợt sát hạch lại viên khắp các nha phủ ở Thuận - Quảng. Vì vậy, quân sư đối với chàng ơn trọng như núi, tình nghĩa như  sư phụ. Chàng muốn gọi ông là ân sư, nhưng lại sợ vây cánh của Phước Anh và cha con Tống Thị để bụng thù oán. Nhưng trong thâm tâm chàng luôn ủng hộ cuộc cải cách của quân sư, hết lòng trợ giúp mỗi khi chúa Sãi sai bảo. Việc đi sứ ra Bắc lần này, quân sư chọn đích danh chàng mà phớt lờ các bậc danh Nho khác, đủ thấy ông tin cậy và quyết tâm trẻ hoá đội ngũ giúp việc trong phủ chúa. Chàng sùng kính quân sư, khao khát được làm học trò còn vì ông có phong độ lãng tử, rất sành âm nhạc. Một lần được hầu rượu chúa Sãi và quân sư, Văn Khuông đã tận mắt nhìn, tận tai nghe thấy Duy Từ ôm cây Nguyệt cầm gẩy đàn, hát bài “Ngoạ Long Cương vãn”, giai điệu du dương, luyến láy mượt mà, tình cảm sâu lắng. Hôm ấy, quân sư Duy Từ còn trình lên chúa một liên khúc dùng cho ban nhạc cung đình mỗi  khi tiếp sứ thần các nước. Ông giải thích, một quốc gia có nền văn hiến thì âm nhạc cung đình phải toát lên vẻ đẹp tâm hồn của dân tộc, sự ổn định của vương triều, sức mạnh của quốc gia. Trong liên khúc có bốn điệu nhạc: Kim Tiền - Lưu Thuỷ - Thanh Long và Bạch Hổ. Kim Tiền tượng trưng cho sự giàu có. Lưu Thuỷ nói lên sự mỹ lệ của giang sơn Thuận Hóa. Thanh Long biểu hiện phong độ đế vương của đấng minh chúa ở phương Nam. Bạch Hổ tượng trưng cho sức mạnh và khí thế lấp biển dời non của binh lính, tướng sĩ. Chúa Sãi nghe xong, lệnh cho ban nhạc cung đình vào hoà tấu. Trong bữa tiệc, lúc cao hứng, quân sư còn hẹn với quan trưởng ty giáo phường rằng ông sẽ soạn một vở tuồng theo tích “Hoa Mộc Lan tòng quân” dùng để diễn mừng thọ chúa Sãi nay mai. Văn Khuông ham thích đàn hát từ nhỏ nên khi nghe xong liên khúc thấy choáng ngợp, đê mê giữa một biển âm thanh kỳ diệu. Chàng đã chép lại những bản nhạc đó và giờ đây ngồi thuyền đem đàn ra gẩy, lòng thấy lâng lâng...

 

Văn Khuông đến Đông Đô, vào yết kiến Trịnh Tráng, chúa không để cho sứ thần phương Nam kịp ngồi đã đanh mặt hỏi:

 

- Vàng bạc, ngà voi, tơ lụa há đủ sao? Voi và thuyền chiến đâu, ta không thấy?

- Khải chúa! Voi và thuyền không phải là lệ cống, sợ người đi truyền mệnh nói không đúng nên không dám vâng mệnh.

- Vậy con tin đâu? - Chúa đập bàn hỏi tiếp.

- Nam - Bắc như một nhà, đã thành tín với nhau rồi, dùng con tin làm gì! Vả chăng công nữ Ngọc Tú, con gái chúa Tiên đang làm bà phi chính thất còn chưa đủ tin sao?

Trịnh Tráng lại hỏi:

- Hoàng đế cho  vời Nam chúa đi đánh giặc ở Cao Bằng là cơ hội để lập công, tỏ rõ lòng trung, cớ sao Phước Nguyên không đến?

- Giặc Cao Bằng là giặc khốn cùng, sức quân của Trung Đô Vương cũng thừa đánh được. Chúa Nam tôi vâng mệnh giữ hai  châu Thuận - Quảng, phía Nam chống giặc Chiêm Thành, phía Đông lo chống giặc cướp từ biển vào, canh cánh bên lòng, chỉ sợ không giữ yên bờ cõi hoàng đế giao cho nên không dám đi xa.

- Duy Từ vừa cho diễn tập trận pháp trên bộ, dưới biển ý muốn chống mệnh vua hay sao? - Nguyễn Hoá định tâng công với chúa Trịnh chen vào hỏi.

- Quan hành khiển Nguyễn Hoá sai rồi. Chúa Nam chịu mệnh giữ đất cần phải phòng bị bờ cõi nên mới sai quân sư ngày đêm tuyển mộ lính, lại dạy cho bày trận theo binh pháp, thường xuyên như vậy. Rồi đây quân sư sẽ còn thao diễn nhiều trận to hơn nhiều để tỏ rõ sức mạnh của quân Nam. Đó là vì vua tôi ở phương Nam giữ trọn đạo quân thần, sao gọi là chống mệnh!

- Tướng tá ở phương Nam thế nào? - Lê Thời Hiến hỏi.

- Tài kiêm văn võ như Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật thì chẳng kém vài chục người. Hạng vừa vừa như tôi thì lấy đấu mà đong, lấy xe mà chở không hết.

- Người ta nói Nam chúa anh hùng cái thế, sao không nghĩ đến việc phò vua, đánh giặc lập công? - Chúa Trịnh lại hỏi.

- Chúa Nam tôi không mê tửu sắc mà ưa nhã nhạc, năng đi chùa, đau đáu cầu hiền, hết lòng thương dân, uy tín lan rộng sang các quốc gia láng giềng phía Nam, phía Tây, đảm lược xông pha trước hòn tên mũi đạn không hề quản nhọc... đáng gọi là anh hùng lắm chứ! Nếu có những bọn như Vương Mãng, Đổng Trác giả danh thiên tử sai khiến, ép buộc anh hùng trong thiên hạ, sát hại dân lành thì chúa Nam tôi sẽ vì Nghĩa mà đi, vì Nhân mà đánh, vì Lễ mà hỏi tội, há sợ gì nguy hiểm...

 

Trịnh Tráng và quần thần ở Đông Đô đều là những bậc Nho học tiếng tăm, thảy đều cứng lưỡi, không còn bắt bẻ gì thêm. Lê Thời Hiến thấy Lại Văn Khuông đối đáp trôi chảy, lời lẽ tự nhiên, chặt lý vẹn tình, nhưng qua văn phong, ông cảm thấy đó chính là khẩu khí của Đào Duy Từ. Ông mừng cho bạn cũ gặp được minh chúa, lại chạnh lòng nhớ kỷ niệm xưa. Nỗi lo về khả năng xảy ra chiến tranh Nam - Bắc khiến ông muốn viết thư thăm bạn, nhắc lại lời hẹn ước lúc chia tay, nhưng ông sợ bị khép tội tư thông với sứ thần của đối phương nên đành xua ngay ý nghĩ đó. Đêm về thao thức nhớ bạn, ông không sao chợp mắt được.

 

Lại Văn Khuông dâng lễ xong, về quán dịch nghỉ ngơi, vội mở túi gấm màu vàng, biết địa chỉ của thám tử đang neo thuyền buôn ở ngoài bến sông. Chàng chờ đêm xuống dắt tuỳ tùng ra bờ sông Nhị Hà, lên thuyền vào Nam. Một cung nữ được bà phi Ngọc Tú sai nấp sau rèm của chúa Trịnh, nghe lén được cuộc đối đáp, đem lòng say mê sứ thần Lại Văn Khuông, quên mọi nguy hiểm trốn ra ngoài, đã tìm đến quán  dịch, năn nỉ xin theo chàng vào Nam. Dọc đường, tình cảm giữa hai người ngày một thêm mặn mà, quyến luyến. Chuyến đi ấy, chàng trai xứ Quảng không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của quân sư giao cho. Chàng đã tìm được người bạn đời dám dứt bỏ mọi thứ, chạy theo tiếng gọi của tình yêu đến như một tiếng sét.

 

Trịnh Tráng ngắm kỹ lễ vật, thấy chiếc mâm vàng có hai đáy liền sai người tách ra xem, thấy trong có sắc chỉ của vua Lê Thần Tông, chúa Sãi không nhận gửi trả lại, lại có phong thư của Đào Duy Từ chỉ đề bốn câu thơ:

 

“Mâu” nhi vô dịch

“Mịch” phi kiến tích

“Ái” lạc tâm trường

“Lực” lai tương địch

 

Chúa đọc không hiểu, nghĩ mãi chẳng ra, gọi các danh Nho đến cũng không ai đoán giải được. Lê Thời Hiến bẩm rằng, có lẽ chỉ có trạng nguyên Phùng Khắc Khoan mới hiểu hết, nhưng ông đã cáo lão về quê. Chúa sai người phi ngựa suốt đêm, mời trạng Bùng đến gấp. Phùng Khắc Khoan xem xong, mỉm cười giải thích: đây là lối chơi chữ khá lắt léo của Đào Duy Từ, khéo chiết tự sẽ ra ngay thôi. Chữ “Mâu”  không có nét phẩy là chữ “Dư”. Chữ “Mịch” mất chữ kiến sẽ thành chữ “Bất”. Chữ “Ái” đánh rơi chữ “Tâm” biến ra chữ “Thụ”. Chữ “Lực” với chữ “Lai” kề đó, ghép lại là chữ “Sắc”. Vậy bốn chữ “Dư - Bất - Thụ - Sắc” nghĩa là “Ta không thèm nhận sắc"!...

 

Trịnh Tráng nghe giải thích bừng bừng tức giận, thét gọi võ sĩ đi bắt sứ thần phương Nam về phủ trị tội. Giáp binh đến quán dịch được báo, sứ thần Lại Văn Khuông đã bỏ trốn từ đêm qua. Lệnh truyền đi các ngả đường bộ, đường thuỷ chặn bắt Lại Văn Khuông  đều không tìm thấy tung tích. Chúa càng nghĩ càng căm giận hai người là Nguyễn Phước Nguyên và Đào Duy Từ, muốn huy động các đạo binh vào Nam quyết một trận thư hùng. Các quan thấy vậy đều can ngăn. Phùng Khắc Khoan nói:

 

- Khải chúa!... Phước Nguyên kế nghiệp Nguyễn Hoàng đã nhiều năm được mùa, dân chúng no đủ, quân lương đầy kho, khí thế binh sĩ đang hăng hái muốn lập công. Gần đây Phước Nguyên lại được Duy Từ phò tá. Người này là bậc kỳ tài. Xưa kia, thần đã từng khuyên Bình An Vương Trịnh Tùng nên thu dùng trọng đãi ông ta, chúa không nghe. Nay Duy Từ đang ở Thuận Hoá, cải cách chính sự, luyện tập binh sĩ, tất đã bố phòng chu đáo, chuẩn bị kỹ càng. Chúa không nên dấy động can qua làm gì dễ chuốc lấy thất bại, dân chúng chết oan, đối phương đắc ý. Nay chúa chỉ cần cử một người tài kiêm văn võ vào bờ Bắc sông Linh Giang, điều binh trấn giữ để răn đe họ là đủ. Thần rất mong chúa thượng nghĩ lại.

 

Trịnh Tráng nghe theo, thu lại lệnh điều binh, trong lòng cay đắng. Lê Thời Hiến xin chúa vào trấn thủ ở sông Linh Giang, được chúa  chuẩn tấu. Ông hy vọng chuyến đi này sẽ có cơ hội gặp bạn cũ, nhắc lại lời nguyện ước không gây chiến tranh giữa hai miền Nam - Bắc. Lòng ông nôn nao buồn vui lẫn lộn...

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10   11    12   
Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 2685
Ngày đăng: 28.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dầu máu - Vĩnh Trà
Gia phả dòng họ Đinh - Dương Ðình Hùng
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)