Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.084
123.233.116
 
Ba nhà cải cách- Tiểu thuyết lịch sử
Vũ Ngọc Tiến
Chương 12

HỒI THỨ MƯỜI HAI

 

     Chúa mất tôi hiền rơi nước mắt

    Anh hùng trăn trối tặng binh thư

 

Đã hơn một tháng trời, nàng Vân vò võ thức đêm, chăm sóc Duy Từ mà ông vẫn mê man sốt. Căn bệnh sốt rét cộng với chứng đau tim làm ông có lúc co giật, có lúc lại ôm ngực nhăn nhó. Nàng nhìn ông đau xót cõi lòng, phập phồng lo sợ. Nàng đã một lần ngậm đắng, nuốt trọn nỗi cô đơn những năm dài goá bụa nuôi con. Số phận run rủi cho nàng gặp ông, ghép hai mảnh đời bất hạnh hoà hợp lại, đắp đổi niềm vui và nỗi buồn cho nhau, vì nhau sống nốt quãng đời còn lại. Ôi, hạnh phúc muộn mằn ở tuổi năm mươi của ông mới nồng nàn, quý giá làm sao! Chẳng lẽ nó đến bất ngờ rồi cũng qua nhanh vậy ư? Nếu ông có mệnh hệ gì, nàng biết bấu níu vào đâu? Cha già con cọc, hai đứa con thơ liệu có phải chịu cảnh mồ côi như ông, như các bạn ấu thơ Hữu Dư, Thục Nga và như đứa rể yêu Hữu Tiến hay Thu Hương con nàng? Cao xanh hỡi cao xanh, sao Người bất công, nghiệt ngã!... Đêm nào cũng vậy, nàng thức canh giấc ngủ cho ông, chờn vờn trong óc những câu hỏi, những nỗi dày vò, cầu trời khấn Phật cho ông qua khỏi...

 

Thảng có lúc Duy Từ tỉnh táo, ông nhìn nàng thở dài và trong giọt lệ nóng hổi của ông, nàng tìm thấy sự cảm thông của con tim tha thiết yêu thương. Ông cố gượng cười, nắm chặt tay nàng, đặt lên ngực mình, khiến nàng oà khóc. Ông lau nước mắt cho nàng, dỗ nàng nằm ngủ cho lại sức, rồi một mình suy ngẫm chuyện xa, tính toán việc gần. Duy Từ bồi hồi nhớ lại bao năm tháng đã qua như một giấc mơ, trong lòng ngân rung lên bản nhạc của Đào Tá Hán năm nào, vào cái đêm xảy ra sự biến ở cung vua Lê, tại phủ An Trường. Mẫu thân ông, người ca kỹ đất làng Se đã ghi nhớ bản nhạc ấy, truyền dạy cho con, để ông suốt đời không quên cái chết bi hùng của phụ thân giữa đất trời ngập đầy âm thanh của cây Nguyệt cầm, lẫn trong mưa thét, gió gào. Nét nhạc ông Hán đàn, lời ca trù bà Mạch hát và tuổi thơ côi cút đã theo ông lên chùa Đàn Xuyên gặp sư Duy Giác. Tình bạn của Hữu Dư, tình yêu của Thục Nga đã đón ông xuống núi, dấn thân vào cuộc đời gió bụi. Đôi mắt nhìn thao thiết của Thục Nga đã từng theo ông lên miền biên ải, sang tận đất Tàu chịu cảnh lao tù. Rồi ánh mắt nàng Thục Nga cứ bám riết lấy đời ông trên bước đường hành hương theo chiến luỹ Đa Bang của Hồ Nguyên Trừng và đi khắp các miền rừng rậm núi cao hay đồng bằng bát ngát mênh mông của phương Nam ngập tràn nắng gió. Khát vọng mở cõi đã thôi thúc ông quay về Thuận - Quảng tìm gặp chúa Sãi. Ông cảm kích và ông kính trọng vị chân chúa đã hiểu mình, có chung chí hướng, cư xử với ông như với người bạn tri âm. Số phận ông trời chỉ cho đến vậy, cái chết đang đến gần, Duy Từ cảm nhận được nó và miên man trò chuyện với chính mình...

 

Đời người đàn ông chí tráng thiên hạ có xá gì mọi nỗi gian nan, những điều bất hạnh, nhưng sẽ là vô nghĩa nếu không tìm được minh chúa để mà phò tá, để mà thoả sức tung hoành. Ở tuổi năm mươi số phận đã mỉm cười với ta, cho ta hai thứ báu vật là nàng Vân và đấng minh chúa. Với ta thế là mãn nguyện. Ta chỉ tiếc rằng thời gian quá ngắn, phụng sự Phước Nguyên vẻn vẹn có tám năm, sự nghiệp mở cõi đang còn dang dở. Tám năm chỉ là cái nháy mắt của lịch sử, nhưng với một con người đủ cho ta cơ hội làm được không ít việc để đời mình có nghĩa. Ta trộm nghĩ, thời gian là sự thách đố, thời gian cũng là sự công bằng ghi nhận và phán xét. Sống lâu mà vô dụng, chẳng thà sống ít mà  hữu ích. Ta lại ngẫm, sống vì tình yêu và sống để được yêu mới là đáng sống. Mấy mươi năm ta đã sống vì tình yêu với Thục Nga, rồi ta đã lại được nàng Vân yêu mình, hiểu mình, dâng hiến cho mình suốt tám năm ấm nồng hạnh phúc. Mấy ai trên đời đã may mắn đã yêu và được yêu lại thắm tình như vậy. Từ lúc ngã bệnh ở Quảng Nam, được chúa đưa về Thuận Hoá, cả lúc đau đớn, vật vã trên giường bệnh, ta vẫn biết nàng Vân cũng đau không kém. Bệnh sốt rét ác tính và bệnh đau tim đang hành hạ ta. Lúc mê man, ta chẳng biết gì, khi tỉnh dậy, nhìn vào ánh mắt nàng, ta muốn gọi to: Vân ơi! Ta cảm ơn nàng đã cho ta hạnh phúc! Ta xin nàng đừng buồn như thế. Ta không đau vì bệnh, ta sẽ còn sống mãi bên nàng. Tim ta đau nỗi đau nhân thế. Thân xác ta ớn lạnh vì thời cuộc đảo điên, chiến tranh tàn khốc. Óc ta nhói buốt vì lo toan sao cho quốc thái dân an, giang sơn mở rộng. Ôi! Từ buổi chăn trâu bên sông Vu Gia, nàng đã hiểu ta, gắn bó cùng ta, chia bùi xẻ ngọt thoắt đã tám năm...

 

Sức khoẻ Duy Từ ngày một đuối dần. Bệnh chuyển nặng từ tuần thứ năm, sang tuần thứ bảy, ông thấy mình đang chết, lạnh từ dưới gan bàn chân lạnh ngược lên. Chúa Sãi đến thăm, ngồi bên giường bệnh, nước mắt chảy ròng.  Thấy ông cựa mình mở mắt, chúa hỏi:

 

- Quân sư có còn nhận ra ta?

- Thần vẫn nhìn rõ. Chúa công có khoẻ không?

- Ta khoẻ làm sao được, khi quân sư, người bạn, người thày của ta lâm bệnh, đau đớn thế này.

- Thần đã ngót sáu mươi, cũng vào cõi thọ được rồi. Chúa công nên hết sức giữ gìn tuổi thọ.

- Nếu mất quân sư ta biết làm sao đây! Trời Phật khéo bày ra nghịch cảnh. Giá quân sư đến với ta sớm hơn một chút để công trạng rỡ ràng, để ta sớm có người tri kỷ!

- Tám năm qua thần đã cố sức. Phải xa chúa công lúc này, thần ân hận chưa xong việc mở cõi, nhưng cũng có phần mãn nguyện vì đã gặp được chân chúa.

- Việc nước đang bộn bề, thiếu vắng quân sư, ta như người bị chặt đứt cánh tay.

- Công tử Phước Anh làm tổng trấn Quảng Nam có tốt?

- Ta điều Phước Anh ra Quảng Nam thay Phước Kỳ là cốt để nó xa phủ chúa, đỡ gây bè cánh, nhưng chưa thật an tâm.

- Đất Quảng Nam là nơi trọng địa, cần có một tổng binh trung tín và đảm lược bên cạnh công tử. Thần cho rằng có thể điều phò mã Nguyễn Cửu Kiều vào chức ấy.

- Ai sẽ đủ tài thay ta kế nghiệp sau này?

- Phước Lan là bậc anh hùng, tài kiêm văn võ, chỉ tiếc công tử có tật đa tình, buông thả, chúa công nên lưu ý nhắc nhở thêm. Thần nghe nói Tống Thị, vợ công tử cả, lâu nay vẫn có tình ý với Phước Lan. Người đàn bà này sẽ là mối nguy cho xã tắc, lại thêm Tống Kiến Tường tham lam, gian xảo, chúa công phải nên coi chừng cha con Tống Thị, chớ để mụ ta mê hoặc thế tử Phước Lan, gây tai hoạ cho nước.

- Thế còn công việc mở cõi vào Nam?

- Xin chúa công yên tâm, Nguyễn Hữu Dật đủ tài làm việc này thay cho thần. Kế hoạch từng bước mở cõi vào Nam thần đã vạch sẵn, bàn giao cho Hữu Dật. Thực tế bước một trong hai năm đã chứng minh thần vạch kế hoạch đúng và Hữu Dật đã làm rất xuất sắc. Trong số các tướng trẻ, nổi lên có Hữu Tiến, Nguyễn Cửu Kiều, Nguyễn Mỹ Thắng..., chúa công nên trọng dụng hợp với tài của họ. Số quần thần quanh phủ chúa có các vị như Trần Đức Hoà, Nguyễn Phước Khê, Lại Văn Khuông đều giỏi giang, mỗi người một vẻ, sử dụng họ thế nào cho họ rộng quyền mà vẫn giám sát được là điều chúa công nên bảo ban thế tử  Phước Lan thêm về cái thuật của một đấng quân vương. Chúa công chắc còn nhớ, buổi đầu gặp nhau, chúa tôi vui vẻ đàm luận, thần có nêu ra mấy chữ “Bắc hoà Trịnh, Nam mở cõi”. Mong rằng phương châm chiến lược ấy của thần được chúa công và thế tử giữ vững, chớ để xảy ra chiến tranh  tàn hại sinh linh người Việt chúng ta. Trên đường mở cõi, ta lấy nhân nghĩa mà đối xử với các tộc người bản địa để giữ bền đại cuộc. Thần mong sao sớm đến ngày ca khúc khải hoàn, biên cương mở rộng đến tận vựa lúa Cửu Long Giang, người Việt sống hoà hợp với người Chiêm, người Thượng, người Khơ Me, cùng xây đắp nên nền văn hiến chung trong một vương triều hùng mạnh. Thần có nghe Đức Hoà nói về giấc mơ lạ của chúa công, nhìn thấy chín chữ “Phước”, mười ba chữ “Vương”. Phải chăng mệnh trời, ý phật, lòng dân đã cho họ Nguyễn cơ duyên được làm chủ thiên hạ lâu dài trên nước Đại Việt thống nhất suốt dải non sông từ Đông Đô đến Trấn Biên? Cho dù  thời cuộc biến đổi, thiên hạ mai sau thuộc về họ nào đi nữa thì công tích của chúa công sẽ không uổng phí.

 

Duy Từ nói đến đây thì kiệt sức, thở dốc, mắt chớp liên hồi, tay vê vê đầu ngón, miệng mấp máy, chừng như còn muốn nói nhiều nữa. Chúa Sãi giật mình ôm chầm lấy Duy từ lay gọi. Chúa thét bảo ngự y lại xoa bóp và đổ sâm vào miệng cho quân sư. Nàng Vân cùng hai đứa con nhỏ Đào Duy Huệ, Đào Thị Hưng và hai vợ chồng Hữu Tiến - Thu Hương thảy đều oà khóc, vây quanh giường. Chúa Sãi hết lời khuyên giải, can ngăn mọi người giãn ra cho quan ngự y làm việc. Chúa xót thương bạn, mong được nghe nhiều những lời trăn trối của Duy Từ. Duy Từ ơi! Ta với quân sư nghĩa là chúa tôi, tình là huynh đệ, sao quân sư không đợi ta vài năm nữa cùng dắt tay nhau về cõi Phật? Đang lúc lòng buồn thê thảm, chúa chợt chạnh lòng nghĩ đến số phận mình chẳng còn được bao lâu nữa. Liệu thế tử Phước Lan có nối được chí cha ông, giữ bền được cơ nghiệp? Mấy lời quân sư Duy Từ vừa dặn, chúa cũng đã từng nghĩ đến, đêm ngày lo lắng...

 

Quan ngự y lại bẩm, quân sư đã hồi tỉnh trở lại, chúa nán đợi chừng một khắc nữa sẽ nói chuyện được. Chúa ngồi bên mép giường, tay vuốt nhẹ lên ngực Duy Từ. Ông mở mắt, nhìn chúa, run run nói:

- Thần được chúa công hết mực thương yêu thế này, hẹn kiếp sau sẽ lại đền đáp.

- Ta với quân sư nghĩa nặng tình thâm, nói chi đến điều ơn nghĩa. Ta đang muốn về cõi Phật theo quân sư đây.

- Chúa công đừng nghĩ quẩn. Người cần cho thiên hạ hơn gấp mười thần. Thần vừa mơ một giấc mơ đẹp. Trong mơ thần được gặp sư phụ của thần là đại sư Duy Giác. Ngài từ cõi Phật hiện về đón thần lên đám mây ngũ sắc bao quanh toà sen. Thần được cùng đại sư ngồi lên đó, bay qua luỹ Trường Dục, luỹ Đồng Hới và sông Gianh. Thần sung sướng nhìn thấy những khẩu súng thần công đặt trên chiến luỹ và thần còn nhìn thấy cả trại thuỷ binh của ta, với những thuyền chiến hai tầng neo đậu các cửa sông lớn. Đời thần chẳng còn mơ ước nào hơn thế nữa.

 

- Về việc riêng, quân sư có dặn gì ta không?

- Kẻ bầy tôi, trước lúc nhắm mắt xin được chúa công ban cho mấy điều ân sủng. Thứ nhất, thần chết rồi, phủ quân sự xin trả lại công khố. Ở xứ Bình Định có thành Đồ Bàn của người Chiêm, bên trong có tháp Chàm tuyệt đẹp. Ngoài vịnh biển Quy Nhơn có mũi đảo Phương Mai sơn thuỷ hữu tình. Trong đất liền có đầm Thị Nại nước trong và mát. Nơi ấy phong thuỷ tụ nhiều linh khí. Đó còn là nơi kết thúc sự nghiệp của thần tám năm thờ phụng chúa công, một lòng mở cõi. Vậy thần chỉ xin chúa công ban cho vài mẫu ruộng tốt và ngôi nhà gỗ nhỏ ba gian để vợ con thần về đó lập nghiệp, đắp đổi qua ngày, dưa muối nuôi nhau. Thứ hai, Hữu Dư bạn thơ ấu của thần ở ngoài Bắc, có công lớn lập trang trại ở ngã ba sông Ngàn Sâu, dưới chân núi Vụ Quang để dẫn lối chỉ đường cho dân Việt di cư vào Nam, củng cố những phần đất mở cõi. Ở đời  hiếm có người dân thường nào như ông ấy kiên trì làm việc hữu ích như thế, không màng danh vọng. Xin chúa hãy sai sử quan chép lại việc này để lưu công tích Hữu Dư. Tướng quân Hữu Tiến, con của Hữu Dư có công mở cõi, tài kiêm văn võ, lại là giọt máu của nàng Thục Nga thân thiết với thần từ thủa ấu thơ, xin chúa công trọng dụng Hữu Tiến . Thứ ba, thần suốt cả đời cần mẫn học tập binh pháp của người xưa, ghi chép các điều hữu ích cho việc quân ở chốn dân gian, nay thần đã biên soạn xong một cuốn binh pháp gọi là “Hổ trướng khu cơ”. Đó là kỷ vật duy nhất thần muốn dâng lên chúa công đền ơn tri kỷ. Dám  mong chúa công và các công tử nghiên cứu nó, lại sai in thành nhiều bộ phát cho các tướng dùng vào việc mở cõi, giữ gìn cơ nghiệp muôn đời...

 

   Nói xong, Duy Từ cố gượng đem hết sức tàn lực kiệt, lấy cuốn “Hổ trướng khu cơ” dưới gối, hai tay kính cẩn dâng lên chúa Sãi. Ông gục xuống, trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay nàng Vân và chúa Sãi cùng xô lại đỡ... Ngoài hiên nổi cơn gió lốc. Trời Thuận Hoá xoáy trong bụi cát.  Biển Đông ào ạt những đợt sóng triều cường.

 

   Năm Giáp Tuất (1634), quân sư Đào Duy Từ chết bệnh ở Thuận Hoá. Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên ban sắc, truy tặng ông là Tán trị, Dực vận công thần, Đặc tiến phụ quốc, Kim tử vinh lộc đại phu, hàm Đại lý tự khanh, tước Lộc quận công. Sư Tuệ Năng hay tin, từ chùa Long Hưng hoả tốc về phủ quân sư, lập đàn cầu siêu thoát tục cho ông suốt năm tuần. Sau khi ông chết, chúa Sãi đau buồn thương nhớ, lại thêm tuổi già vóc hạc hao gầy nên một năm sau (1635) cũng qua đời. Chúa Nguyễn Phước Lan kế nghiệp, theo kế sách của Đào Duy Từ tiếp tục sự nghiệp mở cõi vào Nam, nhưng phủ chúa cũng một phen nghiêng ngửa vì Tống Thị và vụ Phước Anh làm loạn ở Quảng Nam, không ngoài dự đoán của quân sư. Các đời chúa sau Phước Nguyên, khi mở cõi vào Nam không theo di huấn của Duy Từ, tàn sát người Chiêm, người Thượng quá độ nên tổn hao âm đức của vương triều họ Nguyễn và dân chúng Đại Việt.

 

   Ai vào cố đô Huế, thăm thành nội hôm nay sẽ thấy linh vị của Đào Duy Từ đặt ở Thái Miếu thờ người anh hùng khai quốc công thần, được vua Minh Mệnh (1836) truy phong hàm Đông các đại học sĩ, Thái sư Hoằng quốc công. Dân lập đền thờ ông ở thôn Tùng Châu, nay là thôn Cự Tài, huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định./.   

  

I. Một vài địa danh liên quan đến Đào Duy Từ trong tiểu thuyết:

 

1- Hoa Trai: quê của Đào Duy Từ thuộc huyện Ngọc Sơn, nay là xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá. Đầu thế kỷ XX tại đây có ga xe lửa Văn Trai.

2- Phủ An Trường: kinh đô của vua Lê trong cuộc chiến tranh Lê - Mạc còn gọi là chiến tranh Nam- Bắc triều (1527 - 1593), nay thuộc các xã Thọ Minh, Thọ Lập huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá.

3- Phủ Trường Yên nay là huyện Hoa Lư và thị xã Ninh Bình.

4- Long Châu là một thành phố nhỏ cấp huyện thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc có địa giới giáp tỉnh Cao Bằng.

5- Ung Ninh là một huyện của Quảng Tây, Trung Quốc.

6- Nam Ninh là thủ phủ tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

7- Xá Lợi là nước nhỏ phía Bắc Tây Nguyên, nay là tỉnh Gia Lai - Kon Tum và một phần phía Tây tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.

8- Lâm Ấp là một nước nhỏ phía Nam Tây Nguyên nay thuộc tỉnh Buôn Mê Thuột, Lâm Đồng và một phần tỉnh Bình Phước.

9. Nước Chiêm Thành thời chúa Phước Nguyên gồm các tỉnh ven biển miền Trung từ Bình Định đến Ninh Thuận, nay còn để lại danh thắng các tháp Chàm ở Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Rang khá nguyên vẹn.

10. Nước Thuỷ Chân Lạp thời đó là vùng lãnh thổ từ Bà Rịa - Vũng Tàu vào đến đồng bằng sông Cửu Long.

11- Thung lũng sông Ngàn Sâu thuộc huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.

12- Trấn Biên nay là TP. Hồ Chí Minh và Biên Hoà.

 

II. Một vài sự kiện lịch sử cần nói rõ thêm:

 

1- Sự biến cung An Trường: Năm 1572, vua Lê Anh Tông  cùng đại thần Lê Cập Đệ chủ mưu truất quyền của Trịnh Tùng. Việc bại lộ, vua chạy vào Nghệ An. Sách “Đại việt sử ký toàn thư” chép rằng: Năm 1573, Tả tướng Trịnh Tùng sai bọn Nguyễn Hữu Liêu tiến đánh thành Nghệ An, vua chạy ra ruộng mía. Hữu Liêu quỳ lạy ở ruộng nói: “Xin bệ hạ mau chóng về cung để yên lòng mong của thần dân, bọn thần không có gì khác cả”. Liêu bèn sai mang 4 con voi đến đón vua và sai Tống Đức Vị theo hầu, đến thành Lôi Dương (Nghệ An), Trịnh Tùng sai Đức Vị ngầm giết vua rồi phao đồn là vua tự thắt cổ.

2- Chiến luỹ Đa Bang (theo tài liệu của TS Quỳnh Cư) do con trai cả Hồ Quý Ly là Hồ Nguyên Trừng xây dựng dọc theo bờ phải sông Đà và sông Hồng (1406 - 1408) để chống quân Minh, bảo vệ Tây Đô ở Thanh Hoá. Hồ Nguyên Trừng còn là nhà sáng chế đại tài, từng chế ra súng thần công và thuyền chiến 2 tầng. Đây phải chăng là gợi ý cho Đào Duy Từ lập luỹ Trường Dục, luỹ Đồng Hới?

3- Cuộc xướng họa thơ giữa Nguyễn Hoàng với Đào Duy Từ còn nhiều nghi vấn trong giới sử học. Tác giả dựa vào sự kiện này hư cấu nên cuộc gặp gỡ ở chùa Tiêu Sơn. Thực ra địa điểm gặp gỡ là chưa rõ. Các bài thơ “Tư Dung vãn”, “Ngoạ Long Cương vãn” lấy theo sự sưu tầm của Trần Thị Liên, Sở Văn hoá thông tin tỉnh Thanh Hoá (1992).

4- Cuộc đối thoại giữa ông lão chăn trâu và đám Nho sĩ ở Quảng Nam và cuộc hội kiến giữa Đào Duy Từ với chúa Nguyễn Phước Nguyên được tác giả hư cấu theo tài liệu của nhà Nho Nguyễn Khoa Chiêm trong sách “Nam Triều công nghiệp chí”, được Ngô Đức Thọ dịch ra chữ quốc ngữ đầu thế kỷ XX.

5- Phép “Lưới trời yểm trại” ở hồi 9 dựa theo cuốn “Hổ trướng khu cơ” của Đào Duy Từ do học giả Đào Duy Anh dịch (NXB khoa học xã hội - 1970). Tác giả dùng nó  hư cấu để Duy Từ dạy binh pháp cho Hữu Tiến.

6- Sau khi chúa Phước Nguyên và Duy Từ chết, thời chúa Nguyễn Phước Lan (chúa Thượng) do có vụ nội loạn của Phước Anh và sự thao túng triều chính của cha con Tống Thị nên cuộc bình định phương Nam mấy lần bị gián đoạn. Đến đời chúa Nguyễn Phước Tần mới hoàn thành kế hoạch mở cõi của Đào Duy Từ. Dân Nam nhớ ơn mở cõi của Phước Tần (chúa Hiền) nên đã đặt tên ông cho một con đường lớn giữa Sài Gòn - đường Hiền Vương (nay là đường Võ Thị Sáu, TP. Hồ Chí Minh). Nhưng cũng vào thời chúa Hiền, sau khi hoàn tất việc mở cõi, chúa ỷ vào sức mạnh, không tuân theo kế sách hoà hoãn với Trịnh của Đào Duy Từ. Năm 1656, quân Nam đánh ra Bắc, chiếm đóng 7 huyện của Nghệ An trong 5 năm. Bắt đầu từ đó, Nam - Bắc chiến tranh liên miên. Có lẽ đây là điều đáng tiếc nhất trong sự nghiệp anh hùng và vô cùng hiển hách của chúa Hiền.

  7- Trận pháp “Chu Thiên đệ lục biến” bên sông Linh Giang được tác giả hư cấu dựa theo cuốn “Hổ trướng khu cơ” của Đào Duy Từ do học giả Đào Duy Anh dịch (NXB khoa học xã hội - 1970, trang 377).

 

 

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10    11    12  
Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 2941
Ngày đăng: 28.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dầu máu - Vĩnh Trà
Gia phả dòng họ Đinh - Dương Ðình Hùng
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)