Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.077
123.233.548
 
Khói mây Yên Tử (Truyện Trần Thủ Độ)
Vũ Ngọc Tiến
Chương 1 - Phần II Khói mây Yên Tử

“Điện Diên Hiền, hiền sĩ tranh đua

Sáng đạo Nhân, nhân tài hiến kế”

 

Phần II Khói mây Yên Tử

 

 

HỒI THỨ NHẤT

 

Rừng Bảo Lâm tam kiệt đi săn

Núi Yên Tử kêu ran tiếng hạc

 

Mùa xuân năm Mậu Thìn (1208). Trời Đông Bắc xanh cao và trong vắt. Từ Bảo Đài nhìn về Yên Tử núi tiếp núi chạy theo hình cánh cung khổng lồ bao bọc lấy khu rừng Bảo Lâm rậm rì với những tán cây lim, bồ đề, vàng tâm cổ thụ cành lá xum xuê chen lấn những cây táu mật cao vút, lừng lững đung đưa trong nắng thu vàng nhạt. Dọc theo các con suối, hoa rừng đủ màu rực rỡ như những đàn bướm rập rờn. Những nếp nhà sàn chon von bên sườn núi, nép mình sau tán cây giống như những chiếc khuy trai đính lên vạt áo màu xanh lam. Từ sau mỗi nếp nhà lan toả vạt khói cơm chiều mỏng tang, quyện với mây chiều chờn vờn ôm ấp lấy triền núi đá khiến lòng người bồng bềnh một cảm giác yên bình, thơ mộng. Thảng nghe tiếng vượn hú gọi bầy trong khe núi và tiếng hoẵng kêu bên bờ suối, tiếng chim hót trên các vòm lá. Gió chiều nhè nhẹ xô nghiêng những khóm trúc mảnh dẻ làm vọng lên từ đó một bản đàn bất tận, du dương của rừng chiều Đông Bắc.

 

Từ sâu trong rừng Bảo Lâm xuất hiện một đoàn trai tráng chừng hơn hai chục người, tay cầm cung tên cúi rạp trên mình ngựa, reo hò huyên náo, đuổi theo một con hổ xám bị trúng tên đang rên hồng hộc, rẽ cây ào ào chạy về phía bãi lau sậy um tùm bên kia con suối Long Nguyên. Trên đùi trái con mãnh hổ vẫn còn lủng liểng mũi tên có lẽ đã cắm lút sâu vào tận xương bởi một cánh tay thiện xạ có sức lực phi thường. Nó chạy băng qua dòng suối, im lặng giấu mình giữa đám lau sậy bạt ngàn. Đoàn người dừng lại trên mỏm đá gan gà nhẵn thín, nhìn sang bên kia suối phân vân tìm kiếm. Mọi dấu vết của con mãnh thú đã bị nước suối rửa sạch và bãi lau sậy khoả lấp. Họ chỉ thấy những bông lau trắng phau phơ phất, suối reo róc rách đầy bí hiểm. Cầm đầu đoàn người đi săn là ba tráng sĩ mặc áo bào màu xanh lục, khăn quấn trên đầu hình chữ nhất và đai lưng bằng gấm đều có màu huyết dụ. Đó là ba anh em nhà họ Trần. Người nhiều tuổi nhất khoảng hai sáu, hai bảy là Trần Thừa có dáng vẻ thư sinh tao nhã, mặt vuông chữ điền, mũi cao, trán rộng, cưỡi con ngựa trắng. Hai chàng kia còn rất trẻ, mười tám tuổi nhưng vóc người cao to vạm vỡ, cưỡi hai con ngựa ô đen bóng như bồ hóng. Trần Tự Khánh lưng dài, vai gấu, gò má cao, mắt đen và sáng nhưng nhân trung lệch và lộ hầu. Trần Thủ Độ miệng rộng, mắt xếch, lông mày lưỡi mác, tai to, cánh mũi dày, giọng nói sang sảng như chuông. Hai chàng thiếu niên dũng sĩ toan hăm hở lội qua suối nhưng Trần Thừa vội ngăn lại. Họ nhìn nhau không nói nhưng đều hiểu rằng việc lội suối, rẽ lau sậy tìm kiếm mãnh hổ giữa bãi lầy là điều mạo hiểm. Đoạn suối Long Nguyên này là chỗ hợp lưu của nhiều nhánh suối nhỏ, chuẩn bị đổ nước ra sông Diễn Vọng nên hình thành một bãi lầy rộng vài trăm mẫu, lau sậy um tùm. Con hổ xám khôn ngoan lúc này đã nằm im nín thở và nắng đã xiên khoai, lợt dần theo bóng hoàng hôn mờ tím.

 

Trần Thủ Độ xốc lại cây cung khoác trên vai, tay xoay xoay đốc kiếm bên hông, cau mày nhìn sang bãi lau lầm bầm nói:

- Tiếc thật! Anh em mình vất vả mấy ngày mà chỉ săn được một lũ thỏ, cầy nhãi nhép. Con hổ xám này bị thương từ trong rừng bồ đề, dồn mãi đến đây tưởng đã chắc ăn thì mất hút.

- Còn nhiều dịp khác nữa, nó không thoát nổi tay cung của anh em mình đâu - Trần Tự Khánh an ủi.

- Hận một điều là khi đi, đệ đã hẹn với lão bá và Dung muội rằng sẽ mang xác hổ xám rừng Bảo Lâm về xả thịt, bóc xương nấu cao cho thoả chí bình sinh.

- Nhưng số thỏ, cầy này cũng đủ chứng minh tài nghệ bắn cung của Thủ Độ, đáng để Dung muội ngưỡng mộ rồi.

- So với Tự Khánh thì đệ còn thua một bậc.

- Có một con cầy xạ hương, Tự Khánh này xin nhường Thủ Độ làm quà cho Dung muội.

- Hai ta nghe lời lão bá, noi gương huynh trưởng đọc binh thư, luyện rèn cung kiếm là để nuôi chí lớn, lúc ẩn mình diệt trừ ác thú, khi ra đời vung ba tấc kiếm dẹp yên thiên hạ. Một lũ thỏ, cầy yếu ớt kia dẫu có săn được nghìn, vạn con cũng vẫn chỉ như là mài gươm xó bếp thôi.

Trần Thừa liếc nhìn sang Thủ Độ mỉm cười. Chàng rất hài lòng về tài năng và khí phách của người em họ mà cha đã có ý lựa chọn làm rể trong nhà. So với Tự Khánh, Thủ Độ chỉ hơn có vài tháng tuổi nhưng già dặn và chín chắn hơn nhiều, làu thông kinh sử, sâu sắc trong từng lời nói. Họ Trần xuất thân từ miền rừng núi Đông Bắc, trải mấy đời xông pha đi mở đất khai hoang, lúc đầu dừng chân ở Tức Mạc, sau lại phiêu dạt sang miền Thái Đường- Hải Ấp, nơi giao nhau giữa sông Nhị Hà và sông Hải Triều để sinh cơ lập nghiệp. Đến nay cha chàng là Trần Lý đã trở thành chủ ấp giàu có, công đức thấm nhuần cả một vùng quê sông nước bao la, cá nhiều, ruộng lắm. Để giữ cơ nghiệp tổ tiên nơi đất mới nên họ Trần cách mấy đời lại thông gia với nhau, rất hiếm khi kết hôn với người ngoài họ. Trần Thị Dung, em gái của chàng từ lâu đã có tình ý với Thủ Độ. Hai người trò chuyện với nhau rất tâm đồng ý hợp. Cha chàng cũng rất mến tài Trần Thủ Độ, ngầm ý vun vào cho Trần Thị Dung. Ông khen Thủ Độ mồ côi cha, nhà nghèo nhưng sớm có chí lập thân, học rộng biết nhiều, siêng năng luyện võ. Các môn võ bí truyền của tổ phụ Trần Kính ông đều ân cần dạy hết cho con trai thứ hai Trần Tự Khánh và người cháu họ Trần Thủ Độ. Đối với sự lựa chọn của cha và em gái, Trần Thừa không có điều gì phải phàn nàn. Chàng chỉ mơ hồ cảm thấy một nỗi lo phấp phỏng cho hạnh phúc của Dung muội mà không thể lý giải vì sao. Hình như trong con người Thủ Độ lý trí quá mạnh mẽ. Liệu điều ấy có can hệ đến mối tình của Dung muội? Có lúc chàng phân vân tự hỏi lòng rồi lại cười thầm, tự an ủi rằng mình quá đa cảm, suy nghĩ lẩn thẩn...

- Huynh trưởng nghĩ gì mà đăm chiêu thế? - Thủ Độ lại gần nắm dây cương và hỏi.

- Ta đang chợt nhớ lời Dung muội dặn phải về sớm, kịp lễ mừng thọ cha 60 tuổi và mở hội phát chẩn cho dân nghèo nhân ngày rằm tháng bảy xá tội vong nhân.

- Dung muội cũng dặn riêng đệ như vậy, nhưng từ nay đến bữa đó còn những bảy ngày, huynh trưởng đừng lo.

- Có lẽ sau lễ mừng thọ cha cũng nên bàn dần đến chuyện của Thủ Độ và Dung muội .

- Huynh trưởng hỏi đến thì đệ mới dám thưa. Dung muội còn trẻ, đường công danh sự nghiệp của đệ còn chưa rõ, nên theo ý đệ cứ thư thư một vài năm cũng chưa muộn - Nói đến đây Thủ Độ lảng sang chuyện khác - Dung muội hôm đi còn dặn đệ tìm bắt mấy con tê tê đem về lấy vảy đưa vào bài thuốc "Gia vị qui tỳ" để bá mẫu dùng cho thêm cứng gân, sáng mắt. Đệ cũng vừa tìm được khóm lan vảy rồng đang nhú lên mười lăm giò hoa rất mập mạp. Chỉ ít ngày nữa nó sẽ nở thành mười lăm đàn bướm vàng rực rỡ tặng Dung muội tròn mười lăm tuổi. Lát nữa huynh trưởng xem có ưng không.

- Thời thế thật nhiễu nhương, chẳng biết sẽ loạn lúc nào. Ta lo rồi Dung muội sẽ khổ.

- Vâng, theo thiển nghĩ của đệ thì Lý triều đồi bại đến mức này, nước nhà sinh loạn là cái chắc.

- Hình như sau ngày Phạm Bỉnh Di bị vua Lý Cao Tông bắt giam, thuộc hạ là Quách Bốc muốn đem binh từ Hoan - Ái về Thăng Long làm phản - Trần Tự Khánh hoạ theo.

- Vua ở ngôi cao thì dâm loạn, triều thần bên dưới toàn một lũ ngu dốt, xu nịnh, dối trên lừa dưới mà không loạn mới là sự lạ - Thủ Độ bàn thêm.

Trần Thừa thở dài, chỉ tay ra xung quanh và nói:

- Giang sơn gấm vóc tươi đẹp nhường này mà dân đói khổ, xóm làng xơ xác, quốc khố trống rỗng, khắp chợ cùng quê tiếng than dậy đất khiến lòng ta đau xót.

 

Tự Khánh trợn mắt nghiến răng quay sang nói với Thủ Độ:

- Hôm qua, trong núi Tràng Bạch nhìn thấy thằng sai nha của quan huyện đánh đập tàn nhẫn đám dân phu đi đào than vì không đủ hàng giao cho khách buôn người Tàu ở dưới thuyền, nếu không có huynh trưởng can ngăn, hai anh em mình đã cho nó vài nhát kiếm.

- Thời nào cũng vậy, dân có thể chịu được khổ chứ không chịu được bất công - Thủ Độ tiếp lời Tự Khánh - Mầm loạn nằm ở ngay trong đám người mũ cao áo dài quanh ngai vàng mà vua Lý Cao Tông u mê không biết. Lý triều kể từ Thái tổ Lý Công Uẩn gây dựng đến đời Cao Tông vừa tròn hai trăm năm, đã từng lập nên bao võ công hiển hách mà nay không ngờ sự nghiệp sắp tan thành mây khói.

 

Trần Tự Khánh hăng hái nói:

- Ông Trời cho chúng mình cơ hội lập công danh. Họ Trần ta văn có cha và huynh trưởng, võ có đệ với Thủ Độ, lại có thêm cậu ruột chúng mình là Tô Trung Tự, nếu chiêu mộ dân binh nổi dậy chẳng mấy chốc lấy được kinh thành Thăng Long. Ta đem binh cướp lấy ngai vàng, tôn cha làm hoàng đế, huynh trưởng làm tướng quốc, cậu Tô Trung Tự nắm quan ngự lâm, còn đệ với Thủ Độ chia quân trấn giữ hai mặt Bắc - Nam...

- Im ngay, Tự Khánh! Chuyện tày đình sơ sẩy là chết cả họ không có đất chôn, sao ngươi hồ đồ, vội vã thế! - Trần Thừa quát lên.

- Xin huynh trưởng bớt giận. Ở đây giữa rừng vắng vẻ, mấy đứa thuộc hạ đều là tâm phúc - Thủ Độ nói - Lời Tự Khánh có phần hấp tấp nhưng không phải là không có lý. Đệ nghe nói trong núi Yên Tử có Minh Luân đại sư rất thông tuệ có thể sánh với Gia Cát Khổng Minh đời Tam quốc bên Tàu. Lúc này trời đã sắp tối, theo ý đệ chúng ta cùng đến gặp Ngài thỉnh giáo và cho thuộc hạ nghỉ ngơi. Huynh trưởng xét có nên không?

Ba người bàn bạc hồi lâu rồi ra lệnh cho thuộc hạ thu xếp hành lý, nhằm hướng chùa Phù Vân giục ngựa phi nước kiệu. Con đường mòn lượn quanh sườn núi Yên Tử khua giòn tiếng vó ngựa, bụi cuốn bay mù. Sau lưng họ rừng Bảo Lâm chìm trong sương. Ánh hoàng hôn lợt dần.

*

Màn đêm buông kín ngọn núi Yên Tử. Quanh chùa Phù Vân cảnh vật yên tĩnh và huyền bí. Suối reo róc rách. Tiếng côn trùng râm ran. Từng chiếc lá đa lãng đãng rơi nhẹ xuống sân chùa, lạo xạo lên nền gạch. Minh Luân đại sư ngồi xếp bằng tròn trên lá chiếu điều trải ngoài hiên trước điện thờ. Đã thành lệ, sau bữa cơm tối, Ngài nhấp mấy chén trà hoa cúc và đọc sách. Chú tiểu Minh Linh đổ thêm dầu lạc, khêu to ngọn bấc, châm lửa rồi chắp tay lễ phép hỏi:

- Bạch sư phụ, Người có sai bảo thêm gì con không?

- Được rồi, con có thể lui. Hôm nay lúc trời xế bóng chim hạc bay ngang qua chùa tiếng kêu ríu ran khác thường, ắt có khách anh hùng đến tá túc qua đêm. Các con ở dưới nhà chín gian nếu có khách nhớ ân cần tiếp đón nhưng không được dẫn họ lên đây gặp ta.

- Bạch sư phụ, nhỡ khách đòi gặp con sẽ trả lời thế nào?

- Con cứ điềm nhiên đáp rằng đang giờ ta đọc sách, xin các thí chủ đừng làm kinh động cửa thiền. Sau đó cái gì đến tự nó sẽ xảy ra con không cần biết.

- Mô phật! Lạy sư phụ, con xin phép lui.

 

Minh Luân đại sư nhìn theo bóng chú tiểu Minh Linh khuất sau cánh cửa gỗ, khẽ gật đầu mỉm cười. Đại sư cảm thấy sắp đến ngày thu về pháp hiệu Minh Linh, trả lại cho cậu bé thông minh lanh lợi cái tên do cha mẹ đặt là Lê Tần. Công lao dạy dỗ cậu bé bấy lâu thật không uổng. Mới chín tuổi mà Lê Tần đã thông hiểu Tứ thư, Ngũ kinh và luân lý của bách gia chư tử, thuộc lòng kinh Pháp hoa nhà Phật, văn võ song toàn. Cuộc hội kiến anh hùng sắp tới có lẽ là cơ hội cho Lê Tần trở về với cuộc sống trần tục nhiều nghiệp chướng và cũng lắm vinh quang. Đại sư vừa gieo quẻ dịch cho chuyến hạ sơn của tiểu Minh Linh thấy điềm đại cát. Số mệnh của Lê Tần ứng vào ngôi tứ trụ triều đình, càng về cuối đời hạnh phúc càng viên mãn. Luật đời luôn biến dịch, vật đổi sao dời. Đất trời Yên Tử khi nắng lúc mưa là lẽ thường tình. Vương quyền có hưng phải có phế. Lý triều hưng thịnh suốt hai trăm năm là hồng phúc lớn cho dân nước Đại Việt. Nay đến đời Lý Cao Tông chính sự đổ nát, dân chúng lầm than điêu đứng chính là lúc để anh hùng xuất thế. Chim hạc bay ngang qua chùa Phù Vân kêu ba tiếng đầy hứng khởi ắt sẽ có ba vị anh hùng xuất chúng trong cõi nhân gian xuất hiện thay trời hành đạo. Lê Tần được theo họ xuống núi là nhờ âm đức của Đại Hành hoàng đế.

 

Đại sư bồi hồi nhớ lại giấc mộng cách đó bảy năm. Đêm ấy, sau giờ tụng kinh đọc sách, Ngài thiếp đi bên chồng sách, bỗng mơ thấy Đại Hành hoàng đế hiện về. Nhà vua lặng lẽ ngồi bên mép chiếu, cầm tay Minh Luân đại sư buồn rầu nói:

- Ta xuất thân từ kẻ bạch đinh ở miền đất Châu Hoan, bố dỡ đó, mẹ xó chùa, may được cầm cờ nghĩa theo Tiên Hoàng, được Ngài trọng dụng đi chinh phạt mười hai sứ quân, lập bao chiến công hiển hách, đứng đầu thập đạo quân. Cuộc đời chinh chiến kéo dài liên miên khiến ta không còn thì giờ đọc sách thánh hiền. Gặp lúc vận nước chông chênh, ấu chúa Đinh Toàn bị thù trong giặc ngoài vây ép tứ bề, ta buộc lòng phải nhận áo hoàng bào từ tay Thái hậu Vân Nga, kế nghiệp nhà Đinh. Lẽ ra khi dẹp hết thù trong, đuổi lui quân Tống xâm lược, ta không nên tham quyền cố vị ở trên ngôi báu mà tìm người hiền tài thay mình cai trị đất nước. Họ Lê cũng theo vết họ Đinh hiển hách một thời, nhưng lúc thái bình chỉ quen nếp võ trị, thiếu tài văn trị. Ân đức đã mỏng, văn tài không có nên khi ta chết đi để lại một lũ con tham lam, ngu dốt, đâm chém nhau tranh đoạt ngai vàng, gây cảnh huynh đệ tương tàn, nồi da nấu thịt để cơ nghiệp họ Lê về tay họ Lý. Nay trong dòng dõi của ta còn sót lại đứa cháu đời thứ mười đang sống cùng quẫn, mắc nạn trong rừng Bảo Lâm, muốn cậy nhờ đại sư nuôi dưỡng. Đứa bé này vận số không đủ làm nên nghiệp vương bá, nhưng có tài lạ giúp ích được nhiều cho xã tắc. Đại sư là người tinh thông tam giáo, võ nghệ siêu quần, chắc không phụ lòng uỷ thác của ta. Vương triều nhà Lý đang trong cơn nguy biến, mục ruỗng từ trên xuống dưới. Giặc phương Bắc lăm le nhòm ngó Đại Việt. Ở miền Hải Ấp thuộc hạt Kình Bố xưa kia là đất của minh công Trần Lãm mấy năm nay tụ nhiều sao lạ, bóng rồng thường lượn trên sông Hải Triều, tất sinh thánh nhân. Duyên trời sẽ xui khiến anh hùng ghé chùa Phù Vân. Lúc đó đại sư sẽ giao đứa bé này theo họ phò vua, giúp nước. Khi Lý triều giao cơ nghiệp về tay họ Trần, nó còn giúp hai bên hoàng tộc giải mối oan tình cho một người con gái xấu số ngậm ngùi nuốt lệ nơi cung cấm thâm nghiêm, lạnh lẽo suốt hai mươi năm...

- Thưa hoàng thượng! Bần tăng biết tìm đứa bé họ Lê này ở đâu? - Minh Luân đại sư hỏi.

- Thường ngày vào rừng Bảo Lâm hái thuốc, đại sư hay đi về hướng Tây. Sớm mai đại sư đi về hướng Đông sẽ gặp...

 

Minh Luân đại sư toan hỏi thêm, nhưng Hoàng đế chỉ im lặng, bóng mờ dần rồi biến mất. Đại sư bàng hoàng tỉnh mộng, chỉ thấy bốn bề tĩnh lặng. Tiếng mọt nghiến gỗ trên vách nghe khô và lạnh. Con thạch sùng chạy lạo xạo trên xà, ném lưỡi vào đêm giật cục nghe đơn côi, buồn tê tái. Chờ gà báo canh năm, đại sư thu xếp hành lý rời chùa, vác thiền trượng lững thững xuống núi đi vào rừng Bảo Lâm, vừa đi vừa quan sát, nghe ngóng mọi động tĩnh. Đi khoảng chừng năm dặm, đại sư thấy phía trước xôn xao tiếng người quát lác, hăm doạ, lẫn trong tiếng đàn bà van vỉ, khóc lóc rất thảm thiết. Đại sư hối hả bước lại gần, hỏi ra mới rõ sự tình: người đàn bà có chồng họ Lê vay của phú ông trong làng một lạng bạc để chôn cất mẹ; không may người chồng đi săn bị hổ dữ vồ tha đi mất xác; thấy vợ anh ta có chút nhan sắc, họ sai người đến đòi nợ không được bèn bắt về làm thiếp. Người vợ ôm chặt lấy đứa con hai tuổi gào khóc không chịu đi. Minh Luân đại sư khẩn khoản xin với đám người nhà phú ông cho trả nợ thay nhưng không được, bèn nói với thiếu phụ cho đem đứa bé về nuôi dạy. Lúc chia tay, người đàn bà ôm con quỳ lạy đại sư và dặn tên nó là Lê Tần, cháu mười đời của Đại Hành hoàng đế, tổ tiên chạy loạn Lê Ngoạ Triều nên phiêu dạt về núi Yên Tử... Thấm thoắt đã bảy năm,  đứa bé Lê Tần đã thành chú tiểu Minh Linh, được đại sư Minh Luân hết lòng nuôi nấng,  dạy dỗ cả văn lẫn võ. Phần mình, đại sư cũng để tâm nghiên cứu kỹ họ Trần ở miền Hải Ấp hạt Kình Bố, quan sát nhân tình thế thái...

 

Chú tiểu Minh Linh đang lơ mơ trong giấc ngủ chập chờn ở dãy nhà chín gian phía Tây sân chùa Phù Vân chợt nghe tiếng người ngựa xôn xao ngoài cổng. Nhớ lời dặn của đại sư, chú vùng dậy chạy ra mở cổng chùa, lễ phép chào khách:

- A di đà Phật! Các thí chủ từ đâu tới, đêm hôm khuya khoắt đến chùa có việc gì?

- Mô Phật! Phiền chú tiểu vào thưa với đại sư rằng có ba công tử họ Trần bên đất Kình Bố muốn vào chùa tá túc qua đêm, cùng đi theo có hai chục người thuộc hạ tâm phúc - Trần Thừa nói.

- Xin các công tử và mọi người buộc ngựa rồi vào nhà ngang nghỉ tạm.

- Chúng tôi muốn hầu chuyện đại sư - Thủ Độ sốt sắng nói.

- A di đà Phật! Xin công tử vui lòng đi nghỉ chờ sớm mai hẵng hay. Đại sư  tôi đang giờ đọc sách, cần yên tĩnh, mong các thí chủ chớ làm kinh động cửa thiền.

- Các ngươi mau đi buộc ngựa và thu xếp hành lý vào trong chùa nghỉ ngơi. Ta cấm ai được làm ồn, kinh động đến đại sư.

 

Trần Thừa ra lệnh cho đám thuộc hạ rồi dắt hai em theo chú tiểu Minh Linh bước vào sân. Đi được vài bước, vì trời tối Trần Thừa va phải chậu hoa móng rồng đặt trên lưng con rùa bằng đá. Chậu hoa rơi xuống chân làm chàng đau điếng nhưng cố nghiến răng chịu đựng, chỉ dám rên lên khe khẽ. Tự Khánh và Thủ Độ biết huynh trưởng giữ ý nên cũng yên lặng dìu Trần Thừa vào nhà ngang. Vừa lúc đó từ trong trai phòng của Minh Luân đại sư cất lên giọng ngâm sang sảng theo điệu sấm kinh:

Hai hổ kiệu một rồng

Rẽ mây vào Yên Tử

Nghiệp bá sắp thành công

Trời xui còn một hổ.

Trần Thủ Độ chăm chú lắng nghe, trong lúc Trần Thừa đã ngồi yên vị trên chiếc chõng tre để Tự Khánh và chú tiểu Minh Linh xoa bóp. Chàng bóp trán suy nghĩ, đi đi lại lại, miệng lầm bầm nhắc lại mấy câu sấm kinh và liên hệ với sự việc vừa xảy ra: Huynh trưởng tuổi rồng, còn ta và Tự Khánh tuổi hổ. Người tuổi rồng vào chùa, đụng vào hoa móng rồng, làm chậu vỡ sẽ phải thay chậu mới. Phải chăng huynh trưởng có chân mạng đế vương nhưng phải đợi đến đời con mới hoàn thành nghiệp bá. Chàng cũng cảm thấy băn khoăn khó hiểu về hai câu cuối cùng trong bài sấm: "Nghiệp bá sắp thành công - Trời xui còn một hổ". Hai anh em, Thủ Độ và Tự Khánh cùng tuổi hổ, cùng dìu huynh trưởng vào chùa, hà cớ gì sau này hai hổ chỉ còn một? Hình như huynh trưởng Trần Thừa vì quá đau, còn Tự Khánh vì quá sốt sắng dìu huynh trưởng vào nhà xoa bóp, nên cả hai không nghe rõ bài sấm mà Minh Luân đại sư vừa ngâm. Trần Thủ Độ đoán vậy và quyết định giữ kín trong bụng chờ xem bài sấm sẽ linh nghiệm ra sao.

 

Lúc này Trần Thừa đã bớt đau, tĩnh tâm trở lại. Cả ba anh em cùng nóng lòng mong được gặp Minh Luân đại sư. Chú tiểu Minh Linh mang vào ba chén trà hoa cúc nóng, thơm ngát rồi lễ phép quay gót. Trần Tự Khánh toan chạy theo níu áo cà sa của chú tiểu nhưng Trần Thừa vội đưa mắt lắc đầu. Từ phía trai phòng lại ngân lên giọng ngâm của Minh Luân đại sư:

Thánh nhân đi Phù Vân

Hay đâu miền Hải Ấp

Sắp có rồng lánh nạn

Khách anh hùng về mau!

Trần Thủ Độ vừa nghe xong bài sấm, toát mồ hôi vùng dậy, run run nắm tay Trần Thừa,  hào hển nói:

- Kinh thành sắp có biến rồi, huynh trưởng ạ!

- Sao Thủ Độ biết?

- Đệ nghe trong bài sấm của Minh Luân đại sư ngụ ý rằng kinh thành sẽ loạn, có lẽ không ai ngoài Quách Bốc đem binh Hoan - Ái về trả thù cho Phạm Bỉnh Di. Bài sấm còn ngầm mách bảo: Vua hoặc Thái tử sẽ chạy loạn về Hải Ấp và giục ta mau quay về nhà.

- Vậy ta mau về thôi - Trần Tự Khánh hấp tấp đứng dậy.

- Không. Đã cất công đến chùa Phù Vân, phải yết kiến bằng được Minh Luân đại sư, xin Ngài chỉ giáo đôi điều về thế cuộc.

- Nhưng chú tiểu không cho gặp đại sư mà huynh trưởng thì rụt rè, giữ ý mãi. Theo Thủ Độ nên làm thế nào?

 

Trần Thừa đứng dậy vỗ vai hai em, vui vẻ nói:

- Lúc nãy thì thế, còn bây giờ khác rồi. Đại sư là người chân tu, quyền pháp vô biên, có lẽ Ngài đã biết anh em ta đang ở trong chùa và cố ý đọc bài sấm hàm ý mời lên trai phòng. Ta đi nào! Nhưng khi gặp Ngài, để ta và Thủ Độ nói thôi. Tự Khánh hay nói năng bộp chộp nên tốt nhất là ngồi nghe.

Ba anh em họ Trần hớn hở dắt nhau bước qua sân chùa rộng và tối om. Họ đứng trước cửa trai phòng của Minh Luân đại sư, hồi hộp bồn chồn hồi lâu mới dám gõ cửa.

- A di đà Phật! Ai gõ cửa phòng vào lúc đêm hôm xin cho biết quý danh?

- Trình đại sư xá tội. Chúng tôi là ba anh em Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thủ Độ, xin mạn phép được hầu chuyện đại sư - Trần Thừa đáp.

- Mời thí chủ vào phòng... Tiểu Minh Linh mau pha trà!

Ba người bước vào cùng đại sư chia ngôi chủ khách và ngồi xuống chiếu. Tiểu Minh Linh pha trà hoa cúc xong, lễ phép khoanh tay đứng hầu sau lưng đại sư.

- Mời ba công tử dùng trà - Đại sư ôn tồn mời khách.

- Chúng đệ tử mạo muội quấy rầy đại sư lúc nửa đêm, thật là vô lễ, rất mong Ngài mở lượng bao dung - Trần Thừa vòng tay xá ba lạy mới dám ngẩng lên.

- Bần tăng biết nhà chùa sẽ có khách anh hùng từ lúc chiều hôm, khi chim hạc bay qua kêu ríu ran ba tiếng lạ. Xin mời ba công tử dùng chút trà hoa cúc quê mùa này cho ấm dạ, có chuyện gì thư thả sẽ bàn sau.

- Chúng đệ tử đọc sách thánh hiền, ôn văn luyện võ bấy lâu, chỉ mong có dịp ra giúp đời cứu nạn cho dân, rất mong đại sư dạy bảo đôi điều - Thủ Độ nói.

- A di đà Phật! Bần tăng là kẻ quê mùa ở chốn sơn lâm cùng cốc, xa lánh bụi trần, đâu có biết gì đến chính sự, xin vô phép, vô phép...

- Đại sư là bậc tu hành đến mức trí giác thông tuệ, linh hồn siêu thoát hoà nhập vào cõi giới vô hình, quyền pháp vô biên. Mong đại sư soi sáng cho chúng đệ tử ngu hèn thoát khỏi vòng tăm tối, mở rộng tầm mắt nhìn ra bốn hướng, bao quát muôn vật và ngẫm suy thế cuộc.

- Công tử dạy quá lời. Bần tăng suốt đời ăn mày cửa Phật, tĩnh tâm toạ thiền, xa lánh mọi điều tục lụy cõi trần ai, không hề quan tâm đến chính sự, coi cuộc đời này là bến đò ngang, ai qua sông tự tay chèo lái, gió lặng sóng êm hay bão táp mưa sa là bởi Trời - Phật và phúc đức mỗi người...

- Vừa rồi chúng đệ tử ngồi dưới khu nhà chín gian nghe đại sư đọc mấy câu sấm là nghĩa thế nào? - Trần Tự Khánh nôn nóng ngắt lời đại sư.

 

Trần Thừa thấy vậy đưa mắt giận dữ nhìn em trai. Chàng quay sang phía đại sư nhỏ nhẹ đỡ lời:

- Em trai của đệ tử là kẻ võ biền, nói năng thô thiển cục cằn, xin đại sư xá cho.

- Không sao. Tự Khánh công tử là người trực tính, thực thà đáng quý. Người như công tử sẽ hết lòng vì người khác mà chẳng có tâm địa hay toan tính cho riêng mình. Nhưng công tử đừng để tâm đến mấy lời quê kệch ngẫu hứng nhất thời của bần tăng lúc nãy. Đó chẳng qua là vì bần tăng nghe được từ miệng mấy ông lão tiều phu khi ra rừng hái thuốc nên thuận miệng đọc chơi, chẳng có ý nghĩa gì. Giờ đã sang canh hai. Xin các công tử đi nghỉ sớm để mai còn tiếp tục đi săn. Bần tăng xin kiếu, không biết gì thêm mà đàm luận.

 

Minh Luân đại sư nói rồi nhắm mắt chắp tay ngồi thiền như không hề có ai quanh mình. Ba anh em họ Trần ngơ ngác nhìn nhau, phân vân, lúng túng không biết nên khu xử ra sao. Tự Khánh lắc đầu chán ngán, bụng nghĩ thầm: chắc đại sư chỉ là ông lão gàn dở, tiếng đồn đại chẳng qua chỉ là hư danh. Trần Thừa bồn chồn, nao núng khẽ nắm tay Thủ Độ, đưa mắt dò hỏi. Im lặng hồi lâu, Trần Thủ Độ quả quyết kéo hai người xuống dưới thềm cùng quỳ xuống và nói:

- Chúng đệ tử đều là những kẻ nuôi chí anh hùng, noi gương các bậc tiên liệt nước Nam một lòng vì xã tắc muôn dân. Nay Lý triều mục nát, dân chúng lầm than, giặc bên ngoài cương thổ lăm le nhòm ngó, là lúc kẻ sĩ người hùng xông ra đảm đương vận nước. Đại sư là bậc phi phàm nức tiếng cả một vùng Đông Bắc, ai ai cũng háo hức muốn nghe lời chỉ dạy. Chúng đệ tử lặn lội từ xa đến đây chỉ cầu được nghe đôi điều vàng ngọc giống như kẻ đi rừng mong thấy bóng nắng để biết giờ giấc hay phương hướng, như gã thợ mộc mong có người thày nảy cho đường mực mà đục đẽo cái “cây thế sự”. Chúng đệ tử đã đến được chùa Phù Vân thề sẽ quỳ trước sân quyết không chịu về, nếu đại sư không chịu nhìn xuống cõi đời dưới chân núi. Kính mong đại sư giúp cho.

Ba anh em cúi lạy đại sư rồi hiên ngang quỳ trước sân chùa. Chú tiểu Minh Linh thấy vậy cũng nem nép vòng ra phía sau, quỳ theo các tráng sĩ họ Trần. Minh Luân đại sư vẫn điềm nhiên chắp tay ngồi thiền chừng hơn một canh giờ nữa. Ngài cảm thấy anh em Trần Thừa một lòng cầu thị, kiên trì sắt đá theo đuổi mục đích thay trời hành đạo, đúng là những bậc anh hùng theo lời tiên tri trong giấc mộng bảy năm về trước. Ngài từ từ mở mắt và tràn ngập niềm vui khi thấy chú tiểu Minh Linh cũng đang quỳ trước thềm, tư thế hiên ngang không kém ba vị khách quí. Đại sư khoan thai đứng dậy đỡ từng người ngồi lên chiếu điều. Trần Thừa rưng rưng xúc động, cầm tay  đại sư nói:

- Từ giờ cho đến lúc mặt trời mọc, Trần Thừa và hai em xin khoanh tay ngồi nghe đại sư dạy bảo, thề sẽ ghi tạc suốt đời không dám quên từng câu, từng ý của Ngài.

 

Minh Luân đại sư ân cần sửa lại khăn áo cho Trần Thừa, giục tiểu Minh Linh tiếp trà cho ba người. Ngài đảo mắt quan sát tướng mạo, thái độ của từng người, nhấp mấy ngụm trà rồi bắt đầu thuyết giảng:

- Nước Đại Việt ta án ngữ một vùng đất thông ra biển Đông của người Tàu, là đầu mối giao lưu giữa các cường quốc quanh miền duyên hải. Người Tàu muốn xuống các nước Chân Lạp, Chà Và phải qua Đại Việt. Ngược lại dân nước Chà Và ngoài biển muốn thông thương mua bán sản vật của người Tàu cũng phải mượn đất đi qua Đại Việt. Từ bao đời nay một rẻo đất Đại Việt luôn là miếng mồi nhòm ngó của người phương Bắc và bọn man di ngoài biển Đông;

 

Kể từ đời Tần Thuỷ Hoàng thống nhất trung nguyên bên Tàu đến nay, nước Đại Việt ta bao phen rên xiết dưới ách đô hộ của người Tàu. Trong vòng năm trăm năm lại đây, dân nước Đại Việt ta noi gương bà Trưng, bà Triệu liên tiếp dấy binh tranh nền độc lập. Hết Lý Bôn, Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan đến Phùng Hưng, Khúc Thừa Dụ, Dương Diên Nghệ. Chỉ khi Ngô Vương Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng thì nền độc lập của Đại Việt ta mới thật sự có cơ hội vững bền. Tiếc thay sau Ngô Vương Quyền, dân nước Đại Việt lại lâm vào nạn binh đao khói lửa triền miên bởi những cuộc tranh quyền đoạt vị khiến muôn dân phải chịu vô vàn đau khổ. Từ Ngô Vương Quyền đến Đinh Tiên Hoàng rồi Lê Đại Hành, các triều đại kế tiếp nhau hơn một trăm năm chỉ biết có võ trị mà thiếu văn trị. Đặc biệt dưới triều Đinh, triều Lê, sự dốt nát đã làm rối loạn kỷ cương, làm đà cho cái ác lộng hành. Cả Đinh Tiên Hoàng lẫn Lê Đại Hành đều là bậc anh hùng cái thế, võ công lừng lẫy nhưng ít đọc sách thánh hiền, quen nếp võ trị. Giành ngôi đã khó nhưng giữ ngôi càng khó. Đất nước đã thái bình mà không biết chăn dân, khuyến nông, mở mang dân trí, kén chọn hiền tài trong đám hiền sĩ ra giúp nước là điều tệ hại nhất. Đời vua Đinh Tiên Hoàng có chừng bảy, tám trăm vạn dân mà quân lính có tới 10 đạo, mỗi đạo 10 quân, mỗi quân 10 lữ, mỗi lữ 10 tốt, mỗi tốt 10 ngũ, mỗi ngũ 10 người, cộng lại cả thảy là một trăm vạn lính. Bảy người dân nai lưng nuôi một người lính, chưa kể đến biết bao thứ phải cung phụng cho quan lại, hoàng tộc, hỏi sức dân nào có thể chịu nổi. Vua trị dân mà không biết lấy đạo thánh hiền để giáo dưỡng cho dân, chỉ biết dùng vạc dầu, hổ dữ, uy lực để bó buộc, chế ngự thiên hạ thì tự nó đã nuôi sẵn mầm loạn. Điều quái gở là khi vua định chế triều nghi lại xếp tăng và đạo vào hàng quan văn để cai trị nước. Tăng, đạo là hạng người nào mà cũng phẩm trật cao, được có mũ vàng với áo đen, lẫn bên hàng mũ vàng, đai bạc ở giữa triều đình. Phật giáo, Lão giáo các thánh nhân đặt ra là để con người tự nuôi dưỡng cái tâm, cái đức, cái tài, lánh xa sắc dục, thoát vòng quả báo luân hồi mà thôi. Tăng sĩ, đạo sĩ ở lẫn trong dân sẽ có tác dụng hoà đồng với mọi người cùng noi gương nhau mà phấn đấu tu nhân, tích đức. Đặt họ vào hàng quan lại ăn trên ngồi trốc sẽ làm họ hư đốn, sa đoạ, bởi vì trên đời có mấy vị tăng như Khuông Việt đại sư, có mấy đạo sĩ như Đặng Huyền Quang. Không những thế mà Vua đã vô tình xui dân theo tà giáo, tà đạo, chỉ cần học mót đôi điều trong kinh Phật của đức Thích Ca, nhại lại dăm ba lời của Lão Tử trong Đạo đức kinh là có thể lừa dân, dối vua mà leo dần lên ngôi này, phẩm nọ, trục lợi cho mình, ức hiếp dân chúng. Làm quan như vậy đứa lưu manh vô học nào chả làm được. Sự ngu dốt tự nó chưa làm ra được cái ác mà phải có cơ hội. Nếu được khoác lên áo mũ của quyền lực, nó sẽ thành con quỷ nhập tràng.

 

Chương : 1  
Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 6501
Ngày đăng: 10.01.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ba nhà cải cách- Tiểu thuyết lịch sử - Vũ Ngọc Tiến
Dầu máu - Vĩnh Trà
Gia phả dòng họ Đinh - Dương Ðình Hùng
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)