Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.079
123.233.640
 
Mùa xa nhà
Nguyễn Thành Nhân
Chương 19

PHẦN BỐN

 

Kính viếng hương hồn Tân,

và những đồng đội của tôi.

Tân,

 

Tôi  nhớ  những ngày mùa đông năm 1985, tụi mình cùng nhau lặn lội bắt cá suốt ngày ở suối Phum Pô. Tôi đeo  cái rộng cá  lội bì bõm trong dòng nước mấp mé  vai, nhũng nhẵng bám sau lưng Tân, chỉ để Tân bỏ vào đó những con cá lóc, cá lăng vừa mò được. Tôi nhớ những đêm cuối năm trời lạnh căm căm, tôi trùm thêm một chiếc áo lên vai, ngồi co gối bên ánh đèn  đốt từ mỡ lon thịt hộp, trên đầu gối là một miếng  gỗ ván dùng để lót trong thùng đạn, trong tay là một cây bút chì ngắn củn. Tôi vẽ Tchiete. Không biết tôi đã vẽ nàng  lên bao nhiêu  mảnh ván. Nhưng chỉ nhớ là cùng với những nét vẽ vụng dại, đơn sơ đó, tim tôi đã ấm áp lạ thường, máu tôi đã chảy rộn ràng, nóng bỏng trong từng huyết mạch. Tôi đã quên đi cái lạnh của khí trời và cái lạnh của sự cô đơn trong những đêm đông ấy. Tôi không ngủ vì đang yêu. Đó là điều dễ hiểu, và là chuyện thường tình. Nhưng cả Tân cũng không ngủ được. Tân nằm trăn trở trên chiếc võng, im lặng nhìn tôi, nhìn ngọn lửa nhỏ xíu, lù mù của chiếc đèn dã chiến, thao thức cùng tôi. Thương tôi, hiểu tôi trong những ngày tháng đó, còn ai hơn Tân nữa.

           

Tôi nhớ sau khi chuyển xuống đại đội, có một lần Tân ghé tôi chơi. Tân có vẻ buồn khi trông thấy tôi mặc một chiếc áo cũ.  Vai áo sờn rách, chằng chịt những đường chỉ vụng về. Thật ra lúc ấy chúng ta đâu còn đến nỗi phải mặc rách, phải không Tân ? Nhưng  áo mới của tôi, tôi cũng đã cho người khác, một người anh kết nghĩa Khmer. Sau đó vài ngày, Tân đã gửi lên cho tôi chiếc áo mới của mình.

           

Rồi không bao lâu sau lần gặp cuối cùng đó, Tân đã rời xa vĩnh viễn. Không chỉ một mình Tân, tôi đã mất biết bao nhiêu đồng đội, người rất là thân thiết, người vừa quen mặt mà chưa kịp biết tên, trong những tháng ngày xa quê đó.

           

Tân ơi ! Những đồng đội của tôi ơi !  Mồ của các bạn đã được phủ lên bao nhiêu  lớp cỏ úa mùa thu. Tên tuổi, hình ảnh của các bạn  chỉ còn trong  nỗi nhớ - những nỗi nhớ ngắn ngủi, bất chợt hiện ra trong giây lát, rồi lại chìm khuất dưới bao âu lo, suy tư  của thực tế mỗi ngày. Điều quan trọng là tôi không được quyền quên! Trái tim con người còn đập trong lồng ngực chúng ta không được quyền quên  !

           

Tân ! Đã sắp đến ngày giỗ lần thứ mười một của Tân rồi đó. Tôi viết những dòng này, thắp một nén hương trong tâm tưởng, hoài niệm hương hồn Tân và tất cả những anh em khác. Cầu mong hương hồn các bạn  sẽ tìm được an bình.

 

TP.Hồ Chí Minh

Tháng 11-1997

 

TP.Hồ Chí Minh, 11-1997

 

Sanly thân mến,

Khi đặt bút viết những dòng đầu tiên cho quyển truyện này, tôi đã nhớ tới cô. Tôi nhớ lại ngày chúng ta tình cờ gặp gỡ nhau ở  một phòng triển lãm tranh tại Sài Gòn ; và những gì chúng ta đã trao đổi với nhau. Truyện  được viết nên, phần nào đó cũng bắt nguồn từ cuộc chuyện trò giữa chúng ta hôm ấy. Tôi hy vọng là sau khi đã đọc qua, cô sẽ tìm thấy những gì mà trong lần trao  đổi đó tôi chưa thể nói hết  được với cô. Tôi cũng hy vọng rằng cô, và cả những bạn bè của cô - những người trí thức trẻ, những người sau này sẽ đứng mũi chịu sào lèo lái con thuyền đất nước Campuchia- sẽ  có một cái nhìn mới, hiểu biết  và đồng cảm hơn với chúng tôi, những người lính tình nguyện Việt Nam.

           

Tôi muốn nhắc lại với cô ngày hôm ấy. Chắc hẳn cô vẫn còn nhớ,  một buổi chiều cuối năm 1995, tại phòng triển lãm, trước một bức tranh dầu, cô đã đứng yên lặng giờ lâu ?

           

Bức tranh vẽ một người lính Việt Nam đang một tay bưng bát sữa, tay kia cầm chiếc muỗng nhỏ bón sữa cho một bé gái Khmer, vây quanh hai nhân vật đó là vài người lính khác. Hậu cảnh bức tranh là  một phum làng đổ nát, tan hoang, một vài túp nhà sàn cháy dở dang còn nghi ngút khói, và đó đây trên mặt đất rải rác một vài xác chết. Tác giả bức tranh này, và một số  tranh khác trong cuộc triển lãm, là một người bạn của tôi. Đó là lý do giải thích sự có mặt của tôi hôm ấy. Dạo đó, tôi chưa hiểu biết gì nhiều, nhưng đã rất yêu thích  hội họa. Và tôi, khi ấy,  đã dừng lại khá lâu, sau lưng cô để ngắm nhìn bức tranh .

           

Bức tranh gợi cho tôi một nỗi niềm, mà có lẽ giờ đây tôi sẽ không thể nhớ lại, và diễn đạt được chính xác, nếu không có cuộc trò chuyện với cô. Đó là một nỗi buồn sâu thẳm. Nó không quá mãnh liệt đến làm cho ta đau đớn, nhưng cũng không hời hợt thoáng qua. Một nỗi buồn đã kinh qua nhiều năm tháng, đã gắn chặt, chìm lặng xuống đáy tim, đã trở thành ký ức không thể phai nhòa. Đó là nỗi buồn trước một điều bi thảm nhất, một điều xấu xa, gây nhức nhối nhất cho con người. Đó là nỗi buồn và cảm giác bất lực trước hậu quả của chiến tranh. Tôi đã cảm nhận bức tranh như vậy. Nhưng cô, Sanly thân mến, cô chỉ thấy ở  đó một sự  ca ngợi tầm thường và hơi có phần cường điệu cái gọi là tình cảm quân dân, tình đoàn kết Campuchia-Việt Nam, và lòng nhân đạo chung chung.

           

Lúc đó, cô đã lẩm bẩm, bằng tiếng Khmer : " Giả tạo, dối trá...!"  Tôi thoáng nghe những lời ấy. Tôi biết lõm bõm tiếng Khmer, nhưng cũng đã quên đi khá nhiều, nên không hiểu hết những lời cô nói. Tôi chỉ có cảm giác cô đang bực dọc, bất bình. Tôi đã  bước lên, đứng đối diện với cô, mỉm cười chào và hỏi :  " Cô có biết tiếng Việt không ? "

  lắc đầu, rồi lại gật đầu, " Chỉ chút chút thôi ! "

" Cô có thể ra bên ngoài uống một ly cà phê với tôi không ? Tôi có chuyện muốn nói với  cô."

" Dạ được ", cô đáp thật ngọt ngào, và mỉm cười, nói tiếp bằng tiếng Khmer,  " Tôi không nói được nhiều tiếng Việt đâu. Anh có thể nói chuyện với tôi bằng tiếng Khmer không ?"

" Tiếng Khmer của tôi cũng như tiếng Việt của cô vậy !", tôi cười, " Tôi đã quên nhiều. Chắc cô nói được tiếng Anh ? "

" Vâng, khá hơn tiếng Việt, tôi mới sang Việt Nam hai tháng.", cô đáp.

           

Rồi chúng ta đã ngồi nói chuyện với nhau khá lâu, lúc thì nói tiếng Việt pha lẫn tiếng Khmer, lúc nói tiếng Anh, rồi có lúc dùng cả  điệu bộ, nét mặt kết hợp với ba thứ ngôn ngữ  đó để cố làm cho nhau hiểu. Dù sao, hôm đó chúng ta đã hiểu người kia muốn nói gì, và cũng đã diễn tả  ý nghĩ của mình tương đối tốt, phải không, Sanly ?

           

Cô cho biết tên cô là Sanly, hiện là du học sinh ở  Hà Nội, nhân nghỉ Tết, cô ghé vào Sài Gòn thăm vài người đồng hương học ở đây trước khi về Campuchia. Cô chỉ mới mười chín tuổi, rất yêu thích các bộ môn nghệ thuật. Tôi cũng nói sơ cho cô biết về tôi, một người lính xuất ngũ, đã có mấy năm ở Campuchia. Sau đó, tôi hỏi cô về những lời nhận xét cô bất giác thốt ra lúc nãy khi xem tranh.

           

( Cuộc trò chuyện, như tôi nói trên, khá là phức tạp. Để bạn đọc dễ dàng theo dõi, tôi  xin  kể lại theo diễn biến nội dung câu chuyện, bỏ qua những chỗ khó khăn, ngắc ngứ vì  lớp rào ngôn ngữ).

           

Cô đã nói ngay, dường như đã ấp ủ sẵn những ý nghĩ  đó trong đầu từ  lâu :

" Tôi nói là  giả dối, là  vì người lính Việt Nam trong bức tranh tượng trưng cho một sự cứu vớt, tượng trưng cho một vị anh hùng cứu khổn phò nguy cho dân tộc Campuchia. Đó là một sự tự đề cao quá đáng, lố bịch, xúc phạm tới lòng tự hào dân tộc của chúng tôi. Tôi sẽ nói cho anh biết vì sao như vậy. Quân đội Việt Nam đã chen quá sâu vào cuộc đấu tranh nội bộ của đất nước tôi, làm cho những mâu thuẫn đó thêm trầm trọng, khó hàn gắn lại. Nếu như Việt Nam thật sự vì tình đoàn kết, vì sự giúp đỡ vô tư, họ đã rút về nước sau khi Campuchia có một quân đội riêng hùng mạnh. Thế nhưng, mãi cho đến những năm đầu thập kỷ 90, Campuchia mới thật sự vắng bóng những bộ quân phục Việt Nam. Và theo như tôi biết, qua lời kể của họ hàng, bè bạn, cũng như qua những gì chính tôi mục kích, người lính Việt Nam có nhiều hành vi trái hẳn với sự  tuyên truyền đầy chính nghĩa. Vậy thì anh giải thích động cơ, ý nghĩa  của những hành vi  đó ra sao ?"

           

Tôi cố sắp xếp những ý tưởng để có thể diễn đạt sao cho cô  dễ hiểu . Rồi tôi đáp :

" Điều cô nói, cũng chính là điều đã làm ray rứt đa số những người lính chúng tôi. Nhưng trước hết, tôi tạm gác lại những chuyện đó, để nói với cô ý nghĩa thật sự của bức tranh. Cô đã hiểu sai, cảm nhận sai về nó. Tôi biết đích xác là cô đã cảm nhận sai, vì tôi là bạn thân của tác giả bức tranh. Tôi đã nhiều lần trò chuyện với anh  ấy trong khi anh đang vẽ nó, mặt khác, vì  tôi cũng  là một người lính. Nó không đề cao người lính Việt Nam  như cô nói đâu. Lúc nãy, cô có chú ý đến ánh mắt của các nhân vật trong tranh không ?  Ánh mắt của đứa bé Campuchia có vẻ sợ hãi, kinh hoàng, dù đôi môi nó đang hé mở một cách hồn nhiên để  đón nhận muỗng sữa. Rồi ánh mắt của người lính đang đút cho đứa bé. Anh ta không nhìn vào nó, anh ta đang nhìn mông lung vào một điểm nào đó  ở phía trước một cách lo âu. Đứa bé mồ côi rồi sẽ ra sao ? Ai sẽ chăm sóc,nuôi nấng nó  trong những tháng ngày sau ?   Liệu nó có còn sống đến lúc trưởng thành không ? - Không ai biết ! ...Ánh mắt của người lính mang những nỗi niềm như vậy... Và ánh mắt, vẻ mặt của những người lính còn lại. Họ đang nhìn quanh, người thì về phía hai nhân vật chính, người thì về phía những túp nhà ngún cháy. Họ như bàng hoàng, ngơ ngác vì những tác hại của súng đạn, của chiến tranh. Họ như không biết vì sao lại đến nông nỗi thế này. Họ  còn có vẻ đau đớn và bất lực, với những bàn tay buông thỏng, xòe ra bỡ ngỡ. Họ vẫn không quen được với những đau thương, mất mát, và có lẽ không bao giờ quen được với chúng, dù chiếc áo của họ đã bạc phếch  sau nhiều tháng năm cầm súng. Không, bức tranh không đề cao một cá nhân hay một dân tộc nào riêng biệt. Nó  chỉ  đề cao tình người nói chung, và chủ yếu là nó  cố  làm người xem nhận ra sự đau thương, khủng khiếp của chiến tranh thôi, Sanly ạ ! …"

 

Tôi dừng lại, dõi nhìn phản ứng trên nét mặt của cô.

Gương mặt cô vẫn còn những nét hồn nhiên của tuổi thơ, đôi mắt đen to có vẻ rất thông minh, nhạy bén. Mái tóc cô không quăn như đa số phụ nữ  Khmer. Nó đen, dày, mềm mại trùm xuống vai cô.

 

Đôi mắt và mái tóc cô gợi cho tôi nhớ tới một người con gái khác...Tôi cố nén một hơi thở dài, buộc ý nghĩ của mình quay về hiện tại.

 

  gật gật đầu, có vẻ hơi đồng ý, nhưng rồi đôi mày lại nhướng lên như muốn nói điều gì. Tôi giơ tay ngăn cô, nói tiếp :

 "  Xin để cho tôi nói hết, Sanly. Bây giờ, tôi nói về  cách nhìn của cô đối với người lính Việt Nam chúng tôi đây...Tôi không biết có nhiều thanh niên nam nữ  Campuchia  cùng chia sẻ quan điểm đó của cô hay không, nhưng nếu có nhiều người cũng nghĩ  như cô, thì thật là đáng buồn, và thật là nguy hiểm. Có lẽ tôi sẽ cố gắng để nói với cô, nhưng tôi e rằng chỉ trong một vài câu nói, hay thậm chí trọn cả một buổi trò chuyện chiều nay, tôi cũng không sao nói hết được, diễn tả đầy đủ được những gì tôi đã băn khoăn, một số bạn bè tôi đã băn khoăn trong suốt  những năm sống xa quê, những năm cầm súng trên đất người...            Chúng tôi từng tự hỏi : chúng tôi đang bắn giết, đánh nhau, và có thể  sẽ chết vì ai, vì cái gì. Và không phải lúc nào chúng tôi cũng tự trả lời được những câu hỏi đó. Có đôi lúc, chúng tôi cảm thấy sự  lý giải của mình là có lý, rồi đôi lúc, lại cảm thấy nó vô cùng phi  lý. Như cô nói lúc nãy, nếu chúng tôi hoàn toàn bất vụ lợi, lẽ ra chúng tôi đã rút quân về  từ lâu trước đó. Nhưng cô đâu hiểu rằng cuộc chiến trên đất nước cô vào thời điểm ấy không còn đơn thuần là một cuộc nội chiến giữa các phe phái Campuchia có chính kiến khác nhau. Campuchia lúc ấy là một  con cờ trên bàn cờ chiến lược giữa hai thế lực, hai chủ nghĩa đang giành quyền thống soái vũ đài thế giới. Thật ra, điều tôi vừa nói với cô, tôi cũng mới hiểu được về sau này. Còn  lúc đó, chúng tôi chỉ rất mơ hồ. Chúng tôi không như những người lính Việt Nam thời chống Mỹ, họ cầm súng để giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Chúng tôi thậm chí cũng không như những người lính Việt Nam giai đoạn 1978-1980. Lúc đó, họ chiến đấu đánh đuổi quân đội Pol Pot tàn ác đang  đốt phá, tàn sát những người dân vô tội ở vùng biên giới Việt Nam, và kế tiếp sau đó, họ giúp quân đội cách mạng Campuchia giải phóng đất nước. Họ biết rõ ý nghĩa, mục đích và có một niềm tin trọn vẹn vào công việc họ làm. Họ xứng đáng với cái tên quân tình nguyện. Đối với chúng tôi, những người lính từ sau 1980, mọi sự không đơn giản và rõ ràng như vậy. Nói cho cùng thì chúng tôi phải chấp nhận tham dự  vào cuộc chiến ở Campuchia như là một điều không thể nào tránh khỏi. Chúng tôi lớn lên, đủ mười tám tuổi, thực hiện nghĩa vụ quân sự. Rồi được đưa sang Campuchia, dù muốn dù không. Chúng tôi đâu phải là những người chọn việc binh đao như một cái nghề sinh sống. Chúng tôi chỉ thực hiện nghĩa vụ của một công dân đối với Tổ quốc của mình. Và chúng tôi, khi đã biết thế nào là chiến tranh, chết chóc, đều mong cho nó mau kết thúc, đều mong cho sớm tới ngày yên lành trở lại quê nhà…"

"…Tôi quay trở lại điểm xuất phát, tại sao tôi lại nói thật là điều đáng buồn và nguy hiểm nếu cô và nhiều người trẻ tuổi như cô  đánh giá về chúng tôi một cách phiến diện, chủ quan như vậy. Thanh niên trí thức các cô sẽ là những  người đảm nhiệm gánh nặng đất nước Campuchia trong một tương lai không xa. Trong đó rồi sẽ có những người nắm giữ những chức vụ, cương vị lớn lao quan trọng. Nếu đa số những người này lại có một cách nhìn đầy định kiến, thiếu cảm thông, thì cái hoạ chiến tranh chẳng khác nào một hòn than cháy cứ  âm ỉ mãi. Nhưng tôi mong là không có nhiều người như vậy. Tôi biết có nhiều người khác - những bà mẹ già, những người con trai con gái, những đứa trẻ con ở những phum làng hẻo lánh miền tây bắc Batđomboong không nghĩ như cô. Họ thương yêu chúng tôi. Họ  cảm thông với những chàng trai trẻ mới lớn đã phải sống xa nhà, xa quê, chịu nhiều hy sinh, mất mát. Họ thật sự xem chúng tôi là con cháu, anh em của họ..."

 

Tôi ngưng lời, cảm thấy càng nói càng bất lực, không tài nào diễn đạt hết được những ý nghĩ đang dồn dập xô về. Cô đăm đăm nhìn tôi, trầm ngâm rất lâu mới cất tiếng :

" Anh nói nghe rất hay, và có vẻ hợp lý nữa, nhưng tôi vẫn thấy có điều không ổn. Tôi có cảm giác như anh đã đánh tráo khái niệm ở đây. Như tôi đã nói, quân tình nguyện Việt Nam các anh khoác lên mình cái vòng hoa vẻ vang của người hiệp sĩ, nhưng các anh đã làm nhiều chuyện tồi tệ. Nếu như mọi người lính Việt Nam đều có những ý thức, những trăn trở như anh nói, tại sao họ lại có thể có những hành động đó. Có những vụ  cưỡng dâm, cướp bóc, hà hiếp dân, hà hiếp bộ đội Campuchia, anh không thể phủ nhận những sự kiện đó. Điều buồn cười nhất là những hành vi đó lại nằm dưới một lớp áo choàng cao cả."

 

" Sanly ơi ! Cô còn trẻ quá, cô chưa hiểu con người phức tạp, tự mâu thuẫn đến độ nào đâu. Và chiến tranh, với biết bao tình cảm trái ngược nhau: yêu thương, hờn oán, căm thù, điên cuồng, phẫn nộ...có thể  gây nên mọi chuyện, có thể trong một lúc nhất thời biến đổi hoàn toàn một cá nhân bé nhỏ bất kỳ nào đó. Mặt khác, những chuyện cô nói đúng là có thật, nhưng nó chỉ  là những sự kiện hiếm hoi, cá biệt. Những chuyện như vậy không thể coi là cơ sở để đánh giá bản chất của những người lính chúng tôi.Tôi sẽ kể cho cô nghe một câu chuyện, hoàn toàn có thật..."

Tôi  ngừng lời, hồi nhớ lại những sự kiện dường như đã quá xa xăm. Cô vẫn ngồi lặng lẽ, chăm chú nhìn tôi một cách nhẫn nại, cô hiểu tâm trạng của tôi. Rồi tôi kể.

 

" Đầu mùa đông năm ấy, một tiểu đoàn quân tình nguyện Việt Nam về tạm đóng ở phum X, một phum nhỏ nghèo nàn nằm ở phía đông bắc huyện Thmo Puoc, tỉnh Batdomboong. Đơn vị ở đó để tiến hành kế hoạch truy quét mùa khô các vùng lân cận. Tiểu đoàn trưởng vào ở tạm trong một căn nhà đầu phum, các trung đội trực thuộc nằm bao quanh ở vòng ngoài. Trung đội súng máy 12mm 7 nằm ở hướng bắc phum, nơi có một con suối nhỏ chảy qua. Trung đội phó trung đội này  là một anh chàng trẻ tuổi, có hơi lãng mạn. Anh ta rất yêu mến những người dân Khmer hiền lành chất phác, và đang cố học thêm tiếng Khmer để nói chuyện nhiều với họ. Buổi sáng hôm ấy, trời còn mù sương, anh tới chỗ ở của tiểu đoàn trưởng để xin ý kiến ông về một công vụ. Cô biết không, năm ấy trời rất lạnh, lạnh nhất trong những mùa đông tôi đã trải qua ở Campuchia . Vì vậy, chàng trung đội phó vừa đi thật nhanh vừa xoa hai tay lên má cho đỡ rét. Anh còn cách căn nhà vài mươi mét thì bắt gặp một cô gái nhỏ, khoảng mười sáu, mười bảy tuổi đang đứng giã gạo trước sân, dưới gốc một cây vông cổ thụ với những chùm hoa muộn cuối mùa  đỏ rực. Cô bé mặc một chiếc áo vải trắng thô dày, quanh cổ quàng một chiếc khăn croma tím thẫm. Mái tóc đen nhánh mềm mại trùm xuống bờ vai, đôi má ửng hồng vì trời rét và vì làm việc nặng.Trông cô thật là dễ thương, xinh xắn. Anh bước tới gần hơn, rồi cứ đứng im nhìn cô mãi. Chợt cô bé ngưng giã gạo, ngẩng lên, bắt gặp một đôi mắt đang nhìn mình chăm chú. Cô cũng đứng im, nhìn thẳng vào đôi mắt đó. Hai bên nhìn nhau như vậy không biết đến bao lâu, rồi cô bé như sực tỉnh, luống cuống quay mặt đi, e thẹn. Chàng trai cất lời hỏi cô bé về người chỉ huy tiểu đoàn. Cô không đáp mà chỉ đưa tay chỉ  lên nhà, rồi quay lưng đi ra phía vườn sau. Chàng trai vừa kịp thoáng thấy hình như trên khuôn mặt đỏ bừng xinh xắn xuất hiện một nụ cười…

 

Cô mỉm cười, nhận xét :

" Câu chuyện có vẻ  lãng mạn quá, hệt như trong tiểu thuyết !"

" Vâng", tôi đáp, " nhưng là một cuốn tiểu thuyết có kết thúc buồn…Tôi xin kể tiếp… Đơn vị đóng ở phum  ba tháng. Những ngày không hành quân tác chiến, chàng trai vẫn thường hay ngồi bên bờ suối mỗi chiều chờ gặp cô gái nhỏ ra gánh nước. Và đôi ba ngày, lại vào phum, đến nhà cô chơi, trò chuyện với bà và mẹ của cô. Ba tháng trôi qua thật nhanh, họ vừa kịp quen nhau, cảm thấy mến thương nhau thì đơn vị rút đi...Khoảng nửa năm sau, đơn vị lại quay về vùng đó, nhưng lần này thì dựng cứ dưới chân núi Svai, cách Phum X khoảng bốn cây số. Chàng trẻ tuổi vẫn thường qua Phum X  tìm cô bạn. Tình cảm hai bên đã rất đậm đà, nhưng vẫn còn sự  ngượng ngùng e ấp về phía cô gái nhỏ. Gặp nhau, cô chỉ mỉm cười, ngồi nghe chàng trai bập bẹ nói những lời thương nhớ bằng tiếng Khmer. Thấm thoắt lại sắp đến mùa đông. Nhưng không khí năm ấy thật khác thường. Từ anh em lính trong đơn vị đến những người dân ở các phum lân cận đều căng thẳng, bất an. Quân đội của ba phái Khmer phản động đã sống dậy sau một năm im hơi lặng tiếng. Từ những căn cứ huấn luyện quân sự trên đất Thái, hàng chục trung đoàn, tiểu đoàn địch bắt đầu tung ra hoạt động  dọc theo tuyến hành lang biên giới. Các đại đội quân tình nguyện Việt Nam đóng chốt riêng lẻ lần lượt bị bao vây, tấn công dữ dội. Cả những người dân hiền lành cũng chịu vạ lây. Đã có một số dân khi vào rừng, ra suối đã bị thương, bị chết vì mìn. Một hôm, cô gái nhỏ đi vào rừng hái nấm một mình. Cô bị vướng mìn, và đã chết ở ven bờ một con suối cạn cách phum khoảng ba cây số. Dân làng bắt gặp xác cô chiều hôm đó, thân hình đẫm máu nằm bên chiếc giỏ tung tóe những chiếc nấm rừng…"

 

Tôi phải tạm dừng vì chợt thấy cổ họng nghẹn ngào, đắng ngắt. Giọng nói tôi đã trở nên run rẩy đến mức cô nhận ra một cách dễ dàng. Cô nhìn tôi kinh ngạc. Tôi ngước đầu lên, hít thật sâu mấy hơi liền, cố  lấy lại bình tĩnh, rồi kể tiếp.

"...Chàng trai đau đớn xé lòng khi biết được tin. Anh như người mất hồn, thẫn thờ suốt cả tháng trời. Đến một hôm, đơn vị vừa có phụ cấp nên mua rượu thịt về tổ chức liên hoan. Đang giữa cuộc vui, anh  bỏ ra ngoài. Anh nhớ người yêu, và đau đớn quá, anh bỗng muốn tự sát theo cô.

 

Anh mang theo một quả lựu đạn, lần về Phum X, dự tính sẽ tìm đến nhà cô, nhìn lại lần cuối nơi đã tình cờ gặp gỡ. Về tới căn nhà xưa, anh ngồi dưới gốc cây vông già khóc nức nở, dưới ánh mắt thương cảm của bà và mẹ của cô gái. Rồi anh bước lên nhà, nhìn lại cây đèn dầu làm bằng chiếc lọ thủy tinh đựng thuốc cảm mà một năm trước anh đã làm tặng cho cô. Anh ngồi dựa vào vách, cầm chiếc đèn trong tay, ve vuốt nó, mơ lại những ngày dĩ vãng, rồi thiếp ngủ lúc nào không biết.

 

Anh giật mình thức giấc lúc trời đã ngả về chiều. Anh sờ tay lên hông, nơi dắt quả lựu đạn, nó đã biến mất. Anh bước ra ngoài, trông thấy X, một đồng đội, đang đứng trò chuyện với bà mẹ. Các đồng đội của anh thấy thái độ anh có vẻ khả nghi, đã cử X và Y theo dõi, ngăn cản, bảo vệ anh nếu cần. Lúc anh tỉnh dậy thì Y đã mang theo quả lựu đạn về trước. Anh bước tới gần X, hỏi mấy câu với vẻ thản nhiên, rồi chợt kẹp cổ X, cố giằng lấy khẩu AK. Hai bên đang giằng co quyết liệt thì vị trưởng phum chạy tới cầm lấy khẩu súng mang đi giấu, sợ anh sẽ làm liều. X vẫn cố chịu đau ôm ghì anh lại. Anh lúc này đã nổi điên, không còn biết gì là phải trái. Anh đấm đá X, vùng ra, chạy tới nhà vị phum trưởng, đòi khẩu súng. Vị phum trưởng ôm anh cố can ngăn, nhưng anh vẫn hung hăng đấm đá. Cuối cùng, một số thanh niên trong phum phải nhào tới, kẻ ôm tay, người ôm chân anh ghì xuống đất, lấy dây trói lại. Anh vùng vẫy điên cuồng cho đến lúc kiệt sức ngất đi. Khi tỉnh dậy, anh đã nằm trên chiếc chõng tre trong căn nhà của mình.Vị phum trưởng đã cho xe bò chở anh về doanh trại. Anh nằm yên trong bóng tối, nhớ lại những chuyện vừa mới xảy ra, tưởng như đã trải qua một giấc mơ khủng khiếp. Suýt nữa anh đã chết một cái chết vô nghĩa lý, làm buồn lòng những người thân, thương mến của mình...Anh không hiểu vì sao mình lại điên lên như vậy...Vì say rượu thì không, vì anh chỉ uống một ít. Nhưng tại sao, anh vẫn thầm tự hỏi suốt những ngày sau đó..."

" Chàng trai đó chính  là anh, phải không ? ", cô buột miệng hỏi sau một lúc lặng im.

" Phải, chính là tôi ", tôi đáp, " Cho đến bây giờ, Sanly à, tôi cũng không biết mình đã thật sự hiểu được nguyên do của những hành động đó hay chăng. Cô thấy không, có những chuyện như vậy đã xảy ra. Thật khó tin nhưng đã xảy ra..."

 

Rồi sau đó, tôi im lặng.Cô cũng im lặng. Tôi nghĩ có lẽ cô đã phần nào đó  cảm thông được với tôi. Nắng đã tắt từ lúc nào. Đêm đã buông. Phòng triển lãm cũng đã đóng cửa từ lâu. Trong quán, những bóng đèn tròn xanh đỏ tí hon treo trên những chậu cây nhấp nháy. Ngồi thêm lúc nữa, chúng ta chia tay nhau. Cô chúc tôi mạnh khỏe. Và tôi chúc lại cô lời chúc tương tự.

 

Sanly thân mến !

Lá thư này, tôi gửi tới cô, và  tới tất cả những bạn bè cô, với ý nghĩa là một phần không thể tách rời của quyển truyện này. Nói rõ hơn, nó như là một dạo khúc mở đầu cho câu chuyện về những ngày tôi đã sống. Tôi viết câu chuyện này là để  trả  phần nào món nợ tinh thần mà tôi đã tự nguyện gánh vác đối với bạn bè, đồng đội của tôi. Trong số đó có kẻ đang còn sống, đang tiếp tục  không ngừng cuộc đấu tranh kiếm tìm  hạnh phúc, cũng có kẻ đã ngủ yên trong lòng đất. Mong cô đọc nó với lòng thông cảm. Vốn dĩ, tôi không phải là một nhà văn gì cả. Tôi chỉ là một người bình thường, bằng những lời đơn giản kể lại một câu chuyện mà nhiều người đã biết.

           

Chúc Sanly những ngày tuổi trẻ bình an, nhiều hạnh phúc.

Một người bạn của cô.

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10    11    12    13    14    15    16    17    18    19   2   
Nguyễn Thành Nhân
Số lần đọc: 1897
Ngày đăng: 21.03.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mùa xa nhà - Nguyễn Thành Nhân
Giấy trắng - Triệu Xuân
Khói mây Yên Tử (Truyện Trần Thủ Độ) - Vũ Ngọc Tiến
Ba nhà cải cách- Tiểu thuyết lịch sử - Vũ Ngọc Tiến
Dầu máu - Vĩnh Trà
Gia phả dòng họ Đinh - Dương Ðình Hùng
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Cùng một tác giả
Chiều quê (âm nhạc)
Nhớ mẹ (âm nhạc)
Chờ em online (âm nhạc)
Mùa yêu (tạp văn)
Mối tình xưa (truyện ngắn)
Lục bình (truyện ngắn)
Xa vắng (truyện ngắn)
Tập tầm vông (truyện ngắn)
Mưa (truyện ngắn)
Đất mẹ (âm nhạc)
Khúc sonate đêm trăng (truyện ngắn)
Mùa xa nhà (truyện dài)
Bán trâu (truyện ngắn)
Lạnh (tạp văn)
Thuyền và lái (đối thoại)
Dưới Ánh Sao Thu (truyện dài)
Ba đồng vàng 1 (tiểu luận)
Mrs. Dalloway (tiểu luận)