Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.057
123.234.676
 
Bụi vết tháng năm
Trọng Huân
Chương 1

Nghĩ ngợi:

 

Vua Lê Thánh Tông đòi xem sử, Nhà vua muốn nhìn lại vết dấu mình để lại trên đời?

Kiếp vờ vờ mỏng mang, trên dòng nước mùa đông ken, để lại vết đời tấm cánh lững lờ trôi.

Một nhà thơ phương Tây viết: Ngay cả một sợi tóc gầy guộc cũng để lại cái bóng của mình trên mặt đất.

Trang viết là dấu vết. Vết đậm.

Gương xưa ba đời viết sử: cha viết, chém cha, con vẫn viết vậy; chém con và cháu vẫn viết thế.

Tác phẩm nghiên cứu ở một viện, thỉnh thoảng thấy vài trang bị xé, người xé lại chính là tác giả.

Đấy là họ tự viết đấy chứ!

Chẳng lẽ, những bậc thức giả không muốn để lại vết dấu của mình, cái gọi là một kiếp nghĩ ư?

Chắc nay ngượng với người, với đời, mà xé. Nếu biết ngượng với mình, thì không xé.

Hàng ngày ta soi gương, soi để người nhìn, mà lại cho ta.

Nếu như ai cũng soi mỗi hành động, suy tư, bụi vết chúng sẽ hằn lại và ta muốn để lại.

Ngậm mồm ăn tiền, ngậm bút ăn tiền, theo thời mà viết ăn quyền, được chức, đạt danh cũng nên!

Nói thật, viết thật, sống thật, khó thật. Thôi thì đành kể vậy.

 

CHƯƠNG I - CHUYỆN QUÊ

 

Cậu ông trời say

 

Bản quán ở Hà Nam, nhưng tôi sinh ra, lớn lên bên bờ sông Luộc, địa phận đất tỉnh Đông, nên coi nơi đây là quê hương mình.

 

Sông Luộc xưa kia có tên là Phổ Đà, Đà Lỗ, Phú Nông, còn xa xưa nữa, thì không rõ là tên gì.

Kỷ niệm của tôi về dòng sông, vào mùa nước đông ken, vờ vờ chơi vơi bay trên mặt sông. Sau đợt rét đậm, sẽ có ngày thời tiết ấm ấp. Vào những hôm như vậy, buổi sớm sương mù giăng giăng, đi bên sông, cảm giác như ta bồng bênh trong mây.

 

Không trung trên mặt nước, những con vờ vờ bay lượn. Vờ vờ to bằng độ con châu chấu, trắng muốt. Thấy bảo, có người bắt vờ vờ về ăn - món vờ vờ rang, chắc chẳng ngon nghẻ gì. Thế nên, vùng quê tôi có thành ngữ, xác như vờ vờ.

Vào những hôm sương mù, bọn trẻ đi học, chúng cứ men theo mép nước đến trường. Đường xa hơn đấy, lũ trẻ vẫn chọn con đường đó, bởi chúng còn nghịch ngợm và xem vờ vờ bay.

 

Trên sông, sáng sớm vờ vờ khoẻ, dập dờn lượn, sau bay lượn mệt, sà thấp dần, chao đảo, có con sa xuống nước, rồi vùng vẫy, cố cất mình lên. Dưới sông, đàn cá mương hau háu đớp bóng, quẫy đạp, chờ đợi…

Mặt trời cao dần, ánh nắng chiếu rọi, cũng là lúc chúng đuối sức, rớt xuống  nước, không cất mình lên nổi.

Đám cá mương chầu chực, lúc này xúm lại. Những con vờ vờ xấu số, bị lũ cá đớp rỉa, thân mình tả tơi. Cuối cùng mất dạng dưới làn nước mùa đông ken giá lạnh. Nghĩ mà thương!

Mặt trời lên cao, không còn con vờ vờ nào nữa, chỉ còn những cánh trắng mỏng mang, dập dờn trôi. Đàn cá mương cũng kết thúc cuộc săn mồi, lặn mất tăm.

 

Dòng sông mùa đông, nước lững lờ. Nếu không có những cánh vờ vờ lơ vơ, ai mà biết được, vừa xảy ra cái quy luật khắc nghiệt của tạo hoá… con vờ vờ yếu đuối là mắt xích của chuỗi sống tự nhiên và để lại trên thế gian bụi vết sinh tồn.

Nhà tôi bên bến đò ngã ba sông, ranh giới con gà gáy ba tỉnh nghe tiếng. Ngã sông được tạo ra trước cuộc chống quân Nguyên lần thứ hai. Hưng Đạo Vương đóng quân dọc lưu vực sông Hoá. Trong cuộc hành binh, có câu chuyện cảm động. Khi vượt sông, voi chiến của Hưng Đạo Vương bị sa lầy, mãi không cứu được. Con nước cao dần, voi rống lên, nước mắt ròng ròng, vẫy vòi vái chủ. Sau này bên bờ sông, dân lập đền thờ Ông Voi.

 

Sông Hoá nối vào sông Luộc. Lúc ấy hệ thống sông Luộc, sông Hoá tách biệt với sông Thái Bình. Hưng Đạo Vương thấy thuyền từ sông Luộc phải qua sông Hoá, rồi men ra gần biển, mới vào được sông Thái Bình, Ngài quyết định đào nối sông Luộc với sông Thái Bình, khoảng sông đào cắt đôi một làng và tạo ra ngã ba sông này.

Đối diện quê tôi, bên kia sông là vùng có đặc sản nổi tiếng, thuốc lào. Mấy ông nghiện thuốc, ai chẳng hay câu:

 

Nhớ ai như nhớ thuốc lào

Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên.

 

Cây thuốc cao cỡ hơn mét, lá to bằng cánh cái quạt trần. Phải so sánh vậy cho nhiều người dễ hình dung. Thuốc lào mỗi vùng có sự khác nhau. Thuốc vùng núi thường mỏng, sợi nhỏ và màu vàng nhạt; riêng anh thuốc lào ở đây, sợi dày, màu đậm.

 

Dân vùng thuốc, phụ nữ hút là chuyện thường: cha hút, con hút; chồng hút, vợ hút; nam thanh nữ tú cùng hút; cứ điềm nhiên rít, điềm nhiên nhả khói và ngả ngốn say. Sự say thuốc lào đến buồn cười, lại thường diễn ra vào độ sáng sớm. Mở mắt ra, chửa súc mồm súc miệng, dân nghiền lôi cái điếu, điếu cày hay điếu bát, nhồi mồi thuốc to cỡ hạt lạc, châm lửa, làm một rít, thế là say. Say lăn đùng ra đất, say vật ngửa ra ghế, người say dãi rớt trào ra miệng, mặt mũi tái nhợt, nhưng chẳng sao, một lúc là tỉnh. Nhìn điệu bộ lờ đờ của kẻ say thuốc, trông đến buồn cười. Say như vậy, mà chẳng ai chừa, lại hút, lại say, rồi lại hút… Nhìn kẻ say thuốc lào đã buồn cười, nhìn con cóc say thuốc lào còn buồn cười hơn. Đám trẻ bắt cóc cụ, vạch miệng, tống thuốc lào xuống tận tù và, một lúc sau con cóc say. Nó đứ đừ, đi không được, đứng không xong, cứ lạng chạng, lắc lư, chưa kể nó ho, ban đêm, người yếu bóng vía nghe, phát khiếp.

 

Người ta bảo, tang thuốc ngon, hút phải êm và đậm. Mấy bà buôn thuốc, đấu thuốc ngọn với thuốc gốc, thuốc mới với thuốc cũ. Lúc đấu, họ rải từng lớp, rồi chân đất đạp, giẫm, thỉnh thoảng còn phì phì phun nước chè tàu đặc vào. Dân ăn trầu, lại chả đánh răng, thế mà các ông nhà ta cứ khen, tang thuốc này khá, hút êm và đậm. Để cho có tang thuốc ngon, êm và đậm, không thể thiếu anh phân bắc. Phân bắc, tức là cứt người đấy. Kinh nghiệm truyền đời của dân vùng thuốc lào là vậy, nên họ quý nó lắm. Thời tôi biết, phân bắc được quản hẳn hoi, không có chuyện luân chuyển, lưu thông tự do, vùng nào quản chặt vùng đó, chính sách rõ ràng. Dưới thời bao cấp, mọi thứ đều được quản hết.

 

Phố thị hơn năm ngàn khẩu, một phần tư là dân sống bằng cây lúa, củ khoai, còn lại là dân ăn gạo sổ, họ chẳng cần gì đến phân. Đâm ra địa phương tôi, phân bắc dồi dào quá.

 

Xin lan man thêm về gạo sổ. Gạo sổ còn có tên là gạo bông. Gọi như vậy có lẽ xuất xứ từ thóc xay ra, gạo để quá lâu đến mục đi, nấu lên nở bung và mùi rất hôi. Thứ gạo này dân làm bún thích lắm, vì bún trắng và làm rất dôi. Cái tên gạo bông có từ kỳ đói năm Ất Dậu - bốn lăm. Lúc đó chính quyền Pháp - Nhật áp dụng chế độ tem phiếu bán gạo cho dân nội thành Hà Nội.

 

Sau này vào quãng đầu những năm sáu mươi, ta cũng áp dụng chế độ sổ gạo và tem phiếu. Sổ gạo, tem phiếu dành cho đối tượng là dân thị thành, cán bộ công nhân viên, giáo viên, học sinh chuyên nghiệp, công an và bộ đội. Tuỳ theo đối tượng. Thấp nhất là các ông bà giáo, mỗi người mười ba cân - diện lao động chất xám ít tốn sức lực; cao nhất là cánh bộ đội, hai mươi bốn cân, ăn khoẻ thật, ngày tám lạng gạo. Thời đỉnh điểm, cả nhà tôi, gồm năm nhân khẩu, được mua năm mươi tư cân, vừa đầy cái thống sành.

 

Diện ăn gạo bông mỗi nhà được cấp cuốn sổ, gọi là sổ gạo. Hằng tháng nhà nhà đến cửa hàng xếp lốt mua lương thực. Ai mất sổ gạo, như một đại hoạ. Thế nên mới có thành ngữ: như mất sổ gạo. Gọi là sổ gạo, nhưng không chỉ có bán gạo, mà còn bán độn thêm nhiều loại lương thực khác và cỡ từ năm sáu sáu, ta áp dụng chế độ bán độn. Tuỳ theo vùng miền, mà độn khác nhau, như ngô, khoai lang, sắn, mỳ, bo bo. Về mỳ có mì bột, mỳ sợi, bánh mỳ. Đây là thứ độn nhiều nhất, do viện trợ từ Trung Quốc và Liên Xô.

 

Ngoài sổ và tem phiếu gạo, thì còn tem phiếu và sổ mua bán các đồ dùng, vật dụng khác: than, dầu hoả, vải, thịt, đậu, nước mắm, đường, rượu, xà phòng, khăn rửa mặt,  kim chỉ, bàn chải cùng thuốc đánh răng, thuốc lá, diêm, chè gói, nan hoa xe đạp, chén, bát, đĩa, xoong, chậu thau,… Tuỳ theo cấp bậc, lương bổng, mà chế độ tem phiếu khác nhau, như phiếu vải, dân thường bốn mét một năm, còn cán bộ năm mét, hay cán bộ thì có tem phiếu loại A, B, C, D, ... Hà Nội có cả cửa hàng ở phố Tôn Đản bán cho diện cán bộ tem phiếu loại A, B; còn cửa hàng phố Nhà Thờ, bán cho diện phiếu loại C. Dưới nghĩa địa Văn Điển cũng phân thành hai, loại ưu tiên, thì không phải bốc mả. Ở một số nơi, khi đăng ký kết hôn, đôi uyên ương được mua chiếc giường đôi, đôi chiếu và cái màn xô; còn người chết, có giấy chứng tử của ông uỷ ban, thì đến cửa hàng được mua cỗ ván mộc. Riêng phố thị quê tôi do có nhà máy xay to nhất, nhì Đông Dương, nên thêm loại phiếu trấu, tức thóc xay ra thành gạo và vỏ trấu, mỗi nhà một tháng được phân phối mười bao. Xếp lốt thành danh từ chỉ cho việc xếp đợi mua hàng, chen ô tô và các loại phân phối khác. Căng nhất là cán bộ nhà nước xếp lốt đợi phân nhà. Thôi, phân phối và tem phiếu rất phức tạp, để các nhà phân phối và tem phiếu học trình bày.

 

Quay về việc quản phân bắc quê tôi. Giữa một địa bàn dồi dào như vậy, hơn ba ngàn khẩu ăn gạo bông, nhà nhà có hố xí, thì dân quanh vùng sẽ xúm vào cái mỏ anh phân này. Mấy anh trồng lúa đất tỉnh bên kia sông và mấy xã xung quanh, nhòm ngó cũng vừa vừa thôi, riêng anh đất thuốc lào, họ quan tâm nhất. Khổ nỗi, đất vùng trồng thuốc lào cách sông, cách đò, lại vướng khâu quản lý chặt chẽ, việc vận chuyển sẽ khó khăn. Mấy anh không cách sông, cách đò, cứ gánh ào qua địa giới hành chính là xong. Đêm ngày, sáng tối, lấy cán bộ đâu ra quản cho đủ.

 

Dù việc quản lý ngặt nghèo, con đường vận chuyển khó khăn, phân bắc vẫn được lén lút chuyển từ quê tôi sang vùng đất trồng thuốc lào và thuốc lào được lén lút vẫn chuyển ngược chở lại. Cửa ngõ tiếp tay cho hành động phi pháp kia là bến đò ngã ba sông xóm nhà tôi. Vì bến đò trước nhà tôi, nên bao lần, tôi mục kích, không chỉ thấy, mà cả xóm còn phải ngửi thứ mùi thum thủm kia. Vào mùa cao điểm, tức là lúc thuốc lào cần phân, dân vận chuyển lậu tập trung thu gom và khênh vác qua. Cũng lạ, quản lý chặt chẽ, khít khao vậy, mà họ vẫn thu gom, vẫn vận chuyển được. Bảo cái kim, sợi chỉ, giấu trong túi quần, túi áo thì bí mật được, đằng này, nó chình ình ra đấy, vận chuyển phải bằng gánh, bằng sọt, rồi sức người quần quật, nhất là cái mùi hoăng lên của nó, thế mà vẫn giấu được. Tài tình thật! Cứ mỗi người một gánh, không dưới năm mươi cân, tập kết ở bến đò.

 

Khoảng từ tám giờ tối đến khuya, nơi bến đò tập kết độ vài mươi gánh là được một chuyến. Tại sao phải tập kết đông vậy? Không thể một gánh, mấy ông nhà đò chịu chở sang ngay, phải đông mới bõ, đủ phí trả ông nhà đò. Điều nữa là ông đò không sức đâu chuyển ngay thứ hàng lậu, hàng phi pháp kia, họ cứ để đó ngâm, cho cánh vận chuyển đủ lo sợ, lúc thu tiền, đỡ mè nheo. Ông nhà đò nhiều khi làm phách, lại làm quá đáng, dẫn đến cảnh khó coi. Đó là những hôm khách hàng phân tập kết đông đủ, nhà đò vẫn chưa chịu sang. Đôi co lời qua tiếng lại, ông đò nổi xung, cứ gánh, sọt hất tung. Thật kinh khủng, phân tro bừa bãi. Của đau con xót, mấy người mất của kia phải thu gom lại, thu bằng tay. Dù xót xa đến đâu, cũng chả ai gom hết được. Những lần như vậy, dân xóm bến đò nhà tôi được cả đêm ngửi, rồi sáng ra, khách qua đò chịu trận, họ lại mang lũ chuyển phân lậu ra chửi.

 

Quê tôi có mấy nhà, như nhà ông Bê, bà Lờ làm công việc thu gom phân bắc. Cứ như bây giờ, ta gọi là chủ gom hàng. Tôi xin giới thiệu về bà Lờ. Làm  nghề này, bà ta biết hết hộ nào, cơ quan nào trong phố thị có nhà xí. Dân phố cơ bản sống phi nông nghiệp, nên thứ phân bắc kia, chả nhà ai dùng. Bước sang thời kỳ làm ăn tập thể, khi người ta quản phân, sẵn cầu mà hiếm cung, hàng hoá thành có giá. Giá của phân, một gánh là hai đồng, tương đương cân rưỡi gạo. Vậy là nhà ai cũng giữ. Trong bối cảnh ấy, muốn có hàng, bà Lờ phải tìm đủ cách. Về thu gom, bà này có hai cách chính:

 

Thứ nhất là mua của từng nhà, mua rẻ, bán đắt, hoặc làm phân giả. Bảo bây giờ mới có hàng giả, chứ thực ra không đúng, manh nha làm đồ giả có từ lâu rồi, đến bà Lờ quê tôi, thời bao cấp đã ranh ma làm hàng giả. Bà hoà nước, rồi độn đất sét, cứ hai gánh đấu lại, sẻ thành ba, phân vẫn thối, vẫn đặc và màu vàng tươi, ai thẩm định nổi, giả thực.

Cách thứ hai là bà thuổng. Đồ nghề của bà Lờ là đôi quang sọt và hai rẻ xương sườn trâu, nó dùng để múc. Lắm lúc vội, bà vốc thẳng bằng tay. Một lần bà thuổng, bị chủ nhân bắt được. Lần đó bà mò vào trường cấp hai của cả huyện, ở giáp sau nhà tôi. Trong lúc bà đang thuổng, thì ông giáo họ Trần, bắt được. Trộm cắp bị bắt quả tang, tưởng hết đường chối cãi, vậy mà bà Lờ vẫn lý sự với ông giáo họ Trần:

- Ông giáo ạ! Cứt này ... bỉ ban quyết rồi. Các ông, bà giáo diện ăn gạo bông do Nhà nước cấp, nên cái này thuộc về Nhà nước.

 

Lý như vậy đúng quá, bố ai cãi được, mà cãi thì lên ông uỷ ban. Có mấy bãi phân, các ông giáo, bà giáo học rỗi hơi lên cửa quan, đành cho qua. Đám phân ăn trộm được, thoát hiểm.

 

Trường cấp hai có khu vườn cây khá rộng, trong đó trồng nhiều chuối. Lũ trẻ con phố tôi thường trèo sang chặt trộm, rồi giấm ngay trong vườn trường, chúng đào hố, vùi chuối xuống. Một lần tôi và thằng em họ mò sang. Chúng tôi khôn lỏi, không chịu chặt dấm, cứ nẫng tay trên của đám kia. Thằng em tôi nhanh mắt, phát hiện ra cái hố, dù được xoá dấu vết cẩn thận. Nó hăm hở móc tay, luồn sâu xuống, bất ngờ, rút vội tay lên. Eo ơi, bàn tay nhoe nhét và bốc thối. Hoá ra nó móc phải hố phân giấu trộm của bà Lờ, bà thuổng từ nhà vệ sinh của trường.

 

Người nhà thánh tô hô

 

Dưới thời Pháp thuộc, phố thị quê tôi có bảy ngàn dân, người tứ chiếng, có cả dân gốc Hoa, đông tới trăm hộ.

Xa xưa, nó thuộc đất Hồng Châu; dưới thời Trần, thuộc đất Hạ Hồng; tới thời Nguyễn, đời vua Minh Mạng đặt thành phủ lỵ, quản mấy huyện. Vùng đất này gắn với  những nhân vật nổi tiếng.

 

Cuối nhà Đường, Trung Quốc, thổ hào Khúc Thừa Dụ, người Cúc Bồ, xưng là Tiết Độ Sứ. Cha, con ông truyền đời kế nghiệp mấy chục năm. Những cải cách của cha con ông: “Sửa lại chế độ tô, thuế má và lực dịch, bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch, lập sổ hộ khẩu, kê rõ quê quán,…”, được sử sách ghi nhận: “bộ mặt đất nước ta bước đầu chuyển biến thuận lợi, đời sống nhân dân dễ chịu hơn…”

 

Nguyễn Minh Không khi xuất gia với cái tên Thiền sư Dương Không Lộ, quê ngoại ở làng Hán Lý vùng quê tôi, từng là Quốc sư triều Lý.

Trời xanh nước biếc muôn trùng

Một thôn sương khói một vùng dâu đay

Ông chài ngủ tít ai hay

Quá trưa tỉnh dậy tuyết bay đầy thuyền

 

Những câu thơ rất đời và nhàn tản.

Dấu chân Trạng Trình chắc từng nhiều lần qua đây, bởi từ quê ông lên kinh thành phải qua phủ lỵ quê tôi.

Do vị trí quân sự quan trọng, trong cuộc tranh giành Trịnh - Mạc, Trịnh Tùng cử Nguyễn Hoàng, sau là chúa Nguyễn, đem thuỷ quân về đây đánh Mạc Kính Cung.

 

Dưới thời Lê Trung Hưng, đây là một trong những địa bàn hoạt động của Quận He.

Sau này nữa, Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định thành lập bảy trung tâm hành chính ở Bắc kỳ, trong đó phố phủ quê tôi là một trong những trung tâm đó. Thời kháng chiến Chín năm, Pháp lập ra tỉnh mới, phố phủ quê tôi là tỉnh lỵ. Tỉnh lỵ, Phủ lỵ, huyện lỵ, người quê tôi tự hào lắm về truyền thống lâu đời của phố thị quê mình, nó sắp tròn hai trăm năm ngày lập thị.

 

Trước năm bốn lăm, phố thị có đến năm, bảy ngôi đền, chùa. Có cả đền thờ sao trời. Một năm thiên thạch rơi xuống. Thấy sự lạ, dân dựng đền, gọi là đền Cống Sao. Các đền gồm có: Đền Đức Thánh Trần, đền Cậu, đền Cô, đền Phủ Bà, đền Đoan,... Nổi tiếng nhất là đền Quan Lớn. Truyện “Đối tụng ở Long cung” trong cuốn cổ truyện: Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, chính là viết về Quan Lớn. Hiện nhiều nơi thờ Ngài, như Phủ Giầy - Nam Định; Ninh Giang - Hải Dương; Kỳ Cùng và Bắc Lệ - Lạng Sơn; đường Lê Văn Sỹ - TP. Hồ Chí Minh,… Trước đây trong lễ hội đền Quan Lớn có tục xuyên lình và thịnh lên đồng. Xuyên lình, người ta xuyên thanh sắt nhọn qua má ông đồng.

 

Chiến tranh, rồi sau này chẳng hiểu sao, đền chùa phố thị quê tôi gần như bị phá tiệt. Đền, chùa ở đâu thì cũng khấn vái, lễ Phật, cầu Thánh. Quê tôi có chuyện hơi đặc biệt về các ông đồng. Đạo Mẫu có tục đồng bóng. Dòng đồng bóng có bà đồng, ông đồng. Bà đồng thì không có gì đặc biệt. Họ là những phụ nữ tính khí đồng bóng và rất nghiện hầu đồng. Họ mà không hầu, thì ốm đau quặt quẹo, làm ăn không mát mẻ. Riêng các ông đồng, còn gọi cô đồng, là hơi đặc biệt. Gọi là cô, nhưng họ là nam giới, tính khí giống như dân pê đê bây giờ. Cô đồng ở quê tôi có hai người đáng chú ý nhất. Cả hai cô đồng này đều dính vào buôn thuốc phiện, người phải tù, kẻ khuynh gia bại sản.

 

Đạo có chính đạo, tà đạo; kẻ tu hành người thành chính quả, kẻ phá giới vì lòng đầy tà dâm. Hai ông cô đồng này có phải bị thánh vật chăng?

 

Ông cô đồng thứ nhất bị tù cỡ mươi năm. Dân phố thị gọi là Đồng Đực. Tính ông ta vắt vẻo, chua ngoa, nhìn người bằng nửa con mắt. Chính ông này từng dính vào nhà tôi một chuyện. Ngày ấy, đang lúc chiến tranh bắn phá miền Bắc lần thứ nhất của không quân Mỹ, ra-đi-ô còn là của hiếm, rất ít nhà có. Để nghe đài, người ta lắp ga-len, hoặc tự lắp ra-đi-ô. Họ lùng mua bóng bán dẫn gỡ ra từ các vụ máy bay Mỹ bị bắn rơi. Cái đài tự lắp có từ ba đến năm bóng bán dẫn. Càng nhiều bóng, bắt sóng càng nhạy. Trong số người chơi và lắp ra-đi-ô ở phố thị, có cha tôi. Ông nhờ con gái học ở trường kỹ thuật phát thanh, mua sách về tự học và lúi húi lắp đặt. Sau nhiều tháng ngày mày mò, cha tôi dựng thành công chiếc ra-đi-ô. Chiếc đài có ba bóng, bắt được cả sóng BBC. Tiếng về cái đài lan truyền khắp trong giới chơi ra-đi-ô phố thị.

 

Cha tôi đảm nhiệm chân an ninh trật tự khu phố. Chiến tranh, nên dân phố sơ tán hết. Một đêm, sau đợt tuần tra về, ông tá hoả khi phát hiện ra chiếc đài không cánh mà bay. Thật là sét đánh ngang tai. Cha tôi thẫn thờ, chán nản cả tuần. Rồi ông âm thầm dò tìm kẻ trộm cắp kia. Gần tháng sau, thủ phạm bị phát hiện. Trớ trêu thay, nó lại là rể cả của cô Đồng Đực. Để chàng rể khỏi bị tù đày và giữ thể diện gia đình, ông đồng ta phải đích thân đến gặp cha tôi nhận nhục và mang theo hiện vật ăn trộm là cái đài bán dẫn đến trả. Do đêm hôm không đèn đóm, lại quá vội vàng, anh chàng ăn trộm giật bung hết linh kiện ra. Lấy mà chả được dùng, kể cũng tội cho thằng ăn trộm. Sau khi nghe ông đồng trình bày, với lời lẽ thống thiết, cha tôi tuyên bố, tha bổng. Chắc lúc đó ông đồng ta sướng phát điên. Sau sự việc đó, chẳng bao giờ cha tôi sờ đến dụng cụ, hay hàn lắp ra-đi-ô nữa và ông cũng chả kể ra trước bàn dân thiên hạ câu chuyện trộm cặp kia. Nhỡ khi giáp mặt cha tôi, ông cô đồng nhũn như con chi chi.

 

Cô đồng thứ hai, kém hơn ông cô đồng già cỡ mười lăm tuổi. Anh cô đồng trẻ này cũng buôn thuốc phiện. Nghe nói trong một vụ buôn chung, bị ông đồng già lừa cho một vố, mất cả chì lẫn chài. Tức mà không thể đưa ra cửa quan. Uất quá, một dạo anh đồng trẻ phát điên, cứ dọc các phố hò hát, nhảy múa, thỉnh thoảng nhớ nghề, còn nhảy đồng tênh tếch giữa phố. Đến khi khỏi bệnh, anh ta chẳng còn tâm trí đâu buôn bán thuốc phiện nữa, mà chuyển sang bán hàng la ghim ở chợ, rồi mở quán giải khát. Nhà anh ta có suất đất mặt phố, buôn bán rất tiện. Anh cất ngôi nhà ba tầng, tầng dưới bán hàng giải khát, tầng hai để ở và tầng ba lập điện thờ. Thật quá tiện, vừa là chỗ kinh doanh, ở, vừa là nơi thoả mãn nhu cầu tâm linh. Mới đầu, tầng hai dùng làm nơi sinh hoạt của gia đình, tiếp đó nó được chuyển thành nơi cho hai cô con gái tiếp khách. Thời kỳ ấy nhà máy xay quê tôi hoạt động hết công suất, ngày nào cũng có đoàn ô tô Cột cờ Hà Nội về lấy gạo. Các anh tài lắm tiền là khách sộp cho quán xá phố thị quê tôi, ngày các anh tài tiêu cả chục đồng bạc.

 

Để hút khách, quán xá các nhà trong phố giở đủ trò. Tất nhiên, anh đồng cô kia cũng ra công chiều chuộng khách. Nhà anh ta có nhiều lợi thế. Một trong những lợi thế là nhà có những hai cô con gái măng tơ. Món này, mời các ông tài, hợp quá. Giải khát ở tầng một xong, khách nhót lên tầng hai, có hàng phục vụ ngay. Đâm ra nhà anh cô đồng ta khách khứa lúc nào cũng nườm nượp. Cái tầng ba là nơi lập điện thờ và anh cô đồng dùng để yêu trai. Tôi cũng một lần được lên điện thờ đó.

Mẹ tôi buôn bán tạp phế lù. Vào dịp tôi về nghỉ hè đại học, được mẹ giao cho nhiệm vụ mang hàng đi giao các quán. Một lần tôi mang cây thuốc lá lên cửa hàng nhà anh ta. Nhận cây thuốc xong, anh đồng tủm tỉm cười, bảo tôi lên gác nhận tiền. Anh đồng leo lên trước, tôi tiếp bước theo sau. Qua tầng hai, liếc vào cửa nửa khép nửa hở, thấy mấy gã trai trần trùng trục, ngả ngớn, tiếng cười nói của đàn ông, đàn bà…. vọng ra. Lên tới tầng ba, tôi thấy điện thờ nến hương nghi ngút, trên ban thờ bày biện hình nhân, mũ mã sặc sỡ.

 

Tôi lúc ấy tuổi còn đôi mươi, thư sinh trắng trẻo. Vì còn trẻ nên tôi quá bất ngờ, khi thấy thái độ, động tác khác lạ của anh cô đồng kia. Hoảng quá, tôi chạy quanh điện thờ, cuối cùng tụt vội xuống tầng một. Một lúc sau anh cô đồng hậm hực bước xuống. Giữa thanh thiên bạch nhật, người qua lại đông đúc, còn làm ăn được gì nữa. Anh cô đồng gắt: Thôi về đi. Hôm khác tôi trả tiền cho mẹ cậu! Mấy hôm sau chả thấy mẹ sai tôi đưa thuốc cho nhà hàng anh ta nữa. Mẹ bảo, anh cô đồng nói: Con nhà bà vía nặng. Cây thuốc mua mấy ngày, mà không bán hết. Lần sau, đừng có sai nó nữa! Tôi nghe, nhẹ bẫng cả người.

 

Một dạo có anh cô đồng ở đâu đó lạc đến quê tôi. Anh này hơi lạ, mặc chiếc áo dài đỏ tươi, quần ta vải đũi vàng, trên đầu quấn tấm khăn xanh lẹt. Anh ta dạo khắp phố, múa hát nhí nhô. Cô đồng này khá tài tình, cưỡi trên chiếc xe đạp, tay lái xoay tít được quanh cổ phốt, anh vẫn phi vèo vèo. Có lúc bánh trước và tay lái rời ra khỏi phần sau, xe tách thành hai, anh ta vẫn uốn éo cỡi xe đi được trên phố. Thật y như diễn viên xiếc.

 

Mấy bà có số hầu thánh ở quê tôi sùng kính anh chàng tợn, lúc nào cũng một đàn, một lũ các bà rồng rắn theo sau. Anh ta thì múa hát, còn mấy bà kia ra công khấn vái. Chẳng rõ các bà lẩm nhẩm điều gì. Chắc lại cầu khấn xin nhiều tiền, lắm lộc, mua rẻ bán đắt. Hôm ấy anh ta vẫn cưỡi xe, cũng mấy bà có số hầu thánh lẽo đẽo theo sau. Đi loăng quăng một lúc trong phố, anh ta phi xe ra bờ sông, mấy bà kia luống cuống bước theo. Tới bờ sông, quẳng xe sang một bên, anh chàng bông nhông xuống nước. Sau một lúc ngụp lặn gần bờ, anh ta bơi ra xa, giơ tay lên múa múa. Mấy bà lúc này hãi quá, không hiểu ý người nhà thánh là gì, bơi ra thì không được, bí quá, đành trên bờ bái vọng.

 

Được một lúc anh cô đồng bơi xuôi theo dòng nước. Mấy bà kia vừa khấn vái, vừa lần bước trên bờ theo. Vẫy vùng một lúc lâu, hình như mệt, người nhà thánh bơi dần vào bờ. Chỗ anh chàng bơi vào là bến đò gần nhà tôi. Lúc này bến đò đông khách. Thấy cảnh lạ, đám trẻ con lâu nhâu bâu tới. Kể cả mấy bà có số hầu thánh, khách qua đò và đám trẻ con, bến đò có tới non trăm người. Anh người nhà thánh bơi vào đến bờ, lững thững bước lên. Nước từ trên đầu, trên cổ long tong chảy xuống. Cái áo dài bó sát vào thân hình anh ta. Thấy anh đồng chuẩn bị leo lên bờ, mấy bà tiến sát cả lại, vái dài và khấn khứa rất hăng. Kìa, anh ta đang bước lên. Nước đến bụng, đến háng và rồi đến đầu gối, các bà vẫn tiếp tục khấn vái. Khi anh chàng bước lên, nước qua đầu gối, qua bắp chân, xuống mắt cá, chợt rộ lên tiếng hò reo hò của đám trẻ:

- Ơ kìa! Chúng mày ơi, người nhà thánh cởi truồng!

 

Bến đò rộ lên tiếng cười. Anh đồng cứ thỗn thện bước. Cho đến lúc này, mấy bà có số hầu thánh mới kịp ngó lên. Khấn vái nữa chăng, có bà đang giơ tay cao, cứ hạ dần xuống, trân trân ngó nhìn và chẳng còn ai dám khấn vái nữa.

Giờ mấy cô đồng già lớp trước ở quê tôi tiệt hết cả rồi. Tre già măng mọc, nay lại nảy ra khối anh cô đồng mới. Bây giờ đời sống nâng cao, dân lắm tiền, nhiều kẻ sùng kính, có người bỏ ra mấy chục triệu cho một đêm hầu. Cứ yên tâm, cánh đồng cô quê tôi chiều tuốt. Các anh đồng, chị đồng này khoẻ lắm, hầu thâu đêm suốt sáng, mấy chục giá hầu, vẫn nhảy tốt.

 

Ước gì cho đến tháng mười

 

Quê tôi nhiều đặc sản, lại toàn ngon và bổ. Chứ không như nhiều nơi, dọc đường, toàn treo biển phô tinh lợn ngoại, với nhảy lợn giống linh tinh. Có lần tôi đùa, hỏi mấy anh bạn, quê mình nổi tiếng nhất là đặc sản và nghề gì? Ai cũng nhao nhao, bánh gai. Bánh gai thì quá rõ, chả phải nói, bánh gai quê tôi nổi tiếng cả nước.

 

Bánh gai được làm từ bột gạo nếp và lá gai. Lá gai khô, ninh nhừ, giã nhuyễn, nhào vào bột gạo nếp, bọc nhân là đỗ xanh đã luộc chín, giã kỹ, cùng mỡ tươi xắt hình hạnh nhân tẩm đường, rồi gói lại bằng lá chuối khô, hấp chín. Thành phần và công đoạn như vậy, nhưng làm bánh gai ngon phải có bí truyền. Hồi Pháp thuộc, bánh gai ngon có tiếng là của các nhà Ngọc Chân, Bếp Bái, Hương Tụ,….

 

Thấy các bạn bình bầu bánh gai, tôi cười: Còn nữa! Mãi mà chẳng ai chỉ ra được. Sau rồi có người tiến cử thêm anh nhà máy xay, vì nó to nhất, nhì Đông Dương, cung cấp cho dân gạo sổ cả thành phố Hà Nội. Tôi bác, không đúng. Đã bảo là đặc sản, hoặc nghề cơ. Anh bạn kia vớt vát: Thế cám nhà máy xay, không là đặc sản à? Phố thị lúc nào cũng ngào ngạt mùi cám. Mỗi tháng, công nhân nhà máy ai chẳng sung sướng được phân phối tạ cám, nuôi cả nhà.

- Cám thì quý đấy! Nuôi sống cả nhà đấy. Nhưng ông không sợ, người ta bảo, phố thị mình là dân cám hấp trên vung à!

Anh chàng kia tắc tị. Tôi bảo tiếp:

- Thế còn đặc sản rươi thì sao?

- Ừ nhỉ! Thế mà không nghĩ ra!

Quê tôi có câu ca:

 

Ước gì cho đến tháng mười

Bát cơm thì trắng, bát rươi thì đầy.

 

Mỗi độ heo may, không hiểu sao tôi hay nhớ về quê nhà, về tuổi thơ và thường nghĩ tới câu ca, nhắc đến thứ đặc sản rươi quê mình. Chẳng rõ tôi thuộc câu ca đó tự bao giờ, quê tôi mọi người đều biết. Rươi có nhiều ở các huyện: Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, đất Hải Phòng, cùng Thanh Hà, Ninh Giang và Tứ Kỳ, xứ Hải Dương. Nơi đây có câu tục ngữ về lịch rươi: Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm. Có nghĩa là, cứ quanh những ngày đó sẽ có rất nhiều rươi.

 

Sau ngày đất nước thống nhất bảy lăm, người em ruột của bà nội tôi vào Nam sinh sống từ trước năm bốn mươi, liên hệ với anh em, họ hàng ngoài Bắc, ông nhắn ra, xin món quà - hũ mắm rươi. Chiều ông em sau mấy chục năm viễn xứ, một bà chị nhân vào chơi đã lịch kịch mang hũ mắm trên quãng đường ngót nghét hai ngàn cây số, giữa cảnh tàu xe chen lấn hồi ấy. Bao năm xa cách, kỷ niệm về quê hương của ông họ tôi, có thứ đặc sản rươi.

 

Hồi tôi học cấp một, cấp hai, lúc đó kinh tế đất nước còn khó khăn. Chuyện bữa ăn có chất tươi, như thịt con gà, mua miếng thịt lợn là rất hãn hữu. Mỗi dịp như vậy, nó ngang ngày hội của bọn tí nhau. Tất nhiên, ngày rươi cũng là ngày đáng nhớ của đám trẻ quê tôi. Giống rươi thường có rộ trong hai, ba ngày. Vào những ngày rươi, hầu như các nhà đều mua một, hai bát. Quê tôi mua bán rươi không cân, mà dùng bát ăn cơm để đong. Đi ngoài đường, vào tầm mọi nhà nổi lửa, mùi chả rươi, rươi nấu với củ đậu, rươi kho khế thơm lừng.

 

Nhớ lại, trưa ấy đi học về, bụng đói meo, cộng thêm trên đường mùi các loại rươi như giục tôi rảo cẳng hơn. Tôi chắc mẩm trong bụng, trưa nay nhà mình có món chả rươi tuyệt ngon. Về đến nhà, sục vội mâm cơm, trời... tôi ngó, chỉ thấy đĩa rau muống, bát ô tô nước rau trong veo và bát muối vừng. Mắt tôi hoa lên. Không hiểu mặt mũi tôi  rúm ró đến mức nào, mẹ tôi phải dỗ mãi, tôi mới nuốt trôi bát cơm. Ngay chiều ấy mẹ mua đền thằng cún bát rươi, kỳ cạch nấu nướng. Chuyện gần bốn mươi năm rồi, sao tôi không quên?

 

Vùng quê tôi, mấy chục năm trước, nếu đào sâu khoảng hơn mét xuống đất ruộng, hay đất ngập nước ven sông, là gặp những con rươi rất dài, màu sắc xanh đỏ sặc sỡ. “Ngày rươi” chính là kỳ sinh nở của chúng. Vào cuối tháng chín, đầu tháng mười âm lịch, gặp thời tiết phù hợp, tức có gió Đông Nam, trời âm u và mưa bóng mây, quê tôi gọi là mưa rươi, rươi sẽ nổi lên rất nhiều. Thời tiết vậy thì có rươi, nhưng rất độc, người già thấy khó chịu, mình mẩy ê ẩm, khớp xương đau nhức. Vài ngày trước đó, các cụ thường chép miệng về thời tiết rươi và dự báo, sắp có rươi. Song nếu trời lạnh, gió Đông Bắc, hoặc gặp trận mưa rào, gọi là mưa lấp lỗ rươi, “ngày rươi” sẽ mất.

 

Người ta dùng xăm chắn ngang dòng nước, có khi giăng ngang kín dòng sông. Rươi trôi qua, bị giữ lại. Cách bắt này lẫn cả rơm rạ, cặn vẩn. Một kiểu bắt khác là dùng vợt, hớt từng con, cách này chỉ thực hiện được vào ban ngày. Tuy được ít và mất nhiều công, nhưng toàn rươi tươi và sạch. Ngày bé tôi từng bắt rươi bằng cách này, bắt cho cá cảnh ăn. Thả rươi vào bể, lũ cá đớp ngay táp lự. Con rươi bị cắt ngắt ngang, dưỡng chấp bùng ra, toả như khối mây trong bể cá. Còn một nửa thân hình, mà nó vẫn bơi lội tung tăng.

 

Người bán thường đựng rươi trong thúng. Muốn tươi lâu, người ta chim chim nắm cơm nhỏ, cho vào thúng rươi, hãm chúng. Có câu chuyện, một bà bán rươi ở chợ, nhón từ thúng rươi một nhúm và thả nhanh xuống sau chỗ ngồi, rồi úp cái nón lên. Bán hết thúng rươi, chợ cũng tan, bà hàng nhặt nón và… thấy luôn cục phân người.

 

Chế biến rươi là cả một nghệ thuật với những món khác nhau, như chả rươi, rươi kho, rươi nấu, mắm rươi. Gia vị không thể thiếu là lá lốt. Chả rươi là món đầu bảng. Những món khác như kho, nấu, mắm, thì thêm vỏ quít, lát gừng, rươi kho thêm ít lát khế chua, rươi nấu thì lẫn củ đậu. Rươi mua về đổ nước ấm ấm vào, khuấy nhẹ, gắp tạp vẩn rồi gạn hết nước đi, lấy đũa đánh nhuyễn. Làm chả thì đập quả trứng và ít thịt nạc băm cùng lá lốt, hành, đánh đều. Khi chảo mỡ nóng già, dùng muôi múc, thả và dàn đều thành lớp mỏng. Nếu để dày, rươi khó chín, ngoài thì cháy, trong lại sống. Ngọn lửa để lom dom. Chả rươi ăn nóng, là món nhắm cực ngon, ăn với rau cải cúc, thứ nước chấm chanh ớt pha dịu, thêm tí gừng. Trẻ con, phụ nữ thích ăn chả rươi với xôi. Nên nhớ ăn ở mức vừa phải, bởi Đông y xếp rươi vào món ăn có vị hàn - lạnh và nó lại giàu đạm, khó tiêu. Chỉ một lần ăn món chả rươi, khó ai mà quên được.

 

Không biết có phải thiên vị đặc sản vùng quê mình, theo tôi, mắm rươi là thứ mắm ngon nhất. Rươi được muối trong hũ, cho ít thính gạo nếp rang, giã mịn và chút rượu, đậy nút lá chuối kín, để góc bếp độ hai tháng, khoảng vào Tết là mắm vừa ngấu, đạt đỉnh ngon nhất. Mắm ngon có sắc đỏ sẫm, sánh quyện. Có nhà khi mắm ngấu, múc ra làm đồ chấm luôn. Còn ai yếu bụng, không dùng được mắm tươi, thì cho tý gừng, cùng chút vỏ quýt và ít mỡ nước chưng lên. Vào Tết, hũ mắm vừa độ ngấu, cũng đúng dịp thịt thà nhiều, bữa cơm có đĩa thịt ba chỉ, hay chân giò luộc, ăn kèm rau sống, như rau diếp, cùng hành muối, khế, chuối xanh thái lát, nhánh hành chẻ và không thể thiếu món chấm mắm rươi, tuyệt ngon!

Giờ sống xa quê, cứ đến mùa rươi, hễ nghe tiếng rao ời ợi ngoài phố, tôi lại bảo vợ mua về, rán chả. Vợ, chồng, con cái ăn. Ăn vì nỗi hoài niệm quê hương và để các con biết về miền đất nơi cha chúng từng sinh ra.

 

Hàng trắng

 

Lại tiếp cuộc tranh luận đặc sản quê mình, anh bạn sau khi đồng ý thêm đặc sản rươi, quay ra tấn công:

- Thế theo ông, đâu là thứ nổi tiếng nữa của quê mình? Trừ anh bánh gai và rươi vừa kể ?

- Lói ngọng. Nờ thành lờ, lờ thành nờ. Có bà chửi kẻ kia. Bà ta bẩu, tức bảo, nó ăn món ấy của bà. Cho ăn mãi, mà nó cứ trơ trơ ra cười, bởi nó cứ tưởng, bà ta mời nó món nộm.

- Bậy! Còn gì nữa?

- Nghề đánh đĩ!

 

Hát ca trù có từ xa xưa. Các văn nhân, như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát,… từng mê nghe hát và đặt lời cho ca trù. Sau này khi người Pháp sang, một số kẻ đem ca trù ra kinh doanh. Họ mở nhà hát cô đầu. Nhà hát có đào hát, đào rượu. Nhiều quan viên tới chơi không chỉ nghe đàn hát, mà còn nhả nhớt với đào rượu.

Phủ lỵ quê tôi xuất hiện quán cô đầu từ dịp người Pháp mới sang. Vậy rất đáng gọi nó là nghề truyền thống của quê lắm chứ, nó có tới cả trăm năm. Phủ lỵ nhiều phố, tên phố Tây do người Pháp đặt, Rue des Radeaux, Rua des Chanteuses, rue des Objets Vottfs,… nhưng người ta quen gọi với các tên ta: phố Bờ Sông, phố Giữa, phố Cửa Đền, phố Cổng Phủ,…và còn hẳn một con phố mang tên là phố Cô Đầu. Chắc cả xứ Bắc kỳ, duy nhất phủ lỵ quê tôi có con phố tên là thế. Phố Cô Đầu phục vụ các ông lý, phó lên phủ hầu quan. Trong lúc chờ đợi, họ nghe hát, uống rượu và trốn bà lý, bà phó, với đào rượu qua đêm.

 

Mới ngày nào còn chửa biết chi chi

Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì

Ngảnh mặt lại đã đến kỳ tơ liễu

 

Ngày bé tôi biết một bà cụ, tuổi ngoài bảy mươi. Mẹ tôi bảo, bà này trước kia là cô đầu. Bà ta không phải đào hát, mà là đào rượu, tức là kẻ hầu rượu và hầu đàn ông cả khoản kia. Sau khi có lưng vốn, bà cưới chồng, vợ chồng chẳng có con cái. Đã làm nghề này, lại làm đến khi có lưng vốn, thì đẻ đái sao được nữa! Mẹ tôi còn kể ra khối người, trước cũng hành nghề, mà hành nghề tợn hơn các cô đào rượu, gọi là bán hàng trắng, tức ca ve, như bây giờ ta vẫn gọi. Phố thị có nhà làm đến hai, ba đời, mẹ làm, con làm, cháu làm,… Cái nghề này có lắm thứ tên: bán hàng trắng, nhà thổ, đĩ, bớp, điếm, gái đứng đường, gái làm tiền, gái gọi, ca ve,…

 

Chính tôi từng phải lòng một cô bé bán hàng trắng, gia đình làm nghề đó, gia truyền những ba đời. Hồi ấy tôi đang sinh viên, về nghỉ hè. Chợt một chiều nhìn qua cửa sổ, tôi sững sờ thấy cô bé chừng mười sáu, mười bảy, đứng như chờ người nhà từ Hải Phòng đi xe khách qua bến đò lên. Bé xinh quá! Từ lúc nhìn thấy em, tôi thẩn thờ như người đang mơ, suốt ngày tơ tưởng em. Bé tên gì, nhà ở phố nào, bố mẹ là ai? Chiều đó, tôi được mẹ sai mang mấy cân đường xuống giao cho một hàng nước. Phi xe đi phục vụ khách, đến nơi, tôi sững sờ! Đúng cửa hàng nhà bé. Tim tôi rộn ràng đập, về đến nhà tim còn thùm thụp. Gặp mẹ, tôi loay hoay tìm cách khai thác về em. Đang lòng vòng gợi chuyện, bà thẳng tưng: Mẹ con nhà nó đều bán hàng trắng. Đến nó là đời thứ ba. Nghe mẹ nói, tôi tá hoả, buồn đến cả tuần.

Nghĩ lại cũng may, suýt thì yêu phải bé ca ve. Các cụ nói, nhiều khi chả đúng. Xem mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo, cỗ lòng mới ngon?

 

Hồi học lớp ba, tôi ngồi cùng bàn với hai cô bé. Gọi là bé, chứ họ hơn tôi một, hai tuổi. Chúng tôi ngày ấy thường học muộn, học trò trong lớp tuổi lỡ cỡ lắm. Tôi tuổi mười hai, còn hai cô bé kia, mười ba, mười bốn. Tuổi đó con gái biết nhiều chuyện, nhất là chuyện ấy. Hai đứa đó quen với một người đàn bà. Chồng chị ta là tài xế xe khách. Hồi đó nghề lái xe ai cũng ao ước. Anh tài bao vợ, chị nàng chỉ ở nhà ăn chơi và phục vụ chồng. Chị chàng tính khá lẳng. Lẳng lơ là việc riêng của chị ta. Ác nỗi, chuyện vợ chồng ân ái, chị ta phô hết cho hai cô bé nọ. Mô tả chưa đủ, chị ta còn bố trí cho chúng xem cảnh vợ chồng chị ta hành sự, như bây giờ ta xem phim sex, nhưng đây là sex tươi. Hai cô bé kia xem xong, thích quá, đến mức không thể giấu để thưởng thức trong lòng, đem ra lớp kể bô bô. Tôi con trai, tuổi mười hai, còn quá tồ, nghe chả thấy thích. Nọc độc của chuyện ấy, hai cô nàng kia hưởng trọn. Vài năm sau, họ bỏ học, đi làm. Nghe nói cả hai đều sống bằng nghề làm vợ khắp người ta. Họ không làm ở quê, mà hành nghề ở vùng nhà máy Phả Lại, Hoàng Thạch. Sau một cô chết, không rõ có phải do hành nghề ấy mà chết không?

 

Về chị vợ anh tài, do lẳng quá, sau chồng bỏ. Ngay khi chồng bỏ, chị chàng bước luôn vào làm điếm, làm ở Hà Nội, Hải Phòng, đến thời tàn tạ, về phục vụ ngay tại quê nhà. Chuyện chị này cũng lạ và một thời ầm tiếng khắp quê. Khi còn hành nghề nơi thiên hạ, có bận về quê chơi, bất chợt thấy một cậu trai, cậu này sáng sủa, chị nàng đem lòng yêu luôn và tuyên bố ra mồm, sẽ lấy cậu em làm chồng. Lúc đó cậu chàng còn nhỏ, chừng mười lăm, mười sáu. Dăm năm sau, khi dạt về quê hành nghề, chị nàng cưới được cậu kia thật. Cả nhà cậu này sốc. Gia đình vào hàng danh giá tại phố thị, con trai lại lấy điếm già, tức phi công trẻ lái máy bay bà già, tai tiếng quá. Dù phản đối gay gắt, họ cũng không ngăn nổi, bởi cậu chàng được bà chị bao ăn và cả khoản cơm đen.

 

Ngày học cấp ba, thỉnh thoáng tôi và đám trẻ hay ra phá đám một chị hàng đĩ. Cứ tầm học tối xong, chín, mười giờ, chúng tôi kéo nhau ra bờ sông, nơi tàu thuyền đỗ. Chị nhà đĩ kia ra đây chòng gẹo và gạ gẫm đám thuỷ thủ. Chị ta trên bờ ỡm ờ vọng xuống, giá cả là dăm viên than luyện, than dùng cho chạy tàu hoả, hay can dầu,... Lũ chúng tôi ồn ào phá thối, chõ vào, làm chị chàng mất khách. Tức mà chị ta chẳng làm được gì chúng tôi.

 

Giờ quê tôi, tuy không đến mức treo biển hành nghề công khai, nhưng khách vãng lai, truyền tai nhau về hai cửa hàng đĩ nọ. Một dịp dư luận ầm lên, vì cạnh tranh, hai cửa hàng kia tố nhau ra, đã tố thì phải xử, còn xử lý đến bực nào, thì không rõ. Dân kháo nhau, mỗi bên mất toi đến đôi mươi triệu. Lạ rằng, sau vụ ấy, chẳng anh cửa hàng nào chết, hai cái quán vẫn mở cửa, vẫn đón khách. Chắc là từ đó, cạch, chẳng ai dại gì sa vào vòng kiện tụng nữa.

 

Nghề đó hay hớm gì. Thời đại, chế độ nào cũng khinh, xã hội và dư luận luôn dè bỉu. Lạ sao nó cứ tồn tại và chiều hướng ngày một tăng. Người quê tôi bảo, tại quê mình có cái vườn hoa chéo, phải đập nó đi, hoặc sửa ra cho nó thành vuông, thì mới đỡ. Chả rõ có đúng không, đã ai thử thành vuông đâu mà rõ.

 

Chương : 1   2    3    4    5   
Trọng Huân
Số lần đọc: 2677
Ngày đăng: 30.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Sống Đời Bát Nhã - Trần Kiêm Ðoàn
Kiếp người xuống xuống, lên lên - Nguyễn Đức Thiện
Cành hoa đào lửa - Trương Thái Du
Mùa xa nhà - Nguyễn Thành Nhân
Giấy trắng - Triệu Xuân
Khói mây Yên Tử (Truyện Trần Thủ Độ) - Vũ Ngọc Tiến
Ba nhà cải cách- Tiểu thuyết lịch sử - Vũ Ngọc Tiến
Cùng một tác giả
Kỷ niệm thơ (truyện ngắn)
Lỗi em (truyện ngắn)
Bức hoạ (truyện ngắn)
Thật Mặt (truyện ngắn)
Nhân cách đói (truyện ngắn)
Mất ngựa (truyện ngắn)
Kẻ trông chùa (truyện ngắn)
Ao làng (truyện ngắn)
Khóc nghề (truyện ngắn)
Khi người ta đói (truyện ngắn)
Kỷ vật (truyện ngắn)
Ngõ xóm (tạp văn)
Con nhà sẩm (truyện ngắn)
Hoài niệm... (tạp văn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Cuốn sổ tay (truyện ngắn)
Chuyển nhà (truyện ngắn)
Số kiếp…! (truyện ngắn)
Tôi cưới vợ (truyện ngắn)
Chết… vì nhục (truyện ngắn)
Làng ma (truyện ngắn)
Đêm tân hôn! (truyện ngắn)
Thằng đói (truyện ngắn)
Viếng ma (!) (truyện ngắn)
Vĩ nhân (truyện ngắn)
Cúc ơi! (truyện ngắn)
Hoa cúc quỳ (truyện ngắn)
Sống gửi... (truyện ngắn)
Ông sư… (truyện ngắn)