Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.050
123.235.002
 
Đứa con của thần linh
Trần Quang Vinh
Chương 1

HỌ ĐÀO Ở TỔNG HÀ , BÀ MỐI VÀ NHỮNG ĐIỀU BÍ ẨN

 

1.

Từ ngày ông Đội Quí mất đi bà Đội thường ngồi một mình ở tràng kỷ bấm đốt ngón tay đếm từng ngày tuổi của cậu con giai, giọt máu duy nhất của chi trưởng dòng họ Đào nổi tiếng ở tổng Hà. Dù cậu Mùi con bà kém may mắn bị tật nguyền, đầu óc không được như người thường, nhưng thân thể nhìn bề ngoài vẫn mập mạp, nguyên vẹn, khôi ngô hơn chán vạn những đứa trẻ con nhà lực điền ở làng này. Vả lại, xấu dây vẫn có thể tốt củ. Đầu óc chẳng được như ai, nhưng thân thể cậu Mùi vẫn to con, giống má phì nhiêu, có thể lấy vợ sinh con đàn cháu đống thỏa lòng mong ước của họ Đào.

         

Bà Đội đã bám vào điều ấy để hy vọng, để làm góa phụ mẫu mực thủ tiết thờ chồng. Gần hai chục năm rồi bà đã sống theo bổn phận dâu trưởng chính thất đúng như giáo lý mà cụ Tú thân sinh đã dạy dỗ bà từ nhỏ. Tuổi xuân của bà trôi đi trong nỗi lo toan đơn điệu mà bận rộn của nàng dâu, người vợ, người mẹ. Bà lấy ông Đội Quí năm mười bảy tuổi. Cũng như những cô gái ở làng, duyên phận của bà do cha mẹ sắp đặt. Cụ Tú thân sinh của bà là một nhà nho bất đắc chí ở tổng Hà. Giữa buổi giao thời, quan trường nhiễu nhương bệ rạc, nho gia thất thế, cụ Tú chán chường buông cuộc đời trôi nổi nơi thôn dã tù túng. Cụ chấp nhận cho cô con gái làm dâu họ Đào bề thế giàu sang cũng là vì thương con. Tiếc thay số bà vất vả đa đoan. Tiếng là nàng dâu trưởng của dòng họ quyền uy, chồng đóng chức đội ở phủ, địa vị danh giá, nhưng cuộc sống của bà là những chuỗi ngày buồn tẻ đầy bất trắc. Lấy chồng được bốn năm bà mới sinh được một mụn con gái. Họ hàng nhà chồng chê bai dè bỉu. Họ Đào cần phải có nhiều con giai để tăng thêm uy thế ở làng, ở tổng. Thế là Đội Quí cưới thêm ba cô vợ bé ở ba làng Phong Lưu, Đông Lưu, Bắc Lưu. Đàn ông ham vợ mới nên ông Đội thường đến hú hí với những cô vợ bé, chẳng mấy khi ghé về nhà ở Tây Lưu với bà. Không ghen tuông oán hận, bà lặng lẽ làm phận sự nàng dâu chính thất, chăm lo việc thờ tự, tết lễ, giỗ chạp cũng như việc đồng áng, tề gia nội trợ, bảo ban kẻ ăn người ở. Đức công dung ngôn hạnh của bà dần dần được họ hàng bên chồng vì nể, ngưỡng mộ. Hơn năm sau bà sinh thêm cậu con giai khôi ngô tuấn tú đặt tên là Đào Văn Mùi khiến cả họ Đào đều mừng rỡ hoan hỉ. Cháu đích tôn của dòng họ, người nối dõi trưởng tộc Đào Văn Quí đã ra đời. Nguy cơ về sự tuyệt tự chi trưởng luôn ám ảnh họ Đào đã được hóa giải. Danh phận dâu trưởng chính thất của bà Đội không còn ai dám chỉ trích nữa bởi ba người vợ bé của Đội Quí chỉ sinh được con gái, còn cô vợ mới cưới ở tỉnh lỵ thì chỉ giỏi trò xướng ca vô loài, cả gia tộc đều ghét bỏ.

        

Nhưng bà Đội không thể ngờ hai năm sau tai họa đã ập đến. Ông Đội Quí chết bất đắc kỳ tử ở tỉnh . Nghe đâu bị thượng mã phong, chết trong tư thế không một mảnh vải trên bụng người vợ bé xuất thân cô đầu. Thật là nhục nhã ê chề, bà Đội vô cùng đau đớn, nhưng bà vẫn nghĩ ra một kế để cứu vãn danh dự họ Đào. Bà cho người hộc tốc lên phủ đút lót hàng trăm lượng vàng cho quan phủ để xin cho chồng một cái chết danh giá. Đội Quí trở thành kẻ “trung quân” bị người của nghĩa quân Đốc Tít sát hại, được triều đình truy phong hàm cửu phẩm. Bà Đội đã tổ chức một cái lễ khao vọng hàm cửu phẩm lừng lẫy tổng Hà, mổ sáu con heo, hai con bò, hàng trăm con gà vịt làm yến tiệc chiêu đãi chức sắc cả tổng mấy ngày liền. Ai cũng khen bà tháo vát giỏi giang, nữ nhi hiếm có.

         

Sau đận ấy những vị vai vế ở làng đều kính nể bà. Chưa đến tuổi băm bà đã thay chồng làm trụ cột của dòng họ. Bà hiểu rằng việc nuôi dưỡng cậu Mùi nên người là bổn phận lớn nhất của đời bà mà cũng là sự ủy thác lớn lao của họ tộc. Thế nhưng họa vô đơn chí, hơn bốn tuổi cậu Mùi mắc bệnh hiểm nghèo, sốt ly bì nhiều ngày. Tất cả những vị lương y lừng danh trong vùng được mời đến chữa trị đều lắc đầu, bó tay. Nghe nói vị bác sĩ người Pháp trên tỉnh lỵ tài giỏi như thần y, bà quyết chí nhờ người mời về tận nhà xem bệnh. Bác sĩ bảo rằng Mùi bị chứng bệnh về não, cũng có thể cứu sống nhưng sẽ để lại di chứng suốt đời. Nhờ mấy mũi tiêm của bác sĩ, mấy ngày sau Mùi ngắt sốt rồi ăn uống gần như bình thường. Đúng như lời vị bác sĩ, Mùi thoát chết nhưng trở thành đứa bé đần độn ngẩn ngơ.

         

Nhiều đêm liền bà Đội đau đớn trằn trọc mất ngủ. Bà thương con, giận thân, giận đời, oán trách số phận. Nhưng theo lời cụ Tú thân sinh thì số bà rất cao sang quyền quí. Bà sinh năm Đinh Hợi, tháng hai, tiết kinh trập, ngày ngọ, có Tử Vi chiếu, Long Đức ở mệnh, giờ thân, Kim Thân sinh Thủy Hợi tài nghệ song toàn, danh cao đức cả, gặp nạn được hóa giải. Vậy thì vì lẽ gì mà đời bà chẳng mấy hanh thông? Phải chăng bà chịu lụy phúc phận nhà chồng? Bà bỗng nhớ có lần cụ Cử Hách nói với cụ thân sinh của bà rằng họ Đào quyền quí giàu sang nhưng thất đức. Trước khi đến tổng Hà vốn có gốc họ Ngô danh gia vọng tộc một thời. Cụ tổ tám đời làm quan triều hậu Lê, cụ tổ sáu đời làm võ tướng dưới trướng Hoàng đế Quang Trung. Trải trăm năm dâu bể, ngai vàng đổi thay, biết bao bậc sĩ phu cao ngạo đảo điên cùng thời thế, phận dân đen bọt bèo nổi chìm trong ván cờ đời tranh bá đồ vương. Máu chảy thành sông, xương chồng thành núi. Dòng họ Ngô quyền quí ở kinh thành chỉ còn sót lại một kẻ lang bạt kỳ hồ phiêu dạt về tổng Hà thay tên đổi họ thành Đào Văn Bá.

        

Đó là năm thế tổ Nguyễn Phúc Ánh đánh bại Tây Sơn lên ngôi Hoàng đế với những cuộc trả thù rùng rợn. Rồi một vương triều mới bắt đầu phô trương quyền uy, phô trương sự ăn chơi xa xỉ trên mảnh đất bạt ngàn những nấm mồ chưa xanh cỏ. Nhưng chuyện ấy diễn ra ở những đô thị lớn, còn ở tổng Hà xa xôi hẻo lánh thì cuộc sống của lương dân hầu như không có gì thay đổi.

        

Bấy giờ tổng Hà gồm bốn làng Phong Lưu, Đông Lưu, Tây Lưu và Bắc Lưu, nằm trên một hòn đảo thấp hơn mặt nước triều cường. Nơi đây được các vị tiền bối khai phá, quai đê bao quanh khu rừng ngập mặn gồm các loại cây mắm, đước, sú vẹt từ mấy trăm năm trước. Đào Văn Bá trở thành cư dân tổng Hà do một tai nạn ngẫu nhiên. Để trốn chạy sự truy nã của vương triều mới lập, Bá đưa vợ con theo một lái thương hồ vượt biển sang đất Tàu. Đến cửa Đình Vũ gặp cơn lốc xoáy, thuyền bị lật úp. Bá may mắn thoát chết, giạt vào bãi sú Đồng Nhà Mạc gần đảo Hà, được một thuyền câu làng Tây Lưu cứu sống. Chỉ còn một thân một mình trần trụi đơn côi, Bá chấp nhận ở lại làng Tây Lưu làm thuê làm mướn như một kẻ tứ cố vô thân. Tuy là dân ngụ cư ở đợ nhưng Đào Văn Bá vốn thông minh, giỏi võ nghệ lại học qua tứ thư, ngũ kinh nên được giới chức sắc trong làng nể trọng. Rồi một biến cố đã diễn ra, cô con gái út của lý trưởng Tây Lưu bị bọn cướp Đầu Đá bắt giữ trên một chuyến đò dọc. Bá tình nguyện đi giải cứu, giết được tên tướng cướp, đưa cô gái trở về bình an. Trả ơn Đào Văn Bá, cũng là để tăng thêm thế lực, lý trưởng Tây Lưu gả cô con gái út cho Bá. Từ đó Đào Văn Bá trở thành người nhà của lý trưởng, uy tín địa vị ngày càng lớn, tậu được nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò.

         

Đào Văn Bá hưởng thọ năm mốt tuổi, có ba con giai, tám con gái. Con giai trưởng là Đào Văn Nhâm. Sau này Đào Văn Nhâm lấy bốn vợ, có năm con giai, mười con gái. Tưởng dòng họ Đào tổng Hà sẽ có dịp sinh con đàn, cháu đống, nào ngờ người con thứ ba cùng cậu út mười hai tuổi đã bị rắn độc cắn chết ở đượng Ba Thằng trong một lần đi bẫy chim. Người ta bảo rằng họ Đào bị quả báo bởi  đượng Ba Thằng là nơi chôn xác ba người Tàu làm nghề bán hàng rong bị Đào Văn Bá vu cho là cướp biển rồi chém chết, lấy hết tiền bạc.

         

Trưởng nam của Đào Văn Nhâm là Đào Văn Bính làm đến chức Chánh tổng, quyền uy khét tiếng. Đào Văn Bính có tám vợ cưới hỏi đàng hoàng, ngoài ra còn chơi bời nhăng nhít với vài chục đàn bà thuộc đủ hạng, gái tơ, gái góa, trốn chúa lộn chồng. Số con chính thức của cụ Chánh họ Đào hơn ba chục người, trong đó có tới tám người con giai cao to khỏe mạnh, tràn trề sinh lực, tưởng như có thể làm nên kỳ tích giống má cho họ Đào mới đến lập nghiệp. Tiếc thay phần lớn đám giai đinh ấy đều chơi bời nghiện ngập,  chỉ có người con trưởng tên Đào Văn Tuế là đàng hoàng chững chạc đủ khả năng kế thừa uy thế dòng họ . Cụ Đào Văn Tuế không ham chức sắc, sợ cảnh đa thê đoản thọ của các bậc tiền nhân nên chỉ cưới hai vợ, sinh hạ mười hai người con, nhưng chỉ có một giai là Đào Văn Quí. Đúng là cha mẹ sinh con giời sinh tính, Quí hung hăng hãnh tiến, ham giao du chơi bời, khác hẳn tính cách người cha. Bà Đội còn nhớ, Đào Văn Quí cưới bà được hơn năm thì đăng lính khố xanh, bỏ ngoài tai lời can ngăn của cụ thân sinh Đào Văn Tuế. Mấy năm sau ông đã leo lên chức đội, được tri phủ rất mực tin dùng. Vào năm bà Đội sinh hạ cậu Mùi, ở Huế Khâm sứ Lavécque cùng Hội Đồng Phụ Chính phế truất đức vua Thành Thái để đưa Hoàng tử Vĩnh San mới tám tuổi lên làm vua. Ở Bắc Kỳ cụ Phan cùng các sĩ phu mở trường Đông Kinh. Rồi năm sau xảy ra vụ binh lính Pháp bị đầu độc ở Hà Thành. Công sứ Pháp ráo riết thanh trừng những quan lại người Việt bị tình nghi là có tư tưởng phản loạn. Đội Quí đã trực tiếp chỉ huy nhiều cuộc thảm sát đẫm máu ở khu mỏ Đông Bắc thuộc vùng đất nhượng của người Tây. Ngày cụ thân sinh lâm bệnh qua đời Đội Quí vẫn đang say sưa với cuộc thảo phạt, truy lùng nghĩa quân Đốc Tít. Đám chức sắc trên phủ nói rằng nếu Đội Quí còn sống chắc chắn sẽ lên chức lãnh binh. Bà Đội luôn có linh cảm rằng công danh của chồng bà được lập nên từ xương máu của đồng loại.Ở đời không ai tránh được luật nhân quả. Đời cha ăn mặn thì đời con khát nước. Những gì con bà đang gánh chịu là quả báo nhãn tiền. Nhưng là một người đàn bà được giáo dưỡng bằng đạo tam tòng, khi trở thành người vợ bà phải nhất nhất phụng sự chồng con cũng như sự nghiệp nhà chồng. Bởi thế bà luôn tận tụy nuôi dạy đứa con giai tật nguyền giữ vai trò trưởng tộc với ước muốn nó sẽ thành người đàn ông biết làm cái việc duy trì nòi giống chi trưởng họ Đào. Dẫu nhà cao cửa rộng, ruộng vườn ức vạn, tiền của, thóc lúa đầy nhà cũng sẽ là vô nghĩa nếu như chi trưởng họ Đào tuyệt tự. Bà dứt khoát không để cơ ngơi này rơi vào tay mấy người em họ lười nhác, đần độn. Vì bổn phận lớn lao ấy bà đã phải hy sinh cả tuổi xuân, chấp nhận làm gái góa thủ tiết vì cậu con giai nửa vật nửa người. Bà lựa chọn kỹ lưỡng người làm vú em trực tiếp chăm sóc cậu Mùi. Tiêu chuẩn bà đặt ra là khỏe mạnh, tháo vát, sạch sẽ, có kinh nghiệm nuôi con nhưng lại phải là người kín đáo không được đưa chuyện nhà bà ra ngoài. Hàng ngày Mùi thường chơi vẩn vơ từ trong nhà ra vườn cùng người vú em. Trò chơi duy nhất mà cậu Mùi thích thú là đuổi bắt ve sầu, chuồn chuồn, bươm bướm, đặt lên lòng bàn tay cười hầng hậc. Khi lũ côn trùng vù đi mất cậu hú lên một tiếng rồi lại đuổi bắt. Rõ là một đứa bé đầu óc chẳng bình thường, nhưng bà Đội không muốn tin vào điều bất hạnh ấy. Bà đã từng mời thầy đồ về dạy cậu Mùi học, hy vọng kiếm được dăm ba chữ thánh hiền để lập thân. Nhưng thầy đồ trổ hết tài năng thông kim bác cổ của mình vẫn chẳng nhét nổi nửa chữ vào cái đầu củ chuối của trò Mùi thầy đành cắp tráp ra đi.

         

Không học được chữ vẫn có thể trở thành thằng đàn ông biết làm cái việc truyền giống. Bà Đội đinh ninh như thế nên mới sốt ruột mong ngóng, đếm từng ngày tuổi của cậu Mùi để lo việc đại sự.

 

Chương : 1   2    3    4    5    6    7    8    9    10    11    12   
Trần Quang Vinh
Số lần đọc: 2690
Ngày đăng: 27.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Sống Đời Bát Nhã - Trần Kiêm Ðoàn
Kiếp người xuống xuống, lên lên - Nguyễn Đức Thiện