Tết Nguyên Đán đã gần kề. Mưa phùn lất phất như sương khói quanh cây nêu cao chót vót ngọn buộc giấy điều dựng trước nhà. Trời ấm dần. Bà Đội đảo qua dãy bếp đang bộn rộn mổ lợn, giã giò, gói bánh, rồi vòng lên phòng vợ chồng cậu Mùi.
Mợ Gấm đã dậy từ lâu đang pha chậu nước ấm để cậu Mùi rửa mặt. Mới hơn chục ngày mà Gấm đã hoàn toàn thay đổi, khuôn ngực căng tròn, nước da như trứng gà bóc. Bà Đội thầm nghĩ, đúng là gái phải hơi giai như rau thài lài gặp cứt chó. Nó đang sống cảnh thiếu thốn bần hàn, về làm dâu nhà này ăn sung mặc sướng, việc chẳng đến tay, lo chẳng đến đầu. Bà cũng cảm thấy yên lòng về nàng dâu biết thân biết phận, ngoan ngoãn vâng lời, nhanh chóng hòa hợp với cậu Mùi, được cậu Mùi yêu quí như chị Vú. Nhiều đêm bà Đội ghé mắt nhìn qua khe cửa xem cậu con giai khờ dại làm chồng theo kiểu gì. Bà đã xúc động đến ngợp thở khi được tận mắt chứng kiến bản năng giống đực của cậu Mùi không hề thua kém những người đàn ông khỏe mạnh bình thường. Những điều bà mong ước bao năm nay đã thành hiện thực. Bà Đội thầm biết ơn nàng dâu nghèo đã có công làm cho con giai bà thực sự thành đàn ông. Việc giúp cậu Mùi ăn mặc, dẫn cậu vui chơi quanh vườn đã dần dần chuyển sang cho Gấm. Bà Đội bảo chị Vú bồi bổ sức lực đàn ông cho cậu Mùi để bà nhanh chóng được bế cháu đích tôn.
Gấm thấy mẹ chồng đến gần vội đứng dậy khoanh tay lễ phép cúi chào. Bà Đội gật đầu tỏ vẻ hài lòng. Bà biết, trước khi cô gái quê mùa này về làm dâu đã được bà Mối dạy dỗ bảo ban phép tắc gia giáo của những bậc phú hộ bề thế. Bà vẫn nhớ công lao của bà Mối, đúng là tiền nào của ấy! Nếu bà không rộng rãi mở hầu bao thì việc cưới một cô vợ đàng hoàng cho đứa con ẩn ơ của bà sẽ khó bề xuôi chèo mát mái. Nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu, để con Gấm thực sự là nàng dâu trưởng của họ Đào cần phải có sự kèm cặp tính toán khôn ngoan của bà. Mà nhân định không bằng thiên định, nếu nó không đẻ được con giai thì coi như vứt đi, mọi chuyện sẽ phải làm lại từ đầu.
Bà chợt nhớ tới thân phận rẻ rúng của mình trước khi đẻ được cậu Mùi. Đời người đàn bà là thế, muôn sự trông ở ông giời. Cờ đến tay ai người ấy phất. Bà đẻ được con giai trưởng nghiễm nhiên trở thành trụ cột của gia tộc, đảm đương luôn vai trò của người chồng quá cố. Bây giờ đến lượt con Gấm. Dẫu xuất thân hèn mọn, tầm thường, e dè nhút nhát, nhưng đến một ngày nào đó sẽ thành bà chủ tự tin quyết đoán như bà. Ý nghĩ ấy đã khiến bà Đội thông cảm với nàng dâu, đối xử với cô bằng tấm lòng nhân hậu khoan dung.
Nhìn vào phòng thấy cậu Mùi vẫn đang ngủ ngon, bà Đội bảo cứ để cậu ngủ thêm, ra ăn trầu u có việc muốn bàn. Gấm lau tay bằng chiếc khăn bông, nghi ngại theo mẹ chồng ra tràng kỷ. Giống như những lần trước bà tự tay têm trầu đưa cho nàng dâu rồi ân cần hỏi:
- Mới đi làm dâu, chắc con nhớ nhà lắm phải không?
- Dạ, con con… đâu dám ạ!
Thấy nàng dâu lúng búng e ngại, bà Đội lắc đầu bảo:
- U đã từng làm dâu, u biết chứ! Lòng vả cũng như lòng sung thôi. Ngày trước u cũng nhớ nhà, cứ đêm đến là trùm chăn thổn thức khóc.
Gấm rơm rớm nước mắt thầm ân hận bởi có lúc đã thù ghét mẹ chồng, căm giận bà Mối lừa dối mình. Gấm bỗng cảm thấy bà Đội cũng là người nhân hậu. Dẫu lấy chồng khờ khạo nhưng bù lại là một cuộc sống no đủ, ăn sung mặc sướng mà trước kia Gấm chưa hề nghĩ tới. Từ ngày mẹ qua đời chị em Gấm sống trong cảnh đói ăn thiếu mặc lại luôn bị người dì ghẻ đánh đập mắng nhiếc. Bố Gấm là người nông dân hiền lành, cổ cày vai bừa chẳng mấy khi quan tâm đến con cái. Đi lấy chồng Gấm như được đổi đời. Nhớ lại những ngày sống trong căn nhà vách đất lợp rạ rồi những trận đòn ác độc của dì ghẻ lại thấy rùng mình. Gấm rất thương ba đứa em nhỏ, đứa em giai lớn mới hơn mười tuổi, còn hai em gái thì chưa đầy chục tuổi đã phải đi ở chăn trâu cắt cỏ cho người ta. Gấm mong một ngày nào đó sẽ kiếm được tiền giúp bố, cứu các em thoát khỏi cảnh đói nghèo . Gấm đâu biết rằng mụ dì ghẻ đã gả bán cô để lấy hai mươi lạng vàng làm vốn riêng.
Bà Đội vừa nhai trầu vừa thủng thẳng nói rằng tết nhất đã cận kề, hôm nay là hai mươi ba tháng chạp, ngày làm lễ tiễn Ông Táo lên giời bẩm báo Ngọc Hoàng. Việc chuẩn bị bánh trái, lau dọn nhà cửa, mổ lợn mổ gà, đã có người ăn kẻ ở lo toan. Nhưng tối ba mươi Tết phải đi với u mang cỗ ra từ đường cúng họ. Trong mấy ngày Tết thay chồng tiếp họ hàng mang cỗ đến cúng tổ tiên ở nhà mình theo phong tục đi đơm, vì chồng con là trưởng nam. Việc cỗ bàn cúng bái suốt mấy ngày liền cũng mệt lắm, nhưng là dâu trưởng không thể vắng mặt được. U tính hôm nay để con sang bên Đông Lưu mang lễ, mang quà Tết biếu thông gia cho phải đạo. Nhớ chiều về sớm kẻo giời lạnh!
Rồi bà Đội sai chị Vú xếp vào hai chiếc thúng mấy hũ rượu ngon, hai cân chè Thái, hai hộp mứt, chục cân gạo nếp hoa vàng để mợ Gấm sang Đông Lưu ngay buổi sáng. Lúc mợ Gấm quẩy đôi thúng ra đến cổng bà Đội gọi lại nhét vào túi áo nàng dâu tờ bạc Đông Dương bảo để may quần áo cho các em...