Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.049
123.234.798
 
Đứa con của thần linh
Trần Quang Vinh
Chương 8

ĐẤT CÓ THỔ CÔNG , SÔNG CÓ HÀ BÁ CÒN GOÁ PHỤ BƠ VƠ GIỮA CÕI ĐỜI

 

Bà Đội thủng thẳng đi ra khu vườn trước cửa nhà. Mưa phùn đã tạnh hẳn, nắng nhạt nhòa xuyên qua mấy khóm đào cảnh đang nhú lên những chiếc nụ hồng trên các nhánh cây xù xì trụi lá được uốn theo thế “Linh đan Lão Quân”, “Nhật Nguyệt Luân hồi”, “Quân tử Đệ nhất”… bà tần ngần đứng lại, man mác bâng khuâng. Cảnh trí cô tịch cuối đông đã khuấy động những ký ức xa xưa. Bà nhớ lại hơn hai mươi năm trước, khi bà là thiếu nữ chưa thành thân còn được gọi theo tên tục của mình là Nhẫn. Nhà cụ Tú thuộc loại hiếm hoi, chỉ có ba con, một giai, hai gái, đặt tên là Đao, Tâm, Nhẫn. Cụ Tú bảo rằng theo Hán tự chữ “đao” hợp với chữ “tâm” thành chữ “nhẫn”. Nhẫn không chỉ là sự nhẫn nhịn mà là nghị lực phi thường của con người đương đầu với mọi hoàn cảnh éo le để đeo đuổi mục đích chính đáng. Ông Đao, anh cả của bà được cụ Tú dạy nho tại nhà, sau lên tỉnh theo học trường Tây. Bà Tâm, chị gái của bà lấy chồng là anh Khóa nghèo đang ở gần nhà.

 

Năm Nhẫn mười sáu tuổi nghe tin anh Cả Đao định trốn đi nước ngoài theo những người chống đối chính phủ bảo hộ, bị bắt giam ở Căng Sở Kẽm trên tỉnh lỵ. Nhẫn được mẹ dẫn đi thăm anh Cả Đao. Hai gmẹ con đi cả buổi vẫn không gặp được Cả Đao. Hỏi thăm họ bảo rằng đã chuyển sang Căng Bãi Trai, thành phố cảng. Hai mẹ con đành phải quay về làng Phong Lưu ngay buổi chiều hôm ấy.

 

Làng Phong Lưu nằm ở trung tâm tổng Hà. Dân ở đây làm đủ mọi nghề như cấy lúa, đánh cá, buôn bán, vận tải thuyền buồm…, khác với người làng Tây Lưu chủ yếu làm ruộng hoặc làm thuyền câu. Từ tỉnh lỵ về Phong Lưu phải đi qua bến đò Trang nổi tiếng về những xoáy nước thủy triều. Ở cạnh bến đò là cống Vông, cách mấy bước là đền Kỹ Nữ Thủy Thần. Nghe nói từng có ma xuất hiện giữa ban ngày dụ dỗ, chài chuộc người qua đường đẩy xuống vực nước xoáy ngay gần cửa cống.

 

Tương truyền khoảng hai trăm năm trước dân làng Bắc Lưu quai đê cống Vông mở rộng diện tích trồng lúa. Phần việc cuối cùng là lấp con lạch Cái Vông để xây cống tháo nước khi úng lụt. Nhưng đất đá ném xuống đều bị cuốn mất tăm dưới dòng nước xoáy. Lý trưởng Bắc Lưu mời một thầy phong thủy rất nổi tiếng ở tận Hà Bắc về xem thế đất. Thầy đi loanh quanh một buổi rồi phán rằng lạch Cái Vông là nơi có thủy cung của một vị Thủy Thần chúa tể sông Trang. Muốn lấp lạch Cái Vông phải lập đàn cúng tế ba ngày ba đêm cạnh cửa cống. Phải hiến tế cho Thủy Thần ba con lợn quay, ba hũ rượu nếp và ba kỹ nữ xinh đẹp hát hay, đàn giỏi.

 

Lý trưởng Bắc Lưu bàn với các vị bô lão lên tỉnh lỵ mướn ba kỹ nữ về dựng đàn bên cạnh dòng nước xoáy để hát xướng, cầu cúng, rồi bất ngờ đẩy ba kỹ nữ xuống dòng xoáy hiến tế Thủy Thần. Quả nhiên lạch Cái Vông được lấp đầy, việc xây cống Vông hoàn thành nhanh chóng. Về sau dân làng Bắc Lưu lập miếu thờ Kỹ Nữ Thủy Thần cách cống Vông không xa. Dân đò ngang, đò dọc, thuyền bè qua lại thường kính cẩn vào miếu thắp hương dâng lễ cho Kỹ Nữ Thủy Thần để cầu mong sự bình an, phát tài phát lộc. Dù đã được người đời suy tôn thờ phụng nhưng đôi khi các vị Kỹ Nữ Thủy Thần vẫn oán hận người đời nổi con sóng dữ dìm chết nhiều người. Các cụ già kể rằng cả nhà lý trưởng Bắc Lưu thời ấy đều bị chết đắm đò gần cống Vông trong dịp lên tỉnh lỵ đón nhận sắc phong hàm cửu phẩm.

 

Bà Đội không thể nào quên bóng dáng con đò nhỏ khua mái chèo bập bềnh trên dòng sông Trang ào ạt thủy triều lên. Cô thiếu nữ ngày ấy đã hoảng hốt nép bên mẹ khi đi qua ngôi miếu thờ Kỹ Nữ Thủy Thần ẩn hiện dưới tán cây đa cổ thụ cành lá sum sê.

 

Bấy giờ đã ngả về chiều, mặt trời cuối thu trôi về phía dãy núi đá Tràng Kênh nhanh vùn vụt. Mẹ bảo rằng phải đi gấp để vượt qua cánh đồng Dải Yếm trước khi trời tối. Nhẫn đi như chạy. Dân quanh vùng đều biết về ngôi miếu cổ trên gò đất có ba cây lim lớn giữa đồng Dải Yếm vào buổi hoàng hôn thường xuất hiện bọn mục đồng du thủ du thực xin đểu khách qua đường. Theo lời những người già thì ngôi miếu này đã có từ lâu lắm, trước khi các vị Tiên Công đến khai phá đảo Hà để lập nghiệp. Bấy giờ khu đồng Dải Yếm vẫn là rừng sú vẹt trước cửa sông Rừng. Trong trận Đức Thánh Trần dựng bãi cọc đại phá hàng trăm chiến thuyền của giặc Thát có một viên tướng giặc bị chém đứt cổ vẫn ngoan cố ôm chiếc đầu đẫm máu của mình chạy vào cánh rừng lầy lội bạt ngàn. Đến gò đất cao viên tướng giặc thấy một lão bà tóc bạc như cước đang điềm nhiên ngồi dưới gốc cây lim đại thụ miệng nhai trầu bỏm bẻm. Viên tướng giặc bèn cất tiếng hỏi rằng:

- Người không đầu sống được bao lâu ?

Lão bà đưa hai ngón tay quệt bã trầu trên miệng  đủng đỉnh bảo:

- Lão đã có mặt trên cõi đời từ lâu lắm rồi, nhưng chỉ biết có ma không đầu mà thôi!

 

Nghe vậy, viên tướng giặc hú lên một tiếng, ném đầu xuống gốc cây rồi lăn ra chết. Sau này những người dân chài ghé lên gò lấy nước ngọt thường gặp ma không đầu hiện hình nên mới lập miếu thờ. . .

 

Lúc đi qua gò đất có ngôi miếu cổ Nhẫn không dám ngẩng lên nhưng cô vẫn thấy những bụi dứa dại cao quá đầu người mọc sát vệ đường, nghe tiếng bầy quạ đi ăn về vỗ cánh cất tiếng kêu rùng rợn trên ngọn cây cổ thụ. Đến đình làng Đông Lưu thì mặt trời lặn hẳn. Trăng mười bốn tròn vạnh nhô lên khỏi ngọn tre đu đưa trong gió heo may. Mẹ Nhẫn bảo sắp đến nhà rồi. Qua cánh đồng cuối làng Đông Lưu là tới Phong Lưu.

 

Trong ánh giăng bàng bạc cánh đồng lúa đang làm đòng như một tấm thảm huyền bí trải rộng mênh mông. Con đường nối giữa hai làng như sợi chỉ mong manh vắt ngang tít tắp. Có mấy bóng người đang cúi lom khom giữa những ruộng lúa gần đường. Mẹ bảo chắc là người làng Đông đi thả lờ. Dân Đông Lưu vốn giỏi nghề đơm bắt cá đồng. Vào những ngày đầu hạ mưa nhiều, ruộng đồng ao hồ sông ngòi ngập nước, họ đào rạy bắt cá rô ngoi lên theo rạch nước chảy, thả lờ cá diếc ở những thửa ruộng chiêm trũng, đi úp nơm chộp cá chép ngoi lên tìm ổ đẻ, chắn đăng đơm đó, cất vó thả câu… đủ kiểu.

 

Sang mùa thu ít mưa kênh rạch sông hồ cạn nước, dân làng Đông lại chuyển sang đánh dậm. Khi mặt trời chưa nhô khỏi dãy núi Đầu Đá, từng đoàn người đủ cả gái trai già trẻ quần cộc nón lá, áo chúc bâu nhuộm đâng đã cũ nhem nhuốc sờn rách, chắp vá loang lổ vác dậm đi từng đoàn trên đường làng như những người tiền sử. Đêm xuống người ta ra đồng đặt lờ cá rô. Đó là loại dụng cụ bắt cá đặc biệt làm bằng cật tre dài hơn một thước, gần giống chiếc nơm úp cá nhưng đáy dưới nhỏ hơn, đường kính khoảng hơn nửa thước, có nắp hom như hom giỏ. Khi đơm cá người ta khoét một hốc nhỏ trong các thửa ruộng lúa đang làm đòng, cho vào hốc ít mồi làm bằng cơm hoặc gạo rang trộn thính, úp phần đáy có hom của chiếc lờ lên hốc lõm, phần đuôi lờ thót nhỏ như chóp nón được bó chặt vào ngọn mấy khóm lúa. Các chú cá rô đi kiếm ăn mò vào hốc đất lõm dưới đáy ruộng để ăn mồi, sau đó quẫy lên mặt nước ruộng để thở, thế là chui tọt qua hom vào lờ, không có cách nào thoát ra được nữa. Có những chiếc lờ chỉ đặt vài giờ đã bẫy được vài chục chú cá rô to gần bằng ba ngón tay chụm lại. Nhiều đêm chúng còn phá tung cả lờ nếu người đơm lờ chưa kịp đổ cá. Thông thường mỗi đêm một người thả tới bốn năm chục chiếc lờ rô trên một khoảng đồng năm bảy mẫu lúa.

Nhớ đến cái đêm gặp mấy thằng ma cô đi đơm lờ cá rô trên cánh đồng làng Đông Lưu ngày ấy gò má bà Đội lại nóng ran như vẫn còn là cô bé Nhẫn thuở nào. Trong lúc Nhẫn đang tung tăng vượt lên thì bất chợt một gã đàn ông vừa từ dưới ruộng bước lên đường nghêu ngao hát: “Sáng giăng vằng vạc / Vác cặc đi chơi / Gặp đàn vịt giời / Giương cung lên bắn / Gặp cô yếm thắm / Đội gạo lên chùa / Thò tay bóp vú”… Nhẫn hoảng quá, vội dừng lại chờ mẹ. Cùng lúc ấy có thêm hai thằng choai choai mình trần, quần cộc, chắc là cùng bọn đơm lờ, đứng chặn phía trước mấy bước. Thằng to con cười cợt ghẹo rằng, “vú em chum chúm núm cau/ Cho anh bóp cái có đau anh đền.” Thằng lỏng khỏng đứng giang chân bảo, “vú em đáng giá một tiền/ Cho anh sờ cái anh đền năm quan”.

 

Nhẫn khiếp sợ lùi lại nấp sau lưng mẹ, run lập cập. Người mẹ chẳng lạ gì mấy thằng ma bùn đồng làng, điềm nhiên bảo:

- Các cậu có biết mẹ con tôi là ai không mà cả gan chọc ghẹo!

Thằng to con văng tục:

- Là bà hoàng cũng đéo sợ!

Nói rồi cả bọn cười cợt sấn sổ bước tới định giở trò ma cô. Đúng lúc ấy phía sau có tiếng vó ngựa lộc cộc, một người cao lớn, sang trọng cưỡi ngựa đi nước kiệu tới gần. Bọn đơm lờ vội hò nhau tháo chạy xuống cánh đồng. Nhẫn nghe chúng bảo nhau rằng cậu Quí, cháu đích tôn cụ Chánh Cựu đó! Cha này nổi tiếng võ nghệ cao cường…

 

Nhẫn không thể ngờ rằng sau cái đêm mẹ con cô được cháu đích tôn cụ Chánh họ Đào, con giai trưởng nhà phú hộ nổi tiếng làng Tây Lưu cứu thoát khỏi tay bọn lưu manh cô đã lọt mắt xanh chàng công tử giàu có. Mấy tháng sau họ Đào Tây Lưu đã nhờ bà mối sang Phong Lưu giạm ngõ, rồi Nhẫn trở thành nàng dâu trưởng của phú hào Đào Văn Tuế. Theo tập tục người ta thường gọi người phụ nữ đã thành thân theo tên chồng kèm thêm địa vị hoặc nghề nghiệp của chồng. Bởi thế cô Nhẫn thuở xưa mãi mãi chìm trong ký ức, người ta chỉ còn biết đến bà Đội Quí giàu sang thế lực ở tổng Hà.

 

Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, thấm thoắt đã hơn hai chục năm rồi. Bà Đội đã thành một góa phụ, thành mẹ chồng, trụ cột của chi trưởng một dòng họ nổi tiếng. Bà luôn phải quên những thứ của riêng mình để làm một góa phụ thủ tiết, tấm gương của đạo tam tòng như lời răn dạy của cụ Tú lúc sinh thời.

 

 

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8   9    10    11    12   
Trần Quang Vinh
Số lần đọc: 1857
Ngày đăng: 27.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Sống Đời Bát Nhã - Trần Kiêm Ðoàn
Kiếp người xuống xuống, lên lên - Nguyễn Đức Thiện