Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.056
123.234.728
 
Đứa con của thần linh
Trần Quang Vinh
Chương 12

Sáng mồng bốn Tết bà Đội bảo mợ Gấm cùng chồng theo bà gánh hai mâm cỗ ra từ đường họ Đào dự lễ tế họ . Đây cũng là lần đầu tiên vợ chồng cậu Mùi được phép xuất hiện trước họ hàng . Buổi chiều về nhà làm lễ hóa vàng. Cỗ cúng cũng đơn giản, gồm có xôi, gà, một đĩa giò lụa, hoa qủa cùng vàng hương, hàng mã các lọai …

          

Mấy ngày Tết cỗ bàn tất bật trôi qua bà thấy nhẹ cả người. Tuy chỉ giữ vai trò cầm trịch, bảo ban sai phái người làm, tiếp đãi họ hàng khách khứa đến chúc Tết, nhưng tâm trạng bà luôn lo lắng mệt mỏi. Ngày ông Đội còn sống nhà bà còn làm lễ Khai Hạ thật to vào ngày mồng bảy để hạ cây nêu, kết thúc Tết Nguyên Đán, đồng thời cũng là dịp tụ tập họ hàng con cháu gần xa phô trương thanh thế gia tộc. Những năm sau này bà chỉ làm chiếu lệ, không cỗ bàn linh đình nữa. Vả lại thiếu gì kẻ xu thời, thấy tình cảnh nhà bà mẹ góa con côi đâu chịu qua lại hậu hĩnh như trước. Thậm chí  có đứa người trong họ còn độc miệng rủa nhà bà tuyệt tự đến nơi, đã chắc gì giữ nổi chân trưởng tộc.

         

Bà đau lắm nhưng vẫn làm thinh. Người  xưa bảo một điều nhịn là chín điều lành, cha bà đặt tên Nhẫn cho con cũng là vì thế. Bà âm thầm chịu đựng nỗi bất hạnh, giống như lưỡi đao cắm vào tim mà không chịu gục ngã. Ấy là tên của bà mà cũng là định mệnh. Bà sẽ hóa giải, như lời cụ Tú thường nhắc nhở con cái rằng nhân định không bằng thiên định, nhưng đức năng vẫn có thể thắng số. Bà đã đứng ra gánh vác vai trò trụ cột của họ Đào, nuôi dưỡng cậu Mùi trưởng thành, cưới được nàng dâu thảo hiền. Điều khiến bà lo lắng nhất đã được giải tỏa, con trai bà đã biết làm chồng. Nay mai bà sẽ có cháu đích tôn thừa kế ngôi vị trưởng nam, khôi phục thế lực, quyền uy của dòng họ từng là danh gia vọng tộc một thời.

          

Suốt mấy ngày Tết bà Đội chỉ chăm chăm lo hoàn thành bổn phận vai trò nhà trưởng, chẳng lúc nào có chút hứng thú với không khí rộn rịp của lễ hội mùa xuân. Đã qua rồi những ngày ấu thơ cô bé Nhẫn luôn náo nức đón chờ biết bao điều bất ngờ mới lạ mỗi khi Tết đến .  Xóm làng tưng bừng chuẩn bị cả tháng giời . Người ta lau dọn nhà cửa , sắp đặt trang trí bàn thờ . Người ta đụng nhau mổ lợn , luộc bánh , gĩa gìo . Người ta lũ lượt đến nhà xin cụ Tú đôi câu đối Tết . Đêm trừ tịch mấy anh em quây quần quanh nồi bánh chưng nghe mẹ kể chuyện cổ tích. Dù không biết chữ nhưng mẹ thuộc lòng những tập truyện thơ như “Thạch Sanh”, “Tống Trân Cúc Hoa”, “Nhị độ mai”, “Chinh phụ ngâm”… Mẹ đọc liền một mạch hàng chục câu thơ rồi đủng đỉnh giảng giải về nội dung câu chuyện, về hậu quả của những kẻ làm điều bất nhân thất đức như Lý Thông, về những điềm cát lành sẽ đến với những người hiếu thuận, thủy chung như Thạch Sanh, Cúc Hoa. Có lần mẹ kể truyện “Kim Vân Kiều” nhưng lại nhắc nhở các con rằng cụ cố nội bảo “đàn ông chớ đọc Phan Trần, đàn bà chớ đọc Thúy Vân, Thúy Kiều”. Cô bé Nhẫn chẳng hiểu vì sao đàn bà bị cấm đọc truyện Thúy Kiều, nhưng vẫn nhớ mãi những câu thơ khắc khoải: “Trải qua một cuộc bể dâu / Những điều trông thấy mà đau đớn lòng / Lạ gì bỉ sắc tư phong / Giời xanh quen thói má hồng đánh ghen…”. Mẹ giải thích rằng đọc Kiều dễ vận vào mình. Bởi thân phận nàng Kiều đa đoan oan trái nên đàn bà con gái phải tránh cho xa.

          

Bấy giờ cô bé Nhẫn chỉ biết tròn mắt nhìn mẹ rồi huơ huơ bàn tay nhỏ xíu về phía ngọn lửa bập bùng lắng nghe tiếng gió mùa đông bắc đang rít lên ở chái nhà. Còn chị Tâm thì hồn nhiên hỏi đa đoan nghĩa là gì? Mẹ không trả lời, chỉ thở dài rồi nhổ bã trầu vào chiếc ống nhổ bằng đồng thau, lấy nước nóng chế thêm vào nồi bánh chưng đang sôi sùng sục.

        

Khi nồi bánh chưng thơm phức được vớt ra mẹ đem rửa bằng nước lã, xếp gọn gàng trên chiếc mâm đồng. Cùng lúc ấy tiếng pháo bắt đầu nổ lác đác đâu đó trên đường thôn ngõ xóm. Mẹ giục bọn trẻ tắm tất niên cho thật sạch sẽ rồi diện quần áo đẹp để đón giao thừa. Năm mới nhích đến từng giây trong tiếng pháo các loại thi nhau nổ mỗi lúc một dồn dập. Rồi không gian như vỡ òa bởi ngàn vạn thứ âm thanh rộ lên trong phút giao thừa. Anh Khóa Thân cùng những học trò cưng của cụ Tú đến xông nhà, kính chúc thầy cô khỏe mạnh an khang, chúc toàn gia phúc lộc thịnh vượng. Cụ Tú mừng tuổi cả nhà kể cả anh Khóa. Sau này anh Khóa Thân lấy chị Tâm, trở thành anh rể Nhẫn. Là con út nên bao giờ Nhẫn cũng được nhiều tiền mừng tuổi nhất. Ngoài tiền mừng tuổi của cha mẹ còn được nhận một xu của anh Đao, một xu của chị Tâm, rồi các học trò của cụ Tú đến đi Tết vào ngày mồng hai.

          

Nhà cụ Tú không thuộc loại khá giả nhưng cũng đủ ăn. Cụ Tú dạy học trò theo ý tưởng khai sáng dân trí của nho gia chứ không phải vì miếng cơm manh áo. Học trò đến học chẳng mất một đồng học phí. Vào những dịp lễ tết, giỗ chạp học trò mới đem quà đi lễ thầy, không câu nệ to nhỏ, của ít lòng nhiều.

         

Cụ bà vốn xuất thân trong một gia đình khá giả ở Phong Lưu, chưa từng chân lấm tay bùn lam lũ như các cô gái khác. Sau khi thành gia thất phải làm hàng tấm để phụ giúp chồng nuôi dạy các con, duy trì một nếp sống đạm bạc.

          

Những năm tuổi thơ lặng lẽ thanh bần đối với bà Đội là những ngày êm đềm hạnh phúc. Bà nhớ mãi ngày Tết năm xưa cũng như suốt tháng giêng được gọi là tháng ăn chơi, cô bé Nhẫn thường cùng với chị Tâm theo mẹ đi xem hội làng ở các đình chùa đền quán. Nơi tổ chức chơi đu, nơi đánh vật, chọi gà, bài điếm. Nhưng hấp dẫn nhất là trò cờ người trước sân đình. Người ta kẻ bàn cờ dài rộng hàng mấy chục thước. Các quân cờ là những thiếu nữ nhan sắc, mặc áo dài mớ bảy mớ ba, tay cầm bảng hiệu quân cờ, chân quấn xà cạp đỏ hoặc đen để phân biệt hai bên quân cờ. Cô gái xinh đẹp nhất được chọn làm tướng cờ. Sau nữa là sĩ, tượng, pháo, mã, tốt, tùy theo dung nhan, sắc đẹp. Người chơi cờ mặc võ phục, tay cầm cờ đuôi nheo điều khiển các cô gái theo nước cờ xuất xe, ghểnh mã hoặc dí tốt giữa tiếng trống trận liên hồi cùng tiếng reo hò cổ cũ nồng nhiệt tưng bừng. Người xem kéo đến mỗi lúc một đông, sân đình trùng trùng điệp điệp muôn sắc, muôn màu. Xem cờ người cũng là dịp để người ta ngắm các cô gái đẹp. Các chàng công tử con nhà gia thế tha hồ lựa chọn bạn đời.

           

Mùa xuân năm Tân Sửu Nhẫn được chọn làm tướng cờ. Nhiều năm sau khi đã thành gia thất bà Đội vẫn không quên cái cảm giác lâng lâng pha lẫn thẹn thùng trước những lời trầm trồ về sắc đẹp của tướng cờ quân đỏ, con gái út của cụ Tú làng Phong Lưu bấy giờ…

          

Rồi đến hội miếu Tiên Công diễn ra vào ngày mồng bảy Tết. Từ sáng tinh mơ khắp các nẻo đường người ta đi thành từng đoàn rước kiệu các cụ ông sang tuổi tám mươi đưa lên miếu Tiên Công để làm lễ thượng thọ. Võng lọng, cờ xí đủ màu. Phường bát âm réo rắt những khúc nhạc lễ hội giữa dòng người đưa rước bạt ngàn.

           

Miếu thờ mười chín vị Tiên Công khai hoang lấn biển lập nên tổng Hà xây trên một khu gò cao ở làng Bắc Lưu, kề sát Đồng La. Nơi diễn ra lễ hội là cả một biển người tầng tầng lớp lớp, vòng trong vòng ngoài, muôn màu muôn sắc…

          

Khu nội điện thâm nghiêm khói hương nghi ngút. Các vị chức sắc quan viên cùng các cụ thượng thọ tám mươi xúng xính lễ phục dự lễ tế tự ở nhà đại bái. Chín bô lão mặc áo gấm thụng màu đỏ vàng xanh, đội mũ thêu hoa văn chia làm hai nhóm tế. Nhóm bốn bô lão đi thành hai hàng chầm chậm nâng nậm rượu ngang mặt bước từng bước ngắn hướng về phía nội điện gọi là dẫn rượu. Nhóm năm bô lão dàn hàng ngang trước nhà đại bái nền trải chiếu cạp điều đồng loạt chắp tay đứng lên quỳ xuống tế theo giọng ngân nga của chủ lễ đứng chính giữa: “Cúc… hương… bai… bái…”. Rồi tiếng trống chầu điểm nhịp tưng tưng, tiếng nhạc bát âm véo von réo rắt.

         

Khu vực bên ngoài từ cổng tam quan đến những thửa ruộng đã gặt mùa còn trơ gốc rạ khô queo trở thành nơi vui chơi hội hè. Già trẻ gái trai đông nghịt quây quần bên những trò xóc đĩa, chọi gà, kéo co, đánh đu, đánh vật, đi cà kheo, hát đúm…

          

Bà Đội vẫn nhớ khi còn là cô bé Nhẫn nhỏ xíu cùng chị Tâm kéo áo mẹ đòi chen vào xem một đám hát đúm gồm hai nhóm giai gái làng Phong Lưu, Bắc Lưu. Nhẫn đã vô cùng thích thú nghe những câu hát lạ tai: “Đúm ơi đúm ở bên Ngô / Ai khéo vẽ đồ cho đúm sang đây…”. Đúng lúc ấy xuất hiện hai ông lính cơ từ trên phủ về xem hội xông bừa vào chọc ghẹo, bóp vú một cô hát đúm mặt tròn, yếm trắng phổng phao. Đám giai làng tức giận lao vào đánh đấm túi bụi khiến đám đông chạy giạt tứ tung hoảng loạn. Sau đận ấy mẹ không cho chị em Nhẫn xem hát đúm nữa, mẹ bảo xướng ca vô loài, chẳng hay hớm gì.

         

Từ ngày lấy chồng về làm dâu làng Tây Lưu bà Đội chỉ còn biết đến bổn phận chẳng bao giờ để ý đến hội hè. Buồn nhất là làng Tây Lưu chỉ cách nhà bố mẹ đẻ chừng hơn một dặm nhưng bà Đội cũng hiếm có dịp ghé thăm nhà. Năm cậu Mùi chín tuổi cụ Tú thân sinh lâm bệnh nặng rồi qua đời. Suốt thời gian cụ nằm bệnh bà chỉ qua nhà được hai lần, việc chăm sóc cụ Tú đều nhờ cả vào cụ bà cùng vợ chồng bà Tâm ở gần đó. Cụ bà nói riêng với bà Đội rằng ông Cả Đao, anh ruột bà, sau khi thoát khỏi nhà tù đã trốn sang Tàu theo Đông Du của cụ Phan. Rồi nghe đồn Cả Đao đã tử trận trong cuộc tiến công đánh úp Lạng Sơn táo bạo liều lĩnh của Quang Phục Hội. Biết tin dữ, cụ Tú ngửa mặt than rằng nước Nam khó thoát khỏi kiếp vong nô! Từ hôm ấy cụ ngã bệnh, cả ngày nằm trăn trở không nói một lời.

           

Cụ Tú ra đi lúc nửa đêm. Gần đến giờ làm lễ nhập quan bà Đội mới về đến nhà gục trên thi hài cụ thân sinh gào khóc. Một lão bà tóc bạc trắng, khuôn mặt chằng chịt những vết nhăn nheo, lưng khọm, bỏm bẻm nhai trầu quay lại hỏi, người ở đâu ta mà khóc lóc ai oán thế? Bà hàng xóm gần nhà bảo đó là bà Đội, con gái út lấy chồng Tây Lưu giàu sang có tiếng. Lão bà lưng khọm nhổ bã trầu loẹt xoẹt rồi bảo, giàu sang cũng chẳng làm gì.  Đoạn cất giọng ngâm: “Có con mà gả chồng gần / Có bát canh cần nó cũng mang cho / Có con mà gả chồng xa / Trước là mất giỗ, sau là mất con”. Bà Đội gạt nước mắt nhìn đôi mắt lim dim của lão bà nghĩ rằng thiên hạ đang giễu cợt chê bai mình bèn lẳng lặng đi vào buồng trong.

         

Đó là dịp sau Tết năm Bính Thìn. Bà Đội càng ngày càng cảm thấy mình trở thành người xa lạ đối với ngôi nhà tuổi ấu thơ. Ba năm sau cụ bà cũng qua đời. Ngôi nhà ngói ba gian có khu vườn rộng của cụ Tú trở thành nơi thờ tự. Hàng ngày vợ chồng ông Khóa qua lại trông nom. Đối với bà không khí hội hè náo nức mỗi khi Tết đến gắn mãi với ngôi nhà đã sinh ra cùng những ký ức tuổi thơ hồn nhiên tươi đẹp.

     

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10    11    12  
Trần Quang Vinh
Số lần đọc: 2028
Ngày đăng: 27.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Sống Đời Bát Nhã - Trần Kiêm Ðoàn
Kiếp người xuống xuống, lên lên - Nguyễn Đức Thiện