Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.045
123.235.374
 
Dấu ấn Đồng Quê
Trịnh Thắng
Chương 2

Sợ hãi

Trong làng bấy giờ có ông nông giang, tên Lung. So với bố tôi thì ông ấy nhiều tuổi, nhưng chưa nhiều bằng ông nội tôi. Tóc ông nội bạc phơ còn tóc ông Lung mới chỉ nửa trắng nửa đen. Tôi gọi ông ấy là ông vì trẻ con trong làng vẫn gọi như vậy. Bố tôi lại gọi ông Lung là anh, nếu gọi thay tôi thì gọi là bác. Da ông Lung đen óng như tráng một lớp dầu luyn. Mặt ông lúc nào cũng cau có. Hễ gặp ông ở đâu là người ta thấy trên vai ông có cái cuốc. Cái cuốc ông dùng để vạc bờ, khơi đập. Ông lì lợm, ít nói, nhưng đã nói là độc mồm độc miệng. Người ta đồn rằng ông sống độc thân nên tính cũng độc địa. Chẳng thế, cứ thấy đứa trẻ nào khóc là ông lao vào doạ cắt chim. Có đứa sợ quá mím chặt môi, bật máu. Ông ấy còn doạ các bà đẻ nữa. Hễ bà nào khó đẻ, ông ấy lại đến. Thấy bóng ông, bà nào dù khó đẻ mấy cũng phải đẻ được. Cũng có người nói, ông đến là để đỡ đẻ chứ không phải để doạ. Ông có mẹo vặt, chỉ tặc lưỡi mấy cái, đứa trẻ trong bụng nghe thấy chui ra liền. Người ta còn nói ông ấy độc địa nên cái lông “ấy” của ông cũng quý lắm. Không ông nào trong làng có cái lông quý vậy. Bà mẹ nào đang cho con bú bị tắc sữa, vú sưng đau, chỉ cần đến xin ông một sợi lông về thông, sữa xuống ngay. Nghe các cụ kể về ông ấy, tôi sợ lắm. Cứ nhìn thấy bóng dáng ông thất thểu cái cuốc đằng xa là tôi lại chạy tọt vào trong nhà, hoặc chúi vào bụi tre hay bụi dứa đợi cho ông đi qua.

Vậy mà số phận khiến tôi phải đối mặt với ông Lung. Hợp tác xã giao cho ông cai quản vùng đồng nấp – nơi bố con tôi thả vịt. Thường thì ông ấy rất chăm. Ngày nào cũng đến ruộng nấp, be bờ, đắp đập, trông nom để trẻ trâu, người lớn không đến làm hư nấp. Mấy ngày đầu tiên tôi đi chăn vịt ở ruộng nấp, ông Lung bị ốm. Nghe đâu ông đi làm về, uống rượu nếp quá chén rồi đi tắm ngay, thế nên mắc cảm nằm li bì mấy hôm. Hôm nay ông khoẻ lại, vác quốc ra đồng nấp. Nhìn thấy ông, tôi ngồi thụp xuống, cố nấp vào mu đất. Nhưng không che được mắt ông. Ông đến thẳng chỗ tôi, không nói không rằng, vỗ ba cái vào vai tôi, nhìn chằm chằm. Tôi sợ thót tim, mặt cắt không còn giọt máu, ngước mắt nhìn ông rồi mê man quay mặt đi để tránh ánh mắt sáng quắc của ông. Thường là tôi đã oà khóc, nhưng hôm nay không dám vì sợ ông Lung cắt chim. Cái lưỡi quốc sáng quắc. Khóc là mất chim liền, sau này hết lấy vợ. Ông Lung bỏ đi, được một đoạn thì đứng lại, vểnh tai nghe ngóng. Hình như ông nghe thấy tiếng đàn vịt đang săn nhện trong ruộng nấp, nên lập tức quay lại. Tôi hất cái cờ xuống lòng ruộng để ông không biết là tôi đang chăn vịt. Ông biết nhưng vẫn làm ngơ rồi đi đến chỗ hai chiếc lồng vịt đang ngâm nửa chìm nửa nổi dưới lòng mương. Ông hỏi cộc lốc:

“Ai cho bố con mày thả vịt ở đây?”

Tôi sợ nhưng đánh bạo trả lời:

“Bố cháu nói vịt còn bé, nó bắt nhện cho nấp. Như vậy sẽ tốt.”

Ông Lung quát lên:

“Về nói với bố mày, ngày mai không được thả vịt ở đây nữa. Không thì đừng trách tao.”

Nói rồi ông vác quốc đi thẳng để lại thằng bé lòng đầy lo âu trắc ẩn. Về nhà, không giấu nổi nỗi lo, tôi đem chuyện kể với bố. Bố cười, xoa đầu tôi mà rằng:

“Không sao đâu. Bác ấy chỉ doạ thôi. Vịt con thì làm gì có hại đến nấp mà sợ.”

Nói vậy thì nói, bố cũng dặn tôi thêm vài câu:

“Lần sau nếu bác ấy có doạ bắt vịt hoặc làm con sợ, cứ nói là bố cháu đang ra. Bác đợi gặp bố cháu rồi hãy làm gì thì làm.”

Tôi chỉ còn biết tin và nghe theo lời bố.

Ngày hôm sau cũng như bao ngày, sau khi thả vịt và dặn dò tôi đôi điều, bố lại trở về nhà để mặc tôi và đàn vịt ở lại đồng nấp. Cầu mong hôm nay ông Lung bị ốm không ra đồng. Nhưng điều ước của tôi không linh nghiệm. Mặt trời vừa mới lên được hai gang tay, đã thấy thấp thoáng từ xa bóng ông Lung và cái quốc. Lòng tôi nóng ran lên, cố gắng trấn an để nhớ lại những câu bố dặn. Rồi. Tôi đã nhớ. Nhớ như in từng câu. Không có gì phải lo. Nếu ông Lung đến mà gây chuyện, tôi sẽ nói để ông không thể làm gì được.

Ông Lung một mạch đến chỗ tôi ngồi. Nhìn trừng trừng vào mặt tôi như doạ nạt. Tôi cũng nhìn trừng trừng vào ông – Cái cách mà không một đứa trẻ nào trong làng dám làm với ông. Ông lại hỏi cộc lốc:

“Vịt nhà mày đang ở đâu?”

Tôi không trả lời, đưa tay chỉ ra phía giữa ruộng, nơi đàn vịt đang tíu tít bắt nhện. Ông Lung lặng lẽ dằn lời:

“Đông nhỉ? Hôm qua tao nói, bố con mày không nghe. Giờ đừng trách ông.”

Dứt lời, ông nhảy bổ xuống ruộng, chạy phăng phăng về phía những âm thanh. Ông quờ tay một dải trên ngọn nấp. Đàn vịt chạy xốn xang. Chúng ào lên, tụm lại. Chưa bao giờ chúng bị hoảng loạn vậy. Tôi gào lên:

“Ông đừng làm vậy. Bố cháu đang ra. Bố cháu nói là bố cháu đang ra. Ông làm gì thì đợi bố cháu. Đừng làm vịt cháu sợ.”

Ông Lung không thèm nhìn tôi, vừa đuổi theo đàn vịt, vừa hổn hển nói:

“Bố mày à. Bố mày ra tao cũng không sợ. Tao nói rồi là tao làm. Bố mày ra thì làm gì được tao.”

Tôi gào to hơn, chẳng sợ gì ông Lung nữa:

“Không. Ông đừng ác vậy. Vịt nhà cháu còn bé. Nó không biết gì. Ông làm vậy, ông trời sẽ vật ông ốm không dậy được. Ông sẽ có tội với những con vịt.”

Không có nghĩa gì sất. Những lời tôi gào thét không làm ông Lung ngừng tay. Ông vẫm tiếp tục, lại càng thô bạo hơn. Tôi bật khóc. Vừa khóc vừa gào. Gào ông Lung không được, tôi gọi bố:

“Bố ơi. Mau ra với con. Ông Lung làm chết vịt rồi. Mau ra đây với con bố ơi. hu… hu…hu.”

Ông Lung đã dồn đàn vịt về phía góc ruộng, rồi dồn chúng xuống mương. Đàn vịt xô đạp lên nhau, con thì ướt sũng, con thì bê bết bùn đất, con thì bị đồng bọn cào xước da, rướm máu. Thật thảm hại. Tôi chạy lại chỗ ông Lung, vồ lấy tay ông, mắm môi mắm lợi mà kéo, những mong ông ngừng tay. Ông hẩy tay. Tôi ngã sõng soài. Ông lại hùng hổ dồn đàn vịt, dấn chúng xuống nước. Nhiều con đã bị ngập nước, rồi lại nổi lên. Đột nhiên ông bỏ đàn vịt đó, không dồn nữa. Tôi mừng thầm. Nhưng không, ông chạy lại phía hai chiếc lồng, lấy lên một chiếc rồi bốc từng đống vịt nhét cả vào một lồng. Chật ních như một chiếc dồi lợn. Đàn vịt chen chúc nhau trong đó. Dễ mà chúng chết ngạt. Tôi lại lao vào giằng tay ông Lung. Ông hất tôi ngã lăn xuống ruộng nấp. Bùn văng lên mặt tôi. Nấp sát vào má tôi. Tôi chới với tuyệt vọng. Như con chó điên, ông Lung dùng cả hai tay, ôm cái lồng vịt, cứ thế chạy thục mạng về phía cống làng.

Vẫn còn vài con vịt bị sót lại trong ruộng nấp, kêu chíp chíp thảm khốc vì chưa hoàn hồn sau những cú dồn tay độc ác của ông Lung. Tôi lần theo những tiếng kêu, nhặt nhạnh từng con vịt non nớt. Tôi đau xót khi phải chứng kiến có những con vịt bị ông Lung giẵm lên gãy chân. Có những con gãy cổ, chết không kịp ngáp. Ông là con người man rợ. Ông trời sẽ trừng phạt ông. Tôi khóc, tiếc thương cho những con vịt xấu số, rồi đem những sinh linh non nớt ra mương bên cạnh tắm rửa cho chúng và nhốt chúng vào chiếc lồng còn lại. Xong việc, tôi chạy về phía cống làng nơi ấy còn trơ lại chiếc lồng vịt trống không…

Không thấy ông Lung ở đó. Cũng chẳng thấy tăm hơi con vịt nào cả. Ông Lung đi đâu? Đàn vịt đi đâu? Không ai ở đó mà hỏi. Tôi rối bời, tìm kiếm khắp nơi nhưng không ra tung tích đàn vịt. Thất vọng, tôi chạy một mạch về nhà, vừa chạy vừa gọi bố: “Bố ơi, bố mau ra mà tìm vịt. Ông Lung bắt hết vịt rồi. Hu … Hu….”

Cổng nhà đóng kín. Bố mẹ vẫn chưa về. Bà cũng không có nhà. Chẳng ai ở nhà cả. Tôi giật tung cổng vào sân, chẳng buồn vào trong nhà, cứ ngồi sân mà khóc. Khóc nhiều lắm. Vừa khóc vừa gọi bố. Gọi bố không được lại gọi mẹ, gọi bà. Tiếng khóc làm động lòng những người đi đường. Nhiều người đi qua thương tình vào trong hỏi cho ra ngọn ngành. Tôi không nói cho ai biết. Tôi chỉ muốn nói với bố, với mẹ, với bà. Gần nhà có ông canh điền (người chuyên theo trâu cày bừa) thấy tôi khóc quá thì vào dỗ. Không dỗ được tôi nín, ông lấy con dao bổ trầu của bà, cà vào của quý của tôi mà doạ: “Mày có nín, không tao cắt chim. Cắt chim cho sau này hết lấy vợ.” Thường thì tôi sợ người ta cắt mất chim cho hết lấy vợ. Nhưng hôm nay, toàn tâm trí tôi để vào đàn vịt. Những lời doạ nạt ấy còn có nghĩa gì. Ông ấy càng doạ, tôi càng khóc, thậm chí tôi còn chả thèm lấy tay giữ cạp quần, mặc ông ấy vạch ra mà cà dao bổ trầu vào. Cà vào đó chán, ông ấy thôi. Hôm đó cũng có đến dăm người làm vậy. Khóc mãi, khô cả nước mắt, tôi không còn gì để mà khóc nữa, thì lại đâm ra lì lợm. Tôi lặng lẽ ngồi đó mặc cho mặt trời (khi đó đã cao gần đỉnh đầu) chiếu rát bỏng làm nổi những con rôm đỏ ửng trên làn da vốn rất mịn màng.

Bố chạy về, mặt tái mét. Bố biết là có chuyện. Chắc ai đó ra đồng gặp bố và kể về chuyện tôi khóc thảm khốc. Bố hỏi tôi chuyện gì xảy ra. Tôi không nói. Lúc nãy tôi chỉ mong có bố để kể. Giờ thì lại chẳng thiết gì nói nữa mặc bố hỏi thật nhiều. Bố hỏi không được đâm ra cáu: “Nói mau. Mày bị làm sao thế con? Nói mau xem có chuyện gì.” Bố xốc tay tôi lôi đi ra phía cổng. Tôi chạy theo và dẫn bố ra cái lồng vịt bị bỏ không ngoài cống. Chẳng đợi tôi nói một lời, bố đã hiểu mọi chuyện và chạy một mạch vào nhà ông Lung, cách đó chừng 200 mét. Tôi cũng chạy theo bố. Đến nơi, ông Lung đang ngồi xếp chân chữ ngũ, rít điếu cày xòng xọc, thả khói phì phèo như không hề có chuyện gì xảy ra. Tôi ôm áo bố, không dám nhìn thẳng vào ông Lung. Bố giữ bình tĩnh lễ phép hỏi: “Sáng nay cháu nó có điều gì không phải, bác bắt vịt nhà em. Giờ em đến tạ lỗi và xin bác cho em đem vịt về nhà.”

Ông Lung không nói một lời, vê vê điếu thuốc lào vàng óng đút vào lỗ điếu, châm đóm rít một hơi dài rồi phả vào không khí thật mạnh cho khói bay lên tận nóc nhà. Nhìn ông Lung thật kiêu ngạo. Già, xấu xí mà lại kiêu. Nhìn ông ấy mới thật đáng ghét. Bố tôi thật kiên nhẫn, chỉ dám nhìn theo làn khói thuốc mà không dám phạm thượng vì ít ra ông Lung cũng hơn bố tôi đến chục tuổi. Sự kiên nhẫn và khiêm nhường của bố cũng đến lúc nhận được một câu nói lập lờ của ông Lung:

“Chú đến nhà tôi là phải rồi. Chú có công thả vịt ra đồng nấp thì ắt có công đi tìm vịt. Tôi không đem vịt của chú về nhà. Chú đi mà tìm. Tìm thấy thì đem về. Không thấy thì đành mất vịt. Tôi đã nói là không lấy vịt của chú.”

Bố nhìn quanh không thấy bóng con vịt nào, cũng chẳng thấy mong manh những tiếng kêu nên nghĩ là ông Lung không đem vịt về nhà. Không còn đủ kiên nhẫn, bố quay sang ông Lung, trách cứ:

“Từ trước đến giờ, em ăn ở có gì không phải với bác. Sao bác lại quá vậy? Bác để vịt nhà em ở đâu thì nói với em một câu. Bác bắt bố con em khổ sở vậy mà chưa hài lòng sao?”

Ông Lung không nói gì. Tôi thương bố nên kể lại hết đầu đuôi sự việc…

Biết chẳng thể lấy được thông tin gì từ ông Lung, bố kéo tay tôi chạy về phía chiếc lồng không ngoài cống. Hai bố con tìm khắp các bờ bụi, ngõ ngách xung quanh chiếc cống làng. Đến đâu cũng cố gắng lắng nghe xem có tiếng vịt kêu không. Bặt vô âm tín. Không còn hy vọng gì là có thể tìm được đàn vịt, tôi nghĩ lung tung rồi nói với bố:

“Bố ơi, không khéo ông ấy cho con lợn xề nhà ông ấy ăn vịt nhà mình rồi.”

Bố giật mình cho là phải:

“ừ nhỉ. Nhà ông ấy có lợn xề. Sao lúc nãy bố không nghĩ đến nhỉ?”

Bố định quay lại nhà ông Lung, nhưng chột dạ dừng lại, đoạn quả quyết:

“Không thể như vậy được. Con lợn không thể nào ăn một lúc hết hàng trăm con vịt được. Ông Lung cũng không thể vứt cái lồng ở đây mà mang vịt về được. Không thể nào. Nhất định là ông ấy thả đàn vịt quanh đây.”

Bố giục tôi tìm lại một lần nữa. Trong lúc tôi quay ngang quay ngửa định tiếp tục cuộc tìm kiếm thì ánh mắt bắt gặp miệng ống bi (ống dẫn nước từ máy bơm qua đường cái sang một con mương tưới của làng) bị bịt kín bởi lớp bùn vẫn còn óng ánh nước. Tôi chạy lại ngó nghiêng thì không thấy một kẽ hở nào. Lắng nghe cũng chẳng thấy âm thanh nào vang vọng bên trong cả. Tò mò, tôi chạy sang đầu bi bên kia, thấy cảnh tượng giống hệt vậy. Tôi nghi ngờ nói với bố:

“Bố ơi, chắc ông ấy nhốt vịt nhà mình trong này rồi. Chứ có ai lại tự nhiên bịt hai đầu bi vào đâu.”

Bố đưa hai bàn tay ôm đầu, suỵt dài một tiếng như tự trách mình không nghĩ ra điều đó từ sớm. Rồi bố lấy tay bới đống bùn còn óng ánh. Những lỗ hổng hé ra. Tiếng vịt con ríu rít bên trong nhưng yếu ớt. Có lẽ chúng bị ngạt hơi. Khi bố mở tung được cửa hang, đàn vịt sợ, xô chạy té nước trong bi. Bố phải an ủi chúng thật nhiều bằng những tiếng thân quen. Mãi chúng mới yên lại. Bố giục tôi về nhà cầm tấm nilông vẫn dùng cho vịt ăn ra giũ trước cửa bi. Thấy âm thanh yên bình quen thuộc, đàn vịt ngơ ngác kéo ra. Nhìn chúng thảm hại vô cùng, giống như lũ giặc bị thua trận đang ra hàng. Nom con nào cũng yếu ớt và xơ xác. Sức sống mãnh liệt thường ngày của chúng mất hết, thay vào đó là hình ảnh tiêu điều của những sinh linh bị hành hạ.

Bố suýt xoa thương xót, đếm vịt thấy thiếu 20 con -- Đó chính là số còn sót lại ngoài ruộng nấp. Tôi kể với bố về những con vịt tội nghiệp đang bị nhốt trong lồng ngoài mương và cả những con xấu số bị ông Lung giẫm chết. Bố giận tím mặt nhưng cố nén lại mà theo tôi ra đồng nấp. Những con vịt trong lồng bị nắng, há hốc mồm, kêu không ra tiếng, yếu ớt đến tột độ. Yếu đến mức chúng tôi gọi bằng những tiếng quen thuộc mà chúng không bắt nhời. Chỉ có 13 con trong lồng. Vậy là bảy con đã bị giẵm chết. Thiệt hại thật nặng nề! Bố xót xa nhìn tôi mà rằng:

“Từ nay, bố con mình không bao giờ thả vịt ở ruộng nấp nữa. Ngày mai bố sẽ có chỗ mới cho con chăn vịt.”

Nghe bố nói, tôi biết bố rất tiếc. Trong lời bố còn có dấu ấn của một sự ân hận.

Đó cũng là ngày cuối cùng tôi chăn vịt tại ruộng nấp. Từ sau đó, tôi dắt đàn vịt rong ruổi trên các con mương, con lạch khắp các nẻo đồng, vồ cào, đập nghoé, tát cá cho chúng ăn. Đàn vịt lớn nhanh như thổi, thân thiện và đáng yêu như những người bạn---Những người bạn tuổi thơ.

còn tiếp

 

Chương : 1    2   3    4    5    6    7   
Trịnh Thắng
Số lần đọc: 1803
Ngày đăng: 06.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Sống Đời Bát Nhã - Trần Kiêm Ðoàn
Cùng một tác giả