Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.045
123.235.387
 
Dấu ấn Đồng Quê
Trịnh Thắng
Chương 4

Cạm bẫy

Làng tôi bắt đầu vào kỳ thu hoạch chiêm-xuân. Những cánh đồng vàng óng trải dài như bất tận. Dân làng tấp nập kéo nhau ra đồng cắt lúa, gánh về. Mùa năm ấy bội thu. Khắp nơi người ta bàn tán về những giống lúa cao sản và những gia đình điển hình năng suất cao. Sự bùng nổ về số lượng đàn vịt trong làng vào thời điểm đó càng làm cho vụ mùa trở nên náo nhiệt. Người người nuôi vịt. Nhà nhà nuôi vịt. Đâu đâu cũng thấy hình ảnh người cầm cờ lá chuối hoặc cờ ni lông bên những đàn vịt nhung nhúc hàng trăm con.

Mùa chạ vịt!

Mùa gặt mới chỉ bắt đầu. Vịt thì nhiều, ruộng mới gặt thì ít. Những ruộng vừa mới gặt là những ruộng màu mỡ vì thế luôn là kho mồi béo bở lôi cuốn những chủ chăn vịt. Ai cũng muốn chiếm được một thửa như vậy, hoặc chí ít cũng giành được một vị trí đẹp trong thửa ruộng đó cho đàn vịt đánh chén. Nhiều ruộng chưa kịp gặt xong đã có tới cả chục đàn bâu quanh, chờ thời cơ xông vào. Khi người ta vừa lượm bó lúa cuối cùng vào quang, lập tức ngần ấy đàn, to nhỏ đủ loại cùng chủ nhân của chúng xô vào, lăng xăng, lùng sục, nhốn nháo thậm chí trà trộn đàn nọ với đàn kia. Người thì cuống cuồng vung cờ hiệu để lúc thu đàn cho khỏi bị lẫn với của nhà khác, lúc lại tản ra để mở rộng lãnh thổ. Còn vịt thì cắm đầu cắm mỏ mò mẫm, chẳng để ý gì đến xung quanh.

Người khôn, của hiếm. Xem ra những người chăn vịt chẳng ai bảo ai, đều có những mánh khoé cạnh tranh ma lanh nhất. Hầu hết họ đã lập gia đình. Vài người còn đang học phổ thông nhưng trông đã vạm vỡ như những lực điền. Chỉ có tôi là bé và ngây ngô. Quá non nớt, tôi chẳng thể nhận ra được ai là kẻ xấu, người tốt trong số họ. Nhưng bố thì biết rõ. Bố luôn căn dặn tôi phải tránh các cuộc chạ vịt như vậy và đặc biệt không được cho đàn vịt gần gũi với đàn vịt nhà anh Mách (tên một người chăn vịt trong làng) vì anh ấy nổi tiếng là người chuyên dùng mánh khoé để lùa vịt nhà người.

Mặt trời đã chếch về phía Tây hơn một gang tay. Những tia nắng chói chang đầu chiều rọi thẳng từ quả lửa khổng lồ xuống đồng lúa vàng óng ngun ngút. Hơi nước hừng hực bốc lên từ mặt các trục đường tạo nên lớp đệm trong suốt loang loáng hư hư thực thực. Nheo mày quan sát kỹ sẽ thấy lớp đệm đó giống như một vườn cánh bướm trong suốt chen chúc thi nhau mấp máy. Nếu ai đã từng đốt giấy tiền hay hoá vàng vào những ngày lễ trong mùa khô hanh hay vào những ngày nắng gắt, hoặc giả là được mục kích một đống nhựa đường cháy nghi ngút trên những đoạn đường đang làm dở, hẳn sẽ được chứng kiến hình ảnh như vậy. Hiếm lắm mới có một làn gió đông nam man mát đem lại cảm giác sảng khoái hoặc những đám mây lạc đường vô tình che khuất mặt trời để vẽ nên những bóng râm hình thù kỳ quái liếm hết thửa ruộng này đến thửa ruộng khác.

Cả cánh đồng chỉ có một cây đa độ mười năm tuổi. Tán cây chưa thật rậm nhưng cũng đủ che nắng cho hai chục người. Tôi may mắn chiếm được một vị trí mát mẻ và thuận tiện cho đàn vịt ngủ trưa. Bóng râm của cây đa cùng những làn gió mồ côi từ lúc nào đã làm khô lớp mồ hôi ướt sũng như tắm hồi nãy để lại một lớp bột trắng toát có vị mặn như muối dàn đều trên chiếc áo dù xanh nõn chuối mà ông cậu tặng tôi làm kỷ niệm khi về phép thăm nhà. Nằm thở phì phò quanh gốc đa là ba con trâu đực to kềnh, da đen bóng như đánh si. Rớt rãi nhày nhụa chảy thành sợi từ những cái mồm rộng ngoác đang nhóp nhép nhai lại những gì ăn được từ sáng. Những đôi mắt lim dim như thả hồn vào cõi hư vô, cùng những đôi tai liên tục phe phẩy tạo nên cá tính rất khiêm nhường và nhẫn nhục của lũ trâu làng. Thỉnh thoảng có những con ve trâu to như ong đất, màu xám tro bay từ đâu đến đậu lên lưng các chú trâu ngô nghê rồi châm ngòi còng lưng hút máu. Hình như những vết đốt của ve chẳng thấm tháp gì so với cơ thể khổng lồ của các hiệp sĩ kéo cày, nên các chú không hề phản ứng lại. Trong khi đó, lũ ký sinh thì thả sức hoành hành. Chỉ sau một loáng, bụng những vị khách không mời mà đến đã mọng máu. Những vết rạn ngăn cách giữa các khoang bụng của chúng lúc thường có màu trắng ngà, giờ chuyển màu đỏ tươi, phình ra như quả bóng bay sắp bị nổ tung. Nhưng giống ve trâu làng tôi mới thật tham ăn. Chúng không bao giờ cảm thấy thoả mãn khi vẫn còn có thể chọc được vòi vào da trâu. Chỉ đến khi lượng máu trong bụng tăng quá mức, vượt quá khả năng mang vác của cơ thể, chúng mới chịu rời vòi, để mặc sức nặng cơ thể kéo chúng lăn đùng xuống đất.

Tôi đang bị hút hồn vào lối ký sinh của lũ ve, thì con át Chủ Bài§ lao ra, trong tích tắc đã nuốt chửng chú ve mọng máu vừa bị rớt xuống đất do quá tải. Sự xuất hiện đường đột của chú vịt tinh khôn chuyển dòng suy nghĩ của tôi trở về đàn vịt đang nằm ngủ. Chỉ có át Chủ Bài là thao láo bên tôi. Tôi hồn nhiên vuốt ve vào đầu từng chú vịt đang ngái ngủ, mắt ngây ngô chớp chớp, đầu gật gù thiêm thiếp, chân lúc co lúc duỗi. Hú hoạ có chú mơ ngủ, chổng mông đùn ra một đống sền sệt màu đen vàng trông như cám lợn bị vón cục, chỉ báo là vịt ăn no thóc. Thứ ấy phải thật lỏng và trắng xoá thì mới gọi là tốt vì nó mới chứng tỏ các chú vịt được ăn một bữa dồi dào chất tanh. Nhưng hôm nay các chú vẫn chưa được bữa cá nào nên chưa thể đùn ra chất màu trắng đặc trưng ấy được. át Chủ Bài đi theo cổ vũ. Lúc lúc nó lại hích cái mỏ màu đen ốc bươu bóng loáng vào bàn tay, rồi ngoặm cả lên cổ tay tôi có ý tán dương.

Trong lúc tôi mải mê ngắm vuốt đàn vịt, thì một tiếng “Doạ” đanh gọn từ đằng sau làm tôi giật nảy mình. Đàn vịt tỉnh giấc nhốn nháo, nghển cổ nhìn quanh, nhưng chắc không thấy gì nguy hiểm nên lại vùi đầu ngủ tiếp. Đó là anh Mách, người mà bố tôi luôn căn dặn phải đề phòng. Giờ mới được gặp mặt nên tôi mơ hồ không biết anh ấy sẽ làm gì với đàn vịt. Tôi hơi bối rối. Giá mà hôm nọ bố nói rõ cho tôi những mánh khoé ăn trộm vịt của anh ấy thì hẳn tôi sẽ tự tin hơn trong tình huống này. Trông anh Mách không có vẻ là một tên lưu manh. Anh cao chừng mét rưỡi, nước da bánh mật trong chiếc áo sơ mi mỏng sẫm màu. Quần sắn móng lợn làm nổi bật những đường gân gồ ghề chạy trên mu bàn chân. Móng chân anh vàng kệch do cáu chua của đồng ruộng bám vào. Nét mặt trái xoan hơi xạm nắng khá cân đối được tôn lên bởi sống mũi thẳng hơi gồ đoạn giữa. Đôi mắt to trố nhưng không có những đường vân đỏ ngàu mà tôi thường thấy ở những người có tròng mắt trố như vậy. Cặp lông mày đen rậm, kéo dài vượt quá đuôi mắt được nguỵ trang dưới chiếc vành mềm nhũn của chiếc mũ giải phóng quân màu xanh bạc càng làm cho tôi có cảm giác về anh không giống với những gì tôi thường nghĩ về một tên ăn trộm. Anh mang bên hông một chiếc bình tông Trung Quốc màu xanh thẫm, nhưng chắc do thời gian, nhiều chỗ bị trầy sơn, lốm đốm trắng như hoa giành giành. Giữa bình tông có một lỗ thủng to bằng đường kính của ruột bút chì mà qua đó tôi có thể nhìn thấy óng ánh nước bên trong.

Anh Mách ngồi bắt chân chữ ngũ lên một rễ đa xù xì to như cái khoẳm bò gờ cao khỏi mặt đất. Một tay anh cởi bỏ chiếc mũ mềm oặt vứt xuống trước mặt, tay kia kẹp bình tông vào nách, uốn mình xoáy vặn làm nắp bình bật tung, đánh pưng. Một ít nước trong vắt, thơm phức mùi chanh tươi sánh ra khỏi miệng bình. Tôi thèm nhỏ rãi. Nước miếng trong miệng ứa ra như túi nước bị kim chọc thủng đáy. Nhớ lại có lần mẹ pha cho tôi cốc chanh tươi có đường, uống vào ngọt lịm, mát đến tận tim gan. Mùi thơm của chanh đồng cùng vị ngọt lạnh của đường kính làm nên sự độc đáo của loại nước giải khát đồng quê có một không hai này. Đó là hôm mát trời mà nước chanh đã thơm ngon đến vậy. Nóng nực như hôm nay mà được làm hớp thì không để đâu hết sướng. Cơn khát cũng vì thế mà trỗi dậy từ trong vô thức. Mắt tôi nhìn như dán vào chiếc bình tông rồi dõi theo những chuyển động ừng ực trong cổ họng anh Mách khi anh dốc bình tu.

Khà một tiếng rõ dài giống cách mấy ông già thường làm sau mỗi lần nhấp trà, anh Mách nói như rót vào tai tôi: “Ngon quá. Thơm quá. Bu anh pha nước chanh đường ngon thật. Thế em có nếm một tí không?” Anh Mách là người thứ hai trong làng ngoài ông anh con bà cô gọi tôi là “em” như vậy. Nên tôi mới thấy anh thật tình cảm. Anh lại cho tôi tu thử nước chanh đường. Hiếm có người ngoài nào tốt với tôi thế. Lời mời nhẹ nhàng và chân thành của anh, cùng mùi thơm cám dỗ không ngừng bốc ra từ miệng bình trong cơn thèm khát đến đờ đẫn khiến tôi không thể từ chối. Đoạn tôi bưng bình tông lên, anh Mách rướn theo cố chạm hai tay vào đáy bình, nâng nó lên giúp tôi tu nước dễ dàng.

Làm một hơi thật đã, tôi cũng đánh “Khà…” để cảm nhận hết sự thơm ngon tinh khiết của thứ nước cây nhà lá vườn và cũng là để giũ bỏ cơn thèm khát hồi nãy. Anh bảo tôi làm tiếp mấy hơi nữa. Như chưa bao giờ được uống, tôi dựng thẳng chiếc bình, ngửa cổ hết cỡ mặc cho nước ộc vào miệng. Những ngụm nước to quá đường kính của ống họng ồng ộc chảy. Tôi ho sặc sụa, phun tung toé cả vào mặt anh Mách. Anh phải lấy hai tay vuốt mặt và quay đi nơi khác nhổ phì phì. Nước mắt nước mũi tôi giàn giụa. Cổ họng tôi rát bỏng. Tôi cảm thấy phần mềm phía dưới xương ức đau rát, xoáy vặn từng cơn như cố đẩy ra ngoài những gì tôi vừa uống. May quá, tôi không nôn ra nước chanh. Hơi mệt vì sự cố không mong đợi, nhưng cơn khát cồn cào lúc nãy thì đã hết. Tàn tích của cơn sặc sụa cũng nhanh chóng qua đi. Tôi ngây ngô cười, thầm giành cho anh Mách một tình cảm chân thành. Lúc đó, tôi chẳng còn nghĩ gì đến cái nóng gay gắt đang như thiêu như đốt. Và tôi cũng chẳng hề bận tâm đến việc liệu anh Mách có lấy vịt của tôi hay không.

Dường như anh Mách nhận ra rằng tôi đã rất quý anh ấy và không hề nghi ngờ gì về những toan tính đang nhen nhúm trong anh. Nhìn vào đàn vịt đang ngủ, anh vờ hỏi:

“Vịt nhà ai vậy em?”

Nào có biết là anh ấy giả vờ, tôi đáp:

“Vịt nhà em đấy. Em cho nó ngủ trưa. Thế còn vịt nhà anh đâu?”

Anh Mách hất hàm:

“Vịt nhà anh đang rúc trong ruộng đằng kia. Ruộng vừa gặt xong, lắm mồi lắm. Anh chưa thấy ruộng nào lắm cá như ruộng ấy. Em có cho vịt ra đó không? Anh nhường cho một nửa ruộng.”

Tôi nghe nói đến ruộng lắm cá thì mắt sáng lên vì từ sáng tới giờ đàn vịt của tôi chỉ được đi ăn thóc thôi. Nếu giờ mà được bữa cá nữa thì đầy đủ chất tanh, vịt sẽ mỡ lông và chóng lớn lắm. Được ăn cá, tối nay về nhà chúng sẽ ỉa cứt trắng, chắc bố sẽ vui. Nghĩ vậy tôi càng hồ hởi. Đột nhiên nhớ đến lời bố dặn, tôi lại do dự, ngây ngô phân trần:

“Nhưng bố em bảo em phải tránh xa anh ra không là anh càn vịt nhà em”.

Anh Mách cười gượng:

“Sao bố em lại nói vậy. Em có thấy anh tốt với em không nào?”

Tôi trả lời rất nhẹ “Có ạ” và cúi xuống ngượng ngùng vê vê mấy ngón tay vào  nhau như biết là mình thật không phải. Anh Mách tiếp tục an ủi:

“Em cứ cho vịt ra ruộng đó. Mỗi nhà một nửa, không thể lẫn được”.

Anh hối thúc tôi cho vịt ra ruộng doạ rằng nếu không, vịt nhà anh sẽ ăn hết cá. Không thể cưỡng nổi trước cám dỗ của một ruộng nhiều cá và những lời giục giã nhiệt tình nhân ái của anh, tôi lùa vịt đi miệng không ngừng nói với anh Mách “Nhưng anh phải nhớ là không được càn vịt nhà em nhé. Anh phải nhớ đấy. Mất vịt là bố em đánh em đấy. Em sợ bị bố đánh lắm.”

Anh Mách ra sức vỗ về: “Đừng lo. Anh thế này mà lại đi càn vịt nhà em à.”

Độ dăm phút sau, đàn vịt của tôi đã tới thửa ruộng nơi hơn hai trăm con vịt nhà anh Mách đang hăm hở mò mồi. Ruộng trũng, nước màu nâu đục, rong rêu mọc khắp. Thỉnh thoảng có tiếng cá quẫy “pụp… pụp” tứ phía trên mặt ruộng. Thật là một ruộng lắm mồi! Đúng như anh Mách nói. Nhưng đàn vịt nhà anh mới lởm khởm làm sao. Hầu như con nào cũng có một cục kén to như quả ổi dưới cằm. Bố tôi thường gọi những con vịt như vậy là vịt hai dều. Những con có kén to, chỉ nổi được cái đầu và cái phao câu, còn đâu là ngập nước. Gắng sức lắm chúng mới có thể mổ trúng những con tép hay những con rồng rồngÒ to như đầu tăm vô phúc liệng vào trước mặt những con vịt đáng thương. Đó là hình ảnh đối lập với những chú vịt bụ bẫm đầy sức sống nhà tôi. Vì vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả khi lẫn vịt, tôi vẫn nhận ra được sự khác biệt một trời một vực đó. Tuy nhiên tốt nhất vẫn là không để lẫn vịt.

Anh Mách cho tôi nửa ruộng phía Đông, giáp với một máng tiêu và bảo tôi đứng giữa ruộng canh hai đàn vịt. Ruộng quá rộng nên tôi phải chạy đi chạy lại như con thoi để ngăn những chú vịt từ hai đàn cứ hăm hở lao sang đội bạn. Chắc thấy tôi vất vả, anh Mách xuống ruộng cùng canh. Mỗi anh em một bên chiều ngang của ruộng, gác lãnh địa. Tôi làm hết trách nhiệm bên mình, không để con nào bị lẫn đàn. Anh Mách thì khác, thi thoảng lại thốt lên: “Chết rồi Tung ơi. Mấy con vịt nhà anh chạy sang bên em rồi.” Nhìn lại đàn vịt nhà mình, tôi nhận ra mấy con vịt lạ đang lóp ngóp trong đó. Anh Mách lại thảng thốt: “Cả vịt nhà em cũng lẫn sang nhà anh rồi.” Nhìn sang đàn nhà anh, lại thấy mấy chú vịt nhà tôi bên đó. Ra là vậy. Anh Mách cố tình để lẫn vịt. Tôi chột dạ: “Khéo anh Mách đang tìm cách bắt vịt nhà mình” nhưng không lấy làm thất kinh. Sự khác biệt trời vực giữa hai đàn vịt giúp tôi không hoảng hốt. Tôi mặc kệ anh làm gì thì làm. Chẳng mấy chốc, hai đàn lẫn thành một, không định hình được nữa. Anh nói như giả ngây: “Tung ơi, lẫn hết vịt rồi. Hay là cứ để cho nó lẫn rồi tìm cách tách sau nhé.” Do đã tính trước về khả năng này, tôi gật đầu đồng ý. Trong lòng tôi lúc đó có một điều rất rõ ràng là vịt nhà ai sẽ tự tìm về với chủ. Tôi biết điều đó vì tôi chăm sóc đàn vịt tận tình, đặt tên và nhớ kỹ đặc điểm của từng chú. ở đâu có vịt là ở đó có tôi. Một con vịt bị lạc khỏi đàn, tôi cũng biết. Tôi đi đâu, làm gì, bọn vịt đều để ý. Tiếng gọi “cúc cúc” thân thương của tôi đã trở thành lời ru yên bình bên tai các chú. Thế thì làm sao anh Mách có thể bắt vịt của tôi được. Rồi tôi tự hỏi: “Không biết anh Mách có tốt với vịt nhà anh như vậy không nhỉ?

Hai anh em bỏ lên bờ quan sát vịt bắt cá. Vịt nhà tôi liên tục bắt được mồi. Những con cá to giẫy đành đạch trong miệng chúng. Mỗi lúc bắt được cá, các chú nhúng con mồi xuống nước, súc súc vài cái rồi ngửa mặt lên trời nuốt trửng. Có con cá to chưa chết, vào đến dều vịt vẫn còn giẫy. Chiếc dều theo đó trằn lên, quặn xuống như đánh vật. Trong khi ấy, những con vịt còi cọc nhà anh Mách chỉ bắt được những con mồi bé tẹo nổi lờ vờ trên mặt nước. Hiếm lắm cũng có con vịt bắt bắt được con rô, con giếc. Nhưng nếu có đi nữa, chúng cũng phải nuốt cố mới xuôi. Nuốt xong rồi thì lịm đi một lúc rồi mới tiếp tục bắt mồi. Nhìn bọn vịt còi nhà anh Mách nuốt mồi, tôi thấy như chính mình bị nghẹn.

Tôi vẫn dõi theo những chuyên gia săn mồi của mình, thỉnh thoảng lại reo lên: “Anh ơi, con át Chủ Bài nhà em bắt được con rô to chưa…. Cả con Bắc Kinh nữa, nó cũng bắt được con cá to chưa kìa.” Anh Mách tỏ vẻ phẫn nộ: “Con Bắc Kinh nào nhà mày. Đó là vịt nhà tao.”  Tôi ngạc nhiên quá. Từ đầu đến giờ anh ấy vẫn gọi tôi là em và xưng anh với tôi ngọt sớt. Sao giờ anh ấy lại xưng hô như vậy? Lạ nhỉ!

Cũng từ lúc đó, mỗi khi con vịt nào nhà tôi bắt được cá, tôi chưa kịp reo thì anh Mách đã reo: “Vịt nhà tao lại bắt được mồi rồi.” Tôi cảng cổ cãi: “Không phải. Đó là vịt nhà em.” Nhưng anh Mách vẫn cứ nhận là vịt nhà anh. Tôi cãi không được, ức quá nên mếu máo: “ứ phải, đó là vịt nhà em. Anh đừng ăn gian. Nó là vịt nhà em. Em sẽ mách bố.” Nhưng lời doạ ấy không làm anh sợ. Anh thách thức: “Về mà gọi bố mày ra đây. Bố mày ra đây tao cũng cóc sợ.”

Đến lúc này tôi mới hiểu hết âm mưu của anh. Anh không phải người tốt. Anh toan tính lùa hai đàn vịt vào nhau như vậy để đổ đồng con đẹp con xấu giữa hai đàn. Khi biết được âm mưu của anh càng ngày càng rõ, mà nói thẳng ra là rất trắng trợn, tôi một mực đòi tách vịt. Anh Mách nói như quả quyết “Tách thì tách” rồi lùa cả hai đàn vịt ra một ruộng trũng khác ngập nước có nhiều bùn, rêu xanh lởn vởn. Tôi bước xuống ruộng, nước ngập quá đầu gối, sủi bọt ùng ục. Nhưng không vì thế mà làm hạn chế những bước di chuyển của tôi theo các con vịt. Ruộng thật rộng. Đàn vịt tha hồ diện tích để bơi lội và tắm gội khỏi những bùn đất bám đầy mình do cuộc tập trận từ ruộng cá nọ. Anh Mách vội vác vài mô rạ đặt giữa ruộng có ý chia thành hai phần để tạo địa hình tách vịt. Ruộng chạy theo chiều Đông Tây. Anh vẫn nhận đằng Tây. Tôi lấy phần Đông. Cả hai đàn đều ở nửa Tây. Anh Mách sẽ chủ động tách vịt và yêu cầu tôi giữ tất cả những con vịt được anh gạt sang. Nửa đó là vịt nhà tôi. Tôi đồng ý, cho rằng anh sẽ tách vịt công bằng.

Anh Mách đứng gần mấy mô rạ trung tâm, hăm hăm lia mạnh cán cờ vào độ chục con vịt gần nhất, gạt chúng sang đằng Đông. Không cam chịu, các chú đạp nước xô ngược, đè cong cán cờ lại như cánh cung. Cờ bật mạnh trở lại. Nước bắn tung toé, vấy cả lên mặt tôi, tanh nồng. Nỗ lực đầu tiên của anh Mách không thành. Bọn vịt đã nhập lại đàn. Anh thay đổi chiến thuật. Lần này, anh tách cả một nhóm vịt chừng hai chục con ra tận phía xa. Trong đó có vịt của hai nhà. Tôi lập tức bám theo. Đông như vậy, nhóm vịt vừa bị tách không có cảm giác lẻ loi nên không phản ứng tức thì. Nhưng chẳng được mấy hở, từ trong đám ấy, những con vịt nhà anh Mách bắt đầu nghển cổ nhớn nhác. Số còn lại, đương nhiên là vịt nhà tôi, thì thản nhiên mày mò bên cạnh cậu chủ nhỏ. Những con vịt nhà anh Mách rõ ràng đang muốn tìm về với đàn. Sau một hồi định vị, chúng bắt đầu bỏ chạy về phía Tây. Nơi ấy, đồng đội của chúng cũng đang ngơ ngác trước những động tác cờ hỗn loạn khó hiểu của anh Mách – Những động tác không có trong bài điều khiển cờ mà bố tôi truyền dạy. Tôi thông báo với anh: “Anh ơi. Mấy con đó là vịt nhà anh đấy.” Anh Mách nghe không được vui mới buông lời cộc lốc: “Biết rồi.”

Hai đàn về cơ bản đã được định hình nhưng phần lớn vịt của tôi vẫn còn bên đó.

Lần này anh Mách quyết liệt hơn. Anh đi vào tâm đàn, gạt vài chục con sang phía tôi. Lại thấy hình ảnh những con vịt lạ nghển cổ nhớn nhác, hệt như những anh bạn bỏ chạy hồi nãy. Tôi phản ứng ngay: “Anh Mách ơi. Những con đang nghển cổ kia không phải là của em. Anh gạt nhầm rồi.” Anh Mách không chịu: “Vớ vẩn. Nhà tao làm gì có mấy con vịt dở hơi ấy. Tao chưa bao giờ nhìn thấy chúng trong đàn nhà tao. Nếu mày thấy lạ thì chắc mày để vịt nhà ai lẫn vào rồi.”

Anh Mách đang chối bỏ sự thật. Anh không công bằng. Anh đang tìm cách để đổi lấy những con vịt tốt. Tôi nhất định không chịu. Biết chắc chắn đó là vịt nhà anh, tôi quả quyết: “Em chắc chắn đó là vịt nhà anh. Nếu đó là vịt nhà người khác, em cho anh đấy. Bố em bảo, không bao giờ được lấy vịt của nhà người khác. Như thế gọi là ăn cắp. Em nhất định không lấy.”

Trong lúc đôi bên giằng co, những con vịt tội nghiệp kia toan tính trở lại với đồng bọn. Vì sợ anh, chúng cố tình lỉnh thật xa, ráng hết sức xô trên mặt nước hòng thực hiện ý đồ. Nhưng người chủ vô tình không thừa nhận chúng, chạy lao ra, tung cán vợt chặn lại. Anh mấm môi mấm lợi, chùng hai gối lấy đà rồi co khuỷu tay hất thật mạnh về bên trái như lúc người ta giật cần câu vậy. Một vài con vật bé nhỏ tội nghiệp bị hất tung lên, bay ngược trở lại vài mét. Loạng choạng mãi chúng mới lấy được thăng bằng rồi lại cắm đầu cắm cổ lao về đằng Tây, nhập cùng đồng bọn.

Liền ngay sau đó, anh Mách tách liên tiếp. Một chục con. Lại một chục con. Lại chục con nữa. Cứ thế, cả toán ào sang, nhập vào đàn tôi giữ. Vẫn dễ dàng nhận ra những con vịt nhà anh. Phải tới hơn chục con như vậy. Chúng đang ngơ ngác. Nhưng lần này đàn vịt đông hơn nên chúng không cảm thấy quá lạ lẫm đến mức phải cố tình tìm cách thoát đàn. Thấy vậy, tôi rất lo. Với cách này, anh Mách sẽ đánh tráo vịt. Tôi vật nài anh Mách đứng canh để tôi ra tách vịt. Anh gạt phắt đi: “Vớ vấn. Đứng đó mà canh. Mày tách làm sao được.”

Tôi đứng ngây, lo lắng nhìn đàn vịt. Lúc thì nhìn đàn Đông, khi lại nhìn đàn Tây. Những con vịt thân thương của tôi bên Tây cứ đi qua đi lại trước mắt mà tôi không có cách nào tách chúng ra được. Như một phản xạ tự nhiên, tôi cất tiếng gọi cúc cúc, thứ ngôn ngữ mà tôi vẫn dùng để giao tiếp với đàn vịt. Những anh bạn của tôi ở cả hai đàn đều nghển cổ lên. Các bạn ấy vẫn làm vậy để đón nhận những con cào cào hay mấy con cá vụn từ tay tôi, hoặc ít nhất cũng là chờ đợi một cái xoa đầu thật nhẹ. Mắt tôi sáng lên vì tôi chợt nảy ra một ý. Tôi lặng lẽ lùa đàn vịt về khu vực trung tâm sát với đàn bên Tây rồi dồn dập gọi “cúc cúc”. Lũ vịt nhà tôi lao xao, gọi nhau inh ỏi. Anh Mách quát um: “im mồm đi”. Nhưng tôi cãi lại:

“Em gọi vịt nhà em chứ…. ơ... Anh thích thì anh đi mà gọi vịt nhà anh.”

Chưa dứt lời, tôi vẫy tay và rứ rứ cái cờ lá chuối giống như khi tôi đang nô đùa với chúng. Vài con vịt của tôi từ bên kia đã bơi lại phía rìa đằng này của đàn, tụm lại với nhau. Chúng vừa nhìn nhau, vừa giơ mỏ liên tục đớp đớp vào không khí và gật đầu chạm mỏ xuống nước như đang hội ý.

Anh Mách bực mình nhìn tôi chửi thề: “Câm mẹ mày mồm đi không.” Tôi không câm, vẫn gọi vịt. Anh nhìn tôi bực dọc, không để ý đến đàn vịt phía Tây. Chớp thời cơ, mấy anh bạn của tôi từ nửa Tây bơi tách hẳn ra, nhìn quanh để định hướng rồi phóng như tên về phía tôi theo đường vòng cung, tránh xa chỗ đứng của anh Mách. Anh giật thót mình quay lại, nhưng không kịp. Các bạn của tôi đã lao vào lãnh địa do tôi canh giữ nên việc anh dùng cờ cản lại chỉ có tính chất vuốt đuôi. Vô tình, anh bỏ trống hoàn toàn trận địa đằng sau. Tất cả các bạn của tôi còn lại bên ấy đồng loạt đạp chân, đập cánh xô nước như những chiếc xuồng máy vượt đường biên để đến với tôi. Anh Mách quay ngoắt 180 độ, song quá muộn để có thể can thiệp vào vụ vượt biên ồ ạt.

Anh Mách ấm ức lắm, chạy lăng xăng trên ruộng, nước bắn tung toé. Vịt hai đàn khiếp đảm, tụm lại với nhau. Lăng xăng cũng chẳng giúp gì nhiều, anh đề nghị cả hai đếm vịt. Đếm xong, anh hằn học nói: “Tao còn 17 con trong đàn nhà mày nữa. Mau trả lại cho tao.” Chẳng biết anh đếm thế nào, đàn nhà tôi chỉ thừa ra 13 con. Tôi cãi: “Chỉ có 13 con nhà anh trong đây thôi. Chắc anh đếm nhầm rồi. Anh đếm lại đi.” Anh Mách xửng cồ: “Mẹ, thằng này định ăn cắp vịt nhà bố hả. Bố đánh bỏ mẹ mày giờ. Mày thích hả?” Xong, anh chạy lại túm ngực áo tôi, giật thật mạnh làm hai chân tôi như bị nhấc lên khỏi lớp bùn. Bị mất điểm tựa, tôi chới với. Xuýt nữa thì anh ấn tôi xuống ruộng nước tanh hôi.

May quá, đúng lúc đó một bác nông giang đi qua, quát lên: “Sao thằng kia lại bắt nạt nó thế? Có bỏ thằng bé ra không. Cậy lớn bắt nạt bé như vậy à.” Anh Mách sợ hãi buông tay song miệng khăng khăng nói là tôi cố tình ăn cắp vịt. Anh ra sức thuyết phục bác nông giang rằng tôi gian lận bốn con vịt. Bán tín, bán nghi, bác quay sang tôi: “Còn bé mà đã gian thế cháu. Lấy vịt nhà người ta thì phải trả lại người ta chứ.”

Tôi ức lắm. Quả ức to như quả ổi, trằn trội trong ngực, không thoát ra được. Trong lúc bị bức hết đường giải thích, tôi nghĩ ra một kế và lập tức nói với bác: “Cháu đã có cách. Bác và anh Mách chỉ cần đứng đó xem cháu tách vịt.” Hai người nhìn tôi hoài nghi. Họ không thể hình dung nổi tôi sẽ làm gì trong tình huống này. Tôi nghĩ đến việc vuốt ve từng con vịt và chuyển chúng sang cái mương tiêu nước. Làm vậy, những con nào không cho tôi đến bắt sẽ không phải vịt nhà tôi. Y thế tôi làm. Các anh bạn được tôi vuốt ve thì thích lắm, cứ đừng ý ra đấy, húc húc cái đầu tinh nghịch vào tay tôi như muốn được vuốt thêm tí nữa. Chẳng khó khăn gì, tôi bế từng chú, rồi cả đàn sang mương. Trơ ra đó còn 13 con vịt còi cọc hai dều. Bọn chúng cứ thấy tôi sán đến là chạy bán sống bán chết vì không quen được xoa đầu.

Anh Mách đứng sững như cây chuối vì sự thật được phơi bày trước bác nông giang. Tôi hớn hở lùa vịt dọc mương trở lại gốc đa.

Lửa trời dịu dần. Nắng vẫn vàng mùa gặt.

còn tiếp

 



§ Tôi đặt tên cho con đầu đàn là át chủ bài

Ò Một loại cá bé như que diêm luôn ăn nổi trên mặt nước

Chương : 1    2    3    4   5    6    7   
Trịnh Thắng
Số lần đọc: 1636
Ngày đăng: 06.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Sống Đời Bát Nhã - Trần Kiêm Ðoàn
Cùng một tác giả