Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.028
123.235.558
 
Ký ức làng Cùa
Đặng Văn Sinh
Chương 6

chương sáu

 

1

 

 

Hơn một năm sau, Khúc Thị Nhân mới từ Đậu Khê về làng Cùa. Đậu Khê là quê ngoại Khúc Kiệt. ở đấy ông ta còn một bà chị họ góa chồng. Nhìn thấy cô, Khúc Luận lúc ấy chưa đầy mười ba tuổi nhưng đã thấy xốn xang trong lòng. Những biểu hiện giới tính của cậu ta phát triển quá sớm mà con gái ông chú thì lại đẹp rực rỡ như một bông hoa đồng nội còn hàm tiếu dưới nắng ban mai. Khúc Luận học trường huyện trông đã ra dáng một gã choai choai. Dạo này cậu ta đang được nghỉ hè, ngày nào cũng sang nhà Nhân giúp cô dọn dẹp.

 

Việc dựng túp lều đối với Nhân phức tạp hơn cô nghĩ vì không những thiếu vật liệu cần thiết mà bản thân cũng chưa từng làm quen với loại công việc này. Khúc Luận là chàng công tử bắt cào cào châu chấu, nghịch ngợm thành thần, nhưng để trở thành thợ mộc, thợ đấu hoặc lợp nhà thì xem ra còn tốn nhiều thời gian và cơm gạo. Lúc đầu Nhân nghĩ Khúc Luận có lòng tốt, thương cô em họ gặp hoạn nạn, nhưng dần dần thấy cậu ta có những biểu hiện của một kẻ si mê mình thì bảo:

- Từ mai anh phải ở nhà học, cứ lêu lổng là bác Cả đánh đòn.

 

Khúc Luận cười lấy lòng:

- Bây giờ đang nghỉ hè bài vở có gì đâu.

- Nhưng anh cứ sang bên này làm quẩn chân tôi.

- Nhân đuổi đấy à?

- Không dám.

 

Vào lúc ấy lý Quỳnh sang. Nhà lý Quỳnh với nhà Khúc Kiệt cách nhau không xa. Từ hồi mất cả vợ lẫn con, ông ta hay uống rượu rồi la cà khắp nơi trong làng. Nhìn thấy Ngô Quỳnh, Khúc Luận tức lắm, cậu ta “hứ” một tiếng rồi về, chẳng thèm chào một lời. Sáng hôm ấy, Nhân tắm sớm, chưa kịp mặc yếm thì Khúc Luận đã sang, đành phải khoác tạm chiếc áo cánh nâu, thành thử mỗi cử động, cặp vú tròn căng như hai trái dừa xiêm đánh đu trước ngực vô cùng khêu gợi. Thoáng nhìn cặp vú trinh nữ, người Ngô Quỳnh phút chốc như nổi gai. Ông ta cảm thấy phía trước như có dải sương mù chắn mất tầm nhìn. Trong cái khối bùng nhùng màu trắng đục như khói ấy hình như có mùi mồ hôi ngai ngái cùng với hương bồ kết nồng nồng từ mái tóc óng như mây chiều và chút sữa hoi hoi thấm qua lần áo mỏng. Ngô Quỳnh hít một hơi dài giấu vẻ lúng túng bởi những liên tưởng hoàn toàn không tương xứng với tư cách của một ông lý trưởng xấp xỉ ngũ tuần, rồi mới ngập ngừng bảo:

- Tôi sang giúp cô làm lại gian nhà.

Nhân giẫy nảy lên:

- ấy chết ! Ông Lý còn bận việc dân việc nước, nhà cháu không dám phiền.

- Có gì đâu mà phiền. - Lý Quỳnh xắn tay áo vào việc rất tự nhiên - Là người làng với nhau, hơn nữa cô bây giờ chẳng còn ai ở nhà, phận gái không nơi nương tựa tôi ái ngại lắm.

- Xin nhận tấm lòng của ông Lý, còn công việc thì cháu cũng làm được mà.

- Cô đừng khách sáo quá. Tôi chỉ có một mình, nhiều lúc buồn lắm, nên thỉnh thoảng cũng muốn giúp bà con trong làng cho khuây khoả.

 

Hơn hai mươi năm trước, lý Quỳnh đã có một thời oanh liệt. Thuở nhỏ, gia đình ông ta tuy không thuộc loại khá giả nhưng cũng được bố mẹ cho đi học chữ Nho với ông cả Thuyết là bố đẻ ra đồ Sách bây giờ. Ngô Quỳnh đẹp trai mà lại ngỗ nghịch có tiếng rất hay bị ông trương Phẩm đánh đòn. Ông Phẩm thửa chiếc roi mây to bằng ngón tay giắt mái nhà, lôi thôi là vụt tối tăm mặt mũi. Nhiều lần Quỳnh bị thâm tím cả người, nhất là hai mông đít nhưng chứng nào vẫn tật ấy. Năm mười bốn mười lăm tuổi, cậu ta hay đánh giậm ở ngòi Mác. Đây là con lạch bắt nguồn từ cánh đồng Mả Dứa chảy vòng vèo qua xóm Trại Cá rồi đổ vào đầm Ma, rất nhiều tôm rảo, tép gạo và cá lòng cò. Tôm rảo nhỏ nhưng chắc thịt, nhảy tanh tách, mỗi mẻ quờ được hàng chục con. Thứ này rang khô, cho thêm thìa mỡ và chút đường ăn với cơm rau muống luộc cả tháng không biết chán. Cá lòng cò vào dịp tháng sáu ta, con nào cũng mang trứng, bụng phình ra tròn ung ủng. Chúng kéo hàng đàn hàng lũ, ngược dòng nước lờ lờ, thỉnh thoảng lại nghiêng mình phô ra những lớp vẩy bé tí xíu óng ánh như kim  tuyến. Người làng Cùa thường nấu cá lòng cò với khế hoặc lá me ăn kèm rau ghém thái bằng cây chuối non hay rau muống chẻ. Cây me nhà ông Đà xóm Cầu Đá cao chót vót, chẳng biết được trồng từ bao giờ, chuyên cung cấp lá cho cả làng. Dưới gốc có ngôi miếu nhỏ thờ Mộc Thần. Trước khi leo lên vặt lá, ai cũng vào khấn mấy câu để thần phù  hộ khỏi ngã.

 

Lúc ấy đã quá trưa, Ngô Quỳnh giặt giậm, leo lên bờ bắt những con đỉa bám vào chân vứt xuống ruộng. Trời oi nồng như sắp có giông. Khắp nơi đồng không mông quạnh. Hắn quàng mõ giậm vào cán, đặt lên vai rồi thủng thẳng về. Trên gò Mả Dứa hình như vẫn còn người lúi húi cắt cỏ. Khu mả Dứa nổi tiếng lắm rắn. Không biết đứa nào mà gan thế, dám ra đây giữa trưa. Gọi là mả Dứa vì đấy là một khu gò cao hơn mặt ruộng, chung quanh mọc toàn dứa dại đầy gai nhọn, là nơi tá túc của đủ loại từ cầy cáo, chuột, rắn, mèo hoang đến châu chấu ma, cào cào lửa và cà cộ. Dứa mọc chen chúc thành những bụi to tướng, cao lênh khênh, rậm rạp như một khu rừng rất bí hiểm đối với những kẻ giầu trí tưởng tượng. ở giữa vành đai dứa dại ấy là những vạt cỏ chỉ và cỏ xước xanh mướt, cao đến đầu gối.

 

Nhìn thấy cô gái thấp thoáng giữa bụi dứa dại, Ngô Quỳnh chợt sáng mắt lên. Hắn vốn là gã có máu phong tình, sớm đến tuổi dạy thì, liền quẳng giậm  và giỏ cá rồi cúi thấp người bò lên gò, luồn qua những gốc dứa như con mèo rình mồi. Gần đến nơi, Ngô Quỳnh mới biết đó là cô Son con ông Bảy Ngạnh. Son chưa đầy mười bẩy nhưng cặp vú bánh dày nhô lên làm cả khuôn ngực chật căng trong chiếc áo cánh nâu non. Cô nàng lê la dùng liềm lia từng nhát xén cỏ xoàn xoạt, thỉnh thoảng nhổm người vơ thành đống xếp vào quang làm cặp mông vổng lên đong đưa đầy khêu gợi. Gã đánh giậm nhìn cô gái một lúc, nước bọt chảy tứa ra hai bên mép. Hắn chịu không nổi nữa bèn nhào đến ôm cô ta từ phía sau lưng. Cô Son giật mình tưởng là ma, mặt tái xám, không kêu được một tiếng. Ngô Quỳnh chẳng để mất thời gian, dằn ngửa cô nàng ra, luồn tay vào trong váy sờ soạng. Lúc này cô gái đã hiểu ra khi thấy thằng con nhà trương Phẩm đang loay hoay trên bụng mình. Cơn sợ hãi đã qua, phản ứng tự vệ trở lại, trong tay sẵn chiếc liềm, cô ta liền bổ một nhát vào mặt thằng đánh giậm. Ngô Quỳnh nghiêng đầu tránh được cú đòn trực diện, nhưng mũi liềm sắc cắm vào dưới màng tai làm hắn rú lên, trườn khỏi bụng cô cắt cỏ, lấy hai tay bịt vết thương lăn lộn giữa đám cây bạc hà dại. Nhìn thấy vết máu nhoe nhoét trên cổ thằng đánh giậm, cô Son đâm hoảng, bỏ cả quang gánh, cầm chiếc liềm chạy một mạch về nhà, chui vào buồng khóc, bố mẹ hỏi cũng không nói. Thấy con gái có cử chỉ khác thường, ông Bẩy Ngạnh tra hỏi mãi cô Son mới thú thật sự việc trên gò Mả Dứa. Bà mẹ gầm lên:

- Nó đã làm gì mày chưa ?

 

Cô con gái vẫn tấm tức khóc. Ông bố quát:

- Tao hỏi, nó đã làm gì mày chưa ?

- Đã bảo là chưa. - Cô Son cũng vặc lại - Con đã cho nó nhát liềm vào cổ chẳng biết sống chết ra sao. Con  sợ lắm thầy u ạ.

- Giời ạ ! Con mới chả cái - Bà mẹ rên rỉ - Chẳng may xảy ra án mạng thì tù mọt gông.

 

Ông Ngạnh vớ chai rượu, tu một ngụm, lấy ống tay áo quệt ngang miệng, mắng vợ:

- Cái thằng chó dái ấy chết là đáng đời. Bây giờ tôi phải đến nhà trương Phẩm báo cho lão ra lôi thằng con về. Cái Son ở nhà. Từ nay không được ra Mả Dứa cắt cỏ nữa.

 

Vết thương ở cổ không nặng lắm nhưng chuyến ấy Ngô Quỳnh bị nện một trận thừa sống thiếu chết. Ngay chiều hôm ấy, ông Phẩm quẳng cho hắn mấy bộ quần áo rồi tống ra khỏi nhà. Về phần mình, chàng đánh giậm cũng thấy như thế là quá nhục không còn mặt mũi nào ở lại làng đành chấp nhận kiếp sống tha hương. Cuộc ra đi của Ngô Quỳnh tuy không có người áp giải nhưng chẳng khác gì cảnh lưu đày. Hắn khoác khăn gói, đầu cúi gằm lùi lũi bước đi trước con mắt dè bỉu của những kẻ hiếu sự thập thò trong cổng. Cứ nghĩ đến những ánh mắt như lưỡi dao lá lúa xuyên thấu vào da thịt, Ngô Quỳnh vừa hổ thẹn vừa căm thù. Các người cứ cười đi rồi đến lúc phải khóc cho mà xem. Ngô quỳnh ta thề sẽ trở về trả mối hận này. Con đĩ Son hãy coi chừng. Mà việc đếch gì phải xấu hổ. Cái khác nhau chỉ là ở chỗ bọn họ sờ mó nhau ban đêm, còn ta công khai việc ấy giữa thanh thiên bạch nhật mà thôi. Nghĩ như vậy Ngô Quỳnh bất giác bật cười. Tiếng cười của hắn vừa ngạo nghễ, vừa giầu sức truyền cảm, lan khắp các ngõ xóm trước khi ra bờ sông Lăng, khiến người làng nghĩ hắn là một thằng điên.

 

Đêm hôm ấy, Ngô Quỳnh ngủ trong một bãi chuối ven sông cách làng Cùa khá xa. Hắn thu gọn lá khô dồn thành đống rồi chui vào đánh một giấc. Nửa đêm tỉnh dậy vì có tiếng cú rúc ngay bên cạnh, hắn bực mình nhưng không thể nào ngủ lại được. Hắn bắt đầu ân hận bởi hành động ngu xuẩn của ngày hôm trước. Tâm trạng đã trở lại cân bằng. Hắn phải thừa nhận mình đã dại dột làm một việc vô luân, bôi do trát trấu lên mặt bố mẹ. Lúc này Ngô Quỳnh rất muốn, tất cả những chuyện ấy chỉ là một giấc mơ. Nó không có thật và rồi chừng một hai canh giờ nữa hắn lại về làng Cùa, buổi sáng đến trường nghe thày Cả Thuyết giảng Kinh Thi chiều lại vác giậm ra đồng kiếm cá. Cuộc sống thật thanh bình và làng Cùa cổ lỗ, lạc hậu, lắm hủ tục kia đẹp biết nhường nào. Bất giác Ngô Quỳnh sờ tay lên cổ. Vòng vải diềm bâu băng vết thương vẫn còn đó,đau rát, thỉnh thoảng lại cắn nhói một cái, may mà nó chỉ sâu nửa đốt ngón tay, không vào chỗ phạm. Mũi liềm cắt cỏ của con nặc nô ấy bổ lệch một chút vào yết hầu hoặc trúng giữa thái dương, thì hắn đi đời.

 

Ngày thứ ba, Ngô Quỳnh thất thểu ở ngã ba Môi, vô kế khả thi. Hắn đói, cứ tầm chiều lại ra các bãi ngô mót những bắp kẹ sau vụ thu hoạch hoặc tìm chuối chín dọc cánh bãi sau đê. Hắn để ý thấy có chiếc đò dọc neo ở bến Tuần từ chiều hôm trước. Đó là loại thuyền gỗ nhỏ, buồm cánh dơi, chuyên chở hàng nông sản từ Ba Tổng di kẻ Sung. Chủ thuyền là anh Trác, mới khoảng ba chục tuổi nhưng chẳng khác gì ông già năm mươi bởi cái dáng lòng khòng và mái tóc sớm muối tiêu đầy vẻ phong trần. Cùng đi với anh Trác còn có chị Nhuần và cô con gái tên là Nhuỵ. Vợ Trác là người đàn bà đẫy đà còn xuân sắc nhưng chẳng hiểu vì sao chỉ sinh nở có một lần. Với sức vóc vậm vạp chị ta khênh những sọt dưa hấu hoặc bí đao xuống thuyền băng băng, khác hẳn ông chồng hom hem mỗi bước đi một bước dừng lại thở. Anh Trác bị bệnh suyễn kinh niên, công việc đò dọc là quá sức nhưng chị vợ ham làm giàu chẳng nghĩ gì đến tính mệnh của chồng. Mọi việc giao dịch mua bán đều do chị ta quán xuyến.

 

Dịp ấy đã qua mùa lũ, sắp đến tiết bạch lộ, cồn Láng phơi màu vàng nhạt giữa ngã ba sông. Đứng trên bến Tuần có thể nhìn rõ những vồng khoai mới trồng trên bãi phù sa giữa những bờ cỏ xanh thẫm. Hoa cứt lợn và hoa vòi voi nở lốm đốm giữa những đám tầm bóp sai trĩu quả. Quả tầm bóp bằng ngón tay cái đang độ chín, thỉnh thoảng gặp cơn heo may đầu mùa khẽ đung đưa như chùm đèn lồng bọc lụa vàng óng. Hoa bồ công anh hăng hắc như mùi lá bạc hà nở rộ trên khắp các bãi hoang. Một cây đa cổ thụ nhưng thấp lè tè đứng chơ vơ trên gò đất hình con voi quỳ cao hơn hẳn mặt cồn. Dưới gốc đa là hai gian quán, cột đá, lợp ngói mũi để vào thời vụ những người làm đồng tránh mưa nắng. Trên cao, vòm trời xanh  màu lá non, một con diều đang chao lượn. Con diều khá lớn được neo bằng dây tre, đang thả vào không gian những thanh âm du dương của cặp sáo kép, nghe chẳng khác gì dàn hoà tấu của các nhạc cụ dân tộc. Nằm trên cỏ, gối đầu lên khăn gói, Ngô Quỳnh tuy đói nhưng vẫn mải mê lắng nghe tiếng sáo từ trên trời vọng xuống. Hắn nhìn con diều và ước lượng kích thước của nó, ít nhất cũng phải bằng chiếc thuyền thả lưới bén. Vào đúng lúc ấy, người thiếu phụ, vợ Trác đến bên hỏi :

- Cậu đi đâu mà nằm ườn ra thế này ?

 

Hắn trả lời nhát gừng:

- Chẳng đi đâu cả.

- Cậu này nói lạ - Chị ta nguýt Ngô Quỳnh, giọng hơi chua - Chắc là bị bố mẹ tống ra khỏi nhà ?

Ngô Quỳnh nhỏm dậy:

- Sao chị biết ?

Người phụ nữ cười nửa miệng:

- Trông bộ dạng cậu thì biết. Hẳn là đang đói phải không ?

- Chị đừng có nói mò. - Ngô Quỳnh bực vì bị người đàn bà bắt thóp - Việc gì đến nhà chị.

- Hỏi thế vì tôi đang cần người làm. Cậu có muốn đi đò dọc không ?

Ngô Quỳnh hỏi cộc lốc:

- Làm gì ?

- Chống sào.

Thái độ anh chàng lập tức thay đổi. Hắn vội hỏi:

- Chị thuê thật à ?

- Tôi không nói chơi. - Người đàn bà bảo - Thuyền đang ở dưới bến kia.

 

Coi như hôm ấy Ngô Quỳnh gặp may. Có lẽ lúc ra khỏi làng hắn vô tình bước chân phải trước. Mà cái chân phải giống như điềm lành ấy, đã phù trợ vị lý trưởng tương lai làng Cùa suốt những năm lênh đênh sông nước. Ngoài việc chống thuyền, Ngô Quỳnh còn đảm nhận chức năng khuân vác, nghĩa là bốc hàng lên xuống mỗi khi đò cập bến. Tuy mới già mười lăm nhưng sức vóc vạm vỡ, hắn bê những sọt hàng nặng vài yến chạy huỳnh huỵch suốt ngày không thấy mệt. Chị Nhuần thích lắm bảo:

- Cậu làm tốt lắm, cứ ở đây với anh chị, đừng đi đâu nữa.

 

Nghề đò dọc thích nhất là những lúc sóng êm gió thuận. Giữa trời nước bao la, con thuyền êm giầm, cánh buồn no gió phồng lên phơi màu nâu sẫm dưới ánh trăng vàng. Có khi mặt nước phẳng như tấm gương phản chiếu bầu trời đêm với những ngôi sao xanh, mơ hồ từ chòm Song Tử xa xôi. Những lúc thanh nhàn như thế, Ngô Quỳnh thường cùng cái Nhuỵ con gái anh Trác, ngồi trên sạp thuyền ngắm ông Thần Nông và con vịt rồi khe khẽ cất tiếng hò một điều hò sông nước. Tiếng hò của hai đứa lúc hoà làm một, lúc lại tách ra, âm vang rất xa dường như chạy mãi đến tận ngọn nguồn dòng sông. Hò chán lại lăn ra ngủ. Có lần bất chợt thức dậy, cái Nguỵ thấy bàn tay Ngô Quỳnh đặt lên ngực mình liền hất ra rồi chui vào trong khoang.

 

Khổ nhất là những khi ngược nước, trái gió. Ngô Quỳnh phải quàng dây thừng vào vai, chân trần, khom lưng, kéo con thuyền nhích dần từng bước men theo triền sông. Dấu chân to bè của hắn in trên lớp phù sa đỏ. Dưới thuyền, anh Trác tì sào vào ngực, chạy từ mũi đến lái, dùng hết sức bình sinh đẩy, có khi cong cả con sào. Giong thuyền ngược nước cực lắm. Nhiều khi thấy chồng mệt chị Nhuần phải làm đỡ. Chị đặt đầu sào vào bộ ngực đồ sộ, đẩy thuyền một cách kiên nhẫn. Ngô Quỳnh cho rằng cặp vú của chị có khả năng đàn hồi. Nó giống miếng đệm lò xo có khả năng co giãn làm người ta không thấy đau. Nhưng không phải thế. Thực ra chị đặt đầu sào vào hõm vai. Buổi tối trước khi đi ngủ, hắn trông thấy chị lấy rượu ngâm củ gấu Tàu bôi khắp bả vai rồi lặng lẽ xoa bóp.

 

Khoang thuyền chật được chia làm hai ngăn bằng vách thưng. Cái Nhuỵ ngủ với mẹ còn Ngô Quỳnh và anh Trác nằm ngoài. Những đêm mưa phùn gió bấc, anh Trác vào ngủ với chị Nhuần, cái Nhuỵ lại bò ra nằm bên cạnh hắn. Lúc phía trong có tiếng lịch kịch rồi chị Nhuần khẽ rên rỉ như là bị người ta bóp cổ hoặc thở hổn hển như sắp hết hơi, Ngô Quỳnh làm như mê ngủ luồn tay vào cái váy cái Nhuỵ. Nó cũng làm như chẳng biết gì nhưng trống ngực thì đập thon thót. Vừa lúc ấy anh Trác chui ra. Hắn hốt quá, người toát mồ hôi, lặng lẽ nhích dần vào vách thuyền.

 

Thời gian trôi nhanh, thấm thoắt Ngô Quỳnh đã xấp xỉ mười tám. Nghề sông nước và cuộc sống nay đây mai đó khắp các xứ đông đoài đã biến hắn thành một chàng trai thực thụ. Cái Nhuỵ cũng đã trở thành thiếu nữ . Anh Trác có ý định tác thành cho hai đứa, nhưng rồi một ngày kia chuyện không may xảy ra.

 

Hôm ấy, con thuyền chở nặng dưa hấu Sài Sơn đang đậu ở bến Tuần định sáng hôm sau nhổ neo về bến Phù Dung thì một cơn bão bất ngờ ập tới.  Đó là con bão năm Tỵ mà cho đến giờ mọi người vẫn nhớ. Một trận gió xoáy giật đứt dây neo, đẩy thuyền về phía sông Cổ Cháy. Thực ra bão không mạnh lắm nhưng thỉnh thoảng có một cơn gió giật kinh người. Nước sông lên cao do mưa lớn ở thượng nguồn.

 

Con thuyền lừ lừ trôi mà không có cách gì hãm lại được. Thấy thế nguy chị Nhuần và cái Nhuỵ định ném dưa xuống sông. Anh Trác vội quát;

- Không được ném ! Ném hết hàng là thuyền bị lật.

- Làm thế nào bây giờ ? - Chị Nhuần cũng gào lên.

- Mẹ mày ra cầm lái để tôi vào bờ giòng dây kéo.

- Không được ! Nguy hiểm lắm - Chị Nhuần xua tay ra hiệu.

- Còn hơn là chết cả nhà - Anh Trác vừa nói vừa liếc về phía Ngô Quỳnh - Cậu lấy cây sào dài thăm dò độ sâu, nếu chạm đất phải cố ghì hướng mũi thuyền vào bờ.

 

Anh Trác vừa nhảy xuống lập tức bị nước cuốn ra giữa sông, lay hoay mãi chưa tấp được vào bãi nổi. Ngô Quỳnh buông sào nhảy xuống nắm sợi dây chão đã tuột khỏi tay anh Trác, lặn sâu xuống bơi ngầm dưới nước. Con thuyền vẫn lắc lư như người say nhưng tốc độ đã chậm lại vì Ngô Quỳnh kéo được mũi vào vùng nước nông. Hắn ra hiệu cho mẹ con chị Nhuần đưa thuyền vào còn Láng rồi nhào ra tìm anh Trác. Sau nửa giờ lặn ngụp, Ngô Quỳnh mệt nhoài nhưng vẫn không thấy bóng dáng chủ thuyền trong khi nước lũ dồn về, dâng lên mỗi lúc một cao. Cơn bão hoành hành suốt đêm hôm ấy, mãi đến gần sáng mới dịu đi. Một trận mưa trắng trời đổ xuống ngã ba sông. Mãi ba ngày sau mới tìm thấy xác anh Trác. Anh bị nước lũ cuốn xuống tận bến đò Vạn Điền cách bến Tuần nửa ngày đò. Mẹ con chị Nhuần chôn anh ở nghĩa địa vạn chài Cổ Cháy. Nhờ kinh nghiệm của anh, chiếc thuyền không bị lật mà vẫn bán được dưa. Nhiều nhà mất cả người lẫn của vì vội vã quăng hàng xuống sông cho thuyền nhẹ bớt. Chồng chết, chị Nhuần xọp hẳn trông chẳng khác gì người mắc bệnh sài mòn. Gia cảnh như vậy, Ngô Quỳnh ở lại không tiện nên nói với chị chủ xin đi nơi khác. Chị Nhuần bảo:

- Mấy năm qua chúng tôi vẫn coi cậu như người nhà, giờ chẳng may gặp vận rủi chẳng lẽ nhẫn tâm bỏ đi.

 

Ngô Quỳnh lưỡng lự một lát rồi hỏi:

- Nghe nói chị sắp bán thuyền ?

- Lúc anh ấy mới mất, tôi nghĩ quẩn cũng có ý định như thế, nhưng giờ thì muốn tiếp tục chạy thêm vài năm nữa, mong cậu ở lại.

 

Ngô Quỳnh trở thành người đàn ông duy nhất trong gia đình. Cô Nhuỵ sau mấy lần được chàng phu thuyền hôn hít vụng trộm, thích lắm, luôn tìm cách ở bên hắn vào lúc thuyền chạy ban đêm. Những cử chỉ ấy không qua được mắt bà mẹ. Chị ta là người lọc lõi, nhìn thấy dáng vóc cao lớn cùng cách làm ăn tháo vát của Ngô Quỳnh, trong lòng toan tính một kế hoạch lâu dài để vĩnh viễn ràng buộc anh ta vào nghề sông nước. ở tuổi ba tư, sức xuân đang còn hừng hực bởi thể chất sung mãn và nỗi thèm khát đàn ông bị dồn nén quá lâu vì ông chồng ốm yếu, chị Nhuần trằn trọc trong khoang thuyền chật hẹp, luôn thả hồn vẩn vơ nghĩ đến những cuộc tình lãng mạn. Chị mơ thấy mình cùng Ngô Quỳnh cưỡi chiếc thuyền câu lên tận ngọn nguồn sông Cổ Cháy, cách ngã ba Môi hàng trăm dặm. ở nơi ấy trên là rừng đại ngàn dưới là dòng suối Tiên trong vắt, nước chảy lững lờ, cá tôm bơi tung tăng hệt cảnh Thiên Thai. Họ sống với nhau những ngày tuyệt đỉnh của hạnh phúc trần gian. Rồi đến một lúc chị sinh được thằng bé đẹp như tiên đồng. Nghĩ đến đấy người chị nóng ran, toàn thân run bắn, miệng ú ớ như bị bóng đè khiến cô con gái nằm bên cạnh hoảng tưởng mẹ phải cảm liền lấy dầu Nhị thiên đường xoa vào thái dương.

 

Căn bệnh hoang tưởng của chị Nhuần mỗi ngày một nặng thì tình cảm mẹ con đối với Nhụy mỗi ngày hình như một nhẹ đi. Nhìn thấy Ngô Quỳnh và con gái đứng ngồi bên nhau là chị không chịu được. Nỗi bực tức cứ ngấm dần vào cơ thể tựa như lòng hận thù khiến chị luôn nhìn đôi trẻ bằng con mắt cảnh giác. Chính  cô con gái chứ không phải ai khác đã lén lút chiếm đoạt, không phải tiền bạc mà là thứ tình cảm mơ hồ nhưng vô cùng quan trọng đối với sinh mệnh của chị. Một lần chị Nhuần bảo Nhuỵ ở lại  ở lại kẻ Sung, lấy cớ thu gom hàng để cùng  với Ngô Quỳnh chở dưa xuống bến Phù Dung. Ngay đêm đầu tiên thuyền đậu ở bến Lam Điền chờ con nước ròng, chị đã chui ra khoang ngoài ôm lấy Ngô Quỳnh. Hắn biết thừa người đàn bà nạ dòng này muốn gì bởi toàn thân hắn cũng đang rạo rực. Một ý nghĩ thoáng qua, hay là mình cứ chiều chị ta, chẳng những không mất gì mà còn có lợi là khác. Trong khi ấy, người đàn bà đã tuột hết váy áo, trần như nhộng, ôm riết lấy Ngô Quỳnh. Hắn tặc lưỡi thò tay mân mê bầu vú nóng hổi rồi định trườn lên bụng chị ta. Bỗng nhiên, từ trong bóng đêm, có quầng sáng mờ mờ như ánh lân tinh, gương mặt trái soan, cặp má bầu bĩnh và chiếc mũi hếch hiện ta với nụ cười gằn vừa trách móc và khinh bỉ. Ngô Quỳnh chợt tỉnh. Hắn ngồi dậy, trèo lên sạp thuyền mặc cho chị Nhuần khóc tức tưởi vì bẽ bàng.

 

Suốt chặng đường từ bến Phù Dung về bến Tuần có đến già hai ngày đường chị Nhuần không nói gì với Ngô Quỳnh. Hắn im lặng chèo, thỉnh thoảng lại chống sào chạy dọc từ mũi đến lái thuyền hệt như anh Trác ngày trước. Chị Nhuần cầm lái, mặt khó đăm đăm, mắt lơ đãng nhìn dòng sông.

 

Chiều hôm thứ ba, Nhuỵ đã đóng xong hàng. Thuyền từ từ vào bến, Ngô Quỳnh thả neo rồi lên bờ buộc dây vào cọc. Nhìn thái độ của hai người, cô gái biết đã có chuyện xảy ra. Anh chàng phu thuyền mặt nặng chình chịch, hùng hục khuân từng sọt bí, miệng như ngậm hột thị, hỏi câu nào trả lời câu ấy. Hàng xếp xong, chị Nhuần thẫn thờ trên bến một lúc rồi mới xuống thuyền bảo Nhuỵ:

- Chuyến này mẹ không đi được vì còn phải lên kẻ Suốt đòi nợ. Con với anh Quỳnh bảo nhau mà làm ăn cho thông đồng bén giọt, ít hôm nữa mẹ về.

 

Cô Nhuỵ còn ngây thơ tin lời mẹ nên không có biểu hiện gì lưu luyến nhưng Ngô Quỳnh nhìn vào đôi mắt mờ đi của người đàn bà, hắn biết có thể thị Nhuần không bao giờ về bến sông này nữa.

 

Đúng như Ngô Quỳnh dự đoán, năm hôm sau, khi thuyền cập bến Tuần không thấy chị Nhuần bên những sọt hàng. Hai người về kẻ Sung. Đồ đạc trong nhà vẫn còn nguyên, duy chỉ có chiếc xà tích bạc của bà ngoại để trong hộp gỗ mun khảm trai là chị Nhuần mang đi. Ngay chiều hôm ấy, Nhuỵ giao thuyền cho Ngô Quỳnh trông nom rồi sang bên ngoại tìm mẹ. Chị Nhuần không về làng Ngô Đồng. ở đấy chẳng còn ai ngoài bà dì nghễnh ngãng suốt ngày chỉ lảm nhảm hát mãi một điệu "gà rừng" rè rè giống hệt tiếng chũm  chọe mẻ đập vào nhau. Nửa tháng, Nhuỵ về mặt mũi đen sạm, thở dài bảo:

- Không thấy đâu cả. Ngày mai ta bốc hàng cho thuyền ngược bến Tràng, anh Quỳnh thấy thế nào ?

Ngô Quỳnh gật đầu:

- Nhưng phải thuê thêm một chân sào, chỉ tôi với cô thì làm sao nổi.

- Cái đó tuỳ ở anh. Bây giờ anh là chủ thuyền kia mà.

Ngô Quỳnh ngẫm nghĩ một lúc rồi như chợt nhớ ra liền bảo:

- Mấy hôm vừa rồi tôi để ý có thằng bé choai choai vẫn khuân vác hàng cho các bà buôn trầu vỏ xuống thuyền của ông trương Thình, hay là ta bảo nó.

Nhuỵ cau mặt:

- Không được. Thuyền chúng mình phải tìm một người đứng tuổi, thạo nghề sông nước, rước cái đám trẻ ranh ấy về là hỏng việc.

Bị chạm nọc, Ngô Quỳnh chợt nhớ đến hoàn cảnh của mình cách đây mấy năm liền ướm hỏi:

- Nhuỵ nói gì thế ?

Cô gái nhìn chàng chủ thuyền mới giọng có vẻ không vui:

- Là vì tôi không muốn như mẹ phải khăn gói ra đi …

 

Hành nghề đò dọc mười năm, vợ chồng Ngô Quỳnh đã có một số vốn kha khá. Hai người bàn nhau bán thuyền cùng với ngôi nhà kẻ Sung mang con về làng Cùa lập nghiệp. Khi ấy ông trương Phẩm đã mất, bà mẹ già còng lưng suốt ngày chống gậy ra gốc đa làng ngóng con trai. Dân làng Cùa có thói cố chấp nhưng lại chóng quên nên vụ bê bối của Ngô Quỳnh cách đây mười bốn năm giờ chỉ còn là ký ức mờ nhạt. Vả lại, cô Son lấy chồng mãi làng Buộm, cách sông cách đò, có khi vài năm mới về thăm bố mẹ một lần, thành thử nỗi hổ thẹn trong lòng hắn cũng nguôi ngoai.

 

Ngô Quỳnh về làng được bốn năm thì chánh Đàm chết. Lý Lượng cùng phe cánh ông ta thất thế. Cao Lộng, người xóm Cầu Đá lên làm chánh tổng Kim Đôi bảo cử cho Ngô Quỳnh ra làm lý trưởng. Năm ấy ông ta mới ba mươi tuổi. Từ một chủ đò dọc nghiễm nhiên trở thành bà lý nhưng cô Nhuỵ chẳng thích tý nào, vì cảm thấy sống trong làng tù túng, không được thoải mái như lúc lênh đênh trên thuyền ngang dọc khắp mọi bến bờ. Tất nhiên lý Quỳnh không thể chiều theo nguyện vọng dở người của vợ nhưng cũng chẳng bắt chước chánh Đàm lúc sinh thời, thuê thợ đóng một con thuyền neo ở bến sông ngay dưới điếm  Bài Vân, thỉnh thoảng lại cho mẹ con cô Nhuỵ du ngoạn xuống tận ngã ba Môi. Giá như Ngô Quỳnh không đưa vợ về làng, yên phận làm ăn với nghề đò dọc thì bây giờ không tan cửa nát nhà. Cái nghiệp làm quan, dù là quan làng đôi khi cũng lợi bất cập hại. Đấy là chưa tính đến cái đoạn chỉ chút xíu nữa thì bị Khúc Kiệt xử bắn nếu không có Khúc Thị Nhân kịp thời ra cứu. "Mình hơn cô ta những hai mươi tuổi lại đã có một đời vợ không biết cô ta có chịu lấy mình ?". Trong tâm trí Ngô Quỳnh luôn vấn vương câu hỏi ấy. Kể ra con gái vùng Ba tổng quá  hai mươi không có người hỏi coi như ế. Khúc Thị Nhân đẹp thật nhưng có nốt ruồi dưới mắt. Hồi trước, ông cử Yên Duệ qua thăm Khúc Kiệt nhìn thấy cô ta bảo đó là tướng vất vả, hậu vận còn lắm tai ách. Tin ấy làm đám con trai trong làng ngại không anh nào dám rước. Đến khi bọn Nhật kéo về tàn sát, đốt phá làng Cùa, gia đình Khúc Kiệt chết gần hết, họ lại càng tin vào tài phán đoán của ông Cử. Ngô Quỳnh thích Nhân không phải chỉ vì cô còn trẻ mà cái chính là ông ta thấy cô có những nét hao hao giống với chị Nhuần ngày trước. Cho đến giờ, dù đã hơn ba mươi năm trôi qua, ông ta vẫn thấy mình xử sự như thế là đúng với đạo làm người, không xấu hổ với vợ con khi nhắm mắt xuôi tay  xuống suối vàng gặp họ.

 

Sáng hôm sau, Ngô Quỳnh lại mang cưa đục sang làm giúp Nhân nhưng lúc này cô đã sang cồn Vành xúc cá.

 

Năm ấy, lũ rút sớm. Mới cuối tháng bẩy, ở những chân ruộng cao cồn Vành, nước chỉ còn chưa đầy gang tay. Vùng trũng có nơi ngập ngang thắt lưng. Phù sa đặc sánh lắng xuống bám vào cỏ thành một lớp dày, mỗi khi khoả chân, thứ bột mịn màng ấy lại loang ra, đỏ tươi chẳng khác gì mai con cà da luộc. Những đám sậy, lác, cỏ gai ngâm nước hàng tháng vẫn xanh tốt. Trên gò đất cao bên làng Mật, đàn trâu đang thong thả gặm cỏ. Một con lội hẳn xuống rộc, bước chân ộp oạp, lia lưỡi liếm những ngọn lúa tái sinh lơ phơ trên mặt nước. Vẫn còn sớm. Mặt trời chưa kịp nhô lên đã bị cả một tảng mây hình thù giống hệt con sứa đè xuống. Đám mây dường như chỉ đứng yên một chỗ nhưng biến hoá vô vùng linh hoạt. Đầu tiên là màu xám đục, chỉ một thoáng đã thành khối bông trắng nõn, có những múi cuộn lại vừa nhẹ vừa xốp. Nhưng rồi khối bông trắng như tuyết ấy lại nhường chỗ cho một cái mạng nhện hình lục giác với những mắt lưới đan rất tinh xảo óng ánh như ngân tuyến. Trời sáng thêm một chút thì mạng nhện bạc mờ dần. Bây giờ là những lớp mây hình vảy cá gắn chặt vào cái màn khổng lồ màu thiên thanh. Đám vảy cá hiện lên với đủ các hình thù và màu sắc rực rỡ, có những lúc bất chợt loé lên như một đạo hào quang. Cuối cùng thì những ảo ảnh ấy cũng biến mất và mặt trời lên.

 

Nước lũ rút đi, dân mấy làng bên bờ sông Lăng kéo sang cồn Vành bắt cá. Đây là nơi sông tách làm hai nhánh xuống đến tận bến Phù Kiều mới hợp lưu, ôm lấy cánh bãi rộng hàng mấy trăm mẫu, là nơi tụ tập của đủ các loài thuỷ tộc. Cá trôi, cá rói nhởn nhơ bơi giữa đám cỏ xước cọng dài mấy gang tay, bò loằng ngoằng như dây thòng bong. Lũ này thường thích chỗ ruộng vàn kiếm ăn bằng cách sục cho nước đục ngầu lên. Những tay đánh cá chuyên nghiệp rủ nhau xếp giậm thành hàng theo hình vòng cung rồi ra thật xa dùng mõ dồn cá. Gặp bước đường cùng những con tinh khôn chơi trò quăng mình tháo thân còn phần lớn bị sa bẫy, nhảy loạn xạ trong giậm. Dân quăng chài nhiều khi vớ bẫm. Họ đón lõng ở những chỗ nước chảy, độ sâu vừa phải, thỉnh thoảng tóm được chú cá chép dăm  cân. Bọn này vô vùng láu cá, trừ hững người có kinh nghiệm sông nước còn thì ít khi bắt được.

 

Đàn bà con gái dùng rổ sề thậm chí cả rổ rửa rau bắt tôm dạt vào bờ ruộng. Tôm tép mùa này nhiều lắm, mấy chị em cái Nhút cái Nhít xúc một ngày mang về phơi được ba nong. Chính nguồn thủy sản phong phu trời cho như thế nên cồn Vành hằng năm luôn xảy ra tranh chấp quyền sở hữu giữa làng Cùa và làng Mật. Lúc ấy Nhân đang xúc tôm ở chân ruộng trũng giữa bãi cùng với cái Nhút, cái Nhít. Phía làng Mật có tiếng người cãi nhau. Một thằng bé làng Mật cướp con cá măng bằng bắp chân của cái Hậu xóm Trại Cá. Con bé nổi tiếng đanh đá. Nó cào vào mặt thằng kia rồi giẫy đành đạch như phải bỏng. Thằng "chọi"  làng Mật cũng là quân lỳ lợm, chẳng những không trả con cá mà còn xông vào túm tóc đối thủ đẩy xuống ruộng. Thế là một cuộc xô xát trên quy mô lớn xảy ra. Dân làng Mật huy động thanh niên trai tráng mang gậy gộc giáo mác ra trợ chiến. Chúng xông vào tịch thu tất cả các phương tiện đánh bắt cá. Dân làng Cùa yếu thế, mạnh ai nấy chạy ra bờ sông. Kẻ chèo thuyền, người ngồi bè chuối, số khác nhảy ào xuống nước bơi, cốt làm sao về bên kia càng nhanh càng tốt. Nhân chạy gần như sau cùng nhưng vẫn khư khư cắp cái rổ và giỏ tôm bên sườn. Một gã trung niên mặt có vết sẹo chạy dài từ dái tai xuống mép phải như bị dao chém, đuổi phía sau. Nghe bước chân bùm bũm, Nhân đâm cuống vấp vào đám cỏ lác bị ngã. Tay mặt sẹo dấn tới đầu tiên giằng lấy giỏ rồi thò tay luồn vào ngực cô gái. Đúng lúc ấy hắn bị cái tát như trời giáng vào giữa vết sẹo. Mặt vẫn còn nổ đom đóm , chưa hết choáng thì hắn lại nhận thêm một cú đệm bằng đầu gối vào bụng dưới, ngã ngửa ra, đầu đâm xuống bùn. Nhân chưa kịp hoàn hồn thì người thanh niên lạ mặt đã một tay xách giỏ, tay kia dắt cô chạy ra bờ sông. Phía sau bọn làng Mật đang ào ào đuổi theo. Bờ sông không còn một con thuyền. Anh ta kéo Nhân chạy gằn dọc theo bãi cát nhưng phía trước lại có một nhóm gồm bốn năm con mẹ nạ dòng, dẫn đầu là một lão già mặt choắt như mặt con cheo cheo cầm gậy hô hoán. Chẳng biết làm thế nào, chàng lạ mặt phải kéo Nhân lội xuống sông. Anh ta hỏi:

- Cô có biết bơi không ?

- Có... - Nhân thở hổn hển - Nhưng tôi ...

- Cứ bình tĩnh. Tôi sẽ đưa qua sông.

 

Anh ta nói cho Nhân yên lòng rồi đảo mắt nhìn quanh. Hoá ra vẫn còn hàng chục đoạn chuối của dân làng Cùa bỏ lại lúc tranh nhau sang sông bị sóng đánh giạt vào bờ. Anh chàng lạ mặt túm một cây rồi bảo cô gái:

- Bây giờ cô bám chặt vào đây, không được bỏ tay ra. Nhớ chưa ?

 

Người thanh niên bơi rất giỏi. Anh vừa bơi vừa đẩy cho cây chuối của Nhân đi đúng hướng nhưng cũng phải già nửa giờ hai người mới về được bên hữu ngạn. Khi Nhân lên bờ người thanh niên trao cho cô giỏ tôm và bảo:

- Lần sau đừng có tham, thấy bọn làng Mật gây sự là phải chạy ngay.

- Anh cũng là người làng Mật à ?

Người thanh niên lắc đầu:

- Tôi là người kẻ Bòng.

- Xa thế mà cũng đến bắt cá ?

- à ! đi cho biết thôi.

 

Mấy hôm sau, lúc Nhân đang nhào đất trát vách thì có một người gánh cưa đục vào xin nước uống. Nhìn người thợ mộc cô ta ngờ ngợ nhưng chưa dám hỏi ngay. Uống nước xong anh ta chưa đi mà cứ ngắm trời ngắm đất rồi hỏi mấy câu về gia cảnh. Nghe giọng nói Nhân nhận ra đó là người đã cứu mình qua sông khi bị gã đàn ông làng Mật đuổi.

- Vậy ra anh làm nghề thợ mộc. Sao hôm ấy anh bảo ở kẻ Bòng ?

- Lúc ấy nói thế để cô yên lòng, thực ra tôi là dân kẻ Suốt chuyên xách cưa đi đục kiếm cơm thiên hạ.

Nhân bảo:

- Dạo này làng Cùa cần thợ mộc. Anh đến đúng lúc đấy.

- Tôi cũng định như thế. - Anh thợ mộc ngắm gian nhà mới dựng xong bộ khung lợp rạ của Nhân liền bảo - Nhưng trước hết phải làm lại cái nhà này cho ra hồn đã.

- ấy chết ! - Nhân giãy nảy - Hàng xóm giúp thế này cũng đã tốt chán. Anh nhìn xem, làng tôi sau trận hoả hoạn, trừ bà cả Huê có nhà ai còn nguyên vẹn đâu. Vả lại tôi không có tiền trả công.

- Nhà như cái lều vịt của lão Côi ở kẻ Bòng thế này chỉ một trận gió là đi tong. Một mình cô xoay sở làm sao được.

- Anh nghe ai nói tôi ở một mình ?

- Còn chưa thành gia thất nữa kia. - Anh thợ mộc cứ như là có ma xó trong túi, nói vanh vách gia cảnh của cô chủ khiến Nhân vô vùng sửng sốt.

- Sao anh biết rõ về tôi như thế ?

-Là vì tôi mới gặp bác nhà … -Nói đến đây người thợ mộc hạ giọng thì thầm - Cô tìm cho một nhà gần đây để tôi ở tạm.

- Tối nay tôi sẽ dẫn anh sang bên ông đồ Sách. - Nhân ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo- Nhà ấy chỉ bị cháy mấy gian bếp.

 

Đồ Sách lúc đầu ngại không dám cho người lạ ở vì sợ Lý Quỳnh nhưng Nhân lại bảo:

- Anh ấy là thợ mộc bên kẻ Bòng có thẻ thuế thân, bác đừng lo, có chuyện gì cháu sẽ bảo với ông Lý.

Buổi tối đồ Sách mời  anh thợ mộc ăn khoai lang luộc. Làng Cùa đang vụ giáp hạt, nhà nào cũng hết thóc nhưng khoai lang cồn Vành thì nhiều vô kể. Có nhà nấu khoai khô với đỗ đen. Khoai chín trộn thêm mấy thìa mật mía, nắm lại bằng quả thanh yên ăn trừ bữa. Anh thợ mộc tên là Lãng, khoảng hăm bẩy hăm tám tuổi, viết chữ Hán rất đẹp. Thơ Đường, loại ngũ ngôn thi, bản in vừa lèm nhèm vừa mất nét, phần lớn là những chữ ít thông dụng, nhiều bậc túc cho còn phải tra từ điển "Khang Hy" hoặc"Từ hải" vậy mà anh ta đọc vanh vách, bình đâu ra đấy khiến đồ Sách rất phục.  Chưa đầy năm ngày ngôi nhà hai gian của Khúc Thị Nhân đã xong làm Ngô Quỳnh vô cùng tức tối. Một hôm, lúc ấy khoảng cuối canh một, Ngô Quỳnh rón rén vào cổng nhà Nhân thấy bên trong có tiếng nói chuyện, ông ta đoán, nhất định là tay thợ mộc đang giở trò chim chuột, liền cầm tay thước bước vào nói to:

- Bây giờ là giờ gì mà anh Lãng còn đến nhà đàn bà con gái tán tỉnh bậy bạ làm hại thuần phong mỹ tục.

Từ trong nhà, một người bước ra hằm hằm nhìn Ngô Quỳnh:

- Ông Lý nói gì mà chướng tai thế ? Ai tán tỉnh bậy bạ ?

 

Hoá ra không phải anh thợ mộc mà là Khúc Luận. Suốt từ tối đến giờ cậu ta cứ ngồi lỳ, Nhân đuổi khéo mấy lần cũng không về, vừa hay được lý Quỳnh giải cứu cho.

- Này cậu Luận ! - Lý Quỳnh lên giọng cha chú răn đe - Nếu ban đêm còn lảng vảng sang đây, tôi báo cho bà Cả nện cậu một trận ra trò đấy.

 

Khúc Luận chẳng có vẻ gì là sợ hãi. Mặt cậu ta vênh lên:

- Ông có quyền gì mà cấm tôi ?

- Là vì cậu hay sang đây quấy nhiễu cô Nhân. Cô ấy tuy con ông chú nhưng là người lớn, còn cậu mới chỉ là thằng ranh  con, lôi thôi tôi cho tuần đinh trói lại mang ra đình phạt vạ.

- Thách ông đấy ! Khúc Luận chẳng nể nang gì tuổi tác ông lý trưởng, giọng châm chọc - Đừng tưởng tôi không biết tâm địa của ông. Cô Nhân chẳng thèm …

- Thôi đi ! Anh Luận đừng nói càn. - Khúc Thị Nhân vội chạy ra bảo - Ông Lý nói không sai. Suốt ngày anh lêu lổng, tối lại sang bên này nói con cà con kê, thử hỏi tôi còn làm được việc gì ?

Ngô Quỳnh được thể, hất hàm khẽ quát:

- Về ngay ! Từ mai cấm sang đây.

Khúc Luận gườm gườm nhìn viên lý trưởng, bàn tay phải nắm chặt định quai cho ông ta một quả vào mặt cho bõ ghét nhưng nghĩ sao lại thôi, chỉ cười gằn nói đủ nghe:

- Tiếc là hồi ấy bọn Áo Đen không kịp cho ông viên đạn.

 

Cảm thấy đây là lúc thuận tiện nhất để tỏ rõ lòng mình, Ngô Quỳnh ngập ngừng một lúc rồi dè dặt hỏi:

- Mấy hôm nữa tốt ngày tôi nhờ người mang cơi trầu sang nhà Nhân …

Nhân thoáng giật mình. Lão lý trưởng lợi dụng cơ hội này để tỏ tình làm cô thật sự bối rối, bởi vì từ trước đến giờ chưa lúc nào Nhân nghĩ đến chuyện về nhà họ Ngô làm vợ một người hơn mình đến hai chục tuổi. Trong lúc lúng túng chưa biết từ chối thế nào để Ngô Quỳnh khỏi sượng mặt thì cô chợt nghĩ ra một  kế:

- Cảm ơn ông Lý đã có lòng thương nhưng chuyện trăm năm là hệ trọng, không được sự đồng ý của cha, "cháu" không dám tự quyền.

 

Lý Quỳnh thấy sự việc có vẻ không xuôi chiều bèn lựa lời thuyết phục:

- Ông ấy đi biền biệt biết đến bao giờ mới về, mà cái xuân xanh thì mỗi tuổi lại mất đi, chả lẽ cô cam chịu ở vậy đến già.

- Làng này thiếu gì con gái nhà tử tế và đẹp người, vừa đẹp nết - Khúc Thị Nhân nhẹ nhàng cất giọng đưa đẩy - "cháu" thuộc loại quá lứa nhỡ thì lại có mụn ruồi đón lệ dưới mắt, thầy tướng đoán hậu vận lắm gian truân, ông Lý chớ nên rước về.

- Bọn thầy tướng, thầy bói chỉ nói dựa. Tôi chẳng sợ cái nốt ruồi ấy mà rất yêu quý cô, muốn làm bạn trăm năm … Mong cô xét đến hoàn cảnh.

- ấy ông Lý ! duyên phận con người là tự trời sắp đặt, làm sao mà ép lòng mình được, "cháu" xin ông hiểu cho.

Năn nỉ năm lần bẩy lượt, Nhân vẫn một mực từ chối, Ngô Quỳnh không thể kiên nhẫn được nữa, bèn đổi giọng:

- Hay là cô đã bị cái thằng thợ mộc ấy nó chài ?

- Ông Lý đừng ăn nói hàm hồ.

- Bọn trai thiên hạ dẻo mỏ ấy các cô phải coi chừng. Chúng nó đều là phường lừa đảo, không giữ gìn, ễnh bụng ra thì mang tiếng cả làng.

 

Khúc Thị Nhân vẫn ngọt nhạt:

- Cảm ơn ông Lý đã dạy bảo. Chúng "cháu" là phận gái còn lo bằng mấy  ấy chứ.

Chuyện tỏ tình với Nhân không thành, lý Quỳnh dấu biệt nhưng không hiểu sao bà cả Huê vẫn biết. Bà nói bắn tin, nếu ông ta cưới con gái tên  Việt Minh làm vợ kế thì chính bà sẽ lên phủ Đông Giàng và huyện Nam Thành cáo quan thu triện đồng lý trưởng. Ngô Quỳnh biết người đàn bà ghê gớm này vẫn căm Khúc Kiệt vì vụ bắt nhốt hậu cung năm trước và đang chờ dịp trả hận.

 

Chập tối trời nổi giông. Sấm nổ lục bục thành từng chuỗi. Không gian nồng nực như sắp có bão. Đã mấy ngày không thấy Lãng đến. Nhân khắc khoải chờ, lòng dạ bồn chồn. Lúc cô sắp đi ngủ thì có tiếng gõ nhẹ vào tấm liếp. Lãng nhìn trước nhìn sau rồi lách vào nhà ôm choàng lấy Nhân. Cô bị bất ngờ, khẽ đẩy người đàn ông ra rồi với tay gài chốt cửa. Cũng vào lúc ấy, những hạt mưa xiên gõ lộp bộp trên vườn chuối sau nhà. Cơn mưa đêm hè mỗi lúc một nặng hạt, chỉ một loáng đã có tiếng nước chảy ràn rạt ngoài sân lẫn trong thứ âm thanh rền rĩ của gió và sấm. Thỉnh thoảng một tiếng sét sắc lạnh, khét lẹt khiến Nhân giật nảy mình, co rúm người lại, ôm cứng lấy Lãng. Trận mưa làm đêm như giãn ra. ếch nhái, chẳng chuộc và nhất là lũ ễnh ương hoa xanh, ban ngày thường nổi lập lờ giữa những đám bèo ong, giờ ngoác cái miệng rộng đến mang tai, đua nhau trình tấu bằng đủ thứ âm điệu hỗn tạp, lúc ộp oạp, lúc the thé, lúc lại khàn khàn như tiếng vịt đực. Một con mèo hoang đến kỳ động cỡn gào lên bằng thứ giọng đặc biệt khủng khiếp, chẳng khác gì ma quỷ gọi hồn người chết. Ngoài bờ tre, có tiếng chiêm chiếp rất là ai oán của chú chích choè non bị rơi khỏi tổ. Gió đã dịu đi nhưng mưa vẫn còn nặng hạt.

 

Nhân hỏi chàng thợ mộc:

- Anh là Việt Minh phải không ?

Lãng quàng tay ôm ngang người cô gái, không trả lời mà hỏi lại:

- Sao em biết ?

- Có gì mà không biết. - Nhân bảo - Ngay hôm đầu, thấy anh xách đồ nghề đến làng Cùa em đã ngờ ngợ.

- Hình như em chưa hiểu gì về Việt Minh ? - Lãng thì thầm giải thích - Đó là một    tổ chức cách mạng

- Phải ! - Nhân bỗng dài giọng chì chiết - Vì "tổ chức cách mạng" ấy mà cách đây gần một năm làng Cùa bị thiêu hơn trăm nóc nhà, chết oan bảy tám chục mạng người.

Lãng im lặng ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo:

- Anh hiểu tâm trạng của em. Sở dĩ có tổn thất lớn như vậy là do một số cán bộ manh động, không chấp hành chỉ thị của thượng cấp. Đảng chủ trương vận động quần chúng đấu tranh, chờ đợi thời cơ thuận lợi để giành chính quyền.

 

Nhân khẽ "hứ" một tiếng:

- Em chẳng ưa gì cái thứ cách mạng mà lại mang người bà con của mình treo lên cây gạo rồi xả súng bắn. Em bảo này, anh bỏ quách Việt Minh đi, về làng  Cùa . Ông lý Quỳnh tuy thế nhưng là người tốt sẽ đứng ra bảo lãnh cho anh được ngụ cư.

 

Lãng lắc đầu:

- Nói thế thì khác gì em xui anh đầu hàng. Anh là người của Tổ chức phải đặt quyền lợi của Tổ Quốc và dân tộc lên trên quyền lợi bản thân.

Nhân lặng lẽ thở dài:

- Anh nói chẳng khác gì ông bố em. Thôi thì tuỳ anh.

Đến lúc ấy Lãng mới ngập ngừng bảo:

- Cuối tháng này anh phải đi.

- Bao giờ anh về ?

-Chắc cũng không lâu nữa đâu. Tình hình đang có nhiều chuyển biến, Đến lúc ấy chúng ta sẽ nhờ Tổ chức đứng ra làm đám cưới.

 

Lãng và Nhân không ngờ rằng, đêm hôm ấy dù trời mưa to gío lớn vẫn có một bóng đen  lẩn khuất ngoài vườn chuối. Đó chính là Ngô Quỳnh. Biết chắc Lãng là Việt Minh từ bên kia sông Lăng sang, ngay từ chập tối, ông ta đã cho người báo quan huyện Nam Thành. Lập tức, một tốp quan binh nai nịt súng ống như đi trận, đội  mưa về làng Cùa. Cai Viện đội chiếc mũ đỏ chót như đít chào mào chỉ huy bốn cảnh binh ập vào nhà đồ Sách. Ông này vẫn còn đang ngủ bị dựng dậy.

- Tay thợ mộc đâu ? - Viên cai hỏi cộc lốc rồi đảo mắt nhìn khắp lượt mấy gian nhà tranh dột nát ẩm mốc như hang chuột.

 

Đồ Sách mắt nhắm mắt mở, thấy đám lính tráng sát khí đằng đằng, mặt xám ngoét như vừa bị sét đánh trượt, giọng lập cập:

- Bẩm … các quan … anh ta ở … dưới nhà ngang.

Cánh cửa liếp bị gã lính mũi sần như vỏ chanh rám đạp đến "roạt" một cái. Cả bốn khẩu súng đều lên đạn rôm rốp. Viên cai mũ đỏ quét một vệt đèn pin. Cái giường tre trống không.

Cai Viện nhìn trước nhìn sau rồi hất hàm bảo đồ Sách:

- Đi gọi ông lý Quỳnh sang đây.

Linh tính cho Nhân biết có chuyện chẳng lành vội lay Lãng dậy vì có tiếng chó sủa dữ dội từ phía xóm Đình vọng lại.

- Anh chạy ra lối bờ sông ngay đi ! - Nhân cuống quýt giục - Hình như có lính về làng.

- Em cứ bình tĩnh - Lãng áp tai vào cửa nghe ngóng một lúc, vơ chiếc áo cánh khoác lên người - Nếu chúng đến khám nhà thì không được nói anh ở đây.

- Nhớ rồi, thôi anh đi đi.

Lãng lẩn vảo vườn chuối, ngồi xuống một lúc xác định phương hướng sau đó luồn qua cổng nhà trương Ngạnh.

- Có trộm - Ông Ngạnh thoáng thấy bóng người xé rào chạy về phía ao Quan vội la lên - Bớ bà con ! Bắt trộm.

 

Anh thợ mộc vừa chạy vừa thở, sắp đến chỗ cây sung thì bị cánh tuần đinh xóm Bờ Sông khua giáo mác chặn đường đành phải rẽ ngang vào vườn chuối ông vệ Đà. Cùng lúc toán cảnh binh xách súng rượt tới. Bí quá, Lãng nhảy ùm xuống ao, lặn một hơi, bơi ngầm dưới nước, được một lúc thì chạm cọc lều vó lão Tư Kền. Đã sắp đến đê quai. Chỉ cần cố một đoạn nữa là ra bờ sông Lăng. Phía gốc gạo đuốc cháy rần rật. Tiếng hô hoán mỗi lúc một  xa vì cánh tuần đinh ngại nhảy xuống nước mà rồng rắn kéo nhau vòng theo bờ ao. Khả năng thoát hiểm đã nằm trong tầm tay. Trong khi chạy loạng quạng, Lãng vấp phải con chó đá ở cổng nhà Quản Sầm, bị trẹo chân, đau lắm nhưng không dám nghỉ. Sau khi vượt qua con đê, Lãng lao xuống bờ cát định vượt sông, chợt có tiếng quát:

- Đứng lại ! Mày đã bị bắt.

 

Người thợ mộc giật mình. Sống lưng lạnh toát. Anh không thể ngờ mấy tên cảnh binh chạy theo lối đường trục giữa làng đón lõng ở đây. Ước lượng khoảng cách giữa mình và bọn lính, thấy khó có thể thoát được, Lãng tính nước liều, phó thác tính mạng cho sự may rủi.

- Thôi được, coi như các ông thắng, tôi xin hàng. - Lãng nheo mắt cười nhạt rồi bất ngờ cắm đầu lao xuống sông.

 

Bọn cảnh binh đã dự kiến đến trường hợp này nên chúng không mất bình tĩnh mà lần lượt kéo cò súng xả đạn vào những chỗ có tăm nước nổi lên. Khi toán tuần binh chạy đến nơi thì mặt sông đã trở lại yên tĩnh. ở gần ghềnh đá chỉ còn thấp thoáng những đám bọt nước sẫm  màu bị sóng đẩy cuộn lại chẳng hiểu là phù sa hay máu người thợ mộc.

 

Ba ngày sau, cánh phu đò dọc vớt được một xác người bị đạn xuyên vào lưng nổi lên ở bến Tuần Châu. Quan huyện Nam Thành cho khám nghiệm tử thi, biết đó chính là tên Việt minh đóng giả thợ mộc đến làng Cùa xúi giục dân cày nổi loạn, liền ra lệnh treo lên cành đa giữa chợ Từ Đường thị uy.

 

2

 

Đến tháng thứ tư thì cái bụng của Nhân không thể giấu được nữa. Những người phát hiện ra sự kiện này trước hết là đám phụ nữ xóm Đình. Bà cả Huê vội chớp thời cơ, Trong âm trí người đàn bà đáo để này đã mường tượng ra hình ảnh cô con gái xinh đẹp của lão em chồng bị gọt tóc bôi vôi trên chiếc bè chuối nổi phập phềnh giữa sông Lăng trước sự chứng kiến của bàn dân thiên hạ.

 

Về phần mình, trước khi cử trương Tòng đi báo quan, Ngô Quỳnh không ngờ được sự việc lại phức tạp đến thế. Ông ta chỉ muốn gã Việt Minh trai lơ biến khỏi làng Cùa càng sớm càng tốt để hắn khỏi phá hỏng kế hoạch tán tỉnh Khúc Thị Nhân của mình. Chuyến này mà Khúc Kiệt kéo quân về thì không biết chuyện gì xảy ra nếu con gái ông ta bị làng phạt vạ. Viên lý trưởng thầm nghĩ, thời thế sắp thay đổi rồi mà bà vợ goá lão chánh Đàm vẫn thù dai như đỉa. Thật là đồ ngu. Phải tìm cách xử lý ngay, nếu không con mẹ đồng bóng ấy kích động cánh phó lý Kiền, cửu Nghi, binh Tào vốn rất hăng hái trong việc bảo vệ hương ước thì cô ta khó mà thoát khỏi hình phạt.

 

Chập tối hôm sau, Lý Quỳnh sang nhà Nhân. Cửa vẫn đóng im ỉm. Ông ta sinh nghi liền xách tay thước ra bờ ao Quan. Loanh quanh gốc cây gạo đổ khá lâu, vị lý trưởng đa tình lại vào vườn chuối tìm kiếm. Khu miếu hoang vẫn hoàn toàn im ắng thỉnh thoảng có tiếng cú rúc, chứng tỏ quanh đây vắng người. Một ý nghĩ chợt thoáng qua, Ngô Quỳnh hấp tấp chạy lên đê. Từ xa, một bóng người hiện ra lờ mờ dưới ánh sao đêm, vai quàng khăn gói lững thững đi dọc bờ sông. Trên cao, một con vạc lẻ loi từ rừng Hóp hối hả sải cánh sang bên kia cồn Vành bắt đầu cho buổi kiếm ăn. Mặt sông đen thẫm, thỉnh thoảng mới dậy lên tiếng lao xao lười nhác như tiếng thở dài của kẻ thất tình khi bất chợt có ngọn gió mệt mỏi từ ngã ba Môi trườn về. Người phụ nữ thẫn thờ, một mình đối diện với dòng sông, thỉnh thoảng lại ngẩng lên nhìn bầu trời sao. Lý Quỳnh lặng lẽ đến bên khẽ gọi:

- Cô Nhân !

 

Người phụ nữ không quay lại, thản nhiên bước xuống mép nước.

- Cô Nhân ! Đừng làm thế. Đời người ta đâu phải con sâu cái kiến mà bỗng chốc bỏ phí.

-Ông Lý về đi ! - Nhân lạnh lùng bảo.

Ngô Quỳnh bước dấn lên giọng dứt khoát:

- Sau vụ Nhật càn năm trước, tôi đã hứa với ông Khoá chăm sóc cô. Hoàn cảnh lúc này cũng có chỗ khó nói nhưng mà …. ý tôi đã quyết.

Lý Quỳnh chưa nói hết câu thì Nhân đã gieo mình xuống nước. Ông ta hốt hoảng, để nguyên cả quần áo nhảy theo. Đêm cuối tháng không trăng. Mặt sông vẫn mờ mờ phản chiếu những vệt sao lưa thưa viền quanh đám mây bạc hình dạng như con cá sấu vắt ngang cồn cát. Sông chảy không xiết lắm nhưng đoạn này thường có nước quẩn. Ông Lý phải lặn ngụp một lúc khá lâu mới đưa được Khúc Thị Nhân lên bờ.

 

Sáng hôm sau, lý Quỳnh sang nhà, thấy Nhân đã dậy được liền trách:

- Sao cô dại thế. Đời con gái còn dài, tội gì mà chết.

Nhân cười nhạt:

- Ông cứu tôi làm gì. Chết như thế còn thanh thản hơn là để làng đóng bè trôi sông.

- Cô lầm rồi .  - Ngô Quỳnh thong thả bảo . - Tôi thách đứa nào ở vùng Ba Tổng này dám động đến sợi tóc trên đầu cô.

 

Bà Cả Huê lồng lộn như con thú dữ bị trúng thương khi biết tin lý Quỳnh mang lễ đến ăn hỏi con gái khoá Kiệt. Cánh chức sắc trong làng hậm hực muốn phạt vạ Khúc Thị Nhân nhưng lại sợ uy thế lý Quỳnh đành phải lờ đi cho dù họ biết chắc cái thai kia là của gã thợ mộc trá hình. Về mặt danh dự, tất nhiên Ngô Quỳnh bị bẽ mặt với hàng tổng, những điều ấy không hề cản trở ông ta thi hành phận sự của nhà chức trách đứng đầu làng Cùa. Có lần chánh tổng Lê Bang cho gọi lý Quỳnh ra đình Cả nghiêm giọng răn đe:

- Đường đường là lý trưởng đương chức mà đêm hôm  mò vào nhà con gái người ta giở chuyện trăng hoa, thầy có biết phạm tội gì không ?

 

Ngô Quỳnh vốn lắm lý sự, nghe xong, chắp tay cúi đầu:

- Bẩm ông Chánh, sau sự biến làng Cùa, tôi mất vợ mất con, một thân một mình, lại gánh vác việc làng, vất vả nên phải kiếm một người về lo việc nội trợ.

Chánh Bang nhếch mép cười gằn:

- Không ai cấm nhà thầy cưới vợ nhưng đã là bậc quân tử thì phải hành xử cho đàng hoàng. Thầy thậm thụt với người ta bụng ễnh ra rồi mới tính chuyện cưới hỏi thì còn ra thể thống gì.

 

Nghe Lê Bang lên giọng răn dạy đạo đức, Ngô Quỳnh ngứa tai vặc lại:

- Ông Chánh toàn xoi mói người khác mà không nghĩ đến bản thân mình. Cả tổng này ai còn lạ gì ông đã có đến ba bà vợ mà mới đây còn bắt con gái nhà trương Dậm ở làng Dọc mới mười sáu tuổi về làm thiếp chỉ vì trước đây nhà Dậm nợ lãi mấy thùng thóc. Nói thật, ông Chánh để cho cô ấy về đi, nếu không Việt Minh họ sẽ hỏi thăm đấy.

 

Chánh Bang ngồi ngẩn người ra một lúc, đáng lẽ phải nổi cơn thịnh nộ trút giận dữ vào gã thuộc hạ dám ngang nhiên chỉ trích mình thì lại khẽ gật đầu bảo:

- Thầy nói đúng, cuộc cờ đã sắp tàn, có lẽ tôi cũng xin nghỉ chân chánh tổng.

 

Thật tình, Khúc Thị Nhân chẳng vui vẻ gì với cuộc hôn nhân chênh lệch như cha con này, nhưng vì đã chịu ơn lý Quỳnh vừa cứu mạng vừa cứu danh dự nên đành phải nhắm mắt đưa chân. Cô không thể ngờ được phía sau bộ mặt tưởng như rất thành thực của ông ta lại là một âm mưu đen tối được vạch ra khá tỉ mỉ và thận trọng để chiếm đoạt mình. Lý Quỳnh cũng đủ khôn ngoan để toán cảnh binh ập vào nhà đồ Sách trước. Đây là kế "điệu hổ ly sơn". Biết chắc tay Việt Minh thế nào cũng thoát ra lối bờ sông, phía dưới điếm Bài Vân nên ông ta ngầm bảo cai Viện cho người đón lõng từ trước. Sự việc xảy ra hoàn hảo đến mức, dân làng Cùa không một ai biết Ngô Quỳnh là thủ phạm gây ra cái chết bi thảm của người thợ mộc trừ trương Tòng và bà cả Huê.

 

Nói cho công bằng, trong thâm tâm Ngô Quỳnh chẳng sung sướng gì nếu sau này buộc phải nuôi con kẻ khác, cho dù anh ta đã sang thế giới bên kia. Vì thế, mỗi khi nhìn thấy cái bụng lùm lùm của Nhân, phải khó khăn lắm ông lý trưởng mới nặn ra được nụ cười. Lựa dịp ông ta dẫn đám dân phu lên hộ đê Trung Hà, bà cả Huê lẻn sang nhà nói cho cô cháu gái biết rõ sự tình. Nhân lắc đầu nhìn bà bác đầy vẻ nghi kỵ:

- Cháu không tin ông Quỳnh lại nhẫn tâm làm việc ấy ?

 

Bà cả Huê nhổ nước trầu, lấy tay vuốt hai bên mép, thong thả bảo:

- Tin hay không là ở chị. Từ trước đến nay tôi không vu oan giá hoạ cho ai bao giờ. Người cảnh binh có cái bớt bên cằm là cháu gọi tôi bằng dì họ ở Mạc Điền cho biết, chập tối hôm ấy lý Quỳnh sai trương Tòng lên báo huyện.

- Thì ra là như vậy.  - Nhân lắc đầu thở dài - Tất cả đều là do ông ta sắp xếp.

- Chị thật là hồ đồ. - Bà Cả trách - Làng này từ trước đến nay lạ gì tư cách lý Quỳnh mà dấn thân vào. Lại còn đứa bé nữa, sau này liệu ông ta có để cho mẹ con chị yên ổn không ?

 

Giờ thì Nhân đã hiểu ra, Thật là tiền oan nghiệp chướng. Đêm ấy cô trằn trọc mãi không ngủ được, gần sáng, vừa chợp mắt một lúc lại mơ thấy cái xác người thợ mộc treo lủng lẳng trên cành đa. Sợ quá, Nhân thét lên, người toát mồ hôi hột . Xế chiều, Nhân vơ mấy bộ quần áo ấn vào chiếc tay nải, quàng lên vai rồi thập thững ra  bờ sông, di dọc triền đê, đến bến Ngàn thì xuống một chiếc đò dọc.

 

 

Chương : 1    2    3    4    5    6   7    8    9    10    11    12    13    14    15    16    17   
Đặng Văn Sinh
Số lần đọc: 2413
Ngày đăng: 14.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dấu ấn Đồng Quê - Trịnh Thắng
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Cùng một tác giả
Ký ức làng Cùa (truyện dài)
Đò đêm (truyện ngắn)
Đêm trăng Tả Giàng (truyện ngắn)
Bến phù dung (truyện ngắn)
Chị Hà (truyện ngắn)
Chuyển kiếp (truyện ngắn)
Cây mít tố nữ (truyện ngắn)
Công ty Vẹt (truyện ngắn)
Chiều muộn (truyện ngắn)
Cái vòi (truyện ngắn)