Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc
Hà Nội - 2005
MỤC LỤC
Người bạn tâm tình của tuổi thơ . . . . . . . . . . .5
Chương 1
Chuyện ngày xưa . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .7
Chương 2
Mò tôm, kết bạn . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .9
Chương 3
Tai nạn sông nước và bí mật về cá bò . . . .. .30
Chương 4
Chinh phục đinh trê và những trận đòn chí tử . .48
Chương 5
Khám phá hang trê . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .97
Chương 6
Khắc tinh của ba ba . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .122
Chương 7
Xoắn chạch, bắt trê đằm . . . . . . . . . . . . . . . .132
Chương 8
Tham thì thâm . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 143
Chương 9
Bước ngoặt cuộc đời . . . . . . . . . . . . . . . . . .161
Chương 10
Lần đầu tiên trong đời . . . . . . . . . . . . . . . . .171
Chương 11
Người lớn trong con mắt trẻ thơ và quyển vở cô tặng . .195
Chương 12
Kẻ đi - người ở . . . . . . . . . . . . . . . . . .209
Chương 13
Những khoảnh khắc gặp lại . . . . . . . . . . . . .220
Lời cảm ơn
Cám ơn anh Nghĩa nhiều! Nếu không có sự chia sẻ chân thành của anh về “cái hồn” của tiểu thuyết, chắc em chưa có duyên viết tiểu thuyết này. Cả Du nữa. Nếu em không nhẫn nại lắng nghe và hào hứng trao đổi về từng trang tiểu thuyết trong quá trình anh viết, hẳn anh không có ngần ấy cảm hứng để mà tự truyện.
Cuối cùng nhưng quan trọng hơn cả là vợ Quỳnh Lâm và con gái Quỳnh Mai - hai đọc giả đặc biệt của tôi! Không có sự khích lệ của hai người, chắc tôi đã không có ý định xuất bản. Tiểu thuyết này xin tặng em và con.
Chapel Hill, Tháng 1 năm 2005
NGƯỜI BẠN TÂM TÌNH CỦA TUỔI THƠ
Đọc xong tiểu thuyết Rái cá đồng và cô bé hàng xóm hẳn nhiều người phải ghen với tác giả vì anh đã có một kỉ niệm tuổi thơ tuyệt vời. Phải, rất tuyệt vời...
Cái tuyệt vời của cuộc sống đồng quê tác giả đã để lại trên từng trang sách. Chỉ chuyện mò bắt tôm đã ăn đứt một chương. Chỉ chuyện về con cá bò cũng đã có dư vài chục trang sách. Rồi chuyện con rô, con trê, con lươn con chạch đến trái khế ăn cùng Bống, tác giả đã bâng khuâng chuyện hết trang này đến trang khác mà còn cảm thấy chưa bộc lộ hết cảm xúc. Phải yêu lắm tuổi thơ ấy tác giả mới có thể giãi bày đến ngần ấy chữ cho kỉ niệm của mình. Thằng bé cua ốc ở vùng quê nghèo rớt cuối cùng đã trở thành nhà khoa học với vốn tri thức dày dặn vẫn còn nhớ và lưu luyến được với quá khứ ấy cũng thuộc loại hiếm hoi. Tôi đọc chầm chậm từng trang và nghĩ về tác giả Trịnh Thắng, nghĩ về vùng quê và gia đình anh. Tôi muốn nói một lời chân tình với song thân anh rằng xin được mừng tặng ông bà bốn chữ “Song hỷ lâm môn”, nghĩa là có hai điều vui mừng lớn đến với ông bà: đó là tiểu thuyết Rái cá đồng và cô bé hàng xóm và Nhà khoa học Trịnh Thắng. Hai niềm vui kết hợp trên một con người. Anh đã là nhà khoa học và trong anh có cả một nhà văn tương lai khi dám khẳng định mình bằng cuốn tiểu thuyết. Thật chẳng đáng mừng lắm sao!
Qua cuốn sách người đọc thấy Trịnh Thắng thật có duyên nợ với văn chương. Nếu anh đeo đuổi nó, hẳn cuộc đời anh sẽ có thêm sự nghiệp văn chương. Anh quan sát cuộc sống không chỉ bằng mắt mà bằng cả một cảm xúc mạch lạc. Anh cũng lại có đủ lượng ngôn ngữ để bộc lộ cho người đọc những quan sát tinh tế ấy. Tôi hoàn toàn rung cảm cùng tác giả trên từng trang sách bởi mình cũng có một tuổi thơ dài chơi với ao đầm sông suối…
Đã gặp tác giả trên trang sách như một người bạn tâm tình của tuổi ấu thơ.
Tôi không nói đến những hạn chế của Trịnh Thắng bởi lần đầu anh viết và húc luôn vào tiểu thuyết, một thể loại văn học mà thông thường không phải người viết nào cũng làm được. Nếu có những thiếu hụt cũng là dễ hiểu. Nhưng tôi biết, khi anh đọc lại từng trang viết của mình anh sẽ biết mình sẽ làm gì…
Hy vọng ở những tập sách tiếp theo Trịnh Thắng sẽ từng bước hoàn thiện mình để mở ra những trang vàng…
Hà Nội - đầu Đông 2005
1
CHUYỆN NGÀY XƯA
Hồi học lớp ba, tôi đã được mệnh danh là rái cá, chuyên xà lần, ngụp lặn nơi sông hồ, mương máng, hay những thửa ruộng mênh mông. Vật sở hữu duy nhất của tôi là chiếc quần đùi cùng cái giỏ tre kín hom thắt ngang hông, khi đi thì nhẹ bấc còn khi về thì nặng trĩu tôm cá. Không ai trong làng biết được bí quyết bắt cá của tôi, ngoại trừ cô bé hàng xóm kém tôi một tuổi tên Bống, người đã cùng tôi gửi gắm bao kỷ niệm vui buồn nơi đồng quê yên ả nhưng sống động một tuổi thơ...
Tôi là con trai lớn trong gia đình có bốn anh em. Bố tôi vào bộ đội năm chưa học hết lớp chín (tức lớp 11 bây giờ), sau bị nhiễm chất độc chiến tranh nên đơn vị cho về phục viên. Mẹ tôi học hết lớp bảy, vì xa cơ nhỡ bước nên phải ngậm ngùi ở lại quê nhà đan võng làm ruộng. Bố mẹ tôi lấy nhau, rồi ra ở riêng với hai bàn tay trắng, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời kiếm kế sinh nhai. Nghèo đói, nhưng bố mẹ rất thương yêu nhau. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì điều đó.
Bống là con một. Mẹ Bống học hết lớp bốn, nhưng lấy được ông chồng là cán bộ địa chính của huyện. Do bị hen xuyễn nặng nên bố Bống phải về mất sức. Mọi chi tiêu trong nhà đều phải trông đợi vào sự tảo tần của bà Khang (mẹ Bống). Có lẽ vì thế bà là chúa tể trong nhà, nói gì ông Khang cũng phải nghe theo. Bà Khang có tiếng là người chanh chua trong làng nên nói đến bà, ai cũng phải lắc đầu ngán ngẩm. Khác với tôi, Bống hay bị bà Khang quát tháo, đánh đập vô cớ nên lúc nào cũng nơm nớp sợ bu (mẹ).
Gia cảnh hai nhà cũng na ná nhau, đều thuộc loại nghèo xơ xác hồi đó. Nhà tôi thì chỉ có cái xác nhà cấp bốn xây năm 1980. Ngoài vài tạ thóc, mấy con lợn cấn và vườn chuối thì chẳng còn gì đáng kể. Nhà Bống cũng chẳng khá hơn. Ngôi nhà bốn gian bằng gỗ ọp ẹp do ông bà Bống để lại và cây khế sau bếp là những gì nổi bật nhất khi bước vào sân.
Nhà chúng tôi ở rất gần nhau, cách có một nhà hàng xóm. Từ nhà này có thể nhìn sang nóc nhà kia được. Chung cảnh nghèo khổ, lại ở gần nhau như vậy đã làm tình bạn giữa tôi và Bống nhen nhúm rồi cứ thế phát triển theo năm tháng cùng những câu chuyện sinh động mang nặng dấu ấn tuổi thơ.