Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.053
123.234.881
 
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm
Trịnh Thắng
Chương 5

5

KHÁM PHÁ HANG TRÊ

 

Chắc ông trời động lòng thương tình nên ngay ngày hôm sau khi tôi được mãn hạn kìm kẹp, thì trời đổ mưa rào. Nước từ các ruộng nước và các cống thải ào ào đổ ra sông. Nghe các cụ kể lại, vào những cơn mưa đầu mùa thế này thường có rất nhiều cá rô lóc ngược từ nơi thấp lên nơi cao qua các lỗ nước chảy. Lúc cơn mưa vừa ngớt, cá rô sót mắt nên càng lóc tợn. Đó là lúc người ta vác giậm đổ ra đồng bắt rô. Thịt rô lóc nổi tiếng là trắng, ngậy và thơm phức. Rán, nấu canh, hay kho lên rồi phơi nắng cho giòn đều là những món khoái khẩu của người dân quê tôi. Với tôi lúc này chẳng còn gì thú vị bằng việc đi bắt rô lóc nên tôi xin mẹ cho vác giậm ra đồng lúc trời vừa ngớt mưa. Khi đó tôi vẫn chưa hề có ý định là sẽ đi bắt cá trê hay bắt cá bò.

 

Mẹ chuẩn bị cho tôi cái giậm nhỡ, đeo giỏ thật chặt ngang hông tôi, không quên đội lên đầu tôi cái nón mê quen thuộc, và khoác lên mình tôi cái áo mưa ni lông truyền thống làm từ vỏ bao đạm. Được nai nịt gọn gàng, tôi lon ton vác giậm chạy sang nhà bà Khang, xin bà cho Bống đi cùng. Nghe tôi nói cho Bống đi bắt rô lóc, bà Khang sáng mắt lên vì mới đây thôi bà được tận mắt chứng kiến con gái bà đi bắt tôm cùng tôi và ngày nào cũng mang về những xà cạp đầy tôm càng, tôm trứng. Bà tin lần này đi cùng tôi, chí ít Bống cũng kiếm được bữa rô nấu ra trò. Không hề lưỡng lự, bà gật đầu cười tươi, đoạn nói như để động viên hai đứa:

- Đi mau rồi về nhé. Nhớ tránh chỗ nước xoáy ra. Với lại đừng ra khu đồng nương và chiều Cai Học ma nó ghìm chết đấy.

 

Tôi mở cờ trong bụng, vâng dạ liên hồi, rồi xúm vào cùng bà Khang chuẩn bị áo mưa và giỏ cho Bống. Tôi thấy nhà bà Khang không có giậm nhưng cũng có cái rổ rửa rau vừa nhỏ vừa xinh rất hợp với đôi tay bé nhỏ của Bống nên gợi ý bà Khang cho Bống được cầm cái rổ ấy theo. Chẳng biết là Bống sẽ làm gì với cái rổ đó nhưng có nó, biết đâu có lúc chúng tôi sẽ phải dùng đến.

 

Hai đứa vừa chạy ra phía cánh đồng vừa nói cười rôm rả vì lại được tự do sau một tuần nghiệt ngã. Ngoài đồng cũng có vài bóng người vác giỏ và giậm hối hả đi tìm các chỗ nước chảy rồi quăng giậm bắt cá. Chẳng ai dạy tôi cách choạc giậm bắt cá (ngày xưa có lúc tôi đi đánh giậm nhưng đó là đánh giậm tép không giống với quăng giậm bắt cá). Nhưng theo kinh nghiệm của tôi lúc đi chăn vịt, cá thường kéo đến hứng nước ở chỗ có nước chảy nên choạc giậm vào đó nhất định bắt được cá. Theo đó, cứ chỗ nào có nước chảy là tôi mon mén tiến lại, quăng giậm ra phía xa, kéo nhanh vào chân thác rồi đột ngột nhấc lên. Không ít thì nhiều, mỗi lần như vậy cũng có vài chú lỏng cò, sọi cờ, hoặc may mắn thì được con rô hay con trê con nhảy nhót tung tăng trong giậm.

 

Thỉnh thoảng nghe thấy tiếng sạch sạch, rách rách của cá rô lóc, chúng tôi giường như nín thở để định hình xem con rô đang lóc ở đoạn nào của thác nước để còn lao ra vồ. Do chưa có kinh nghiệm nên mấy lần đầu chúng tôi đều vồ hụt vì rô lóc rất khoẻ, nhanh và bất ngờ, trong khi nước chảy cứ loang loáng nên hễ cá vụt khỏi tay là hầu như mất dấu. Do rô lóc ngược nên chắn giậm ở chân thác nước chẳng có tác dụng gì. Tôi nghĩ ra cách dùng rổ mau của Bống để chặn đầu trên của dòng chảy. Mỗi lần tôi chuẩn bị lao ra vồ thì Bống cũng chuẩn bị chắn rổ ở phía trên thác để nếu con rô có tuột khỏi tay tôi thì cũng sẽ phóng vào rổ. Lúc đó Bống chỉ việc nhấc rổ lên là được. Kế hoạch bắt rô lóc kiểu đó xem ra thật hoàn hảo. Chúng tôi phối hợp với nhau rất nhịp nhàng ăn ý nên hầu như sau đó không con rô nào thoát được. Bắt rô lóc thật thú vị, nhưng ngay cả khi không nghe tiếng rô lóc, chúng tôi cũng không bỏ lỡ một lỗ chảy mà vẫn tung giậm ra xa, kéo nhanh vào và nhấc lên như một động tác đã được tôi luyện thuần thục.

 

Mải vui với các thác nước và những con cá, hai đứa đặt chân đến bờ đầm từ lúc nào mà không hay. Trước mắt chúng tôi lúc này là cột nước chảy rất xiết từ một thửa ruộng trắng băng đang đổ ào ào xuống đầm. Sức nước mạnh làm sói mòn những đám đất xung quanh chân thác tạo nên một khoảng nước sâu hoắm giống như cái ao con mọc ra từ bờ đầm. Chắc chỗ đó rất lắm cá. Theo thói quen, tôi quăng giậm ra xa, nhưng lần này, đầm quá sâu, nên giậm theo lực quăng cứ thế chìm nhanh xuống đáy đầm kéo cả người tôi lao theo đè vào cán giậm làm

nó gãy rắc. Thiếu chút nữa, cái đầu lởm chởm còn lại của cán giậm đã đâm vào mắt trái tôi. Lạy trời. Sao may thế. Nghĩ mà hết hồn. Suýt nữa thì mẹ lại phải nuôi tôi báo cô. Bống hoảng hốt định lao theo thì sựng lại sởn gai ốc khi nhìn thấy dòng nước xoáy cuộn tròn tung bọt trắng xoá đang hút cái giậm vào mồm thác nước và nhấn chìm nó xuống trước khi đưa nó ra xa. Trong khi đó tôi cũng đã làm vài ngụm nước, mồm ho sặc sụa, chới với vì mất thăng bằng, cố xoay sở trong cái nón mê và chiếc áo ni lông gò bó, lấy lại tư thế bơi sải, vượt khỏi dòng nước xoáy, nhoài về phía cái giậm đang dập dình chổng gọng chờ đợi ngoài khơi. Chạm tay vào giậm, định đứng xuống cho đỡ mỏi thì than ôi, tôi có cảm tưởng như nước đầm sâu không có thước nào đo được. Tôi chới với mãi mà chân vẫn không chạm đất, đành phải guồng chân bơi đứng một lúc để lấy lại sức rồi mới một tay gạt nước, một tay kéo giậm vào bờ.

 

Trên bờ Bống tái nhợt mặt mày vì sợ. Tôi chẳng biết Bống sợ nước xoáy hay sợ tôi chết đuối. Rất có thể là Bống sợ nước xoáy hơn vì ở nhà suốt ngày bà Khang doạ Bống về những người bị ma đầm dìm chết ở những chỗ như thế này. Đây lại là lần đầu tiên Bống được ra đầm nên nhìn thấy nước xoáy là lập tức tưởng tượng ra cảnh chết chóc kia. Vậy là tôi đã hiểu. Bống vẫn đứng đó run cầm cập. Tôi tiến lại vỗ về:

- Em sợ lắm à? Nhìn người ta này. Có làm sao đâu mà sợ.

 

Bống gật gật nhẹ đầu như vẫn chưa thoát khỏi nỗi sợ hãi nhưng cũng bắt đầu nhanh nhẹn hơn khi thấy tôi vẫn tỏ ra thản nhiên. Thú thực trước mặt Bống tôi cố tỏ ra như không có chuyện gì nhưng trong lòng thì tôi có lý do để suy tư.

Hôm nay thật không may, chưa bắt được nhiều cá mà giậm thì đã gãy. Chắc mẹ cũng chẳng đánh tôi vì sự cố này, nhưng sẽ trách tội vì tôi đã không nghe lời bà Khang là phải tránh xa đầm nước. Giờ thì chẳng còn lý do gì mà ở lại bờ đầm này nữa nên tôi quay ra nói với Bống:

- Chúng ta không bắt cá ở đầm này nữa. Quay lại đồng cao đi.

Tôi vừa dứt lời thì giật thót mình bởi tiếng hét thất thanh của Bống:

- Ôi. Má anh chảy máu.

 

Tôi đưa tay vuốt má bên trái thấy hơi xót và rồi đau chói khi các ngón tay vô tình đẩy sâu cái giằm từ cán giậm khi nãy đâm vào. Tôi đã bị giằm đâm mà không biết, chắc khi nãy do mải chống chọi với con nước và cái giậm nên không thấy đau. Bây giờ Bống nói tôi mới vỡ lẽ. Tôi đang định cúi xuống lấy nước rửa mặt thì Bống tiến sát vào, kiễng chân và đưa tay sờ nhè nhẹ vào chỗ má tôi đang rỉ máu, đoạn reo lên:

- A! Em nhìn thấy cái giằm rồi. Nó chìa ra đây này. Anh để em rút ra cho.

 

Nghĩ đến đoạn rút giằm là tôi đã thấy gai cả chân tóc vì thỉnh thoảng tôi cũng bị gai tre đâm vào gan bàn chân. Lúc mẹ lấy gai bòng khêu thì chói phải biết. Giờ giằm lại ở trên mặt, thật khó tưởng tượng là sẽ chói đến mức nào. Nhưng tôi vẫn ngồi xuống, nhăn mặt lại rồi giật thót mình mỗi khi tay Bống chạm vào cái chuôi giằm. Cả hai thờ phào nhẹ nhõm khi cái giằm vàng như cọng rơm to bằng nửa hạt thóc được Bống lấy ra. Một giọt máu tươi rói trào ra như để rửa đi những gì bẩn tưởi mà cái giằm kia vô tình cấy vào trong lớp da vô tội.

 

Giờ thì chẳng còn giậm mà choạc cá nữa. Tất cả chỉ còn trông cậy vào những tiếng rách rách và cái rổ mau của Bống. Cuộc săn cá rô lại tiếp tục. Hai đứa lại cùng nhau nghe ngóng phát hiện những chỗ có cá rô lóc. Bống vẫn cầm chiếc rổ mau lê bước còn tôi thì thật khổ sở với cái giậm không cán nên chẳng có cách nào mà vác nó được đành phải úp cái giậm vào đầu và nhìn đường đi qua những mắt đan của giậm. Đến chỗ có cá rô lóc tôi phải ngồi thụp xuống để Bống kéo giậm ra giùm trước khi chúng tôi vào cuộc.

 

Vừa hành quân vừa bắt cá kiểu đó, chẳng mấy chốc chúng tôi đến một con mương khá to, nước đục ngàu màu đất, hai bờ cỏ gừng mọc xanh rì, chạy giữa hai thửa ruộng cao với rất nhiều lỗ nước chảy, nom thật màu mỡ, hứa hẹn có nhiều cá rô lóc. Nhưng đi mãi, đi mãi chúng tôi cũng chẳng nghe thấy tiếng rách rách nào. Hai đứa chốc chốc lại nhìn nhau, thở dài não nuột. Tôi nghĩ bụng: “Hay gãy giậm rồi thì hết lộc. Bị phải vía thế nào.”

 

... Nhưng kìa, ngay trước mắt tôi chưa đầy chục mét, một con cá đen xì to như chuôi dao tung mình lên không từ giữa lòng mương nghe sạch một cái rồi đáp vào giữa đám cỏ trên bờ và mất hút. Thấy lạ, tôi lấy tay ngăn Bống lại và lò dò tiến lên xem con cá còn nằm ở đó không. Nhưng ngay lập tức hai con cá khác lại liên tiếp từ lòng mương

 

nhảy vọt lên đúng theo vòng cung ấy để đáp vào đám cỏ vừa rồi và cũng chẳng để lại dấu vết gì. Tôi nghĩ, hay là cá ma. Có bao giờ tôi nhìn thấy cá nhảy kiểu này đâu. Mà đúng rồi, mới tuần trước bà Khang còn nói chim xa cá nhảy là gì. Thế thì đúng là cá ma rồi.

 

Thần hồn nát thần tính nhưng tôi vẫn rón rén tiến lại chỗ đám cỏ đầy bí ẩn đó. Nhìn quanh chẳng thấy gì khác thường. Lạ quá nhỉ. Rõ là mấy con cá vừa nhảy vào đây, sao lại không thấy đâu. Không thể như thế được. Chả lẽ là cá ma thật. Bống cũng hồi hộp chẳng kém, nên đã áp sát sau tôi từ lúc nào, giương mắt tròn xoe ngơ ngác, bán tín bán nghi.

 

Đang rất chú ý, chúng tôi chợt nghe những tiếng óc óc rất nhẹ nhưng dội lên từng hồi, rồi lại chìm xuống như tiếng người ta lắc quả dừa non khi nước chưa đầy gáo. Người nào rảo bước đi qua chắc không thể nghe được tiếng động đó, hoặc ngay cả khi đi chậm nếu không được mấy con cá vừa nãy chỉ điểm thì cũng không thể nào nghe được âm thanh trầm mặc ấy. Tiếng đó phát ra ngay dưới chân buộc tôi phải cúi xuống tìm kiếm. Đây rồi, một lỗ hổng to bằng hang cua được ngụy trang bởi mấy lá cỏ gừng tua tủa vẫn còn nhầy nhẫy rớt cá. Mà sao giống cái thứ rớt của con đinh trê trên áo Bống quá vậy. Hình ảnh đó làm tôi nghĩ nhiều đến đây là một hang trê. Xem ra cùng lúc có đến ba con trê nhảy vào với những âm thanh cứ trào lên từng đợt như vậy khiến tôi có cảm giác dưới đó có rất nhiều cá. Tôi buột miệng nói với Bống:

- Chúng ta phát hiện ra một hang trê rồi. Em chuẩn bị cùng người ta bắt cá nhé.

Bống nhảy cẫng reo lên:

-Thật vậy sao? Anh nói thật à. Vậy là anh em mình sắp bắt được trê rồi. Nhưng liệu có đinh trê không anh?

 

Tôi vẫn còn ít tuổi, nhưng thấy Bống còn ngây thơ hơn tôi nhiều nên cũng ra giọng đàn anh:

- Em đúng thật ngây thơ. Đinh trê lấy đâu mà nhiều vậy. Nhưng cứ thử thì biết.

Với kinh nghiệm lần mò sông nước lâu nay, tôi nghi là cái hang bí mật ấy có đường thông ra mương nên rón rén lội xuống làm nước ngập đến bụng và lấy tay dò dẫm các lỗ thuộc khu vực hang có thể thông ra. Tôi còn cẩn thận thọc tay vào tất cả các lỗ đó và nhoài người ấn hết cỡ để chắc chắn là chúng không thông đi đâu cả. Khi đó tôi mới yên tâm nhảy lên bờ để bàn với Bống kế hoạch đào hang trê.

 

Chưa từng có kinh nghiệm về đào hang trê, chúng tôi không thể lường trước được hang ấy rộng đến chừng nào và phải bắt lũ trê trong đó ra như thế nào. Trong tay chúng tôi lúc đó chỉ có cái giậm, cái giỏ, cái rổ mau và cái cán giậm bị gẫy rơi ra mà tôi định bụng mang về cho mẹ cạp lại. Thông thường người ta phải đào hang bằng thuổng, hoặc ít nhất cũng phải là những dụng cụ bằng kim loại. Nhưng hôm nay may quá, mưa rào vừa ngớt nên đất bờ mương rất mềm, nhấn chân một cái cũng đã thấy đất lún xuống hàng mấy phân. Không hề bối rối trong việc tìm kiếm cái đào, tôi rút ngay chiếc cán giậm đang giắt sau lưng, chọc ngay đầu lởm chởm vào cửa hang đánh sụt một cái ngọt sớt. Theo đó là những tiếng ùng ục cứ thế dội ngược từ trong hang ra ngoài cùng với hàng loạt tiếng kịch kịch đua nhau chạm vào cán giậm. Cầm cán vợt mà thấy nó cứ rung lên từng hồi, đến sướng tay, lòng tôi vui khôn xiết. Tôi vội rút cán giậm ra thì thấy có máu dính ở đó kéo theo cả một miếng thịt cá trê hồng hồng và một miếng da cá đen óng như da trâu. Điều đó càng khẳng định là có rất nhiều cá trê. Không chần chừ gì nữa, tôi đưa hai tay vào trong, dùng hết sức bửa đất ở miệng hang ra hai bên, làm nó bung ra rộng hoác đen ngòm, đầy bí hiểm. Chỉ ba bốn lần bới vậy mà miệng hang đã được mở ra đủ để tôi có thể cúi xuống bắt được cá.

 

Quá háo hức, tôi thò cả hai tay xuống hang trong tư thế ngồi định mò và bắt cá lên. Nhưng khoảng cách từ miệng hang đến mặt nước trong hang sâu hơn tôi tưởng nên tôi không chạm vào con trê nào trong lần thò tay thứ nhất. Tôi buộc phải nằm ẹp xuống bờ mương, nghiêng mặt sang một bên để có thể thả hết cỡ hai tay xuống. Vẫn nhớ như in động tác bắt trê là phải nhẹ nhàng nên tôi cứ thả tay xuống rất từ tốn, không hề phát ra tiếng động khi các ngón tay chạm nước. Bỗng tôi rùng mình vì cả đàn trê lúc nhúc cọ người vào bàn và cổ tay tôi. Một cảm giác mơn man, trơn truội thích không thể chịu được. Tôi muốn cho Bống thử tí nhưng lại sợ Bống chưa có kinh nghiệm bắt trê sẽ động tay mạnh thì lũ trê này sẽ nẻ cho Bống không có đường mà rút tay lên. Nghĩ vậy tôi lại không cho Bống thử nữa. Lũ trê có vẻ càng lúc càng thích cổ tay tôi, chúng như đang trống trải tự nhiên có cái cột thịt cưng cứng nên cứ thi nhau cọ râu, rồi cọ mình vào tay tôi như để gãi ngứa. Có con còn hứng lên lắc rất khẽ cái ngạnh vào cổ tay tôi như thể con nghé con cọ chiếc sừng non vào chân mẹ nó. Hình như càng cọ chúng càng phởn chí

nên cả lũ trê chồng chéo chen chúc nhau để được gần tay tôi hơn. Sau này tôi mới biết đó là hiệu ứng nhiệt do tay tôi ngâm lâu trong nước, làm nước xung quanh nóng dần. Giống trê có đặc tính là thường tìm đến những chỗ ấm hơn để trú thân. Nên trong trường hợp này, chúng tranh nhau đến sát tay tôi thì không có gì là lạ.

 

Quanh tay tôi đã dày đặc cá trê, đến mức mà tôi có cảm giác là chỉ cần hơi nhích tay một tí là bị chúng phát hiện và nổi giận ngay. Mà cả đàn, mỗi con chỉ cần tặng cho tôi một ngạnh thì cũng đủ để tôi nằm giường đến hàng tháng trời. Nhớ lại những ngày đau ốm do cá bò đánh, tôi thực sự thấy sợ và liên tưởng đến lũ cá trê đang hiền thục thế này nhưng khi tôi rút tay lên thì lại là chuyện khác. Mồ hôi trán bắt đầu vã ra. Nét mặt tôi biến sắc. Toàn thân tôi cứ nằm ì ra đó bất động không dám nhúc nhích gì. Bống thấy tôi cứ giữ nguyên tư thế từ nãy đến giờ mà không hề động đậy gì nên cũng có vẻ sốt sắng, đoạn cất tiếng thằm dò:

- Anh thấy gì vậy? Sao anh không bắt đi?

 

Tôi suỵt một tiếng dài ra hiệu cho Bống đừng nói thêm câu gì cả. Bống im như hạt thóc chờ tin. Tôi càng lúc càng căng thẳng vì bị rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, hai tay đã bị lũ trê vây hãm không thể nhúc nhích được. Trong khi đó, nằm liên tục từ nãy đến giờ làm hai chân tôi bắt đầu tê dại. Tôi muốn lật mình co duỗi chân vài cái cho đỡ cái cảm giác bì bì, dại dại cứ mỗi lúc một tăng. Chỉ hơi nhích chân một tí là lại đau như có hàng ngàn con kiến đang thi nhau cắn chân vậy. Theo cách tự nhiên, lúc này độ tập trung của tôi chuyển dần về hai chân và thờ ơ hơn với hai tay đang bị kiểm soát bởi lũ trê. Tôi định tìm cách xoay người nhưng lúc đó cả hai tay tôi vẫn đang thõng trong hang, còn hai chân tê dại như của đi mượn rồi còn đâu mà nhúc nhích được. Tôi buộc phải dùng đến bụng để cố xoay người một chút cho thoải mái hơn, nhưng vừa lúc đó thì hai tay tôi vô tình cũng bị nhấc theo đánh rùng một cái trong hang. Thấy động, lũ trê nhao lên đồng loạt đánh ngạnh, nghe sành sạch trong hang. Hàng chục nhát ngạnh găm vào ngón tay, cổ tay, và cẳng tay tê buốt đến tận óc buộc tôi phải thét lên: “Á... Trê đánh” và mê man rút hai tay khỏi lũ trê đang không ngừng tung hứng nẻ ngạnh vào vật thể lạ. Mất đà, thiếu một chút là tôi cắm cổ xuống hang, tha hồ làm bia cho bọn trê tra tấn. Cũng may, vừa nhìn thấy tôi bập bênh chuẩn bị cắm đầu vào hang thì Bống nhào vào, nắm chặt hai chân tôi và ra sức kéo tôi lại phía sau.

 

Vừa thoát khỏi miệng hang, tôi lăn lộn trên bờ mương, vung tay vật vã với những cơn đau buốt giật giật nhói đến tận tim. Đau quá, lăn lộn không đã, tôi toan đứng bật dậy và nhảy như đứa trẻ phải bỏng thì đôi chân tê dại kia không nghe lời, khuỵu xuống làm tôi ngã dúi. Tôi chỉ kịp lật ngửa người lên và hét như quát vào tai Bống:

- Quay mặt đi cho người ta chữa mẹo.

 

Bống không hiểu là mẹo gì nhưng cũng quay phắt mặt đi. Tôi thọc cả hai tay vào trong chiếc quần đùi ra sức day những chỗ bị trê đánh vào chỗ “của quý”. Càng buốt tôi càng day nhanh và mạnh vì bà tôi có lần bảo là, giống trê nẻ rất kị cái chỗ đó, nên phải day càng mạnh thì càng chóng khỏi. Day đến mức cái đó của tôi bị ửng đỏ, rồi mấy ngày sau bị phù mọng, phải nướng cứt giun bôi vào mấy ngày liền mới xẹp xuống. Trong lúc cả hai tay tôi vẫn đang trong quần chuẩn bị kết thúc động tác day cuối cùng thì Bống bất ngờ quay lại. Thấy tôi đang mê man ra vậy, Bống xấu hổ quay mặt đi nhưng vẫn gặng hỏi:

- Anh làm gì thế?

Lúc đó tay tôi đã đỡ buốt nên tôi bình thản phân trần:

- Bà người ta dạy phải làm vậy mới hết đau.

 

Bống xấu hổ bỏ đi một đoạn xa không dám ngoảnh mặt cho đến khi tôi hết ngượng và chủ động gọi Bống quay lại:

- Bống ơi. Hết đau rồi. Quay lại để tiếp tục bắt trê. Đúng là trê đánh không sâu như giống cá bò nó vạng nhưng cái buốt của nó thì như dao cắt, kim đâm vào lúc trời rét. Hết đau rồi tôi mới dám đưa tay lên ngó vào những vết nẻ do lũ trê vừa đánh. Thật lạ, nó không chảy máu nhiều, mỗi vết chỉ rớm một chút máu thâm như máu cá, vuốt nhẹ cái là hết, nhưng ấn mạnh hơn thì lại rất buốt nên làm việc gì lúc này cũng phải nhẹ nhàng, thận trọng. Lẽ ra người ta phải nhắm mắt nhắm mũi để nặn cho hết máu từ những chỗ bị nẻ mới hết buốt. Nhưng tôi không đủ can đảm làm vậy cho hơn chục nhát đâm, đành mặc kệ để cho chúng cứ thế tím đen lại vì máu tụ bên trong.

 

Bây giờ thì việc tiếp tục bắt trê bằng tay là không thể nên chúng tôi đành phải dùng đến chiếc rổ mau Bống mang sang. Khổ nỗi, cái rổ to quá miệng hang nên tôi đành phải dùng tay tiếp tục phá cửa hang. Cực chẳng đã, vừa ấn bàn tay xuống mép hang thì cảm giác chói buốt lại dậy lên đến tận óc rồi xuống cả tim. Tôi phải vẫy tay và thổi phù

 

 

phù vào đó cho đỡ đau rồi vơ lấy cái cán giậm hồi nãy thọc nấy thọc đẻ xuống chỗ đất xung quanh miệng hang theo kiểu người ta đi thông tiểu ở nghĩa địa. Sau nhiều lần thông cán giậm, đất tơi ra nhiều, tôi bảo Bống dùng tay bốc đất vứt xuống mương. Cuối cùng, cửa hang được mở rộng thật to, có cho cả rổ vào mà chao ngoáy cũng chẳng sao.

 

Đã đến lúc dùng rổ múc trê lên bờ. Vì đau tay nên tôi không làm được việc ấy mà bảo cho Bống cách chao rổ bắt trê. Tôi giữ chân Bống còn Bống lại nằm nhoài người như tôi lúc nãy chúc rổ xuống để chao trê. Không ngờ cách đó thật hay. Bống vừa chao một cái, nhấc lên đã nghe những tiếng soành soạch giòn giã. Chắc có đến hàng chục con trong rổ - Tôi nghĩ vậy. Bống thì sung sướng reo lên:

- Anh ơi. Nhiều quá. Nhưng em không bưng rổ lên được.

Nghe Bống nói vậy tôi hình dung ngay vì chính tôi vừa nãy chỉ rút tay lên mà cũng không xong, suýt nữa thì đã làm bia cho trê. Giờ trong tay Bống còn có thêm cả rổ trê. Một tình huống thật khó, nhưng không còn cách nào hơn. Tôi đành phải làm theo cách Bống đã làm với tôi, tức là Bống giữ chắc miệng rổ còn tôi từ từ kéo hai chân Bống về phía sau đến khi rổ trê lên được miệng hang thì dừng lại.

 

Hơn chục chú trê đen óng, con nhỏ cũng phải bằng cái chuôi dao, con lớn to như cổ chân tôi, dài như chiếc liềm xén lúa, thi nhau trườn giãy cố thoát ra cái rổ mỏng tanh nhưng ngoan cố. Chúng tôi để giậm ở một nơi khô ráo và chắc chắn rồi đổ các con trê vào đó. Cứ thế, Bống múc trê còn tôi làm thợ kéo phía sau. Thế mà hay. Bống chẳng kêu đau gì cả, chỉ có tấm áo phía trước Bống là mấy chốc đã nhầy nhụa bùn đất và lá cỏ gừng. Cái giậm thì cứ phình ra rồi xị xuống vì càng lúc càng bị đè nặng bởi cơ man nào là trê.

 

Mãi rồi cũng đến hồi kết. Bống chao đi chao lại trong hang mà chẳng được con nào nữa. Lúc này, phân nửa cái giậm là cá trê, trông đến thích mắt. Tôi thì không còn gì vui bằng và định bụng bỏ hang đó ra về. Nhưng Bống thì cố nán lại ngó nghiêng cửa hang và nhìn thấy vẫn còn tiếng cá quẫy đuôi bên trong nên nhảy thụp xuống lòng hang. Tôi chưa kịp ngăn lại thì Bống đã cúi xuống lấy tay mò đáy hang, rồi đột ngột giơ tay lên vẫy loạn, đứng như trời trồng ngoác miệng ra khóc thét:

- Á..á... hu... hu... Anh ơi... Em bị trê đánh rồi...

- Bảo mà. Trê đánh là đau lắm. Dại chưa. Phải hỏi người ta đã chứ - Lúc đó tôi cũng thấy bực bực trong lòng nên mới trách Bống vậy.

 

Bống đau tay nên không bám vào tôi được vì vậy tôi phải cầm chặt cổ tay và chổng mông kéo Bống lên bờ.

Do cả hai đứa đều bấm chân vào một tảng đất trên miệng hang làm nó xệ và ụp xuống lấp đi một phần lòng hang đúng vào lúc hai chân Bống vừa kịp nhảy ra chỗ đất cứng hơn. Bống chạy nhảy loạn xạ, miệng méo sệch vì buốt. Tôi hiểu hơn ai hết Bống đau như thế nào trong lúc này, nhưng không thể giúp Bống chữa đau bằng mẹo được. Chả nhẽ Bống là con gái mà tôi lại cho Bống chọc tay vào chỗ ấy của tôi. Như vậy ngượng lắm, coi sao được. Nhất định là không được. Hơn nữa là con gái thì làm gì có cái của tôi nên cũng không thể bảo Bống tự làm được. Tuy vậy, thấy Bống đau, tôi không thể làm ngơ mới cầm tay Bống kéo về phía bờ ruộng rửa tay cho Bống và rồi mút hết máu từ chỗ Bống bị trê nẻ. Có lẽ máu ứ đọng ra được hết nên Bống không còn rơi nước mắt nữa. Giờ đây trên khuôn mặt nhỏ bé của Bống là một nụ cười rất xinh.

 

Chẳng còn thiết tha gì đến mấy con cá còn sót lại trong hang, chúng tôi thu xếp đồ đạc định bụng ra về. Ngặt một nỗi, cá trong giậm quá nhiều, cực nặng, cả hai cùng cong lưng lên để khiêng cũng không nhấc nổi giậm lên mặt đất. Bất quá, hai đứa phệt mông xuống đất, thở hổn hển, chờ tính cách. Ngoài đồng lúc đó chẳng còn ai mà nhờ nên tôi bảo Bống chạy về gọi bố ra vác giậm còn tôi ở lại trông cá. Thấy không còn cách nào hay hơn, Bống gật đầu rồi vụt chạy dọc theo bờ mương về làng để gọi bố tôi ra.

 

Bống đi rồi, chỉ còn mình tôi ngồi đó ngắm nghía lũ trê đang lúc nhúc trong giậm và nhớ về món trê rang nỏ nồi với riềng, xả và khế chua rồi đem ra phơi nắng cho thật khô. Thứ đó mới gọi là hảo hạng, vừa thơm, vừa dai, vừa nảy như cao su, lại có vị ngọt đằm thắm nuốt đến đâu là biết đến đấy. Nếu ai đã từng được ăn một khúc cá trê như vậy thì cả đời còn lại cũng không thể nào quên được hương vị đậm đà của nó... Bố tôi và Bống đã ra đến nơi mà cảm giác thèm được ăn trê phơi vẫn chưa chịu tạm biệt tôi để đi chỗ khác.

 

Nhìn vào cái giậm nhung nhúc trê, bố tôi không tin ở mắt mình, ồ lên một tiếng rồi mỉm cười nhấc giậm lắc lắc vài cái cho thật đã. Tôi khoái chí, trong lòng cứ khấp khởi chờ đợi một lời khen từ bố. Chắc bố hiểu được nỗi lòng tôi lúc đó nên gọi hai đứa lại vỗ vỗ vào vai cả hai và nói:

- Hai con giỏi lắm. Mấy ai bắt được hang trê như thế đâu. Phen này hai nhà ăn đến cả tháng không hết.

Nói đoạn, bố bảo tôi dẫn ra cái hang cá giờ đã bị đất lấp đi một phần nên không toát hết được vẻ sâu thẳm và huyền bí lúc đầu của nó. Tôi nghĩ chắc mấy con cá còn lại lúc nãy cũng bị đất lấp đi và chết rồi nên không nói gì đến chuyện đó nữa.

 

Cả ba người lục tục kéo nhau về. Bố bưng giậm đi trước, hai đứa tay rổ tay giỏ lon ton theo sau như hai đồ đệ tí hon. Giậm trê quá nặng và kềnh càng làm bố phải bê khệ nệ, lê bước chậm chạp trên đường. Tuy thỉnh thoảng bố phải dừng lại để nghỉ vì mỏi tay nhưng không ngớt hỏi chuyện làm sao chúng tôi lại tìm ra hang trê và bắt chúng ra bằng cách nào. Chúng tôi tranh nhau kể, chẳng đứa nào chịu nhường đứa nào, đôi lúc còn cãi nhau vì đứa này hay đứa kia kể còn thiếu một tí, làm câu chuyện càng trở nên hấp dẫn, mới mẻ ngay cả đối với bố, một người đã có quá nhiều từng trải sương gió chốn đồng quê.

 

Ba người vừa đến ngõ thì đã thấy mẹ tôi và bà Khang tất tưởi chạy ra như thể hai người đã đón ngõ từ lúc nào. Bà Khang, không bao giờ thích là người nói sau, lên giọng sởi lởi không giấu nổi được niềm vui tràn trề và sự tò mò đang dâng lên cao độ:

-Xem nào. Xem nào. Hai đứa bắt được nhiều cá lắm hả.

Còn mẹ tôi thì chỉ cười chứ chưa kịp nói gì.

 

Khi vừa chạm tay vào miệng giậm, hai người giật thót mình, lùi lại phía sau một chút vì cá trê nhung nhúc vượt quá sức tưởng tượng của hai bà mẹ vốn cũng chỉ dám nghĩ một hang trê cùng lắm có độ vài chục con. Lấy lại thăng bằng xong, hai người mỗi người một đầu giậm còn bố tôi đi giữa khiêng chiếc giậm vào giữa sân để đếm cá. Cả thảy có hơn năm trăm con trê. Tất cả đều đen óng, không hề có con nào màu vàng như đinh trê. Hoá ra, cá trê ở hang là phải đen như vậy.

 

Mẹ tôi và bà Khang, chẳng ai bảo ai, mỗi người nhặt một chiếc chậu thau đang gần ngay đó rồi chia cá thành hai như hai cỗ máy. Nhìn hai người chia cá mới thật là thành thục. Hầu như mỗi lần vục tay xuống đống trê là y như rằng họ đều tóm được hai con, rồi đưa ngang tầm mắt nâng lên hạ xuống một hồi như để ước xem hai con có to và nặng bằng nhau không mới chịu vứt chúng xuống chậu. Bà Khang thì chả hay nói, nên thỉnh thoảng lại chép miệng bình luận:

- Chưa được. Con này vẫn còn nhỏ hơn một tí rồi ném nó trở lại giậm để chọn con khác thay thế.

Loáng cái hai chậu đã đầy cá mà giậm vẫn còn ối ra. Hai bà mẹ phải huy động thêm hai cái xô con đựng nước mưa ở góc sân để tiếp tục chia cá.

Khi con cá cuối cùng rời giậm, bà Khang đứng dậy vươn vai ngáp dài một cái cho hết căng thẳng vì phải tập trung để ước lượng cá, rồi tươi cười bảo mẹ tôi sang nhà bà lấy khế về mà nấu cá:

- Cô Dung ơi. Tí nữa sang bên nhà tôi mà lấy khế. Khế đợt này sai quả lắm. Mình không ăn hết thì nao chín, dơi nó cũng ăn đấy mà.

Nghe bà Khang nói mới thấy bà thật hào phóng. Đó là lần đầu tiên trong đời bà Khang rộng bụng với nhà tôi như vậy. Những lần trước hoặc là mẹ, hoặc là tôi, hoặc là cả hai phải sang bên đó xin bã bọt mép bà Khang mới õng ẹo kiểu người có của ra gốc cây vặt khế. Hôm nay tự nhiên bà ấy lại thoáng vậy, không khéo ngày mai lại có bão cũng nên. Chẳng biết mẹ tôi nghĩ gì về sự thay đổi đó của bà Khang nhưng cũng mỉm cười đáp lại:

- Vâng. Em xin chị. Tí nữa rồi cháu nó theo chị sang lấy khế.

 

Giờ việc chia cá đã xong, mẹ tôi mới rảnh mắt để nhìn vào cái cán giậm bị gãy đang lởm chởm ra đó và hỏi vì sao lại ra nông nỗi ấy. Tôi và Bống tranh nhau trả lời y như lúc kể chuyện cho bố vậy, chẳng bỏ sót tình tiết nào. Cả nhà được phen sợ dựng tóc gáy lên và bủn rủn chân tay khi hai đứa kể đến đoạn tôi bị giậm kéo xuống đầm chìm ngỉm. Bà Khang còn chưa hết kinh hoàng thì lại nheo mặt nổi giận chạy lại định mắng Bống một trận vì tội không

 

 

nghe lời bu (theo tôi ra đầm), thì mẹ tôi ngăn lại:

-Thôi chị ạ. Các cháu nó biết lỗi rồi. Lần này hai đứa đã lấy công thay tội nên chị em mình tha cho chúng. Nhưng nhất định sẽ không có lần sau như vậy. Hai đứa nhớ chưa.

 

Bống và tôi đồng thanh hô “dạ” và liến thoắng kể luôn câu chuyện về hang cá trê và bị trê đánh như thế nào. Vừa kể hai đứa vừa giơ những chỗ bị cá trê đánh ra cho mọi người xem. Ai cũng suýt xoa, nhăn mặt nhăn mày nghĩ lại những lần chính mình bị cá trê đánh. Nhưng rõ ràng, chưa ai trong số những người đang đứng quanh tôi lúc đó bị đánh một lúc hơn chục ngạnh như vậy cả. Lúc tôi kể đến cảnh chữa mẹo thì mọi người ồ lên cười ngặt nghẽo vì trò ngây ngô mà có lý của tôi. Mẹ tôi chạy vội vào trong nhà lấy ít cao hổ cốt day vào những vết trê đánh cho hai đứa rồi giục chúng tôi đi tắm và uống mấy hớp nước mưa cho khỏi cảm (theo thói thường, lần nào đi mưa về mẹ tôi cũng bắt tôi tắm và uống một hớp nước mưa trong thùng để phòng cảm lạnh).

 

Bà Khang mượn tạm đôi quang gánh của mẹ tôi kẽo kẹt gánh cá về nhà. Nhìn bà gánh mới thật sành điệu. Mông bà chả to nên đánh tanh tách sang hai bên còn hai chân thì choãi ra trong chiếc quần xa tanh óng ánh, phần phật theo những bước nhún nhẩy. Tấm thân tròn ủng như cối xay của bà dồn hết xuống hai bàn chân giao chỉ để trần làm những ngón chân xoè ra như hai nải chuối vênh. Hai tay bà vung vẩy dẻo quánh, mặt hất lên kiêu hãnh. Bống và tôi lon ton chạy theo những bước chân hối hả cuồng nhiệt của bà. Mãi đến giờ này mặt trời mới bắt đầu vén bức mành mành mây khổng lồ để rọi những ánh hào quang vào thân những con cá trê đen nhánh đang nằm lặng lẽ như được ru ngủ bởi những điệu nhún nhẩy kẽo kẹt đều đặn của bà Khang.

 

Đặt cái quang cá xuống sân gạch, bà chạy le te lên nhà nói như sai với ông Minh (thầy Bống):

-Thầy nó ơi! Mau ra mà làm cá. Ông mổ sạch hết. Nhớ chừa lại hai chục con thật to cho vào cái thùng nước để cuối tuần làm giỗ nấu canh. Ông nhớ là phải bẻ ngạnh rồi mới cho vào thùng không chúng đánh nhau chết mất.

Nói xong, bà niềm nở dẫn tôi ra gốc cây khế. Những lần trước bao giờ bà Khang cũng tự trèo lên cây khê, mặc thân hình đồ sộ của bà làm những cành khế cong xuống như sắp gẫy. Nhưng lần này thì khác. Bà không tự trèo mà bảo tôi trèo vặt khế, nhưng vẫn không quên căn dặn tôi không được chổng mông vào khế của bà:

- Đấy. Cháu trèo lên mà vặt. Hái nhiều vào. Nhưng đừng chổng mông vào khế của bác là được. Chẳng may chổng mông vào quả nào là quả đó sẽ thui. Phí.

 

Được lời như cởi tấm lòng, tôi vặt khế ném xuống đất để bà Khang nhặt cho vào rá. Ai nhà nào, cứ trước khi hái một quả khế lại phải nhìn xem đít có chổng vào quả nào không rồi mới được hái. Rõ thật là lâu, mà mất cả tự nhiên. Vừa hái vừa trông đằng sau như vậy không khéo ngã chết. Tuy nhiên việc bà Khang cho tôi chủ động hái khế đã là quý lắm rồi, lại còn cho tôi hái nhiều nữa chứ. Hôm nay vậy là có đến cả rá khế, chứ đâu chỉ có vài quả khế đèo như những lần trước. Không ngờ mớ cá trê hôm nay lại có thể làm bà Khang thảo ra đến vậy.

 

Cũng từ hôm đó, bà Khang hay sang nhà tôi chơi. Tình cảm giữa mẹ tôi và bà Khang ngày một trở nên thân thiết. Đi đâu hai chị em cũng rủ nhau đi. Thỉnh thoảng gặp người thân quen, hai chị em lại đem chuyện của chúng tôi ra kể. Nhưng sự kiện quan trọng nhất đối với tôi và Bống sau chuyện cái hang trê là chúng tôi chính thức được bố mẹ hai bên cho chơi tự do và đi bắt cá với nhau chứ không phải lén lút sang thăm nhau hay đi chơi với nhau như trước nữa. Bây giờ chỉ cần xin phép bố mẹ hai bên và có lý do chính đáng là được.

 

Tin hai đứa bắt được hang trê khổng lồ không cánh mà bay ra khắp thôn cùng ngõ hẻm làm ai ai cũng biết và bàn tán xôn xao về khả năng còn có rất nhiều hang cá trê như vậy trên đồng. Thế là người ta thi nhau đi dọc theo các con mương để săn tìm hang trê. Nhưng liệu có ai biết hết sự huyền bí của một hang trê thật hay không. Cái âm thanh rất trầm mặc ộc ộc như lắc dừa kia không phải ai cũng có thể nghe thấy. Còn cái miệng hang nhỏ tí được nguỵ trang bởi những lá cỏ thì không dễ gì mà thấy được nếu không được chỉ điểm. Trong làng tôi trước kia nghe đâu cũng có mấy anh đi đào chuột bắt được hốc trê nhưng số lượng trê không nhiều nên người ta không gọi đó là hang trê và không còn nhắc đến nữa. Có lẽ vẫn chưa ai thực sự biết về bí mật hang trê ngoại trừ tôi và Bống. Một điều làm tôi không hiểu là cá trê đã làm gì để có được cái hang to đến vậy trong khi miệng hang thì lại bé tí. Tôi chỉ biết đoán mò rằng hồi trước hang trê là một hang chuột có một đầu thông với lòng mương còn đầu kia thông lên mặt bờ. Vì lý do nào đó, nước mương dâng lên ngập cửa lỗ, tràn vào trong hang làm chuột bỏ đi để lại ngôi nhà nửa nước nửa khí. Rồi tình cờ các chú cá trê chui vào đó trú thân, dùng ngạnh mở mang lòng hang rồi đùn đất lấp cửa hang bên dưới cho an toàn, để lại cửa bên trên lấy không khí và nhảy ra nhảy vào kiếm ăn.

 

Chương : 1    2    3    4    5   6    7    8    9    10    11    12    13   
Trịnh Thắng
Số lần đọc: 1524
Ngày đăng: 19.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dấu ấn Đồng Quê - Trịnh Thắng
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Cùng một tác giả