Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.049
123.234.809
 
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm
Trịnh Thắng
Chương 12

12

KẺ ĐI - NGƯỜI Ở

 

 

Mùa hoa phượng lại đến, tôi được vào cấp III. Bố mẹ tặng tôi một chiếc xe đạp thống nhất mới cứng để tôi đi học. Sáng nào đạp xe qua ngõ nhà Bống, tôi cũng thấy cô bé cầm cặp đứng ở đầu ngõ. Hai đứa chỉ nhìn nhau mỉm cười, chẳng bao giờ nói gì với nhau cả. Đợi cho tôi đi hẳn, Bống mới cắp cặp đến trường. Thỉnh thoảng, Bống chạy theo xe, dúi cho tôi mấy quả khế chua vào giỏ xe rồi ngượng ngùng bỏ chạy. Không biết những lúc như vậy Bống nghĩ gì, nhưng đối với tôi, Bống vẫn mãi là cô bạn bé bỏng, duyên dáng, hồn nhiên, và tốt bụng, như ngày nào hai đứa còn mò tôm bắt cá.

 

Năm học đầu tiên ở cấp III ấy cũng trôi đi thật nhanh để chào đón một mùa phượng hồng mới. Tôi được nghỉ hè, còn Bống vừa ôn thi tốt nghiệp cấp II vừa học để thi vào cấp III. Hè năm đó lại là một cơ hội tốt để tôi được giảng bài và hướng dẫn Bống ôn thi. Ngày nào Bống cũng mang sách sang nhà tôi nhờ tôi truy bài và hướng dẫn Bống làm các bài tập cô giáo cho. Đột nhiên, một hôm, tôi không thấy Bống sang nữa. Linh tính như có chuyện gì không ổn, tôi chạy sang nhà Bống xem sao. Chưa vào đến sân, tôi đã nghe bà Khang mắng Bống xoe xoé:

- Là con gái thì chỉ học hết cấp II thôi. Ở nhà lấy chồng. Học cao nữa để làm gì? Không cấp ba cấp bốn gì hết. Ối đứa có học cấp ba đâu mà vẫn sống nhăn răng ra kia kìa, vẫn xây nhà cao cửa rộng kia kìa. Mở mắt ra mà trông. Không học cấp ba đã chết ai...

 

Lúc đó tôi mới hiểu bà Khang không muốn cho Bống học tiếp nữa. Bà thật cay độc. Bống đang khao khát học là vậy thế mà bà chẳng cho Bống một cơ hội. Giá mà Bống được sinh ra trong nhà tôi thì hôm nay mọi chuyện sẽ khác. Đang suy nghĩ về những câu nói của bà Khang thì tôi nghe tiếng Bống khóc thút thít trên chiếc giường một kê cạnh cửa sổ. Tôi muốn gọi tên Bống để Bống nghe thấy và thò đầu ra nhưng lại sợ bà Khang biết được thì sự việc lại trở nên to tát hơn. Tôi đành búng tay rất nhẹ vào cánh cửa hy vọng là Bống nghe thấy. Nhưng búng đến bốn năm lần mà vẫn không thấy Bống thò đầu ra. Tôi phải vừa búng tay vào cửa vừa suỵt nhẹ một tiếng như tôi vẫn làm đủ để Bống nghe thấy. Như đang ngủ bị người khác đánh thức, Bống nhổm dậy, mở tung cửa sổ, thiếu chút nữa thì cánh cửa va vào mặt tôi. Cũng may tôi kịp ngồi xuống để tránh. Hai đứa nhìn nhau không nói gì. Mắt Bống đỏ ngầu nhưng không còn nước mắt. Tôi hiểu Bống đã khóc rất nhiều và sáng nay chẳng còn tâm trạng nào đem sách sang học với tôi nữa. Tôi định cất giọng thủ thỉ nói chuyện với Bống nhưng tiếng bà Khang vẫn cứ xoe xoé ngoài sân lặp đi lặp lại điệp khúc nhàm chán ấy. Nói chuyện lúc này chắc chắn sẽ bị phát hiện và Bống sẽ còn khổ hơn. Nghĩ vậy tôi lấy tay ra hiệu cố làm để Bống hiểu là tôi cần một mảnh giấy và cái bút. Nhận cái bút và tờ giấy từ tay Bống, tôi viết một mạch rằng: “Người ta không thấy em sang học nên nóng ruột sang đây. Sợ bu em biết nên người ta phải viết giấy thế này. Chiều nay sang bên nhà người ta nhé.”

 

Viết xong, tôi đưa giấy cho Bống để Bống viết lại: “Vâng! Em sẽ sang. Anh nhớ ở nhà đợi em nhé. Em sang mà không có anh, chắc em sẽ buồn lắm.”

 

Kể từ lúc đó, trong tôi luôn thường trực một lời nhắc nhở là phải ở nhà để chờ Bống, phải ở nhà mọi lúc, ai gọi đi đâu cũng không đi. Nói thì nói vậy nhưng chiều hôm đó, mẹ vẫn sai tôi đi rửa rau lợn. Tôi không thể không tuân lệnh nhưng cứ vừa bê rổ rau ra sông vừa nhìn quanh. Ngay cả lúc cho tay vào rổ ngoáy mà vẫn phải ngước mắt lại phía đường cái, sợ nhỡ Bống sang vào đúng thời điểm đó thì còn kịp chạy lên.

Mặt trời đã ngả sang đằng Tây, vậy mà Bống vẫn chưa sang. Bố mẹ tôi cũng vừa đi làm. Các em tôi đã bỏ đi bắt dế và bắt chuồn chẳng đứa nào ở nhà. Tôi nóng lòng cứ đi vào nhà lại chạy ra ngoài cổng ngó đông, ngó tây mong nhìn thấy bóng dáng Bống. Có lúc tôi đã định bụng chạy sang bên đó xem sao nhưng lại sợ không may gặp bà Khang thì Bống sẽ phải ở nhà là chắc. Nghĩ thế, tôi đành ở nhà mà lòng cồn cào như kiến đốt.

 

Mãi đến hai giờ chiều ngày hôm đó, Bống mới tức tưởi chạy đến cổng nhà tôi rồi tự nhiên chậm lại lặng lẽ bước vào. Bống nom tiều tuỵ hơn nhiều. Hai tròng mắt Bống vẫn còn đỏ ngầu, hốc mắt thì bầm lại như thể đêm qua bị mất ngủ. Tóc Bống vẫn đỏ quạch nhưng không được chải chuốt như ngày thường nên giờ bù xù làm mất hẳn đi vẻ hồn nhiên tươi tắn ngày nào. Những bước chân của Bống mới thật nặng nề, thiểu não. Mới chỉ cách đây vài

chục giây, đôi bàn chân ấy tức tưởi đưa Bống đến đây vậy mà giờ lại lặng lẽ đến kỳ lạ. Chính đôi chân ấy bao lần đưa Bống ùa đến như một cơn gió nồm nam mát rượi thổi về phía tôi vậy mà lúc này trông Bống như đã bị mất hết nhựa sống, mất hết niềm khao khát say mê học tập phấn đấu mà Bống đã từng thổ lộ với tôi.

 

Thật tội nghiệp! Bống cứ chậm rãi vậy khiến tôi cũng không thể nào chạy ào lại với Bống. Tôi cũng cũng cứ thế lê từng bước nặng nề về phía cô bé tội nghiệp. Giáp mặt nhau rồi mà chúng tôi chẳng nói được câu gì. Đầu óc tôi như trống rỗng, chẳng thể nghĩ gì được cho đến khi Bống tự nhiên bật khóc. Nước mắt Bống tưởng như đã cạn từ hôm qua do khóc suốt, vậy mà giờ lại trào ra ướt sũng cùng những tiếng nấc hoài não nuột. Bống không nói gì nhưng nước mắt và những tiếng nấc ấy đang thay Bống nói lên tất cả rằng Bống đang than thân trách phận, rằng Bống đang thất vọng tràn trề, rằng Bống đang đi vào ngõ cụt, và rằng ước mơ đơn giản của Bống là được học tiếp lên cấp III sẽ chẳng bao giờ thành sự thật. Biết Bống đang rất đau khổ, tôi chủ động lên tiếng:

- Sáng nay sang nhà em, người ta biết bu em không cho em đi học tiếp nên em buồn mới khóc vậy.

Câu nói của tôi không những không làm nguôi lòng Bống mà lại làm cô bé khóc to hơn rồi ôm chầm, gục đầu vào vai tôi cố lấy hết sức nói lên những gì bị dồn nén trong đáy lòng:

- Anh ơi, em muốn được đi học như anh. Em muốn được học tiếp cấp III.

 

Bống cũng chỉ biết nói câu đó thật nhiều lần. Nhưng nếu Bống chỉ nói câu đó một cách rõ ràng bình thường như lối người ta vẫn thường tâm sự với nhau thì không có gì đáng nói. Nhưng đằng này, những câu nói ấy bị những tiếng nấc làm gián đoạn. Bống cứ nói được một hai từ thì lại bị nấc nấc vậy. Nghe mà chua xót lắm. Đứng ngây ra một lúc, không dám động vào người Bống, tôi mới cầm tay kéo Bống vào chiếc giường một nơi ngày xưa tôi bị ốm Bống đã phá dậu vào để đem khế cho tôi, nơi mà tôi vẫn đọc sách và giúp Bống làm bài tập, nơi mà tất cả sách vở và đồ dùng học tập của tôi ở đó. Tôi bảo Bống ngồi xuống, nhưng Bống không ngồi mà xà vào đống sách của tôi lục tìm những tờ giấy nháp mà tôi đã dùng để giải toán cho Bống. Bống tìm tất cả những gì có chữ tôi viết và liên quan đến những bài tập của Bống. Tôi hiểu Bống là người sống tình cảm và sâu sắc nên đang muốn giữ lại những kỷ niệm cho dù là nhỏ nhất với tôi. Có thể lúc đó Bống đã đinh ninh trong lòng là mãi mãi không được học tiếp nữa và sau này sẽ chẳng có lúc nào để gặp lại tôi nữa. Bống như một cô bé bị ai cướp mất hồn lặng lẽ thu nhặt những dấu ấn nhỏ nhoi để bù đắp lại nỗi lòng trắc trở tội nghiệp của mình. Khi không còn gì để tìm trong đống sách, Bống đứng ngây ra đó không nói không rằng rồi lặng lẽ ngồi xuống nền đất, xắp chúng lại phẳng phiu. Những tiếng nấc và sụt sịt của Bống giờ đã ít và thưa đi nhiều nhưng ẩn sâu trong đó vẫn còn những lời than thân trách phận đang đè nặng cõi lòng cô bé. Bống đang gặp phải rào cản khổng lồ nghiệt ngã từ chính gia đình mình, từ chính người mẹ có lối suy nghĩ cổ hủ nông cạn mà cho dù Bống có cố mấy cũng không thể vượt qua.

 

Tôi bình tĩnh trở lại, bưng cả đống giấy nháp mà Bống vừa sắp lại đặt lên đầu giường và kéo tay Bống cùng ngồi. Tôi mơ hồ cảm nhận được về những gì Bống sẽ làm với đống giấy nháp nhưng vẫn hỏi Bống hy vọng bắt đầu câu chuyện một cách thật nhẹ nhàng:

- Bống ơi. Em nhặt những thứ này để làm gì vậy? Không ngờ câu hỏi tưởng thật đơn giản kia lại làm

Bống bật khóc:

- Anh ơi... Em chẳng được đi học cùng anh nữa rồi. Thế là hết thật rồi anh ạ. Bu em chỉ cho em thi hết cấp II thôi. Thế là em lại phải ở nhà. Ở nhà mãi anh ơi. Sao em lại khổ thế này hả anh?

Thấy Bống quá xúc động, tôi đặt bàn tay lên đống giấy nháp nói như an ủi:

- Em sẽ giữ lấy kỷ niệm này. Không còn được đi học cùng người ta nhưng những dòng chữ ấy viết sẽ mãi mãi bên em.

Bống vẫn khóc, mắt rớt lệ đầm đìa nhìn tôi như muốn nhận được từ tôi một điều gì đó mà chính tôi không thể nhận ra nổi. Tôi chỉ biết an ủi bằng tất cả những gì tôi có thể nói ra được:

- Nhưng chỉ còn một tuần nữa là em sẽ thi hết cấp II. Nếu em cứ buồn bã thế này, sẽ không thể tiếp tục ôn thi được. Em vẫn phải học để ôn thi hết cấp II đã.

Tôi chẳng thể tìm ra cách gì hơn để giúp Bống vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần này nên đành nói với Bống theo cách người lớn vẫn an ủi nhau:

 

- Bống ơi. Có lẽ đó là số phận con người Bống ạ. Trong làng mình, nhiều người cũng có số phận như em. Em không đi học cùng người ta nữa nhưng người ta vẫn đi qua nhà em. Người ta vẫn nhìn thấy em và em vẫn nhìn thấy người ta.

Nghe tôi nói xong, Bống nín lặng, không còn khóc nữa mà chỉ còn những tiếng nấc nấc đang thưa dần. Vậy đấy, người dân quê tôi đã quen với từ “số phận” và có niềm tin sâu sắc về nó nên khi nghĩ đến một điều gì đó là do số phận thì cảm thấy được an ủi rất nhiều. Bống cũng không phải là ngoại lệ. Bống như chợt bừng tỉnh sau cơn mơ hỏi tôi một câu như để khẳng định lại những gì vừa nghe được:

-Thật là số phận hả anh?

Tôi cũng chẳng biết nói sao đành trả lời:

- Đúng vậy. Đó là số phận em ạ.

 

Rồi Bống lại lặng lẽ nhìn quanh như để lần cuối cảm nhận hết những gì thuộc về tôi trong gian bếp lúc đó. Dù Bống hết khóc nhưng nét mặt ủ dột không gì giấu được nỗi buồn vẫn chưa hề nguôi ngoai trong lòng. Bống chẳng từ biệt tôi, lặng lẽ lê từng bước ra cửa rồi bỏ về. Tôi hiểu Bống lúc đó đang rất nặng nề và không biết từ lúc nào tôi cũng cảm thấy nặng nề làm vậy nên ngồi ngây ra đó không ra tiễn Bống như thường ngày. Tôi suy nghĩ mông lung tiếc thương cho một khao khát đang bùng cháy tự nhiên lại bị số phận dập tắt. Trước kia Bống đã từng khao khát được đi bắt tôm bắt cá cùng tôi rồi điều đó trở thành hiện thực. Rồi Bống ao ước biết bắt cá giỏi như tôi. Điều đó cũng trở thành hiện thực. Sau này Bống mong muốn học giỏi và mong muốn đó cũng được toại nguyện. Bống đã thay đổi, đã trưởng thành rất nhiều cùng những khao khát giản dị ấy. Mong được tiếp tục học cấp III là khao khát cuối cùng mà tôi được nghe thấy từ Bống. Nhưng than ôi. Sự cổ hủ lạc hậu, sự bó hẹp tầm nhìn của bu Bống cũng như của bao gia đình khác đã làm nên một phong trào cả làng cho con em mình bỏ học ở nhà làm ruộng. Và Bống là nạn nhân, bị dòng xoáy đó cuốn đi, có ra sức vùng vẫy thì cũng không thể nào chống lại nổi. Bống đành chấp nhận học hết cấp II như một sự sắp đặt của định mệnh để rồi từ đó vẫn cứ hàng sáng ra ngoài cổng đứng chờ tôi đi học qua, dúi cho tôi quả khế rồi lại ngượng ngùng bỏ chạy vào trong nhà. Trưa đến cũng vậy. Hầu như trưa nào, cứ ăn cơm xong là Bống lại ra khóm tre đầu cổng chờ tôi đi học về. Chẳng để nói với tôi câu gì, cũng chẳng mong đợi điều gì ở tôi cả. Chỉ cần nhìn thấy tôi đi qua và mỉm cười có lẽ cũng đã làm Bống được an ủi phần nào. Thỉnh thoảng có những buỗi diễn tập của thanh thiếu niên để mừng những ngày lễ thì hai đứa cũng chỉ nhìn nhau ngượng ngùng mà không nói được câu gì.

 

Tình cảm hai đứa cứ nhẹ nhàng sâu lắng vậy mà trôi đi suốt những năm tôi học cấp III. Rồi tôi thi đỗ vào đại học. Bố mẹ vui mừng mời mọi người trong xóm đến liên hoan cho ngày mai tôi đi học. Bống cũng đến. Mọi người đến chia vui, ai cũng mang theo một thứ gì đó để làm quà cho tôi trước ngày lên đường. Người thì cho mấy ống gạo nếp. Người thì cho mấy đồng tiêu vặt. Người tặng mấy quyển vở. Lại có người còn đem đến cả mấy củ khoai bở. Riêng Bống mang đến một túi quà to gần bằng chiếc giỏ tôm, được quấn chặt trong chiếc khăn màu cháo lòng gợi lại cho tôi màu của những con nước khi mùa tôm về. Tôi rất hồi hộp không biết có gì trong đó. Khi thấy Bống bước vào cổng, tôi chạy vội ra không dấu được vẻ ngỡ ngàng. Bống cũng sững người lại vì đã lâu lắm nay mới được giáp mặt tôi. Cả hai nhìn nhau ngượng ngùng. Lúc đưa tôi gói quà, Bống nói rất nhỏ nhẹ, mắt lấm lét nhìn vào hư vô như để chữa ngượng vì tôi biết Bống chưa hề tặng quà cho ai cả:

- Đây là thứ mà anh rất thích. Anh đem đi để ăn và nhớ đến em.

Vừa cầm túi quà tôi đã reo lên:

- Khế à. Em mang khế cho người ta à. Người ta thích quá.

Tôi vui mừng khôn xiết nở một nụ cười thật tươi rồi ôm cái bọc khế vào trong lòng chứ không chỉ đơn thuần là xách nó ở trên tay. Nhưng đó cũng là túi khế định mệnh để rồi từ đó vĩnh viễn kẻ ra đi, người ở lại. Dòng đời cứ vậy đưa đẩy hai con người về hai thế giới tách biệt.

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10    11    12   13   
Trịnh Thắng
Số lần đọc: 1475
Ngày đăng: 19.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dấu ấn Đồng Quê - Trịnh Thắng
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Cùng một tác giả