Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.031
123.235.528
 
Ký ức làng Cùa
Đặng Văn Sinh
Chương 15

Chương mười lăm

 

1

 

Sau khi Nghiên đi thanh niên xung phong , Trịnh Doãng bỏ nghề thổi kèn đám ma chuyên chú vào việc thả ống lươn . Nguyễn Đình Phán đứng ra thành lập lại phường hiếu mà một trong hai tay kèn mới được phát hiện mỗi khi cất lên làm cho thần sầu quỷ khốc là lão Mộc.

 

Lão Mộc là dân ngụ cư , nguồn gốc không rõ ràng . Hôm ấy là sáng mười tám , các bà đi chợ sớm nhìn thấy một người nằm co quắp trong điếm Bài Vân  cạnh chiếc tay nải nhuộm vỏ già bên trong có chiếc kèn đám ma và mấy lưỡi búa vốn là đồ nghề của người đánh gộc tre . Hình như ông chủ những vật tuỳ thân đã chết bởi dáng nằm rất không tự nhiên . Bà quản Thông hộc tốc chạy về làng báo . Được tin , lý Quỳnh vội cử người ra xem hư thực . Ông ta rất sợ phải chôn cất những xác chết vô thừa nhận trong địa hạt của mình .

 

Người đàn ông chưa chết nhưng nếu không được cứu chữa kịp thời chắc chắn sẽ về chầu ông vải rất nhanh vì lúc này đang sốt cao , người nóng hầm hập như lò lửa . Người ta thương tình cho nạn nhân nằm tạm trên chiếc chõng tre trong gian nhà phụ bên cạnh đình Cả .Tầm trưa thì ông ta tỉnh lại, xưng tên là Mộc không biết là thật hay giả. Phải nói rằng, ông Mộc thuộc loại người hễ trẻ con nhìn thấy là sợ chết khiếp giống như gặp “ Ba bị chín quai “ hiện hình với diện mạo hết sức cổ quái : mái tóc rễ tre cờm cợp đã muối tiêu, đôi mắt xếch dưới cặp chân mày rậm vếch lên và hàm râu quai nón mọc vô tổ chức choán già nửa khuôn mặt dái trâu ngăm ngăm đen. Không thể đoán chính xác được tuổi nhưng căn cứ vào dáng đi và những vết hằn ở đuôi mắt, có thể áng chừng ông ta vào khoảng bốn mươi hoặc trẻ hơn một chút.

 

Hình như ông Mộc còn bị điếc. Tuy vậy việc giao tiếp bằng ngôn ngữ với ông không phải hoàn toàn vô ích. Ông có khả năng nhìn miệng mà hiểu được ý nghĩa lời người đối thoại. Vậy làng Cùa thêm một công dân, dù rằng ông ta chỉ có một cái tên, hoàn toàn vô gia cư, còn nghề nghiệp tuỳ vào thời vụ, ai thuê gì làm nấy nhưng thiện nghệ nhất là đánh gộc tre. Từ lâu làng Cùa đã nổi tiếng cả huyện về nghề đan giỏ và lờ bắt cá. Nhà nào cũng trồng mấy bụi tre hoá. Đêm đông, gió lạnh từ cồn Vành thổi về làng, thân tre cọ vào nhau kẽo kẹt nghe như ma quỷ nghiến răng, khiến lũ trẻ con yếu bóng vía sởn gai ốc. Những nhà có rặng tre viền quanh bờ ao, vào dịp đầu tháng bẩy, cò lửa cùng với bồ các từ thượng nguồn sông Lăng bay về làm tổ, chẳng may gặp bão, lũ cò con mới ra ràng rớt xuống hoảng hốt gọi mẹ bằng thứ giọng đặc biệt của họ nhà chim rất là ai oán. Nhưng trăng ở đây thì thật tuyệt vời. Đó không phải thứ ánh sáng trần trụi, nguyên thuỷ, nhạt thếch đầy hoang dã mà là cả một trời lụa nõn, mượt như nhung, được lọc qua ngàn vạn mắt lá xanh mơn mởn rưng rưng những hạt móc vô cùng tinh khiết. Xa xa có tiếng chích choè gọi bạn. Một chú dế cơm đang vỡ giọng gáy lanh lảnh cạnh bụi tầm xuân bên ao đình. Màn độc tấu chói tai của nó vừa dứt thì dưới ao những âm thanh hỗn tạp của lũ chẳng chuộc, ếch cốm, nhái xanh với đủ cung bậc đồng loạt rộ lên như là cãi nhau. Trong bụi dành dành, chàng cuốc si tình cất giọng khắc khoải “ cuốc cuốc” Nghe thật não nùng .

 

Việc đầu tiên của ông Mộc sau khi tai qua nạn khỏi là tra cán vào ba chiếc búa và dọn dẹp gian nhà bẩn thỉu, ẩm thấp bằng tinh thần của một ông chủ thực sự mặc cho lý Quỳnh càu nhàu. Nhà chật như hũ nút. Bộ đòn khênh bằng gỗ lim, đầu chạm hình rồng nặng chình chịch choán già nửa gian, thành ra phần còn lại chưa đầy ba thước ta muốn vào phía trong phải trèo qua chiếc chõng tre ọp ẹp vốn là của lão mõ Cống mới chết vài tháng trước.

 

Người làng Cùa có thói quen, cứ đến cuối thu là gọi thợ đánh gộc chuẩn bị củi đun cho mùa đông. Có nhà xếp củi thành đống to như đống rạ, tết tha hồ luộc bánh chưng. Ông Mộc đậu lại ở đây quanh năm chả lúc nào hết việc. Không ai biết quá khứ của người đàn ông ngụ cư. Ông ta kín như bưng, thảng hoặc có người hỏi chỉ nheo cặp mắt đùng đục như bị ám khói cười, một nụ cười rất ngờ nghệch, chẳng khác gì người thiểu năng trí tuệ. Thế nhưng ông ta lại có dáng vóc vậm vạp của một lực điền to xương với bàn tay bè bè phủ lớp chai vàng xỉn dày cồm cộp, xù xì giống hệt bàn tay tượng nhà mồ Tây Nguyên được nghệ nhân vạc vài nhát phác thảo bằng rìu. Với ông, đánh gộc tre đã được nâng lên hàng công nghệ độc nhất vô nhị ở ở khắp vùng hữu ngạn sông Lăng. Ai có việc cần thỉnh phải đến đấy từ mấy hôm trước. Sau một hồi vừa nói như quát , vừa lấy tay ra hiệu của gia chủ, ông Mộc nhoẻn miệng cười gật đầu, thế là xong. Sáng sớm ông xách đồ đến gọi cổng từ lúc chủ nhà còn chưa dậy. Ăn lót dạ qua loa vài củ khoai hầm hoặc nắm ngô rang , uống bát nước vối, ông thợ gộc bắt đầu công việc của một ngày làm thuê . Đồ nghề của ông Mộc sáng loáng, cái nào cũng sắc. chém phầm phập . Sau khi dùng búa Thạch Sanh chặt đứt những chùm rễ tua tủa, ông vung cuốc chim bổ từng nhát chắc nịch và chính xác tách rời các gộc tre theo trật tự từ ngoài vào trong, từ dễ đến khó bằng động tác dứt khoát. Nửa buổi nghỉ giải lao, ông " bắn"  điếu thuốc lào , nhấp ngụm nước rồi lại hùng hục đào , chặt bổ cho đến lúc cơm trưa. Ông thuộc loại dễ tính, không uống rượu , có gì ăn nấy và ăn rất khoẻ. Nghĩ cũng phải , nghề thổ mộc hao tổn năng lượng, cơm nhà quê chỉ dưa cà mắm muối, sang lắm mới có đĩa cá rán, không ăn nhiều làm sao đủ sức quai búa suốt ngày . Lôi hết gộc tre lên mới chỉ được nửa công việc . Ngày hôm sau, ông Mộc còn phải dùng búa tách chúng ra làm nhiều mảnh xếp thành đống hình cũi lợn. Tối, cơm nước xong, chủ nhà trả tiền hoặc đong vào bao ruột tượng vài ống gạo. Có nhà túng khất đến mùa mới ông trả cũng gật.

 

Ông Mộc là người thật thà, thích sòng phẳng, không tắt mắt , có làm có hưởng, chẳng muốn luỵ ai. Phải năm mất mùa, làng đói ít người thuê mướn, ông đóng khố ra ngòi Mác đánh giậm kiếm mớ cá lẹp đem về nấu với ngọn khoai lang húp cho qua bữa chứ không xin người ta bố thí. Những hôm trở trời trái gió , ông nằm dài đắp chiếc áo dạ lính ngủ suốt ngày, thỉnh thoảng mới nhoài dậy nhấc điếu cày kéo mồi thuốc . Với ông thuốc lào là máu thịt , là niềm đam mê đến bệnh hoạn, thiếu cơm là chịu được , hết hơi khói là ốm ngay. ở đình làng đôi khi cũng có lộc . ấy là lúc các vị chức sắc ngả mâm đánh chén hoặc là những đám hiếu, tang chủ ra mượn đòn khênh. Cuộc đời của người ngụ cư cứ thế trôi đi  cùng với nhịp sống đều đều buồn tẻ của cư dân làng Cùa cho đến ngày Đội Cải cách về làng. Ba hôm sau , ông Mộc được lệnh phải cuốn gói để lấy chỗ làm nhà giam bọn địa chủ , phản động. Ông ta đến nhà Ngô Quỳnh cầu cứu nhưng ông Lý mặt khó đăm đăm , thở dai thườn thượt, ghé tai người đánh gộc thuê nói rành rọt từng tiếng:

- Ông tìm chỗ khác mà ở. Tôi hết thời rồi, chưa biết chừng vài hôm nữa còn bị tống vào đấy cũng nên.

Ông thất thểu bước thấp bước cao, lòng nặng trĩu, cái dáng lực điền đổ bóng xuống đường làng. Không một cán bộ Cải cách nào thèm nghe nguyện vọng có vẻ như rất chính đáng ấy. Cải cách ruộng đất là một cuộc đấu tranh giai cấp vĩ đại với nhiều cuộc họp quan trọng thông qua những quyết sách có tầm chiến lược, để người ngoài tổ chức luôn rình rập bên cạnh sẽ lộ bí mật. Hơn nữa ông ta là dân ngụ cư , lai lịch không rõ dàng, rất đáng ngờ. Đội Lạc nêu vấn đề này ra trong hội nghị cốt cán.

- Xét bề ngoài thì ông Mộc thuộc thành phần cố nông, nhưng biết đâu được kẻ địch không gài người của chúng lại trước khi rút vào Nam. Có khi ông ta giả điếc để dễ bề hoạt động chống phá.

 

Lê Thị Chĩnh, một trong hai cốt cán đắc lực của Đội Cải cách tuyên bố:

-Tôi đề nghị đuổi lão ra khỏi làng Cùa.

- Không làm thế được.- Đội Lạc nghiêm giọng bảo – Phải giữ những thành phần đáng ngờ ấy tại địa phương để có điều kiện quản lý giám sát, nếu cần thì giam lại cùng với bọn phản động. Thả chúng là mất cảnh giác cách mạng.

 

Cuối cùng thì ông Mộc được ra ở miếu Si. Miếu này trước đây thờ một bà lão bắt cua bị chết đuối ở đầm Ma, đã nhiều năm dân làng chẳng cúng tế gì nhưng không hiểu sao vẫn chưa đổ nát. Ngôi miếu nằm trên gò đất cao hơn mặt ruộng vài thước, dưới tán một cây si già, rễ quấn lòng thòng, thả xuống như những cánh tay đười ươi, người nhát gan nhìn thấy sởn tóc gáy. Chung quanh gò còn có hàng duối cổ thụ, cành lá xoè ra với đủ mọi hình thù, đứng xa trông chẳng khác gì nhưng gã quỷ lùn đang mai phục, chờ đêm xuống bắt khách qua đựờng. Nói tóm lại cảnh vật quanh miếu vô cùng bí hiểm. Từ lâu người làng Cùa không dám vãng lai trừ bọn đạo chích chuyên nghề đào tường khoét ngạch. Bị đẩy đến đường cùng, ông Mộc chẳng còn cách nào khác, thôi thì đành ở với ma vậy. Kể ra ngôi miếu khá rộng, có khi gấp hai ba lần diện tích gian nhà để đòn khênh đám ma. Trước khi nhập cư, ông quét dọn “nhà” thật sạch sẽ, quờ hết mạng nhện, hót phân dơi và chữa lại cánh cửa. Xong việc ông thắp ba lén hương cắm lên bàn thờ, lầm rầm khấn vái, sau đó buộc con chó Mực ra gốc cây si rồi lên chõng đánh một giấc. Đêm ấy ông chẳng chiêm bao thấy thần phật ma quỷ nào về quấy nhiễu mà chỉ có lũ dơi bay phành phạch, hết ra lại vào có vẻ như đang tức giận vì lãnh địa do chúng sở hữu lâu nay bỗng nhiên bị một kẻ lạ mặt chiếm dụng.

 

Sáng hôm sau, vươn vai đứng dậy, ông khoác chiếc áo nhà binh muôn thuở lên vai, xách đồ nghề xuống chân gò. Ông Nhiêu Chuộc đang chăn bò nhìn thấy vẫy tay nói như  quát:

- Ông Mộc đi làm cho nhà ai đấy?

Tất nhiên là người đánh gộc không thèm nghe nhưng qua điệu bộ của ông chăn bò cũng nhoẻn miệng cười.

 

Ông Mộc tá túc ở ngôi miếu cổ được vài tháng thì có chuyện xảy ra. Đêm tháng sáu nóng quá, lúc dậy đi tiểu chân bỗng vấp phải một bọc tròn tròn ngay trước cửa ra vào, ông giật thót mình miệng lẩm bẩm:

- Lạy các ngài con là kẻ tứ cố vô thân cùng đường phải ở nhờ chỗ thần linh, mong được bề trên che chở.

Khấn rồi nhưng trong lòng vẫn không yên, người đánh gộc khêu to ngọn đèn dầu lạc, lấy hết can đảm he hé cửa miếu nhìn ra, hy vọng “ngài” đã thăng thiên. Nhưng mà cái bọc vẫn nằm đó hình như còn đang cựa quậy. Ông Mộc run lắm, tuy nhiên tính tò mò đã thắng nỗi sợ cố hữu, đánh liều cầm chiếc búa Thạch Sanh ra tận nơi xem nó là thứ ma quỷ gì. Không phải ma quỷ hiện hình mà là một đứa bé mới đẻ được bọc mấy lần tã lót, chắc là vừa ngủ dậy đang gào khóc thảm thiết. Lưỡng lự giây lát rồi ông Mộc cũng mang đứa trẻ vào miếu, tháo chiếc váy thâm bên ngoài vì nó đã “tè” ướt cả mấy lần tã. Một thằng con trai. Ông lắc đầu lẩm bẩm:

- Chắc con đàn bà ôn vật nào hoang thai rôì làm chuyện thất đức đây.

Hôm sau, ông mang ít tiền dành dụm dược được ra mẹt hàng xén bà Đô mua hai hộp sữa “con chim” về pha cho thằng bé. Nó bị mẹ bỏ rơi, đói quá, lúc nào cũng đòi ăn nhưng rất lành, ăn xong là lăn ra ngủ. Hết sữa ông Mộc nấu một nồi cháo loãng, đánh nhuyễn, bỏ thêm đường phèn vậy là cậu ta có thể ăn suốt ngày.

 

Được chừng hơn tháng, hết sạch gạo, ông thợ gộc nghĩ đến việc phải đi làm, nếu không cả hai bố con sẽ chết đói. Nhưng đi làm lại phải mang thằng bé theo. Nó còn bé quá, từ lúc lọt lòng mẹ đến giờ chưa chắc đã được ba tháng. Đành vậy. Đói bụng đầu gối phải bò. Buổi sáng ông vác đồ nghề, địu thằng bé trước bụng đến nhà bà Cả Phê. Bà Phê có cô con dâu mới ở cữ, hai vợ chồng đòi ra ở riêng phải phá rặng tre lấy đất làm nhà. Nhìn thấy người đàn ông ngụ cư ôm đứa trẻ lầm lũi bứơc trên đường, dân làng Cùa trố mắt tưởng như trời sắp sập. Mấy bà nạ dòng chuyên ngồi lê đôi mách thì thầm hỏi nhau:

- Lão lôi đâu ra thằng bé thế nhỉ?

- Hay là con lão?

- Ai mà biết đựơc tổ con chuồn chuồn.

- Nhưng mà tôi nghi lắm. Chẳng lẽ lão ngủ với... ma?

- Vớ vẩn.- Một con mẹ mặt quắt, da hổ giun, răng cải mả như sắp long ra khỏi cái mồm cái mồm chão chuộc bảo - Có lần tôi nhìn thấy lão đưa cho con điên ở chợ Rồng mấy bắp ngô luộc, không con mụ ấy thì con ai?

 

Ông Mộc chẳng cần thanh minh và cũng chẳng cần biết thiên hạ đàm tiếu gì về mình bởi cái tai nghễnh ngãng. Thật may cô con dâu bà cả Phê thừa sữa, suốt một tuần ông ta phá hàng tre, ngày nào thằng bé cũng được bú no.

 

Những ngày ấy làng Cùa vô cùng sôi động. Chuyện lão đánh gộc thuê tự nhiên có một đứa con chẳng phải là điều đáng quan tâm của nhà chức trách. Người ta còn đang bận đấu tố địa chủ, phản động truy tìm tàn dư Quốc dân đảng, chia ruộng đất và phân phát quả thực. Mới được năm sáu tháng, thằng bé đã bò lê bò la, thăm dò tất cả mọi ngóc ngách. Những lúc có việc , không phải đi quá lâu, ông Mộc thường cài cửa để nó một mình trong miếu. Cậu ta lân la bò đến làm quen với con Mực mới đẻ bốn chú cún con mũm mĩm như trong tranh. Mẹ Mực âu yếm liếm mặt thằng bé như liếm lông con mình. Thấy lũ có con bú mẹ nó cũng hoặp miệng vào vú con mực mút lấy mút để. Dần dần thành quen, mỗi khi đói bụng thằng bé lại bò đến gần ổ chó. Có lần ông Mộc nhìn thấy vội kéo cậu ta ra nhưng nó giãy đành đạch, khóc toáng lên, còn con Mực nhe nanh gầm gừ, làm ông thợ gộc chịu phép.

 

Rõ ràng là cố nông nhưng ông Mộc không được chia ruộng. Người ta lấy cớ ông thuộc đối tượng ngụ cư phi nông nghiệp, lai lịch lại thiếu rõ ràng nên tất nhiên không được hưởng chính sách người cày có ruộng. Lúc thằng bé gần hai tuổi một hôm chủ tịch Bùi Quốc Tầm chợt nhớ ra liền cho người đến miếu gọi ông Mộc ra trụ sở hỏi:

-Tên thằng con bác là gì?

- Là thằng Nhặt.

- Bác phải làm khai sinh cho nó

Ông nghe mãi mới thủng hỏi lại:

- Khai sinh để làm gì?

Vị chủ tịch vừa lấy tay ra hiệu vừa quát:

- Để đến khi lớn lên nó làm công dân làng Cùa.

- Tôi cũng là công dân tại sao không được nhập hộ tịch?- Ông Mộc trừng mắt hỏi.

- Lý lịch của bác không rõ ràng, xã cho ở nhờ là tốt lắm rồi.

-Thế thì đây đếch cần cái thứ khai sinh của các người nhé.

 

Nói xong ông bế thằng bé về, mắt gườm gườm nhìn trước nhìn sau như là sợ người ta cướp mất. Ông còn nhớ hồi cuối năm ngoái, dịp ấy đang đánh gốc xoan cho trưởng ban nông hội Quản Văn Ngật. Buổi trưa nhà Ngật làm thịt vịt đãi hai bố con. Thằng bé ăn lưng cơm, rồi cầm đôi chân vịt mút mát nguệch ra má trông rất hề. Vừa lúc ấy Chĩnh Con từ cổng nhà Trịnh Doãng bước sang, mắt trước mắt sau có vẻ gian lắm, hình như trong tay còn dấu vật gì. Nhìn thấy thằng bé gần vại nước, cô ta vẫy tay bảo nhỏ:

- Ra đây cô cho cái này.

 

Vừa gọi Chĩnh Con vừa chìa ra trước mặt nó cặp bánh dầy gói lá sen. Bánh dầy làng Rồng bằng xôi nếp hoa vàng giã nhuyễn, nhân đậu xanh cồn Vành, từ xa đã thấy thơm lừng. Hai cánh mũi thằng bé phập phồng, ngập ngừng một thoáng, sau đó chạy ra cổng. Chĩnh Con ấn vào tay thằng bé gói bánh rồi đột nhiên ôm chầm lấy hôn hít khắp người làm nó khóc thét lên. Đúng vào thời điểm ấy, không hiểu tình cờ hay có ai mách bảo, ông thợ gộc xuất hiện gườm gườm lườm Chĩnh Con như muốn thiêu cháy cô ta rồi giật phắt thằng Nhặt giọng rít lên:

-Tôi cấm nhà chị động vào thằng bé, rõ chưa?

 

Thằng Nhặt nép vào vai bố nuôi lấm lét  nhìn người đàn bà. Nó đã nín khóc nhưng toàn thân vần còn run. Tuy điếc lác nhưng ông không dễ bị bắt nạt. Từ nay ông cảnh giác với bất cứ ai đến gần thằng bé. Bây giờ nó là máu thịt, là niềm an ủi cảnh cô đơn của một kẻ vô gia cư vào lúc tuổi xế chiều bị chính đồng loại của mình ruồng bỏ. Hai bố con sống yên ổn được mấy tháng lại có chuyện xảy ra. Hình như từ lâu, Chĩnh Con đã để ý đến thằng bé nên thỉnh thoảng lại lảng vảng quanh miếu Si. Có những chiều cô ta ngồi lì dưới gốc cây duối già nhìn vào miếu mãi nhập nhoạng mới về, lâu dần thành quen đến mức nắm được cả quy luật đi lại của ông thợ gộc. Đợi cho ông Mộc quẩy đôi lọ sành xuống đến chân gò, Chĩnh Con lẩn nhanh vào gốc si khẽ khàng rút then cửa lẻn vào miếu. Thằng Nhặt đang ngủ trên chiếc võng gai mắc giữa hai cột miệng nhai tóp tép như là đang ăn một thứ gì trong mơ. Người đàn bà đứng lặng một lúc khá lâu như đang suy tính điều gì hệ trọng lăm. Cuối cùng, cô ta cúi xuống, bàn tay ngập ngừng định vuốt vào má đứa trẻ bất chợt có tiếng quát ngay phía sau:

- Không được động đến thằng bé!

Chĩnh Con giật mình đứng sững như trời trồng, bỗng nhiên quỳ sụp xuống vái người đánh gộc:

- Trăm lạy bác, em muốn...

Ông Mộc chỉ tay ra cửa:

- Cút ra khỏi đây!

Nhìn vào cặp mắt tối sầm của ông thợ gộc, Chĩnh Con sợ lắm nhưng vẫn cố liều đánh vào lòng từ tâm cửa người đàn ông ngụ cư:

- Em xin bác!

Máu hồng bào nổi lên, ông Mộc quẳng đôi quang gánh làm lọ nước đổ lênh láng trên nền miếu, vớ cây búa đại dưới gầm bàn thờ gầm lên:

- Cút!

Chĩnh Con sợ hết hồn, lùi dần, lùi dần, ra đến gốc si thì ù té chạy.

 

Phong trào hợp tác hoá nông nghiệp hoàn thành được bẩy năm thì vùng Ba Tổng gần như hết sạch tre, vì thứ cây này được nhập vào thành tài  sản xã hội chủ nghĩa, các gia đình muốn sử dụng phải làm đơn xin phép đội sản xuất, nếu là công việc chung của hợp tác xã thì ai cũng có quyền chặt. Ông Mộc đâm ra thất nghiệp , nằm ườn ở nhà, định sang đầu tháng mang thằng Nhặt về bên kia sông Lăng kiếm việc làm. Ông hy vọng, bên ấy người ta chưa công hữu tre. Ngồi buồn uống rượu một mình ( Dạo này thỉnh thoảng ông thợ gộc nhấm nháp chút ít ) ông Mộc nhớ đến chiếc kèn mang theo từ mười ba năm trước vẫn cất trong chiếc túi nhuộm vỏ già treo trên đầu xà, liền bảo cu Nhặt lấy xuống. Nghe tiếng kèn đám ma cả làng nháo lên, ai cũng nghĩ đêm qua có người chết. Nguyễn Đình Phán vội chạy ra miếu Si, nhìn thấy lão ngụ cư đang lắc lư mái tóc bạc phồng mồm đi bài “ Lưu thuỷ” rất say sưa mặc dù chiếc dăm bị thủng thỉnh thoảng lại bật lên những tiếng “khè khè”. Anh ta giật mình nghĩ thầm: “ Lão điếc mà thổi kèn giỏi thật, thế mà từ trước đến nay mình không biết.”

 

Mấy hôm sau đội kèn hiếu được tái lập dưới sự bảo trợ của ban quản trị hợp tác xã Đoàn Kết do Nguyễn Đình Phán làm đội trưởng. Bố con lão thợ gộc trở thành xã viên thổi kèn hưởng công điểm theo định suất như những bộ phận thợ mộc, thợ nề khác. Thằng Nhặt được thầy Phán dạy đánh trống và kéo nhị. Đội kèn đến xã nào phục vụ, cuối năm xã đó phải chuyển thóc về làng Cùa qua bộ phận kế toán. Riêng khoản xôi thịt nhà đám biếu và các bữa ăn cho thợ kèn thức đêm thì không tính.

 

 

2

 

 

Cuối cùng thì Trịnh Doãng cũng bảo thằng Dọng viết đơn xin vào hợp tác xã. Hắn vào không phải vì thấy được lợi ích thật sự của phương thức làm ăn tập thể mà cái chính là cả làng Cùa chỉ còn mình hắn thuộc hộ cá nhân, lúc nào cũng bị thiên hạ nhìn như một kẻ phản động bị loại ra khỏi cộng đồng. Hắn biết thừa hợp tác xã là một thứ cha chung trong đó người khôn kẻ dại đều bấu vào với phương châm nói nhiều làm ít và vì thế, ăn cũng ít trừ ban chủ nhiệm, kế toán, thủ quỹ, đội trưởng và thư ký. Bọn này có trăm phương ngàn kế ăn cắp công quỹ, không bao giờ biết đến cái đói cho dù giá trị ngày công có những vụ chưa đầy hai trăm gam thóc.

 

Thằng Dọng dạo này đã có tiến bộ trong nghề thả ống lươn. Một  mình nó cai quản già nửa số ao chuôm làng Cùa. Nó ranh ma hơn Trịnh Doãng, thỉnh thoảng đem biếu chủ nhiệm Hỗ vài con lươn nên loại ngành nghề này tạm thời chưa bị hợp tác xã đưa vào danh mục quản lý. Hôm ấy thằng Dọng xuống Mạc Điền xem phim về muộn, bị Trịnh Doãng chửi cho một trận, gần nửa đêm mới khoác ống lươn đi thả. Nó tắt lối đình Đụn. Đình này đã bị phá hồi Cải cách chỉ còn trơ nền với mấy chục viên tảng vứt lổng chổng cùng bốn tấm bia đá. Lúc sinh thời lão Xếp Đáy bảo đã nhìn thấy con rắn mười hai mào dài gấp ba chiếc đòn càn, nằm cuộn khúc bên bụi dứa dại, riêng cái vẩy của nó cũng bằng đồng xu, lấp lánh như ánh bạc. Dân xóm Cầu Đá sợ lắm không ai dám bén bảng, nhưng bố con Trịnh Doãng thì bất chấp. Có vẻ như ma quỷ cũng phải kiềng dân thả ống lươn. Từ đình Đụn ra kho hợp tác xã chưa đầy năm chục thước. Sân kho làm trên khoảnh đất rộng, phía sau là khu đồng hoang nổi tiếng nhiều cá trê và lươn. Dọng cắm xong một ống, vừa bước lên bờ chợt thấy sân kho có bóng người liền ngồi thụp xuống căng mắt theo dõi. Được một lúc, nó men theo bờ tường bao bò vào xem bọn chúng đang àm gì. Lũ đạo chích không biết có kẻ theo dõi nên cứ lần lượt vào kho vác thóc ra ngoài. Đến lúc ấy thì Trịnh Dọng đã nhận mặt được tay Cấn thủ kho, Tào Văn Khắc, cháu gọi chủ nhiệm Hỗ bằng chú và đặc biệt có cả Bùi Quốc Tiếm, con trai chủ tịch Bùi Quốc Tầm. Thì ra chính cán bộ và nhân viên cờ đỏ hợp tác xã ăn cắp thóc của xã viên. Chả trách dân đói là phải. Dọng nghĩ vậy rồi chạy ra đường kêu lên:

- ới bà con ơi! Trộm vào phá kho hợp...

 

Dọng không biết lúc ấy có người bám theo mình. Nó chưa hô được hết câu thì đã bị một vật cứng nện vào gáy. Bọn ăn trộm quẳng vội các bao thóc xuống sân thì thầm bàn bạc. Bùi Quốc Tiếm chạy ra bờ đầm thu đám ống lươn mang đi còn Tào Văn Khắc và mấy tay cờ đỏ nhảy qua tường xúm vào đấm đạp Trịnh Dọng một hồi cho đến khi người nhũn ra mới kéo vào sân kho.

 

Sáng sớm chủ nhiêm hợp tác xã cho đánh kẻng báo động. Khi toàn thể ban quản trị và các xã viên xóm Cầu Đá kéo đến thì Trịnh Dọng đã chết. Mấy bao thóc vẫn còn vứt bên cạnh, vãi tung toé. Kế toan trưởng Cao Xuân Thọ còn tìm thấy hai bao nữa giấu trong bụi dành dành đầu đình Đụn. Tào Văn Hỗ đứng giữa sân kho tuyên bố:

 

Thưa bà con, đêm qua Trịnh Dọng đã phá cửa kho lấy trộm thóc hợp tác xã. các đồng chí dân quân canh gác kịp thời phát hiện yêu cầu về trụ sở giải quyết, nhưng Dọng đã dùng hung khí chống lại người thi hành công vụ sau đó chạy về phía đình Đụn. Vì trời tối, không nhìn thấy đường hắn bị vấp ngã, đập gáy vào tảng đá kê chân cột...vậy chúng tôi thông báo để bà con biết.

 

Hỗ vừa nói xong một người tóc tai bù xù từ bờ đầm rẽ đám đông chạy vào túm ngực anh ta gào lên:

- Không phải. Con tôi đi thả ống lươn chứ không ăn trộm thóc của hợp tác xã. Các người đã giết oan nó.

Tào Văn Hỗ đẩy Trịnh Doãng ra hất hàm cho Tào Văn Kha:

- Bảo anh em dân quân đưa ông ấy về.

- Tao không về !- Trịnh Doãng bị hai dân quân xóc nách kéo ra ngoài nhưng vẫn rướn cái cổ cò về phía Tào Văn Hỗ chửi – Tiên sư cha thằng chột. Chúng mày giết con ông, ông sẽ kiện đến cùng.

Vợ Doãng, cô Nhụ ngày trước giờ mặt mũi hom hem, quần áo tả tơi, vừa hờ con vừa khóc rất thảm thiết:

- Dọng ơi vì sao con bị chết oan hãy về báo mộng cho mẹ.

 

Mãi đến gần trưa công an huyện mới về. Chủ nhiêm Hỗ cho mổ con lợn sáu chục cân bắt ở trại chăn nuôi tiếp đãi. Cuộc họp có đủ thành phần chủ chốt của Đảng uỷ, Uỷ ban hành chính, ban chủ nhiệm  hợp tác xã và các đoàn thể quần chúng. Sau khi thanh toán hơn chục mâm cỗ, trưởng công an Trương Đình Tái đứng lên phát biểu:

-Trịnh Doãng nhiều năm nay là thành phần tiêu cực luôn chống đối chủ trương của Đảng và nhà nước.

 

Gần đây bố con anh ta mới xin vào hợp tác nhưng vẫn chân trong chân ngoài, nhất là thằng Dọng, lợi dụng nghề thả ống lươn, ban đêm luôn rình mò trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa. Lần này, bị phát hiện hắn dùng dao chống lại lực lượng bảo vệ định tẩu thoát nhưng không may vấp ngã, chấn thương vùng gáy đã tử vong. Hiện trường vẫn được giữ nguyên, đề nghị các đồng chí công an  khám nghiệm.

 

Bí thư Bùi Quốc Tầm bị bệnh đái dắt người gầy tóp như con nhái bén cũng gắng gượng đến họp cung cấp thêm vô số thành tích bất hảo của gia đình họ Trịnh :

- Bố con Trịnh Doãng thường kích động những phần tử bất mãn trong làng nói xấu cán bộ, chê bai hợp tác xã, gây rối trật tự trị an. Có lần bà con xóm Chùa còn nghe thấy hắn đọc mấy câu thơ sau đây rất mất lập trường:

 

“Mỗi người làm việc bằng hai

Để cho chủ nhiệm mua đài mua xe”.

 

đội trưởng Cung Văn Luỹ gật đầu:

-Đồng chí bí thư nói rất đúng. Bố con Trịnh Doãng đúng là thành phần bất hảo.

Công an huyện sau khi xem xét hiện trường, khám nghiệm tử thi kết hợp với lời khai của các nhân chứng đã tạm thời kết luận: “Trịnh Dọng người làng Cùa sinh năm 1956 vào hồi ba giờ năm phút ngày 17 tháng 6 năm 1969 đã phá cửa kho hợp tác xã lấy trộm thóc bị lực lượng bảo vệ phát hiện liền dùng loại dao mác vót nan chống trả quyết liệt. Qua một hồi giằng co , anh ta chạy về phía đình Đụn bị trượt chân ngã gây chấn thương nặng ở vùng gáy sau đó tử vong”

 

Các thủ tục hoàn tất, Tào Văn Hỗ gọi gia đình Trịnh Doãng đưa con về rồi cử bốn xã viên lên cửa hàng vật liệu kiến thiết mua cỗ quan tài gỗ tạp để khâm liệm Trịnh Dọng. Tối hôm ấy Nguyễn Đình Phán cùng bố con ông Mộc đến thổi kền thờ. Tiếng kèn thổi điệu “Lâm khốc” của lão thợ gộc vừa ai oán vừa uất hận, người làng Cùa càng nghe càng thấy xót xa. Các bà các cô đến chia buồn lúc đầu còn sụt sịt sau oà lên khóc nức nở. Mỗi lần như thế Trịnh Doãng lại trợn mắt nghiến răng còn bà Nhụ thì nằm mê man bên quan tài con trai, thỉnh thoảng khẽ rên rỉ bằng thứ giọng khản đặc “ới con ơi!”.

 

Đưa đám xong, Doãng không về làng mà đi tắt đồng Chó Đá lên đường 228. Hắn cứ để nguyên bộ quần áo lấm lem chạy gằn về huyện. Người gác cổng thấy một gã mặt rỗ, quần ống thấp ống cao dáng vẻ ngơ ngác như vừa ở trại tâm thần về  liền ngăn lại:

-Anh kia, có việc gì?

-Tôi cần gặp ông chủ tịch huyện.

Tay bảo vệ hỏi trống không:

-Có việc gì?

Doãng trợn mắt sừng sộ:

-Việc gấp có liên quan đến tính mạng đứa bé mười bốn tuổi.

-Thế thì anh đến nhầm chỗ rồi.- Tay gác cổng cất giọng khinh khỉnh- Những việc như thế phải sang bên công an.

Doãng lắc đầu;

-Tôi đếch tin công an . Bọn họ với ban chủ nhiệm hợp tác xã là một. Con tôi bị chết oan tôi phải kiện lên ông chủ tịch cho chúng nó phải đi tù.

Ngưòi gác cổng chạy vào dãy nhà làm việc, mấy phút sau, một người đàn ông tầm thước mặc bộ quần áo Tô Châu bước ra nhìn Trịnh Doãng một thoáng rồi nói:

- Đồng chí chủ tịch hôm nay bận họp, có việc gì mời bác vào phòng tôi.

- Nhưng mà ông là ai?

Người mặc đồ Tô Châu thong thả bảo:

-Tôi là Đoàn Công Sự ,bí thư huyện uỷ.

 

Doãng vừa kể vừa khóc, câu nọ vấp vào câu kia. Nghe xong ông bí thư bảo:

Vấn đề này thuộc trách nhiệm của ngành công an. Giờ bác sang bên ấy trình bày với huyện trưởng. Tôi sẽ gọi điện sang yêu cầu họ giải quyết.

Người thả ống lươn vừa ra khỏi cổng ông bí thư liền quay dây nói cho huyện trưởng công an:

- Alô! Anh Thẩm đấy phải không?

- Thưa anh có việc gì ạ?

 

Bí thư huyện uỷ gắt:

-Cái vụ sáng nay ở làng Cùa các anh làm ăn thế nào mà để tay Trịnh Doãng lên ăn vạ ở cổng huyện, may mà tôi ở nhà chứ không lôi thôi to.

- Báo cáo anh, biên bản xét nghiệm hiện trường cho biết, lúc ba giờ đêm Trịnh Dọng phá cửa kho vác trộm thóc. Anh em dân quân phát hiện bị nó đánh lại rồi chạy trượt chân ngã, chấn thương nặng ở vùng gáy được một lúc thì chết.

Bí thư hạ giọng ra lệnh:

- Phải dẹp yên vụ này đi, nếu cần tạm giam tay Doãng vài ngày. Nó mà kích động một số phần tử tiêu cực kéo lên đây gây rối thì cá nhân anh phải chiụ trách nhiệm trước huyện uỷ đấy.

- Dạ, tôi hiểu, bí thư cứ yên tâm.

Vừa nhìn thấy Trịnh Doãng bước vào phòng, Đoàn Danh Thẩm đã hỏi:

- Anh là Trịnh Doãng ở làng Cùa?

Tay thả ống lươn gật đầu:

- Phải. Hôm nay tôi lên đây để yêu cầu công an huyện trừng trị bí thư xã Đoàn Kết Bùi Quốc Tầm và chủ nhiệm Tào Văn Hỗ cho tay chân đánh chết con tôi rồi vu oan nó phá cửa kho ăn trộm thóc.

 

Đoàn Danh Thẩm trừng mắt:

- Công an huyện đã về tận nơi khám xét, lấy lời khai các nhân chứng và xác định được thằng con anh đột nhập vào kho vác trộm thóc, chống lại nhân viên bảo vệ bị trượt chân ngã chấn thương sọ não. Một mình thằng Dọng không thể lấy được từng ấy thóc mà phải có bọn bên ngoài. Chúng tôi đang tiếp tục mở rộng điều tra, có kết quả sẽ thông báo cho xã.

Doãng chĩa cặp môi cá ngão vào huyện trưởng công an :

-Thứ nhất, con tôi khong ăn trộm thóc mà đi thả ống lươn, thứ hai, nó không ngã mà bọn ăn trộm dùng gậy đập vào gáy.

- Anh đừng nói càn. Hiện trường gây án đã được bộ phận nghiệp vụ điều tra, xác minh và lập biên bản tại chỗ. Tôi thông cảm với  tâm trạng anh lúc này nhưng chúng ta là công dân phải tôn trọng pháp luật.

 

Doãng lắc đầu:

-Tôi không tin vào thứ pháp luật của các ông.

Đoàn Danh Thẩm cười nhạt;

- Anh phải tin. Bởi vì pháp luật đại diện cho nền chuyên chính vô sản. Chống lại pháp luật tức là chống lại Đảng và Nhà nước chúng tôi sẵn sàng mời anh vào trại cải tạo cho đến khi nào hết hoài nghi.

Trịnh Doãng đã có ít nhất hai lần nằm trong trại tạm giam hiểu rất rõ thế nào là công dân mất tự do. Hắn tin ông huyện trưởng đã nói là làm. Chuyến này mà bị bắt thì gay.

 

Trên đường về Doãng chợt nhớ đến ông Trần Quảng. Phải rồi, có lẽ chỉ còn cách ấy. Uỷ ban hành chính tỉnh sơ tán về làng Bầu cách đây hơn chục cây số, gần gấp đôi đường ra huyện, nếu đi liền một mạch thì tờ mờ sáng là đến nơi. Tấm danh thiếp của ông chủ tịch vẫn để dưới đáy hòm lúc nào đi phải mang theo. Qua cánh đồng Chó Đá, Doãng dừng lại bên mộ thằng Dọng. Vẫn còn mấy ngọn hương lập loè. Chắc vợ hắn hoặc anh em thằng Dõng mới ra thắp cho nó. Dọng ơi con chết thật oan ức, phen này bố nhất quyết phải đòi lại công bằng để pháp luật trừng trị những kẻ vừa ăn cướp vừa la làng.

Sắp qua cầu đá như chợt nhớ ra điều gì, Doãng quay lại miếu Si tìm lão đánh gộc sau đó lôi ông ta đến nhà Nguyễn Đình Phán. Ba người nhỏ to bàn bạc. Thằng Nhặt đứng cổng canh chừng. Gần đây Doãng mới phát hiện ra sự lạ ở đôi tai ông Mộc.Khi nói chuyện, nếu quát to, ông ta hoàn toàn điếc đặc, nhưng khẽ thì thầm lại nghe rõ, không cần phải ra hiệu.

- Được, tôi làm nhưng ông phải chuẩn bị cái chiếu thước rưỡi.

Nguyễn đình Phán xem ra còn lưỡng lự :

- Bác liều quá, đêm hôm thế này nhỡ công an tóm được thì gay.

Doãng gắt:

- Chú sợ chết thì ở nhà.

- Thôi, cũng đành vậy tôi thấy đúng là bác gan cóc tía, trên đời không có người thứ hai.

 

Đầu canh hai, Doãng về nhà lấy lá đơn kiện do thằng Dõng viết từ sáng và tấm danh thiếp của ông Trần Quảng rồi cả bọn mang cuốc xẻng ra bãi tha ma. Trong nửa giờ, ba người đào mộ thằng Dọng, mở nắp quan tài, bọc thi thể vào tấm vải diềm bâu. Lão đánh gộc quấn chiếu, bó lạt tre rất nhanh. Xác chết trương phình đã bốc mùi làm Nguyễn Đình Phán phải bịt mũi, nhổ nước bọt. Ông Mộc ngậm rượu phun phì phì. Doãng dốc cả một lọ nước hoa mậu dịch lên khắp chiếu. Nguyễn Đình Phán đi trước, Trịnh Doãng và lão đánh gộc khênh thằng Dọng bước thấp bước cao tắt đường đồng lên đường quốc lộ. Doãng bước phăng phăng, ông Mộc yếu chân gần như bị tay thả ống lươn lôi đi, thỉnh thoảng lại vấp ngã làm chiếc võng bị kéo lệt sệt trên mặt ruộng.

 

Nửa đêm về sáng, đường 228 không một bóng người. Vạn vật lặng lẽ chìm trong thứ bóng tối đặc quánh, dính nhớp nháp như nhựa hắc ín. Đã từ lâu, chiến tranh phá hoại hình như chừa vùng này ra. Hãn hữu lắm mới có chiếc máy bay lượn lờ mãi chín tầng mây. Không một tiếng chó sủa. Gà gáy xao xác báo đêm đã chuyển canh. Lúc rẽ vào làng Bầu xuýt nữa bị đám dân quân tuần tra phát hiện, Nguyễn đình Phán phải trổ tài thuyết khách cho họ xem thẻ cử tri cả bọn mới qua được vọng gác. Cũng may trời xui đất khiến thế nào, bệnh viện sơ tán lại ở kẻ Sung, đưa người ốm đi bệnh viện phải qua làng Bầu. Cánh dân quân mắt nhắm mắt mở chỉ kiểm tra giấy tờ chẳng để ý đến bọc chiếu nằm trong võng đang toả ra thứ mùi nặng âm khí.

 

Khu sơ tán của uỷ ban tỉnh là vườn nhãn cổ thụ chùa Vĩnh Xương. Những dãy nhà tranh lợp giấy dầu thấp lè tè khuất dươí bóng nhãn được nối tiếp với nhau bằng hệ thống hào giao thông ngập đầu người. Sau khi xác định đúng vị trí ngôi nhà của ông chủ tịch, Nguyễn đình Phán ngoắc tay ra hiệu cho Trịnh Doãng và lão thợ gộc chuyển bó chiếu xuống đường hào. Trời mới mưa mấy hôm trước, nước ngập đến mắt cá chân. Họ bấm nhau bước thật khẽ để khỏi phát ra tiếng động. Lúc ấy đã là cuối canh tư nhưng vẫn còn tối mò. Trịnh Doãng vác bó chiếu leo lên đặt dựng đứng giữa khung cửa sổ, gài lá đơn vào khoanh lạt ở chỗ dễ nhìn thấy nhất rồi lại tụt xuống hào cùng hai ông bạn rút ra ngoài.

 

Kẻng cơ quan báo thức bằng vỏ quả bom năm trăm bảng Anh treo trên cành nhãn, gõ đúng ba hồi chín tiếng nghe rất chối tai. Các cánh cửa lần lượt mở. Mấy vị ở ban tổ chức chính quyền ngại ra hố giải ở mãi cuối vườn, chẳng ông nào bảo ông nào, đều bắc “vòi” đồng loạt câu xuống hào nước. Chủ tịch tỉnh đã ngót ngét sáu mươi, sắp nghỉ hưu nhưng vẫn tập thể dục rất đều. Sau khi chạy một vòng quanh lối mòn trong vườn nhãn, Trần Quảng vào sân chùa Vĩnh Xương tập với đám thanh niên bên văn phòng ty giao thông. Bọn này hay đi chơi khuya, ngủ muộn, nhiều khi ông phải đập cửa mới uể oải dậy . Tập xong về đến cửa, Trần Quảng đã ngửi thấy mùi khăn khẳn rất lợm giọng. Ông cho rằng đó là mùi chuột chết định vòng ra phía sau tìm thì bất chợt nhìn thấy bó chiếu dựng ngay cửa sổ. Là người đã từng nếm mùi tù đày cận kề cái chết không chỉ một lần mà chủ tịch Trần Quảng cũng thấy lạnh sống lưng, mặt xám ngoét, miệng ú ớ không nói được câu nào. ít phút sau mấy công an bảo vệ hạ cái xác xuống khênh ra vườn nhãn. Người ta tìm thấy trong tay ông Chủ tịch lá đơn Trịnh Doãng đọc cho con trai viết:

 

Kính gửi ông chủ tịch!

Tôi là Trịnh Doãng, phó thường dân làng Cùa, xã Đoàn Kết, huyện Nam Thành, đã có vinh dự được nấu món lươn om củ chuối phục vụ đoàn cán bộ do ông dẫn đầu về thăm xã vì thành tích làm thuỷ lợi nội đồng ngày... tháng... năm.... Dịp ấy, ông còn chiếu cố bắt tay và cho tôi tấm danh thiếp, hẹn có việc gì cần cứ đến gặp ông. Nay tôi làm đơn này gửi lên ông để kêu oan về cái chết mờ ám của thằng Trịnh Dọng  con tôi. Nó là thằng bé mới mười bốn tuổi, bản tính thật thà, từ bé đến giờ chưa hề trộm cắp của ai. Đêm ngày 17 tháng 6 lúc nó đang thả ông lươn thì nhìn thấy Tào Văn Khắc, Bùi Quốc Tiếm cùng đồng bọn mở kho ăn trộm thóc hợp tác. Sợ sự việc bại lộ, chúng xúm nhau lại đánh chết thằng Dọng rồi vu oan cho nó phá cửa kho, vác thóc ra ngoài, bị dân quân bắt đã dùng vũ khí chống lại. Công an huyện Nam thành về xã, lập biên bản xong được bí thư Bùi Quốc Tầm và chủ nhiệm Tào Văn Hỗ làm thịt con lợn sáu chục cân thết đãi. Họ kết luận vụ án theo lời khai của các nhân chứng do ông Tầm và ông Hỗ sắp đặt hoàn toàn sai sự thật. Tôi đã trực tiếp lên huyện công an khiếu nại nhưng xuýt nữa bị ông Đoàn Danh Thẩm tống giam. Gia đình tôi giờ cùng đường rồi chẳng biết bày tỏ với ai nỗi oan khuất này, vì vậy đành phải mang xác Trịnh Dọng lên trình với ông, mong ông đèn giời soi xét giải nỗi oan và trùng trị những kẻ tàn ác, bất lương, vô nhân đạo đã giết chết nó.

 

Kính đơn

Trịnh Doãng đã ký

 

Lúc ấy bọn Trịnh Doãng đã ra đứng ở cổng Chùa. Hắn đưa tấm danh thiếp cho người gác cổng xin được gặp ông Quảng. Anh ta nhìn hắn đầy vẻ nghi ngại:

- Anh là thế nào với ông chủ tịch?

Doãng ngẫm nghĩ một thoáng rồi nói bừa:

- Là em họ.

- Chưa đến giờ làm việc mời anh ra bên ngoài đợi một lúc.

Cùng lúc ấy, một chiếc xe com măng ca bóp còi inh ỏi chạy từ vườn nhãn ra rồi quặt xuống làng Tào Khê. Đó là xe ông Trần Quảng. Ông Quảng từ lâu mắc chứng suy tim do thời gian tù Sơn la bị tên cai ngục Lơgiê bắt uống một loại độc dược làm co thắt động mạch vành, thỉnh thoảng huyết áp tăng vọt, những lúc làm việc căng thẳng hay bị ngất. Lần này nhìn thấy cái xác bó chiếu nhất là sau khi đọc lá đơn kêu cứu của Trịnh Doãng, ông chủ tịch bị sốc rồi đột quỵ ngay tại chỗ. Anh em cán bộ văn phòng vội đưa đi cấp cứu nhưng không kịp. Trần Quảng qua đời khi xe chỉ còn cách bệnh viện sơ tán không đầy trăm thước.

 

Ông chủ tịch mất làm tỉnh uỷ, uỷ ban hành  chính và các ngành chức năng rối lên. Người ta bận tổ chức lễ tang nhưng không quên tay thả ống lươn. Đáng lẽ Trịnh Doãng mang thằng con về ngay  còn nhẹ tội, đằng này hắn cứ định xông vào tỉnh đường kêu gào khóc lóc, trong khi cái xác bó chiếu mỗi lúc một nặng mùi làm ông chánh văn phòng phải cử ngay mấy nhân viên hành chính mang ra chôn ngoài Đống Cao rồi gọi điện báo cho ty công an. Ông Hà Văn Trai, trưởng ty, đang ngấp nghé chân phó chủ tịch phụ trách nội chính vốn rất kính trọng Trần Quảng liền ra lệnh tống Trịnh Doãng vào trại giam với tội danh khủng bố. Thấy tay thả ống lươn bị bắt, Nguyễn Đình Phán vội kéo ông Mộc nhảy xuống hào giao thông chạy bán sống bán chết, khoảng nửa giờ mới ra khỏi làng Bầu. Cả hai mệt đứt hơi, ngồi thở một lúc, khát quá liền vốc nước ruộng uống. Lúc ấy mặt trời đã lên quá con sào. Nguyễn Đình Phán ghé tai lão thợ mộc nói nhỏ:

-Ta về thôi bác, chuyến này thì Trịnh Doãng gay rồi.

Ông Mộc dỏng tai nghe, có vẻ đã hiểu liền bảo:

-Tôi với chú ngu hơn chó, nghe hắn xui dại, suýt nữa vào nhà đá hết lượt.

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10    11    12    13    14    15   16    17   
Đặng Văn Sinh
Số lần đọc: 2090
Ngày đăng: 20.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm - Trịnh Thắng
Dấu ấn Đồng Quê - Trịnh Thắng
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cùng một tác giả
Ký ức làng Cùa (truyện dài)
Đò đêm (truyện ngắn)
Đêm trăng Tả Giàng (truyện ngắn)
Bến phù dung (truyện ngắn)
Chị Hà (truyện ngắn)
Chuyển kiếp (truyện ngắn)
Cây mít tố nữ (truyện ngắn)
Công ty Vẹt (truyện ngắn)
Chiều muộn (truyện ngắn)
Cái vòi (truyện ngắn)