Lúc đầu tôi đã định đề tặng cuốn sách này cho một ai đó, nhưng rồi cuối cùng tôi lại đành phải đề tặng nó cho riêng tôi, bởi vì những tư tưởng khác thường của nó không phải ai cũng có thể chấp nhận được. Nhân danh đức tin, tôi thề rằng món ăn này hoàn toàn hợp khẩu vị tôi, còn nếu như nó không hợp với khẩu vị của ai đó thì cũng xin đừng lấy thế làm tức giận hay buồn phiền làm gì – các vị có thể không ăn kia mà! Tôi tin rằng, sau khi đã tự đề tặng cho mình, chẳng ai lại hẹp hòi đến mức trách mắng tôi tại sao lại ích kỉ đến thế. Ồ, thưa quí vị, tôi cần phải cảnh giác như thế là vì xưa nay tôi vẫn thấy rõ rằng người ta có thể chết vì những chuyện không đâu, ví như Don Kihote – nhà kị sĩ lừng danh xứ Maltra – có thể chết vì cái cối xay gió, hay anh chàng kì quặc Hamlet có thể chết bởi cái bệnh giả điên giả dại của anh ta. Các cụ xưa vẫn dạy: Hoạ từ mồm ra, bệnh từ mồm vào. Lại nói: Bút sa gà chết. Vậy thì tôi cẩn thận vẫn hơn. Nếu có vị nào đủ dũng cảm nếm thử món ăn này và cảm thấy hợp khẩu thì như vậy là đã ban tặng hạnh phúc và vinh dự rất lớn cho kẻ thợ viết tầm thường này. Tôi rất xúc động xin đa tạ quí vị đó.
TRƯỜNG THANH
Hẵng tự biết lấy mình.
SOCRATES
1
Lúc này, đồng hồ chỉ 1 giờ sáng ngày 2 tháng 7 năm 1993.
Trần Việt chỉ còn một câu cuối cùng để kết thúc cuốn sách “Sám hối” của đời mình. Kết cục bi thảm của một cuộc đời không ra gì. Hắn cần phải chết, nhưng ông không biết nên cho hắn chết bằng cách nào: uống thuốc độc, treo cổ, bắn một phát súng vào đầu? Trước mặt ông là một khẩu K.54 đen trũi nằm bên cạnh cái chặn giấy bằng gỗ cẩm lai nặng trịch. Một lọ thuốc Cloruaquine đặt trên cuốn nhật kí bìa vàng chưa được ghi ngày hôm nay. Một sợi dây dù như con rắn xanh nằm cuộn tròn dưới lọ hoa bất tử đã rụng gần hết cánh. Hắn cần phải chết, bởi hắn không còn lí do nào để tồn tại. Cuộc đời này không còn chỗ cho hắn. Nhưng cho hắn biến bằng cách nào thì Trần Việt chưa nghĩ ra. Chỉ còn một câu nữa thôi là chấm dứt một số phận, một nỗi đau kéo dài làm ông vật vã, quằn quại khôn nguôi. Nhưng đó là một câu kinh khủng, câu văn khó viết nhất đời ông. Có thể là : “Và tôi gí khẩu súng vào mang tai, bóp cò”. Có thể là: “Và tôi buộc sợi dây lên xà nhà rồi tròng cổ vào đó”. Ồ, tầm thường! Sao cái chết lại tầm thường như thế? Sao văn chương lại tầm thường như thế? Một sự sống tầm thường và một cái chết tầm thường được miêu tả bằng thứ văn chương tầm thường, thật không có gì đáng khinh hơn, đáng tởm hơn. Phải có một cái chết cho ra hồn. Phải có văn chương ra hồn!
Trần Việt hoang mang. Cái chết tưởng dễ mà hoá khó. Xưa nay ông cứ nghĩ là để sống được mới khó chứ, vậy mà té ra để chết đi còn khó gấp ngàn lần. Người ta có thể không tiếc cuộc sống, nhưng người ta sợ cái chết, bởi cái chết là sự xoá sạch anh ra khỏi thế giới. Cho nên cái chết bao giờ cũng khó khăn. Cái chết của hắn lại càng khó khăn hơn, bởi vì hắn đã sống với đầy đủ vinh quang, tiền bạc, sung sướng, dối trá, hèn nhát và rất phàm tục. Mà thực ra thì đấy cũng chưa phải là cái chết, đấy mới chỉ là sự lựa chọn phương tiện để chết. Có hàng ngàn phương tiện để chết, nhưng chỉ có một phù hợp với cái chết này, bởi nó là cái chết của chính ông! Ông không muốn chết một cách khủng khiếp, cũng không thể nhẹ nhàng ra đi. Nợ nần, ân oán, tình nghĩa…còn nặng nề lắm. Một phương tiện chết không chỉ tốt mà còn phù hợp với một người đầy mình tội lỗi nhưng lại không bao giờ muốn xuống địa ngục. Hắn đã sống một đời buông thả, hư hỏng, ích kỉ và không biết tự kiềm chế. Hắn đã làm quen với các bậc thần thánh nhưng lại chỉ học được ở họ những tính cách ma quỉ. Bởi vậy, hắn không có quyền ước mơ gì ngoài một cái chết đích đáng. Nhưng hắn thích mọi việc phải nhanh gọn, dứt khoát, nếu bắn súng không thể bắn phát thứ hai. Đúng vậy, đã bắn phát thứ hai thì còn chết thế nào được?
Trần Việt như thấy mình nằm trên vũng máu. Rồi được chở đi bệnh viện. Mẹ kiếp, ông căm thù bệnh viện! Phát súng không được trật. Đừng run tay!
Nhưng tay ông đang run lên. Phải, tay ông run dữ lắm, đến nỗi ông muốn cầm cây bút lên mà không được. Máu như băng giá trong đầu ông. Trần Việt đứng dậy, vỗ hai bàn tay vào nhau. Ông nhảy nhót cho máu huyết lưu thông, rồi rót một li rượu từ trong cái chai đã vơi đi một nửa. Ông cần có rượu để lấy can đảm, để ổn định tinh thần.
Trần Việt săm soi nhìn cái li. Cuộc đời ư? Cuộc đời là cái quái gì nhỉ? Ông cười khẩy rất mỉa mai. Cuộc đời là cái li bé tí này đây! Nó sinh ra để đựng những giọt rượu đắng chát. Nếu lỡ tay rơi xuống là vỡ tan trăm ngàn mảnh vụn. Không có nó thì cũng có vô khối thứ để thay thế.
Bỗng nhiên, Trần Việt phá ra cười. Mẹ kiếp, có vô khối thứ để thay thế cuộc đời này, cần chi phải có cuộc đời hả? Vô nghĩa! Vô nghĩa! Ông không biết cuộc đời con người có một ý nghĩa hay ho nào đó. Người ta sinh ra để đau khổ, lo toan, buồn phiền, đói khát, chém giết… Thật vô nghĩa làm sao. Con người đã được những gì? Mất những gì? Sau mấy mươi năm tồn tại để ngụp lặn trong bể khổ, họ lại chết đi và thế là hết, cát bụi lại trở về cát bụi. Nếu xét về mặt quyền lợi của con người thì sự tồn tại của họ là phi lí. Xét về mặt lợi ích của hành tinh thì sự tồn tại của họ là có hại. Họ đào bới lòng đất, chặt trụi cây cối, làm ô nhiễm môi trường, chọc thủng tầng ozon, làm biến dạng thiên nhiên, cạn kiệt nguồn nước, sa mạc hoá mặt đất, diệt chủng hàng triệu loài sinh vật, phá vỡ mọi qui luật tồn tại của tự nhiên…Vậy nhưng con người chẳng nhờ thế mà cao lớn thêm, mà sung sướng hơn. Ngược lại, chiến tranh, bệnh tật, đói khát, dốt nát…đang hoành hành khắp nơi trên thế giới: Bosnia, Somali, Campuchia, Haiti, Rwanda, Apganistan…Họ coi sự tồn tại của con người là rác mắt nên cứ tiêu diệt cho hết đi. Đàn ruồi ở Somali còn sướng hơn người Somali. Bọn chuột ở Bosnia chắc chắn vẫn sung sướng hơn người dân Bosnia. Ôi thật đáng ghét thay là cái thế giới bất công này. Cái cuộc đời cực nhọc này. Loài người đáng thương này!
Sau những ý nghĩ đó, Trần Việt như cạn kiệt cả sức lực và trí tuệ. Ông thở hổn hển, thần kinh như căng lên. Ông lại rót tiếp một li rượu nữa dốc vào mồm. A, cuộc đời chỉ có ý nghĩa là lúc này đây! Ông giơ cao cái li đầy vẻ mỉa mai hài hước, rồi bất ngờ, ngoài cả ý nghĩ mình, ông ném mạnh vào chính bức chân dung của ông đang tươi cười trên tường. Trán ông rách toác ra. Ông đau nhói, lết đến bên bàn như con thú bị thương, lòng hoang mang run rẩy muốn dừng lại những ý nghĩ khủng khiếp đó nhưng không được. Như một cái vòi nước đã được mở, những ý nghĩ đó cứ phun trào ra không tài nào kiềm chế nổi. Một mớ ý nghĩ chán nản, u uất, phẫn chí. Tối mù mịt. Lạnh lùng khắc nghiệt. Đến cả chính ông cũng thấy kinh sợ nó, thấy nó thật trắng trợn nhưng không thể cải chính bởi nó thật quá, thật đến không tin được.
Trong cả mớ ý nghĩ đó không có ý nghĩ nào giúp ông kết thúc cuốn sách của mình. Ông cần một quyết định: súng, thuốc độc, hay thòng lọng? Hãy chọn lấy một thứ. Ông nhìn những vật mang dấu ấn của tử thần ấy ở trên bàn, băn khoăn tự hỏi: Chết bằng cách nào? Chết như thế nào? Ông cần một cái chết nhanh, an toàn tuyệt đối, không được để cơ hội sống sót. Khả năng sống sót cũng không phải là ít đâu, ví như viên đạn bị lép, sợi dây bị đứt hay gặp viên thuốc dổm. Ồ, sống sót trong trường hợp đó thì còn tồi tệ hơn cả cái chết. Ông không hề có ý định sống sót.
Bìa ĐI TÌM THƯỢNG ĐẾ Tiểu thuyết của TRƯỜNG THANH
NHÀ XUẤT BẢN THANH NIÊN 2008