Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.107
123.229.722
 
Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời
Imre Kertész
Chương 1

Lời giới thiệu

 

Nhà văn Hung gốc Do thái Kertész Imre sinh ngày 9 tháng 11 năm 1929 tại Budapest- Hungary.

 

Năm 1943, mới 14 tuổi, ông đã trải qua trại Auschwitz, rồi Buchenwald, những trại tập trung phát xít Đức dựng lên để lùa nhốt dân Do thái toàn cõi châu Âu, với mục đích thủ tiêu họ dần dần.

 

Năm 1945, sau khi các trại tập trung được Hồng quân liên Xô giải phóng, Kertész Imre quay về Hungary. Ông làm nhiều nghề khác nhau: nhà báo, biên tập viên cho các báo và văn phòng Bộ công nghiệp, viết lời cho một số nhạc kịch, có lúc làm công nhân trong một thời gian ngắn.

 

Từ 1953 trở đi, Kertész là nhà báo tự do, kiếm sống chủ yếu bằng công việc dịch thuật.

 

Tiểu thuyết đầu tay của Kertész Imre, tác phẩm Không số phận viết trong 13 năm, sau nhiều chờ đợi và chối từ, năm 1975 mới được xuất bản tại Hungary.

 

Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là một  thiếu niên, sau khi đã trải qua những kinh nghiệm sống hãi hùng, trong các trại tập trung của phát xít Đức trở về, cậu trở thành người lớn, một người lớn, vĩnh viễn không bao giờ có thể sống đời sống bình thường như những người khác, chính vì dấu ấn nạn nhân, từ chủ nghĩa bài Do thái, đã để lại sâu sắc trong tâm hồn cậu.

 

Ngày 10 tháng 10 năm 2002, Kertész Imre nhận giải Nobel văn học với cuốn tiểu thuyết Không số phận. Ông trở thành nhà văn Hungary đầu tiên đoạt Nobel văn chương.

 

Tác phẩm Không số phận đã được dịch ra hầu hết các thứ tiếng trên thế giới, và được chuyển thể thành phim năm 2005.

 

Trong các tác phẩm khác viết sau này, Kertész Imre thường phân tích một cách độc đáo và sâu sắc, số phận của những con người, bị quy định như một bi kịch định mệnh trong các tình huống xã hội đặc thù, như trong xã hội Hungary nói riêng và trong lịch sử Đông Âu nói chung.

 

Đó là các tác phẩm: Sự thất bại (1988), Lá cờ Anh (1991), Nhật ký khổ  sai (1992) Kẻ khác (1997), Tính sổ (2003)…

 

Tiểu thuyết Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời, viết năm 1990, thường được coi là câu trả lời tiếp nối của Không số phận. Giới phê bình và độc giả trong nước, đánh giá tác phẩm này là một trong những kiệt tác văn học Hungary- kể cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện- trong thập kỷ đầu tiên, khi Hungary trở lại thành một xã hội dân chủ.

Ngay với tên cuốn sách, tác giả đã lưu ý bạn đọc đến một loại kinh cầu nguyện, thường sử dụng trong các buổi tang lễ, phúng những người đã mất: đó là kinh Kaddis trong tôn giáo Do thái. Cuốn tiểu thuyết được viết như một lời cầu nguyện, các ý tưởng nối tiếp nhau, dàn trải theo một nhịp điệu nhịp nhàng, Kertész Imre đã sử dụng lối viết độc đáo của văn học truyền thống Do thái khi xây dựng tác phẩm này.

 

Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là một người đàn ông Do thái, lấy một người vợ Do thái, nhưng ngay từ điểm xuất phát vào đời, người đàn ông này đã quyết định sẽ không có con. Trong một đêm giông tố của cuộc đời, nhân vật chính kể lại tại sao mình lại nhất quyết nói: „Không!” với người vợ (cũ) khi nàng muốn có con, muốn xây dựng tổ ấm với mình. Ông từ chối cơ hội sinh ra những đứa trẻ, từ chối cơ hội, để cuộc sống của mình tiếp nối với những thế hệ con, cháu. Ông chuẩn bị một cái chết từ từ cho mình, và quay lưng lại với cuộc sống. Cuộc đời của nhân vật, là một chuỗi phủ nhận những gì đang tồn tại với mình, và quanh mình. Nguyên nhân của sự phi lý này, chính là toàn bộ quá khứ, đã gây ra những vết thương, giết chết tâm hồn con người, mà Kertész Imre đã phân tích cực kỳ sâu sắc, trong những triết lý thiên tài, về những vết thương còn „mạnh hơn cả tri thức…”

Đấy là hậu quả của  một quá khứ tổng hợp, của một con người được nuôi dạy trong nền giáo dục thiên chúa giáo cực kỳ nghiêm khắc, của tuổi thơ bị mất, vì sự hà khắc của người cha, của những kinh nghiệm sống sót từng trải, thu thập từ trại tập trung của phát xít Đức. Đấy là toàn bộ sự  hiện hữu bi kịch của một người Do thái, trong lịch sử bi thương  của dân tộc Do thái.

Tiểu thuyết kết thúc bằng kết quả lạc quan bất ngờ: người vợ ly hôn, nàng kết hôn với người khác, và sinh ra những đứa con. Cuộc sống, dù cay đắng bao nhiêu, vẫn tiếp tục đơm hoa kết quả.

 

Người đàn ông- nhân vật chính của tác phẩm, là một nhà văn và một dịch giả - tuy lựa chọn con đường sống độc thân, nhưng với các tác phẩm và dịch phẩm của mình, vô hình chung vẫn kéo dài cuộc sống của chính mình bằng nghệ thuật và văn chương, bằng những giá trị đích thực từ một nền văn hóa tạo ra thế giới  con người. Đây là giá trị vĩnh cửu của văn chương và nghệ thuật trong đời sống con người, được nhắc đến như ý nghĩa của tác phẩm.

 

Giá trị nhân bản của tác phẩm, cùng với những triết lý, tuy rất”tự thân”, rất đặc thù của Kertész Imre, nhưng có nhiều tương đồng với những yếu tố triết học đương đại của thế kỷ XX, khiến tiểu thuyết Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời  đã trở thành một trong những kiệt tác văn chương xuất sắc, trong văn chương hiện đại châu Âu, và thế giới. Là một dịch giả tiếng Đức nổi tiếng, tác phẩm của Kertész Imre chắc chắn chịu nhiều ảnh hưởng từ các nhà triết học Đức, Áo mà ông dịch như: Elias Canetti, Sigmund Frend, Hugo Von Hoffmannstahl, Friedrich Nietzsche, Jozseph Roth, Arthur Schnitzler, Ludwig Wittgenstein

 

Để lần đầu tiên tác phẩm của Kertész Imre được xuất bản tại Việt nam, người dịch đã bỏ rất nhiều công sức, cố gắng mang lại cho bạn đọc Viêt nam một ấn phẩm dịch có chất lượng, với mong muốn, sau  tiểu thuyết Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời,  người dịch sẽ có dịp giới thiệu tiếp, những tác phẩm ưu tú khác, của nhà văn đoạt giải Nobel Hungary Kertész Imre, giúp bạn đọc tìm hiểu thêm một nền văn học châu Âu cực kỳ đặc sắc: văn học Hungary.

 

Budapest  2008-05-18

Người dịch: Nguyễn Hồng Nhung

 

 

 „Không!” – tôi nói luôn và ngay tức khắc, không do dự và có thể nói, theo bản năng, bởi vì hoàn toàn hiển nhiên, những bản năng của chúng ta hoạt động chống lại chính những bản năng của chúng ta, nói cách khác, những bản năng đối kháng của chúng ta hoạt động thay cho những bản năng thuần tính, thậm chí không quá lời – tôi đang ví von, nếu điều này có thể coi như sự ví von, hoặc cũng vậy, nếu sự thật trần trụi và thảm hại có thể xem là sự ví von. – tóm lại, tôi đang kể cho nhà thông thái đi ngược về phía tôi, sau khi cả ông ta lẫn tôi cùng dừng lại trong cánh rừng sồi đang héo mòn và hổn hển thở có thể nghe thấy được, bởi mắc một căn bệnh, có thể là bệnh lao phổi, rừng cây sồi, hay gọi là cây gì nhỉ: xin thú thật, tôi yếu kém về môn thực vật, riêng cây thông thì tôi nhận ra ngay, do những lá kim nhọn của nó, và những cây sung dâu, bởi vì tôi thích chúng. Cái gì tôi thích, cho đến tận hôm nay, ngay cả bằng bản năng đối kháng, nếu không phải bằng cái cảm giác buốt nhói trong ngực, đau quặn ruột, muốn nhảy dựng lên, như khi tôi phát hiện ra những điều tôi thù ghét, nói thẳng ra là, với sự nhận biết cảm hứng, tôi vẫn nhận ra nó. Tôi không biết, ở tôi, tại sao mọi cái với nhau, luôn luôn khác,  đơn giản hơn, nếu tôi biết tại sao tôi không biết. Bởi vì điều này giải thoát tôi khỏi vô số lời giải thích. Nhưng, có vẻ không thể chạy trốn khỏi những lời giải thích, chúng ta luôn luôn giải thích và phân trần,  bản thân cuộc sống đòi chúng ta phải giải thích, đây là cái hiện tượng-, cảm giác phiền toái không thể cắt nghĩa, môi trường xung quanh chúng ta đòi lời giải thích, và sau cùng, chúng ta cũng đòi lời giải thích từ ngay bản thân chúng ta, rốt cuộc, chúng ta thành công tiêu diệt tất cả những gì có xung quanh chúng ta, kể cả bản thân mình, hay nói cách khác, chúng ta thành công thanh minh đến vỡ đầu – tôi giải thích cho nhà thông thái hiểu, bằng thái độ nói chuyện gượng ép mà đối với bản thân tôi thật kinh tởm, nhưng không thể chống lại, cái thái độ luôn xâm chiếm tôi khi không có gì để nói, và là thứ, tôi e rằng, cùng gốc rễ với các đồng tiền boa tôi trả trong các quán ăn, trên những taxi, khi đút lót những nhân viên hành chính chính thống, chính xác hơn, nửa chính thống, và tiếp nữa, bằng thái độ lịch sự quá ư tự dâng hiến bản thân, như thể tôi đang sám hối không ngừng vì sự tồn tại, vì sự hiện hữu của mình.

 

Lạy Chúa! Chỉ đơn giản là tôi vào rừng dạo chơi – cho dù đây chỉ là một cánh rừng sồi còi cọc –, trong bầu không khí thoáng đãng – cho dù bầu không khí này đã ô nhiễm chút ít –, với mục đích làm thông thoáng cái đầu của mình, hãy nói như vậy, bởi vì nếu chúng ta không quan tâm vào ý nghĩa của từ ngữ, thì nghe như thế thật hay ho, còn giả sử chúng ta có quan tâm đi nữa, thì, các từ ngữ này cũng chẳng có ý nghĩa gì, như việc cái đầu của tôi không cần thiết phải làm thông thoáng, trái lại, tôi là người rất dễ bị trúng gió. Tôi đốt – đã đốt – thời gian của tôi ở đây, một cách tạm thời (lúc này tôi không lan man sang những điều ngoài đề tài mà từ này tiềm tàng), trong cái thung lũng của dãy núi miền trung nước Hung này, trong một căn nhà,  hãy gọi là nhà nghỉ mát, tuy nó xứng đáng được coi là nơi làm việc (tôi vẫn luôn luôn làm việc, và không chỉ sự sống còn buộc tôi phải thế, bởi nếu tôi không làm việc, thì tôi tồn tại, và nếu tôi tồn tại, thì điều đó, tôi không biết, nó buộc tôi làm gì, thành ra tốt hơn, tôi cũng không nên biết, cho dù các tế bào, phủ tạng của tôi, chúng chắc mẩm rồi, chính vì vậy tôi làm việc không ngừng: chừng nào tôi còn làm việc, chừng ấy tôi còn hiện hữu, nếu như tôi không làm việc, có giời biết, tôi có còn hiện hữu hay không, nên, tôi cho là quan trọng, và tôi cũng lấy làm quan trọng, bởi vì đây là cả một mối tương quan nghiêm túc nhất giữa sự sống còn và công việc của tôi, điều này hoàn toàn rõ ràng). Tóm lại, trong một căn nhà, nơi tôi được thưởng cái quyền đến ở với đám trí thức đồng quan điểm hoành tráng,  những kẻ mà tôi không có cách gì để tránh họ, tôi có nằm bẹp bất động trong phòng mình cũng vô ích –  tiếng lách cách của cái máy chữ của tôi sẽ tố giác ngay nơi tôi ẩn nấp –, tôi vô ích rón rén đầu ngón chân trên hành lang, vẫn cần phải đi ăn, những lúc đó, bằng hiện thực tồn tại không thương tiếc, đồng loại cùng bàn xúm xít quây quần, cũng cần phải đi dạo, thế là ngay giữa rừng tôi đụng trán với tiến sĩ Obláth đi ngược lại, nhà thông thái với cái dáng dấp mập mạp thô thiển, trên đầu sùm sụp phi lý cái mũ lưỡi trai kẻ ca-rô màu nâu xám, trong cái áo khoác cháo lòng tay rộng, với cặp mắt ti hí và khuôn mặt rộng, béo tốt, nhàu nát, giống như bột mỳ chứa bột nở và quả thực đã phồng to, ngài đã tỉnh ngủ hẳn. Thông thái gia, đây là chức danh nghề nghiệp thị dân của ngài, bên cạnh đó, cũng nên biết thêm rằng, và điều này có thể chứng minh bằng danh mục có ghi trong chứng minh thư của ngài, tiến sĩ Obláth là nhà triết học, giống như Immanuel Kant, như Baruch Spinoza, hoặc như triết gia Herakleitos của xứ Ephesos, như bản thân tôi là nhà văn và dịch giả, nhưng tôi không đính thêm vào người một danh hiệu đáng nực cười màu mè nào khác với những tên tuổi khổng lồ, những người là nhà văn và –  đôi khi – cũng là dịch giả đích thực, bởi vì ngay khi chưa làm điều này, tôi, với nghề nghiệp của mình, cũng đã đủ là một trò cười rồi, và bởi vì hoạt động dịch thuật mang tính chất khách quan, trong mắt của vài người – chủ yếu của các cơ quan chính quyền và, tất nhiên do nhiều nguyên nhân khác, nhưng của bản thân tôi nữa – đôi khi, với chút dáng dấp của những nghề nghiệp minh bạch, nó là tấm ngụy trang cho biết bao bận bịu của tôi.

 

„Không” – một cái gì đó tru lên, rền rĩ trong tôi, ngay lập tức, chính lúc đó, khi vợ tôi (người thực ra từ lâu đã hết là vợ tôi) lần đầu tiên rào đón về chuyện này – về con – và sự khiếm khuyết này của tôi rất chậm rãi, đúng thế, sau rất – rất nhiều năm mới dịu dần đi trong tôi, biến thành nỗi đau nhân thế buồn bã vô tận, như thể cơn giận dữ bùng nổ của Wotan trong buổi chia ly lừng danh, cho đến tận khi, trở thành bè vĩ cầm tắc nghẹn từ những ảo ảnh, rất chậm rãi và nhức nhối, như một căn bệnh từ lâu ấp ủ, như một câu hỏi mạnh mẽ xoáy trong tôi, câu hỏi đó chính là con, chính xác hơn là ta, nhưng được đặt ra vì con, chính xác hơn nữa là (điều này tiến sĩ Obláth cũng đồng tình):): Sự hiện hữu của ta chính là khả năng tồn tại sự hiện hữu của con, xét cho cùng. Hay nói cách khác, tôi như một kẻ giết người, nếu chúng ta muốn chính xác đến tột cùng, muốn tăng đến tận cái không thể, và với chút tự gặm nhấm bản thân cho phép điều này, bởi vì, lạy Chúa, muộn mất rồi, luôn luôn sẽ là sự chậm trễ mất rồi, con không xuất hiện, còn ta tự biết một cách chắc chắn, sau cái khăng khăng ”Không! Không!”, ta đã làm đổ vỡ tất cả, nghiền nát mọi thứ thành bụi, trước tiên là cuộc hôn nhân bất hạnh ngắn ngủi của mình – tôi kể – tôi đã kể – cho ngài Obláth, tiến sĩ khoa Nhân văn nghe, bằng một thái độ lãnh đạm thờ ơ, mà cuộc sống chưa bao giờ dạy thế, nhưng rốt cuộc tôi đã thể hiện thuần thục, khi cần thiết vô điều kiện. Và tất nhiên là cần, vì nhà thông thái đến gần tôi với vẻ mơ màng, tôi lập tức nhìn thấy nó trên cái đầu ngoẹo sang một bên, trên là một cái mũ lưỡi trai nằm bẹp dí, như thể một tên côn đồ láu cá đang tiến lại gần, sau khi đã nốc vài chén, bần thần tính toán, nên tống tôi một cú hay chỉ vòi tiền, nhưng tất nhiên, suýt nữa tôi nói: rất tiếc, ngài Obláth không bần thần, một nhà thông thái không có thói quen trầm ngâm giữa đường, còn nếu có, điều này hiện ra trong hình thái một vấn đề triết học nghiêm trọng, những công việc thấp hèn do những kẻ chuyên nghiệp thực hiện, tương tự, ta đã thấy, cho dù điều chợt lóe trong đầu tôi liên quan đến tiến sĩ Obláth là sự chuyên quyền đích thực và gần như đáng ngờ, bởi tôi không biết quá khứ của ngài, hy vọng ngài đừng kể. Không, nhưng ngài khiến tôi ngạc nhiên, vì một câu hỏi chẳng tế nhị chút nào, như thể một tên du côn  vặn hỏi có bao nhiêu tiền trong túi tôi, tóm lại, ngài bắt đầu tra hỏi hoàn cảnh đời tư của tôi, tuy rằng, đ mào đầu, ngài cho biết về đời riêng của ngài, với mục đích tạm ứng, làm tiền đề cho trường hợp nếu tôi muốn biết tất cả về ngài, dù tôi không hề quan tâm mảy may,  với việc này ngài có thể nhào nặn cái quyền về… nhưng tôi phải dừng cuộc suy diễn này, tôi cảm thấy những chữ cái, những từ ngữ bắt đầu bị cuốn đi, bị trôi dạt theo hướng sai lầm, hướng của luân lí mù mờ, thứ mà đáng tiếc, gần đây tôi nhận ra mình cũng mắc vào, và các nguyên nhân của nó hiển hiện quá rõ ràng trước mắt tôi (nỗi cô độc, sự cách ly, việc lưu đày tự nguyện), như thể những nguyên nhân này khiến tôi phải lo âu, bởi suy cho cùng, chính tôi đã gây nên chúng, như vài nhát cuốc ban đầu vào một cái hố sâu thăm thẳm, đến tận cùng, với từng nhát bổ, tôi cần phải đào xong, để sau này nó nuốt chửng mình (giá có thể, tôi không đào vào đất mà nên đào vào không khí, vì ở đó có đầy chỗ) – Tóm lại, tiến sĩ Obláth hỏi tôi đúng một câu vô tội, tôi có con hay không, trong mọi trường hợp, đây là sự thẳng thắn vô lại, đặc trưng cho một nhà thông thái, hay nói cách khác, bất lịch sự, nhất là trong giây phút tồi tệ nhất, tất nhiên làm sao ngài biết, câu hỏi của ngài không thể phủ nhận, thậm chí còn làm tôi bối rối. Vì sau đấy, tôi đành trả lời bằng sự lên tiếng bắt buộc không thể đừng, bắt nguồn từ nỗi lịch sự quá ư tự dâng hiến bản thân, làm tôi vừa trả lời vừa kinh tởm, mà vẫn cứ phải kể lại, rằng:

„Không!” – tôi nói ra luôn và ngay tức khắc, không chút lưỡng lự và có thể nói, theo bản năng, bởi vì hoàn toàn hiển nhiên là những bản năng của chúng ta hoạt động chống lại chính những bản năng của chúng ta, nói cách khác, những bản năng đối kháng của chúng ta đang hoạt động thay cho những bản năng thuần tính, thậm chí: đúng thế, vì những lời nói ngu xuẩn, vì sự hạ thấp bản thân một cách tự nguyện, riêng tư và không động cơ gì của tôi (cho dù tôi có hàng tỷ lý do để nói, như vài dẫn chứng tôi đã nêu trên, nếu tôi nhớ không nhầm), tôi muốn trả đũa ngài Obláth, vị tiến sĩ của khoa Nhân văn, khi tôi tô vẽ lại chân dung ngài giữa cánh rừng sồi (hay rừng phong gì đấy) cằn cỗi, như tôi đã tô vẽ, với cái mũ lưỡi trai bẹp dí, cái áo khoác raglan, và đôi mắt ti hí nhờ nhờ sữa đục trên khuôn mặt rộng, nặng nề nhàu nát, giống tảng bột mì có bột nở phồng to – tôi vẫn cho như thế – đúng, hoàn toàn phù hợp với thực tế.  Toàn bộ những điều này, hoàn toàn có thể viết khác đi, một cách cân bằng hơn, rộng lượng hơn, tôi muốn nói thêm: với nhiều tình thương mến hơn nhưng e rằng, tôi chỉ biết viết như thế về tất cả, với ngòi bút tẩm mực châm chọc, một cách chế riễu, có thể hơi nực cười  (nhận định điều này không phải việc của tôi), nhưng từ góc độ nào đấy, thật vụng về, như thể có một ai đấy cứ đẩy chệch ngòi bút của tôi đi, khi nó chuẩn bị viết những từ định sẵn, nhưng cuối cùng bàn tay tôi lại cho ra những từ khác, khiến bức tranh phác họa, chả bao giờ chứa tình yêu thương nào trong đấy, đơn giản hơn, sợ rằng, trong lòng tôi chả có tí yêu thương nào, nhưng, – lạy Chúa tôi! – tôi có thể yêu thương ai  chứ, và tại sao. Trong khi tiến sĩ Obláth nói một cách trìu mến, đến nỗi vài chia sẻ cốt tủy khiến tôi phải chú ý, cuối cùng (sau này tôi gọi là: một cách định mệnh) đã được tôi ghi lòng tạc dạ. Rằng: ngài không có con, ngài nói, ngài chẳng có ai, ngoài một bà vợ già nua, đang vật lộn với tuổi già, nếu tôi hiểu đúng, bởi vì nhà thông thái giảng giải một cách mờ mịt, hay nói cách khác, định nghĩa một cách bóng bẩy, vì ngài tin là tôi hiểu được, thứ mà tôi muốn hiểu, mặc dù tôi không hề muốn, nhưng tuy vậy tôi vẫn hiểu, tất nhiên. Rằng, tiến sĩ Obláth nói tiếp, cái việc không có con của ngài thực ra chỉ gần đây mới xuất hiện trong đầu, và giờ trở nên thường xuyên, vì thế đúng lúc này, ngài ngẫm nghĩ về nó, trên con đường mòn trong rừng, không thể dừng lại mà không nói về nó, có lẽ, vì ngài đã đứng tuổi, và những khả năng ở tuổi này, ví dụ khả năng có thể sinh được con, đối với ngài ngày càng ít khả năng, thậm chí tuyệt đối mất khả năng, chính vì thế giờ đây ngài thường xuyên nghĩ đến, ngài bảo, ngài nghĩ đến nó  như một cơ hội bị bỏ lỡ”.

 

Đến đây, tiến sĩ Obláth dừng lại giữa con đường mòn, vì trước đó cả hai chúng tôi cùng bắt đầu rảo bước, hai sinh vật xã hội, hai thằng đàn ông trung niên trò chuyện giữa đống lá khô, hai chấm buồn trên nền vải vẽ bức tranh thiên nhiên, hai vết loang phá hoại sự hài hòa vốn chưa bao giờ có của thiên nhiên, chỉ có điều tôi quên mất, tôi lẽo đẽo sau ngài tiến sĩ, hay ngài lẽo đẽo theo tôi, tất nhiên ta không nên đặt câu hỏi kiêu ngạo này ra làm gì, đúng thế, tất nhiên tôi lẽo đẽo sau ngài Obláth, có thể, với mục đích thoát khỏi ngài, bởi vì trong giây phút thích hợp nhất cho mình, tôi có thể quay trở lại; Tóm lại, tiến sĩ Obláth dừng lại giữa đường mòn trong rừng, bằng duy nhất một động tác buồn bã mênh mông, ngài căng cái khuôn mặt phồng to, xệ xuống, thêm nữa, ngài ngước cái đầu có chiếc mũ kỳ quái, lấc cấc về phía sau, rồi ngài treo ánh mắt của mình vào một cành cây ngang tầm mắt, như móc manh áo rách rưới thảm hại, nhưng vẫn sẵn sàng dâng hiến sự phục vụ. Rồi chúng tôi dừng lại giữa chừng như thế, câm lặng, tôi trong luồng thôi miên của ngài, còn ngài, tiến sĩ Obláth, của cây rừng, tôi có cảm giác, mình sắp làm nhân chứng cho một phát ngôn cực kỳ tin cẩn sắp phát ra của ngài; đúng vậy, vì sau cùng, tiến sĩ Obláth lên tiếng, ngài bảo, ngài nói rằng, ngài cảm thấy điều đã xảy ra, hay nói đúng hơn, điều chưa xảy ra, là cơ hội bị bỏ lỡ, có nghĩa là ngài nghĩ không phải đến việc nối dõi, mà đến một điều mang chút tính trừu tượng, và cần phải thú thực rằng, về bản chất cũng là niềm an ủi làm khuây khỏa con người, trong trường hợp ngài đã đáp ứng được – đúng hơn, và chính vì điều này, không đáp ứng được, công việc cá nhân và trên cả cá nhân ở thế gian này, nói cách khác, ngoài sự tồn tại ra, còn cần đảm bảo cuộc sống tiếp tục, sự thoát chết, những thứ được kéo dài và nhân rộng bởi chính các thế hệ tiếp theo, đó là (ngoài sự tồn tại ra) trách nhiệm, có thể nói, mang tính tiên nghiệm, nhưng lại vô cùng thực tiễn của con người đối với cuộc sống, để mình không cảm thấy là què cụt, là dư thừa, và nước đường cùng, là liệt dương bất lực; và ngài cũng không nghĩ đến những viễn cảnh đang đe dọa của tuổi già không nơi nương tựa, không, thực ra ngài sợ cái khác kia, sợ „sự vôi hóa tình cảm”, ngài nói như thế, tiến sĩ Obláth sử dụng đúng những từ này, khi giữa chừng, ngài tiến bước có vẻ như về phía điểm tựa của chúng tôi, phía căn nhà nghỉ mát, nhưng thực ra bây giờ tôi đã hiểu, là về phía sự vôi hóa tình cảm. Và trên con đường này của ngài, tôi lẽo đẽo theo ngài như một kẻ tháp tùng trung thành, trong trạng thái tâm hồn bị khuấy động đến độ thích đáng bởi những từ ngữ đầy khích động của ngài, nhưng tôi không chia sẻ nỗi sợ hãi với ngài, cái mà, tôi e rằng (chính xác hơn là tôi tin rằng, thậm chí tôi biết chắc chắn rằng) chỉ là phút chốc, và, tuy trong mọi trường hợp đều thiêng liêng, nhưng trong hiện thực vĩnh cửu, vẻn vẹn chỉ là nỗi sợ hãi cần được nhúng vào chậu nước thánh mà thôi, vì khi nó xuất hiện, chúng ta không còn sợ nó nữa, không còn nhớ thứ mình đã sợ, bởi vì nó đã lấy đi sức mạnh trên chúng ta, và chúng ta ngập tận cổ trong nó, nó đã là của chúng ta và chúng ta là của nó. Bởi vì đấy cũng chỉ là nhát cuốc vào cái hố, cái hố chôn, mà tôi đang đào vào không khí (vì ở đó tôi nằm xuống thoải mái hơn), cho nên, tôi nói, không phải với nhà thông thái, chỉ với bản thân, rằng đối với sự vôi hóa tình cảm, không cần phải sợ, mà cần phải tiếp nhận nó, ngay cả khi không chào đón trực diện, như chào đón bàn tay cứu vớt hướng về phía chúng ta, bàn tay hiển nhiên giúp chúng ta đi về phía nấm mồ, chắn chắn: vì thưa ngài Kappus, thế giới này không chống lại chúng ta, và nếu nó mang nhiều nỗi hiểm nguy đi chăng nữa, chúng ta hãy cần thử yêu lấy chúng, nếu như, tôi nói xen vào, nhưng không phải với nhà thông thái, cũng không phải với ngài Kappus – anh chàng may mắn đã nhận biết bao thư từ Rainer Maria Rilke – tôi nói với bản thân, là tôi chỉ yêu những nỗi hiểm nguy này, và tôi nghĩ, tuy vậy điều này có gì đấy chưa hợp lý, trong nó cũng có cái gì đấy không thực, mà tôi lúc nào cũng không ngừng nghe thấy, kiểu như một vài nhạc trưởng nghe thấy lập tức cái nốt nhạc kèn đồng, do lỗi in ấn, thổi cao hơn nửa âm. Cái âm thanh giả này, không chỉ từ trong bản thân tôi, mà xung quanh tôi, trong không gian, có thể nói, vũ trụ hạn hẹp hoặc rộng lớn của tôi, lúc nào tôi cũng không ngừng nghe thấy, ngay cả trong khung cảnh thiên nhiên đáng ngờ này, với rừng (sồi, hay phong) còi cọc, với lạch nước hôi hám và bầu trời u ám xỉn màu, lộ ra khỏi hàng cây hom hem, tại nơi, thưa ngài Kappus thân mến, kiểu gì tôi cũng không nghe thấy tiếng gọi thôi thúc của ý nghĩ „trở thành Tạo hóa, để sản sinh, để sáng tạo”, cái ý nghĩ đó, đúng không, chẳng đạt được điều gì trong thế giới nếu không kiểm chứng liên tục và biến nó thành hiện thực to lớn, sẽ chẳng thành gì, nếu thiếu sự đồng thuận của hàng nghìn âm thanh vang lên từ các loài vật và các vụ việc. . . Đúng thế, bởi vì vô ích chúng làm cụt hứng chúng ta (về điều này, tôi chỉ nói có thế), trong bí mật, nếu chúng ta thầm lặng và kỹ lưỡng theo rõi sự tuần hoàn của máu, và những giấc mơ kinh hãi của chúng ta, có nghĩa là, trong bí mật – tôi chỉ trong bí mật này, mới cảm thấy sự đồng thanh của hàng ngàn giai điệu vang lên từ mọi vật và mọi người – chúng ta luôn luôn và khăng khăng muốn sống, một cách rũ rượi, vô hồn, một cách bệnh hoạn, đúng thế, kể cả khi sống như thế này, cũng không được, như thế kia, cũng không xong… Chính vì vậy, hãy đừng mắc kẹt vào cái trạng thái tình cảm này, hay đúng hơn, vào gần như tất cả các trạng thái, hoặc ít nhất, trong tất cả những trạng thái mà tôi cũng tham dự, tôi lại nghe thấy âm thanh sai điệu của chiếc kèn đồng, tôi đặt cho ngài một câu hỏi đụng chạm mạnh đến chuyên môn của ngài, mang tính chất bác học, nhưng tuyệt đối không phải là một câu hỏi thông thái, rằng tại sao cái điều này lại như vậy? toàn bộ đây là sự ốm yếu?, rằng rốt cuộc ở đâu và khi nào „chúng ta đã làm đổ bể những cái quyền của mình”? rằng tại sao, một cách không thể thay đổi được và không gì có thể lay chuyển nổi, chúng ta vĩnh viễn không thể biết cái chúng ta biết? và cứ thế, cứ thế, như thể tôi không biết cái tôi biết, nhưng do bị bắt buộc phải lên tiếng, cái thái độ bất khả kháng, như nỗi sợ hãi nào đấy, kiểu như ngài đang ở giữa đồng hoang ma quỷ: thế là trên khuôn mặt tiến sĩ Obláth, quay trở lại cái nét mặt của nhà thông thái hành chính vùng núi trung nguyên Hungary, nét mặt của kế sinh nhai hạng trung, nét mặt của tầng lớp trí thức hạng trung với những quan điểm hạng trung, vóc dáng hạng trung, tuổi tác hạng trung, tương lai hạng trung, những nếp nhăn của nụ cười thỏa mãn, hạnh phúc, hoàn toàn nuốt chửng đôi mắt ti hí của ngài. Giọng nói của ngài ngay lập trở lại khách quan, thậm chí, cụ thể rành mạch, cái giọng mà đã quen với lối nói bóng nói gió trơn tru, vốn dĩ đầy tự tin, và mới đó vài giây còn thoáng run nghẹn bởi sự đe dọa gần kề của các sự việc rất thực tiễn cuộc sống. Thế là chúng tôi thong thả rảo bước quay về, hai kẻ ăn mặc gọn ghẽ, được nuôi nấng no đủ, tư thế chỉnh chu, hai trí thức thường thường bậc trung, trạc ngoại tứ tuần, quan điểm trung lưu, hai kẻ sống sót theo hai kiểu riêng của mỗi người, hai kẻ vẫn đang tiếp tục sống, hai kẻ đã chết một nửa, và trò chuyện, về những gì có thể trò chuyện, giữa hai kẻ trí thức và hoàn toàn vô bổ. Chúng tôi thảo luận, một cách ôn hòa, nhạt phèo, tại sao không thể tồn tại; bản thân sự tồn tại của cuộc sống, nói cho cùng là một sự vô lại, bởi vì, từ góc độ cao hơn, trong ý nghĩa cao hơn, không được phép tồn tại, đơn giản vì các sự kiện cứ lặp đi lặp lại, ta hãy bằng lòng như thế, lý do để ngao ngán có đủ; chưa nói đến việc đã từ lâu, những tư tưởng tân tiến hơn cũng không cho phép đồng nhất sự hiện diện với sự tồn tại. Chúng tôi đề cập – tất nhiên, tôi không thể nhớ ra tất cả, bởi có hàng trăm đề tài tương tự, vang lên, đúng hơn là kêu boong boong từ cuộc nói chuyện lộn xộn và vô tình này, như một ngàn đêm yêu đương hồi sinh từ quên lãng, với bậc vua chúa, trải dài bằng duy nhất một ý nghĩ sáng tạo – quả thật, tôi không nhớ ra tất cả, nhưng tôi tin: có chăng – toàn bộ bộc lộ vô thức hướng về sự hiện diện của tồn tại, khác xa dấu hiệu của nỗi ngây thơ vô vị, nói như vậy hơi quá, và thực ra không tồn tại – trái lại, đây là triệu chứng cho thấy cần phải tiếp tục, cần diễn biến một cách vô thức, nếu mọi giá cần phải tiếp tục. Và, nếu khả năng sống sót không thành công, điều mà tất nhiên mức độ cao hơn (tiến sĩ Obláth), lúc đó không chỉ những biểu hiện mơ hồ được bộc lộ, mà thậm chí sự trái ngược của nó cũng phơi bày, rơi vào vô thức một cách rõ ràng…và tiếp tục, sự vô thức này được biết đến như những nỗi phân tâm…

 

Nhưng, theo những điều trên, để đạt đến sự cảm nhận của nhân loại (tôi) và sự hiện hữu của nó (tiến sĩ Obláth), là trạng thái mà nhân loại luôn cố gắng vươn tới, là niềm tin, là nền văn hóa, và những nghi lễ khác, ngày nay thuần túy là một tai họa… Vì vậy, chúng tôi lại tiếp tục, tiếp tục thổi tiếng kèn đồng lạc điệu, giữa lúc sương mù xanh mỏng hoàng hôn bắt đầu phủ kín ngọn những rặng cây cao đứng sừng sững, che kín một đám đông đang ẩn náu trong khu nghỉ mát, như mầm cây chen chúc dưới lòng đất sâu, nơi bàn đã phủ khăn và bữa tối đang chờ đợi, dao dĩa kêu leng keng, cốc tách chạm nhau tanh tách, đám đông đó đang trò chuyện rì rào, từ nơi đang diễn ra sự thật trần trụi này, tiếng kèn đồng lạc lõng cũng vang lên; vì không thể tự phơi bày bản thân, cuối cùng tôi cũng không rút lui, để thoát khỏi tiến sĩ Obláth: có trời biết tại sao, từ sự trống rỗng, che đậy bằng nỗi bị thôi miên và lối chuyện trò bắt buộc, tôi luôn luôn cảm thấy buồn phiền (kinh tởm), tôi ở lại đến cùng với ngài tiến sĩ để khỏi nghe, khỏi thấy, khỏi nói về điều cần nói, thậm chí, ai mà biết được, cần viết. Đúng thế, và màn đêm đã trừng phạt – hay tặng thưởng?, –  vì tất cả những điều này, mang đến một bước ngoặc, một cơn giông bất ngờ ập đến, những tiếng sấm rền trên bầu trời, và chớp giật từng hồi, từng hồi, khắp vũ trụ, rồi lắng xuống, rõ ràng, khúc chiết, ít nhất đối với tôi, những chữ cái rành rọt xuất hiện, và…

„Không!” – tôi nói, bởi vì quá tất yếu, những bản năng của chúng ta hoạt động chống lại bản năng, có thể nói, những bản năng chống đối của chúng ta hoạt động thay những bản năng thuần tính.

 

„Không!” – một cái gì đó tru lên, rền rĩ trong tôi, ngay lập tức, chính lúc đó, nỗi ca thán đã gọt rũa, sau rất nhiều năm trôi qua, biến thành nỗi đau da diết, câm lặng, khi chưa qua đi, nó âm ỉ và nhức nhối, như một căn bệnh đang ủ, khắc vào trong tôi một câu hỏi – rằng, con sẽ là một cô bé mắt đen chăng? xung quanh chiếc mũi bé nhỏ của con sẽ là những chấm tàn hương mơ hồ chăng? Hay con sẽ là một cậu bé bướng bỉnh? Đôi mắt vui tươi và ngỗ ngược của con sẽ giống như những viên sỏi xám nhỏ xinh chăng? – đúng, cuộc đời của ta sẽ chính là khả năng tồn tại hiện hữu của con. Cả đêm hôm đó ta chỉ nghiền ngẫm câu hỏi này, lúc dưới ánh chớp chói lòa, khi với cặp mắt hoa lên trong màn đêm, trong khoảnh khắc nén thở, ta như nhìn thấy câu hỏi này khắc trên tường.

 

Những câu chữ tôi viết ra trên giấy, giờ đây, cần coi như tôi đã viết ra hồi đêm, dù trong đêm, tôi sống, đúng hơn là viết, tôi đã trải qua, hay đúng hơn, những nỗi đau khác nhau của tôi, nhất là của những kỷ niệm đã vật vã (với nửa lít rượu cô nhắc). Có thể, tôi ghi bừa vài câu rối rắm vào sổ tay, vào tập giấy trắng luôn bên mình, những câu chữ sau đó tôi không thu thập lại, hoặc nếu có, tôi cũng không hiểu, rồi quên đi.

 

Chỉ sau nhiều năm, đêm hôm đó mới sống lại trong tôi, để sau nhiều năm nữa, giờ đây tôi thử ghi lại, những gì đáng lẽ lúc ấy tôi phải viết ra, vì một đêm quá ngắn ngủi, với những gì cần viết, nếu tôi định viết. Nhưng sao viết được, bởi đêm hôm đó mới là sự mở đầu, có thể không phải sự mở đầu sớm nhất, nhưng chắc chắn là một trong những bước đi đầu tiên của nỗi tỉnh ngộ chín chắn, hay đúng hơn, sự sám hối lâu dài, ai mà biết, dài đến bao giờ, là nhát bổ đầu tiên để đào nấm mồ, cho bản thân tôi – không còn nghi ngờ gì nữa – tôi sẽ trải giường vào những đám mây.

Câu hỏi này – cuộc đời của ta chính là khả năng cho sự tồn tại hiện hữu của con – có vẻ đi đúng hướng, đúng vậy, như thể bằng bàn tay bé bỏng, mảnh khảnh, con dắt, kéo ta đi trên đường, mà tận cùng đường chẳng dẫn đến đâu, cùng lắm dẫn đến sự nhận biết vô ích và không thể thực hiện được của bản thân, con đường chỉ đẩy lùi những trở ngại và chướng ngại vật mới tiếp tục tiến bước. Cái gì „có thể?” thậm chí „cần!” không mang ý nghĩa gì hết. Đầu tiên, phải chặn đứng cái thể chất trí thức bậc trung của tôi lại, phải dứt tận gốc rễ, kể cả khi thể chất này, chỉ được tôi sử dụng như bao cao su tránh thai, như thể tôi là một kẻ tình dục bừa bãi, cần thận trọng trong môi trường chứa bệnh AIDS.

 

Chính xác hơn, tôi đã như vậy, bởi từ lâu, tôi không còn là một trí thức bậc trung, tuyệt đối không phải là một trí thức, tôi chẳng là cái gì, tôi sinh ra làm một con người tự thân, ngài J.W.G.  từng nói thế, tôi là một kẻ sống sót tự thân, tôi nói, cùng lắm là nhà dịch thuật, đại loại như thế, một khi tôi đã xuất hiện và cần phải tồn tại. Là gì đi nữa, trái với hoàn cảnh đe dọa này, tôi đã tẩy hết thể chất đáng hổ thẹn của một nhà văn Hung thành đạt trên mình, vợ tôi (người từ lâu đã là vợ kẻ khác) bảo: mọi đặc tính của anh đều toát lên thể chất đó (lúc đó, khiến tôi hơi hoảng), nàng không bảo, vợ tôi nói, tôi phải từ bỏ những quan điểm nghệ sỹ, hoặc gì gì của tôi đi, nàng chỉ bảo, vợ tôi nói, tôi đừng tự ti như thế,  có nghĩa là nếu anh càng (từ bỏ những quan điểm nghệ sỹ, hoặc bất kỳ lí thuyết gì) anh sẽ càng phải quan tâm đến nó, nghĩa là rốt cuộc, anh phải tự thực hiện bản thân mình, tóm lại phải đạt được thành công, vợ tôi bảo, bởi vì ai cũng cố gắng đạt  điều ấy, kể cả nhà văn vĩ đại nhất thế giới, anh đừng tự lừa dối mình, vợ tôi nói, nếu anh không thích sự thành công, thì anh viết để làm gì cơ chứ? nàng hỏi, thật là một câu hỏi độc đáo, nhưng lúc đó tôi chưa có dịp lảng tránh; điều đáng buồn, có thể nàng đã nhìn thấu ruột gan tôi, có thể nàng nói hoàn toàn đúng, có thể tôi có – đã từng có – đủ tư chất, xứng với thể trạng đáng hổ thẹn của một nhà văn Hung thành đạt, tôi có – đã từng có – khả năng bẩm sinh. Nếu không có , tôi phải tạo ra – cần tạo ra, để toàn bộ nỗi do dự và sợ hãi sinh tồn  của tôi, có thể biến  thành sự ngưỡng mộ bản thân giản dị, mù quáng, không giới hạn, đầy say mê, nếu không đầy lôi cuốn, chí ít cũng hoành tráng, nếu tôi biến nó thành bệnh hoang tưởng đạo đức, và thành một chiến dịch kết tội liên tục, chống  những người khác;

 

Chương : 1   2    3   
Imre Kertész
Số lần đọc: 1657
Ngày đăng: 11.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quỷ Trần Gian - Thái Bi
Đi tìm thượng đế - Trường Thanh
Vì ta cần nhau ! - Đổ Quỳnh Anh
Biết đâu địa ngục thiên đường - Nguyễn Khắc Phê
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm - Trịnh Thắng
Dấu ấn Đồng Quê - Trịnh Thắng
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường