Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.084
123.232.902
 
Về từ cõi chết
Elie Wiesel
Chương 2

2.

 

Chẳng tìm đâu ra chỗ nằm, chúng tôi chỉ có thể quyết định thay phiên nhau ngồi.  Không khí ít ỏi quá.  Kẻ may mắn là người tình cờ được đứng gần cửa sổ, có thể nhìn vùng quê xanh mơn mởn đang lướt qua.

Sau hai ngày đường, cái khát bắt đầu hành hạ.  Rồi cái nóng tới độ hết chịu đựng nổi.

Thoát khỏi mọi câu thúc xã hội, thanh niên thiếu nữ buông mình thả cửa cho bản năng, lợi dụng bóng tối tha hồ làm tình ngay giữa chúng tôi, chẳng cần để ý tới ai, như thể trên đời chỉ có mỗi mình họ.  Những người còn lại giả bộ như chẳng có gì xảy ra.

 

Chúng tôi còn một ít lương thực.  Nhưng không dám ăn cho thỏa cơn đói.  Dè sẻn là qui tắc của chúng tôi.  Dè sẻn cho ngày mai.  Ngày mai có thể tệ hơn nữa.

Tàu dừng ở Kachau, một thị trấn nhỏ ở biên giới Tiệp khắc.  Lúc đó, chúng tôi biết ra là mình sẽ không được ở lại Hungary.  Chúng tôi sáng mắt rồi, nhưng đã quá trễ.

 

Cửa toa được đẩy qua một bên.  Một viên chức Đức bước tới gần, có một người Hungary đi theo thông dịch, tự giới thiệu:

“Từ bây giờ, các ngươi thuộc thẩm quyền của quân đội Đức.  Ai trong các ngươi còn giữ của riêng, bạc, vàng, đồng hồ thì phải đưa ra ngay.  Hể ai sau này bị khám phá còn giữ những của đó sẽ bị bắn tại chỗ.  Còn nữa, ai thấy mình bệnh thì có thể tới toa y tế.  Hết.”

 

Viên tùy tùng người Hungary tay cầm thúng đi vào giữa chúng tôi thu gom các tài sản chót từ những ai không còn muốn nếm vị khủng bố cay đắng.

“Trong toa có tám mươi người các ngươi,” tên viên chức Đức nói thêm.  “Hễ mất một người thì hết thảy các ngươi đều bị bắn, như chó...”

 

Cả hai biến mất.  Cửa kéo kín lại.  Chúng tôi kẹt trong bẫy, lên tận cổ.  Cửa bị đóng đinh; đường về bị cắt cụt.  Thế giới là một toa tàu súc vật niêm kín mít.

 

Trong chúng tôi có một phụ nữ tên là Schachter.  Bà chừng năm mươi; cùng đi có đứa con trai mười tuổi thu mình trong xó. Chồng và hai con trai lớn của bà bị trục xuất trong chuyến chở đầu tiên vì lộn danh sách.  Cuộc chia ly ấy quất sụm bà hoàn toàn.

Tôi rất quen bà.  Bà là một phụ nữ trầm lặng với ánh mắt căng thẳng, nồng ấm, thường đến nhà tôi.  Chồng bà là người đạo hạnh, nghiên cứu suốt đêm suốt ngày và một mình bà làm việc nuôi cả nhà.

Lúc này bà Schachter đã mất trí.  Ngày đầu chuyến đi, bà khởi sự rên rĩ, hỏi miết tại sao gia đình bà bị tan tác.  Thời gian càng trôi qua, bà càng kêu khóc cuồng loạn.

Vào đêm thứ ba, chúng tôi đang ngủ, một số ngồi dựa lưng nhau và một số đứng, thì thình lình có tiếng thét xé tan màn yên lặng:

“Lửa! Tôi thấy lửa! Tôi thấy lửa!”

 

Phút giây đó thật kinh hoàng.  Ai thét đó?  Là bà Schachter.  Đứng chính giữa sàn toa, trong ánh sáng mờ mờ hắt từ cửa sổ vào, bà như cây bắp khô tả tơi trong ruộng ngô.  Bà đưa tay chỉ ra cửa sổ, thét thất thanh:

“Nhìn kìa! Nhìn nó kìa! Lửa! Lửa ngọn kinh hoàng!  Sướng thiệt là sướng! Ôi, ngọn lửa ấy !”

Vài người dồn tới song cửa.  Không có gì, chỉ bóng tối.

 

Cú sốc kinh hoàng ấy bám theo chúng tôi rất lâu.  Chúng tôi vẫn còn run lẩy bẩy với nó.  Trong từng tiếng bánh tàu nghiến đường rầy, chúng tôi cảm thấy vực sâu đang mở ra dưới châu thân mình.  Không nén nổi cơn thống khổ, chúng tôi trấn an nhau:

“Bà ấy khùng, một linh hồn khốn khổ...”

Có người đắp miếng vải ướt lên trán bà để làm bà dịu lại, nhưng bà vẫn tiếp tục thét lên:

“Lửa! Lửa!”

 

Đứa con trai nhỏ của bà khóc, níu áo mẹ, cố nắm bàn tay mẹ.  “Mẹ ơi! Không việc gì đâu! Không có gì cả...Ngồi xuống mẹ ơi...”  Cảnh đó làm tôi rúng động còn hơn tiếng thét thất thanh của người mẹ.

Có mấy phụ nữ ra sức trấn an bà.  “Chị sẽ tìm thấy chồng mà, luôn cả các con... trong vài ngày nữa thôi mà...”

Bà tiếp tục thét lên, thở chẳng ra hơi, giọng bà tan tác, thổn thức.  “Này người Do thái, nghe tôi đi! Tôi thấy lửa!  Lửa ngọn thiệt lớn!  Nó là một lò lửa!”

 

Bà như thể bị ám bởi một ác thần, kẻ đang nói thành lời từ chốn thẳm sâu trong con người bà.

Chúng tôi rán sức để tự cắt nghĩa cho ra điều ấy, để trấn an mình và để lấy lại hơi thở của mình hơn là để an ủi bà.  “Chắc là bà ấy khát lắm, tội nghiệp!  Vì vậy bà nói hoài nói mãi tới ngọn lửa thiêu đốt mình.”

Nhưng vô ích.  Nỗi kinh hãi dần dần bùng lên bốn phía toa tàu.  Thần kinh chúng tôi đã tới hồi suy sụp.  Da thịt chúng tôi sởn gai ốc.  Như thể cơn điên ấy chiếm hữu hết thảy chúng tôi.  Chúng tôi đứng không vững nữa.  Vài thanh niên đè bà ngồi xuống, trói bà lại, lấy giẻ bịt miệng bà.

 

Lại im lặng.  Đứa bé ngồi bên mẹ, khóc.  Tôi bắt đầu thở bình thường trở lại.  Chúng tôi đã có thể nghe tiếng bánh xe rung thành nhịp đều đều của con tàu băng mình trong đêm tối.  Chúng tôi đã có thể bắt đầu ngủ gà ngủ gật, nghỉ ngơi, mộng mị...

Qua được một hai giờ như thế.  Rồi tiếng thét thất thanh khác làm chúng tôi lại nghẹt thở.  Người đàn bà ấy đã cắn đứt được giẻ bịt miệng, thét lớn hơn bao giờ hết:

“Này, ngó lửa kìa!  Lửa ngọn, lửa ngọn khắp nơi!”

Thêm lần nữa, các thanh niên lại trói và bịt miệng bà.  Họ đập bà.  Người ta còn khuyến khích họ đập thêm nữa.

“Làm câm mồm bà đi!  Đồ điên!  Đâu phải chỉ có mình bà ở đây.  Câm mõm bà lại...”

Họ thụi nhiều lần vô đầu bà - những cú đấm có thể giết bà chết.  Đứa con trai nhỏ đeo lấy mẹ, không khóc, không nói một tiếng.  Lúc này nó còn không cả thút thít.

 

Đêm vô tận.  Gần sáng, bà Schachter dịu lại.  Thu mình trong một góc toa, mắt nhìn hoang dại của bà ánh lên vẻ trống rỗng, bà không còn thấy chúng tôi nữa.

Suốt ngày bà trong trạng thái ấy, câm nín, xa vắng, cô độc giữa chúng tôi.  Đêm xuống, bà bắt đầu la hét:  “Này, lửa khắp nơi kia kìa!”  Bà chỉ vào một điểm trên không trung, lúc nào cũng vẫn điểm đó.  Họ đánh bà riết rồi cũng thấm mệt.  Nóng, khát, mùi hôi chết người, nghẹt thở thiếu không khí - tất cả những thứ ấy cũng không bằng tiếng thét thất thanh đó, tiếng thét xé tan tành chúng tôi thành từng mảnh nhỏ.  Thêm ít ngày nữa thì hết thảy chúng tôi cũng bắt đầu la hét.

 

Rồi chúng tôi tới một ga.  Những người đứng kế cửa sổ đọc cho chúng tôi tên nhà ga:

Auschwitz.”

Chưa ai từng nghe tên ấy.

Tàu không chạy tiếp.  Trưa trôi qua chầm chậm.  Rồi cửa toa được kéo qua một bên.  Hai người được phép xuống tàu đi lấy nước.

Khi trở về, họ nói với chúng tôi là nhờ đổi một chiếc đồng hồ vàng, họ phát hiện ra ga này là trạm chót.  Tại đây chúng tôi sẽ được xuống khỏi tàu.  Có một trại lao động.  Điều kiện sống tốt.  Gia đình được ở chung với nhau.  Chỉ thanh niên làm việc ở nhà máy.  Người già và người tàn phế làm việc đồng áng.

Phong vũ biểu tin tưởng vút lên cao.  Mọi nỗi kinh hoàng của những đêm vừa qua lúc này bỗng nhiên được giải toả. Chúng tôi dâng lời cảm tạ Thượng đế.

 

Bà Schachter ở trong xó, tiều tụy, câm nín, tách biệt mình với nỗi tin tưởng chung.  Đứa con trai nhỏ vỗ vỗ tay mẹ.

Hoàng hôn xuống, bóng tối tụ vào toa tàu.  Chúng tôi bắt đầu ăn phần lương thực chót của mình.  Lúc mười giờ tối, mọi người tìm chỗ thuận tiện để ngủ một chút, và chẳng bao lâu trong khi hết thảy chúng tôi đang thiêm thiếp thì thình lình:

“Lửa! Lò lửa! Nhìn kìa, lửa đó...”

Giật mình thức giấc, chúng tôi lại nhào tới cửa sổ.  Thêm lần nữa chúng tôi tin bà, dù chỉ chốc lát.  Nhưng bên ngoài chẳng có gì ngoại trừ bóng đêm tối tăm.  Lòng đầy hổ thẹn, chúng tôi về chỗ, day dứt vì sợ hãi, giận luôn cả mình.  Khi bà tiếp tục la hét người ta lại bắt đầu đập bà, và thật hết sức khó khăn mới làm cho bà ngậm miệng.

 

Người phụ trách toa tàu của chúng tôi gọi viên chức Đức đang đi đi lại lại trên sân ga, hỏi anh ta là có thể mang bà Schachter tới toa y tế không.

“Nhẫn nại chút chứ,” tên Đức ấy trả lời.  “Sẽ đưa bà ta đi ngay thôi.”

Khoảng mười một giờ, tàu bắt đầu động đậy.  Chúng tôi ép sát vào cửa sổ.  Tàu di chuyển chầm chậm.  Qua cửa sổ chúng tôi thấy có dây kẽm gai; chúng tôi nhận ra là một trại.

 

Chúng tôi quên bẳng sự hiện hữu của bà Schachter.  Đột nhiên, lại nghe tiếng thét kinh hoàng:

“Người Do thái, nhìn kìa! Nhìn qua cửa sổ kìa! Lửa! Nhìn kìa!”

Và khi tàu dừng, lần này chúng tôi thấy lửa tuôn từ một ống khói cao lên bầu trời xám xịt.

Bà Schachter im bặt.  Bà lại thành người câm nín, cách biệt, xa vắng và về lại góc của mình.

Trong bóng đêm chúng tôi nhìn các ngọn lửa.  Có mùi tởm lợm lơ lửng trong không khí.  Thình lình, cửa mở.  Vài người trông kỳ quặc, mặc áo sọc và quần đen nhảy lên toa.  Họ cầm đèn pin và dùi cui, bắt đầu vung đập tứ tung, la lên:

“Tất cả ra ngoài! Tất cả ra ngoài! Lẹ lên!”

Chúng tôi nhảy xuống.  Tôi đưa mắt nhìn vội về phía bà Schachter.  Đứa con trai nhỏ đang nắm tay mẹ nó.

Lửa trước mặt chúng tôi.  Trong không khí ngửi ra mùi thịt cháy.  Lúc đó chừng nửa đêm.  Chúng tôi tới nơi rồi - trại Birkenau, trung tâm tiếp nhận của Auschwitz.

 

 

 

Chương : 1    2   3    4    5    6    7    8    9   
Elie Wiesel
Số lần đọc: 3984
Ngày đăng: 14.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mắt xanh mỏ đỏ - Gào
Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời - Imre Kertész
Quỷ Trần Gian - Thái Bi
Đi tìm thượng đế - Trường Thanh
Vì ta cần nhau ! - Đổ Quỳnh Anh
Biết đâu địa ngục thiên đường - Nguyễn Khắc Phê
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm - Trịnh Thắng
Dấu ấn Đồng Quê - Trịnh Thắng
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Cùng một tác giả
Về từ cõi chết (truyện dài)