Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.077
123.233.777
 
Về từ cõi chết
Elie Wiesel
Chương 7

7.

 

Rán hết sức ép sát vào nhau cho khỏi lạnh, cùng lúc đó, đầu trống rỗng nặng nề, óc não quay cuồng các ký ức thối rữa.  Sự dửng dưng làm u mê thần trí.  Ở nơi này hoặc ở nơi kia - khác nhau gì chớ?  Chết hôm nay hay ngày mai hoặc sau này?  Đêm dài và không bao giờ tận.

 

Cuối cùng, khi ánh sáng xám xuất hiện le lói đằng chân trời, để lộ ra một đống hổ lốn các hình hài con người, đầu rụt vô vai, khom lưng, người này chồm lên người kia, như một cánh đồng mộ bia phủ đầy bụi trong ánh sáng sớm mai.  Tôi cố phân biệt người đang sống với kẻ đã chết.   Nhưng chẳng có gì khác nhau.  Cái nhìn của tôi bị giữ chặt lại thật lâu bởi một người đang nằm, mắt mở lớn, ngó vô khoảng không trống rổng.  Mặt ông tím ngắt phủ một lớp giá băng và tuyết.

 

Cha tôi cuộn mình bên tôi, người quấn trong mền, vai ông phủ đầy tuyết.  Và ông cũng chết rồi ư?  Tôi gọi ông.  Tôi la hết sức có thể la được.  Ông không nhúc nhích.

Tâm trí tôi bỗng dưng bị choán ngập bởi một nhận thức rõ nét - không còn lý do gì mà sống, không còn hy vọng gì mà chiến đấu.

Tàu dừng lại giữa đồng không mông quạnh.  Cú hãm lại thình lình ấy đánh thức vài người trong số những kẻ đang ngủ.  Họ bật thẳng người lên, giật mình giáo dác nhìn quanh.

Bên ngoài, một viên chức SS đi ngang, la lên:

“Liệng hết người chết ra ngoài! Tất cả xác chết ra ngoài!”

 

Người sống vui mừng.  Có thêm chỗ.  Những người thiện nguyện bắt tay vô việc.  Họ rờ tới cả những ai còn cuộn mình lại.

“Đây một tên! Lôi hắn ra!”

Họ cởi quần áo kẻ ấy, những người sống tham lam chia nhau quần áo của hắn, rồi hai “đô tùy” túm lấy hắn, kẻ đằng đầu, kẻ đằng chân, liệng hắn ra khỏi toa như vứt một bao gạo.

 

Bốn phía có tiếng la:

“Lẹ lên!  Đây một tên! Tên này sát bên tôi!  Hắn không cục cựa.”

Tôi tỉnh người, ra khỏi cơn dửng dưng đúng lúc có hai người đi tới bên cha tôi.  Tôi nhảy chồm lên người ông.  Ông lạnh ngắt.  Tôi tát ông, la lên:

“Cha! Cha! Dậy.  Người ta sắp vứt cha xuống tàu kìa...”

Người ông vẫn trơ trơ.

Hai đô tùy túm cổ áo tôi.

“Để yên hắn! Mày không thấy hắn chết rồi sao!”

“Không!” tôi la lên.  “Ông không chết! Chưa chết!”

Tôi bắt đầu tát ông hết sức mạnh.  Sau một lúc, mi mắt cha tôi hơi động đậy để hé ra tí ánh mắt.  Ông thở rất yếu.

“Đó, thấy chưa,” tôi la lên.

 

Hai người ấy bỏ đi.

Mười hai hình nhân bị liệng khỏi toa chúng tôi.  Rồi con tàu tiếp tục cuộc hành trình, bỏ lại đằng sau vài trăm người chết trần truồng, không được chôn cất, vùi thân trong tuyết, giữa một cánh đồng Ba lan.  Suốt những ngày những đêm ấy, chúng tôi cuộn người lại, kẻ này chồm trên lưng kẻ kia, chẳng ai nói một lời.  Chúng tôi không hơn gì những hình nhân đông cứng.  Mắt nhắm lại, chúng tôi chỉ chờ lần tàu dừng sắp tới, để có thể liệng xác chết xuống.

 

Mười ngày mười đêm đi.  Thỉnh thoảng tàu chạy ngang một huyện lị nước Đức.  Thường thường là vào sáng tinh mơ.  Thợ thuyền đang đi làm.  Họ dừng bước, nhìn theo chúng tôi, không tỏ chút ngạc nhiên nào.

Ngày nọ, khi tàu ngưng lại, một người lao động móc trong bị ra một mẩu bánh mì, ném vào trong một toa nào đó.  Thật là tan tác.  Hàng chục người đang chết đói đánh nhau chí chết vì mấy vụn bánh.  Những thợ thuyền Đức lấy làm thú vị trước hoạt cảnh sống động này.

 

Vài năm sau, tôi chứng kiến một loại hoạt cảnh giống như thế tại Aden.  Khách du trên tàu chúng tôi tiêu khiển bằng cách ném bạc cắc cho “dân bản xứ” để họ lặn xuống mò chúng.  Trò chơi này đem lại thích thú đặc biệt cho một phụ nữ Paris quí tộc, hấp dẫn.  Đột nhiên tôi để ý có hai đứa trẻ đang nhào vào nhau vật lộn quyết tử, ra sức bóp cổ nhau.  Tôi quay qua vị phu nhân ấy:

“Xin bà,” tôi năn nỉ, “bà đừng ném thêm tiền nữa.”

“Tại sao không?” bà ta nói.  “Tôi thích bố thí...”

 

Trong toa tàu có bánh mì rơi xuống ấy đã thật sự nổ ra một cuộc chiến.  Người ta nhảy chồm lên đầu nhau, xéo nhau, xé nhau, cắn nhau... Những con mồi hoang dại với hận thù mang tính thú vật trong mắt, sức sống dị thường túm lấy họ, mài bén răng và móng tay của họ.

 

Một đám đông thợ thuyền và khán giả tọc mạch tụ tập dọc con tàu.  Có lẽ họ chưa bao giờ thấy một chuyến tàu chở loại hàng hoá như thế này.  Chẳng bao lâu, gần như dọc suốt thân tàu, những mẩu bánh mì được thả vào các toa.  Khán giả nhìn những bộ xương người, đấu đá nhau tới chết vì một miếng vào miệng.

Một mẩu rơi vào toa chúng tôi.  Tôi quyết định mình sẽ không nhúc nhích.  Dù sao tôi cũng biết mình chẳng có sức đấu đá với cả tá người hoang dại!  Tôi để ý thấy không xa mình lắm một ông lão đang bò lê bò lết.  Ông rán sức thoát thân khỏi cuộc vật lộn.  Ông giữ một tay trên chỗ tim mình.  Ban đầu tôi nghĩ là ông vừa bị một cú đấm vào ngực.  Rồi tôi hiểu ra: ông có tí bánh đang dấu trong áo.  Lẹ như chớp, ông rút nó ra, nhét vô miệng.  Mắt ông phát ánh lập loè; một nụ cười, tựa như nhăn nhó, làm rạng rỡ bộ mặt chết chóc của ông.  Và lập tức bị dập tắt ngay.  Một cái bóng hiện ra lờ mờ sát bên ông.  Bóng đó chồm lên ông.  Té xuống đất, choáng váng với các cú đấm, ông lão la lên:

“Meir, Meir, con ơi!  Mày không nhận ra tao à?  Tao cha mày đây...đau quá...Mày đang giết cha mày!  Tao lượm có tí bánh...cho mày nữa mà...cho mày nữa...”

 

Ông lão gục xuống.  Nắm tay ông còn túm chặt miếng bánh nhỏ.  Ông cố sức đưa nó lên miệng.  Nhưng người khác đã chồm lên ông, vồ lấy.  Ông lão lại thì thầm điều gì đó, từ trong họng thoát ra tiếng kêu lục cục, và chết giữa sự thờ ơ của mọi người. Đứa con trai lục lọi người ông, lấy miếng bánh mì, bắt đầu ngấu nghiến nó.  Hắn không ăn được lâu.  Có hai người thấy và chồm lên trên hắn.  Những người khác nhập cuộc.  Khi họ rút lui, cạnh tôi có hai xác chết, nằm bên nhau, cha và con.

Tôi đã mười lăm tuổi.

 

Trong toa tàu của chúng tôi có một người bạn của cha tôi tên là Meir Kalz.  Ông lao động làm vườn ở Buna, thỉnh thoảng thường mang cho chúng tôi ít rau xanh.  Nhờ dinh dưỡng khá hơn những người khác nên ông chịu đựng được nhà tù hơn.  Vì ông tương đối mạnh khoẻ so với chúng tôi, ông được đặt phụ trách toa tàu.

Vào đêm thứ ba trong chuyến đi, tôi bất chợt thức giấc, cảm thấy có hai bàn tay trên cổ họng mình đang rán sức bóp cổ tôi.  Tôi chỉ kịp hét lên: “Cha ơi cha!”

 

Tôi chỉ la được có thế.  Tôi cảm thấy nghẹt thở.  Nhưng cha tôi đã thức giấc, túm lấy kẻ tấn công tôi.  Quá yếu không kềm chế nổi hắn, ông nảy ra ý kêu cứu Meir Kalz.

“Meir!  Tới đây mau! Tới đây lẹ lên! Có người bóp cổ con tôi!”

Chút sau tôi được giải thoát.  Tôi vẫn không biết tại sao có ai đó muốn bóp cổ tôi.

Ít ngày sau, Meir Kalz nói với cha tôi:

“Chlomo ạ, người tôi yếu rồi.  Tôi đang đuối sức.  Tôi không theo nổi nữa...”

“Đừng để mình đầu hàng,” cha tôi nói, ra sức khích lệ ông.  “Anh phải chống lại.  Đừng mất đức tin vào chính mình.”

 

Nhưng Meir Kalz vừa trả lời vừa than van thảm thiết:

“Tôi không tiếp tục được chút nào nữa, Chlomo ạ!  Tôi phải làm gì đây?  Tôi không tiếp tục nổi...”

Cha tôi nắm cánh tay ông.  Và Meir Kalz, người mạnh mẽ, người tráng kiện nhất trong hết thảy chúng tôi, oà khóc nức nở.  Con trai ông đã bị tách khỏi ông lúc có cuộc tuyển lựa đầu tiên nhưng tới lúc này ông mới than khóc.  Chính lúc này ông mới kiệt quệ.  Ông xong rồi, sức cùng lực kiệt rồi.

Vào ngày chót của cuộc hành trình, gió lộng khủng khiếp; trời đổ tuyết không ngừng.  Chúng tôi cảm thấy chung cuộc đã gần kề - một kết liễu thật sự.  Chúng tôi chưa bao giờ phải chịu đựng từng ngọn gió cực buốt như thế này, từng cơn gió giật này.

 

Ai đó đứng dậy la lớn:

“Chúng ta không được ngồi mãi như thế này.  Sẽ đông cứng mà chết!  Ai nấy hãy đứng lên, cử động một tí...”

Hết thảy chúng tôi đứng lên.  Chúng tôi siết chiếc mền ẩm ướt quấn chặt hơn vô người.  Và chúng tôi cố rán sức nhúc nhích ít bước, xoay qua xoay về tại chỗ mình đang đứng.

Đột nhiên trong toa vang lên tiếng thét, tiếng thét của một con vật bị thương.  Có ai vừa chết.

Những người khác cũng cảm thấy mình sắp chết, bắt chước tiếng thét của ai đó.  Và các tiếng thét của họ nghe như vang vọng lại từ bên kia huyệt mộ.  Chẳng bao lâu mọi người đều thét vang.  Tiếng rên rỉ, than van, la thét thảm sầu lao theo gió và tuyết.

 

Tình trạng truyền nhiễm đó lan tới các toa khác.  Hàng trăm tiếng la thét đồng loạt vang lên.  Không biết chống đối ai mà chúng tôi la hét.  Không biết tại sao.  Trong tiếng kêu răng rắc xình xịch của toàn thân con tàu, ai cũng cảm thấy chung cuộc đang lơ lửng trên các toa tàu.  Hết thảy chúng tôi đều sắp chết ở đây.  Đã vượt qua mọi giới hạn.  Không còn chút hơi sức nào nữa.  Và đêm sẽ lại hun hút.

Meir rên rĩ:

“Tại sao họ không bắn chúng ta ngay?”

 

Tối đó, chúng tôi tới điểm đến.

Đêm đã khuya.  Lính gác tới lùa chúng tôi xuống.  Người chết bị bỏ lại trên tàu.  Chỉ những ai còn có thể đứng vững mới lê chân nổi.

 

Meir Kalz ở lại tàu.  Ngày cuối là ngày tàn sát nhất.  Một trăm người chúng tôi lên tàu trước kia.  Nay chỉ còn mười hai người bước xuống - trong đó có cha tôi và tôi.

Chúng tôi đã tới Buchenwald.

Chương : 1    2    3    4    5    6    7   8    9   
Elie Wiesel
Số lần đọc: 2625
Ngày đăng: 14.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mắt xanh mỏ đỏ - Gào
Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời - Imre Kertész
Quỷ Trần Gian - Thái Bi
Đi tìm thượng đế - Trường Thanh
Vì ta cần nhau ! - Đổ Quỳnh Anh
Biết đâu địa ngục thiên đường - Nguyễn Khắc Phê
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm - Trịnh Thắng
Dấu ấn Đồng Quê - Trịnh Thắng
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Cùng một tác giả
Về từ cõi chết (truyện dài)