Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.082
123.233.238
 
Casanova ở Bolzano
Márai Sándor
Chương 2

CÁI TIN

 

Họ ngủ vật vã, ngáy, thở phì phò, phập phồng, khi đang ngủ, họ tưởng đang xảy ra một cái gì đó với mình. Họ cảm thấy, có ai đi quanh nhà. Họ cảm thấy, có ai gọi, và cần phải trả lời, như chưa bao giờ phải trả lời. Câu hỏi, mà kẻ lạ mặt nêu ra, khêu gợi, trắng trợn, phũ phàng, và trên tất cả, thật đáng sợ và buồn bã vô cùng. Nhưng buổi sáng, sau khi tỉnh dậy, họ không nhớ ra câu hỏi nữa.

 

Khi họ đang còn ngủ, một cái tin truyền đi, chàng đã tới, chàng đã trốn khỏi các hầm mái chì, giữa ban ngày ban mặt, chàng chèo thuyền ra khỏi thành phố quê hương, phơi mặt ra với các ngài mộ đạo, những kẻ đáng sợ của giáo hội pháp đình, chàng  bắt Lorinc, viên cai ngục ngồi yên đấy, đánh tháo cho ông bạn hư hỏng, chàng chạy trên thành cao ngất ngưởng của quan Dozs, người ta nhìn thấy chàng ở Mestre, khi đang mặc cả với người đánh xe, nhìn thấy chàng ở Treviso, khi đang uống rượu thảo dược trong một quán cafe, và một bác nông dân thề đã nhìn nhìn thấy chàng ở biên giới, đang bỏ bùa cho những con bò. Cái tin bay khắp các lâu đài Vơnidơ, trong các quán rượu ngoại ô, các vị giáo chủ cùng các thượng nghị sĩ sùng đạo, lũ đao phủ cùng bọn chó săn, quân do thám và lũ cờ bạc, bọn tình nhân và các ông chồng, lũ con gái trong buổi lễ mise, và bọn đàn bà trong những chiếc  giường êm ấm, tất cả cùng cười phá lên và gào:”Hô! Hô!”hoặc rống lên hết cỡ: ”Ha!ha!” hoặc vùi đầu vào gối, vào khăn tay để cười:”Hi!hi!”

 

Ai nấy đều vui sướng vì chàng đã trốn thoát. Tối hôm sau, người ta trình đức cha điều này, cha nhớ ra chàng, và còn nhớ thêm,đã đích thân trao cho chàng một chiếc huy hiệu cấp bậc thấp; giờ đây ngài bật cười vì cái tin này. Cái tin bay đi, ở Vơnidơ, bọn chèo thuyền tỳ tay vào những mái chèo dài, bàn cãi một cách am hiểu từng chi tiết của cuộc chạy trốn, và họ vui mừng vì chàng đã trốn thoát, họ vui mừng, vì chàng là người Vơnidơ, dám qua mặt pháp luật, họ vui mừng vì có một người mạnh hơn bạo quyền, hơn cả đá, dây xích và mái nhà bằng chì. Họ thì thầm chuyện trò, khạc nhổ xuống nước, xoa xoa tay một cách thỏa mãn. Cái tin bay đi, mọi người cảm thấy nóng bừng nơi gần trái tim. Thế, anh ta làm  gì?- họ hỏi – anh ta chơi bài, lạy Chúa tôi, có thể anh ta chơi bài một cách không hoàn toàn trong sạch, anh ta chuyển tiền thắng cuộc vào các quán rượu tồi tệ,  anh ta đeo mặt nạ để kết bè đảng với những ông chủ bài ! Nhưng ai mà không hành động như thế, ở Vơnidơ?.. Rồi vào ban đêm anh ta nện kẻ đã tố cáo anh ta, rồi đi lừa gái ở ngoại ô, ở Murano, trong một nhà trọ- nhưng ai có thể sống khác, thời trẻ, ở Vơnidơ? Anh ta trơ tráo, tinh ranh, lắm mồm? – nhưng ai ít lời ở Vonidơ kia chứ?

 

Họ cứ lải nhải như vậy, đôi khi cười phá lên. Bởi vì có một cái gì đó hay ho trong cái tin này, một cái gì đó làm thỏa mãn, một cái gì đó làm ấm con tim. Bởi vì bằng một chân,  tất cả mọi người giữ mình giữa những móng vuốt của giáo hội pháp đình, bằng một chân, mọi người  sống trong những nhà hầm mái chì, và giờ đây một kẻ chứng minh rằng, con người mạnh hơn sự cưỡng ép, mạnh hơn, những mái nhà giam bằng chì, mạnh hơn lũ cảnh sát, hơn messer grande* (một cách gọi theo mốt lúc bấy giờ), hơn cả lũ đao phủ và bọn thám tử.

 

Cái tin này bay đi, trong sở cảnh sát, người ta bực bội đóng sập các tập hồ sơ, các sĩ quan hò hét, bọn hỏi cung bằng đôi tai phừng phừng hỏi cung lũ phạm tội, rồi điên tiết phân chia cho chúng nhà tù,  hoặc đi phát vãng ,hoặc đi chèo thuyền và dây trói.  Trong các nhà thờ người ta bàn tán về chàng, sau lễ mise, người ta giảng đạo, vì bảy tội chính đã nhập vào cơ thể của chàng,  theo ông cố đạo sau này chàng sẽ bị nấu trong một vạc dầu, một dàn lửa riêng, khi tới ngày tận thế. Nhưng trên ghế xưng tội, người ta vẫn nhắc đến tên chàng, những người đàn bà quỳ gối với cái đầu cúi thật thấp, mấp máy gọi tên chàng sau cuốn kinh, tim họ đập thình thình,  tự nhận lấy mọi tội lỗi của mình. Và ai nấy đều mừng, như thể một cái gì đó tốt đẹp xảy ra ở Vonidơ, và ở khắp nơi, những nơi chàng đã đi qua, trong các thành phố và các làng mạc của nền Cộng hòa.

 

Người ta đi ngủ, và mỉm cười trong giấc mộng. Ở những nơi cái tin đến, người ta cẩn thận đóng hết cửa sổ, cửa ra vào, lúc ban đêm, và sau những tấm rèm cửa sổ, bọn đàn ông thảo luận hồi lâu với bọn đàn bà. Như thể mọi cảm xúc, ngày hôm qua mới là tro và than, khói bắt đầu nghi ngút và chuẩn bị bốc lửa. Những con bò không bị phù phép, nhưng lũ mục đồng thề sống chết, rằng những con bê con xinh đẹp đã ra đời nhiều hơn trong năm qua. Lũ đàn bà thức giấc, kéo nước từ giếng đổ vào những vại chứa bằng gỗ, rồi nhóm lửa trong các bếp, hâm nóng lại sữa, bày hoa quả lên những đĩa sơn hoa, cho trẻ con bú, cho bọn đàn ông ăn, quét nhà và rũ chăn màn, giữa những công việc này, họ mỉm cười.

 

Nụ cười, cả một thời gian dài, không biến mất khỏi các khuôn mặt ở Vonidơ, Tirol, Lombardi. Nụ cười truyền đi như một nạn dịch hết sức tinh tế và nhẹ nhàng, vượt qua biên giới, tận Munchen người ta cũng biết, người ta chờ đợi và mỉm cười, cái tin này truyền sang tận Paris, người ta kể cuộc chạy trốn của chàng cho nhà vua nghe trong công viên Szarvas, vua cũng mỉm cười. Tận Parma, Turin, Viên, và Moszkva người ta đều nghe tin chàng. Và đâu đâu, ai nấy đều mỉm cười. Cảnh sát và những kẻ hỏi cung, bọn cai ngục và lũ thám tử, tất cả những kẻ mà nghề của chúng là giữ con người trong roi vọt của quyền lực và sự sợ hãi, bọn này vừa ngờ vực vừa bực bội hoàn thành công việc của chúng trong những ngày này. Bởi vì không có gì nguy hiểm hơn, một con người không chịu yên ổn trong sự chuyên quyền.

 

Họ đều biết, chàng không có gì cả, chỉ có độc một con dao găm; nhưng dọc biên giới, trong nhiều tuần, người ta củng cố lực lượng lính canh. Họ biết, chàng không có liên minh, và không hoạt động chính trị, nhưng tổng thư ký giáo hội pháp đình thảo cả một kế hoạch quân sự, để một lần nữa xiết chặt tay lại, lừa chàng vào khám sắt, còn sống hay đã chết, bằng vàng  hay bằng dao găm, bằng cách nào có thể. Người ta báo cáo với quan Dôzse về vụ chạy trốn của chàng, một ngài có đôi mắt dữ dội, dáng  thấp lùn đập bàn bằng bên   tay đeo nhẫn,  hứa sẽ cung cấp cho cai ngục một tù khổ sai. Các thượng nghị sĩ với những đôi tay vàng vọt, gầy gò, nắm chặt hơn viền áo khoác lụa  phía trên ngực, ngồi im như tờ trong căn phòng lớn, trong những chiếc ghế bành, họ phì phò hít thở không khí thông qua cánh mũi như bệnh nhân tiểu đường, dưới những mi mắt nheo lại, họ đưa cái nhìn trống rỗng kiểm tra những bức họa trên trần nhà  và những cái dầm nhà cầu kỳ trong căn phòng họp hội đồng, họ bỏ phiếu thông qua các đạo luật xiết chặt chẽ hơn, họ nhún vai và im lặng.

 

Nhưng nụ cười vẫn truyền đi như một cơn cảm cúm, vợ ông làm bánh mì mắc phải, em gái người thợ thuộc da, và cả con gái quan Dozse cũng thế. Mọi người, một mình trong những căn phòng cửa đóng cẩn thận, vỗ bụng bùm bụp trong niềm hân hoan, và cười lăn cười lộn. Có một cái gì đó an ủi đáng sợ trong cái tin, xuyên qua những bức tường dày hàng mét, qua nỗi tỉnh táo của những con mắt lính canh cầm thương giáo, qua những vòng dây sắt to bằng cánh tay con trẻ, vẫn có một người chạy thoát. Mọi người đến các cửa hàng, đứng giữa quảng trường có chợ họp, nhấm nháp rượu Verona trong các tửu quán, những kẻ cho vay lãi nặng, cân vàng trong những chiếc cân tiểu ly, các dược sĩ đun thuốc nhuận tràng, và các loại thuốc bằng lá, một thứ độc dược giết người cực nhanh, thứ có thể dấu vào trong mặt đá chiếc nhẫn như một thứ bột. Những người bán hàng với cái bụng to tướng, bày biện những cá, hoa quả, thịt tươi sống, và các loại rau thơm lên trên chiếc bàn nhỏ trong chợ. Những người bán quần áo mốt xếp các đôi tất nilon vừa nhập, và  áo nịt  móc của xứ Brugge, vào những hộp da tẩm bụi phấn hoa, tất cả mọi người,  giữa công việc và khi tán gẫu, giữa cửa hàng và trong văn phòng, đều có một khoảnh khắc, giơ tay che miệng và  cười lên một tiếng.

 

Đám phụ nữ cảm thấy, việc chạy trốn này, và tất cả những gì xảy ra, có chút ít gì đấy vì quyền lợi của họ. Cảm giác này không thể giải thích chính xác; nhưng vì vậy phụ nữ và dân thành Vonidơ, không tranh luận với cảm giác, họ chấp nhận cái bằng chứng không lời, mà trái tim, huyết quản và cảm hứng thì thầm vào tai họ. Đám phụ nữ mừng, vì chàng đã trốn thoát.  Như thể một sức mạnh, từ trước tới giờ bị trói lại, đã thoát ra ngoài thế gian, như thể từ chuyện cổ tích, từ truyền thuyết, từ các cuốn sách và từ các kỷ niệm, từ các giấc mơ và từ các xúc cảm, những điều trong cuộc đời của đàn ông và đàn bà, là một thứ khác, bí ẩn, không  thể viết ra, bất lịch sự, vẫn chứa đựng một nội dung chân thực đáng sợ, một kẻ nào đấy, bước ra, không mặt nạ, không tóc giả và  bột gạo rắc, trong sự trần trụi, như từ một điểm hẹn buồn bã của hầm tối đầy đọa, nạn nhân bước ra: đám phụ nữ nhìn theo, đưa tay nâng quạt lên miệng và mắt, đầu họ hơi nghiêng , họ không nói gì, nhưng những đôi mắt của họ, với ánh chớp long lanh và mờ sương ngây nhìn theo kẻ chạy trốn và bảo: „Đúng thế, đúng thế”.

 

Rồi vì thế mà họ mỉm cười. Tựa hồ trong  vài ngày, cái thế giới bé nhỏ họ sống, đầy ắp những niềm âu yếm. Buổi tối, họ đứng trong các cửa sổ, và trong những ban công, phía trên các đường vịnh , khăn voan kẹp bằng những chiếc lược có hình cây đàn phủ trên tóc, vai phủ khăn lụa, họ nhìn xuống dòng nước vừa bẩn-vừa đầy dầu, những chiếc thuyền nhẹ nhàng, thờ ơ lướt qua, họ đáp trả lại bằng một ánh mắt nhìn, mà ngày hôm qua họ chưa kịp đáp trả, họ làm rơi một mảnh khăn tay, khiến từ phía sâu, trên mặt gương của nước, một bàn tay nâu, khéo léo giơ ra đỡ lấy, họ nâng lên miệng một bông hoa, và mỉm cười. Sau rồi họ đóng cửa sổ, trong những căn phòng, ánh sáng tắt phụt. Nhưng trong những trái tim và mọi cử chỉ, trong đôi mắt đàn bà, và cái liếc của đàn ông rạng rỡ một cái gì đó trong những ngày này. Như thể một người truyền một ám hiệu bí ẩn, rằng cuộc sống không chỉ có quy tắc, sự cấm đoán, và xiềng xích, mà còn có những cảm hứng tự do hơn, vô nghĩa hơn, vô mục đích hơn, từ trước tới nay họ tưởng. Trong khoảnh khắc, người ta cùng hiểu ra ám hiệu này, và cùng mỉm cười.

 

Nhưng sự đồng lõa này không tồn tại lâu: các bộ luật, những quy tắc cuộc sống thành văn bản hay bất văn bản lo lắng đến việc, hãy làm cho kỷ niệm về kẻ chạy trốn này rơi vào quên lãng trong các trái tim. Sau vài tuần, ở Vơnidơ người ta đã quên mất. Chỉ ngài Bragadin còn nhớ đến, người bênh vực khoan lượng và hiền hậu của chàng, vài ba phụ nữ, những người thề thốt lòng chung thủy với chàng, vài người cho vay lãi nặng cùng kẻ cho thuê nơi đánh bạc, những người chàng nợ tiền.

Chương : 1    2   3    4    5   
Márai Sándor
Số lần đọc: 1481
Ngày đăng: 15.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về từ cõi chết - Elie Wiesel
Mắt xanh mỏ đỏ - Gào
Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời - Imre Kertész
Quỷ Trần Gian - Thái Bi
Đi tìm thượng đế - Trường Thanh
Vì ta cần nhau ! - Đổ Quỳnh Anh
Biết đâu địa ngục thiên đường - Nguyễn Khắc Phê
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm - Trịnh Thắng
Dấu ấn Đồng Quê - Trịnh Thắng
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Cùng một tác giả
Lời cỏ cây (tạp văn)
Casanova ở Bolzano (truyện dài)