Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.057
123.234.455
 
Casanova ở Bolzano
Márai Sándor
Chương 5

THANG ĐO VÀ THỰC HÀNH

 

Chàng quyay lại, bằng những bước vội vã tiến gần đến chiếc ghế bành chân mạ vàng, bọc lụa hoa, đặt trước tấm gương và lò sưởi, rồi ngồi xuống, đặt chân phải gối sưng phù, như tất cả những ai cưỡi ngựa và đi bộ nhiều, vắt lên chân trái, tựa cánh tay lên thành ghế, chăm chú và nghiêm nghị nhìn cô gái.-

 „ Lại gần đây nữa – Chàng nói nhỏ, giọng ra lệnh- đến đây.”

Khi cô gái bằng những bước chậm rãi và bình tĩnh đến gần, rồi cuối cùng đứng trước mặt , chàng nắm đôi tay đỏ nhỏ nhắn, khẽ nâng lên cao, như giữa một điệu nhảy, chàng trai lịch thiệp quay cô bạn nhảy một vòng, hoặc như người thợ may xem xét tác phẩm mới của mình, kiểm tra bộ quần áo vũ hội,  ướm lên ma-nơ-canh, một cách thân ái và điêu luyện, với những điều chỉnh thuần thục và dịu dàng của đôi tay, chàng quay cô gái nửa vòng.

-    Em tên là gì? – Chàng hỏi. Và khi Teréz nói tên mình:

-    Em bao nhiêu tuổi?

 

Chàng đằng hắng, gật gù với câu trả lời, rồi suy nghĩ.” – Tại sao- chàng nói- tại sao em cho lũ đàn bà vào phòng ta?”. Rồi như không đợi câu trả lời, chàng nói nhanh:” Người ta cho rằng, Teréz, ta là một gã trai hư hỏng, ta chỉ như tiếng tăm của ta. Giờ ta ngại lên đường quá. Con người trở nên nổi tiếng, vì thế giới của chúng ta bé nhỏ, giao thông đã phục hồi một cách đáng sợ trong thời gian gần đây, truyền thông gần như hoàn hảo. Con người biết tất cả, đa tạ cho thói ngồi lê mách lẻo của báo chí, của những kẻ can thiệp ngoài hành lang nhà hát, giờ không còn gì là bí mật nữa, đúng thế, đôi khi ta tin rằng, đời riêng cũng không còn nữa. Khi ta còn trẻ khác hẳn. Ngày nay Vơni dơ giống như một cái hộp kính, mọi người ngồi trong quầy trưng bày, người ta công khai lừa, ăn cắp, nhồi đầy bụng và làm tình. Em đã đến Vơnidơ chưa? Rồi ta sẽ đưa em đi một lần, từ thứ bảy đến thứ hai”-

 

Chàng nói một cách thờ ơ.- „ Đừng, cô bé, đừng tin lũ Vơnidơ. Hãy nhìn vào mắt ta đây. Em có thấy ta đang buồn?...Chúng đã gọt đẽo ta thành một nhân vật nực cười đến thế nào, những kẻ tung tin, như tin chợ giời, tin đồn ta xuất hiện làm các công tử và lũ thám tử trong thành phố dỏng tai lên, những kẻ cho thuê sòng bạc và đám đàn bà, những kẻ sống từ việc có những người đàn bà trẻ hơn và dại dột hơn, trên đường đi dạo, lũ lê la trong các tiệm nhảy thì thào tên ta, từ các ban công và sâu thẳm trong xe hơi những cặp mắt chó săn theo rõi, bọn đàn bà bằng cái nhìn cận thị nâng cặp mắt kính mạ vàng lên gần mắt chúng, rồi ngoẹo đầu xuýt xoa:”Sao, đây là anh ta?...Thật nhục nhã!...Tại sao người ta phải chịu đựng hắn trong thành phố? Dẫn hắn đến đây!!” đấy bọn đàn bà nói thế. Em hãy lại gần đây, em yêu quý. Hãy nhìn vào mắt ta. Em có sợ ta không?...”

-    Không – Cô gái nói

Người lạ suy nghĩ:

-    Thế thì không được – Chàng hơi bực bội.

 

Nhưng Teréz, cô gái, kẻ đầy tớ, một người họ hàng trong quán trọ Szarvas, không bao giờ sợ nữa. Lúc này, khi cô đứng đây, đôi tay cô cho phép cái xiết tay vừa vuốt ve vừa cào cấu, vừa dâng hiến vừa chiếm đoạt của người đàn ông lạ bí hiểm này, có lẽ lại cần phải nói về cô. Bởi cô  tầm thường và chưa chồng, nhưng đôi khi quanh khóe miệng chuyển động của cô có một nét nào đó đặc biệt, như muốn trò chuyện với những người đàn ông. Cô mười sáu tuổi và như chúng ta đã nói, cô biết bí mật của các phòng và các góc ngột ngạt của quán trọ Szarvas, khi khách ra đi,cô trải và xếp lại chăn đệm, đổ nước bẩn,  cô có một chiếc váy vải bông tím than , một nhà buôn Turin tặng cô làm kỷ niệm, một cái áo tay bồng khoét cổ sâu, xanh nhạt mà một nữ nghệ sĩ bỏ quên trong ngăn tủ, ngoài ra cô còn có một cuốn kinh đóng bằng da trắng với những tấm ảnh Thánh Thân thương Padua; ngoài những thứ này, cô không có gì hết trên quả đất. Đúng, cô còn một cái lược Vơnidơ nữa. Cô ngủ trên gác xép sát mái nhà, trên những gian phòng dành cho khách, gần một ngăn ngủ của Balbi, nhà cô ở phía Nam- Tirol, trong một cái làng nằm dưới thung lũng, nơi có một ngọn núi cao, trèo lên không kịp lấy lại hơi , phong cảnh, rặng núi và cái nghèo đè trĩu xuống người cô. Cha cô một bữa đăng  lính đánh thuê cho đội quân của vua Napoly và không bao giờ trở về nữa. Terez nhìn người lạ mặt và không sợ.

 

 

Sự sợ hãi, vào tối đầu tiên, khi lão chủ quán, kẻ đôi khi nện cô, đôi khi lại gọi người họ hàng trẻ vào giường bà góa, quay sang hỏi cô, nỗi sợ hãi mê hoặc, khi cô nhìn thấy người lạ, lập tức sau bữa tối, c nửa tỉnh nửa mê làu bàu trong giấc ngủ, giờ đây, khi người đàn ông ấy cào vào lòng bàn tay cô, nỗi sợ hãi ấy chấm dứt. Cô hơi ngượng vì đôi tay của mình, nó đỏ vì giặt giũ và khuân củi, vì gió buốt, bởi ở Bolzano gió lúc nào cũng rít, Teréz đôi khi nghĩ rằng không bao giờ có thể quen được nơi này. Nhưng cô vẫn để yên cho phép bàn tay mình nằm trong đôi tay đàn ông bấu chặt cứng rắn, nhưng lại mềm mại và quý phái, phảng phất nét đụng chạm êm ái gợi nhớ đến làn da lạnh, được chăm chút của bàn tay đàn ông.

 

Sự động chạm này vỗ về cô. Đúng thế, bàn tay của người đàn ông, cái xiết chặt của đôi tay này, như thể cùng lúc vừa cướp bóc vừa dâng hiến cho con người. Và  từ lòng bàn tay êm dịu từ từ tỏa sang da thịt cô gái, qua các huyết quản, một hơi nóng lạ lùng, khác hẳn hơi nóng từ lò sưởi, hay như khi một người nào đó ngồi phơi giữa nắng. Hơi nóng này thấm vào và lan tỏa, đôi lúc trong một khoảnh khắc, tưởng  như đứt đoạn, như khi người ta thổi một ngọn nến, hoặc gió giật mạnh trong một giây làm tắt phụt ngọn lửa đèn.- đúng thế, như thể có bão giông và lửa phập phùng đâu đây. Bàn tay người đàn ông sưởi ấm.

 

Terez không bao giờ sợ nữa. Cô không nghĩ đến cái gì. Có lẽ cô vui lòng trò chuyện với con chó trong vườn, chú chó nhỏ tai nhọn màu trắng của nhà trọ Szarvas, hoặc không nói với ai cả, ngồi ưa thích hàng  giờ, mùa hè và mùa đông, trong một góc tối mờ của nhà thờ, dưới ảnh Đức Mẹ, dưới bục giảng kinh; những lúc đó cô nhắm mắt lại và không nghĩ gì hết. Và đôi khi cô nghĩ đến tình yêu, nhưng chỉ như người đánh cá nghĩ đến biển. Cô đã biết tình yêu, và không sợ nó.

 

Giờ đây, khi người đàn ông chạm vào cô- người lạ giữ tay cô một cách lịch sự, bằng hai ngón, như thể mời cô nhảy, và tỳ cái đầu ngoẹo sang một bên vào lòng bàn tay cô- Teréz cảm thấy chàng là kẻ mạnh hơn.

 

Cảm giác này thật đáng ngạc nhiên. Kẻ lạ mặt này, mọi dấu hiệu cho thấy, vĩ đại và quý phái, cho dù chàng đến trong rách rưới;  chàng lớn tuổi, già hơn Teréz rất nhiều; trên tất cả, chàng nổi tiếng, lũ đàn bà mọi giá muốn nhìn thấy, Teréz lẽ ra có đủ lý do để sợ. Và chàng còn hứa, sẽ đưa cô đến Vonidơ, Teréz sợ những lời hứa, vì ai đã hứa, tức là nói dối nữa; những người thực sự cho ai một cái gì đấy , là những kẻ không nói một lời trước. Cô không biết chính xác, người đàn ông này muốn gì ở cô…

 

Bởi những kẻ khác bấu hoặc vỗ vào mông cô, hoặc muốn hôn, hoặc nói những lời đường mật vào tai cô, đưa những đề nghị cực kỳ khiếm nhã, hoặc van vỉ hết lời, hoặc thô lỗ, hoặc gọi cô vào phòng, sau nửa đêm, khi mọi người đã đi ngủ. Không, Terez quá biết những người đàn ông. Nhưng người này không bấu chí, không gọi cô đi đâu, không nói những lời khiếm nhã. Chỉ nhìn cô, với khuôn mặt hơi suy tư, một cách chăm chú, như người nghĩ rất ghê,  nhưng không nhớ ra một điều gì: một cái tên hoặc một kỷ niệm, một khái niệm quan trọng gợi đến cả cuộc đời.

 

„ Em không sợ”- người đàn ông khẽ lẩm bẩm. Rất nhẹ nhàng, lịch sự, không van xin, nhưng bằng một cử chỉ không thể hiểu nhầm được, chàng ấn cô gái ngồi lên đầu gối mình. Teréz nghe theo cử chỉ ra lệnh này. Cô ngồi một cách lịch lãm trong vòng ôm của người đàn ông lạ, hơi có vẻ như ngồi trong một cái quán, ở nơi xa lạ nào đó, sẵn sàng trong mọi giây phút chạy biến, nếu người ta bấm chuông hoặc gọi đi đâu đấy. Cả hai đều nghiêm trang. Họ nhìn vào mắt nhau, rất chăm chú, người đàn ông với mí mắt hơi sụp xuống, để nhìn rõ người đàn bà hơn, và dùng hai ngón tay quay mặt Terez về phía ánh sáng. Cô gái chịu đựng mọi cử chỉ, như một người ngoan ngoãn nghe theo những mệnh lệnh lương thiện của thày thuốc. – „ Mười sáu tháng rồi- người lạ từ tốn lên tiếng- ta chưa nhìn vào mắt một người đàn bà. Mắt của em có màu đẹp lắm, Teréz, giống như màu của bầu trời Vonido. Từ cửa sổ nhà tù, đôi khi ta nhìn thấy bầu trời, khi chúng giải ta dạo chơi trên hành lang. Bầu trời màu xanh, một màu xanh xám chính xác như thế này, một màu xanh hơi lạnh, như thể màu của biển cũng rọi chiếu vào đấy. Màu của những sự vật vĩnh cửu trong mắt em” – chàng nói một cách lịch sự-„ Nhưng em không hiểu điều này. Không quan trọng, là em phải hiểu. Luôn có một sự hiểu lầm giữa chúng ta, vĩnh viễn, giữa một người đàn ông và một người đàn bà, và ở đoạn cuối ta luôn tự xấu hổ, nếu ta nói chuyện nhiều  quá với một người đàn bà. Em hãy hôn ta đi”- Chàng nói một cách thân ái và giản dị.

Khi cô gái không động đậy, ngây cái nhìn xám xanh, với cái đầu cứng nhắc nhìn chàng :

” Em hãy hôn ta đi. Em không hiểu à?”- Chàng nói giọng hơi ngạc nhiên, nhưng vẫn thân ái.

 

Sau này Teréz nhớ lại, với giọng nói này, chàng có thể yêu cầu cô lấy một cốc nước, hoặc đơn giản bảo Balbi đến phòng chàng vì chàng buồn chán. Chàng nói đơn giản và lãnh đạm:” Hôn ta đi”

 

Nhưng Teréz chưa bao giờ hôn đàn ông; bởi vậy cô chỉ nhìn, bằng cái nhìn hơi ngây ngô, ngu ngốc hơn là thông minh. Lúc này người đàn ông ôm lấy thắt lưng cô gái- bằng nửa cánh tay, và làm một cách thản nhiên, như thể một người đưa tay về phía cuốn sách hoặc cái lược- rồi thân mật, chàng  nhấn mạnh:

-    Em cảm thấy gì?

-    Chả thấy gì cả - cô gái trả lời.

-    Em không hiểu- Chàng nói hơi cáu kỉnh – em không hiểu câu hỏi của ta. Ta không hỏi, nói chung em cảm thấy gì với cuộc sống, hoặc với đàn ông, hoặc trong mối quan hệ với tình yêu. Em hãy nghe đây, cô bé. Ta hỏi em, em cảm thấy gì khi ta chạm vào em, khi bằng hai ngón tay ta cầm phía trên khủy tay em, em cảm thấy gì, khi tay ta đặt trên trái tim em- như thế này này- bây giờ em cảm thấy gì trong phút này?...

-    Thưa ngài- cô gái nói một cách ngoan ngoãn, cô đứng dậy, cúi đầu trước người lạ và bằng hai tay, như thỉnh thoảng cô nhìn thấy trong phòng ăn, vừa cúi đầu cô vừa nâng gấu váy lên một chút – em không cảm thấy gì hết.

Giờ đến lượt người đàn ông cũng đứng dậy. Đôi chân dạng ra, tay khoanh lại trước ngực, đầu cúi gục, tăm tối và bối rối.

„ Vô lý”- chàng nói một cách khoắc khoải, và đằng hắng trong cơn bối rối-  „Vô lý, khi em không cảm thấy gì cả, khi ta…Nào, đợi chút!”

Bằng một động tác rất nhanh, chàng ôm lấy cô gái, đầu chàng ngả về phía khuôn mặt trẻ trung, tươi mát, đôi mắt sẫm tối của chàng bắn tia mắt vào màu xanh nhạt bình thản, trong veo của mắt cô gái, long lanh ánh sáng hiền dịu:

-„ Bây giờ cũng không? Khi ta ôm em? Em không cảm thấy, hơi thở của ta nóng bỏng như thế nào? Cái xiết tay bên sườn em?..Em không cảm thấy, ta gần em như thế nào, em không cảm thấy trong phút này chúng ta đã quen nhau, ta mang cho em một món quà tuyệt vời, món quà của cuộc sống và tình yêu?...Đúng không, giờ đây em run rẩy, từ đầu ngón chân đến tận trán, sự run rẩy đặc biệt này đang lan tỏa,  từ trước tới giò em chưa bao giờ cảm thấy, như thể chỉ giờ đây em mới biết, em đang sống, vì điều đó nên em sống, nên em sinh ra trên đời”

Và khi không ai trả lời:- ” Thế nào, cái gì sẽ xảy ra?”- chàng hỏi một cách hoang mang. Buông lơi cô gái, chàng khẽ đập tay vào trán, rồi bối rối nhìn quanh.

 

Bởi vì cô gái này, đứng đối diện với chàng, cách xa có một bước chân, một cô gái nhỏ bé, ăn mặc xuềnh xoàng, vụng về, đi chân đất- một con mèo của các quán trọ, như người ta vẫn nghĩ, và nếu chàng muốn chân thật, chàng  thừa nhận, đúng là chỉ có thế!- cô gái này, không cần chứng minh, đúng là chẳng cảm thấy gì hết trong những giây phút này.

 

Người đàn ông đằng hắng trong cơn bối rối. Tấm thân trẻ trung và tươi mát này không rùng mình trước sự đụng chạm lão luyện, khi chàng ôm lấy thắt lưng cô, đôi mắt trong veo như ánh thủy tinh không bối rối, như mắt biển, khi giông bão ập xuống nó, và trái tim này, cảm thấy được nhịp đập của nó dưới lần vải áo, và qua làn da nóng bỏng thiếu nữ, không đập gấp dần, khi bàn tay chàng xiết chặt. Cô gái thở dịu dàng, đứng trước mặt chàng, chỉ cần với tay – và đôi tay giơ ra,  dừng lại giữa chừng, trong không khí.

 

Sự cưỡng lại, đôi khi chàng gặp từ phía phụ nữ, luôn luôn kích thích những cơn ham muốn mới. Ô! có trò chơi nào đẹp hơn, có cuộc chiến nào hấp dẫn hơn, so với cuộc chiến tay đôi với đàn bà, lúc họ cưỡng lại, trườn ra khỏi tay,  phản kháng, đẩy kẻ si tình ra một cách hoảng hốt hoặc kiêu ngạo? Những lúc đó con người cảm thấy sức mạnh thật sự của mình, những lúc đó những lời nói có cánh dễ dàng bay ra khỏi miệng, những lúc đó con người dễ dàng vừa ngạo nghễ vừa van vỉ, vừa đòi hỏi, vừa chinh phục, vừa đầy cảm động vừa đầy dũng mãnh. Bởi vì sự cưỡng lại chính đã là quan hệ, là trò chơi đã thắng một nửa, sự chống trả là một dạng biến thể của sự dâng hiến, kẻ cưỡng lại, biết tại sao phải tự vệ, và muốn, điều mình đang chạy trốn….

 

Nhưng cô gái này giờ đây, trong  căn phòng  quán trọ ở một thành phố xa lạ, người hầu gái thon thả và xoàng xĩnh này, là người đàn bà đầu tiên chàng với tay đến, sau mười sáu tháng tù đày, địa ngục, cô đơn và nhầy nhụa, nhưng cô gái này không tự vệ. Cô gái này không cưỡng lại chàng. Cô đứng đây, bình tĩnh đến tuyệt diệu, như thể không phải đứng đối diện với chàng, cô bé rách rưới đơn giản này, với chàng, kẻ cách đây không lâu, thuê một tòa lâu đài ở Murano cho một  xơ nữ đẹp nhất Vonidơ, kẻ được vợ một bá tước dạy cách viết những vần thơ tình, cách đây chưa lâu, tại thành Rôm, trong lâu đài của giáo chủ và tùy tùng….

 

Cô đứng đây, không thể làm gì với cô, vì cô không tự vệ, nhưng cũng không trao thân cho mệnh lệnh và sự đòi hỏi, cô đứng đây như ánh sáng trước bóng râm, và bản năng đàn bà không thì thầm bảo cô hãy chạy trốn. Chàng hít một hơi thật sâu, và lau trán, bởi mồ hôi lạnh đổ ra.

 

Cái gì đã xảy ra? Cái chưa bao giờ xảy ra. Chàng nhìn khắp gian phòng, như một người tìm một cái gì đấy, mắt dừng lại cây dao găm, chàng bỏ quên trên lò sưởi tối hôm trước. Bằng hai tay với một động tác nhẹ nhàng, chàng nắm lấy con dao găm, nhẹ nhàng gập lưỡi của nó lại. Lúc này, chàng không để ý đến cô gái, chàng đi đi lại lại trong phòng, con dao găm trong tay, nói khe khẽ.” Thế là thế nào!”- chàng lầu bầu.

Rồi hét lên:” Vô lý!”

 

Chàng cảm thấy khó chịu đến bực tức. Chàng cảm thấy mình như một nghệ sĩ, đã lâu không hát trên sân khấu, trong buổi biểu diễn đầu tiên được khán giả băng giá,  và những hàng ghế câm lặng tiếp đón. Người ta không suỵt, huýt gió, chàng không thất bại, nhưng cái câm lặng băng giá này, sự lãnh đạm không hưởng ứng này còn đáng sợ hơn cả sự thất bại. Chàng cảm thấy mình, như một ca sĩ  run rẩy nhận ra, giọng hát của mình quả là có chuyện, vô ích gào lên, không lên được những nốt cao nữa, giọng hát không bao giờ đem lại nỗi phập phồng nóng bỏng, âm thanh riêng tư và quyến rũ, để nghe thấy, trên hàng khán giả, người nghe lạnh sống lưng, khiến mắt của đàn bà dâng lên mờ lệ, khiến đàn ông nghiêm trang thần người nghe ngóng, như thể khoảnh khắc của sự hối hận và nỗi gánh chịu trách nhiệm đang đến…

 

Như một người cảm thấy, quên một cái gì đó, một giọng nói, một hành vi, một khả năng bí ẩn , chỉ của anh ta, là bí quyết của  thành công và sự tồn tại, như người tự dưng không hiểu, tại sao hôm nay người ta không vỗ tay sau buổi diễn, mới hôm qua người ta còn ào ào đòi diễn lại, như thể một người biết, đã hỏng một cái gì, vô ích mọi khả năng, mọi thực hành và kinh nghiệm, tác dụng đối với khán giả không bao giờ còn nữa!...Và như một diễn viên cảm thấy  hoang mang trên sân khấu, vì không còn hấp dẫn nữa, cả đám khán giả tràn ngập sự lãnh đạm băng giá, anh ta bắt đầu đằng hắng, tay đưa lên cổ vì bối rối, giống như kẻ nói:”Aaa! Eee!”- để tìm cái giọng đã mất.

Chàng đứng như vậy, trong tay là con dao găm, và nhìn cô gái.

„ Vô lý!”- Chàng nói lần nữa, to giọng hơn.-

„ Em không cảm thấy gì, tuyệt đối không? Em không sợ, không run rẩy, không muốn chạy trốn ta?...- chàng hỏi gần như van vỉ. Chàng cảm thấy, như thế có tác dụng thương hại, chàng cầm con dao găm và hạ giọng van vỉ- „ Tại sao em không nhìn vào mắt ta?...”- Chàng nói khẽ, run run và vô cùng buồn bã.

 

Cô gái ngước lên vì câu nói này, từ từ quay mặt về phía người lạ, rồi nghiêm trang và chăm chú chịu đựng cái nhìn thăm dò của người đàn ông” Em thấy chưa”- người đàn ông nhẹ nhõm, và quay lại như trong vị trí đấu kiếm định thay thế kiểu đứng hoặc nhảy một bước. –„Giọng nói của ta đã chạm vào em”- chàng nói khẽ, vui mừng, nồng nhiệt.-

 

 ” Em cần cảm thấy, ta đang nói với em, nói trực tiếp. Ta đã  nhận ra em giữa hàng nghìn người đàn bà, trong vũ hội cũng thế, khi em đeo mặt nạ. Em thấy chưa, em đã trả lời, đôi mắt em đã trả lời. Ta đã biết điều này. Không thể khác được.”- chàng khẽ huýt sáo trong nỗi vui mừng, sau đó lại với giọng trầm, ấm buồn bã nói, có thể thấy rõ như người làm trò ảo thuật sắp xếp với những dụng cụ của mình: - „ Bởi vì bí mật chỉ có thế, em yêu quý, đây là tất cả, không  có thủ đoạn và mưu mẹo, tất cả bí mật chỉ có thế. Điều này giống như sự tiếp xúc với con người. Em đã tiếp xúc với ta, khi em bước vào phòng, đó là sự tiếp xúc bí ẩn nhất, đôi khi ta tin rằng đây chính là nguyên nhân và ý nghĩa của cuộc sống. Tim em đã đập nhanh hơn?...Em đỏ mặt?...Em biết rằng, giờ đây em không thể đi được nữa. Em hãy đến gần đây, giống như lúc nãy.

 

Và khi cô gái chậm rãi đến gần, chàng nói từ tốn và giản dị:

-    Em còn nhớ không? Ta đã bảo, hãy hôn ta đi.

Chậm rãi, thận trọng và thong dong,  chàng chìa cánh tay ra, dịu dàng ôm choàng lấy vai cô gái, âu yếm cúi nhìn xuống mái đầu bé bỏng ngả xuống vai chàng.

 

Chương : 1    2    3    4    5  
Márai Sándor
Số lần đọc: 1511
Ngày đăng: 15.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về từ cõi chết - Elie Wiesel
Mắt xanh mỏ đỏ - Gào
Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời - Imre Kertész
Quỷ Trần Gian - Thái Bi
Đi tìm thượng đế - Trường Thanh
Vì ta cần nhau ! - Đổ Quỳnh Anh
Biết đâu địa ngục thiên đường - Nguyễn Khắc Phê
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm - Trịnh Thắng
Dấu ấn Đồng Quê - Trịnh Thắng
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Cùng một tác giả
Lời cỏ cây (tạp văn)
Casanova ở Bolzano (truyện dài)