Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.053
123.234.883
 
Về Từ Cõi Chết 2: Rạng Sáng
Elie Wiesel
Chương 1

Đâu đó đứa bé bắt đầu khóc.  Trong ngôi nhà ngay bên kia đường, bà lão sập các cánh cửa lá sách.  Trời buổi tối mùa thu Palestine nóng tột cùng độ nóng.

Đứng bên cửa sổ, tôi nhìn hoàng hôn trong vắt đang xuống làm thành phố dường như yên lặng, im lìm, mờ ảo và rất đổi xa vời.  Ngày mai, tôi suy nghĩ tới lần thứ một trăm, ngày mai tôi sẽ giết một người, và tôi tự hỏi không biết đứa bé đang khóc kia và người đàn bà bên đường kia có biết hay không.

Tôi không biết hắn.  Dưới mắt tôi, hắn không mặt; hắn cũng không hiện hữu vì tôi chẳng biết gì về hắn.  Tôi chẳng biết hắn có gãi mũi khi ăn không, lúc làm tình hắn nói phô hay im lặng, hắn có tự hào về lòng thù hận, hắn có phản bội vợ hắn, hoặc Thượng đế của hắn hoặc chính tương lai của hắn không.  Tôi chỉ biết rằng hắn là một người Anh và là kẻ thù của tôi.  Hai cách gọi đó mang cùng một ý nghĩa.

“Cậu đừng dằn vặt mình,” Gad nói giọng trầm trầm.  “Đây là chiến tranh.”

Hiếm khi nghe rõ lời anh nói, và tôi tính bảo anh nói lớn hơn vì chẳng ai có thể nghe được.  Tiếng khóc của đứa bé át mọi thanh âm.  Nhưng tôi không thể mở miệng vì tôi đang nghĩ tới hắn, kẻ bị buộc phải chết.  Ngày mai, tôi tự nhủ, chúng tôi sẽ bị cột chặt vào nhau tới tận cùng thiên thu bằng sợi dây kết dính nạn nhân và kẻ hành quyết.

“Trời đang tối dần,” Gad nói.  “Tôi bật đèn được chứ?”

Tôi lắc đầu.  Trời chưa tối hẳn.  Chưa có bộ mặt nào nơi cửa sổ để đánh dấu chính xác thời điểm ngày đã chuyển sang đêm.

Trước đây rất lâu, một người ăn mày đã dạy tôi cách phân biệt giữa ngày và đêm.  Tôi gặp ông vào một tối tại thành phố chôn nhau cắt rốn của tôi khi tôi đang đọc kinh trong hội đường nóng bức.  Ông dáng người hốc hác, xơ xác, mặc quần áo đen sờn rách, với cái nhìn trong mắt như không thuộc về thế giới này.  Thuở đó mới bắt đầu thế chiến.  Tôi mười hai tuổi, cha mẹ tôi còn sống, và Thượng đế còn trú ngụ trong thành phố của chúng tôi.

“Có phải ông là người lạ?” tôi hỏi ông.

“Tôi không tới từ vùng quanh đây,” ông nói bằng giọng có vẻ lắng nghe hơn là phát biểu.

Những người ăn mày thường làm dậy lên trong tôi các cảm xúc hỗn hợp, vừa thương vừa sợ.  Tôi biết rằng mình phải tử tế với họ vì họ không giống như vẻ người bề ngoài của họ.  Văn chương Do thái dạy chúng tôi rằng một người ăn mày có thể là ngôn sứ Ê-li-a giả dạng, viếng thăm thế gian và con tim loài người, trao phần thưởng hằng sống cho những ai đối xử tốt với ngài.  Không phải chỉ có ngôn sứ Ê-li-a mặc quần áo ăn mày.  Thần chết cũng thích dọa dẫm loài người bằng cách giống như thế.  Cư xử sai trái với hắn lại càng nguy hiểm hơn; hắn có thể trả đũa bằng cách lấy mạng sống hoặc lấy linh hồn của ta.

Và vì thế, người lạ ấy trong hội đường làm lòng tôi nổi cơn sợ hãi.  Tôi hỏi ông có đói không, ông nói không.  Tôi cố tìm hiểu xem ông muốn gì nhưng vô ích.  Tôi bị thúc bách phải làm cho ông cái gì đó, nhưng tôi không biết cái đó là cái gì.

Hội đường vắng vẻ.  Các ngọn nến bắt đầu tàn.  Hoàn toàn chỉ có hai chúng tôi, và nỗi khắc khoải càng lúc càng tăng làm tôi hụt hơi.  Tôi biết mình không nên ở đây với ông vào lúc nửa đêm vì đó là giờ kẻ chết đứng lên khỏi mồ và đi tới đây cầu nguyện.  Bất cứ ai gặp họ trong hội đường đều có nguy cơ bị mang đi luôn vì họ sợ người ấy tiết lộ bí mật của họ.

“Tới nhà tôi đi,” tôi nói với người ăn mày.  “Tại nhà tôi, ông có thể tìm thấy thức ăn và giường ngủ.”

“Tôi chẳng bao giờ ngủ,” ông trả lời.

Lúc ấy, tôi chắc chắn rằng ông không thật sự là người ăn mày.  Tôi bảo ông tôi phải về nhà, và ông đề nghị cùng đi với tôi.  Khi chúng tôi bước dọc con đường tuyết phủ, ông hỏi tôi có sợ bóng tối không.

“Có, tôi sợ,” tôi nói, tôi muốn thêm rằng tôi cũng sợ ông nhưng tôi cảm thấy ông đã biết điều đó.

“Cậu đừng sợ bóng tối,” ông vừa nói vừa dịu dàng nắm cánh tay tôi, làm tôi rùng mình.  “Đêm tinh khiết hơn ngày; đêm tốt cho việc suy nghĩ, yêu thương và mơ mộng.  Ban đêm, mọi sự mãnh liệt hơn, chân chính hơn.  Âm vang của các lời nói được thốt ra ban ngày thì trong đêm sẽ mang ý nghĩa mới mẻ và sâu xa hơn.  Thảm kịch của con người là không biết cách phân biệt giữa ngày và đêm.  Ban đêm, con người nói những điều mà lý ra chỉ nên nói ban ngày.”

Ông dừng bước trước nhà tôi.  Tôi thêm lần nữa hỏi ông có muốn vào nhà không, nhưng ông nói không, ông phải tiếp tục đi.  Tôi nghĩ, vậy là ông sắp trở lại hội đường để nghênh đón kẻ chết.

“Hãy nghe đây,” ông nói, các ngón tay ông siết cánh tay tôi.  “Ta sắp dạy cậu nghệ thuật phân biệt giữa ngày và đêm.  Hãy luôn luôn nhìn qua cửa sổ, và lướt cái nhìn của mình tìm mắt một người.  Nếu cậu thấy một bộ mặt, bất cứ bộ mặt nào, thì cậu có thể chắc chắn rằng đó là lúc đêm đang nối tiếp ngày.  Và hãy tin ta, đêm có một bộ mặt.”

Rồi không để tôi có thì giờ trả lời, ông chào từ giã và biến mất trong tuyết.

Kể từ ngày đó, tối nào tôi cũng đứng bên cửa sổ để chứng kiến lúc đêm đến.  Và tối nào tôi cũng thấy một bộ mặt bên ngoài.  Không phải luôn luôn cũng chỉ một bộ mặt, vì đêm này không giống đêm khác.  Lúc mới bắt đầu, tôi thấy bộ mặt của người ăn mày.  Rồi sau cái chết của cha tôi, tôi thấy bộ mặt của ông, đối mắt mở lớn với chết chóc và nhớ tưởng.  Đôi khi, những người hoàn toàn xa lạ cho đêm mượn bộ mặt đầm đìa nước mắt và nụ cười đã quên của họ.  Tôi chẳng biết chút gì về họ, chỉ biết là họ đã chết.

“Cậu đừng dằn vặt mình trong bóng tối,” Gad nói.  “Đây là chiến tranh.”

Tôi nghĩ tới kẻ mà tôi sẽ giết lúc rạng sáng và người ăn mày.  Bỗng nhiên tôi có một ý nghĩ phi lý: nếu người ăn mày ấy là kẻ tôi sắp giết thì sao?

Bên ngoài, hoàng hôn chợt nhạt nhòa như thường lệ tại Trung Đông.  Đứa bé vẫn khóc, dường như với tôi còn ai oán hơn trước.  Thành phố như chiếc thuyền ma bị đêm im lìm nuốt chửng.

Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, từ chốn sâu thẳm của đêm hiện thành hình dáng một bộ mặt lờ mờ.  Cổ họng tôi đau thốc buốt nhói.  Tôi không thể rời ánh mắt khỏi bộ mặt đó.  Nó là bộ mặt của chính tôi.

 

 

Một giờ trước đây, Gad báo cho tôi biết quyết định của Ông Già.  Cuộc hành quyết sắp xảy ra, lúc rạng sáng, như hết thảy các cuộc hành quyết trên đời này đều xảy ra lúc rạng sáng.  Thông điệp đó không làm ai ngạc nhiên; giống như tất cả những người khác, tôi cũng đang đợi nó.  Mọi người ở Palestine đều biết Phong trào lúc nào cũng giữ lời.  Và người Anh cũng biết như vậy.

Tháng trước, một trong các chiến sĩ của chúng tôi bị thương trong một cuộc hành quân khủng bố.  Cảnh sát phăng ra anh và khám thấy trên người anh có vũ khí.  Toà án quân sự tuyên xử hình phạt đúng theo quân luật: treo cổ.  Đó là bản án tử hình thứ mười mà nhà cầm quyền ủy nhiệm tại Palestine đã áp đặt trên chúng tôi.  Ông Già quyết định rằng mọi sự đã đi đủ độ xa của chúng; ông sẽ không để cho người Anh biến Đất Thánh thành đài xử giảo.  Và như thế, ông tuyên bố một đường lối hành động mới: trả đũa.

Bằng các phương tiện như bích chương và các chương trình phát thanh bí mật, ông đưa ra lời cảnh cáo nghiêm trọng: Không được treo cổ David ben Moshe; cái chết của anh ta sẽ khiến các người trả giá đắt.  Kể từ lúc này, hễ một chiến sĩ Do thái bị treo cổ thì có một bà mẹ Anh khóc than cho cái chết của con trai mình.  Để tăng thêm sức nặng cho lời mình nói, Ông Già hạ lệnh cho chúng tôi bắt một con tin, tốt nhất là một viên chức quân sự.  Hẳn định mệnh đã muốn nạn nhân của chúng tôi là đại úy John Dawson.  Đêm nọ hắn đi bộ một mình, và việc đó biến hắn thành con mồi ngon của người chúng tôi đang canh các sĩ quan Anh đi bộ một mình trong đêm.

Việc bắt cóc John Dawson nhận chìm xứ sở này vào trạng thái hồi hộp căng thẳng.  Quân đội Anh ban hành thiết quân luật hăm bốn trên hăm bốn giờ, lùng sục từng nhà và bắt hàng trăm người bị tình nghi.  Xe bọc sắt đóng chốt các ngã tư, súng đại liên chỉa thẳng các nóc nhà và rào chặn bằng kẽm gai được dựng lên ở các góc đường.  Toàn bộ Palestine là một trại tù vĩ đại; bên trong trại tù đó có một nhà giam khác, nhỏ hơn, nơi con tin bị dấu một cách chắc chắn.

Sau cùng, bản tuyên cáo hãi hùng của Cao ủy Palestine loan báo rằng toàn thể dân chúng liên đới trách nhiệm nếu viên đại úy hoàng gia John Dawson bị quân khủng bố giết.  Sợ hãi ngự trị và tiếng tàn sát Do thái ghê rợn ở đầu môi mọi người.

“Bạn có nghĩ là họ có thiệt sự làm chuyện đó không?”

“Tại sao không?”

“Người Anh?  Người Anh mà có thể tổ chức một cuộc tàn sát Do thái ư?”

“Tại sao không?”

“Họ sẽ không dám.”

“Tại sao không?”

“Công luận thế giới sẽ không khoan nhượng việc đó.”

“Tại sao không?  Hãy nhớ lại Hitler; công luận thế giới đã khoan nhượng hắn trong một thời gian khá lâu.”

Tình hình thật ảm đạm.  Các thủ lãnh của Phong trào Phục quốc Do thái khuyên hãy khôn ngoan; họ liên hệ với Ông Già, năn nỉ ông vì lợi ích đất nước, đừng đi quá xa: đã có nói đến trả thù, đến tàn sát, và điều đó có nghĩa sẽ có những người nam và những người nữ vô tội bị trả giá.

Ông Già trả lời:  Nếu David ben Moshe bị treo cổ thì John Dawson phải chết.  Nếu Phong trào nhượng bộ, người Anh sẽ lên chân.  Họ sẽ coi đó như một dấu hiệu nhu nhược và bất lực bên phía chúng ta, như thể chúng ta có ý nói với họ rằng:  Hãy tiến tới và hãy treo cổ hết thảy những thanh niên Do thái đang kiên cường chống lại các người.  Không, Phong trào không nhượng bộ.  Bạo động là ngôn ngữ độc nhất mà người Anh có thể hiểu.  Mạng đền mạng.  Chết đổi chết.

Chẳng mất chốc khắp thế giới báo động.  Các tờ báo lớn ở Luân đôn, Paris, Nữu ước đăng câu chuyện này lên trang đầu, với David ben Moshe chia sẻ vinh dự, và cả chục đặc phái viên bay tới Lidda.  Thêm lần nữa, Giêrusalem là tâm điểm của hoàn vũ.

Tại Luân đôn, mẹ của John Dawson đến thăm Bộ Thuộc địa, yêu cầu ân xá cho David ben Moshe, kẻ mà sự sống kết chặt vào sự sống của con trai bà.  Với nụ cười ảm đạm, Bộ trưởng Thuộc địa bảo bà: Đừng sợ.  Người Do thái sẽ không bao giờ làm điều đó.  Bà biết họ như thế nào; họ la hét và làm om sòm rối rít, nhưng họ đang run rẩy vì ý nghĩa những lời nói của chính họ.  Đừng lo; con trai của bà sẽ không chết.

Cao ủy ít lạc quan hơn.  Ông gởi điện tín cho Bộ Thuộc địa khuyến cáo nên khoan hồng.  Khuyến cáo đó được thảo luận trong phiên họp Nội các.  Hai thành viên của Nội các chấp thuận, những thành viên khác nói không.  Họ viện dẫn không chỉ các lý do chính trị mà còn uy tín của hoàng gia.  Ân xá sẽ được diễn giải như một dấu hiệu nhu nhược; nó còn có thể mớm ý cho những người trẻ tuổi tự cho là có lý tưởng tại những vùng khác của Đế quốc.  Dân chúng sẽ nói: Tại Palestine, một nhóm những tên khủng bố đã bảo Vương quốc Anh nơi nào phải từ bỏ.  Và vị bộ trưởng ấy nói thêm, nhân danh bản thân ông: “Chúng ta sẽ làm trò cười cho thế giới.  Và hãy nghĩ đến tiếng dội của việc ân xá đó tại Hạ nghị viện.  Phía đối lập đang chờ đúng cơ hội này để quét sạch chúng ta.”

“Như thế, câu trả lời là không?” ông Cao ủy hỏi.

“Đúng.”

“Và thế nào về John Dawson, thưa ngài?”

“Họ sẽ không xúc tiến việc đó.”

“Thưa ngài, tôi xin phép không đồng ý.”

“Ngài có quyền có ý kiến.”

Vài giờ sau, đài phát thanh chính thức Giêrusalem loan báo rằng cuộc treo cổ David ben Moshe sẽ diễn ra tại nhà giam ở Acre vào sáng mai.  Gia đình của người bị kết án được phép vào thăm vĩnh biệt anh và toàn thể dân chúng được chỉ thị phải bình tĩnh.

Sau đó tới tin tức trong ngày.  Tại Liên hiệp quốc, sắp nổ ra cuộc tranh luận về Palestine.  Tại Địa trung hải, hai chiếc tàu chở di dân bất hợp pháp bị bắt giữ và những người đi trên tàu bị đưa tới giam tại đảo Síp.  Tai nạn xe hơi tại Natanya: một người chết, hai bị thương... Chúng tôi xin lặp lại bản thông báo đầu tiên:  David ben Moshe, bị kết án tử hình vì các hoạt động khủng bố, sẽ bị treo cổ...

Người loan tin không đề cập tới John Dawson.  Nhưng các thính giả đau đáu của đài đã biết rồi.  John Dawson, cũng như David ben Moshe, sẽ chết.  Phong trào sẽ giữ lời.

“Ai sẽ giết hắn?” tôi hỏi Gad.

“Cậu chứ ai,” Gad trả lời.

“Tôi ư?” tôi nói, không tin vào tai mình.

“Cậu chứ ai,” Gad lặp lại.  “Đó là lệnh của Ông Già.”

Tôi cảm thấy như có một nắm đấm dộng vô mặt mình.  Mặt đất hoác ra dưới chân tôi, tôi dường như đang rơi xuống một cái hố không đáy, nơi cuộc sinh tồn là ác mộng.

“Đây là chiến tranh,” Gad nói.

Tiếng nói của anh như phát đi từ cõi xa xăm nào đó, nhưng tôi nghe rõ mồn một.

“Đây là chiến tranh.  Cậu đừng dằn vặt mình.”

“Ngày mai tôi sẽ giết một người,” tôi nhủ thầm, lảo đảo trong cơn rơi rụng của mình.  “Tôi sẽ giết một người, ngày mai.”

 

 

Elisha là tên tôi.  Lúc xảy ra câu chuyện này, tôi mười tám tuổi.  Gad tuyển mộ tôi vào Phong trào và đem tôi tới Palestine.  Anh biến tôi thành một kẻ khủng bố.

Tôi gặp Gad ở Paris, nơi tôi từ Buchenwald đi thẳng tới ngay sau thế chiến.  Khi người Mỹ giải phóng Buchenwald, họ đề nghị gởi tôi về quê cũ nhưng tôi từ chối đề nghị ấy.  Tôi không muốn sống lại thời thơ ấu, nhìn ngôi nhà mình trong tay người nước ngoài.

Tôi biết rằng cha mẹ tôi đã qua đời và thành phố chôn nhau cắt rún của tôi đang bị người Nga chiếm đóng.  Vậy ích lợi gì mà trở về?  “Không, cám ơn,” tôi nói; “tôi không muốn về nhà.”

“Vậy cậu muốn đi đâu?”

Tôi nói tôi không biết; đi đâu không thật sự thành vấn đề.

Sau khi ở lại năm tuần lễ tại Buchenwald, tôi lên xe lửa đi Paris.  Nước Pháp cho tôi qui chế tạm dung. Tôi vừa tới Paris thì một ủy ban giải cứu gởi tôi đến dự trại thanh niên tại Normandy trong vòng một tháng.

Khi tôi từ Normandy về lại, cũng chính cơ quan ấy cấp cho tôi một căn phòng có trang bị đồ đạc ở đường de Marois và trợ cấp một ngân khoản đủ tiêu dùng và đủ đóng tiền các bài học tiếng Pháp mà tôi theo học hằng ngày, trừ Thứ Bảy và Chúa Nhật, dạy bởi một người thanh nhã có bộ râu mép nay tôi đã quên tên.   Tôi muốn nắm vững ngôn ngữ đó, đủ để ghi tên theo học một giảng khóa về triết tại đại học Sorbonne.

Việc học triết hấp dẫn tôi vì tôi muốn hiểu ý nghĩa của những biến cố mà tôi là nạn nhân.  Tại trại tập trung, tôi đã thét lớn trong đau thương và uất hận chống lại Thượng đế và cũng chống lại con người, kẻ hình như chỉ thừa hưởng sự tàn bạo của đấng tạo dựng ra nó.  Tôi khắc khoải ao ước xét lại sự nổi loạn của mình trong một bầu khí suy xét độc lập, để nhìn nó theo con mắt hiện tại.

Tôi bị quá nhiều câu hỏi ám ảnh.  Tìm Thượng đế ở nơi nào?  Nơi đau thương hay nơi nổi loạn? Khi nào con người đúng là người nhất?  Khi hắn vâng phục hay khi hắn từ chối?  Đau khổ dẫn hắn tới đâu?  Tới sự thanh khiết hay thú tính?  Tôi hi vọng triết lý sẽ cho tôi câu trả lời.  Nó sẽ giải thoát tôi khỏi các ký ức, hoài nghi, mặc cảm phạm tội của mình.  Nó sẽ cuốn sạch chúng, hoặc ít ra, làm chúng lộ rõ trong hình thức cụ thể dưới ánh sáng ban ngày.  Mục đích của tôi là ghi danh vào đại học Sorbonne và tận hiến đời mình cho nỗ lực ấy.

Nhưng tôi không chút nào thực hiện được ý định đó và Gad là người đã khiến tôi bỏ rơi mục đích nguyên thủy ấy của mình.  Nếu hôm nay tôi chỉ là một dấu hỏi thì chính anh là kẻ chịu trách nhiệm.

Một buổi tối, có tiếng gõ cửa phòng tôi.  Tôi bước tới mở, tự hỏi không biết là ai đây.  Tại Paris, tôi không có bạn hoặc người quen nào, và hầu hết thời gian tôi ở trong phòng đọc sách hoặc ngồi lấy tay che mắt mình nghĩ về quá khứ.

“Tôi muốn nói chuyện với cậu.”

Người đàn ông đứng ở ngưỡng cửa, trẻ, cao, mảnh khảnh.  Với chiếc áo măng tô đang mang, anh ta có bộ dạng một thám tử hoặc một nhà thám hiểm.

“Vào đi,” tôi nói sau khi anh đã bước vô rồi.

Anh không cởi áo măng tô.  Im lặng, anh bước tới bàn, cầm lên vài cuốn sách, lướt vội ít trang rồi đặt xuống.  Xong anh quay về phía tôi.

“Tôi biết cậu là ai,” anh nói.  “Tôi biết hết về cậu.”

Mặt anh rám nắng, đầy ấn tượng.  Tóc anh không thẳng nếp, một mái rủ hẳn xuống trán.  Miệng anh cứng cỏi, gần như tàn nhẫn, tuy thế, trong đôi mắt anh nổi bật vẻ thân thiện, sự mãnh liệt và một trí tuệ nồng ấm.

“Anh may mắn hơn tôi nhiều, vì tôi biết về mình quá ít.”

Trên môi anh hiện lên nụ cười, “Tôi không tới đây để nói về quá khứ của cậu.”

“Tương lai,” tôi trả lời, “Tôi chỉ quan tâm tới nó vừa phải thôi.”

Anh tiếp tục cười.

“Tương lai,” anh hỏi, “cậu có bị ràng buộc vào nó không?”

Tôi cảm thấy lấn cấn.  Tôi không hiểu anh.  Ý nghĩa của câu hỏi anh làm tôi hụt hẩng.  Trong anh có cái gì đó làm tôi gai người.  Có thể đó là lợi thế của sự am hiểu đầy thượng phong của anh vì anh đã biết tôi là ai, còn tôi, tên anh là gì tôi cũng chẳng biết.  Anh nhìn tôi thân mật, kỳ vọng sâu xa, và trong thoáng chốc tôi nghĩ rằng anh đã lầm tôi với người nào khác, tôi không phải đúng là kẻ anh đến gặp.

“Anh là ai?” tôi hỏi.  “Anh muốn gì nơi tôi?”

“Tôi là Gad,” anh nói, bằng một giọng đầy âm vang, như thể anh thốt ra một câu nào đó trong Cabbala, cuốn sách huyền nghĩa chứa đựng câu trả lời cho mọi câu hỏi.  Anh nói, “Tôi là Gad” theo cùng một cách mà Đức Giêhôva đã nói, “Ta là cái ta là.”

“Tốt lắm,” tôi nói, vừa tò mò vừa pha lẫn sợ hãi.  “Anh tên là Gad.  Hân hạnh được biết anh.  Và anh đã giới thiệu anh, vậy tôi xin phép hỏi, mục đích kêu cửa của anh là gì?  Anh muốn gì nơi tôi?”

Đôi mắt sắc của anh có vẻ như đang chọc thủng tôi.  Sau một lúc nhìn chằm chặp xuyên suốt, anh nói theo kiểu hoàn toàn như thật:

“Tôi muốn cậu cho tôi tương lai của cậu.”

Được nuôi dạy theo truyền thống Do thái, tôi từng nghe những chuyện lạ lùng về Meshulah, vị sứ giả bí nhiệm của định mệnh mà không ai cưỡng lại nổi.  Giọng nói của vị ấy làm người ta run rẩy vì thông điệp được mang tới có uy lực vượt lên trên kẻ mang tới lẫn người tiếp nhận.  Dường như mỗi lời vị ấy nói đều phát xuất từ tuyệt đối, từ vô hạn và có ý nghĩa vừa đáng sợ vừa mê mẩn.  Tôi tự nhủ, Gad là một Meshulah.  Không phải vẻ ngoài của anh cho tôi ấn tượng đó mà đúng hơn chính điều anh nói và cách anh nói lên điều đó.

“Anh là ai?” tôi lại hỏi, trong kinh hoàng.

Có điều gì đó bảo tôi rằng ở cuối đường mà chúng tôi sắp cùng nhau đi, tôi sẽ tìm thấy một người khác rất giống bản thân tôi, kẻ mà tôi sẽ căm ghét.

“Tôi là một sứ giả,” anh nói.

Tôi tái người.  Linh cảm của tôi chính xác.  Anh là sứ giả, người được định mệnh sai tới, kẻ tôi hoàn toàn không thể từ khước.  Tôi phải hiến cho anh mọi sự, kể cả hi vọng, nếu anh đòi hỏi.

“Anh muốn tương lai của tôi?” tôi hỏi.  “Anh sẽ làm gì với nó?”

Anh lại cười, nhưng bằng thái độ lạnh lùng xa cách như một kẻ đang sở hữu quyền lực trên loài người.

“Tôi sẽ biến nó thành tiếng thét,” anh nói, và có ánh sáng kỳ dị trong đôi mắt sâu đậm của anh.  “Một tiếng thét ban đầu là của tuyệt vọng và rồi là của hy vọng.”

Tôi ngồi trên giường, nhường anh chiếc ghế duy nhất trong phòng nhưng anh vẫn đứng.  Trong truyền thuyết Do thái, sứ giả được miêu tả là đang đứng, như thể cơ thể của vị ấy lúc nào cũng được dùng làm mối liên kết giữa trời và đất.  Đứng như thế, trong chiếc áo măng tô lòng thòng như thể chưa bao giờ cởi ra và thuộc phần toàn bộ của thể xác anh, với chiếc đầu lệch qua một bên vai phải và nhiệt tình ánh lên trong mắt, anh bắt đầu nói với tôi về Phong trào.

Anh hút thuốc liên miên.  Nhưng dù có dừng lại để châm thuốc, anh vẫn tiếp tục liếc tôi chằm chặp và nói không ngừng.  Anh nói cho tới rạng sáng, còn tôi lắng nghe với đôi mắt và tâm hồn rộng mở.  Tựa thuở bé, tôi lắng nghe ông thầy tóc hoa râm vén lộ cho tôi vũ trụ huyền nhiệm của Cabbala, nơi mỗi ý tưởng là một câu chuyện và mọi câu chuyện đều là những tia lửa xẹt lên từ vĩnh cửu, kể cả trong những câu chuyện đôi khi chỉ liên quan tới cuộc sống của ma quỉ.

Đêm đó, Gad kể tôi nghe về Palestine và giấc mơ lâu đời của người Do thái nhằm tái tạo một quê nhà độc lập, nơi mọi hành động của con người được tự do.  Anh cũng kể tôi nghe về cuộc chiến đấu dữ dội của Phong trào chống lại người Anh.

“Chính phủ Anh phái tới một trăm ngàn lính để duy trì cái-gọi-là trật tự.  Phong trào không hơn trăm người nhưng chúng ta làm họ khiếp vía.  Cậu hiểu tôi có ý nói gì chứ?  Chúng ta làm người Anh -- đúng, người Anh -- run lẩy bẩy!” những tia lửa trong đôi mắt sẩm màu của anh chiếu sáng nỗi sợ hãi của một trăm ngàn người mặc quân phục.

Đây là lần đầu trong đời tôi nghe một câu chuyện trong đó người Do thái không là kẻ sợ hãi.  Cho tới giờ phút đó, tôi vẫn tin rằng sứ mạng của người Do thái là tiêu biểu cho tình trạng sợ hãi của lịch sử hơn là ngọn gió làm cho lịch sử sợ hãi.

“Lính nhảy dù, quân khuyển, xe bọc sắt, máy bay, súng liên thanh, các đao phủ -- hết thảy mọi thứ đều run sợ.  Đối với chúng, Đất Thánh trở thành đất sợ hãi.  Chúng không dám ra đường ban đêm hoặc nhìn vào mặt một cô gái vì sợ cô ta có thể bắn lủng bụng, hoặc không dám xoa đầu một đứa bé vì sợ có thể bị nó ném lựu đạn vô mặt.  Chúng không dám hó hé cũng chẳng dám nín thinh.  Chúng sợ.”

Hết giờ này sang giờ khác, Gad nói với tôi về những đêm xanh Palestine, về vẻ đẹp tĩnh mịch và trời quang mây tạnh của chúng.  Buổi tối, cậu đi dạo với một phụ nữ, cậu nói rằng nàng đẹp và cậu yêu nàng, và hai mươi thể kỷ lắng nghe những lời cậu nói.  Nhưng đối với người Anh, đêm không còn đẹp.  Đối với họ, đêm mở ra và khép lại như một trái bom.  Từng đêm, từng đêm, hai rồi ba rồi cả chục lính bị bóng đêm nuốt chửng và không ai gặp lại họ nữa.

Kế đó Gad nói với tôi về vai trò anh kỳ vọng tôi đóng.  Tôi sẽ bỏ hết mọi sự, đi với anh tham dự cuộc chiến đấu.  Phong trào cần các thành viên mới và cần gia tăng sức mạnh.  Nó cần các thanh niên tự nguyện dâng hiến tương lai mình cho nó.  Tương lai của những người tuổi trẻ đó cộng lại sẽ thành nền tự do của Israel, thành tương lai của Palestine.

Đó là lần đầu tiên tôi nghe đôi chút về điều này.  Cha mẹ tôi không theo Phong trào Phục quốc Do thái.  Đối với tôi Phục quốc là lý tưởng thiêng liêng, một hy vọng Cứu thế, một lời kinh nguyện, nhịp đập của con tim, nhưng không phải là một địa danh trên bản đồ hoặc một khẩu hiệu chính trị, một nguyên cớ khiến cho con người giết và chết.

Các câu chuyện của Gad vô cùng quyến rũ.  Tôi thấy trong anh một hoàng tử của lịch sử Do thái, một sứ giả truyền kỳ được định mệnh phái tới để đánh thức óc tưởng tượng của tôi, để nói với dân chúng, những người mà quá khứ lúc nào cũng là niềm tin tôn giáo của mình:  Hãy đến, hãy đến; tương lai đang dang tay chờ ngươi.  Từ nay về sau ngươi sẽ không còn bị sỉ nhục, bị ngược đãi hoặc ngay cả được thương hại.  Ngươi sẽ không là những người lạ tạm trú trong một thời đại và tại một nơi không thuộc về ngươi.  Hãy đến, hỡi các anh chị em, hãy đến!

Gad ngừng nói và bước tới cửa sổ lúc trời đang dần sáng.  Bóng tối tan loảng từ từ và ánh sáng xanh xao, nhàn nhạt, có màu ao tù nước đọng uà vào xâm chiếm căn phòng nhỏ của tôi.

“Tôi chấp nhận lời đề nghị của anh,” tôi nói.

Tôi nói câu đó rất nhẹ tới độ Gad hình như không nghe.  Anh vẫn đứng bên cửa sổ và sau một lúc lặng im, anh xoay người và nói:

“Đã rạng sáng.  Trên đất của chúng ta, nó rất khác.  Nơi đây bình minh màu xám, tại Palestine, bình minh đỏ như lửa.”

“Tôi chấp nhận, Gad,” tôi lặp lại.

“Tôi nghe cậu rồi,” anh nói, với nụ cười của sớm mai Paris.  “Cậu sẽ rời khỏi đây nội trong ba tuần lễ.”

Gió thu nhè nhẹ thổi qua cửa sổ làm tôi rùng mình.  Ba tuần, tôi ngẫm nghĩ, trước khi lao mình vào chốn chưa biết.  Có thể cơn rùng mình của tôi không hoàn toàn do bởi luồng gió nhẹ mà bởi sự ngẫm nghĩ ấy.  Tôi tin rằng, dù vô thức, tôi biết cuối con đường cùng đi với Gad, sẽ có một người đang chờ, một người sẽ được triệu tới để giết một người khác, đó là bản thân tôi.

 

Đài phát thanh Giêrusalem... Tin nhanh giờ chót.  Cuộc hành quyết David ben Moshe sẽ diễn ra vào rạng sáng ngày mai.  Cao ủy đưa lời kêu gọi bình tĩnh.  Thiết quân luật lúc chín giờ.  Không ai được phép ra đường.  Tôi lặp lại, không ai được phép ra đường.  Quân đội được lệnh bắn tại chỗ...

 

Giọng của người xướng ngôn không phản ánh trung thực cảm xúc của anh ta.  Khi nhắc tới tên David ben Moshe hẳn trong mắt anh ta có những giọt lệ.

Khắp thế giới, người chiến sĩ Do thái trẻ tuổi ấy là anh hùng trong ngày.  Các phong trào kháng chiến của châu Âu thời thế chiến tổ chức những cuộc diễu hành trước các sứ quán Anh; các thầy cả trưởng của những đô thành trên thế giới gởi bản kiến nghị tập thể tới Nữ hoàng Anh.  Điện tín của họ -- với khoảng ba mươi chữ ký bên dưới -- chạy hàng chữ: “Không được treo cổ một thanh niên mà tội duy nhất của anh ta là trung thành với lý tưởng của mình.”  Toà Bạch Ốc tiếp một phái đoàn Do thái và Tổng thống Mỹ hứa can thiệp.  Hôm nay, con tim của loài người làm một với David ben Moshe.

Đã tám giờ và trời tối mịt.  Gad bật đèn.  Bên ngoài đứa bé vẫn khóc.  “Lũ chó bẩn thỉu,” Gad nói; “chúng sắp treo cổ anh ấy.”

Bộ mặt và bàn tay anh ửng đỏ, đẫm mồ hôi.  Anh đi đi lại lại trong phòng, mồi hết điếu thuốc này tới điếu nọ, chỉ để vứt đi.

“Chúng sắp treo cổ anh ấy,” anh lặp lại.  “Lũ khốn kiếp!”

Chương trình tin tức tới hồi chấm dứt.  Tiếp theo là một chương trình hợp xướng.  Tôi khởi sự vặn tắt máy phát thanh thì Gad cản lại.

“Tám giờ mươi lăm rồi,” anh nói.  “Cậu thử coi có bắt được đài của mình không.”

Tôi quá căng thẳng không xoay được núm rà đài.

“Để tôi rà cho,” Gad nói.

Chương trình phát thanh mới bắt đầu.  Người xướng ngôn là một cô gái với giọng rền vang, lanh lãnh, quen thuộc với chúng tôi.  Mỗi tối đúng giờ này, đàn ông, đàn bà và trẻ con tạm ngừng công việc hoặc trò chơi để lắng nghe giọng nói kỳ bí và ngân vang đó, giọng nói bắt đầu với tám tiếng: Các bạn đang nghe Tiếng nói Tự do...

Người Do thái ở Palestine yêu mến cô gái hay người phụ nữ trẻ này mà không biết chị là ai.  Người Anh sẵn sàng trả bất cứ giá nào để túm cho được chị.  Dưới mắt họ, chị nguy hiểm không kém Ông Già: chị cũng là thành phần của Truyền kỳ.  Chỉ rất ít người, không quá năm người, biết nhân dạng của chị, Gad và tôi ở trong số mấy người đó.  Tên chị là Ilana; chị và Gad yêu nhau, còn tôi là bạn của cả hai.  Tình yêu của họ là một thành phần cốt tủy của cuộc sống tôi.  Tôi cần biết rằng trên đời có cái như thế là tình yêu và nó mang những nụ cười và nỗi hân hoan trong những dấu vết nó để lại đằng sau.

Các bạn đang nghe Tiếng nói Tự do, Ilana lặp lại.

Bộ mặt sẩm màu của Gad rung rung.  Anh gần như gập người trên chiếc máy phát thanh, như thể muốn tay và mắt mình chạm vào giọng nói cảm xúc sâu lắng và rõ ràng của Ilana, mà đêm nay, là giọng nói của anh của tôi và của toàn xứ sở.

“Hai người đang sửa soạn gặp thần chết vào rạng sáng ngày mai,” Ilana nói, như thể chị đang đọc một đoạn Kinh thánh.  “Một trong hai người xứng đáng với lòng ngưỡng mộ của chúng ta, còn người kia thì xứng đáng với lòng xót thương của chúng ta.  Cả hai đều cường tráng và thông minh, đang trên ngưỡng cửa của cuộc sống và của hạnh phúc.  Họ có thể là bạn của nhau nhưng bây giờ việc đó không bao giờ có thể xảy ra.  Rạng sáng ngày mai, đúng vào giờ này, đúng vào phút này, cả hai đều chết -- nhưng không chết bên nhau vì giữa họ có một vực sâu.  Cái chết của David ben Moshe thì đầy ý nghĩa; cái chết của John Dawson thì không.  David là một anh hùng, John là một nạn nhân...”

Suốt hai mươi phút, Ilana tiếp tục nói.  Phần cuối chương trình phát thanh của chị được đặc biệt dành riêng cho John Dawson vì hắn cần được vỗ về và an ủi sâu xa hơn.

Tôi không biết cả David lẫn John nhưng tôi cảm thấy mình bị ràng buộc vào họ và số phận của họ.  Trong tâm trí tôi loé lên ánh chớp rằng, bằng việc nói về cái chết sắp tới của John Dawson, Ilana cũng đang nói với tôi vì tôi là kẻ sắp giết hắn.  Ai sắp giết David ben Moshe?  Trong một thoáng, tôi có cảm tưởng rằng tôi sắp giết cả hai và giết hết thảy những người mang tên John, tên David trên cõi đời này.  Tôi là kẻ hành quyết.  Và tôi mười tám tuổi.  Mười tám năm tìm kiếm và đau khổ, học hành và nổi loạn, rồi hết thảy những việc đó cộng thêm vào việc này.  Tôi muốn thấu hiểu cái cốt tủy thuần khiết của bản tính con người.  Tôi đi tìm chân lý, và thế rồi, tôi sắp trở thành kẻ giết người, kẻ tham dự vào thế giới của thần chết và của Thượng đế.  Tôi đi tới chiếc gương treo trên vách, nhìn vô bộ mặt mình.  Tôi gần như thét lên vì chỗ nào tôi cũng thấy những con mắt của chính mình.

Khi còn bé, tôi sợ thần chết.  Tôi không sợ chết nhưng hễ nghĩ tới thần chết là tôi rùng mình.  “Thần chết,” Kalman, vị thầy cả già tóc hoa râm, nói với tôi, “là một hữu thể không tay không miệng không đầu, chỉ toàn mắt với mắt.  Nếu bao giờ con gặp một sinh vật chỗ nào cũng chỉ mắt với mắt thì con có thể chắc chắn rằng đó là thần chết.”

Gad vẫn gập người trên máy phát thanh.

“Nhìn tôi đây này,” tôi nói, nhưng anh không nghe.

“John Dawson ạ, anh có một người mẹ,” Ilana đang nói.  “Giờ này hẳn bà đang khóc hoặc gặm nhấm tim mình trong nỗi tuyệt vọng lặng câm.  Đêm nay bà sẽ chẳng vào giường ngủ.  Bà sẽ ngồi trong ghế bên song cửa, nhìn lòng bàn tay, chờ rạng sáng.  Tim bà sẽ hụt hẩng một nhịp khi tim anh vĩnh viễn thôi đập. Họ đang giết con tôi, bà nói. Lũ giết người kia!  Nhưng chúng tôi không là những kẻ giết người, thưa bà Dawson...”

“Nhìn tôi đây này, Gad,” tôi lặp lại.

Anh ngước mắt, liếc tôi một cái, nhún vai rồi lại quay về với tiếng nói của Ilana.

Tôi tự nhủ, Gad không biết rằng tôi đang là thần chết.  Nhưng mẹ của John Dawson, đang ngồi bên song cửa trong ngôi nhà ở Luân đôn, chắc chắn là biết.  Bà đang đăm đăm nhìn vào bóng đêm, và đêm nay có một ngàn con mắt, một ngàn con mắt đó là mắt của tôi.

“Không, thưa bà Dawson, chúng tôi không phải là những kẻ giết người.  Các bộ trưởng của bà mới là những kẻ giết người, họ chịu trách nhiệm về cái chết của con trai bà.  Chúng tôi muốn được nhận con trai bà như một người anh em, để hiến cho anh ấy bánh mì và sữa và phô bày cho anh ấy những vẻ đẹp của quê hương chúng tôi.  Nhưng chính phủ của bà biến anh ấy thành kẻ thù của chúng tôi, và như thế, đã ký vào lệnh tử thần của anh ấy.  Không, chúng tôi không phải là lũ giết người.”

Tôi vùi đầu vào hai bàn tay.  Đứa bé bên ngoài đã thôi khóc.

 

 

Chắc chắn trước đây tôi có giết người nhưng trong những hoàn cảnh khác hẳn.  Hành động giết người ấy có những chiều kích khác, những nhân chứng khác.  Kể từ lúc đến Palestine mấy tháng trước, tôi đã tham dự vào những chiến dịch quấy rối trị an dưới nhiều hình thức, vào những cuộc hành quân phá hoại, vào những cuộc tấn công các đoàn quân xa đang băng ngang những cánh đồng xanh vùng Galilee hoặc sa mạc trắng xóa.  Đôi bên đều có thương vong nhưng lợi thế nghiêng về phía chúng tôi vì bóng đêm là đồng minh của chúng tôi.  Trong bóng đêm che chở, chúng tôi đột kích kẻ thù; chúng tôi đốt trại quân, giết cả chục lính rồi biến mất chẳng để lại dấu vết nào đằng sau mình.  Mục tiêu của Phong trào là giết càng nhiều lính càng tốt.  Rất giản dị.

Ngay ngày đầu mới đến, ngay từ những bước chân đầu tiên của chúng tôi trên đất Palestine, ý tưởng đó đã khắc sâu trong óc tôi.  Khi tôi từ con tàu đặt chân lên cảng Haifa, hai đồng chí đón tôi bằng xe hơi và chở tôi đến một ngôi nhà hai tầng nằm đâu đó giữa Ramal-Gan và Tel Aviv.  Ngôi nhà này bề ngoài là nơi cư trú của một giáo sư ngôn ngữ, để hợp thức hóa số thanh niên ra vào đông đảo.  Các thanh niên đó, cũng như tôi, thật ra là những kẻ đang theo học một trường dạy kỹ thuật khủng bố.  Có buồng nhỏ được dùng làm căn hầm, nơi chúng tôi giam các tù nhân, các con tin và dấu đồng chí nào của chúng tôi đang bị cảnh sát tầm nã.  Chính tại đây, John Dawson đang chờ cuộc hành quyết.  Chỗ ẩn dấu tuyệt đối an toàn.  Nhiều lần lính Anh lùng sục ngôi nhà này từ nóc tới đáy; quân khuyển của họ đã tới cách John Dawson một gang tay nhưng giữa chó và người có một bức vách.

Gad chỉ huy việc huấn luyện khủng bố.  Các giảng viên khác, mang mặt nạ, dạy chúng tôi cách sử dụng súng lục, súng máy, ném lựu đạn.  Chúng tôi cũng học dùng dao găm, siết cổ người ta từ đằng sau mà không gây tiếng động hoặc thực tập vượt thoát bất cứ nhà giam nào.  Khóa học kéo dài sáu tuần lễ.  Mỗi ngày hai giờ Gad làm chúng tôi thấm nhuần lý thuyết của Phong trào.  Mục tiêu thật giản dị, là loại người Anh khỏi vòng chiến; phương pháp là hăm dọa, khủng bố và đột kích quyết tử.

“Tới ngày người Anh hiểu ra rằng sự chiếm đóng của họ trả bằng giá máu của chính họ, họ sẽ không còn muốn ở lại,” Gad nói với chúng tôi.  “Nó tàn bạo, bất nhân, nếu bạn muốn gọi nó như thế.  Nhưng chúng ta không có chọn lựa nào khác.  Qua nhiều thế hệ, chúng ta muốn sống tốt lành hơn, thuần khiết tâm hồn hơn những kẻ ngược đãi chúng ta.  Hết thảy chúng ta đã thấy hậu quả: Hitler và các trại diệt chủng ở Đức.  Chúng ta đã cố gắng để sống công chính hơn những kẻ tự cho mình có quyền phát biểu nhân danh công lý; và cố gắng ngang mức đó đủ rồi.  Khi lũ Quốc xã giết một phần ba dân tộc Do thái thì mọi người làm thinh; hai mươi thế kỷ lịch sử đã chứng minh điều đó.  Chúng ta chỉ còn có thể trông cậy vào chính mình.  Nếu phải trở nên bất công và bất nhân hơn những kẻ đã và đang đối xử bất công và bất nhân với chúng ta, thì chúng ta sẽ trở nên như vậy.  Chúng ta không muốn là những người mang lại chết chóc; cho tới giờ phút này, chúng ta thà làm nạn nhân hơn là làm kẻ hành quyết.  Giới răn Ngươi không được giết người đã được truyền từ đỉnh một trong các ngọn núi ở đây, và chúng ta là những người duy nhất tuân giữ giới răn đó.  Nhưng việc đó đã thành quá khứ, chúng ta nay phải giống mọi người khác.  Giết người nay không phải là nghề nghiệp của chúng ta mà là nghĩa vụ của chúng ta.  Trong những ngày, những tuần, những tháng sắp tới,  bạn chỉ có một mục đích: giết kẻ đã và đang biến chúng ta thành kẻ sát nhân.  Chúng ta giết để thêm lần nữa chúng ta được làm người...”

Vào ngày kết thúc khóa học, một người lạ đến đọc huấn từ cho chúng tôi.  Ông nói tới điều mà các thủ lãnh của chúng tôi gọi là giới răn thứ mười một: Hãy thù hận kẻ thù của ngươi.  Ông có giọng nói chan chứa tình cảm, dịu dàng và rụt rè.  Tôi nghĩ ông là Ông Già.  Tôi không chắc lắm, có điều những lời ông làm bùng lên ngọn lửa thiện cảm và khiến chúng tôi run rẩy vì xúc động.  Ông ra về đã lâu nhưng tôi cảm thấy chúng vẫn ngân vang trong lòng mình.  Vì ông, tôi trở nên một phần tử của thế giới Cứu thế, nơi định mệnh mang bộ mặt của người ăn mày đeo mặt nạ, nơi không một cử chỉ nào phí phạm hoặc không một liếc mắt nào thừa thải.

Tôi nhớ lại ông thầy tóc hoa râm đã giải thích cho tôi như thế nào về giới răn thứ sáu.  Tại sao con người không có quyền giết người.  Vì bằng hành động sát nhân, hắn đã dành cho mình chức năng của Thượng đế.  Và đóng vai đó thật ra là một việc không dễ chút nào.  Được, tôi nói với chính mình, nếu để làm biến đổi dòng lịch sử của chúng tôi mà chúng tôi phải trở nên Thượng đế thì chúng tôi sẽ trở thành Ngài.  Chúng tôi sẽ thấy rằng việc đó hết sức dễ dàng.  Không, không dễ.

Lần đầu tiên tham dự một cuộc hành quân khủng bố, tôi phải cố gắng kinh người mới không nổi cơn đau dạ dày.  Tôi thấy mình hoàn toàn đáng ghét.  Nhìn bản thân mình với con mắt quá khứ, tôi tưởng tượng rằng mình đang mang bộ quân phục màu xám đậm của một tên viên chức SS.  Lần đầu tiên...

 

 

Chúng vọt như những con thỏ, những con thỏ say rượu, chạy tìm hang hốc của mình trong cây cối.  Hình như chúng chẳng có đầu, chẳng có tay, chỉ toàn chân với chân.  Và các chân ấy chạy như những con thỏ say khướt vì rượu và khiếp hãi.  Nhưng chúng tôi vây chặt chúng, làm thành một vòng tròn hỏa lực bọc kín, không con thỏ nào thoát ra nổi.  Chúng tôi ở đó với súng tiểu liên, và đạn của chúng tôi làm thành một bức tường rực lửa, trên bức tường đó, mạng sống của chúng văng tan tác thành những tiếng thét rùng rợn mà tôi sẽ còn nghe cho tới ngày cuối cuộc đời mình.

Chúng tôi sáu người.  Tôi không nhớ tên năm người kia nhưng trong số đó không có Gad.  Hôm ấy anh ở lại trường như để tỏ ra rằng anh hoàn toàn tin tưởng chúng tôi, như thể anh có ý nói, “Hãy đạt mục tiêu; các bạn có thể tiến hành mà không cần tôi.”  Năm đồng chí của tôi và tôi lên đường, để giết hoặc để bị giết.

“Chúc may mắn!” anh vừa nói vừa bắt tay từng người trước khi chúng tôi ra đi.  “Tôi sẽ đứng đây chờ các bạn trở về.”

Đó là lần đầu tiên tôi được lệnh tham gia hành quân, và tôi biết rằng khi trở về -- nếu còn sống mà trở về -- tôi sẽ biến thành một con người khác.  Tôi đang trải qua cuộc thanh tẩy mình bằng lửa, cuộc thanh tẩy mình bằng máu.  Tôi biết sẽ cảm thấy mình rất đổi khác, nhưng tôi không nghĩ ra được rằng nên chuẩn bị là mình sẽ ói mửa.

Nhiệm vụ của chúng tôi là phục kích một đoàn quân xa trên đường từ Haifa đi Tel Aviv.  Địa điểm chính xác là khúc đường vòng gần làng Gedera; thời điểm là xế chiều.  Ngụy trang làm những công nhân về nhà sau khi lao động xong, chúng tôi đến địa điểm đã định ba mươi phút trước giờ H.  Nếu đến sớm hơn một chút thì sự có mặt của chúng tôi có thể gây chú ý.  Chúng tôi gài mìn ở phía mặt đường bên kia của khúc quẹo, và tiến vào vị trí đã tính trước.  Cách đó năm mươi thước, một chiếc xe đang chờ sẵn để chở chúng tôi rút về Petach Tirka, ở đó chúng tôi sẽ tách nhau ra và được ba chiếc xe khác chở về lại căn cứ của chúng tôi là trường học này.

Đoàn quân xa đến hiện trường đúng giờ: ba chiếc xe tải không mui chở chừng hai chục lính.  Gió thổi tóc chúng bay phất phơ và mặt trời lấp lánh trên mặt chúng.  Tại khúc quẹo, chiếc xe đầu tiên trúng mìn nổ tung, hai chiếc kia đột ngột thắng lại, tiếng phanh xe rít lên.  Lính nhảy xuống đất và bị mắc kẹt trong hỏa lực chéo từ các họng súng của chúng tôi bắn ra.  Chúng chạy lung tung, đầu chúi nhủi, nhưng chân chúng bị những tràng đạn của chúng tôi, như lưỡi hái sắc lẽm, phạt ngang, và chúng rú lên, ngã xuống đất.

Từ đầu đến cuối cuộc tấn công kéo dài chưa tới một phút.  Chúng tôi rút lui trong trật tự và mọi sự diễn ra đúng kế hoạch.  Chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ.  Gad chờ chúng tôi nơi trường học, chúng tôi báo cáo với anh.  Nét mặt anh rực sáng hãnh diện.

“Công tác tốt,” anh nói.  “Ông Già sẽ không tin.”

Đúng lúc đó cơn nôn mửa đánh gục tôi.  Tôi thấy chân với chân đang chạy như những con thỏ hãi hùng và tôi thấy tôi vô cùng khả ố.  Tôi nhớ lại những tên lính canh SS kinh tởm trong các ghetto, các biệt khu Do thái ở Ba lan.  Ngày tiếp ngày, đêm liền đêm, chúng đã giết người Do thái cũng bằng cách thức tôi vừa làm.  Súng tiểu liên lia ngang quét dọc, và một tên sĩ quan cười hô hố hoặc đang ăn uống như điên, quát lên một lệnh: Bắn!  Lúc đó cái lưỡi hái làm việc.  Vài người Do thái cố phá vòng lửa nhưng họ chỉ chúi đầu vào bức tường rực cháy, không thoát ra nổi.  Họ cũng đã chạy như những con thỏ, những con thỏ say khướt vì rượu và khiếp hãi, và thần chết phang ngang lưỡi hái, họ chết như rạ.

 

Đúng, đóng vai Thượng đế là việc không dễ, đặc biệt khi việc đó có nghĩa là khoác bộ quân phục màu xám trận mạc của lính SS.  Nhưng như thế vẫn dễ hơn việc giết một con tin.

Trong lần hành quân đầu tiên và những lần kế tiếp, tôi không một mình.  Chắc chắn tôi có giết người nhưng tôi tham gia chung trong một toán.  Với John Dawson, tôi chỉ một mình tôi thôi. Tôi sẽ nhìn vào mặt hắn, hắn sẽ nhìn vào mặt tôi và hắn sẽ thấy tôi chỉ toàn là mắt với mắt.

“Cậu đừng dằn vặt mình, Elisha,” Gad nói.  Anh đã tắt máy phát thanh và đang đăm đăm nhìn tôi.  “Đây là chiến tranh.”

Tôi muốn hỏi anh không biết Thượng đế của chiến tranh có mặc quân phục hay không.  Nhưng tôi muốn giữ im lặng.  Thượng đế không mặc quân phục, tôi tự nhủ.  Thượng đế là thành viên của Phong trào Kháng chiến, là một kẻ khủng bố.

 

Trước giờ thiết quân luật vài phút, Ilana tới với hai cận vệ của chị, Gideon và Joab.  Chị bồn chồn, ảm đạm, đẹp hơn bao giờ.  Vóc dáng thanh tú của chị dường như được tạc từ một khối đá hoa cương nâu, và nét mặt chị toát ra vẻ sầu muộn não lòng.  Chị mặc chiếc váy màu xám, áo bờ-lu trắng, đôi môi tái nhợt.

“Không sao quên được...cái chương trình phát thanh của em,” Gad thì thầm.

“Ông Già viết bài đó,” Ilana nói.

“Nhưng giọng của em...”

“Cái đó cũng do Ông Già tạo ra,” Ilana nói, rủ người mệt lã xuống ghế.  Sau một lúc hoàn toàn yên lặng, chị thêm:  “Hôm nay em thấy Ông Già khóc.  Em nghĩ rằng Ông Già thường khóc hơn là chúng ta biết.”

Ông ấy thật may mắn, tôi tự nhủ.  Ít nhất ông có thể khóc.  Khi một người đàn ông khóc thì hắn biết rằng sẽ có ngày nào đó hắn không còn khóc.

Joab báo cho chúng tôi tin mới nhất của Tel Aviv, về bầu khí khắc khoải và chờ đợi đầy cảnh giác.  Dân chúng đang lo sợ sẽ có các cuộc trả thù tập thể, hết thảy các báo đều kêu gọi Ông Già hoản lại cuộc hành quyết John Dawson.  Trên môi mọi người, tên của John Dawson được nhắc đến nhiều hơn tên của David ben Moshe.

“Đó là lý do khiến Ông Già khóc,” Gad nói, đưa tay vuốt và hất mái tóc ngang ngược ra đằng sau đầu.  “Người Do thái chưa thoát ra được tính phản xạ cam chịu ngược đãi của mình.  Họ không có bụng dạ trả đũa.”

“Tại Luân đôn, Nội các đang họp,” Joab tiếp tục.  Tại New York, các thành viên Phong trào Phục quốc Do thái đang tổ chức một cuộc biểu tình khổng lồ ở Quảng trường Madison. Liên hiệp quốc quan tâm sâu xa.”

“Tôi hi vọng là David biết,”  Ilana nói.  Bộ mặt xanh xao của chị ửng chút màu hồng.

“Chắc chắn người xử giảo có kể cho anh ấy biết,” Gad nói.

Tôi hiểu nỗi cay đắng trong giọng nói của anh.  David là bạn thiếu thời của anh và cả hai cùng gia nhập Phong trào một lượt.  Điều đó Gad chỉ kể cho tôi nghe sau khi David bị bắt, vì trước đó, tiết lộ như thế không an toàn.  Nguyên tắc căn bản của bất cứ tổ chức bí mật nào là các thành viên biết nhau càng ít càng tốt.

Gad có mặt khi David ben Moshe bị thương. Thực tế, anh chỉ huy cuộc hành quân đó.  Cuộc hành quân đó đã được coi là một “chuyện ngọt xớt”.  Nhưng sự gan dạ ngu ngốc của tên lính gác đã làm hỏng chuyện.  Chính lỗi của hắn mà David có thể sắp bị treo cổ ngày mai.  Dù bị thương và trong cơn co giật với một viên đạn trong bụng, hắn tiếp tục trườn dưới đất và bắn tới hết đạn.  Một tên xuẩn ngốc can đảm và cực kỳ ngoan cố lại có thể tạo ra tổn thất này!

 

Lúc ấy đêm.  Một chiếc xe tải nhà binh dừng trước cổng trại lính nhảy dù mũ đỏ gần Gedera ở miền Nam.  Trong xe có một thiếu tá và ba người lính.

“Chúng tôi tới lãnh vũ khí,” viên thiếu tá nói với tên lính gác cổng.  “Có dự kiến là tối nay sẽ xảy ra một cuộc tấn công khủng bố.”

“Lũ khủng bố khốn nạn!” tên lính gác làm ràm trong bộ ria của hắn, đưa lại viên thiếu tá các giấy tờ chứng minh.

“Cám ơn,” viên thiếu tá nói.  “Dãy nhà kho chỗ nào?”

“Đi thẳng, rồi quẹo trái hai lần.”

Xe chạy vào cổng, đi theo chỉ dẫn và dừng lại trước một toà nhà bằng đá.

“Đây rồi,” viên thiếu tá nói.

Họ xuống xe.  Một trung sĩ chào viên thiếu tá, mở cửa.  Viên thiếu tá chào lại, trao anh ta sứ vụ lệnh có chữ ký của một đại tá ở mé dưới.  Sứ vụ lệnh ủy cho người cầm nó lãnh năm súng trung liên, hai chục súng tiểu liên, hai chục súng lục và đạn dược cần thiết.

“Chúng tôi đang dàn chào một cuộc tấn công khủng bố,” viên thiếu tá hạ mình giải thích.

“Lũ khủng bố khốn nạn!” viên trung sĩ nói.

“Chúng tôi không có nhiều thì giờ,” viên thiếu tá thêm.  “Trung sĩ làm lẹ cho.”

“Xong ngay, thưa Thiếu tá,” viên trung sĩ nói.  “Tôi biết mà.”

Anh ta chỉ vũ khí và đạn dược cho ba người lính.  Họ im lặng, lẹ làng đem chất chúng lên xe tải.  Chỉ trong ít phút, mọi sự xong xuôi.

“Tôi phải giữ lại sứ vụ lệnh, thưa Thiếu tá,” viên trung sĩ nói khi xe tải bắt đầu nổ máy.

“Đương nhiên, Trung sĩ,” viên thiếu tá nói.

Tên lính gác sắp mở cổng thì trong vọng gác chuông điện thoại reo.  Vội vã xin lỗi, hắn bước vào nhấc máy.  Viên thiếu tá và người của mình hồi hộp chờ.

“Xin lỗi, thưa Thiếu tá,” tên lính gác bước ra khỏi vọng gác, nói.  “Ông trung sĩ muốn gặp Thiếu tá.  Ông ấy nói sứ vụ lệnh mà Thiếu tá đưa hồi nãy không thoả đáng.”

Viên thiếu tá bước xuống xe tải.

“Tôi sẽ làm rõ với anh ta qua điện thoại,” ông nói.

Khi tên lính gác quay mình đi trở lại vọng gác, viên thiếu tá cung tay đấm vô gáy hắn.  Hắn gục xuống đất không một tiếng động.  Gad bước tới mở cổng, ra hiệu tài xế lái xe qua.  Đúng lúc đó, tên lính gác tỉnh lại và bắt đầu bắn.  Dan thẩy một viên đạn vô bụng hắn trong khi Gad nhảy lên xe tải, la lớn:

“Vọt! Lẹ lên!”

Tên lính gác tuy bị thương vẫn tiếp tục bắn.  Một viên đạn của hắn trúng bánh xe.  Gad vẫn bình tĩnh, quyết định phải thay bánh.

“David và Dan, che chúng tôi,” anh nói giọng trầm tĩnh tự tin.

David và Ben chụp hai khẩu súng máy vừa lãnh, đứng canh.

Nhưng lúc này toàn trại báo động.  Lệnh vang lên, liền đó rền tiếng súng.  Quí từng giây.  Nhờ David và Dan bắn che, Gad thay bánh xe.  Nhưng lính dù kéo tới gần.  Gad hiểu bây giờ việc quan trọng nhất là chuồn đi với vũ khí.

“David với Dan,” anh nói, “ở lại tại chỗ.  Chúng tôi đi.  Liệu chận chúng thêm ba phút nữa trong khi chúng tôi chuồn.  Sau đó các cậu dông luôn.  Cố tới Gedera, các bạn sẽ lo chỗ trốn cho các cậu.  Nơi liên lạc với họ các cậu biết rồi.”

“Vâng, tôi biết,” David nói, tiếp tục bắn.  “Chuồn lẹ lên!”

Súng đạn được bảo toàn nhưng David và Dan phải trả giá.  Dan bị giết và David bị thương.  Mọi sự chỉ là vì tên lính gác gan dạ một cách ngu ngốc, với viên đạn ghim trong bụng!

“David đã là một người bạn tuyệt diệu,” Ilana nói.  Chị nói tới David như thể anh đã thuộc về quá khứ.

“Hy vọng người xử giảo biết điều ấy!” Gad đáp trả.

Tôi hiểu nỗi cay đắng của anh; thật ra tôi đang ganh tị.  Anh mất một người bạn và việc đó làm anh đau lòng.  Nhưng khi ta mỗi ngày đều mất một người bạn thì việc đó lại không đau lòng lắm.  Trong thời buổi của tôi, tôi mất rất nhiều bạn; đôi khi tôi nghĩ mình là một bãi tha ma đang sống.  Đó là lý do thật sự khiến tôi theo Gad tới Palestine và trở thành một kẻ khủng bố: tôi chẳng còn người bạn nào nữa để mất.

“Người ta nói kẻ xử giảo luôn luôn mang mặt nạ,” Joab nói, anh đang đứng không nhúc nhích trước cửa nhà bếp.  “Tôi thắc mắc không biết có đúng như vậy không?”

“Tôi nghĩ là đúng,” tôi nói.  “Người treo cổ mang mặt nạ.  Anh không thể thấy gì ngoài đôi mắt của hắn.”

Ilana bước tới phía Gad, vuốt ve mái tóc anh và nói giọng buồn bã:

“Gad, anh đừng dằn vặt mình.  Đây là chiến tranh.”

 

Chương : 1   2    3   
Elie Wiesel
Số lần đọc: 1874
Ngày đăng: 22.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Casanova ở Bolzano - Márai Sándor
Về từ cõi chết - Elie Wiesel
Mắt xanh mỏ đỏ - Gào
Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời - Imre Kertész
Quỷ Trần Gian - Thái Bi
Đi tìm thượng đế - Trường Thanh
Vì ta cần nhau ! - Đổ Quỳnh Anh
Biết đâu địa ngục thiên đường - Nguyễn Khắc Phê
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm - Trịnh Thắng
Dấu ấn Đồng Quê - Trịnh Thắng
Cùng một tác giả
Về từ cõi chết (truyện dài)