Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.055
123.234.703
 
máu hồng y
Brian Moore
Chương 7

bảy

Lúc bốn giờ, vừa đọc xong kinh chiều trong căn phòng mà lúc này ông xem nó như buồng giam, ông nghe có tiếng máy xe hơi bên ngoài. Ông đi tới cửa sổ và thấy, phía dưới, trong sân, viên đại tá và người mang ủng Wellington leo lên một chiếc xe tải nhỏ, mui trần, loại nhà nông. Chiếc xe vấy bê bết bùn, phía sau chất mấy tấm ván xây dựng loại dài. Viên đại tá nói lớn điều gì đó ông không nghe rõ, và một trong những người mang “măng tô” thụng mở cổng trại. Chiếc xe tải lăn bánh chạy ra.


Trời đang mưa. Sỏi trong sân ẩm ướt. Trên đầu ông, một chiếc phi cơ lớn từ trên mây lao xuống, gầm rú lướt ngang toà nhà, bay thấp hơn theo kiểu sắp hạ cánh. Ông thấy đó là một chiếc thuộc hãng hàng không Nga. Khi tiếng ồn lắng xuống, có ai đó gõ cửa.


“Vâng?”

Cửa mở. Cha Prisbek. Ông ấy khoác áo mưa màu vàng, loại dùng để chèo thuyền và mang theo một chiếc áo mưa cùng loại. Ðưa áo mưa ra, cha Prisbek nói, “Họ đưa mấy cái này cho con. Cha có muốn đi dạo bây giờ không?”


“Bên ngoài tường thành chứ?”


“Vâng,” cha Prisbek nói. “Họ không cản.”


“Vậy thì tốt quá.” Ông cầm áo mưa, theo cha Prisbek đi xuống cầu thang, Không thấy có ai ở sảnh đường và trong các phòng kế tiếp. Cha Prisbek mở cánh cửa trước. Họ băng qua sân, nơi có những người mặc “măng tô” thụng mở cổng cho họ như vừa mới đây đã mở cho xe tải của viên đại tá.


“Anh nghĩ liệu trời còn mưa nữa hay không?” cha Prisbek hỏi khi cả hai đi ngang cổng.

 

Người ấy trả lời, “Ðừng lo. Chỉ là cơn mưa rào thôi.”


Họ đi xuống con đường mòn dẫn tới cụm rừng. Hình như chẳng có ai đi theo. Ông len lén nhìn cha Prisbek, để ý thấy da của cha bị chàm lốm đốm phía dưới bộ râu đỏ lơ thơ, Ông nhớ lại lối nói nóng nảy của cha Prisbek khi bênh vực cho Lork, một nhà văn đã chọn cuộc sống lưu vong. Liệu tôi có tin được ông ấy không?


“Hãy nói cho tôi biết,” ông hỏi cha Prisbek, “Cơ hội nào khiến cha thành hội viên của Tổ chức Tu sĩ Yêu nước?”

Cha Prisbek đứng lại, quay mặt ngó ông, “Có phải cha đang trêu chọc con không, thưa Ðức cha?”


“Ồ, ý nghĩ đó lướt qua đầu tôi. Như cha biết, Tu sĩ Yêu nước hoạt động rất thân cận với chính quyền.”


“Họ là những kẻ phản bội,” cha Prisbek nói. “Con ngạc nhiên là lúc này cha cho rằng con là một trong những thứ cặn bã đó.”

 

“Thế tại sao cha lại ở đây?”


“Con bị mang tới đây. Người ta yêu cầu con làm tuyên úy cho cha và con đồng ý. Con nghĩ việc đó sẽ hữu ích cho cha.”


“Nhưng chắc cha biết là tôi chỉ định tuyên úy cho mình.”


Cha Prisbek ngập ngừng, “Vâng, con có biết. Nhưng cha không thể trông mong họ hiểu điều đó, phải không?”

Ông lại nhìn cha Prisbek khi cả hai tiếp tục đi về phía cụm rừng. “Trong chuyện này có điều gì đó làm tôi ngạc nhiên,” ông nói. “Tại sao họ lại để cho chúng ta đi riêng ra tới bên ngoài tường thành? Ở đây có người gác nhưng không phải để canh chừng chúng ta. Tại sao lại như vậy, cha nghĩ thế nào?”


Cha Prisbek co người lại trong một tư thế tự vệ kỳ quặc. “Họ nói với con rằng thật vô ích nếu tính chuyện bỏ trốn. Chúng ta ở giữa đồng không mông quạnh. Viên đại tá đã nói như vậy.”


“Có phải thật vậy không? Mấy phút trước đây có chiếc phi cơ Nga bay qua đây theo kiểu sắp hạ cánh.

 

Chúng ta hiện ở không xa thành phố.”

 

“Cha nghĩ vậy ư?” cha Prisbek nói.


“Vâng. Và nếu quả thật như vậy thì gần đây phải có đường xe chạy.”


“Con không biết. Coi, thưa Ðức cha. Con không muốn bi quan nhưng con không biết bằng cách nào mình có thể bỏ đi. Vì chỉ một lý do thôi, là chúng ta không có phương tiện di chuyển.”


Lúc này họ đã tới cụm rừng, đang đi dọc theo con đường mòn dẫn tới chiếc bàn pic-nic trơ trọi. “Dù sao đi nữa,” ông nói, “Tôi cũng thử một chuyến.”


Ông bước lẹ. Vừa mặc áo mưa màu vàng vào ông vừa nghĩ: thế này làm mình trông ít giống linh mục. Với cha Prisbek theo sau, ông đi qua khỏi bàn pic-nic, vượt quá đường mòn, bươn bả vùng vẩy băng qua những bụi rậm dầy dặc. Hai con quạ kêu vang thảng thốt, bay vọt khỏi đầu bụi cây mà ông đang xấn tới. Ông có thể nghe ra cha Prisbek đang thở hổn hển phía sau mình. Thật ngược đời, ông nhớ lại một bài mà ông đã giảng mùa đông năm ngoái, thúc giục tu sĩ tập thể dục nhiều hơn và giữ cơ thể cân đối. Người đằng sau kia số tuổi chỉ mới bằng một nửa của ông. Ông tiếp tục xông xáo. Ðằng trước, ông thấy bìa rừng và bên kia nó, một cánh đồng đã cày. Họ nhô người ra ngoài cánh đồng và nhìn quanh. Vài con chim sâu từ luống cày phóng vụt lên, bay thẳng. Ông nhìn quá bên kia cánh đồng rồi quay về phía cha Prisbek đứng thở hổn hển đang ngoái đầu nhìn hết hướng này tới hướng nọ như thể đang tìm kiếm kẻ thù.

“Ðược, cha Prisbek. Cha nghĩ sao? Chúng ta cùng chạy chứ?”


“Ở đây ư?” cha Prisbek nói, ngữa bàn tay mình ra trong một cử chỉ không hi vọng. “Chúng ta đang ở đâu đây?”

“Nhìn kìa,” ông vừa nói vừa đưa tay chỉ. Xa đằng mút bên kia cánh đồng có con đường nhỏ thứ hai, không phải là loại đường đất trang trại mà là đường có tráng nhựa. Ông bắt đầu nhấc chân, vừa đi vừa chạy băng ngang cánh đồng đã cày, giày lún xuống đất mịn. Ông nghe tiếng cha Prisbek theo sát phía sau. Ông tiếp tục. Lúc này lộ thân mình ra nơi trống trải. Ông tưởng chừng sắp nghe tiếng súng nổ.


“Thưa Ðức cha, con thật tình nghĩ là chúng ta nên trở lui.”


“Tại sao? Cha là cái gì? Cha là linh mục hay công an?”


“Chúng ta nên quay lui!” cha Prisbek nói, có vẻ như đã quẩn trí. “Lạy Chúa, có phải Ðức cha muốn bị bắn chết?”

“Nếu đó là ý Chúa thì tôi sẽ bị bắn,” ông nói. “Tạm thời, chúng ta hãy quyết định. Mình chọn hướng nào đây?”

Họ đã tới con đường thứ hai. Ông dừng chân, nhìn lui cụm rừng, cố xác định máy bay khi tới gần thì sà xuống theo hướng nào.


“Xin Ðức cha,” cha Prisbek nói. “Thưa Ðức cha, xin nghe con. Họ sắp tìm ra chúng ta. Và khi họ đem chúng ta về họ sẽ khóa cửa phòng, nhốt chúng ta lại. Nếu chúng ta quay lui lúc này thì dễ cho mình hơn.”

“Cha cứ làm điều cha muốn,” ông bảo cha Prisbek. “Tôi đi hướng này.” Ông chỉ xuống con đường rồi bắt đầu cất bước. Phút sau, ông nghe có tiếng chân bước theo mình. Cha Prisbek đang đi theo như một cai tù của tôi hay phải chăng như một bạn đồng minh? Tại sao chúng tôi được tự do? Hoặc giả, có phải chúng tôi đang tự do?


Ông tiếp tục bước. Ðằng trước, phía trên cao triền dốc của ngọn đồi là một trang trại nhỏ, khói từ ống khói đang toả lên trời. Trong sân ghồ ghề đằng trước nhà, có con ngựa đang gặm cỏ. Ông nhìn lui, thấy cha Prisbek đang lật đật đi theo cách vài bước ở phía một bên. Mọi sự yên tĩnh, thôn dã, lơ mơ — một buổi chiều hè ấm áp. Ðột nhiên, đằng trước ông có tiếng rộn ràng. Hai con cừu mặt đen chạy ra khỏi con đường giành nhau chui qua một lỗ hàng rào để vào ẩn mình trong ruộng bắp. Có tiếng xe cộ vang lên nho nhỏ trên con đường này. Ông nghĩ tới chiếc xe tải nhà nông bê bết bùn mà viên đại tá và người mang ủng Wellington đã lái đi, chiếc xe tải nhỏ không mui chất mấy tấm ván dài loại dùng để xây cất. Tại sao lực lượng An ninh lại đi loại xe đó, phải chăng đế đánh lừa dân chúng quanh vùng này? Họ không muốn ai biết tôi có mặt ở đây? Thế thì, tại sao họ lại để cho chúng tôi đi theo con đường này?


“Ðức cha! Thưa Ðức cha!”


Cha Prisbek, cách khoảng năm mươi bước đằng sau trên đường, đang ngồi bên mép mương nước, ôm bắp đùi mình với vẻ rất đau đớn.


“Trục trặc gì vậy?”


“Ðầu gối của con. Con bị sái sao đó?”


Có phải đây là trò bịp? Nhưng biết đâu cha Prisbek đau thật sự thì thật là xấu hổ nếu mình bỏ rơi ông ấy. Ông miễn cưỡng đi lui, tới bên vị linh mục râu đỏ. “Cha đi bộ được chứ? Ðứng lên đi, tôi giúp cha.”


Vụng về, cha Prisbek cố gắng rướn người đứng dậy, nhưng rồi lại rụt người, ngồi xuống. “Không được đâu. Ðức cha cứ tiếp tục,” ông nói. “Con ở lại đây.”


“Tôi không muốn bỏ cha lại.”


Cha Prisbek nhìn lên, và thật kỳ lạ, lại nói bằng giọng cay đắng, “Ðể con lại, để con lại. Không việc gì đến Ðức cha. Chính vì cha con mới ra nông nỗi này.”


“Vâng,” ông nói. “Vâng, tôi cho là mình đã làm ra như vậy.” Ông đứng trong một lúc, cân nhắc. “Nếu cha không thể đi được,” ông nói. “Tôi đi tiếp và coi có sẽ giúp được gì cho cha không?”


“Giúp?” cha Prisbek nói. “Giúp ra sao? Tiếp tục, tiếp tục đi đi. Cứ để con lại. Vĩnh biệt Ðức cha.”


“Tôi sẽ cố hết sức mình,” ông nói và sấp lưng đi. Con đường trước mặt trải dài vắng vẻ và im lặng. Tại sao tôi cảm thấy mình giống như Giu-đa đã bỏ lại người ấy, kẻ có thể là con-chiên-giu-đa bị mang tới đây để gài bẫy tôi? Lòng bác ái đơn sơ đòi buộc rằng tôi không được lên án cha Prisbek khi tôi không biết rõ cha ấy làm như thế này vì động cơ nào. Ôi lạy Chúa, xin giúp con.


Cũng như mọi lúc, trong khi đọc kinh và trong khi cầu nguyện, ông tìm cách mở cánh cửa nội tâm mình cho sự thinh lặng của Thiên Chúa, Thiên Chúa, Ðấng đang chờ đợi, quan sát và phán xét. Ông nghĩ ưu tiên tới Ðại hội Năm mươi năm vào Thứ Ba tới, tới hàng ngàn và hàng ngàn người hành hương đến Rywald, leo núi Jasna, vào ngôi nhà thờ được dựng lên hai trăm năm trước để vinh danh các Thánh Tử đạo Tháng Chín. Tại nơi hiến dâng cho Thiên Chúa đó, người ta có thể sẽ bố trí một chuỗi biến cố để hoạt động nhằm phá hỏng tất cả những gì mà ông đang tranh thủ được: quyền có các trường học của giáo hội, quyền xuất bản sách báo văn chương tôn giáo, quyền tự do thờ phượng, quyền xây nhà thờ tại các vùng đất mới. Hết thảy những cái ấy sẽ biến mất. Thay vào đó, sẽ có xe bọc sắt trên đường phố, tra tấn trong các căn phòng bí mật, nhà tù tràn lan, nổi loạn, đánh đập, chết chóc. Ôi lạy Chúa, xin giúp con. Hãy để cho con có mặt ở Rywald vào ngày đó. Người ta phải thấy con, Người ta phải nghe con.



Chương : 1    2    3    4    5    6    7   8    9    10    11    12    13    14    15    16    17    18    19    20    21    22   
Brian Moore
Số lần đọc: 1380
Ngày đăng: 21.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về Từ Cõi Chết 3: Tai Nạn - Elie Wiesel
Về Từ Cõi Chết 2: Rạng Sáng - Elie Wiesel
Casanova ở Bolzano - Márai Sándor
Về từ cõi chết - Elie Wiesel
Mắt xanh mỏ đỏ - Gào
Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời - Imre Kertész
Quỷ Trần Gian - Thái Bi
Đi tìm thượng đế - Trường Thanh
Vì ta cần nhau ! - Đổ Quỳnh Anh
Biết đâu địa ngục thiên đường - Nguyễn Khắc Phê
Cùng một tác giả
máu hồng y (truyện dài)