tám
Trong cảnh tịch mịch bao phủ chung quanh, chỉ có âm thanh lũ quạ kêu và tiếng chân ông bước trên đường. Nhưng có một tiếng động khác càng lúc càng lớn khiến ông ngước lên. Ðằng trước, quanh khúc quẹo của con đường, có một chiếc xe nhỏ đang chầm chậm chạy tới. Ông đứng lại. Chiếc xe tiếp tục tiến. Ông thấy trên mui xe có một vật tròn. Ðèn tuần tra. Cảnh sát, chứ không phải công an ANNC thường dùng xe Lada xanh không dấu hiệu. Ðây là xe cảnh sát thường, sơn toàn màu đỏ, xanh và vàng phía dưới quốc huy của Nhà nước, loại xe cảnh sát người ta thường gặp trên bất cứ xa lộ nào. Ông lại cất bước tiếp tục đi, kéo cao áo mưa màu vàng ép sát vào cổ mình để che miếng cổ cồn giáo sĩ. Có hai cảnh sát mặc đồng phục trong xe. Ông bước nhanh. Không biết mình có nên gật đầu khi họ đi ngang?
Cách hai mươi bước, đèn tuần tra của chiếc xe vẫn tiếp tục chớp chớp màu đỏ trong ánh nắng cuối chiều. Chiếc xe dừng lại. Một trong hai cảnh sát bước xuống, chỉ tay vô ông, ra dấu đứng yên tại chỗ. Rồi người cảnh sát tới gần, hở hững chìa tay theo cung cách người đang ra lệnh. “Giấy tờ đâu?”
Ông lúc nào cũng giữ trong túi áo khoác chiếc ví nhỏ đã sờn, đựng hình bà mẹ quá cố của ông, một giấy chứng nhận loại máu, tờ tình trạng sức khoẻ và một thẻ chứng minh nhân dân bọc plas-tic cấp cho người có quyền công dân. Nếu họ thật sự lục xét thì ông có cưỡng chống cũng không được. Nhưng nếu đây chỉ là kiểm tra thông thường của cảnh sát thì tấm thẻ chứng minh nhân dân của ông chẳng tiết lộ điều gì cả ngoại trừ họ và tên, nơi sinh và tuổi tác. Ông móc tấm thẻ ra khỏi ví nhưng trong khi làm như vậy, ông buộc phải mở áo mưa màu vàng để lộ cái cổ cồn của mình cho người cảnh sát thấy. “Ông làm gì ở đây?”
“Xe tôi hỏng máy,” ông ngạc nhiên thấy mình nói dối quá dễ.
“Ở đâu?”
“Cách đằng sau tôi mấy cây số.”
“Ông đang đi đâu đây?”
“Tôi không biết. Chúng tôi bị lạc.”
“Chúng tôi? Chúng tôi gồm những ai?”
Không kịp che dấu điều sơ hở nữa rồi. Với lại cha Prisbek bị thương đang cần giúp đỡ. “Tôi và một linh mục khác.”
“Ông ấy đâu?”
“Trên đường, cách đây một chút. Cha ấy bị đau đầu gối không đi bộ được.”
“Lên xe,” người cảnh sát nói. “Ngồi đó — đằng sau đó.”
Ông làm theo lời bảo. Người cảnh sát ngồi vào ghế trước, bên cạnh người lái xe. “Có người thứ hai đằng kia đường,” anh ta nói với người lái xe. Xe bắt đầu chạy chầm chậm. Ông nhìn tới đằng trước. Phải chăng cha Prisbek đang núp sau đường mương? Xe tiếp tục lăn bánh, đi qua chỗ cha Prisbek đã ngồi. Xa quá một trăm thước nữa, ông nói họ ngừng lại. “Tôi bỏ cha ấy ở lại đây.”
Xe tấp vô bên đường. Người cảnh sát thứ nhất bước xuống, leo lên bờ mương, nhìn ra xa tới quá rìa cánh đồng. Rồi anh ta nhảy xuống, đi trở lại xe. “Ông ấy đâu?”
“Tôi không biết.”
“Có chắc đây đúng là chỗ ông bỏ ông ấy lại?”
“Tôi nhìn được chứ?”
Người cảnh sát gật đầu.
Ông xuống xe, leo lên bờ mương. Quá chiều ngang của cánh đồng đã cày là bìa cụm rừng, ranh giới của ngôi trường canh nông giả mạo. Không có dấu hiệu gì của cha Prisbek. Ông ấy đã nói dối về đầu gối của mình để có thể trở lui báo cáo với họ. Rõ ràng là ông ấy đã có thể đi tới bìa cụm rừng chỉ trong vòng vài phút.
“Sao?” người cảnh sát hỏi vọng ra.
“Tôi không biết,” ông nói, leo xuống trở lại mặt đường. “Có thể cha ấy đi trở lại xe của chúng tôi. Tôi biết đâu.”
“Lên xe.” người cảnh sát đầu nói. “Ðược rồi, chúng ta về thôi. Tôi sẽ báo qua máy vô tuyến.”
“Không, chờ chút.” Người lái xe trở đầu xe rồi nhấn ga, chạy khỏi hướng cụm rừng. “Nếu anh báo về bằng máy vô tuyến lúc này,” anh ta nói với người cảnh sát kia, “ thì họ sẽ ra lệnh cho chúng ta phải đi tìm ông ấy. Cứ để về tới gần thành phố rồi hãy báo.”
“Ðúng, chí lý,” người cảnh sát kia nói. Rồi anh ta xoay người nhìn lui, cười, “Tên ông là Stephan. Ðó cũng là tên tôi.”
“Thế thì chúng ta chung ngày lễ bổn mạng,” ông nói.
“Ðúng vậy,” người cảnh sát nói. “Mẹ tôi thường đưa tụi nhóc chúng tôi đi du ngoạn trong ngày đó. Tên kia của ông là gì?”
“Peter.”
“Không, tôi muốn nói họ của ông đấy. Nó có trong thẻ. Tôi quên mất.”
Ông cảm thấy cổ họng mình thắt lại. “Bem,” ông nói.
Người lái xe nói, “Bem? Này, đó là tên của Ðức Hồng y. Ông biết mà. Ông chủ của ông đấy.”
“Ðúng thế,” ông nói. “Tên đó khá thông dụng.”
“Tên Bem có gốc từ quận Biala, phải vậy không?” người tài xế nói. “Vâng, tôi nghĩ ông ấy gốc Biala.”
Ðây có thể là một cái bẩy nhưng ông không cho là như vậy. Họ là những người cảnh sát thông thường đi tuần trên một con đường bình thường. Hoặc có lẽ họ đi tuần để giữ không cho ai tới gần ngôi trường canh nông giả mạo đó? “Không, ông ấy không từ Biala tới,” ông nói. “Ông ấy gốc thành phố này, như tôi vậy.”
Xe chạy một lúc trong im lặng. Rồi người lái xe nói, “Ông đang ở trong hoàn cảnh khốn nạn, ông cha ạ.”
“Tại sao vậy?”
“Ðây là khu vực cấm,” người lái xe quay qua người bên cạnh. “Anh nói với ông ấy rồi chứ?”
“Chưa.”
“Này cha, tại sao người kia bỏ trốn?”
“Cha ấy không bỏ trốn.”
“Hãy cố mà thuyết phục Chỉ huy trưởng Majewska.”
“Tôi đã nói với ông,” ông nói. “Xe chúng tôi bị hỏng máy và đầu gối cha ấy bị đau. Có lẽ cha ấy đi trở lại vô ngồi trong xe.”
Nhưng hai người cảnh sát có vẻ như không còn quan tâm nữa. Họ bắt đầu để hết trí óc vào chiếc máy phát thanh, và lúc này có giọng nói tuyên bố, “Hiệp đầu Một-Không. Và họ lướt xuống nữa, lướt xuống nữa. Vâng. Danielski vô sân lại. Anh không việc gì. Vâng!”
“Danielski! Hết sẩy!” viên cảnh sát đầu nói lớn. “Ê, nước Bỉ! Liệu hồn!”
Ông nhớ ra rằng Cúp Bóng đá Thế giới đang tiếp diễn tuần này. Hai người cảnh sát lắng tai nghe khi trận đá bóng lại tiếp tục; và ông thêm lần nữa nghĩ tới cha Prisbek. Vậy là cha ấy ở bên phía của họ. Khi cha ấy kể với họ rằng tôi đã đi rồi, liệu họ có thông báo cho cảnh sát địa phương lùng kiếm? Nếu vậy, khi những người này báo bằng máy vô tuyến, thì đó là lúc hết chuyện.
Nhưng gần như vào lúc ông nghĩ như thế thì người lái xe tắt máy phát thanh. Tiếng người bình luận rơi vào yên lặng. Hai người cảnh sát đang ngó mông lung đằng trước đột nhiên nhìn kỹ. Một chiếc xe đang đi tới, chiếc xe tải nhỏ bê bết bùn. Ban đầu ông không chắc, nhưng rồi ông thấy lòi ra mấy tấm ván xây dựng.
“Họ là ai vậy?” một người cảnh sát hỏi.
“Ðó là người của Trường Canh Nông Ostrof,” người kia nói. “Chẳng việc gì đâu.”
Chiếc xe tải tới gần hơn. Phía trước là viên đại tá và người mang ủng Wellington. Theo bản năng, ông khom người xuống, dấu mặt mình bằng cách đặt bàn tay lên trán. Họ trở lại nơi lúc nãy họ ra đi. Họ chưa biết gì về tôi. Họ không biết.
Khi chiếc xe tải tới gần, hai người cảnh sát không để ý nó nữa, lại bắt đầu bật máy phát thanh. Người bình luận bóng đá thét lên, “Kroch có banh, chuyền cho Damon. Damon lướt xuống theo cánh trái.”
Chiếc xe tải đi ngang, sát bên cạnh trên con đường hẹp. Ông không thấy nó lướt qua vì ông xoay đầu sang phía bên kia con đường. Cơ thể ông cảm thấy như thể ông đang run rẩy nhưng ông không run.
“Lúc này Danielski đang xông tới trước Damon. Anh lấy được banh. Tuyệt vời! -- đúng! Dzô! Anh làm bàn!”
“Tuyệt! Anh ta đá dzô rồi!” Cả hai người cảnh sát đồng loạt la lên, cùng một giọng. Chầm chậm, thu mình lại như thể bị quả bóng đá trúng, ông đánh liều nhìn lui qua cửa kính sau của xe cảnh sát. Chiếc xe tải đã chạy xa được chừng hai trăm thước, sắp tới khúc quẹo của con đường. “Thiệt vô cùng náo nhiệt!” người bình luận nói. “Ðồng đội xúm lại. Người ủng hộ ào ào đứng lên, hoang dại. Giờ phút vĩ đại đây rồi. Ở đây, trong Sân vận động Cherney này!”
Ðột ngột, một trong hai người cảnh sát vặn âm thanh xuống. “Khốn nạn,” anh ta nói với giọng lo lắng. “Tôi mới nghĩ ra. Nếu mình báo cáo là mình vừa giữ một linh mục và còn một linh mục khác nữa lạc trong khu vực cấm. Majewska sẽ nạo chúng ta tới xương. Lý ra mình phải thông báo ngay bằng máy vô
tuyến khi mới bắt được kẻ khả nghi và chờ thêm chỉ thị.”
“Ðúng,” người cảnh sát kia nói. “Và lập tức ông ta sẽ xử chúng ta vi phạm kỷ luật, rồi tiếp đó báo cáo bằng văn bản, đủ trò.”
“Khốn nạn”
Họ lại vặn máy phát thanh lớn lên và ông lại nghe tiếng gào rống của đám đông đang xem bóng đá, giọng nao nức của người bình luận. Có điều là ông thấy hai người cảnh sát dùng tiếng ồn đó để che lấp lời họ đang thì thầm với nhau đằng ghế trước. Cuối cùng, quyết định xong, họ ngã người nghe tiếp bóng đá.
Không có con đường nào khác, quang cảnh dốc đồi hoang vắng bắt đầu thay đổi dần. Phía trước, con đường hẹp lại với một chuỗi dốc quẹo cùi chõ và bên dưới, trong thung lũng, ông thấy một thị trấn nhỏ, còn nhỏ hơn một làng, một ít con đường nhỏ, một công viên, đỉnh tháp thánh đường, con đường chính như kéo ra tới hư không. Ðỉnh tháp thánh đường thuộc loại nhà thờ nhỏ trong địa phận của ông với mái làm theo kiểu Ðức, kiểu thịnh hành trong miền này của đất nước. Họ tới giao lộ đầu tiên và giảm tốc độ vì có một nhóm người đang đi xe đạp, đeo hộp đựng thức ăn trưa và đội mũ có gắn đèn soi. Ông nhận ra đó là những người thợ mỏ. Kế đó, khi xe tới con đường đầu tiên thì chạy chậm lại, hai người cảnh sát tắt máy phát thanh, lái xe đi như thể đang lùng kiếm cái gì đó. Chầm chậm gần như ngừng, chiếc xe quẹo lên một đường đất chật hẹp trên đồi, đi tới một nơi giống như chỗ đổ rác. Người lái xe tấp vào đậu bên rìa một mỏ đá thoai thoải. Dưới chân mỏ đá là các đống rác khổng lồ nằm ken nhau như những toà nhà. Lũ mòng mòng lượn vòng, sục sạo, chuyển động thành từng đoàn không ngơi nghỉ trên mùi chướng khi của rác rưởi. Người cảnh sát không lái xe vói ra đằng sau, mở cửa xe.
“Ðược rồi, ông cha. Xuống xe.”
Có phải họ sắp bắn ông? Tại sao họ phải bắn ông? Họ là những người cảnh sát bình thường trong một cuộc đi tuần thông thường. Họ chẳng biết chút gì về ông.
Nhưng ông ngần ngại. Bỗng nhiên ông cảm thấy sợ. “Tại sao?” ông hỏi.
Người lái xe nói, “Vì con từng là một chú bé giúp lễ. Ðó là lý do!” người cảnh sát kia cười.
“Không, tôi giỡn thôi,” người lái xe nói. “Chúng tôi đang cho ông cơ hội. Ðừng hỏi tại sao. Chúng tôi làm điều gì đó cho ông, ông làm điều gì đó cho chúng tôi. Chúng tôi chưa bao giờ bắt giữ ông. Ông chưa bao giờ gặp chúng tôi. Ông đi lung tung để báo cáo rằng xe ông bị hỏng máy. Ông không biết là ông đã lái xe trong khu vực cấm. Nhưng bây giờ không thành vấn đề nữa.”
“Chờ chút,” người cảnh sát kia nói. “Ông cha ạ, nếu tôi là ông, tôi sẽ chẳng báo cáo là mình có để lại ở đó một chiếc xe. Tôi không nói gì cả. Tôi chỉ cố làm sao về tới nhà mình thôi. Ðược không? Lúc này, xuống xe đi.”
Ông nhẹ nhỏm chuồi người ra khỏi ghế sau và đứng lên. Cửa xe đóng sầm. Chiếc xe nhỏ lạng sang một bên rồi trở đầu và chạy thẳng xuống theo con đường đất. Ông một mình với lũ mòng mòng bay lòng vòng, nhìn xuống mỏ đá bỏ hoang với những con đường vắng lặng đầy mùi tanh tưởi của các vật vỡ nát. Như thể ông bị quẳng xuống đây, bỏ rơi, tước khỏi hàng ngũ và tuốt sạch những đãi ngộ mà ông đã quen thuộc từ nhiều năm nay. Ông lúc này là người bị săn đuổi, bị lùng kiếm bởi các lực lượng của Nhà nước, kẻ đang ra sức đưa ông vào nhà giam. Ông nhìn xuống chỗ hẽm núi hiu quạnh đầy mòng mòng. Trong tâm trí ông xuất hiện câu niệm mà ông hầu như đã quên: Pro nomine Jesu contumelias pati. Chịu đau khổ trong danh Ðức Giêsu. Ðó là số phận của tôi lúc này và tôi phải dâng lời cảm tạ vì nó. Sứ vụ của con là để phục vụ Ngài. Vì sứ vụ đó tôi phải giữ mình tự do.