Hương cà phê ngạt ngào làm sống lại trong trí nhớ ông những tiệm cà phê mọc lên như những phép lạ nhỏ, xa hoa, trên các đường phố điêu tàn của thủ đô trong những năm đầu sau thế chiến. Lúc đó ông là một tiểu chủng sinh không đồng xu dính túi, hít mùi cà phê vào mũi, trố mắt nhìn các chiếc khay ướp lạnh trên đó chưng bày bánh trứng đường, rượu napoleon, bánh hạnh nhân và bột thơm ướp quần áo. Xúm quanh các bàn trong tiệm là những người chủ trẻ ăn vận hợp thời trang, đi giày ống, đội mũ đàn ông, các sĩ quan Nga và những người nước ngoài đến từ các sứ quán phương Tây. Lúc này đây, trong nắng ấm cuối chiều, khi đi xuống con đường nhỏ của thị trấn, ông lại hít vào mình mùi hương chừng như đã lãng quên đó, và dừng chân trước một cánh cửa mở, lòng nhớ lại thuở xa xưa ấy.
Nhưng khi xem xét, ông thấy tiệm cà phê này bày biện khác hẳn những gì ông đang nhớ lại. Trên quầy, lưa thưa một ít bánh bít-qui và một chiếc bánh cũ mèm chưng bày lạc lỏng, trong khi đằng sau các chiếc khay lỏng khỏng đó, một người đàn bà đang xếp lên kệ những ổ bánh mì loại thông thường. Tiệm gần như vắng khách. Cô hầu bàn đặt một ly nước và một tách cà phê nhỏ xíu trước mặt người khách độc nhất, một người hói đầu, mặc áo sơ-mi xanh cụt tay và đang hút xì-gà. Ðâu đó phía sau, máy hát dĩa đang phát ra một điệu van-xơ của Strauss.
“Ðây có máy điện thoại không?” ông hỏi người đàn bà đứng đằng sau quầy.
Bà ta chỉ, “Ở trong kia.”
Khi ông đi ngang những chiếc bàn trống, bước vào khu nhà bếp và phòng vệ sinh, người hút xì-gà quay nhìn ông. Nhưng người ấy cô đơn và có lẽ đang phiền muộn. Tuy thế, lúc cầm ống liên hợp lên trong lối đi nhỏ phía sau nhà bếp, ông quyết định sẽ nói thì thầm. Ông bắt đầu quay số rồi nhìn vô máy, nhận ra rằng mình xa lạ biết bao với các chi tiết của cuộc sống bình thường. Vì dĩ nhiên đây là loại máy điện thoại phải trả tiền. Ông đặt ống điện thoại vào chỗ cũ, đi trở lại quầy bánh. Khi ông đưa tờ giấy bạc một trăm ra, hỏi người đàn bà sau quầy hàng có thể đổi tiền lẻ cho không thì có hai thanh niên bước vào tiệm. Cả hai tuổi chỉ mới ngoài hai mươi, mặc quần bò và áo thun bằng vải bông. Ðiều đó làm ông không yên lòng. Cha Kris Malik từng nói với ông rằng các thanh niên thiếu nữ, mặc quần áo dân sự, thường được An ninh Nội chính dùng để lang thang tại các nơi công cộng, nghe ngóng những gì người ta nói. Hai người thanh niên liếc mắt nhìn ông khi họ ngồi xuống bên chiếc bàn kê sát cửa. Ông cầm tiền lẻ, đi trở lại máy điện thoại. Ông quay một số quen thuộc. Người điều hành ở tổng đài bảo ông phải cho vào máy bao nhiêu tiền. Sau một lúc, ông nghe tiếng chuông reng từ ngôi nhà Dòng Tên màu xám tọa lạc bên sườn đồi nhìn xuống Sông Volya. “Phải cha Ley đó không?”
“Tôi đang nói chuyện với người nào đây?”
Sắp buột miệng xưng tên mình bỗng ông nhớ ra, “Xin bảo ông ấy,” ông nói, “bảo ông ấy có Tonio đây.”
“Tonio?”
“Vâng.”
Tonio là tên các bạn gọi đùa ông trong thời gian trong thời gian ông cùng cha Jan Ley theo học thần học ở “nhà Greg” — Trường Ðại học Gregorian ở La mã. Cha Jan là người độc nhất trong xứ sở này biết tên đó của ông. Ông chờ. Cha Jan bị què và phòng ông ở xa nơi đặt máy điện thoại. Trong khi chờ, ông tự hỏi mình về một người khác, kẻ đang nghe lén, trong thời gian máy điện thoại im lìm tạm lắng này. Kế đó ông nghe tiếng động mạnh trong tai mình khi có ai đó lóng ngóng chụp vào giá máy điện thoại, cầm ống liên hợp lên.
“Tonio, come stai? E dove stai?”
“Tôi mạnh khoẻ, thưa cha,” ông nói. Ông nghĩ là dùng tiếng Ý nói với nhau thì chẳng khôn ngoan chút nào. Ðối với kẻ đang nghe lén kia mà làm như vậy thì có vẻ đáng nghi và dĩ nhiên, băng ghi âm sẽ bị đem ra dịch lập tức. “Nói cho tôi biết,” ông nói. “Cha có nghe Hồng y Bem nói sao không?”
“Nói về cái gì?” cha Jan hỏi.
“Xin cha làm ơn. Liệu cha có biết chắc là ông ấy còn ở trong thành phố không? Có thể ông ấy đang đi xa. Có thể đó là lý do khiến chúng ta chẳng nghe ông ấy nói như thế nào cả.”
“Tonio, cha nói nghe thiệt tức cười. Cha có tin không, những người ‘măng tô’ mới điện thoại cho tôi một giờ trước đây. Họ muốn biết lần sau chót tôi nói chuyện với Ðức Hồng y là vào lúc nào. Khi tôi hỏi tại sao, họ bảo: —, hình như ông ấy biến mất.”
“Biến mất?”
“Vâng, toàn bộ câu chuyện rất lạ lùng. Tôi vừa nói chuyện với cha Finder, một trong các thư ký của ông ấy. Cha ấy nói chính những người măng tô đã vào Nhà Chung đêm qua mang ông ta đi theo cái họ gọi là quản thúc bảo vệ. Họ cho rằng có ai đó mưu sát ông ấy. Cha hiểu sự thật của câu chuyện ấy ra sao,
Tonio?”
“Tôi ư?”, ông nói. “Làm sao tôi biết được chuyện đó? Tôi chỉ biết một điều là, nếu Ðức Hồng y bị bắt thì chúng ta sẽ không có được câu trả lời nào cho bản thỉnh nguyện của mình.”
“Ðúng thế,” cha Jan nói. “Tôi có thể giúp được gì cha đây, Tonio?”
“Ðược, được,” ông nói. Tôi đang thắc mắc không biết mình có nên vay mượn cha chút đỉnh không. Khoảng một ngàn đồng. Không biết cha có dư số tiền đó không?”
“Dĩ nhiên có. Tôi gởi tiền tới chỗ nào?”
“Tôi hi vọng mình sẽ đến thủ đô. Cha còn tới nghe xưng tội ở Santa Maria không?”
“Còn. Mỗi buổi sáng, từ bảy tới chín giờ.”
“Tốt. Ðược, có lẽ tôi sẽ tới đó sáng mai. Và thưa cha, tôi cũng cần lời khuyên bảo của cha về tâm linh nữa.”
“Tôi sẽ có mặt ở đó. Mang theo tiền cho cha.”
“Cám ơn cha.”
“Ciao, Tonio. A domani.”
“Ciao, Giannino,” ông nói.
Khi ông gắn ống điện thoại vào lại giá máy thì cửa nhà bếp mở đánh rầm một tiếng, cô hầu bàn trẻ ông thấy hồi nãy đi vào, mang trên tay chiếc khay có mấy ly nước đá lạnh. “Xin lỗi, thưa ông. Ông dùng gì không ạ?”
“Không, cám ơn cô.”
Ông bước theo chiếc hông đong đưa của cô khi cô đi trở ra chỗ bán cà phê. Len lỏi qua các chiếc bàn trống, ông quyết định cách tốt nhất là nên hỏi người nào đó về phương hướng. Hai thanh niên mặc quần bò đang chơi đô-mi-nô. Người mặc sơ-mi xanh ngắm nghía cô hầu bàn lúc cô đi qua.
Khi ra tới con đường bên ngoài, ông nhìn ngược nhìn xuôi tìm tấm bảng báo trạm dừng của xe khách liên tỉnh. Không có tấm bảng nào. Ông đứng đó, lưỡng lự. Một bà lão đi về phía ông, đeo chiếc bị vải dơ dáy bẩn thỉu. Tới ngang ông, bà hé bị ra, cho thấy bên trong bị có rất nhiều trái anh đào. “Này ông ạ,” bà nói, nở nụ cười a tòng ra với ông. “Thứ này là phần tôi được chia đấy. Lấy một ít nhé.”
Ông lắc đầu từ chối không mua. “Xin phép hỏi bà,” ông nói. “Ở thị trấn này có trạm xe khách hay ga xe lửa nào không?”
“Ga xe lửa ở đường Kocharma, thưa ông. Kế con đường đằng kia.” Bà lão đưa tay chỉ con đường trước mặt. “Mấy trái anh đào này,” bà nói, “Tôi muốn bán tống bán khứ tối nay cho hết. Tôi bán rẻ lắm.”
“Ðể khi khác,” ông bảo bà. “Và cám ơn bà, thưa bà.”
Ðột nhiên bà há hốc miệng, trông như miệng con thằn lằn, phô ra hai hàng nếu đỏ hỏn gần như đã rụng hết răng. “Ông có vẻ giống một người nào đó — một vị nào đó, thưa ông. Người ta có nói với ông là trông ông có vẻ giống với ai đó không?”
“Ô, chẳng người nào nói như vậy cả,” ông nói. Ông đưa tay lên chào từ giã bà bằng cái vẫy tay mà làm xong ông mới nhận thấy nó giống cử chỉ ban phép lành. Ông phải rời các con đường của thị trấn này càng sớm càng tốt. Tới lúc này chắc đã báo động ra ngoài rồi. Chắc chắn viên đại tá và người của ông ta đang lùng sục các ngã đường. Ông đi tới con đường mà bà lão đã chỉ cho và thấy đằng trước cái rõ ràng là một nhà ga, một toà nhà gạch, xây kiểu Ðức vào thế kỷ trước, gờ mái và cột từng có thời trang trí đầy hoa văn nay bị che khuất phần nào bởi một lối vào kiểm soát an ninh “hiện đại hoá”, che bằng mấy tấm bảng gỗ và kính, dựng lên để lục soát hành khách trước khi cho phép họ hợp lệ bước vào ga. Ông thận trọng đi về phía nhà ga nhưng không thấy có ai đứng gác trong trạm an ninh. Khi đi qua trạm để vào bên trong ga, ông thấy có hai người lính mang tiểu liên AK loại tự động đang đi về phía ông. Ông dừng bước, cảm thấy mình bắt đầu run. Lúc đó, xuất hiện trong tâm trí ông một câu, làm cơn run dịu lại. Tôi không một mình, Ngài đang ở cùng tôi. Ông tiếp tục bước. Hai người lính đưa mắt nhìn ông nhưng không chặn ông lại.