Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.048
123.234.828
 
máu hồng y
Brian Moore
Chương 20

hai mươi


Người phục vụ và nhân viên văn phòng nhìn chòng chọc chiếc xe hòm lúc nó đậu lại trong sân giữa của Nhà Chung; những bóng người chạy tới, những giọng nói, những thăm hỏi, trong khi ông vội vã đi về phía cầu thang lên khu vực riêng của mình. Ðiện thoại reng liên hồi và ông trần truồng trong phòng tắm, nói vọng ra chỉ thị cho cha Kris Malik đang ở phòng kế bên. Sau đó, với Tomas giúp mặc quần áo, ông dùng bộ tu phục chính thức của sứ vụ mình: áo tu sĩ, dải quấn lưng bằng lụa đỏ thẩm, mũ hồng y đỏ, thánh giá đeo trước ngực. Trong chiếc gương ba mảnh, ông thấy lại một con người khác, biểu tượng cho thẩm quyền của Giáo hội và chính Giáo hội; trong khi đó Tomas đang lui cui nhặt bộ quần áo phế thải ông vừa bỏ ra.


“Con xử sao đây với những cái này, thưa Ðức giáo chủ?”


“Chờ chút.” Ông bước tới chiếc áo len, lục bên trong tìm xấp tiền thủ tướng đã đưa. Ông xé tờ giấy gói có ghi số điện thoại của Urban, rồi đưa xấp tiền cho cha Finder. “Cha cầm cái này, sung vào quĩ xây cất cơ sở tôn giáo.”

 

“Thưa Ðức cha,” cha Kris vừa nói vừa đi ra từ chỗ đặt máy điện thoại trong phòng sách. “Con vừa nói chuyện với Ðài Truyền hình Quốc gia. Họ nói chúng ta có thể thu hình trước rồi phát sau. Họ không được phép truyền hình trực tiếp mà không biết trước những gì sắp phát biểu.”


“Tôi không phản đối việc thu vào băng rồi mới truyền hình,” ông nói. “Nhưng toán công tác thu hình phải tới đây, thực hiện tại Nhà Chung. Còn về cha Tổng thư ký thì sao?”


“Ðức ông Grabski ư? Cha ấy sắp tới, thưa Ðức cha.”


“Còn cha Ley?”


“Chúng con đã cho xe đi đón cha ấy, thưa Ðức cha.”


Ông quay sang cha Finder đang đứng đợi với một xấp các mẩu giấy ghi lại những cú điện thoại nhận được trong thời gian ông vắng mặt. “Ðã làm lễ mồ cho Joseph chưa?”


“Rồi, thưa Ðức cha, tại nhà thờ chính toà. Ðức ông Jelen chủ tế.”



“Tốt. Cha Kris này, xin cha vui lòng điện thoại tới Tòa giám mục của Ðức Tổng giám mục Krasnoy và xem thử liệu tôi có thể nói chuyện với ông ấy ngay bây giờ không?”


Ông thấy cha Kris lưỡng lự. Có thể như thế sao — không, cha Kris không thể ở trong số những người đang chống lại tôi.


“Con xin lỗi, thưa Ðức cha,” cha Kris nói. “Con chưa có thì giờ trình bày. Khi có lời tuyên bố vào ngày chúa nhật vừa qua nói rằng cha bị chính quyền bắt giam, Hội đồng Giám mục đã triệu tập một cuộc họp vào trưa nay tại đây. Ngay lúc này, có lẽ Ðức Tổng giám mục Krasnoy đang trên đường rời Gneisk.”


Như thế, rốt lại, Thiên Chúa dẫn đường cho tôi. Tôi đã không đi Gneisk. “Sẽ có bao nhiêu Giám mục tới đây dự?”


“Bảy, thưa Ðức cha. Ðức cha Ziemski đang bệnh.”


“Có Giám mục nào biết tôi đã trở về không?”


“Không, thưa Ðức cha, chưa.”

 

“Tốt. Chúng ta hãy cứ để như vậy. Này cha Finder?”


“Thưa Ðức giáo chủ?”


“Khi các Giám mục tới đây, xin cha đưa họ vào phòng khách chính như thường lệ. Nhưng đừng nói là tôi trở về rồi. Lúc nào họ đến — khoảng hai giờ?”


“Vâng, thưa Ðức cha. Sẽ họp lúc hai giờ.”


“Nhưng nếu người phục vụ hay nhân viên nào đã kể với các vị ấy thì sao?” cha Kris nói. “Hoặc nếu chính quyền tuyên bố rằng cha đã trở về — chắc chắn chính phủ sẽ có lợi thế khi nói rằng cha đã trở về bình yên vô sự và rằng họ đã không bắt cóc cha.”

 

“Ðúng, cha có lý,” ông nói. Ông lấy mảnh giấy ông đã xé từ gói tiền ra. “Cha gọi số này và nói tôi muốn nói chuyện với Thủ tướng về một vấn đề khẩn cấp. Làm liền đi. Và cha Finder này, khi nào cha Ley đến thì đưa vào gặp tôi ngay.”


“Vâng, thưa Ðức cha.” Cha Finder đưa xấp giấy ghi các lời nhắn điện thoại lên. “Về những cú điện thoại và các lời nhắn này thì sao?”


“Ðể đó đã. Lúc này cha lui được rồi.”


Ông quan sát cha Finder quay lưng đi, rồi bước tới cửa phòng sách. Cha Malik đang nói điện thoại.

“Vâng, Ðức Hồng y—— Vâng, chúng ta cứ giữ máy——”


“Cha Kris này?” ông nói, rồi ngần ngại. Tôi có thể nói sao với cha Kris đây? Cha ấy luôn luôn trung thành với tôi. Chẳng có lý do gì nghi ngờ cha ấy cả.


“Thưa Ðức cha,” cha Kris đưa ống liên hợp ra.


Ông chờ một giọng nói quen thuộc. “Hồng y Bem?”



“Thủ tướng? Sẽ có một cuộc họp của các giám mục chúng tôi vào lúc hai giờ chiều nay. Xin ông làm ơn vui lòng hoản lời tuyên bố của chính phủ về việc tôi trở về cho tới lúc, thí dụ như, hai giờ rưỡi. Tôi không muốn các Giám mục biết trước là tôi đang ở đây.”


“Tôi nghe là ông có yêu cầu lấy giờ vô tuyến truyền hình,” thủ tướng nói. “Hi vọng là ông không đang dàn dựng một thủ đoạn nào đó.”


“Lời tuyên bố của tôi sẽ được thu hình rồi mới phát đi. Như ông đã biết, thưa Thủ tướng, chính ông kiểm soát truyền thông chứ không phải tôi.”


“Tốt lắm. Chúng tôi sẽ hoản lại bản tuyên bố của mình. Nhưng lời đồn thì lan rất nhanh, ông biết mà.”


“Tôi biết, cám ơn Thủ tướng.”


Ông đặt ống điện thoại xuống. Trong khi đó, Tomas từ phòng ngủ ông đi ra, tay nắm đai cổ con Bashar dẫn theo. Con chó chồm tới phía ông, vui mừng hoang dại. “Nó nhớ cha, thưa Ðức cha,” Tomas nói. “Cha với Joseph. Từ lúc cha biến mất, nó ngồi ủ rũ suốt ngày suốt đêm.”


“Vậy thì, buông nó ra.” Con chó được giải phóng, chồm lên người ông, quậy lung tung như một con chó con. Ông nghĩ tới một con chó khác, con Dalmatia đang nhìn vào mắt của chủ nó. Urban không lập gia đình: người ta nói ông ta sống đời khổ hạnh. Chúng ta có chung điểm này: mỗi người một con chó ở chân giường. “Này con, này con,” ông vửa gọi vừa vật lộn với con Bashar. Tomas đưa ông chiếc bánh bít-qui, ông đút cho nó ăn, rồi đứng dậy, phủi chiếc áo nhà tu của mình. “Cha Kris,” ông nói. “Chuyện các truyền đơn xuất hiện cuối tuần vừa rồi ra sao?”


“Thưa, chúng con có thấy. Chúng được phân phát lộ liễu ở đây và ở tỉnh Gallin với tỉnh Gneisk.”


“Do ai? Ai cho phép làm việc đó?”


“Một số linh mục quản xứ kể với chúng con rằng Giám mục Charnowski và Tổng giám mục Krasnoy cho phép.”

“Cha có hỏi Ðức cha Krasnoy và Ðức cha Charnowski về việc đó không?”

 

“Ðức ông Grabski có hỏi. Cả hai Giám mục ấy đều nói họ không biết gì về việc đó.”


“Cha có tin họ không, cha Kris?”


“Con chẳng biết tin vào cái gì nữa, thưa Ðức cha. Chúng con đã phát hiện là các truyền đơn đó được in tại đây, trong thành phố này.”

 

“Ở chỗ nào?”


“Tại một nhà in bí mật trong quận Praha. Nó được gọi là CK. Năm ngoái, họ in một số bài thơ của Lork, và vào lúc có nổi loạn về lương thực, họ in truyền đơn kêu gọi dân chúng khởi nghĩa.”


“CK?”

“Chiến sĩ Kitô, thưa Ðức cha. Ðó là một nhóm nhỏ, nhưng đức ông Grabski tin rằng nó có liên hệ với Hoa thịnh đốn.”


“Làm sao cha ấy biết chuyện đó?”

 

Cha Kris mỉm cười. “Con không nghĩ là cha ấy biết, thưa Ðức cha. Như cha đã biết, thỉnh thoảng cha ấy lẫn lộn giả thuyết với thực tế.”


“Cha Kris này,” ông nói. “Xin cha vui lòng— Nếu cha không ở bên phía tôi— thì nay là lúc cha nói lên việc đó—”

“Cha có ý nói gì, thưa Ðức giáo chủ.”


“Cha có nghĩ tôi là người ham danh vọng, đang câu kết với chính quyền không?”


“Thưa Ðức cha, sao cha lại hỏi con như vậy?”


“Chờ chút. Nếu Giáo hội, bằng một cách biểu dương nào đó, có thể đưa xứ sở này lâm vào một loại bế tắc thấy rõ, thì liệu chúng ta có thể đạt được những nhượng bộ của chính quyền không?”


Ông thấy người thư ký của mình ngần ngại. “Ðó chỉ là ức đoán thôi, thưa Ðức cha, nhưng theo con thì có thể được. Con nghĩ là người Nga sẽ để yên cho tướng Urban tự mình giải quyết vấn đề theo cách riêng của ông ta.”


“Cha nói là ‘sẽ’, cha Kris. Phải chăng đó là câu cha trả lời tôi? Phải chăng cha có tham dự vào việc này?”


“Không, thưa Ðức giáo chủ,” cha Kris nói. “Sao cha có thể nghĩ như vậy được?”


“Tôi xin lỗi.” Ông đặt tay lên vai cha Malik. “Nhưng ta biết tin ai đây? Làm thế nào những việc này xảy ra mà tôi không hay biết?”

 

“Thưa Ðức cha,” cha Finder hiện ra nơi ngưỡng cửa. “Cha Ley đã tới. Có thể lên đây ngay không ạ?”

 

Ông không nhìn cha Kris nữa, quay qua cha Finder. Cha Finder có đáng tin không? Ðột nhiên ông cảm thấy hổ thẹn. Dĩ nhiên tôi phải tin cha ấy. Khi ngươi muốn người ta xử sự với ngươi như thế nào thì ngươi hãy xử sự với người ta như thế ấy.


“Không,” ông nói. “Tôi sẽ xuống nhà dưới.”


Trong hành lang chính, ông thấy cha Jan Ley, dáng người yếu ớt nhỏ thó, quấn quanh cổ chiếc khăn len dù ban ngày trời đang ấm. Ông bước tới, ôm cha Jan, “Giannino.”


“Tonio. Ðang xảy ra chuyện gì vậy?”


Nhưng vào lúc đó có hai linh mục trong ban thư ký đi đi lại lại trong hành lang, chuyện vản, nấn ná, thầm lén quan sát họ. “Tới đây, Giannino,” ông nói và dẫn cha Jan vô căn phòng nhỏ, đúng căn phòng ông đã nói chuyện với vợ của Joseph vào đêm Joseph bị giết. Thêm lần nữa, ông mặt đối mặt với bức tượng Ðức Giêsu to lớn, dựng ngay bên trong cửa ra vào, và thêm lần nữa bàn tay của bức tượng ấy đang đưa lên trong cử chỉ truyền thống khi ban phép lành, dường như cảnh giác ông nên thận trọng trong những lời mình nói ra.


“Ðang xảy ra chuyện gì vậy?” cha Jan hỏi thêm lần nữa ngay khi vừa đóng cửa. “Có cảnh sát và công an ANNC đầy đặc như đàn ong chung quanh chỗ này.”


“Tôi là đối tượng được chính phủ bảo vệ.”



“Nghe vậy tôi mừng lắm,” cha Jan nói. “Cha biết mà, bằng việc trở về đây là cha đã đặt mình trong hoàn cảnh rất nguy hiểm, đúng không?”


“Cha có nghe chuyện các ba-rắc ở Praha bị nổ tung hôm qua không?”

 

“Ôi lạy Chúa,” cha Jan nói. “Vậy đúng rồi. Họ đang có kế hoạch khủng bố.”


“Ai? Ðức cha Henry Krasnoy ư?”


“Tôi không nghĩ như vậy. Kẻ đứng đằng sau vụ này nguy hiểm hơn Giám mục Krasnoy nhiều.”

 

“Cha có nghe nói tới một nhóm gọi là Chiến sĩ Kitô không?”

 

Ông thấy cha Jan nhìn chằm chặp pho tượng Ðức Giêsu, như thể pho tượng sơn ấy vừa nói lên điều gì đó. “Thưa Ðức giáo chủ,” cha Jan nói chầm chậm. “Người nào đề cập tới Chiến sĩ Kitô vậy?”


“Thủ tướng. Sáng nay, ông ta còn nói với tôi về vụ nổ bom ở Praha.”


“Ôi, lạy Chúa,” cha Jan lại kêu lên. Ông ấy đi tới bàn, ngồi xuống một trong những chiếc ghế đặt quanh bàn. “Vâng, có thể như vậy.”


“Nhưng họ là ai?”


“Cha còn nhớ Waldemar Keller không?”


“Tôi chưa gặp ông ấy lần nào,” ông nói. “Có phải ông ấy có xuất bản một tạp chí bí mật của giới trí thức Công giáo? Ấn hành ở Luân đôn, phải không? Tôi nghĩ là ông ấy cực lực chống đối bản hiệp ước tôn giáo của chúng ta với chính quyền.”


“Vâng, ông ta trước đây sống ở Luân đôn. Chú của ông ta là Hoàng thân Radors Keller, cha còn nhớ không — Mặt trận Dân tộc ngày trước?


“Cha nói rằng trước đây sống ở Luân đôn. Phải chăng lúc này ông ta đang ở đây?”


Cha Jan Ley nhún vai, “Nếu các ba-rắc ở Praha bị đánh bom thì tôi nghi chính là ông ta.”


“Vậy việc đó phải chăng có liên quan tới các tờ truyền đơn?”


“Cha có ý nói gì, Tonio?”


“Chúng được in tại một nhà in bí mật, ở đây. Nhà in đó gọi là CK. Chiến sĩ Kitô.”


Có ai đó gõ cửa. “Vâng?”

 

Cha Finder. “Người Ðài Truyền hình Quốc gia tới rồi, thưa Ðức cha. Chúng ta sắp xếp cho họ chỗ nào?”


“Lần vừa rồi chúng ta thu hình chỗ nào?”


“Trong phòng sách của cha, thưa Ðức cha.”

 

“Vậy được. Ðưa họ vô đó.”



Nhưng cuối cùng có quyết định rằng ông nên thu hình ở bao lơn Nhà Chung với hậu cảnh rõ rệt của thủ đô đằng sau lưng.


“Ðể dân chúng có thể thấy rằng Ðức Hồng y đã trở về và rằng không có gì dối trá,” người giám đốc đài

truyền hình nói. “Làm như vậy có được không, thưa Ðức giáo chủ.”


“Dĩ nhiên là được.”


Ông đã viết đôi lời ra giấy, lúc này ông nhanh chóng nhớ lại. Khi máy thu hình chú mục vào ông và người của đài truyền hình nói vào chiếc mi-crô cầm tay, “Ðức Hồng y Stephan Bem, cuộc phỏng vấn này diễn ra hôm nay tại Nhà Chung ở Ðường Laziena.”


Viên giám đốc gật đầu, ra hiệu cho ông bắt đầu. Nhìn vô ống kính, ông cảm thấy bứt rứt lấn cấn, như thể đang nhìn thấy chính mình trên màn ảnh truyền hình, đang nghe chính mình phát biểu và có vẻ những lời nói ra đó là do ai nhắc từng tiếng.


“Anh chị em thân mến. Trong mấy ngày vừa qua, đã có một tường thuật lầm lẫn rằng tôi bị chính quyền giam giữ. Tôi muốn phát biểu một cách minh bạch rằng lời loan báo ấy không đúng sự thật. Không lúc nào tôi bị chính quyền giam giữ cả. Tôi đã rời Nhà Chung đến một nơi nghỉ ngơi để dọn mình cho Ðại hội Năm mươi năm vào ngày mai ở Rywald. Tôi sẽ tham dự Ðại hội, và trong Ðại hội đó, chúng ta sẽ vinh danh nửa thế kỷ các Chân Phước Tử Ðạo. Xin chúc lành cho tất cả anh chị em.”


Người giám đốc bước tới. “Xin lỗi, thưa Ðức cha, nhưng Ðức cha hơi khựng ở đoạn giữa. Ðức cha có muốn làm lại không ạ?”

 

“Thôi,” ông nói. “Cám ơn ông nhiều lắm. Cái này tối nay mới phát hình, phải không?”


“Vâng, thưa Ðức cha. Nó sẽ được phát trong giờ tin buổi tối.”


Khi người của đài truyền hình đi rồi, ông nán lại trên bao lơn, nhìn xuống sân lớn của Nhà Chung. Có hai chiếc xe đậu lại và những người khác bắt đầu tới. Ông thấy những hình dáng quen thuộc, xuống xe, chào hỏi nhau, kiểu cách nhưng thân thiện, giống như các thủ lãnh bộ tộc gặp nhau trên đất trung lập. Vài Giám mục trẻ hơn ông còn hầu hết thì cùng thế hệ với ông. Ông thấy Giám mục John Charnowski, cao, bộ mặt lỗ chỗ và nghiêm khắc, phần người bên trái run rẩy vì bệnh Parkinson. Ông ấy là một trong hai Giám mục có thể đã cho phép phân phát truyền đơn. Ông thấy Giám mục Charnowski nhìn quanh sân, rồi đi tới phía Giám mục Kott, kéo ông ấy sang một bên. Các Giám mục khác còn trò chuyện với nhau; và lúc này, đang được cha Finder đưa vào sảnh đường chính. Và rồi, trong khi ông quan sát họ đi vào thì chiếc xe cuối cùng chạy vào sân. Ðó là chiếc Buick kềnh càng của Mỹ, lóng ngóng vụng về giữa các xe châu Âu nhỏ hơn. Tài xế nhảy xuống, mở cửa hông. Tổng giám mục Krasnoy bước ra, nhìn khắp sân rồi đưa mắt nhìn chằm chặp lên các cửa sổ Nhà Chung.


Lập tức ông lùi người lại, nép mình vào chỗ khuất gần đó.


Phòng khách lớn của Toà Tổng giám mục là nơi theo thông lệ, được dùng để tổ chức các Hội nghị Giám mục. Ðó là một đại sảnh rộng và tối, các ghế ngồi có thiếp viền vàng đúng theo thể thức; trên vách, những bức tranh sơn dầu vẽ chân dung các Hồng y và các Giám mục tiền nhiệm lúc này nhìn xuống những người kế tục mình. Khi tới gần cửa phòng khách, ông thấy các Giám mục chưa ngồi xuống, người phục vụ đang chuyền quanh bàn các ly trà và bánh ngọt nhỏ. Ông vội vàng bước vào. “Chư huynh,” ông nói. “Xin chào.”


Những khuôn mặt ấy quay về phía ông. Khắp phòng sững sờ im lặng vì sự có mặt đột ngột của ông. Vài người lập tức bước tới như thể vấn an ông. Những bàn tay nắm lấy ông, những giọng nói cất lên thăm hỏi đủ thứ. Trong khi vừa cười vừa gật đầu, ông đưa mắt nhìn Tổng giám mục Henry Krasnoy lúc này đang bước theo chiều ngang của khách sảnh, quay lại và nhìn Giám mục John Charnowski, trao đổi nhau một liếc mắt như thể xác nhận trong lòng đang lo ngại.

 

“Chư huynh,” ông nói. “Xin mời ngồi.”


Ông chờ đợi các chiếc ghế thiếp vàng được người phục vụ đẩy tới sát bàn họp dài. “Tôi được biết rằng cuộc họp này triệu tập là vì sự vắng mặt của tôi. Cám ơn Thiên Chúa, tôi đã trở về bình an và mạnh khoẻ. Tôi không bị chính quyền bắt giam như dư luận đã đề quyết. Tôi bị một nhóm khác bắt giữ. Có ai trong chư huynh biết về nhóm này không?”


Yên lặng.


Ông nói tiếp. “Vấn đề quan trọng là thế này. Trong khi tôi vắng mặt thì có phân phát các truyền đơn kêu gọi một cuộc biểu dương toàn quốc vào ngày thứ Năm tới, hai ngày sau Ðại hội Năm mươi năm tại Rywald. Ðiều làm cho tôi chú ý là truyền đơn ấy được viết theo cách ngụ ý rằng Giáo hội thông đồng với cuộc biểu dương đó. Thế thì, tôi xin hỏi chư huynh. Có ai biết người viết tờ truyền đơn này không?”


Lại yên lặng. Cuối cùng vị Giám mục niên trưởng Kott lên tiếng, “Khốn nạn, nếu tôi mà biết. Nó không được phân phát trong giáo phận của tôi.”


“Giáo phận của tôi cũng không,” Giám mục Wior nói. “Của tôi cũng vậy,” các giọng khác nói.

 

“Vậy nó được phân phát ở đâu?” ông hỏi.

 

“Tại Gallin,” Giám mục John Charnowski nói.

 

 “Và tại Gneisk,” Giám mục Henry Krasnoy nói.


“Và tại đây, ngay trong giáo phận của tôi,” ông nói. “Tôi thấy nó được phân phát bởi các cậu học sinh trường Santa Maria. Và các cậu ấy liền đó bị công an ANNC bắt. Lúc này, tôi xin hỏi chư huynh. Các truyền đơn đó xuất phát từ đâu? Tôi nghe nói là chúng được in tại đây, trong thủ đô này.”


Ðức ông Grabski, Tổng thư ký, lúc này phát biểu, “Thưa Ðức Giáo chủ, quả thật chúng được in, được phân phối tại đây và nhiều địa điểm khác nhau trong giáo phận này. Con đã cố gắng tìm cho ra ai cho phép làm việc đó, nhưng con xin lỗi mà thưa rằng, trong vấn đề này có cái gì đó mơ hồ.”


“Vậy ai trong giáo phận của cha cho phép phân phát chúng?” ông quay qua hỏi Giám mục Charnowsky.
Bộ mặt lỗ chỗ ấy nhìn ông, lạnh lùng, có vẻ thách thức, “Thưa Ðức giáo chủ, chính tôi cho phép.”


“Và trong địa phận của cha nữa?” ông hỏi Tổng giám mục Henry Krasnoy.


“Chính tôi viết tờ truyền đơn đó,” Giám mục Krasnoy nói.


Lập tức tiếng ồn ào huyên náo nổi lên chung quanh bàn. Ông đưa tay lên chặn tiếng rì rào đó lại. “Xin cám ơn chư huynh,” ông nói. “Bây giờ, tôi muốn nói rằng tôi không chấp nhận những tình tự được phô diễn trong tờ truyền đơn đó. Sẽ không có biểu tình hoặc bất cứ hình thức biểu dương nào như một hậu quả của Ðại hội Rywald ngày mai. Ðại hội Rywald là để vinh danh Thiên Chúa và các Chân Phước Tử Ðạo mà chúng ta cầu xin chư vị sẽ được phong thánh vào một ngày nào đó. Như chư huynh đã biết, Giáo hội có sức mạnh lớn lao trong quốc gia này. Sức mạnh ấy do Thiên Chúa ban cho chúng ta. Sức mạnh ấy được ban cho chúng ta để cứu rỗi các linh hồn của người dân chứ không để kích động chính trị. Thưa chư huynh, tôi không cần phải nhắc nhở chư huynh về điểm đó. Có thể sẽ còn những vấn đề mục vụ khác mà chư huynh muốn thảo luận với tôi vì chư huynh đã đi đường xa đến tham dự cuộc họp này. Nhưng lúc này, xin chư huynh vui lòng bỏ qua cho tôi và xin chư huynh vui lòng bỏ qua cho Tổng giám mục Krasnoy và Giám mục Charnowski, tôi xin phép được gặp riêng hai vị ấy trong phòng riêng của mình. Xin cám ơn.”


Ông đứng lên, ban phép lành và rời bàn họp. Trong hành lang, ông đứng lại, chờ, trở lưng với hướng cửa phòng họp, cho tới khi nghe có tiếng chân người bước ra. Ông quay lại. Tổng giám mục Henry Krasnoy, nét mặt hồng hào, trầm tĩnh, đứng đối mặt ông. Ðằng sau, ép chặt cánh tay đang run lẩy bẩy vào sát lồng ngực là Giám mục John Charnowski. “Xin đi theo lối này,” ông nói. “Có thang máy.”


Trong hộp thang máy Thụy sĩ nhỏ, được đặt mấy năm trước đây khi vị tiền nhiệm của ông bị đau tim, ông dẫn cả hai tới khu vực riêng của mình. Không ai nói với ai lời nào cho tới khi ông mở cửa phòng sách, mời vào. Con Bashar nằm lơ mơ trên chiếc mền, ngước mắt nhìn lên, rồi lại vùi mũi vào giữa hai chân. Giám mục Charkowski bước tới cửa sổ, nhìn xuống, rồi quay người lại, “Tại sao có quá nhiều công an cảnh sát bên ngoài như vậy?” ông ấy nói. “Có thật là có ai đó mưu sát cha? Có đáng tin không đó?”


“Thật.”

“Tại sao anh ta mưu sát cha?”


“Anh ta?” ông đăm đăm nhìn Giám mục Charnowski. “Cha biết người đó ư?”


“Dĩ nhiên không,” Giám mục Charnowski nói, giận dữ. “Thư ký của cha kể chuyện đó cho tôi nghe, cha

Kris Malik đó.”



“Tôi xin lỗi,” ông nói. “Sau những ngày vừa qua, tôi e rằng mình trở thành kẻ đa nghi quá đáng. Cha John, xin tha lỗi cho tôi. Cha hỏi tôi về anh ta phải không? Tôi được biết anh ta là con của Anton Danekin.”

Thêm lần nữa ông thấy cả hai liếc nhau, nhanh như hai lưỡi kéo xắp xuống. “Danekin, vâng,” Giám mục John Charnowski nói. “Ông ấy là thủ lãnh kháng chiến thời thế chiến — một nhà đại ái quốc.”


“Có thể. Nhưng chuyện này là con trai của ông ta, Gregor.”

 

“Tại sao?”


“Có thể tôi lầm, nhưng tôi nghĩ hình như anh ta coi tôi là chướng ngại vật cho một kế hoạch nào đó mà quí vị đang có trong đầu.”

 

Nét mặt hồng hào của Giám mục Krasnoy tối sầm lại như đang sôi máu thịnh nộ, “Cha nói cái gì, thưa Ðức Giáo chủ? Phải chăng cha ngụ ý chúng tôi âm mưu giết cha? Cha điên rồi sao?”

 

“Tôi hy vọng là không,” ông nói. “Và thêm lần nữa, tôi xin lỗi nếu không có bằng chứng về sự đa nghi quá đáng của mình. Như chiều nay cha đã xác nhận, cha Henry, rằng cha là tác giả tờ truyền đơn đó. Các truyền đơn đó do nhóm Chiến sĩ Kitô in. Danekin là thành viên của nhóm Chiến sĩ Kitô.”


“Ai nói với cha như vậy?” Giám mục Krasnoy nói, to giọng trấn áp.


“Không ai cả. Ðây là giả thuyết. Tôi biết rằng em gái của anh ta, người lái xe đêm mưu sát tôi, là thành viên của nhóm đó.”

 

“Cái gì?” Giám mục Charnowski, tay run lẩy bẩy vì tê liệt, quay qua Giám mục Krasnoy. “Henry, thế này là thế nào?”

 

“Tôi chẳng dính dáng gì tới chuyện đó,” Giám mục Krasnoy nói. “Vâng, tôi có biết Danekin. Tôi có biết gia đình đó. Gregor, người con, có thời là đảng viên đảng Cộng sản và là người nghiện rượu. Anh ta và cô em, cả hai, là người quá khích. Nếu anh ta mưu sát Ðức giáo chủ thì là do anh ta tự ý hành động — hoàn toàn chống lại mệnh lệnh!”

 

Gian phòng yên lặng. “Chống lại mệnh lệnh của ai?”


Không ai trả lời.


“Mệnh lệnh của cha, phải không Henry?”


“Dĩ nhiên không. Tôi không là thành viên của Chiến sĩ Kitô.”


“Nhưng cha biết họ chứ?”


Giám mục Krasnoy không trả lời. Giám mục Charnowski đánh hắng. “Vâng, chúng tôi có biết họ. Họ là một nhóm ái quốc, một nhóm Công giáo, những người không hài lòng với đường lối hiện nay của Giáo hội.”

“Họ không hài lòng về những điểm nào?”

 

“Vâng—” Giám mục Charnowski lưỡng lự. “Họ không tin vào việc hợp tác với chính quyền, như cha đang làm.”

“Hợp tác!” Giám mục Krasnoy lớn giọng, gây hấn. “Hợp tác với những kẻ nhắm hủy diệt đức tin của chúng ta và biến đất nước này thành nô lệ.”


Ông đăm đăm nhìn Giám mục Krasnoy thật lâu. “Cha có nhận ra là cha đang nói cái gì không? Tôi là Giáo chủ của xứ sở này với thẩm quyền trong tôi được trao phó bởi Ðức Thánh cha. Cha đang sỉ nhục vai trò của tôi và đang coi thường ý nguyện của tôi. Cha có muốn mang cái tội đó trên lương tâm mình không? Có muốn không?”

 

Giám mục Krasnoy vội vàng nhìn Giám mục Charnowski nhưng ông này ngó qua chỗ khác như thể không muốn nói chuyện với ông ta. Thấy vậy, Giám mục Krasnoy bước tới cửa sổ, đứng lại đó, xoay lưng lại với cả hai người.

 

“Tôi biết rằng điều tôi đang làm là nghiêm trọng, thưa Ðức giáo chủ. Nhưng tôi hành động theo lương tâm mình. Các lực lượng nhất định đang chuyển động và chặn chúng lại là việc quá trễ. Thẳng thắn mà nói, tôi không muốn chặn chúng lại. Ðây là niềm tin của tôi và tôi nghĩ đó cũng là ý kiến của Giám mục Charnowsky, rằng trên đất nước này, trong tình trạng hiện nay, giáo hội không có được cái vai trò lãnh đạo mà nó xứng đáng phải có.”

 

“Vai trò lãnh đạo, Ðức cha Henry? Vậy loại vai trò lãnh đạo nào mà cha đang nghĩ tới trong tâm trí cha?”


“Tôi đang nói tới vai trò lãnh đạo mới của giáo hội tại các nước khác. Thí dụ tại Nam Phi. Cha biết tôi muốn nói tới cái gì mà.”


“Tôi không biết. Cái tôi biết là cha, một cách riêng, chớ chấp nhận vai trò lãnh đạo hiện nay của Giáo hội tại Nam Phi. Dù gì đi nữa chúng ta không phải là nước Nam Phi mà là một nước trong khối Sô viết. Ở đây, không thể thi hành bất cứ giải pháp cực đoan nào. Chúng ta có thể đạt được những nhượng bộ càng ngày càng nhiều của chính quyền này. Chúng ta có thể thúc đẩy họ có những biện pháp cải thiện điều kiện sống của người dân. Nhưng chúng ta chỉ làm được điều đó khi nào chúng ta hành động có trách nhiệm và vào những thời điểm thích hợp. Ðó là quan điểm của Ðức Thánh cha, như cha cũng đã biết.”

“Nhưng lúc này chính là thời điểm thích hợp,” Giám mục Krasnoy nói. “Ðất nước này đứng sau lưng chúng ta.”


“Sau lưng ai? Các nghiệp đoàn không muốn cuộc biểu dương này. Họ không xách động việc đó. Cha phát động việc đó, phải không? Và cha chẳng biết chút mảy may gì về việc chỉ huy một cuộc đình công hoặc thương thảo với chính quyền. Cha Henry, tôi đang hỏi cha. Ðừng bắt buộc tôi phải tường trình việc này với La mã!”


“Thưa Ðức giáo chủ, tôi không ép buộc cha làm điều gì cả. Cha phải làm điều cha nghĩ là đúng. Và tôi cũng thế. Bây giờ, xin phép cha, tôi phải trở về Gneisk để hoàn tất việc chuẩn bị cho đại hội ngày mai.”


“Chờ chút,” ông nói. “Cái bài giảng cha viết mấy hôm trước đó, cái mà cha dự tính đọc ngày mai đó, tôi đã bảo cha xé nó đi và viết cái khác. Cha đã làm như vậy chưa?”


Giám mục Krasnoy không trả lời.

 

“Tôi sẽ có mặt tại Krasnoy ngày mai,” ông nói. “Sau thánh lễ, chính tôi sẽ đọc huấn từ. Chứ không phải cha. Ðã rõ chưa?”


“Tôi là giám mục địa phận Gneisk,” Giám mục Krasnoy nói. “Rywald ở trong địa phận của tôi.”


“Tôi là Hồng y,” ông nói. “Chúng ta không thảo luận thêm về việc này.”


“Vậy, xin phép cha,” Giám mục Krasnoy nói. Ông ấy bước tới cửa và dừng lại. “Cha John, cha có muốn đi nhờ xe không?”


Giám mục Charnowski đang ép chặt cánh tay run lẩy bẩy sát vô hông mình, ngước mắt lên nhìn chằm chặp rồi nói, “Không, cám ơn, tôi có xe của mình.”


“Vậy tôi sẽ gặp cha ngày mai, tại Rywald.”


Cửa đóng. Giám mục Charnowski nói, “Xin phép cho tôi ngồi, thưa Ðức giáo chủ. Cái chân khốn khổ của tôi nhức quá.”


“Cứ tự nhiên, cha John. Ngồi xuống đi.”

 

Giám mục Charnowski ngồi cứng đơ trên chiếc trường kỷ bọc da, đối mặt với bàn giấy chất đầy giấy tờ. Ðầu ông bắt đầu lắc lư, run rẩy không ngừng, như thể ông không còn kiểm soát nổi các cử động của mình. “Ðức cha Henry bảo tôi— Ông ấy nói rằng Chiến sĩ Kitô mang cha đi vài ngày chỉ để ngăn việc cha chặn lại những gì chúng tôi đang hy vọng. Tôi không biết chút gì về việc kia. Tôi không bao giờ là người làm hại cha.”

 

“Nhưng cha đã hy vọng vào những gì, cha John? kể tôi nghe.”


Chiếc đầu lắc lư của vị giám mục cao niên tạm ở yên một chỗ trong khi ông ấy cố thốt nên lời. “Một cuộc

biểu dương ý chí của dân tộc. Một tiếng thét vang dội rằng ‘Không’.”


“Cha John này, hãy trả lời tôi. Cha có nghĩ là Ðức Thánh cha muốn xứ sở này biến thành một bãi chiến trường không?”


“Tôi chẳng còn biết La mã muốn cái gì nữa,” ông lão ấy nói. “Ðức Thánh cha tuần này ở đâu? Nhật bản? Ba tây? Ai biết?”

 

“Hôm qua, các ba-rắc lính nổ tung. Do bởi Chiến sĩ Kitô.”


“Các ba-rắc ở đâu?” đầu ông lão lại bắt đầu lắc lư.


“Tại Praha.”

 

“Nhưng ông ấy chỉ nói, có thể là đình công, bãi thị—”

 

“Ai— cha John, ai?”

 

“Keller,” vị Giám mục già nói. “Waldemar Keller.”


“Có phải ông ta là thủ lãnh của Chiến sĩ Kitô?”


Giám mục Charnowski cúi đầu xuống, ngồi thật yên trong một lúc như thể đang bị chóng mặt. “Nếu ông ta đánh bom các ba-rắc lính— tức là ông ta đã dối gạt chúng tôi— Tôi phải nói với ông ta. Tôi phải nói với ông ta ngay bây giờ.”


“Cha John, đem tôi đi theo với.”

 

“Không thể được. Cha đang bị công an ANNC vây quanh. Họ sẽ đi theo cha.”

 

“Ông ta hiện ở chỗ nào? Có phải đang ở trong thành phố này?”

 

Ðầu của Giám mục Charnowski lại bắt đầu lắc lư run rẩy,

 

“Cha John, trả lời tôi đi.”


“Ông ta hiện ở Rywald và đang chờ chúng tôi. Tôi sẽ tới đó tối nay. Tôi sẽ nói với ông ta.”


“Thế thì cha cho tôi nhắn với ông ta điều này. Nếu có thêm hành động khủng bố nào, tôi sẽ thúc giục dân chúng tẩy chay những kẻ gây ra các hành động đó. Còn nữa, tôi sẽ từ chối làm phép bí tích của tôn giáo chúng ta và sẽ dứt phép thông công bất cứ người nào ủng hộ những kẻ đó.”


Vị Giám mục già, đầu lắc lư, mắt nhìn ông chằm chặp, không nói nên lời.


“Cha John,” ông nói. “Cha sẽ kể lại với ông ta chứ, cha John?”


Chầm chậm, trong đôi mắt màu hạt nhãn đang đăm đăm nhìn ông, ông thấy tươm thành những giọt nước mắt, những giọt lệ của vị Giám mục cao niên ấy ứa ra, rung rung lăn xuống má. “Vâng, thưa Ðức giáo chủ. Và xin tha lỗi cho tôi.”



Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10    11    12    13    14    15    16    17    18    19    20   21    22   
Brian Moore
Số lần đọc: 1405
Ngày đăng: 21.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về Từ Cõi Chết 3: Tai Nạn - Elie Wiesel
Về Từ Cõi Chết 2: Rạng Sáng - Elie Wiesel
Casanova ở Bolzano - Márai Sándor
Về từ cõi chết - Elie Wiesel
Mắt xanh mỏ đỏ - Gào
Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời - Imre Kertész
Quỷ Trần Gian - Thái Bi
Đi tìm thượng đế - Trường Thanh
Vì ta cần nhau ! - Đổ Quỳnh Anh
Biết đâu địa ngục thiên đường - Nguyễn Khắc Phê
Cùng một tác giả
máu hồng y (truyện dài)