Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.054
123.234.904
 
máu hồng y
Brian Moore
Chương 22

hai hai


Những đám mây đen đột nhiên xuất hiện trên bầu trời xám buổi sáng rồi tuôn thành cơn mưa rào mùa hạ ào ạt trút nước xuống mặt đường. Nước nổi bọt bong bóng chạy dọc theo xa lộ khi xe ông lao vào vùng ngoại ô của Gneisk. Ðằng trước xe ông, hai chiếc Lada xanh của công an ANNC phóng nhanh tới các giao lộ, kiểm tra dẹp đường. Ðằng sau, hai chiếc Lada xanh khác chạy theo thật sát, chở đầy người mặc “măng tô” có vũ trang. Trước khi rời thủ đô, ông thông báo cho ANNC biết nơi đến của mình, và lúc này họ hộ tống, dẫn đường xe ông như thể họ là những kẻ tháp tùng chính thức. Trong vùng ngoại ô thành phố Gneisk, đoàn xe giảm tốc độ khi bắt gặp xe cộ của người hành hương đang nối đuôi nhau. Xe hàng nhét đầy hành khách quá số ấn định, ngồi vắt vẻo trên mui. Xe gắn máy chở ba chở tư. Khi xe vượt qua thành phố, tiếp tục tiến lên hướng núi Jasna thì gặp thêm các xe tải không mui của các nông trang và xe ngựa của các gia đình nông dân, xa phu đứng sau càng xe, nôn nóng quất vun vút lên lưng ngựa để tới cho kịp giờ.


Lúc này, dọc đường bắt đầu thấy các lá cờ giấy màu vàng và trắng của hội thánh tại những lễ đài bên vệ đường, thờ kính Ðức Trinh Nữ, những lễ đài bằng đá nhỏ bé này vẫn tồn tại suốt bốn mươi năm nay dưới sự cai trị của Cộng sản. Phía trước là ngọn núi cao chót vót và tháp nhà thờ Rywald. Dân chúng nhận ra xe của ông khi xe chạy ngang họ theo một lộ trình đã được cảnh sát dẹp đường. Tiếng hoan hô lan dần và giáo dân trong những chiếc xe khác cúi đầu cung kính khi ông đưa tay lên vẫy chào theo cử chỉ ban phép lành. “Người hành hương đông đảo hơn bao giờ hết,” cha Kris vừa nói vừa nhìn ra ngoài cửa sổ xe.

 

“Tôn giáo hay hoạt động chính trị đây?” ông hỏi. “Họ tới đây để thờ phượng Thiên Chúa hay để thách thức chính quyền?”


“Ðương nhiên là để thờ phượng, thưa Ðức cha. Con tin rằng ngày nay, đức tin của dân chúng mạnh mẽ hơn lúc nào hết trong lịch sử của chúng ta.”

 

“Cha Kris, cha thật sự tin như vậy sao?”


Ông cảm thấy người thư ký của mình bứt rứt. Sau một lúc, cha Kris nói, “Cha có ý nói gì, thưa Ðức cha?”


“Tôi nghĩ rằng dân chúng của chúng ta hiện nay đang dùng tôn giáo như một loại sinh hoạt chính trị. Ðể nhắc nhở mình rằng chúng ta là một dân tộc Công giáo trong khi kẻ thù của chúng ta thì không. Ðể nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là một quốc gia cho dù tên của xứ sở chúng ta đang bị xóa khỏi bản đồ. Ðó là toàn phần của ký ức tập thể và chúng ta ấp ủ nó. Nhưng liệu những cái đó có dính dáng chút nào tới tình của chúng ta yêu thương Thiên Chúa không?”


“Thưa Ðức cha, có thể nó mang chúng ta tới gần Thiên Chúa hơn.”


“Tôi đang thắc mắc. Chúng ta vào chật ních các nhà thờ có phải vì chúng ta yêu thương Thiên Chúa hơn trước đây không? Hoặc chúng ta làm như vậy vì hoài tưởng quá khứ, hay tệ hơn nữa, để thách thức chính quyền? Bởi vì nếu quả thật chúng ta làm như vậy thì, cha Kris ạ, chúng ta đang phỉ báng Thiên Chúa.”

Xe cảnh sát lại bắt hầu hụ còi khi họ đi vào con đường hẹp bên đường đang đậu dọc dài hai dãy xe mà người đi các xe đó lúc này đã nhập vào đoàn người đến bái lạy, đi bộ lên những triền dốc dưới chân núi, và khởi sự leo dần lên theo các con đường mòn, ngang qua những lễ đài dựng các thánh giá bằng đá thô nhám xù xì. Con đường hẹp độc nhất dẫn từ chân núi tới Ðài Rywald bị ngăn lại bằng những rào chắn bằng gỗ. Hai linh mục nhận ra ông, nhắc rào gỗ qua một bên, cung kính vẫy cho xe đi qua,


Con đường lúc này trống trải. Các xe cảnh sát chạy theo xe ông để lại đằng sau lũ lượt người bán hàng rong, bán các bức tượng nhỏ rẻ tiền bằng nhựa, các tràng chuỗi làm bằng hạt trai giả. Ngang đường, phía trên, giăng các biểu ngữ mừng đón lễ kỷ niệm các Chân Phước Tử Ðạo. Xe đi thêm vài trăm thước thì hết đường. Ðằng trước, trong quảng trường rải sỏi mé dưới nhà thờ, ông thấy đậu khoảng ba chục chiếc xe của các linh mục và các chức việc, những người tới nhà thờ từ sáng sớm để chuẩn bị lễ lạc. Khi xe họ vào quảng trường, năm sáu người, nam có nữ có, xông tới. Vài người mang máy quay phim, vài người cầm máy ghi âm hoặc dụng cụ ghi âm. Ông nói với cha Kris, “Không phỏng vấn. Không ý kiến.” Ông rướn người tới trước, chỉ đường cho Tomas. “Lái qua ngả kia. Chúng ta đậu xe phía trên quảng trường, ngay sau liêu để đồ thờ.”


Tránh báo chí, xe họ đi lên theo một con hẻm nhỏ dẫn tới bên hông nhà thờ. Công an ANNC hoang mang, đề máy cho xe nổ lại và theo sau. Tại lối vào bên hông nhà thờ, Giám mục Cihon, tổng thư ký ban tổ chức đại hội đang đứng chờ.


“Xin chào Ðức giáo chủ. Mừng Ðức cha tới Rywald.”

 

Giám mục Cihon, người cao lớn oai vệ, đã mặc sẵn áo lễ. Khi bước ra nghênh đón, ông ấy căng thẳng đưa mắt nhìn các công an ANNC nhảy xuống xe Lada và lập tức dàn thành một vòng đai quanh cửa hông nhà thờ, mắt xoi mói mọi ngõ ngách. “Có gì trục trặc vậy?” Giám mục Cihon hỏi, giọng hồi hộp.

“Chẳng có gì,” ông nói. “Các ông ấy có mặt đây để bảo vệ tôi.”


Một công an ANNC tách khỏi hàng, bước tới trước mặt ông. “Xin lỗi, thưa Ðức giáo chủ. Có điều sẽ thuận lợi hơn nếu chúng tôi biết Ðức cha sắp ngồi chỗ nào trong nhà thờ và sẽ làm những việc gì trong nửa giờ sắp tới.” Người công an ANNC ngó đồng hồ của mình. “Thưa Ðức cha, thánh lễ bắt đầu cử hành đúng ngọ, phải vậy không ạ?”


“Vào lúc trưa, vâng,” ông nói. “Trong khi chờ đợi, tôi muốn được một mình. Tôi sẽ đi vào liêu ngay bây giờ và thay lễ phục. Rồi tôi ở lại trong liêu cầu nguyện, cho tới lúc thánh lễ sắp bắt đầu. Lúc đó tôi phải đi vào nhà thờ, theo sau một toán rước nhỏ và ngồi vào chiếc ghế của mình phía bên tay mặt bàn thờ chính. Nếu ông đi vào nhà thờ, ông sẽ thấy ngay chiếc ghế đó và vị trí của nó. Cuối phần thánh lễ, tôi sẽ lên toà giảng, phát biểu một huấn từ ngắn, nó sẽ được phát đi bằng loa phóng thanh cho những đứng ở sườn núi nghe rõ. Phát biểu xong, tôi đi xuống hàng rào tay vịn trước bàn thờ và loan báo phần rước lễ. Cử chỉ đó sẽ bắt đầu phần phụng vụ rước lễ. Các giáo dân trong nhà thờ sẽ lên rước lễ. Nhiều linh mục khác cũng sẽ cho rước lễ những người hành hương đang đứng ở các sườn núi. Và rồi sao nữa?” ông quay sang Giám mục Cihon.


“Sau phần phụng vụ, chúng ta sẽ đi xe tới Nhà Chung của Tổng giám mục Krasnoy dùng cơm trưa,” Giám mục Cihon nói.



“Xin cám ơn Ðức giáo chủ,” người công an ANNC nói. “Tôi có thể đặt trong khu vực bàn thờ bốn người của tôi không? Tôi bảo đảm là không ai thấy họ.”


Ông nhìn Giám mục Cihon, “Cha nghĩ sao?”


“Con không biết làm như vậy để làm gì?” Giám mục Cihon nói. “Ai muốn làm hại cha, thưa Ðức cha?”

Người công an ANNC lơ câu ấy và nói với ông, “Xin cảm phiền Ðức cha, tôi chịu trách nhiệm trước tướng Vrona về sự an toàn của ông. Xin ông vui lòng giúp chúng tôi.”

 

“Ðược rồi,” ông nói. “Nhưng chớ để cho cộng đoàn thấy những người của ông. Cha Kris, mấy giờ rồi?”

“Mười một giờ ba mươi lăm, thưa Ðức cha.”

 

“Vậy chúng ta hãy đi vô liêu. Tôi muốn duyệt lại bài giảng xem có ý sửa chữa gì nữa không. Tomas, anh mang dùm đồ đạc đi theo tôi.”


“Ðức Tổng giám mục Krasnoy có nhắn lời xin lỗi,” Giám mục Cihon nói. Họ đi lên thềm nhà thờ, dọc theo hành lang bên hông dẫn tới liêu để đồ thờ và là nơi thay lễ phục. “Dường như giờ chót có vấn đề về loa phóng thanh và Ðức cha Krasnoy phải đi xuống Gneisk để thảo luận với các thợ điện. Ðức cha ấy sẽ có mặt với chúng ta khi bắt đầu phần nghi lễ.”


“Thưa Ðức Giáo chủ, con có vào trong liêu với cha không?” Cha Kris Malik hỏi khi họ tới trước cửa liêu.

“Không, không cần thiết. Cha chỉ cần xem lại người của ANNC coi họ đóng những chỗ nào. Ðừng để người ta thấy họ.”


“Vâng, thưa Ðức cha.”


Tomas khuân theo chiếc va-li nặng nề, mở cửa liêu và đứng qua một bên chờ ông bước vào trước.

Bước vào liêu, ông ngạc nhiên khi thấy bên trong không có nhiều linh mục. Thông thường, vào những dịp như thế này, nhất định là phải có nhiều tu sĩ vào tụ tập nơi đây và lăng xăng thay lễ phục. Nhưng trong liêu lúc này chỉ có hai linh mục, một đã mặc áo lễ màu vàng xanh và linh mục kia đang mặc áo an-ba, áo chùng trắng mặc lót giữa áo chùng thâm và áo lễ, đang loay hoay sửa chữa cái lư trầm bằng bạc hình như bị vỡ. Cả hai cúi đầu cung kính. Linh mục mặc áo lễ nói, “Xin kính chào Ðức giáo chủ. Xin cha đi theo lối này, chúng con có một phòng ở đây để cha thay lễ phục và nghĩ ngơi chờ tới lúc bắt đầu nghi lễ.”


Nói xong, linh mục mặc áo lễ dẫn ông đi qua liêu, vào một phòng nhỏ kế bên. Phòng được trang trí bằng các tủ gỗ trệt dùng để cất khăn trải bàn thờ và áo lễ. Gần đó, có một chiếc bàn dài, trên đặt các chén thánh bằng bạc dùng cho rước lễ. Trong góc phòng, có chiếc ghế lưng dựa cao, bằng gỗ thông, loại ghế dùng để ngồi đọc kinh. Linh mục mặc áo lễ mỉm cười, cúi đầu lui ra để ông ở lại một mình trong phòng với Tomas. Tomas lập tức mở va-li, lau sạch một chỗ trên mặt bàn dài, bắt đầu lần lượt trải bộ lễ phục màu đỏ thẩm của ông, theo từng lớp một.

 

Ông nhìn lên khung cửa sổ nhỏ trên cao. Nó có song sắt và một luồng nắng chiếu xiên xuống tựa như ánh sáng thiêng liêng soi trên những chiếc tủ gỗ trong đó chất các chồng áo lễ. Ông mở cặp táp, lấy ra mấy trang giấy viết tay mà ông đã chuẩn bị đêm qua. Ðặt chúng bên mép một chiếc tủ trệt, ông sắp nó lại theo thứ tự đã đánh số và mở nắp cây bút máy Waterman đã cũ của mình. Trong khi làm như vậy, ông nghe tiếng cửa mở sau lưng. Có hai linh mục mặc áo an-ba, bên trong là áo chùng thâm, đi vào phòng, đóng lại cánh cửa sau lưng họ.


“Xin kính chào Ðức giáo chủ,” linh mục thứ nhất nói. Tóc nâu lơ thơ chởm lên giống như hào quang từ đằng sau chiếc đầu hói màu hơi đỏ. Ông ta cười, khẻ nhún đầu cung kính. Linh mục kia trẻ, với bộ râu đỏ lưa thưa. Ông ta là Prisbek. “Linh mục” thứ nhất vén áo an-ba lên, rút từ trong túi sâu của chiếc áo chùng thâm ra một khẩu súng lục, vẩy mũi súng về phía Tomas. Chính khẩu súng bóng loáng đó, hơn là bộ mặt, làm ông nhớ ra người “linh mục” này. Nó chính là khẩu súng lấp lánh đã chỉa vào ông ba ngày trước tại trạm kiểm soát ở Ricany.


“Bỏ cái đó đi, đại tá,” ông nói. “Ở đây không cần tới cái đó.”

 

Người có bộ mặt hồng hào ấy nhún vai. “Thật ra, đại tá Poulnikov là tên dùng trong chiến trận,” ông ta nói. “Và cha hoàn toàn đúng, thưa Ðức giáo chủ. Poulnikov là tên Nga. Ðúng ra, tên thật của tôi có gốc Ðức. Keller. Waldemar Keller. Tôi tin là cha có biết chú của tôi. Ông ấy là thành viên của chính phủ lưu vong tại Luân đôn trong thời thế chiến.”


“Tôi có nhớ tên của ông ấy,” ông nói. “Nhưng lúc đó tôi mới mười lăm tuổi và sống ở đây. Ông ấy còn sống chứ?”


“Chú tôi đã chết năm năm trước,” Keller nói. “Nhưng tôi hy vọng lý tưởng của ông ấy sống mãi.”


“Thật vậy sao!” ông nói. “Và ông nghĩ chú của ông cũng sẽ mưu sát một Hồng y của Giáo hội sao?”


“Chúng tôi không mưu sát cha!” Keller nói. Má ông ta ửng một màu đỏ rồi lan lên tới chiếc trán hói màu hồng. “Kẻ mưu sát cha đã đi ngược lại mệnh lệnh của tôi. Hắn là một thằng điên. Chúng tôi chưa bao giờ có ý định làm hại cha.”

 

“Nhưng chính ý định của các ông là bắt cóc tôi, giam giữ tôi, trong khi các ông âm mưu với Tổng giám mục Krasnoy đưa đất nước này lâm vào một tình trạng nổi loạn có tính cách nội chiến. Liệu chú của ông có chấp nhận chiến thuật khủng bố — làm nổ tung các thanh niên vô tội trong khi họ đang ngủ không?”


“Cha đang nói tới cái gì?” Keller nói, giận dữ. “Các thanh niên nào?”


“Những người lính trẻ mà ông cố giết vào hai đêm trước đây trong các ba-rắc ở Praha.”


“Chúng là lính của chính phủ,” Keller nói. “Các ba-rắc là mục tiêu quân sự. Cha cho rằng những tên lính đó được sử dụng để làm gì, nếu không phải để kềm kẹp chúng ta dưới ách thống trị của Cộng sản?”


“Các mục tiêu quân sự?” ông nói. “Tôi không biết là chúng ta đang lâm chiến. Họ là những người lính của chúng ta — họ hầu hết đều bị bắt đi nghĩa vụ quân sự lúc tới mười tám tuổi — họ là đồng bào của ông và của tôi. Và ông là ai, cho dù là bất cứ ai đi nữa, mà quyết định rằng chúng ta phải đi vào một thập niên khác với bạo động, bắt bớ, tù đày và chết chóc? Ông đã hứa với Giám mục Charnowski và với Tổng giám mục Krasnoy khốn khổ, mà theo những gì tôi biết, rằng sẽ không có bạo động. Nhưng ông muốn bạo động, phải không, ông Keller? Ông đang sử dụng Giáo hội như một kẻ bị lừa bịp. Và dự tính của tôi là không để cho xảy ra chuyện đó.”


“Thưa Ðức giáo chủ, nếu cha không chấp trách thì tôi xin nói, sự việc lúc này đã ở ngoài tầm tay của cha. Cha sẽ không dự phần nghi lễ trưa nay. Chằng may, cha ngã bệnh. Chúng tôi sẽ gọi xe cứu thương chở cha tới bệnh viện ở Gneisk, ở đó cha sẽ bị giữ lại và chăm sóc chu đáo trong vài ngày. Khi hồi phục, cha sẽ được xuất viện. Lúc đó, cha cứ mặc tình phát biểu hết thảy những lời nào mà cha muốn. Tôi hy vọng đến lúc đó, cha sẽ tự mình xác định được cha là cái gì, một kẻ ham địa vị và là một tên hợp tác với một chế độ vô thần.”


Ông xoay lưng lại với Keller, đưa mắt nhìn Tomas đang cầm dải thắt lưng đỏ sậm và đang ngó chằm chặp vào những kẻ đột nhập. “Tomas,” ông nói. “Tôi mặc lễ phục vào bây giờ,”


Keller cười lớn, “Tại sao cha muốn mặc lễ phục? Cha sắp vô nhà thương chứ không phải ra dự thánh lễ.” Ông ta nâng súng lên, chỉa tới. “Ngồi xuống!”


Làm như không biết tới cử chỉ đó, ông bắt đầu cởi áo ngoài. “Tôi đã bảo ngồi xuống!” Keller nói.


“Tại sao tôi phải ngồi xuống? Có phải vì ông sắp bắn tôi? Nếu tôi bị bắn thì việc đó không chút nào ăn khớp với kế hoạch của ông. Sau lời tuyên bố của tôi được truyền đi tối qua, tôi e rằng không ai tin là tôi bị công an ANNC bắn.”

 

“Cha Prisbek,” Keller nói. “Bắt đầu đi chứ.”


Ông thấy cha Prisbek bước ngang phòng, đi tới bồn rửa tay nhỏ bên cạnh tủ đựng áo lễ. “Ðược rồi, Tomas,” ông nói. “Anh giúp tôi quấn dải băng này vào.” Ông chui đầu vào chiếc áo lễ phục màu đỏ thẩm, Tomas bắt đầu quấn dải băng đỏ thẩm chung quanh hông ông. Ông thấy Keller ngồi trên chiếc bàn dài, đong đưa hai chân.


“Cha cực kỳ ngạo mạn, đúng không?” Keller nói, “Tuy thế, tôi giả dụ nó được thêm vào một chút thuốc men nào đó khi cha đang mặc áo lễ. Ngã bệnh trong khi đang mặc lễ phục! Tại sao không? Cha Prisbek?”

Cha Prisbek đang lom khom trên bồn rửa tay, nói, “Chờ chút. Cái ống hút bị——”


“Lẹ lên!” Keller nói. Ông ta đứng dậy, chỉa súng lục vào Tomas. “Tới đây,” ông ta nói. “Quì xuống.”


Ngay lúc đó, cha Prisbek từ bồn rửa mặt quay lại, cầm trên tay một ống tiêm. Tomas lưỡng lự bước tới phía Keller. “Quì xuống đây,” Keller ra lệnh. Tomas sợ hãi nhìn lên. “Ðức giáo chủ!”


Ðột nhiên ông nói, “Tomas, đừng, đừng.” Trong khi ông kêu lên thì Keller nhìn ông, rồi bước tới, dùng súng đập vào gáy Tomas. Tomas ngã xuống đất.



Ông biết mình phải làm gì. Ông chạy tới cửa. Cửa không khoá. Ông kéo bật cửa. Sau lưng ông, cha Prisbek chạy theo bén gót. Ông vọt qua liêu, phóng ra ngoài hành lang. Ông nghe hơi thở họ sau lưng mình, rượt sát ông. Ðúng lúc đó, ông quặt qua một góc hành lang, đẩy được một cánh cửa. Cửa đó dẫn lọt vào nhà thờ.

 

Nhà thờ chật ních người. Khi lướt qua cửa, ông vấp chân suýt té chúi nhủi trên những người đang quì dọc theo gian bên cánh nhà thờ. Âm nhạc, rền vang tiếng khải hoàn, âm thanh đàn phong cầm từ chuồng câu cao phía trên nhà thờ, trên đầu ông. Giáo dân ngạc nhiên, quay nhìn bóng dáng ông trong chiếc áo chùng đỏ sậm. Họ cúi đầu cung kính, tự rẽ lối cho ông đi qua gian nhà thờ đầy ứ người.


Keller và cha Prisbek trong áo an-ba trắng, nét mặt lộ vẻ lo lắng thấy rõ, lật đật bám sát sau lưng ông.

 

“Cha không được khoẻ, thưa Ðức giáo chủ,” Keller nói một cách êm ái. Chồm người tới trước, Keller túm cánh tay ông, rồi quay qua cha Prisbek đang cầm ống tiêm.


“Xin Ðức giáo chủ tiêm thuốc ạ.”


Trên các dãy ghế đen kín người ở gian bên cánh nhà thờ đó, giáo dân đang ngồi đưa mắt nhìn chòng chọc. Keller giữ cánh tay ông, sờ soạng kéo tay áo của ông lên. Cuộc chống trả đã trở thành cuộc ẩu đả không cân sức, ông rán sức hất ống tiêm văng khỏi tay cha Prisbek. “Buông tôi ra!” ông nói, một đợt sóng âm thanh khải hoàn trào lên nhận chìm tiếng nói của ông xuống. Lúc này, có ba người lễ tân chạy vội qua gian nhà thờ.


“Chuyện gì đó? Thưa Ðức giáo chủ, cha không sao chứ?”


Ông nhìn bộ mặt ửng đỏ của Keller rồi ra hiệu cho hai người tiếp tân ấy. “Tôi đi tới ghế của mình bây giờ,” ông nói. Ông thấy Keller rút lui, thấy cha Prisbek sà xuống, lượm ống tiêm lên. “Tới đây,” ông nói với người lễ tân, và họ hộ tống ông băng qua gian bên, vào lối đi chính giữa nhà thờ, bước lẹ làng và quả quyết lên phía bàn thờ. Bên phải bàn thờ là chiếc ghế tông toà với lưng ghế nhô cao. Giáo dân trong các dãy ghế đông đúc và từ các bao lơn bên trên, nhìn ông chăm chú, không hiểu được tại sao ông xuất hiện mà không có toán rước chính thức dẫn đường đúng theo nghi vệ. Ông mở cửa dãy hàng rào sắt quì tì tay rước lễ và đi thẳng lên tầng cấp cung thánh, bái gối trước bàn thờ. Kế đó, ông ngồi vào ghế tông toà, nhìn xuống cộng đoàn. Mồ hôi ướt đẫm lông mày ông, chảy nhỏ giọt làm mắt ông cay xè, Ông cúi đầu. Ngay lúc ấy, âm nhạc ngưng lại, và từ chuồng câu trên cao của ca đoàn, một giọng nữ cao và thuần khiết xướng bài “Ave Maria.”


Ông ngoái nhìn ra phía sau mình. Ở đó, đóng chốt kín đáo sau lưng dãy ghế của ca đoàn là một người của ANNC mặc “măng tô”, và một người khác, cũng khuất tầm mắt của cộng đoàn, ngồi xổm phía sau bàn thờ. Khi nhìn trở lại cộng đoàn, ông thấy cha Kris bái gối trước bàn thờ, bước lên thềm cung thánh rồi cúi xuống hỏi ông:

 

“Ðức Giáo chủ không sao chứ?”


“Không sao. Bao giờ khởi sự nghi lễ?”


“Toán rước đang xếp hàng. Giám mục Wior sẽ làm chủ tế thánh lễ, đồng tế là Giám mục Cihon và cha Pruss. Ðức Tổng giám mục Krasnoy sẽ ban huấn từ sau khi giáo dân rước lễ xong.”


Khi thông báo tin này, cha Kris nhìn ông, chờ ông phản đối.


“Cha nói với họ cứ vậy tiến hành,” ông nói.


“Tốt lắm, thưa Ðức cha.” Cha Kris kinh ngạc, bước xuống các tầng cấp thềm cung thánh và đi vào phía cửa liêu.


Ông nhìn đồng hồ treo ở một bên nhà thờ. Thiếu sáu phút đúng mười hai giờ. Ông nhận ra cộng đoàn đang ngạc nhiên nhìn mình, giáo dân đang chụm đầu vào nhau thì thầm. Ðột nhiên, trên cao, giọng nữ cao thuần khiết ấy của ca đoàn biến mất trong tiếng ầm ĩ chói tai từ khoảng trời bên trên nhà thờ. Ông nhận ra tiếng ầm ĩ đó là âm thanh của máy bay trực thăng đang đáp xuống. Tiếng động ồn ào trở thành điếc tai, rồi giảm dần. Thêm lần nữa, cộng đoàn lại nhấp nhổm, nhìn quanh. Các cửa lớn bên hông nhà thờ mở ra, khoảng hai chục cảnh sát sắc phục và công an ANNC đi vào, dàn thành đội hình, mở một lối đi dọc theo các tín đồ đang quì để vào lối đi chính giữa nhà thờ. Theo sau các cảnh sát công an là một nhóm nam có nữ có mà ông nhận ra là nhóm báo chí nước ngoài ông đã thấy trước đó trong quảng trường. Tất cả di chuyển tới hai hàng ghế đã được dăng dây thừng bọc quanh, sát phía trước cung thánh, ngay phía dưới dãy hàng rào sắt quì rước lễ. Các phóng viên chen lấn nhau, đèn chụp hình nhấp nháy trong khi toàn thể cộng đoàn vô cùng kinh ngạc, xoay qua trở lại trong ghế của mình.

 

Cho tới lúc này, ông không dám chắc điều gì đang xảy ra. Kế đó, khi các phóng viên nhiếp ảnh đã đứng yên và hướng mắt về phía bàn thờ, ông thấy, đi dọc theo lối vào chính giữa nhà thờ là tướng Urban trong bộ quân phục tướng lãnh màu xanh xám như một nhãn hiệu chính trị của mình. Theo chân Urban, có một người bước đi ngập ngừng, như thể đang đi trong bãi mìn của kẻ thù, là dáng dấp nhỏ thó, khúm núm mà nham hiểm của Vrona, trong bộ đồ vét-tông sẩm và cà vạt màu đỏ thẩm, áo sơ-mi bóng mượt, tóc cũng bóng mượt chải dính sát da đầu.


Thủ tướng đi tới dãy ghế có dăng dây. Ông không nhìn quanh, không bái gối trước bàn thờ mà lập tức vào ngồi chỗ chính giữa dãy ghế. Người của ANNC liền đó ngồi tiếp vào hai bên ông. Vrona ngồi vào chỗ chính giữa dãy ghế ngay sau lưng Urban, trong khi các phóng viên báo chí nước ngoài tranh nhau chiếm các chỗ trống còn lại. Ðúng lúc ấy, ngân vang tiếng đàn phong cầm. Qua cửa hông, toán rước gồm các Giám mục và một số linh mục xếp thành hai hàng bắt đầu nối đuôi nhau đi vào và tiến lên cung thánh. Các Giám mục vào chỗ của mình trong dãy ghế vốn dành cho ca đoàn. Các vị chủ tế và đồng tế bước ra chính giữa cung thánh, bái gối. Một trong ba người, Giám mục Wior, kế đó đi tới trước mặt ông và cúi đầu.

Ông quì xuống bàn quì đặt một bên ghế tông tòa. Thánh lễ bắt đầu. Thánh đường dường như sôi động, đầy căng thẳng và hiếu kỳ. Tướng Urban, thủ tướng của một chính quyền Cộng sản, lại đến dự một thánh lễ Công giáo, là một biến cố chưa từng có. Giáo dân xoay đầu nhìn xem ông ta có quì xuống không, nhưng ông ta không quì. Ông ngồi, tay khoanh trước ngực, nhìn chằm chặp vào những gì đang diễn ra như thể ông là một phán quan đang tra xét.


Trong dãy ghế ca đoàn, Tổng giám mục Krasnoy chiếm chiếc ghế đầu tiên, dáng dấp hồng hào của ông nổi bật với lễ phục vàng và trắng ông đang mặc. Ông thấy Giám mục Krasnoy trừng trừng nhìn thủ tướng rồi xem xét khắp nhà thờ và đám đông tín đồ. Các Giám mục khác hình như cũng không chú tâm được vào lời cầu nguyện; ai cũng cảm thấy mơ hồ trong không khí có cái gì đó khẩn trương và bất định, như thể họ đã biết trước những gì Tổng giám mục Krasnoy dự tính nói lên trong huấn từ, và lúc này, mặt đối mặt với kẻ thù, họ ghê người về những gì sẽ xảy ra. Chỉ có Giám mục Charnowski, đầu lắc lư run rẩy vì bệnh tật, là chúi người tới trước, mắt nhắm lại, chìm mình trong lời cầu nguyện cần kíp.


Ðám đông giáo dân chen chúc nhau trong các dãy ghế và giữa các lối đi, chuyển động như một sinh vật khổng lồ mỗi khi họ quì xuống và mỗi khi họ đứng lên. Trong khung cảnh mờ ảo bên trong thánh đường, bàn thờ rực sáng với nến và ánh sáng chan hoà: những tia nắng mặt trời xuyên qua các cửa kính nhiều màu sắc, cao trên chuồng câu ca đoàn, tiếng hợp xướng kyrie-eleison, xin Chúa thương xót chúng con. Tiếng hát cao vút đó được hệ thống loa phóng thanh mang ra ngoài bay bổng đến tận sườn núi, nơi hàng ngàn tín đồ đang quì giữa trời. Ông nghĩ tới lúc các chiếc trực thăng đáp xuống quảng trường bên dưới nhà thờ trước con mắt của biết bao người, và ông hiểu rằng, giống như sự lan truyền nhịp rung của cơn địa chấn, sự kiện cuộc gặp gỡ hôm nay lúc này đã được loan đi khắp nước. Tại sao Urban tới nơi này? Ông ta đã nghe biết gì? Phải chăng ông ta cho rằng sự có mặt của chính ông ta sẽ là một hăm dọa đối với Tổng giám mục Krasnoy và chận đứng được cuộc biểu dương? Trong tâm trí của ông ta đang có những gì?


Từ ghế quì, ông ngó xuống, nhìn vào bộ mặt của thủ tướng. Thánh lễ đang tới giây phút thiêng liêng khi bánh và rượu được biến thành mình và máu Ðức Giêsu Kitô. Ông quan sát thủ tướng khi chiếc chuông lễ nhỏ xíu rung lên, tiếng leng keng yếu ớt của nó được loa phóng thanh mang ra ngoài tới các đám đông phía bên kia các bức tường nhà thờ. Kế đó, khi vị chủ tế đưa cao Mình Thánh Chúa lên cho mọi người bái lạy, ông thấy thủ tướng lưỡng lự trước hình ảnh nhắc nhở lại quá khứ ấy, và bằng một cử chỉ tôn kính không chủ định, ông ta cúi đầu xuống, thật lẹ. Nhìn xuống chiếc đầu hói của Francis Urban, ông nghĩ tới cậu bé cùng học với ông năm nào tại trường học Dòng Tên và nhớ ra rằng cậu bé ấy lúc này đang là người đàn ông hói đầu trong bộ quân phục tướng lãnh, ông cầu khẩn Thiên Chúa cứu rỗi linh hồn bất tử của Francis Urban. Và khi đang cầu nguyện, ông thấy thủ tướng ngẩng đầu lên nhìn ông, như thể nhờ thần giao cách cảm, ông ta đoán ra ông đang cầu nguyện những gì. Chuông lễ lại rung leng keng lần thứ hai. Vị chủ tế đưa cao chiếc chén bạc trong đó rượu nho đã biến thành máu của Ðức Kitô. Toàn thể cộng đoàn lại cúi đầu, trừ Vrona và các công an ANNC, những kẻ đang dương mắt quan sát như thể súng có thể nổ bất cứ lúc nào. Thánh lễ tiếp tục.


Ðã tới lúc sắp rước lễ. Ông thấy, trên dãy ghế của các Giám mục, các chiếc đầu nghiêng vào nhau và bắt đầu thầm thì. Trên bàn thờ chính, vị chủ tế ăn bánh và uống rượu mà cả hai đã biến thành mình và máu của Ðức Kitô. Chỉ ít phút nữa, chỉ vài lằn vạch nhỏ của đồng hồ nữa thôi, có lẽ hàng ngàn giáo dân sẽ rước lễ. Ông thấy Tổng giám mục Krasnoy đứng lên và đi từ dãy ghế của các Giám mục, như thể sắp tuyên bố đã tới phần rước lễ và hướng dẫn người chịu lễ xếp hàng đi lên dãy hàng rào ở tầng cấp cung thánh. Nhưng, Giám mục Krasnoy lại rẽ đường đi về phía toà giảng và trên tay ông ấy cầm một xấp các tờ giấy ghi chú. Vậy thì chẳng phải là tuyên bố về rước lễ. Giám mục Krasnoy đã quyết định đánh lừa ông.

Từ ghề Hồng y của mình, ông đứng bật lên. Ông bước xuống, đi thẳng tới toà giảng đặt ngay mé dưới ghế tông toà. Giám mục Krasnoy đang băng ngang cung thánh để tới toà giảng, lúc này khựng lại giữa đường, và lưỡng lự.


Trong khoảnh khắc hệ trọng đó, vừa đặt chân vào toà giảng, ông cho tay mình lên chiếc mi-crô như đích thân khẳng định nó cho mình, rồi quay mặt lại, nhìn thẳng vào đối thủ của mình. Bộ mặt hồng hào của Giám mục Krasnoy bỗng tối sầm lại như thể sắp lên cơn động tim. Ông ấy dừng lại giữa cung thánh, xoắn chặt xấp giấy ghi trong tay rồi nghiêng mình lảo đảo như thể say rượu hoặc trúng gió, ông quay người về lại ghế của mình.


Ông chờ cho tới khi Tổng giám mục Krasnoy ngồi xuống, rồi, nắm chặt hai mép toà giảng, nhìn đăm đăm vào quang cảnh lặng yên đón đợi trong thánh đường. Ở cánh cửa gian bên thánh đường, ông thấy Keller và cha Prisbek đang đứng sát tường, chờ đợi, lắng nghe. Nhưng ông không sợ hãi họ nữa. Cuối cùng, tôi đã đến được chỗ này. Thiên Chúa ban cho tôi những lời lẽ tôi đang cần tới.


“Anh chị em thân mến,” ông nói. “Tôi phát biểu với anh chị em lúc này, trước khi chấm dứt thánh lễ vì tôi đang ấp ủ niềm hy vọng rằng khi anh chị em chịu lễ Cực Thánh thì trong phút giây đó, anh chị em sẽ cầu nguyện và suy ngẫm những lời tôi có ý nói ra đây.


“Chúng ta tụ họp nhau đây, tại lễ đài thiêng liêng này, là để tưởng nhớ một trăm năm mươi vị nam và nữ đã bị tàn sát vì đức tin của mình, ngay tại đây, đúng ngày này hai trăm năm trước. Số phận của chư vị ấy đã đi vào lịch sử của chúng ta. Ðó là một nhắc nhở rằng có những lúc sự chống lại bạo lực — dù có phải chết đi nữa — thì thích hợp cho con người hơn là sự chuyên chế bạo ngược.


“Hai trăm năm đã trôi qua, và ngày nay, chúng ta vẫn sống dưới chuyên chế bạo ngược: hành động chuyên chế của một thời đại khi niềm tin tôn giáo bị kết dính không gỡ nổi với hận thù chính trị, khi ngày tiếp nối ngày, trong các nước chung quanh chúng ta, người dân vô tội phải mất mạng sống mình vì bom đạn, vì những tấn công khủng bố, phát xuất bởi những trả thù và rửa hận có tính cách tôn giáo và chính trị.

“Tôi là một thủ lãnh bất xứng. Tôi để cho đoàn dân của mình đang đi tới bên bờ vực bạo động, tới sự hoang mang giữa những sai trái đã và đang được thực hiện nhằm ăn miếng trả miếng. Tôi van xin anh chị em hãy suy nghĩ tới cái chết của những người khác. Hãy nhớ rằng kẻ khủng bố và kẻ chuyên chế đều có nhất điểm tương đồng: họ không nghĩ tới những người chết.


“Tôi bảo với anh chị em lúc này. Chớ có cuộc biểu dương ý chí dân tộc và chớ có bất cứ hình thức biểu dương nào. Xin anh chị em nhớ cho rằng, dù chính quyền nào có cai trị chúng ta thì cũng chẳng có gì quan trọng, chúng ta vẫn là một dân tộc tự do, tự do trong tâm trí của chúng ta, tự do trong trạng thái phi tự do. Chính chủ nghĩa anh hùng vô cùng vĩ đại đó đang nói lên lời yêu cầu của nó vào ngày hôm nay; và như thế, chúng ta phong phú với các biến cố, và cũng như thế, chúng ta tràn ngập với những ước ao khắc khoải. Tôi khẩn nài anh chị em. Chúc anh chị em lát nữa ra về bình an.”



Ông cúi đầu, rồi đưa cao bàn tay phải lên ra hiệu cho ca đoàn. Khi đàn phong cầm ngân vang những cung bậc đầu tiên của bản quốc thiều, cộng đoàn đứng lên. Ông nhìn xuống những bộ mặt phía dưới và cảm thấy sự nhiệt tình của họ đối với những lời nói mà Thiên Chúa đã ban cho ước nguyện của ông. Tướng Urban và tướng Vrona cùng đứng lên với những người khác, và vẫn đứng, không hát nhưng nhìn thẳng tới đằng trước. Ông quay lại nhìn Tổng giám mục Krasnoy, khi hai ánh mắt gặp nhau, ông ấy cúi đầu xuống trong một cử chỉ qui thuận.


Bản quốc thiều đang đến hồi cuối. Âm thanh cất cánh vang vọng trong các vòm thánh đường, âm thanh được mang ra tận sườn núi, nơi hàng ngàn tín đồ nối tiếp nhau vào điệp khúc, rồi âm thanh lắng xuống dần, mất hút trong tiếng gió. Thiên Chúa gìn giữ tôi qua những ngày này. Ngài ban cho tôi sức mạnh để thực hiện ý muốn của Ngài.


Ông nhìn khắp nhà thờ, nhìn tới chỗ Keller và cha Prisbek đứng. Lạ lùng thay, ông thấy cả hai đang hát quốc ca. Lời của Thánh Phaolô lại xuất hiện trong tâm trí ông: Lời phán xử của Ngài khôn dò biết bao và đường lối của Ngài bí hiểm biết mấy.


Tiếng nhạc dừng. Ông ra hiệu cho một trong các vị đồng tế. Ông bước xuống toà giảng, cầm chén thánh từ tay một linh mục đang chờ sẵn, ông dẫn đầu các linh mục bước tới hàng rào trước cung thánh để cho giáo dân rước lễ.


Ông đưa Mình Thánh Chúa lên cao, giữ yên một chút cho cộng đoàn đều thấy. Kế đó, khi những người chịu lễ đầu tiên tiến lên và quì xuống trước hàng rào, ông bước xuống gặp gỡ họ. Lòng ông chan chứa hân hoan. Cuối cùng, ông đã hiểu hòa bình. Ông đặt mẩu bánh tròn không men Mình Thánh Chúa trên lưỡi một thiếu nữ. Thụ nhận Mình Thánh Chúa, thiếu nữ ấy nhắm mắt lại, cung kính. Ông lại lấy từ trong chén thánh bằng bạc một Mình Thánh Chúa khác, nâng lên.

 

Nhưng người rước lễ kế tiếp đó không hé miệng. Cô nhìn ông chằm chặp, tròng mắt nở lớn như đang trong cơn hãi hùng, và ông thấy má cô bầm tím với những vết cắt li ti do kính xe vỡ văng trúng vào bốn đêm trước tại Quảng trường Tuyên ngôn. Rồi ông thấy khẩu súng lục cô rút từ xách tay ra. Trong khoảnh khắc ấy ông hiểu: Ðây là ý Chúa. Tuy thế, khi cô em gái của Danekin run rẩy, nâng súng lên, chỉa vào ngực ông, ông cảm thấy phút giây đó mình lưỡng lự. Như thể ông đang đứng bên mép của một lằn nứt tối tăm, không thể thấy được phía bên kia. Sự thinh lặng của Thiên Chúa: liệu nó có thể sẽ thay đổi vào khoảnh khắc cái chết của ông không? Ông nâng Mình Thánh Chúa lên như thể cho cô chịu lễ. Ông thấy ngón tay cô siết cò.


Và nghe âm thanh khủng khiếp ấy.



Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10    11    12    13    14    15    16    17    18    19    20    21    22  
Brian Moore
Số lần đọc: 1412
Ngày đăng: 21.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về Từ Cõi Chết 3: Tai Nạn - Elie Wiesel
Về Từ Cõi Chết 2: Rạng Sáng - Elie Wiesel
Casanova ở Bolzano - Márai Sándor
Về từ cõi chết - Elie Wiesel
Mắt xanh mỏ đỏ - Gào
Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời - Imre Kertész
Quỷ Trần Gian - Thái Bi
Đi tìm thượng đế - Trường Thanh
Vì ta cần nhau ! - Đổ Quỳnh Anh
Biết đâu địa ngục thiên đường - Nguyễn Khắc Phê
Cùng một tác giả
máu hồng y (truyện dài)