Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.082
123.233.471
 
Trên một cung đường
Anh Động
Chương 2

II

 

Vùng Lung Bèo, nơi cách núi Cô Tô khoảng mười kí lô mét. Một khu lòng chảo nước mênh mông, lả chả. Rải rác có những cụm tràm chồi thâm thấp, những đám sậy non lưa thưa “nổi trên mặt nước đồng nhẳn thín màu sáng bạc. Còn lại là trảng trống, cỏ bắc, lúa ma phơn phớt màu xanh rêu. Xa xa, khu vực Bảy Núi : núi Dài xanh rì có mấy cái bứu nhô trên lưng; núi Cô Tô cao và tròn tựa chiếc nón lá úp, màu xanh lá cây, màu đá trắng xen kẻ với lốm đốm, vì nơi ấy đã bị nhiều lần bom rãi thảm của máy bay B.52 Mỹ đến hủy diệt. Nhiều đám mây xám trắng ken nhau thành từng cum vương vướng quanh lưng chừng đỉnh núi.

 

Qua những trận mưa lớn, trở lại nắng ráo. Mấy cánh diều cheo gió tận trên đám mây mạng nhện mù mù cao. Loài quạ rừng đánh nhau táo tác ở cụm tràm gần đó. Tiếng tiếng cúm núm gù loang âm thanh tỏa rộng trên đồng nước nghe ấm và hơi nghẹn ngào. Vài tiếng bom, tiếng đại bác nổ xa xa làm cho loài cá đồng giật mình nhảy rộ.

 

Một chiếc may bay trinh sát L.19 từ hướng căn cứ Chi Lăng bay bê bê trên bầu trời trông như một tên say rượu cô đơn. Nó vừa bay vừa rống lên ồm ồm trong máy phóng thanh : “Hoặc chiêu hồi ! Hoặc tử thần ! Hoặc... hoặc...” Rồi từ trong thân nó phun ra những cuộn khói xám. Nhưng không phải. Ban đầu ai thấy cũng ngỡ là khói hoặc bột hóa chất độc, nhưng sau đó nó bung tỏa ra và rơi xuống lớp chớp từng mảnh nhiều màu sắc. Bây giờ còn ai lạ nữa : chiếc L.19 kia đang rải truyền đơn. Nhiều lá truyền đơn, phải nói là hàng vạn, mỗi lúc một hạ thấp phân tán trên một vùng rộng ở cánh đồng Tứ Giác. Chiếc L.19 đã bay qua, nhưng tiếng phóng thanh của nó vẫn còn vọng lại vang vang trên đồng nước. Những lá truyền đơn đầy màu sắc đã đáp xuống mặt đồng trắng trắng, đỏ đỏ, đầy đầu những đám tràm, đám sậy trông tựa bầy chim từ đâu bất thần hạ cánh.

 

Trong một cụm tràm, hơi mù nhẹ và những lá truyền đơn còn nhún nhảy run run trên ngọn cây, thì bên trong, đơn vị vận tải "Sáu Mươi" đã tận hưởng khoảnh khắc hòa bình. Từng chiếc võng ni lông màu lá cây, màu rong được căn vắt vẻo trên từng cây tràm nầy qua cây tràm nọ.

 

Hai chiếc võng của Lý và Thanh căng cạnh nhau. Người bên nầy, người bên kia. Thanh đang chồm qua để cạo rửa vết thương trên tay cho Lý. Phía dưới bụng những chiếc võng là mặt nước đồng dâng cao lé đé. Vết thương của Lý chỉ toạt một lớp da ngoài. Thanh cột xong, khom đầu cắn mối dây. Tóc Thanh tấp vào cổ Lý. Có lẽ bị nhột nhạt khó chịu, Lý đưa tay đỡ cằm Thanh lên. Hai người nhìn nhau, cười với nhau bằng ánh mắt.

 

Hai chiếc vọng bên kia, Nhị và Hà, hai chiến sĩ gái, căng cạnh nhau. Hà cầm đọc cuốn truyện Kim Vân Kiều cũ nhèm của Lý, mới mượn được. Cầm sách nhưng Hà cứ liếc chừng về phía Thanh và Lý để tìm cách trêu chọc. Hà :

 

- “Trăm năm trong cõi người ta”, cánh tay bị đạn ngẫm mà vui ghê !

 

Rồi cô cười. Nhị cũng cười theo. Nhị vã vào vai Hà. Cô bé Hà láu lỉnh vô cùng, cứ cù lại Nhị. Những chiếc võng chao đảo trên mặt nước lao chao. Thanh quầng quắng xấu hỗ. Lý cười lém lỉnh, với tay lấy cuốn truyện Kiều lại, giả vờ đọc để trả đũa lại Hà :

 

- “Trải qua một cuộc bể dâu”, những điều trông thấy làm tao tức mình.

 

Họ cười ầm lên. Giọng cười vang vang và trong trẻo.

 

Một chỗ, Bình và thằng Kéo, một thiếu niên tân binh ngồi trên hai chiếc võng cạnh nhau. Bình ôm cây đàn măng-đô-lin cũ xì , đàn bài “Lỡ chuyến đò”. Kéo cố hết sức xướng âm theo giọng đàn nhưng hơi cứ lạc xa, trớt lớt đến mấy bậc. Kéo :

 

- “Người nghệ sĩ lăn tuốt xuống mương, ai thèm thương tấm thân sình chương...”

 

Minh căng vòng nằm cạnh Lý, nhưng anh cứ nằm êm, nhai lá tràm non để đắp vào mấy chỗ bị nước ăn lở loét ở kẽ ngón tay, không đá động tới ai.

 

Có một chiếc võng đặc biệt, căng riêng cách biệt mọi người, người nằm trên võng đang trùm kín đầu lại bằng một bức vải dù bông. Chốc chốc anh ta lại nhè nhẹ hé mí mền ra nhìn trộm các bạn rồi đậy lại. Long. Nằm trong mền, Long móc túi lấy một tờ giấy có hình tên lính ngụy đầu đội nón sắt, mình mang đồ trận đứng sát nhau với hình một chiến sĩ Giải phóng đầu đội nón nan, mình mặc đồ lục quân. Hai người choàng tay qua cổ nhau, mặt hướng về một nơi xa xa có nhiều nấm khói bom B.52 Mỹ đàng ùn lên khủng khiếp ! Phía dưới hai hình người có một hàng chữ to : “Các bạn hãy dùng truyền đơn nầy thay cho giấy thông hành”...

 

Mấy ngày nay đơn vị vận tải của Minh cứ ém lẩn quẩn trong con Lung Bèo nầy. Gạo đã hết trước khi đưa hàng đến trạm của thằng Mười Tiếu bên kia kinh Vĩnh Tế. Đã là khó khăn lại gặp chuyện bất ngờ : việc thằng Tiếu ra đầu hàng. Đơn vị hỏa tốc bốc hàng vượt sông về phía bên nầy đất liền của Tổ quốc. Qua một đêm chiến đấu gay go  trên kinh Vĩnh Tế, lẫn về đây luôn từng giờ bị lũ giặc đánh hơi truy đuổi, cả đơn vị đành đói meo. “Đói ăn rau, đau uống nước”, đó là khẩu hiệu thường trực của con nhà lính vận tải ở chiến trường đồng nước nầy.

 

Những lần trước, họ cứ vượt biên giới đi một mạch đến khu vực nầy, đột vào những ấp chiến lược trên bờ kinh xáng, nhờ cơ sở mua gạo là có ăn ngay. Lần nầy, sự đời không tùy thuộc theo ý muốn của họ, đã ba lần tổ chức dùi ra đều bị dội lại vì bọn giặc đã điều đến một chi đội xe lội nước nằm chắn ngang, cản trở trục giao thông của ta. Sáng sớm, bọn lính ngụy nấu ăn ngay trên nắp xe, khói bốc nghi ngút đầy đồng. Độ nửa buổi, đã thành qui luật, chúng căng hàng ngang mỗi chiếc cự ly một trăm mét, càn tới, thụt lui trong một khu vực qui định và cho nổ súng vu vơ vào các cụm rừng chồi cốt để thăm dò xem lực lượng đơn vị vận tải trú ẩn nơi nào. Mỗi ngày một lần, chiếc “cần cẩu” từ thị xã Rạch Giá bay xuống thả hàng tiếp tế những bọc to sù.

 

Đơn vị không còn gạo ăn, cứ chia nhau đi hái rau muống, gạt nai, cỏ bòng bòng, bông điên điển mà luộc. Mấy ngày đầu họ ăn đọt non, riết rồi phải tận dụng đến lá. Rau : sáng rau, chiều rau. Rau ăn mãi nghe tanh tanh làn lạt. Cứ rau luộc nước lã, nước lã luộc rau suông, chẳng một thẻ đường, nhúm muối để nêm dậm chớ nói chi đến thứ bột ngọt. Cơ thể người bị thiếu muối sinh nhiều chứng : nhìn nắng vàng có pha màu máu, tay chân rũ riệt, bụng dạ lõng thỏng, hơi thở rối loạn. Mấy cậu con trai thì thầm với nhau ranừg mấy người nay họ đi tiêu phân màu xanh như sương sáo.

 

Ở chiến trường nầy, cái tàn ác nhất vẫn là nước. Nước làm khốn khổ bọn con trai, làm tội tình các cô con gái đến cùng cực trong sinh hoạt giới tính. Các cô không thể mặc độc một chiếc quần cụt nằm cuộn tròn trong võng mà ngủ như bọn con trai được. Mỗi người chỉ có một bộ đồ. Đêm hành quân : ướt, ngày lội đi cải thiện : ướt, đứng nấu ăn : ướt, tránh máy bay : ướt, lúc nghỉ ngơi : ướt... Nhất nhất phải mang bộ đồ ướt trầm ê mà chịu. Biết sao tránh khỏi nỗi thiệt thòi một khi là thân con gái ? Ai đã tứng thấm thía cải xót của ghẻ nước ăn, cái ngứa của hắc lào thì mới thông cảm phần nào nỗi khổ của các cô gái sống trên chiến trường đồng nước nầy. “Lác khô đi trước, lác ướt theo sau, hai lác gặp nhau, hè gãi !”. Đó là câu vè của Lý sáng tác ra để ngân nga trêu chọc con nhà lính vận tải. Còn câu ca dao mà con bé Hà thường trêu chọc các anh nó thì : “Ô môi xức lác còn hay hơn muồng, lấy chồng bộ đội chở xuồng ô môi”. Nghe vậy, bọn con trai chỉ mỉm cười và nháy mắt cho nhau : Con Hà dùng sai chữ. Phải nói “lấy vợ bộ đội” mới chính xác hơn.

 

Sáng nay phải nói là một buổi sáng hòa bình nhất. Trời trong veo. Một vài tảng mây xám nhạt răn reo vởn vơ lót nền cho vòm cao xanh màu trứng sáo. Hương đồng mùa nước có một mùi chua chua làn lạt, thoang thoảng mùi mật hoa tràm, mùi hoa điên điển. Mùi hương lúa ma trổ sớm hòa lại thnàh mùi hương cốm dẹp.

 

Nước đồng có nơi sâu đến thắt lưng, trắng và trong như rượu, có thể một cây kim may chìm tận đáy cũng nhìn thấy. Nước đầu mùa ở đây có vị chua của phèn, vị chát của cỏ ủ và mùi hôi của bùn khô. Cá đồng rất nhiều. Ban ngày chúng sợ ánh sáng, cứ nấp kín trong những kẹt cây, gốc cỏ chờ có tiếng nổ lớn là hè nhau giật thót quẫy lên một lượt.

 

Cứ chuyện tào lao mãi không gì hấp dẫn, anh em sinh uể oải. Bình gói cây đàn măng-đô-lin lại trong tấm vải mủ, treo lên đầu võng. Sau đó câu ta dùng một nhợ câu có buộc lưỡi, bẻ một đài hoa điên điển móc vòa, quăng xa, và kéo rê lại như người nhấp cá lóc. Minh nhìn xung quanh, anh thấy có có người đã ngái ngủ, có người còn trăn trở trên võng, có người lại hái lá tràm non nhai giập để xoa vào những vết nước ăn lở lầy theo kẽ tay, ngón chân. Màu nắng của buổi sáng đầu mùa mưa trong như bột lọc. Không gian im tuyệt nhiên. Không khí êm ả nầy càng gây cho Minh một cảm giác mơ hồ mông lung. Anh chợt bắt gặp từ bên trong mình một nỗi niềm canh cánh buâng quơ của một cái gì đang dang dang dở dở. Dường như chính mình vừa làm tổn thương một người bạn gái điều gì hoặc làm đổ bể một vật gì thật quí giá. Chuyện xích mích cùng Nhị, cô gái phân đội phó phụ trách chính trị ấy... Thằng Kéo, cái thằng bụi đời kia, phải có biện pháp giáo dục chứ, tai hại là việc nuông chìu chiến sĩ... Nhị có đúng không ?... Chuyện đã nói thẳng vào mặt Nam Hoa, người chính trị viên phó đại độ đội hậu cần rằng đã mất niềm tin về tư cách và cũng như về quan hệ lý lịch của anh ta. Năm Hoa không có bà con với tên Mười Tiếu vừa đầu hàng ư ?

 

Để xóa đi những nghĩ ngợi lang bang nầy, Minh bật dậy với tay ngắt mấy lá tràm cho vào miệng nhai bỏn bẻm. Rồi cũng không biết phải làm gì, anh cứ cầm một que cây quơ quét trên mặt mình. Bất chợt Minh thấy có con chàng hiêu ngồi lim dim trên cành cây gần đó. Sẵn cầm que cây, anh vói đập con nhái chết tươi. Vứt xác nó cho Bình, Minh bảo :

 

- Móc thả xuống nước chút sẽ có cá lóc ăn ngay.

 

Bình cười, làm theo Minh :

 

- Buồn ngủ mà gặp chiếu manh.

 

Bình vừa nói một câu tục ngữ, có lẽ cậu ta vừa học lóm của Lý. Trước mắt Minh, sao Bình đáng yêu quá ! Hai má Bình tròn phính, hồng hào, đôi mắt dài có hàng lông mày vòng nguyệt, tất cả đều gợi lên dáng dóc của một cô gái mặn mà. Tính Bình rất cẩn thận và ngăn nắp. Cậu ta luôn ăn mặc gọn gàng bất cứ ở trường hợp nào. Nằm võng, khẩu AK láng bóng treo đầu nầy, cây đàn măng-đô-lin bọc giấy kiếng kỹ lưỡng treo đầu kia, băng đạn trước ngực, chiếc khăn vải dù hoa ngụy trang choàng ốp sau lưng. Bọn trai nhìn Bình còn thấy yêu say, bảo các cô gái không đeo theo đòi dạy đàn, tập ca sao được ?

 

Cánh đồng phản chiếu màu sắt biếc. Màu rong của những chiếc võng trộn trong mùa xanh lá cây, màu xám của lớp tràm hòa lẫn mùa vải ngụy trang, tất cả đều sáng rực lên. Những con người mặc đồ vá đụp, tay chân nước ăn ghẻ lở, mình mẩy trầy trụa hắc lào, tóc tai vàng hoe râu bắp, mặt mày sần sùi da cốc; các đồng chí của Minh đấy ! Hôm nay sao họ giống những vị thần nằm gọn trong lòng anh ? Bỗng dưng Minh thấy mình bé bổng, ngây thơ một cách kỳ lạ ! Và anh cứ nằm im nhìn Bình.

 

Bình thả chìm con mồi nhái lao chao xuống nước. Mồi vừa tới đất, có hai con cá rô mề chạy đến, dừng lại nhìn sững. Con cá tới trước, sau một hồi xem xét rồi bỏ đi. Con cá tới sau uốn cong cái mình đen trạy, giương hai hàng vây, lao mạnh vào mồi rồi cũng chạy vọt. Nó bỏ lại một cuộn bùn quăn queo sau đuôi. Chốc sau, trong đụm lá lá tràm một con cá lóc ló ra thập thò nhè nhẹ đến bên mồi tỏ vẻ bỡ ngỡ. Minh và Bình đưa mắt nháy nhau, im lặng. Con cá lóc từ từ đưa mỏ ngửi mồi rồi há miệng như ngáp. Con mồi liền chui tọt vào giữa cái mõm đen nhẻm và tròn tựa trái gòn khô của nó. Nó đang thư thả nhấm nháp, trệu trạo dường như cảm giác trong mồi có mùi gì lạ. Minh và Bình cứ ngồi chăm chỉ theo dõi con cá một cách thú vị. Bình trở bộ lấy thế để giật mạnh cho ngạnh câu xốc vào hàm cá...

 

Bỗng mặt đất rung giật. Nước đồng chồm lên liếm bụng võng. Đồng lúc với tiếng cá quẫy rộ, một “cây cột” âm thanh khổng lồ dựng lên hướng biên giới. “Cây cột âm thanh” lụn xuống bắn ra nhiều khối tiếng nổ chát chúa làm tê dại màng tai. Sau tiếng nổ long trời lở đất ấy, đồng cỏ chồm lên, hạ xuống; rừng tràm dựng lên, rạp xuống; mặt nước dâng lên, tuột xuống; vũ trụ bung ra, co vào và chuyển động ầm ầm, ào ào; không gian bể nát ra từng lượn sóng, từng âm hưởng khác nhau cứ đua chạy lan lan đến hơn một phút sau chưa lặng. Ở đây thường có những chiếc máy bay không biết từ đâu tới ném xuống những trái bom bảy tấn làm rung chuyển đồng nước như vậy. Mỗi ngày chúng ném một vài quả theo dọc tuyến biên giới, không thành qui luật. Có lẽ bọn Mỹ ngụy định dùng những “chiếc âm thanh” khổng lồ ấy hòng chẹn vào giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia anh em cho dạt xa nhau ra. Đợt sóng âm thanh lặng xuống, còn lại tiếng động cơ của chiếc máy bay khát máu kéo lê ngang bầu trời nghe như rên rỉ. Và sau đó lại có tiếng lè nhè của chiếc máy bay “đầm già” lúc nãy từ thị xã Rạch Giá bay đến. Anh em rục rịch cuốn dẹp những chiếc võng căng lộ thiên. Từ cụm tràm bên kia, nơi tiểu đội nữ trú quân, tiếng các cô réo lên vơi vơi :

 

- Chiếc “đầm già” đỏ đuôi bay thấp lắm nghêu !

 

- Loại máy bay trinh sát của sư đoàn đó nghêu !

 

Bên nầy Lý vẫn nằm ì trên võng không thèm ngóc đầu dậy, đáp lời :

 

- Kệ cha nó nghêu ! Thứ con mắt bịt bạc đó, sợ gì.

 

Minh vói bẻ mấy nhánh tràm đậy lên người cho Lý. Sực nhớ đến Sơn Nâu, anh chàng người Khơ Me phân đội phó, lúc nãy là bảo lội ra trảng cỏ tìm bắt trứng chim. Minh lầm bầm một mình :

 

- Có tai để nghe ngóng gì không ? Làm sao không được ăn trứng chim mà lại ăn lễ truy điệu mới khốn nạn cho.

 

Bình treo con cá lóc mới câu được trên nhánh tràm, xốc lại yếm đạn, mang súng, mở chiếc võng quấn lại từng nuột như đòn bánh tét, cột vào bên sườn. Cậu ta ngồi trên một cây tràm làm đà bắc ngang. Tất cả lần lượt làm theo Bình. Có lẽ Lý thấy mình nằm nướng hoài sinh trơ trẻn, anh ta tốc bỏ những cành cây ngụy trang, ngểnh người, vươn vai trên võng. Sẵn đà, Lý chồm lên câu tay vào hai cây tràm gần nhất để trông theo chiếc máy bay. Chiếc võng ni lon quằn bụng căng phồng, lắc lay, nhún nhảy. Minh ghìm mũi súng AK kềm võng lại cho Lý. Lý quan sát, ề à thông báo tình hình :

 

- Thằng cha Sơn Nâu ói phở rồi ! Đang lom khom giữa trảng trống như chó ỉa kìa. - Lý chặc lưỡi - Chiếc máy bay đã phát hiện được cha nội rồi.

 

Lý vừa báo dứt, Minh nghe hơi bay của chiếc “đầm già” đổi khác : giọng ngập ngừng, hơi rì rì và lọc cọc tợ người già húng hắng ho.

 

- Đúng rồi !

 

Tất cả kêu lên một tiếng tối nghĩa như vậy và cùng nhìn nhau, nhưng họ đều hiểu ý được nhau. Minh chồm lên, tay câu lấy hai cây tràm đu mình để xem. Theo hướng chỉ của Lý, chiếc máy bay trinh sát L.19 đã “nín thở” lao xuống chỗ Sơn Nâu. Nâu ở giữa trảng trống, chung quanh chỉ có cỏ bắc lất phất. Anh lúng túng, định vùi xuống nước. Nước sóng sánh phản chiếu lấp lóa dưới ánh nắng sớm. Nâu định bườn chạy, lại không. Anh lúng túng. Chiếc L.19 cứ theo độ chúc từ trên lao xuống chầm chậm. Cự ly hai bên mỗi lúc một rút ngắn. Chiếc máy bay kêu lục bục chứng tỏ nó sắp phóng rốc-két vào Nâu. Với mục tiêu di động ở giữa đồng như thế, phải nói là loại máy bay nầy phóng pháo ngay như để. Minh cắn răng, ruột gan dồn hết lên ngực. Không biết làm sao chi viện cho Sơn Nâu được, Mình đành mím môi, nín thở chờ đợi một cái gì... Chỉ trong chớp mắt nữa thôi, “cái gì” ấy sẽ gặp một hậu quả khó lường nổi. Phải nghĩ hết cách để chi viện Sơn Nâu. Bắn thì lộ. Không bắn thì đồng chí hy sinh. Tinh thần trách nhiệm của một người chỉ huy trong chớp nhoáng bùng dậy một quyết định : việc gì còn có thể thì để sau, việc gì không cách khắc phục thì hành động ngay. Minh quyết định. Anh thét như sắp khóc :

 

- Bắn !

 

Chưa biết tiếng hô của Minh vang ra tới Sơn Nâu ngoài kia không, nhưng trong nầy Bình lên đạn khẩu AK đánh rốp, nhảy ùm xuống nước, bươn bả ra đồng. Cùng lúc, ngoài kia Sơn Nâu đứng thẳng người lên, nòng súng của anh chĩa vào chiếc máy bay, hai mũi giao nhau trên một đường xiên. Bình chưa kịp nổ súng thì ngoài kia đầu súng của Sơn Nâu đã phụt khói. Đốp ! Một tiếng nổ cô độc giữa đồng nước nghe khô khan. Thế mà đồng nước như giật mình, rùn lên. Một bựng nước và bùn tung lên lấp mất Sơn Nâu. Bầu trời trở lại trong xanh và im ắng, chỉ còn nghe tiếng quẫy đuôi rời rạc của loài cá đồng.

 

- Máy bay rớt rồi !

 

- Hoan hô, máy bay rớt rồi !

 

Sau tiếng reo hò vỡ lở ấy, tiểu đội nữ bên gò cát tràn ra. Bên nầy các cậu trai cũng tràn ra đồng nước. Nước sâu đến thắt lưng. Những lúa ma, cỏ bắc vướng vít theo người, bất kể họ cứ ngoi lên. Chỗ chiếc máy bay vừa rớt bỗng có một loạt AK ré lên giòn kháy. Như thế có nghĩa là Sơn Nâu chưa bị máy bay “cáp dốl’.

 

Còn trăm mét nữa, sức Minh đã kiệt. Anh nằm dài trên nước, quàng súng tréo lưng, hai tay nắm cỏ toài người tới. Nhiều anh em khác cũng làm theo như Minh. Còn vài người cố chạy, nhưng tiến lên được mấy mét lại té nhủi một cái. Tất cả đều lếch thếch, lử khử. Minh nghe cơ thể mình nhẹ tênh như cơn mệt đã cướp đi hết nửa phần sức nặng. Cố gắng, mắt đổ đom đóm, tai lùng bùng, các mạch máu đều sục lên đầu, vỗ rần rần vào hai bên thái dương.

 

Mặc dù mệt lã cò bợ, Minh cũng đã đến nơi với những người đầu tiên. Những con người ngồi thở hồng hộc trong nước chưa thể tin ngay được rằng một đống sắt màu nâu biếc lớn bằng chiếc xuồng be mười kèm kia có cái đuôi đỏ chót đó là chiếc máy bay trinh sát hiện đại của Mỹ mà mấy phút trước đây nó đã từng hùng hổ gieo chết chóc xuống cho họ. Bên cạnh đống đuya-ra to sù kia, có hai cây thịt nhúng bùn, một lớn mà thấp, một nhỏ mà cao đang chỏ cành vào nhau, đầu cành có búp hoa bằng sắt, loại hoa thường nở ra hạt đồng. Nếu không thấy được hai mắt đục lừ và hai cánh mũi to hự như quả cà chua ở phần trên cây thịt lớn và thấp kia, nhất định chưa ai biết được đó là một thằng giặc lái Mỹ. Còn cây thịt nhỏ và cao không gì khác hơn là Sơn Nâu. Một khẩu côn đuôi, một khẩu AK chĩa nòng vào nhau, cách nhau không đầy năm mét. Một đôi mắt đục lừ  thô bạo và táo tợn, một đôi mắt viền xám tự tin và kiên nghị đang giao nhau bằng những tia lửa cực mạnh. Họ định thiêu nhau bằng ánh mắt mà quên cả động tác ấn ngón tay mình vào cò súng.

 

Khi Minh chĩa súng vào tên giặc lái, khoát tay ra hiệu cho nó đầu hàng, lúc ấy ánh lửa của nó mới từ từ tắt lịm. Khẩu súng lục trên tay nó rơi tỏm xuống nước. Sơn Nâu cũng chậm rãi quàng khẩu AK vào vai, rồi mở một nụ cười xả láng bày ra hai hàm răng trắng muốt giữa bộ mặt nhem nhuốt bùn. Thấy Sơn Nâu cười, tên giặc lái gục đầu khóc.

 

Sơn Nâu bảo lúc chiếc L.19 rớt, chút nữa anh bị nó đè bẹp nát xương, bùn và nước phủ lấp người anh. Khi ngoi lên được, Nâu ngỡ những tên giặc lái đã cáo chung theo cái chiến cụ hiện đại của nó rồi. Trong súng anh còn hăm chín viên đạn, liền quạt hết vào đống sắt vụn kia để thị uy chiến thắng. Nào ngờ khi lội vòng qua bên kia, Nâu bỗng gặp tên giặc lái Mỹ văng ra còn ngồi một đống sần sần, nó chỉ gãy một vế đùi trái. Chợt thấy anh, thằng Mỹ vội rút súng lục ra và anh cũng ghìm AK lại. Tên giặc lái từ trên trời rơi xuống làm sao biết trong súng của đối thủ vừa quật lộn đầu mình kia lại chẳng còn một viên đạn nào ?

 

Lý là người tới sau cùng. Cậu ta quấn chiếc võng trên cổ. Lý lội ngúc ngắc trên nước, chiếc võng tung ra một đầu trãi dài theo sau trông tựa một chú lân con đang biểu diễn. Minh chỉ tay vào tên giặc lái Mỹ, bảo Lý :

 

- Mở võng ra, cáng nó về !

 

Lý cùng chị em tiểu đội ba cán tên giặc lái Mỹ về chỗ đóng quân. Minh phân công Nhị về chỉ huy bên ấy : nơi mà có một gò cát khô khan và còn có một chiếc hầm đấp nổi. Họ khiêng không nổi, buộc phải bọc thằng Mỹ trong chiếc võng mà kéo là là trên nước. Có lẽ niềm tủi hổ cho số phận của một chiến khách từng đi mây về gió chẳng may bị sa cơ thất thế, cộng với nỗi đau của vế đùi bị gãy, nên tên Mỹ cứ há họng khóc khùng khục hoài. Nó không muốn rời “con ngựa sắt” và “con ngựa người” của nó - xác tên giặc lái ngụy còn nằm chết trong chiếc máy bay - thằng Mỹ thò tay níu cỏ ghị lại. Tiếng khóc của nó mỗi lúc một giòn, một lớn nghe như giọng cười ngạo nghễ của một anh kép hát trên sân khấu có âm trầm.

 

Thằng Kéo, một cậu bé tân binh của phân đội thấy “động lòng”, đành phải mượn bá súng AK để đoạn giùm mối tình dang díu đã tuyệt vọng của chúng.

 

Nhị rầy Kéo. Minh căn dặn Nhị :

 

- Chúng ta phải giữ nó để giải về trên. Trước hết Nhị cho anh em trói nó lại và giấu kín vào chiếc hầm đấp nổi ở gò cát !

 

Trông vào ánh mắt đáng tin cậy của Nhị, Minh biết dặn như thế là dư. Một bí thư chi bộ, đồng thời là một phân đội phó, lâu nay Nhị tỏ ra là một người gương mẫu về mọi mặt trong nội qui kỹ luật. Nhị chẳng đã giáo dục anh em trong phân đội rất nhiều ở điểm nầy sao ? Nhị không đáp, không gật đầu nhưng Minh thấy tin tưởng. Ngược lại, anh để ý đến ánh mắt của thằng Kéo nhìn trả lại anh như có một cái gì chống báng khinh thường. Minh nghĩ : “Do đâu thằng nhóc nầy có những ánh mắt thách thức, những nụ cười khinh khỉnh thật là khó chịu như vậy ?” Minh cảm thấy lòng tự ái của mình bị tổn thương nghiêm trọng. Thằng Kéo “lừng phèn” với anh như thế nầy là tại ai ? Nhị ! - Minh lại nghĩ : “Tại sao Nhị được nhiều người yêu mến, kính trọng hơn mình ? Nhị có mặt nơi đâu như tình thương của một người chị, một người mẹ chan hòa với chiến sĩ đến đó ?”

 

Nhưng tình hình trước mắt khẩn cấp lắm rồi ! Giặc sẽ đánh trả đũa ngay lập tức vì cía vồ thất bại bất ngờ nầy. Đơn vị phải rút ngay. Sơ tná hoặc di chuyển hàng và xuồng vào một nơi nào có địa thế có lợi cho ta. Những chuyện thắc mắc nhỏ gác lại, sau sẽ tính. Nghĩ vậy, Minh liền ra lệnh :

 

- Tiểu đội ba giấu kín tên giặc lái Mỹ lại gò cát, sau đó tập trung xuồng bọng chở hàng hành quân về khu vườn hoang ở ngã tư kinh Đường Tắt !

 

Chương : 1    2   3    4    5    6    7    8   
Anh Động
Số lần đọc: 1856
Ngày đăng: 10.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Bản án tản thất quân dụng - Lê Thành Chơn
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh
Thời áo trắng - Hoàng Mai Quyên
Chuyện tình nhà thơ lớp - Mai Bửu Minh
Cùng một tác giả
Ánh lửa Chông Nô (truyện ngắn)
Mũi lấn (truyện ngắn)
Tiếng bước chân (truyện ngắn)
Chung kết (truyện ngắn)
Tiếng đàn (truyện ngắn)
Thuốc đắng (truyện ngắn)
Chớp lửa đêm giông (truyện ngắn)
Cách chim không mỏi (truyện ngắn)
Đường còn xa (truyện ngắn)
Qua sông (truyện ngắn)
Khói lam vắt vẻo (truyện ngắn)
Trăng tháng chạp (truyện ngắn)
Hàng rào sậy (truyện ngắn)
Bến cũ (truyện ngắn)
Khai đập (truyện ngắn)
Qua cơn bịnh (truyện ngắn)
Suối nắng (truyện ngắn)
Khơi mạch (truyện ngắn)
Bên hàng Cù Oanh (truyện ngắn)
Tiếng trống Sampô (truyện dài)