Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.036
123.235.479
 
Đêm trắng của Đức Giáo Tông
Trầm Hương
Chương 24

Dù đoán trước nhiều tình huống sẽ xãy ra, dù đã chuẩn bị tinh thần đón nhận điều xấu nhất sẽ đến, nhưng khi nhận được lá thư của tướng tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Nam Kỳ Boyer De La Tour, Đức Giáo Tông vẫn không giử được vẻ bình thản bên ngoài vốn có. Và khi lá thư của Bazin được gửi từ Sở Mật thám Liên bang Đông dương bay đến Tòa Thánh, được người Thanh đồng hộ tịnh dâng lên, không cần mở ra xem, Đức Giáo Tông cũng hiểu De La Tour và Bazin sẽ nói gì. Những lá thư được viết bằng giọng rất thân thiện, cảm thông nhưng cũng đầy thách thức, đe dọa đến sự an nguy của Ngọc Nhựt nếu như con trai ông luôn “cứng rắn giử lấy nguyên tắc”. Quân đội Pháp mặc cả sinh mạng Ngọc Nhựt với sự hợp tác của Đức Giáo Tông…

 

 Đức Giáo Tông nhớ lại mùa thu năm 1946, ông cũng đã trải qua nỗi giằng xé khủng khiếp của tình phụ tử, trước áp lực những giọt nước mắt… Mùa thu năm ấy, Đức Giáo Tông đã cắn răng không đứng ra bảo lãnh cho con trai vì ông không muốn nền Đạo của mình bị chi phối. Bảo lãnh cho Ngọc Bích cũng có nghĩa là phải lợi dụng danh nghĩa Đạo với địa vị Đức Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

 

Đức Giáo Tông  cho rằng danh nghĩa Đạo sẽ không còn hoàn toàn trong trắng nếu như ông vì sự yếu mềm thường tình của người cha đứng ra bảo lãnh cho con. Mùa thu năm ấy, ông đã đối mặt với “ Thiên nhãn” để soi rọi lòng mình. Ông kêu gọi hàng trăm ngàn tín đồ của mình phải biết yêu nước thương dân, yêu giống nòi, thì lẽ nào ông lại bảo lãnh cho con trai mình trở về cuộc sống bình yên, ngập tràn trong nhung lụa giữa lúc có hàng  trăm ngàn môn đệ của ông phải lao vào nơi  mịt mù khói lửa cho nền độc lập của tổ quốc. Đức Giáo Tông đã lên án hành vi phản bội tổ quốc, lợi dụng danh nghĩa Đạo bắt tay với quân Pháp gây ra cảnh nồi da xáo thịt, thì giờ đây, ông không thể vì núm ruột của mình mà đánh mất sự tín nhiệm trước nhân sinh. Nếu chỉ vì tình riêng, nếu chỉ để được cho mình, Đức Giáo Tông hiểu rằng chính ông sẽ  không còn đủ quyền năng  để phổ hóa Đạo Đức và độ Đời được nữa. Nhưng nếu cam nén lòng đau thương  quyết không bảo lãnh cho con, Đức Giáo Tông có cảm giác như đang cắt ruột mình ra từng đoạn. Đức Giáo Tông đã trải qua những đêm trắng trong Nhà Thiên Lý Mật Truyền với nỗi giằng xé dữ dội trong một con người bình thường và một Đức Giáo Tông  cầm giềng mối nền Đạo. Đó là nỗi “ nhọc nhằn đau thảm” nhất đời ông. Nỗi đau tràn ngập con tim, thấu tận đất trời, chỉ mình ông biết, mình ông hiểu. Đức Giáo Tông cũng không nghĩ 3 năm sau ngày Ngọc Bích ra đi, đời ông lập lại bi kịch mùa thu năm 1946. Lần này, nỗi giằng xé trong lòng Đức Giáo Tông còn mãnh liệt, dữ dội hơn,  bởi Ngọc Nhựt là đứa con trai út, là niềm kỳ vọng lớn nhất của đời ông. Tin  Ngọc Nhựt sa vào tay quân Pháp bay nhanh khỏi Tòa Thánh, đến Thảo xá Hiền cung, nhà tu Trung thừa nữ rồi lan đến tư gia của Đức Giáo Tông…

 

Đức Giáo Tông có cảm giác hồn linh của Bà Bùi Thị Giàu, người vợ đảm đang, tần tảo, hiền thục của Đức Giáo Tông không còn đủ kiên nhẫn chờ đến khắc qua nửa đêm- thời khắc ông thường khởi sự nhớ lại những chuyện từ nhỏ đến lớn. Mối dây luyến ái tình mẩu tử quá lớn, khiến linh hồn Bà Giàu xuất hiện vào giữa ban ngày, trong giấc ngủ chập chờn vào giữa ngọ của Đức Giáo Tông. Trong trạng thái mơ màng, ông nhìn thấy Bà Giàu rõ mồn một như thời còn trên dương thế. Trong bộ quần áo dài bằng gấm đỏ thêu “loan- phượng”, “ trúc-mai” và “song hỹ” ngày cưới, bà tần ngần một lúc trong vườn “ Trước Hoa Kỳ Thọ” rồi mím chặt đôi môi bước lên tầng lầu Nhà Thiên Lý Mật Truyền với những bước chân rả rời, nặng trĩu. Bà lao vào căn phòng vào Đại Tịnh  của Đức Giáo Tông,  ngả quỵ dưới chân ông, nghẹn ngào, khẩn thiết:

 

- Mình ơi, hãy cứu con!

 

Nỗi đau khiến bà không còn nhớ đến địa vị Đức Giáo Tông. Nỗi đau làm bà quên đi khoảng cách mà bà đã lặng lẽ dựng lên dành cho Đức Giáo Tông, kể từ ngày lễ Đăng Điện ông lên ngôi Anh Cả. Bà cũng không còn khái niệm khoảng cách thần thánh của một con người đã ly gia cắt ái, dành trọn đời cho Đại Đạo. Trước mặt bà chỉ là người chồng mà bà đã chia ngọt xẻ bùi mấy mươi năm, đã trải qua những ngày vinh nhục, đã cùng ông đi đến những miền đất xa  xôi. Chưa ngồi yên ở Cần Thơ  ông Nguyễn Ngọc Tương đã nhận lệnh về Hà Tiên, vừa khai phá Hà Tiên  ông lại nhận lệnh về Cần Giuộc, rồi ít lâu sau phải khăn gói đi trấn nhậm Xuyên Mộc… Bà đã lặng lẽ đứng sau lưng chồng trong hành trình từ một công chức,  rồi đốc phủ chốn quan trường đến địa vị Đức Giáo Tông. Làm vợ ông, bà đã gánh lấy một giang sơn nhà chồng trĩu nặng trên đôi vai… Nếu không có công sức của bà, những người con riêng của Đức Giáo Tông, 5 người con sau của bà không thể thành danh, nên người. Bà đã kiệt sức trước gánh nặng yêu thương nên sớm về Trời. Nhưng sợi dây luyến ái tình mẩu tử quá trĩu nặng, khiến linh hồn người mẹ dù đã đắc phẩm “Kim Hoa Tiên nữ” vẫn không yên lòng phiêu diêu miền cực lạc. Bà yêu chồng, yêu con đến giọt máu, hơi thở cuối cùng. Bà yêu những người con ngay cả lúc không còn được sống trên dương thế. Linh hồn bà luôn bên cạnh các con. Sau lệnh trục xuất mùa thu năm 1946 của người Pháp, dòng họ Nguyễn Ngọc cầm bằng mất đi Ngọc Bích. Con trai bà rơi vào tay quân Pháp với tội danh “tham gia kháng chiến với chức vụ Khu bộ phó Khu 9” sẽ vĩnh viễn không được trở về tổ quốc. Những người con khác của bà đã yên phận. Ngọc Yến, Ngọc Nguyệt  là hai cô gái ngoan, bà không phải bận tâm.  Riêng đứa con trai út Ngọc Nhựt là tất cả tình yêu thương, niềm kiêu hãnh của bà. Bà không thể để mất đi người con trai duy nhất còn lại. Bà không muốn con trai mình chết trẻ khi nhựa sống còn căng tràn lồng ngực thanh xuân…

 

- Mình ơi, bằng mọi cách hãy lấy cứu con!

 

Một lần nữa, hồn linh lại đau đớn khẩn cầu. Đức Giáo Tông vẫn ngồi yên trên ghế tịnh. Từ nơi khóe mắt của con người ngỡ như được tạc bằng đá ấy, hai dòng nước mắt lặng lẽ tuôn chảy, rơi xuống mái đầu đã bạc trắng của người mẹ đau khổ. Một lần nữa, Đức Giáo Tông tập trung toàn bộ sức mạnh để tâm mình không bị xao động. Ông ngước lên, mắt đăm đắm nhìn vào “Thiên nhãn” khẩn cầu:

 

“ Hỡi Đức Chí Tôn, Người hãy phán truyền đi, hãy mách bảo cho con phải làm gì đi. Con phải hành xử ra sao nếu như vì núm ruột của mình, một Đức Giáo Tông sẵn sàng chôn vùi danh dự, rời khỏi Tòa Thánh đến Sở Mật Thám Nam Kỳ bắt tay thân thiện với những con thú đội lớp người vấy máu hôi tanh. Và sau cái bắt tay ấy, bàn tay con, cả người con cũng sẽ vấy máu. Và dòng máu dơ bẩn ấy sẽ lan sang hàng trăm ngàn môn đệ của  con. Những người anh em của con có tội gì mà phải chịu đựng một hình phạt ghê gớm như vậy. Không, con không thể. Con không cho phép mình vì đứa con mà hủy diệt thanh danh của Đạo, phải mất tín nhiệm trước nhơn sanh. Là một Đức Giáo Tông được sự ủy thác của Đức Chí Tôn cầm giềng mối đạo, cứu rỗi cho nhơn sanh,  con không giử nổi giềng mối Đạo và gia đình, còn đẩy nhơn sanh vào biển máu  thì mặt mũi nào là con của Đức Chí Tôn, mặc mũi nào còn ngự trên ngai Đức Giáo Tông. Hỡi Đức Chí Tôn, Người đã dạy cho con phổ độ cho chúng sinh. Mỗi một con người ngoài niềm tin vào Đức Chí Tôn còn có bàn thờ tổ quốc. Nếu con vì máu mủ riêng tư của mình ký vào lá đơn bảo lãnh, cũng đồng nghĩa với việc con bắt tay với Người Pháp. Người Pháp biết rõ cái giá mà họ biệt đãi. Không phải bất cứ một người kháng chiến nào khi rơi vào tay họ cũng được mặc cả như vậy. Người Pháp biết rõ lợi ích của áp lực để con bắt tay cùng họ. Bắt tay với họ cũng có nghĩa là con sẽ phải quay lưng với môn đệ của mình. Viết đơn bảo lãnh cho Ngọc Nhựt cũng chẳng khác nào hành vi đổ mực bôi đen danh dự nó, có nghĩa là con trai con đi theo “ Minh chủ” Cụ Hồ là làm bậy chớ không phải vì lòng yêu nước. Con không thể nào làm như vậy. Ngọc Nhựt cũng sẽ chẳng tha thứ cho con. Người Pháp buộc con  đứng trước sự lựa chọn nghiệt ngã. Không, vì danh Đạo là điều tối trọng, thà con cam lòng nén chịu hy sinh tình máu thịt riêng tư !…”.

 

Nỗi đau của người mẹ quá lớn, khiến bà Giàu không thể nhận ra những giằng xé, ngỗn ngang trong lòng Đức Giáo Tông. Dáng ngồi bất động với gương mặt hóa đá của Đức Giáo Tông khiến lùi lại sửng sốt. Bà vừa muốn, vừa cảm thấy hối hận   khi dồn ép ông vào một tình huống thật nghiệt ngã. Bà đau đớn kêu lên:

 

- Đức Giáo Tông…

 

Bà Giàu không thể nói thêm được điều gì, rơi vào cảm giác tuyệt vọng cùng cực. Tiếng gào của tình mẩu bị dội ngược lại bởi bốn bức tường Nhà Thiên Lý Mật truyền âm âm, khiến lồng ngực Đức Giáo Tông như bị nén chặt bởi những bức tường vô hình vây bủa…

 

- Đức Giáo Tông, ông là ai?! Ông có nghe tôi nói gì không?! Ông có còn cha của đứa con trai tội nghiệp của tôi khô…ng?!. Không cần đến ông, tôi sẽ cứu con tôi, tôi sẽ cứu con tôi!

 

Hồn linh của người mẹ rơi vào nỗi tuyệt vọng giống như ba năm trước. Nhưng lần này, nỗi đau của bà cùng đường, nghiêm trọng và khốc liệt hơn. Không ai yêu Ngọc nhựt như bà đã yêu. Và cũng không  ai yêu bà hơn Ngọc Nhựt. Khi bà bệnh, Ngọc Nhựt luôn túc trực bên bà. Anh đã ăn chay ba năm cầu nguyện cho bà được mạnh khỏe, ngay khi bà đã chết. Khi xuống tàu sang Pháp, anh ăn chay bằng cách nhắm những lát cà chua, xà lách, khoai tây, bỏ lại thịt… Linh hồn bà luôn quấn quít bên anh. Sứ mạng Thần Đạo của đứa con trai út của bà còn trĩu nặng lắm. Còn trai bà còn khao khát được sống lắm. Vậy mà hôm nay… Bà Giàu lùi dần ra cánh cửa. Dư âm tiếng khóc nức nở của bà vẫn còn đọng lại trong phòng vào Đại tịnh của Đức Giáo Tông. Ông muốn đứng lên, gọi bà ở lại nhưng một sức mạnh vô hình khác ngăn ông trở về với con người của một Đức Giáo Tông. Trên chiếc ghế đơn, chỉ còn lại mình ông với nỗi đau dâng ngập con tim, thấu tận đất trời. Trăm ngàn câu hỏi ngỗn ngang, vò xé trong lòng người cha. Đức Giáo Tông không trách bà Giàu, bởi bà chỉ là một người mẹ vừa vĩ đại vừa thường tình. Bà yêu thương con như bao nhiêu  bà mẹ yêu thương con với bản năng bảo vệ và che chở. Với tình mẩu tử tràn ngập, bà dễ dàng gánh vác trên vai gánh nặng gia đình. Bà sẵn sàng hy sinh…Nhưng bà không phải là một Đức Giáo Tông nên bà không thể hiểu sức nặng của hai chữ danh dự. Trên vai Đức Giáo Tông là gánh nặng niềm tin của hàng trăm ngàn tín đồ. Đức Giáo Tông không thể phản bội lại niềm tin đó. Đức Giáo Tông là ngọn đuốc soi đường, là người Anh Cả, là người cầm giềng mối… Nỗi đau của người mẹ khiến người vợ từng rất dịu dàng, cảm thông, luôn gìn giử danh dự cho ông không còn đủ tỉnh táo để phán xét. Đức Giáo Tông hy vọng hồn linh của bà sẽ bình tâm trở lại để hiểu cho hoàn cảnh nghiệt ngã của ông. Trái tim người mẹ rất lớn lao, rất vĩ đại nhưng  vì quá lo cho sự an nguy của con, quá hốt hoảng mà bà không thoát ra khỏi sự hạn hẹp thường tình. Đức Giáo Tông chỉ thấy thương bà hơn mà không thể trách bà. Ông chỉ ân hận là không kịp ngăn bà lại, để nói cặn kẻ với bà về mọi lẽ hơn thiệt:

 

 “ Còn có một điều cốt lõi mà tôi chưa thể nói cho bà hiểu là liệu Ngọc Nhựt có bằng lòng với cách của bà cứu  nó ra  khỏi nhà tù không?!. Nếu tôi ký vào đơn bảo lãnh, liệu nó có có còn xem tôi là người cha đáng kính của nó không?! Nếu như bà biết được nghĩa khí, sự kiên quyết, dũng cảm của nó trong khám đường, bà sẽ phải tôn trọng sự chọn lựa của nó!”

 

Tiếng chuông của Thanh đồng hộ tịnh ngân lên báo sang giờ Tỵ, thời khắc báo họ sẽ dâng lên những mật thư, thời  khắc ông cần phải thật tỉnh táo để quyết định mọi việc của Tòa Thánh. Đức Giáo Tông giật mình bừng tỉnh, mồ hôi tuôn ra ướt đẫm “ Đạo  phục”. Tiếng chuông đã xua đuổi linh hồn bà Giàu ra khỏi căn phòng Vào tịnh, chỉ còn mình ông đối diện với “Thiên nhãn” trên cao và đối mặt với chính mình. “ Ôi,  tất cả chỉ là một giấc mơ! Nhưng sao mơ mà như thật?! Ta nhìn thấy hiền thê trở về, rõ mồn một như người đang sống ở dương gian, như chưa từng bị cái chết chia cắt. Ta cảm nhận cả hương thơm, hơi thở, cả chất liệu mịn màng của chiếc áo hiền thê mặc ngày cưới, cả tiếng khóc ai oán, những lời khẩn cầu đến xé lòng, những giọt nước mắt… Phải rồi, giấc mơ đó được khởi sự từ sợi dây luyến ái ta giấu tận đáy sâu tiềm thức. Nó luôn phục sẳn để rồi trỗi dậy bất ngờ, không kiểm soát được khi ta bị phóng tâm”. Đức Giáo Tông nhắm mắt lại định thần, vận dụng toàn bộ sức  mạnh tinh thần để trấn tĩnh: “ Không, vì tình riêng ta không được phóng tâm. Nếu phóng tâm ta sẽ bị tẩu hỏa nhập ma lúc Vào tịnh, ta sẽ không làm chủ được mình, để Quỷ-Vương dẫn dắt, lầm lạc. “ Chơn thần” của ta từ đây sẽ không còn được thông công cùng Đức Chí Tôn, Đức Lý Đại Tiên và các Đấng thiêng liêng! Đây cũng là thời khắc quyết định vận mệnh của hàng trăm ngàn môn đệ. Hơn lúc nào hết, ta phải sáng suốt để quyết định…”

 

 Đức Giáo Tông lặng lẽ lau mồ hôi trên trán, lấy từ “Đạo phục” ra lá thư được gởi từ  Sở Mật thám Liên bang Đông Dương. Những dòng chữ hiện ra, rõ mồn một, đầy đe dọa, thách thức… Đức Giáo Tông ngước nhìn lên “ Thiên nhãn”. Trên cao, kỳ lạ thay ông nhìn thấy Ngọc  Nhựt. Dù bị treo trên giá treo cổ, vậy mà  con trai ông vẫn bình thản mỉm cười. Lá thư  của Bazin dù rất mỏng, rất nhẹ mà nặng hơn hòn đá tảng khiến bàn tay Đức Giáo Tông không còn đủ sức để giử lấy…

Chương : 1    7    8    14    24   25    26    27    28    29    30    31    32   
Trầm Hương
Số lần đọc: 1567
Ngày đăng: 30.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đêm trắng của Đức Giáo Tông - Trầm Hương
Nó và tôi - Nguyễn Quang Sáng
Trên một cung đường - Anh Động
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Bản án tản thất quân dụng - Lê Thành Chơn
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh
Thời áo trắng - Hoàng Mai Quyên
Chuyện tình nhà thơ lớp - Mai Bửu Minh