Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.059
123.234.385
 
Trên một cung đường
Anh Động
Chương 5

- “Mơ khách đường xa, khách đường xa”, rồi sao nữa Lý ?

 

Lý đang dọn cái hang đá “ổ cóc” nghe Minh từ lò-áng bên kia hỏi sang, cậu ta dừng lại, đứng thẳng người đưa cùi tay gạt mồ hôi :

 

- “ Áo em trắng quá nhìn không ra” - Lý chì tay xuống chân núi nầy -  Kìa nhưng cái áo xanh đó thì nhìn ra biển.

 

Minh nhìn đoàn người đang đi lên, quả thật, cô gái mặt áo xanh ấy anh nhận ra là Nhị. Minh định rủ Lý chạy xuống chỗ đoàn người ấy. Nhưng cậu ta thấy anh đến vội ngồi im, cầm cuốn truyện Kiều cũ nhàu, quạt phe phẩy. Thu buồn, Minh cũng ngồi lên một mô đá bên cạnh. Gió hiu hiu. Minh buông tầm mắt mông lung. Bên kia, cạnh sườn đồi Tức Dụp, căn nhà bạt của đám sư đoàn Chín ngụy như lay động. Mấy tên giặc mặc đồ vàng sậm ra vào trông tựa những con chuột đồng len lén bò đi ăn mồi.

 

Ngồi trên lưng núi, tầm mắt được phóng ra khoáng đạt. Những ô ruộng bàn cờ mới bị đốt cháy, màu đen sậm. Những nơi cỏ khô và rẫy hoang, màu vàng úa và xanh rong ken nhau như bức địa đồ. Từng khoảng rẫy hình thoi, hình bình hành, hình tam giác đua nhau leo đồi, phanh bộ ngực xanh xám lượn nghiêng theo sườn dốc. Mặt dốc mấp mô những vồ đá xám mốc. Đỉnh núi Cấm bên kia nhô cao màu xanh đậm, có nhiều nơi lốm đốm vẩy cá, vì những trận bom của máy bay B.52 rải thảm trơ đá, chót núi vương vướng bàng hoàng hơi sương, đó là những mảng khói đốt rẫy trôi ngang vắt vẻo... Lý đọc thơ tiếp :

 

- “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”, nhớ chưa ? Lấy giấy ra ghi đi cha nội, tối dạ như đêm ba mươi mà cũng muốn làm thơ.

 

Minh cười hề hề, không đáp. Lý hất ngược ngọn tóc dài lại sau, nháy mắt cười. Minh quay lại. Lướt và Hường đang lột hai chiếc bòng trên vai để xuống. Lý bước tới phụ đỡ :

 

- Chà, vợ chồng “Mao Toại” nầy quảy hai túi kiềng khôn đựng chi chi - Lý đá thử vào bòng - Chẳng biết lóc, trê, rô sặt gì mà gai dữ. Chúng bay “xin” cá chạy lợp của bà con đặt dài theo đường đó à ?

 

Hường vươn vai, liếc xéo đôi mắt đen sậm vào Lý. Lướt thì gãi cằm, cười khà khà.

 

Bỏ mặt Hường và Lướt làm cá, Minh với Lý đi chỗ khác. Họ đứng trên một gộp đá lớn trông xuống sườn núi. Con đường quanh co đã hút tốp người đi lên thêm mấy gấp khúc. Hai ngày trước đây, bất ngờ sư đoàn Chín ngụy ầm ầm rút quân hầu hết để đánh xuống cung đường đồng nước, bỏ trống cả nửa ngọn núi Cô Tô nầy. Phân đội của Minh tạm giấu hàng lại đồng nước, đưa anh em lên núi nghỉ ngơi vài bữa.

 

Hôm sau Minh và Lý đến “lót ổ” trước. Bây giờ anh chị em mới lục đục từ khu rừng Lung Bùn kéo lên. Ngồi không chẳng biết làm gì. Minh chạy xuống chỗ tốp người đang đi lên, họ còn cách anh chừng một tầm tiếng hú.

 

Vừa vớ được buồng chuối chát trên vai Nhị, Minh chạy phóng mang trở lên, sợ chần chờ bị bọn họ trêu chọc. Như vầy mà họ vẫn cứ la ó, đuổi theo lưng Minh ào ào :

 

- Nó cướp buồng chuối của má bầy trẻ rồi, đuổi theo !

 

“Cái thằng bá trợn đó, hay nói bậy”. Minh cứ vác buồng chuối, cười rúc rích, chạy miết. Về gần tới chỗ cũ, Minh thấy Lý đứng sau một gộp đá, khom cái lưng dài, thòi mông lên như một gốc cây trụi. Bỏ buồng chuối, Minh đi nhẹ lại. Bên kia gộp đá, Hường và Lướt đang ngồi đâu mặt nhau, làm cá. Hai người cãi lẫy với nhau sanh tử một chuyện gì. Minh vỗ tay gọi lớn :

 

- Có kẻ nấp phía sau đây nghe !

 

Hường và Lướt la toáng, hốt sỏi vãi vào Minh với Lý. Rồi sau đó cả bốn người cùng xúm lại, ngồi làm cá. Một lúc lâu, Lý không thấy ai ra làm cá tiếp, cậu ta hơi bực. Không phải Lý so bì việc làm cá, mà vì một nội dung khác.

 

Nhóng nhóng một hồi không thấy “ai” ra, Lý liền xổ nho chùm :

 

- Trong sách Đằng Văn Công có câu “Nhân chi hữu đạo giã, bảo thực noãn y, vật cư vô lực, tắc ư cầm thú”, không sai một chút xíu.

 

Lướt bảo :

 

- Mày cứ ngậu xị ba cái chữ Tàu đó, ai hiểu được ?

 

Lý buộc phải giải nghĩa cho lướt và mọi người nghe “

 

- Nghĩa là người ta nói : - Con người tuy có đạo lý nhưng cứ ăn no mặc ấm, ngồi rồi mà không lao động, thì giống như loài cầm thú vây.

 

Thành cầm một con dao găm đi tới, giơ lên muốn băm vào mặt Lý, nhưng thôi. Thành dùng ngón tay xỉ vào mũi Lý đến cậu ta phải ngã ngửa. Thành nghiến ngấu :

 

- Đừng có mượn giọng Tàu mà mắng nhiều người ta nè. Coi chừng đó nghe !

 

Lý ngước mặt cười hà hà. Thành cũng cười theo, rồi ngồi xuống bên Lý. Tất cả đổ ra, ngồi vây quanh hai bòng cá. Không đủ dao để làm, những người phải lượm những mảnh đá có cạnh sắc do máy bay B.52 ném bom, bể vụn, làm đồ cạo vảy cá. Có gì hứng thú hơn lúc ngồi gần người yêu, Lý đổ ra huyên thuyên là chuyện :

 

- Tụi mình đang sống trong một thời đại văn minh nhất, mà cũng là man rợ nhất, đố bay biết sao không ? Không à ? Nghĩa nguyên tử cộng với đồ đá. Sau khi thủy tổ loài người thoát khỏi lốt vượn, họ chỉ biết lượm đá mà dùng. Mình bây giờ cũng dùng đồ đá, bốn ngàn năm ta lại trở về nguồn cội, nhưng đá nầy do một thiết bị tối tân nhất của Mỹ làm ra cho ta dùng, vậy mới có vấn đề chứ.

 

Có nhiều ý kiến chê Lý nói mép. Riêng Thành thì bảo đàn ông phải lão thông như vậy mới không bị vợ ăn hiếp. Lại có cô nói đàn bà mà không trị nổi chồng, để cho họ có vợ bé là tan nát nhà cửa. Nhưng nhiều người bảo là vợ chồng phải bình đẳng nhau thì gia đình mới có hạnh phúc. Lướt thì bác bỏ tất cả. Cậu ta bảo đàn ông phải biết sợ vợ, nhưng sợ phải có nghệ thuật.

Để mọi người tin mình, Lướt giảng giải :

 

- Phải nên định nghĩa cho chính xác “hạnh phúc” là gì mới rõ. Hạnh phúc là sự bằng lòng, tự giác. Bởi vậy người ta tự giác truy điệu  sống để đánh đồn, đó cũng là niềm hạnh phúc. Tự giác sợ vợ cũng là niềm hạnh phúc thôi.

 

Nhưng tất cả các cô cho là Lướt ngụy biện để xuyên tạc đàn bà. Rồi cũng qua, vì có một nhóm đang “đụng” nhau về địa phương tính, làm mọi người cuốn hút vào. Một phe bảo : “Cần Thơ múc nước đổ ào, Cà Mau thấy vậy xách thau hứng về”. Một phe đập lại : “Cà Mau làm cá bỏ đầu, Cần Thơ thấy vậy xỏ xâu mang về”. Hai câu ca dao họ đã kích nhau về đặc điểm của hai tỉnh . Xứ Cần Thơ nước ngọt nhưng ít cá, xứ Cà Mau nhiều cá nhưng nước mặn. Trận bác nhau nầy đi đến tự ái, làm Minh phải lên tiếng giải tán. Chốc sau nổi lên hai quan điểm về cái đẹp của kiểu cắt đầu bom bê đạo Hòa Hảo ở miệt Chợ Mới và kiểu tóc búi củ hành của đạo Hiếu Nghĩa ở vùng Ba Chúc. Chuyện nầy qua nhanh chóng, vì có hai người nào đó sắp tát nhau về việc trong mình ông Huỳnh Thủ bảy vết thương hay năm vết thương lần tảo thanh ở Láng Linh, ông bị nàng “Lưu Kim Đính” chém bằng song kiếm. Rồi cũng êm. Họ mách nước cho nhau nên lấy nước mắm biển cốt y Phú Quốc bỏ theo xuồng, vì mỗi người chỉ uống vô năm “xê xê” sẽ chịu lạnh suốt buổi chém vè trong nước. Có người còn bảo nước mắm ấy có chất ngọt đến ruồi bu, kiến đậu...

 

Đến lúc mặt trời nằm nghiêng qua đỉnh núi Dài, hai bòng cá hết sạch, nhưng họ vẫn còn nắm nuối câu chuyện tào lao. Có người cứ ngồi vuốt lưỡi dao, cao mảnh đá, chưa chịu đi. Minh hốt mớ cad làm rồi bỏ vào nón sắt, bưng ra suối nước. Gặp Nhị dọc đường, cô ngoắc anh lại. Chỉ tay vào gộp đá bên kia khe nước. Nhị nheo mắt mỉm cười. Đôi mắt màu chì phơn phớt của Nhị hôm nay trông sáng rực. Nhị tung mình nhảy đi thoang thoát từng gộp đá. Có chuyện gì trong lòng mà làm cho cô ngây thơ một cách kỳ lạ ? Đuôi tóc kẹp sau lưng Nhị ngúng ngẩy. Minh đứng lặng, nhìn vào những thân con cá trùi trụi không còn vẩy, không còn đầu trong chiếc nón sắt, mỉm cười. Trong anh cũng có một cái gì ngây thơ như trẻ con.

 

Ra đến khe nước chỗ Nhị chỉ, Minh thấy Lý và Thanh còn ngồi bên nhau thì thầm chuyện muôn thuở. Hai người ngó chăm xuống dòng nước. Thanh ngắt một bông hoa tàu bay tim tím ném xuống dòng nước.

 

- Cho rung mặt nè ! Cái mặt thấy ghét nà ! Rung rinh rồi đó.

 

- Ừ, làm đi ! Mặt “họ” cũng gờn sóng thôi.

 

- Muốn không ? Chọi nữa cho coi !

 

Mái tóc dày cộm của Thanh bay bồng bồng về phía Lý. Thanh ngắt thêm một bông hoa nữa định ném xuống nước. Lý làm như sợ hãi, vớ vội mái tóc Thanh bưng lấy mắt :

 

- Chọi đi ! Lấy cái nầy che mặt, khỏi lo.

 

Thanh giật tóc mình lại :

 

- Đừng giỡn. Tụi nó thấy được, nó chộ cho mắc cỡ thấy mồ.

 

Minh cầm chiếc nón đựng cá, lên tiếng :

 

- Hai đứa rửa nón sắt cá cho tao thì tao không chộ.

 

Thanh bẽn lẽn, ngồi nhích dang ra :

 

- Hối lộ hé !

 

- Được ! Được ! Để tiểu đê làm, đại ca về đàng ấy với chị Nhị... để cắt đặt đội hình đóng quân cho tiểu đội nữ...

 

Minh cười. Thanh bưng cá vô. Lý còn cúi ngập người xuống khe nước rửa tay. Cái lưng của Lý dài và cong tựa cây cầu móng. Nắng chiều của những ngày tạnh mưa, vàng như mật ong đổ đầy lưng núi phía tây.

 

Chốc sau Nhị và Thanh lại ra. Hai cô rủ Lý :

 

- Tụi mình đi thăm cô Nhạn một chút !

 

Minh cũng đồng tình :

 

- Đến đay phải thăm cô để cô phù hộ cho mà sống đời.

 

Lý dẫn ba người đi.

 

Họ đến một mô đá lớn, mặt tương đối bằng phẳng, nằm xộc vào bên dưới mô đá hình mui ghe. Vòm đá đóng đầy rêu xanh, cao không quá đầu người, có mấy vòi thạch nhủ buông xuống nửa chừng trông tựa những giọt bạch lạp đặc quánh. Mô đá nằm bên dưới màu xám mốc, có nhiều đường rãnh ngoằn ngoèo trắng như bột, dường như chúng bị ép từ trong lòng núi mà trào ra từ ngàn xưa. Bọn họ thường gọi thạch nhũ là máu của đá, còn những lằn dá trắng ngoằn ngoèo ấy là máu của núi. Lý chỉ cho ba người chỗ nằm của một nữ đồng chí đã hy sinh. Hài cốt đã được bốc đi mới những ngày gần đây. Người xem phải chun vô vòm đá mới nhận ra được dáng dấp của một thân thếch người in đậm trên mặt mô đá “chảy máu”. Dấu chiếc đầu tròn, hai tay xuôi, đôi chân duỗi thẳng. Bên vách đá có ghi nguệch ngoạc dòng chữ bằng máu đã ngả màu đen sẫm : “Lê Thị Nhạn, ấp Thầy Hội, Cà Mau”. Minh tự nhủ : “Ấp Thầy Hội, thuộc xã Tân An, vùng ấy mình có biết. Đến độc lập nếu còn sống mình sẽ tìm gia đình cô ta”. Dòng chữ nầy nhất định là của cô Nhạn ghi lại, nếu người khác thì đâu có máu để viết ?

 

- Cố ấy bị thương cột sống, do một đội thanh niên xung phong nào đó gởi lại. - Lý kể - Thuở ấy, chỗ nầy là căn cứ của quân y huyện Tri Tôn. Tôi có gặp cô ta một lần trong dịp đến lãnh thuốc cho đơn vị. Người sao có cặp mắt kỳ lạ ! Nhìn vào như đó là hai vũng sâu màu chì chốc chốc vụt rực sáng, làm cho người nhìn phải phát sợ là mình có thể bị chìm sâu trong đó. Tuổi cô ta khoảng mười bảy, mười tám nhưng trông không mặt dạn dày lắm. Tuy đã hoại thư phần dưới lên đến thắt lưng, nhưng cô ta còn yêu đời một cách kỳ lạ. Hai tay cô cử động lẹ làng, thường luyện động tác múa. Cô thích hát và hay mượn người khác chép bài hát vào một cuốn sổ tay con. Cô ta bảo ráng học cho thuộc được nhiều để khi hết bệnh xin vào đoàn văn công. Tôi cũng có ghi vào cuốn cổ cho cô một bài lưu niệm. Thấy trong cuốn sổ đã có rất nhiều bài hát, có cả những bài dân ca miền Bắc, miền Trung...

 

Lý dắt ba người trở ra. Cậu ta nhìn lên một miệng ngách thông thiên, kể tiếp :

 

- Tôi về đơn vị vài hôm, nghe giặc đánh úp quân y nầy. Cách đây mấy tháng, tôi có dịp trở lại. Tôi mang hài cốt của cô Nhạn ra chôn trên một gò cát cạnh cây cổ thụ ngoài kia. Những dấu vết về cô Nhạn quanh đây chỉ còn một chiếc bình toong Mỹ móp méo mà tôi thường thấy cô đựng nước uống và dòng chữ viết ấy. Tôi tìm mãi cũng không thấy cuốn sổ tay chép bài ca ở đâu...

 

Sau lời Lý kể, không ai hỏi gì thêm. Tất cả cứ lặng lẽ cúi đầu luồn qua vòm đá có những giọt “nước mắt” và đi ngang mô đá “chảy máu” để trở về chỗ cũ.

 

Ăn cơm xong, đã tối đến. Anh chị em ai về vị trí nấy để sửa soạn chỗ ngủ. Còn lại Minh, Bá, Lướt, Bình ngồi tại chỗ để chờ xem Lý dở trò gì. Bình ôm cây đàn măng-đô-lin cũ xì, nứt nở tựa trái dưa gang chín, ngồi trên một tảng đá, khảy tủng tẳng. Hôm nay mặt Bình buồn rười rượi, hồn vía cậu ta dường như bị điệu nhạc cuốn bay theo gió.  Từ bữa Thế được đoàn văn công khu rút đi đến nay, không còn ai tri kỷ nữa. Bình cứ lặng lẽ, chớp chớp đôi mắt đen ngời và dường như nụ cười của cậu ta cũng bị Thế mang theo mất.

 

Bá ngồi say sưa nghe Bình đàn, cái bài mà từ xưa đến nay bị người ta thường bảo là “nhạc vàng” nhưng ít có ai thuộc lời. Vành miệng rớt le đít bần của Bá cứ lận ra, cất giọng xướng âm khao khao. Bá là tiểu đội phó của tiểu đội hai, gốc từ bộ đội chủ lực 303 chuyển qua sau sau trận đánh lớn ở Hòa Hưng. Lần ấy Bá bị thương bể mất một mảnh xương sọ ở trán, mỗi lần uốn rượu hoặc cảm xúc mạnh, chiếc sẹo ở trán Bá căng mọng lên tựa một quả trứng gà, và lúc ấy anh nổi cơn điên loạn. Cổ họng của bá cũng có lần bị một viên đạn nhọn xuyên qua khí quản. Anh em bảo là thanh đới của Bá ngủ ngái còn lạt hơi, bởi vậy cậu ta hay khổ vì mình mỗi khi cất tiếng hát. Nhưng thói đời có trời phú, tại Bá thích ca hát, mới khổ. Bá lần dò mãi rồi cũng đưa hơi minh vô ăn giọng đàn được một câu trong bài hát “Lỡ chuyến đò” mà Bình đang điệp khúc nãy giờ ;

 

- “Người nghệ sĩ lăn tuốt xuống mương. Thương thì thương tấm thân sinh chương. Sình thì sình em út cũng thương...”.

 

Bá lấy được trớn, cậu ta hí hửng cất lên om sòm. Anh em ngồi nhe phải bụm miệng vì ê răng và chảy nước mắt sống.

 

Đằng nầy Lướt câu cổ Minh hỏi thì thào :

 

- Chuyện của tôi thấy có mòi không ông ? Có kinh nghiệm nhiều trao đổi thử coi !

 

- Cái thằng lạ đời ! - Minh bật cười nói tiếp một câu lý sự - Tình yêu cũng như chiến tranh vậy, có ai lường trước được ? Nó chợt tới rồi chợt lui, chỉ khác một điều là chiến tranh tới lui với ta bằng bom đạn, còn tình yêu tới lui với ta bằng cảm xúc...

 

Lý trở lại, tay cầm chiếc bình toong Mỹ đưa lên cao, lúc lắc như một lão thầy bói :

 

- Trong nầy là gì ? Ai nói trúng, thưởng cho một nắp bình.

 

Minh đoán biết nhưng cố nói trớ đi :

 

- Mật ong.

 

- Trật lất.

 

- Rượu.

 

Bá tài khôn, bị Lý “thưởng” cho một nắp bình đầy.

 

- Thôi ! Bắt nó uống nhiều cái trán nó phồng lên, quậy phá không ai chịu nổi.

 

Minh can Lý. Lướt xề lại bên Lý, cười khề khà, nói dèm :

 

- Mày kiếm ở đâu hay quá vậy ? Rượu chắc khá lắm ?

 

- Của cha Tư Liêm bên “chín mươi”, khỏi chê. - Lý rót đưa cho Lướt một nắp bình để thắm môi thử - Mấy ông già ăn uống đã nhiều  năm rồi, để trai tráng tiến lên làm chút chớ.

Bình buông đàn, lết lại nói lào xào :

 

- Kêu mấy thằng “đực đột” dậy làm cho vui.

 

- Thôi. - Minh bảo - Anh em mệt lắm, để họ ngủ.

 

- Tụi nó hay, nói đám cán bộ mình uống, mang xấu cả đám.

 

Bá nói thiệt bụng hay không ? Hay câu ta sợ anh em dậy sẽ “chia lửa” bớt đi.

 

Bá tiếp tục ca, giọng cậu ta không bắt được hơi đàn nữa. Bình phải đánh đàn rầm rập lên để khỏa lấp, Lý dở cuốn truyện Kiều ra “úm ba la” rùm beng, mời anh em xem quẻ, nhưng ai nấy đều làm ngơ. Chỉ có mỗi mình Lướt, cậu ta vừa có chuyện “chớm nở” trong lòng, nên bắt quyết Lý phải dở cho một quẻ tình duyên. Lướt tự tay cầm cuốn truyện Kiều đưa ngang mày làm đủ những thủ tục, rồi khấn vái :

 

- Mô di phật ! Mô di phật ! Cho tôi đổ nhẹ một quẻ tình duyên thật ướt át xem nào, ông phật. Dở ra nè ! Trang phía phải, từ trên bỏ xuống sáu dòng.

 

Lướt nhắm mắt, dở sách ra, đưa cho Lý xem. Tội cho cậu ta giọ “ông thầy” lắc đầu nguầy nguậy :

 

- Thôi số của mày là... Là, tan nát hết rồi !

 

Nghe Lý kêu thảm não, Lướt chồm tới lấy cuốn truyện xem lại chỗ vận ứng của mình ! “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh, giật mình mình lại thương mình xót xa”. Lướt ném cuốn truyện, bật cười, thở ra :

 

- Đù ỏa, cái số cô đơn bạc mệnh.

 

Lý thì  có truyện vui trong lòng mà khỏi bói toán gì cậu ta cũng biết, nên hứng khởi đến lăn mỡ. Lượm cuốn truyện Kiều dắt vào lưng, Lý bắt anh em vỗ tay cho cậu ta nhảy bài “múa sạp”. Lý đưa hai cánh tay vượn về phía trước, khua khua mười ngón tay dài thậm thượt, đôi chân co lên, thọt xuống. Vừa nhảy, Lý vừa xướng âm theo giọng đàn của Bình : “Sòn sòn là đô sòn, thằng Bình là đô la”...

 

Lý chưa kịp trở tay liền bị cây đàn của Bình bay đến bốp vào trán. Cả “hội trường” xao xác. Lý đưa tay vuốt tóc : Máu ! ! Cây đàn của Bình nằm trơ bên cạnh. Anh em xúm lại bên Lý, chỉ trừ Bình, cứ ngồi trơ tựa mô đá. Lướt vốc rượu vã vào vết thương cho Lý, Minh rứt một nắm thuốc hút đắp vào. Cả đám xít xoa lo lắng. Lý cứ cười hề hà biết lỗi vì đã phạm phải điều đại kỵ của bạn. Bình cứ ngồi câm nín như một bình chứa ga, và mặt cậu ta gây gây, thách thức. Ai còn lạ gì việc nầy, nhất là Lý, mỗi khi vui miệng gọi Bình như vậy nếu không ăn đòn cũng bị chửi cho tan nát tam đại cố tổ.

 

Số là, lúc đơn vị còn đóng quân ở rừng “Tám mươi”. Một hôm anh em đang ngồi túm tụm làm cá, trong chòi chỉ có Bình đang dạy đàn cho Thế. Sống giữa rừng hoang mông quạnh, có tiếng đàn, tiếng ca cũng góp vui cho kháng chiến, không ai so bì gì. Nhưng bên trong, tiếng đàn của Bình mỗi lúc một sai nhịp, và Thế cũng thôi ca, cứ hỏi vặn lại : “Ui, la, la à ?”. Bình thì cười hì hì bảo : “Đô, đô mà”. Có một nốt nhạc “đô” hay “la” mà hai thầy trò cứ giằng co hoài. Anh em bên ngoài sinh nghi, bảo Lý biệt kích vào xem. Cậu trinh sát đặc công thấy rõ ràng : Bình đang bấm vào một nốt nhạc... kỳ quá, nó không nằm ở cây đàn. Thế thì vùng vằng ưỡn ẹo : “Đô gì ? Kỳ cục ! La à”. Từ đó về sau có ai bảo là Bình-đô thì sẽ đổ nợ với tay thầy đàn nầy.

Minh móc túi lấy ra chiếc khăn tay đầu có gút tua, màu xanh trứng sáo, định chậm máu cho Lý. Đằng nầy cả đám cùng xít xoa tiếc cho chiếc khăn đẹp phải vấy máu. Lý cũng từ chối, xô tay Minh ra :

 

- Khăn yêu, khăn quý đừng cho vấy máu “người dưng”.

 

Lý cương quyết dùng chiếc khăn choàng tắm của mình mà rịn vết thương. Đúng là chiếc khăn tay của Nhị công kỹ làm tặng cho Minh. Anh lại cất kỹ nó vào trong ngực áo.

 

Minh theo Lý về chỗ “ổ cóc”, nơi vị trí tiền tiêu mà tổ cậu ta đang giữ. Lý bảo rằng một trong những “vách sắt tường đồng” của Cô Tô nầy. Hai cậu lính trẻ đã ngủ khò trong hốc đá từ lúc nào, súng AK họ kẹp vào giữa háng. Lý dắt Minh vào ngồi trong một hốc đá. Địa thế nầy thật là ấm cúng. Ngồi một chỗ có thể quan sát được nửa phần vách núi và thấy suốt những ô rẫy giáp chân đồng. Lưng tựa núi. Bên trên là một dồ đá lớn bằng một ngôi khách sạn nằm gieo chồm ra trước, giữa có vòm muôi ghe. Lý bảo là hồi chiều cậu ta định kề vai hất vầng đá văng đi nơi khác, nhưng sợ nó đổ vào nát ruộng rẫy của bà con. Cậu ta thề bán mạng rằng thuở nhỏ có học phép “đảo hải di sơn” của ông Quỷ Cốc Tư. Chốc sau, Lý giả vờ mệt, nằm soài ra, hai mắt lim dim. Nhưng Minh bắt gặp chốc chốc Lý mở bừng mắt nhìn trộm anh. Nghi vấn tay nầy sắp giở trò gì đây. Minh bước ra, đi nơi khác.

 

Ngồi trên một ngôi đá bằng và quang, Minh thở hít không khí cho bớt căng đầu óc qua một ngày mỏi mệt. Tiếng núi thở run run. Mùi đá ẩm bốc tanh tanh. Gió nam non mang hơi lạnh se se. Đêm sáng rừng rựng vì bầu trời nhiều sao. Trước mặt Minh bày ra quang cảnh những bãi đá trống phốc vì bị nhiều lần máy bay B.52 rải thảm. Từng tảng đá đứng chông chênh, mấp mô theo chiều gốc cây cổ thụ gục đổ. Đêm mập mờ. Sườn núi nghiêng ngả, chạy hụt chân xuống mặt đồng. Màn đêm ngậm mất cỏ và rừng tràm. Minh bật nhìn lên hướng tây bắc, anh chợt giật mình ngỡ trời đang kình kịch kéo mây mưa. Nhưng không : Bóng núi ! Dãy núi dài đen kịnh nhô lên nửa vành chân trời. Hơi đá bốc thành một làn mù nhẹ làm cho bóng núi như lùi ra xa hơn. Trên nền trơi đầy sao, sao nhỏ, sao to, nhằng nhì, chi chít, chiếc xanh biếc, chiếc trắng đục, chiếc thì nhấp nháy, chiếc lại lặng im. Dải ngân hà đùng đục bắc thành cầu vồng, nằm vắt ngang vòm trời vời vợi. Khung cảnh nầy, nếu có Lý, cậu ta mặc sức mà phân ngôi định thứ cho những vì sao. Nhưng Minh thì... cố đứng lên, mặc dù anh đã nghe trong mình mỏi nhừ và đôi mắt đang bị con buồn ngủ cắn sụp mi. Minh còn phải đi kiểm tra đội hình phân đội lại lần chót.

 

Đến mô đá hồi chiều, chỗ Minh đứng trông qua căn nhà bạt của địch bên ngọn đồi Tức Dụp, anh ngồi xuống, lạ chưa ? Tại sao bây giờ bên ấy chỉ có bóng tối, chẳng có đèn đóm gì ? Bọn giặc ở góc núi bên ấy đã rút đi mất tự bao giờ ?

 

Gió cứ quấn một lớp hơi mỏng, mát rười rượi quanh cổ Minh. Một cảm giác êm đềm lòng anh tràn ngập niềm yêu thương lãng mạn. Mấy chun rượu lúc nãy còn bốc hơi men âm ấm ở ngực và lưng. Minh khoanh tay, ngồi dựng gối, úp mặt để tận hưởng khoảnh khắc khoan khoái nầy. Anh đã ngủ...

 

Có một người đến nhẹ lay Minh dậy. Bàng hoàng ngẩng lên, Minh thấy Nhị. Nhị từ đâu đến, xuất hiện như một bóng ma.

 

- Anh !...

 

Minh và Nhị im lặng nhìn vào mắt nhau, dường như cả hai đang cố tìm hiểu những ý nghĩ thầm kín của nhau. Minh chưa kịp mở lời,thì Nhị bước đi.

 

- Nhị !

 

- Gì hở anh ?

 

- Có việc gì không ?

 

Nhị đứng nhìn Minh. Tóc Nhị chảy ràn rụa trong đêm. Tóc Nhị bị gió hất bay cuồn cuộn về phía trước, vương vướng vào vai và ngực. Khuôn mặt Nhị mơ hồ lẩn khuất trong đêm, Nhị toan quay đi, nhưng nhớ ra điều gì, cô lại bảo :

 

- Anh à, con Thanh với thằng Lý...

 

- Chúng nó làm sao ?

 

- Lý đến định leo thang...

 

- Rồi sao ?

 

- Thanh yêu cầu cậu ta về chỗ...

 

- Nhị nghĩ sao?

 

- Chúng nó biết tôn trọng nhau...

 

- Anh thừa nhận điều đó. Tình yêu phải biết dừng lại ở chỗ cần phải dừng lại. Nếu không, nó sẽ sa đà mất. Để mai anh tâm tình với Lý thêm.

 

Nhị rủ Minh đến chỗ các cô đãi cho ăn một món đặc sản của núi Cô Tô.

 

Nếu muốn thỉnh được khách thì ít nhất chủ nhà phải cho họ biết sẽ được thết món gì ?

Minh dùng dằng đặt điều kiện ấy. Cực chẳng đã, Nhị đành đưa hai ngón tay lên miệng, tiết lộ bí mật :

 

- Trái sa kê.

 

- À, món đó thì... cũng tạm được.

 

Nhị nắm tay Minh lôi đi. Anh lần theo, anh thầm nghĩ : “Thằng Lý nói cảnh Trư Bát Giới mò vào Bàn Tư động của bảy nàng tiên nhền nhện là như thế nầy đây. Không, mình phải đường hoàng như tư thế của hoàng đế thành Mát Đa đi khám phá lâu đài của ba cô gái kỳ quặc trong truyện “nghìn lẻ một đêm”.

 

Minh bật cười. Nhị nhìn vào mắt anh và buông ra, vụt bỏ chạy :

 

- Nực nồng mùi rượu vậy.

 

Nhị biến mất vào lò-ảng. Minh lạc đường, đi vào một hốc đá lớn, quờ quạng. Lần về cuối hang, anh chạm phải một cô gái đang ngồi co ro trên phiến đá.

 

- Ai đây ? Thanh hả ? Cô gái nín  thinh - Hường hả ? - Lại nín - Nhị hả ?

 

Cô gái cất tiếng cười khúc khích :

 

- Phải có thêm một cây gậy với chiếc bị nữa thì giống...

 

- Giống một đệ tử cái bang ?

 

Nhị bật cười thành tiếng, nắm tay Minh ghì xuống, trao cho anh một trái sao kê nấu chín bằng quả lựu đạn, hơi nóng còn hầm hập. Minh định lần bóc ra lớp vỏ nham nhám, nhưng mãi không kham, anh đành phải bẻ đôi chia cho Nhị :

 

- Ăn đi ! Chị em ăn chưa ?

 

Mùi sa kê luộc thơm dìu dịu nửa giống khoai mì, nửa giống mãng cầu xiêm.

 

- Ăn xong cả rồi - Nhị đẩy tay Minh ra - còn mấy củ mì kia, ăn tiếp nghe !

 

- Sao không chia bớt cho chị em, dành chi nhiều vậy ? Cùng ăn cho vui !

Minh đẩy nửa trái sa kê về phía Nhị. Trong bóng tối, anh dúi miếng sa kê về phía Nhị. Cô kêu rú lên, vùng ra :

 

- Ài chà ! Cái thằng cha kỳ đời...

 

Nhị mắng yêu và nhéo vào cánh tay Minh. Anh bắt lấy tay Nhị để đỡ đòn. Nếu không có tiếng cựa mình của cô nào bên cạnh, chưa chắc gì anh đã buông tay Nhị ra ngay. Bóng đêm trong hang núi như ngưng đọng. Vài con dơi muỗi đâu đó lao ngang, vỗ cánh âm thầm. Có tiếng một cô gái nào cười khúc khích bên góc lò ảng.

Chương : 1    2    3    4    5   6    7    8   
Anh Động
Số lần đọc: 1679
Ngày đăng: 30.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đêm trắng của Đức Giáo Tông - Trầm Hương
Nó và tôi - Nguyễn Quang Sáng
Trên một cung đường - Anh Động
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Bản án tản thất quân dụng - Lê Thành Chơn
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh
Thời áo trắng - Hoàng Mai Quyên
Chuyện tình nhà thơ lớp - Mai Bửu Minh
Cùng một tác giả
Ánh lửa Chông Nô (truyện ngắn)
Mũi lấn (truyện ngắn)
Tiếng bước chân (truyện ngắn)
Chung kết (truyện ngắn)
Tiếng đàn (truyện ngắn)
Thuốc đắng (truyện ngắn)
Chớp lửa đêm giông (truyện ngắn)
Cách chim không mỏi (truyện ngắn)
Đường còn xa (truyện ngắn)
Qua sông (truyện ngắn)
Khói lam vắt vẻo (truyện ngắn)
Trăng tháng chạp (truyện ngắn)
Hàng rào sậy (truyện ngắn)
Bến cũ (truyện ngắn)
Khai đập (truyện ngắn)
Qua cơn bịnh (truyện ngắn)
Suối nắng (truyện ngắn)
Khơi mạch (truyện ngắn)
Bên hàng Cù Oanh (truyện ngắn)
Tiếng trống Sampô (truyện dài)