Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.050
123.234.824
 
Thiệt giả, giả thiệt
Hồ Biểu Chánh
Chương 1

Cách mấy năm trước, tại Sài gòn, ở về đường Espagne, khỏi rạp hát bóng một khúc, có một tiệm may trên cửa treo một tấm bảng hiệu đề hai chữ lớn: Vĩnh Hưng.

Tiệm dọn trong một căn phố lầu rộng rãi mát mẻ. Phía ngoài cửa có một bộ ván[i][i] lớn bề dày trên một tấc để cho thợ ngồi cắt áo. Hai bên để hai hàng tủ kiểng, đựng đủ các thứ hàng, lụa nỉ, nhung. Chánh giữa để một hàng bốn cái máy có treo mấy ngọn đèn khí chụp có kết tuạ Phía trong thì dọn một cái phòng, có để ghế salon[ii][ii] có treo kiếng lớn dựa vách để tiếp khách đến đặt mã áo, hoặc đến thử áo.

Tiệm may đẹp đẽ nầy là tiệm của bà Tư Kiến. Vì tiệm may có danh may khéo, nên từ sớm mơi cho tới chiều khánh ra vô đặt may đồ dập dìu trong tiệm thường thường phải có chín mười cô thợ.

Bà Tư Kiến tuổi đã sáu mươi, mà tóc chưa­ bạc, răng còn chắc. Bà bổn tánh bãi buôi, vui vẻ nhưng mà bà không ưa thói nhõng nhẽo hoặc gian tà, hễ thấy việc gì trái đạo lý thì bà nói ngay, không sợ mích lòng ai hết, bởi vậy mấy cô thợ may thương bà mà cũng kính trọng bà lắm.

Một bữa lối 4 giờ chiều trong tiệm các thợ đương lăng xăng, kẻ ngồi lược áo, người ngồi đạp máy. Có một cô gái lối 24 - 25 tuổi, mình mặc một cái áo xuyến đen cũ, một cải quần hàng trắng nhụt nhụt[iii][iii] chơn mang một đôi guốc đen, vai vắt một cái khăn lụa trắng, tay ôm một cải bao bằng giấy nhựt trình, đứng trước cửa tiệm ngó vộ Tuy cô ăn mặc tầm thường, không giồi phấn, không thoa son, không cạo chơn mày, lông mặt, không đeo đồ nữ trang, tai trái chi đeo một đôi bông hồ[iv][iv], nhưng mà nước da cô trắng lại ửng hồng gương mặt cô tròn lại điềm đạm, môi cô mỏng mà lại đỏ, mắt cô sáng mà lại nghiêm, hai bàn chân nhỏ mà no vun, hai bàn tay dài mà dịu nhiễu, nên ai thấy cô thì cũng trầm trồ gái đẹp. Cô đứng bợ ngợ một hồi, rồi rón rén bước vô tiệm, lại đứng gần một cái máy mà coi một cô thợ đương may.

Cô thợ may thấy cô lạ ấy đứng lâu, bèn hỏi rằng: “Cô muốn mướn may đồ hay là lại đây có việc chỉ Như mướn may đồ, thì cô đi ngay vô phòng trong kia có bà chủ ờ trỏng”.

Cô lạ ấy dụ dự rồi nói rằng: “Không. Tôi vô coi chơi, chớ có mướn may đồ chi đâu”. Cô đứng ngó quanh quất một hồi nữa, rồi cúi xuống hỏi nho nhỏ cô thợ may rằng: “Không biết tiệm có cần dùng thợ may thêm nữa hay không, chị há?”

Cô thợ may ngước mặc ngó cô nọ mà hỏi rằng:

- Cô muốn xin may hay sao?

- Phải. Nếu tiệm có thiếu thợ, thì tôi xin ở tôi may.

- Có một chị thợ thôi may đã hơn 3 tuần rồi, mà không thấy bà chủ kêu ai thế. Đâu cô đi thẳng vô phòng nói với bà chủ coi bà chịu mướn hay không.

Cô lạ ấy ngó vô phòng mà cô dụ dự không dám giở chơn lên đi. Lúc đó tấm màn che cửa phòng vùng khoát lên, trong phòng bước ra một cô chơn mày vẽ cong vòng nguyệt, hai môi tô đỏ tợ bông vông[v][v], chơn mang giày cao gót, mình mặc áo rằn ri, tay ôm bóp xám xám. Sau lưng có một bà đi theo, tay cầm cặp mắt kiếng, bà vừa đi vừa nói với cô đi trưởc rằng: “Cô nhớ chiều thứ năm lại bận thử coi. Tiệm của tôi thợ cắt thợ may đều khéo nhứt, chớ không phải như tiệm của họ vậy đâu. Tôi may cho cô bạn một cái áo nầy rồi từ rày sắp lên cô lại tiệm tôi, cô không thèm tiệm nào khác hết”. Cô nọ day lại cười và nói: “Cảm ơn bà rồi xung xăng đi ra cửa, mùi dầu bay thơm ngát.

Cô thợ may bèn nói với cô lạ muốn xin ở may đó rằng: “Bà chủ đỏ, cô muốn xin ờ may thì nói với bả thử coi”.

Cô lạ ấy xẻn lẻn bước ra, tính đón bà chủ. Bà đưa khách ra khỏi cửa rồi bà trở vô, ghé lại bộ ván mà nói với chị thợ cắt rằng: “Cô đó là cô thầy thuốc[vi][vi] Cộn trong Chợ Lớn. Vóc áo đưa hồi nãy đo phải cắt cho thiệt khéo, chiều thứ năm cô ra bận thử. Thân chủ nầy chắc là may đồ nhiều lắm, phải làm cho tử tế, cho vừa lòng người ta”.

Bà chủ dặn rồi bà thủng thẳng đi vô.

Cô lạ đứng chờ bà đó, nghe bà nói chuyện với chị thợ cắt thì cô biến sắc, ngơ ngẩn bởi vậy chừng bà đi tới cô muốn nói, mà nói không được. Bà liếc thấy bộ cô muốn nói với bà thì bà dừng lại hỏi rằng: “Cô em có việc, chi muốn nói với qua hay sao?”

Cô bợ ngợ cúi đầu đáp rằng: “Thưa bà, cháu muốn xin ở may cho bà. Không biết bà có cần dùng thợ thêm hay không?”

Bà chủ châu mày mang cặp mắt kiếng lên, đứng ngó ngay cô rồi hỏi rằng:

- Cháu thuở nay may tiệm nào?

- Thưa, thuở nay cháu chưa có may tiệm nào hết.

- Cháu ở đâu?

- Thưa cháu ở dưới Sóc Trăng.

Bà chủ suy nghĩ rồi nói rằng: “Đâu cháu đi vô đây coi”.

Bà chủ đi trước, cô đi theo sau, vô tít trong phòng bà ngồi trên ghế canapé[vii][vii] và chỉ một cái ghế nhỏ mà biểu cô ngồi. Cô không dám ngồi, cứ đứng xớ rớ.

Bà hói cô rằng:

- Cháu năm nay mấy tuổi?

- Thưa, 24 tuổi.

- Đã có chồng con gì hay chưa?

- Thưa chưa.

- Chưa có chồng. Vậy mà cha mẹ còn đủ hay không?

- Thưa, ông thân cháu mất vài năm nay. Cháu còn có một mẹ già mà thôi.

- Bà già cháu bây giờ ở đâu?

- Thưa ở dưới Sóc Trăng.

- Dưới Lục tỉnh cũng có tiệm may. Sao cháu không may ở dưới, lại lên tới trên nầy.

- Thưa, ở tinh đồ may ít lắm. Cháu sợ may không đủ cơm ăn nên cháu mới lên đây.

- Cháu may giỏi chưa?

- Thưa, cháu may áo lót cũng được.

- Cháu biết đột máy[viii][viii] hay không?

- Thưa biết.

Lúc nầy tôi có cần mướn thêm một người thợ, song thợ giỏi kia, chớ thợ lược hay là luôn thì tôi cỏ đủ. Đâu cháu ra đây may thử cho tôi coi.

Bà dắt cô trở ra ngoài, biểu cô may tay, may máy, may mỗi thứ một khúc và may đủ kiểu cho bà coi. Coi bộ bà vừa ý lắm, nên bà gặc đầu và dắt cô trở vô phòng mà nói rằng: “Cháu may được. Vậy nếu cháu muốn ở may thì tôi mướn”.

Cô nghe bà nói chịu mướn thì cô lộ sắc mừng cô nói rằng: “Cháu cảm ơn bà lắm. Cháu nguyện ráng làm cho bà vừa ý”.

Bà chủ cười mà hỏi rằng:

- Cháu tên gì?

- Thưa, cháu họ Triệu, tên Phùng Xuân.

- Cháu ở Sóc Trăng, mà ở làng nào?

- Thưa cháu gốc gác ở chợ Cái Con, từ ngày ông thân cháu mất rồi, thì bà thân cháu ở tại Kế Sách.

- Trong tiệm tôi có bốn năm cô thợ không có chồng con thì ăn đây ngủ đây. Cháu muốn ở đây hay là tối cháu về nhà.

- Thưa bà, cháu nghèo nên phải xuất thân đi làm ăn, đặng kiếm tiền nuôi mẹ. Ở Sài gòn cháu không có bà con với ai hết. Nếu bà có lòng thương cháu, bà cho cháu ở luôn tại tiệm thì cháu đội ơn bà lắm.

- Được, ở luôn đây cũng được. Cháu may thử tháng đầu tôi trả tiền công cho 7 đồng. Nếu sau cháu may khá, thì tôi sẽ liệu mà cho thêm.

- Cảm ơn bà.

- Nầy, mà để tôi nói trước cho cháu biết. Tiệm tôi gắt lắm chớ không phải như mấy tiệm khác. Thợ may của tôi thì phải nghiêm chỉnh, đi đứng không được lẳng lợ Ai muốn chồng thì lấy chồng, chớ không được phép rù quến bướm ong mà làm cho tiệm mang tiếng không tốt. Nhứt là cháu ở Lục tỉnh mới lên Sài gòn, cháu cần phải dè dặt cho lắm mới được. Đất nầy họ yêu ma lắm không nên tin ai hết. Nhiều người họ nói một đường, họ làm một ngả. Họ ăn bữa trước, họ quên bữa sau. Tôi nói riêng cho cháu biết phần nhiều thiên hạ họ điếm lắm, chỉ mong gạt nhau, giựt nhau chớ không có tình nghĩa chi hết. Vậy mỗi việc đều phải cẩn thận.

- Bà thương, bà dạy cháu như vậy cháu đội ơn bà lắm. Cháu sẽ ghi nhớ những lời vàng ngọc của bà.

- Thôi cháu ra ngoài đặng tôi tiến dẫn cho chị em bạn mà làm quen với nhau.

Mấy cô thợ cũ thấy cô thợ mới dung nhan đẹp đẽ, ăn nói nhỏ nhoi, thì chẳng ai mà chẳng vui lòng kết bạn.

Mọi ngày đúng 6 giờ chiều thì thợ nghỉ hết. Nhữ­ng cô có nhà riêng thì bận áo, đội khăn mà về, còn mấy cô ở tại tiệm thì ra phía sau mà ăn cơm, rồi rửa mặt, gỡ đầu, thay quần, đổi áo, mà đi chơi đặng giải cái mệt ngồi cả ngày bực bội.

Cô Phùng Xuân ở may mới ít bữa, thì bà Tư Kiến dòm thấy cô khéo léo, siêng năng, nhậm lẹ, vui vẻ, mà lại có nết nạ Tối nghỉ may thì cô lấy truyện hoặc nhựt trình nằm đọc, chớ chẳng bao giờ cô bước chân ra khỏi tiệm. Bà thấy vậy thì đem lòng thương, song sợ mấy cô thợ kia ghen ghét, nên thương thì bà để bụng, chớ bà không lộ cho ai biết.

Đến chiều thứ năm cô thầy thuốc Cộn lại tiệm bận thử áo. Bữa nay cô đi xe hơi mới và mặc quần áo còn sắc sảo hơn hôm trước nữa. Cô bước vô tiệm thì hỏi trống: “Bà chủ đâu?” Cô thợ ngồi phía ngoài chỉ ngay vô phòng khách. Cô thầy thuốc xâm xâm đi riết vô không thèm ngó ai hết.

- Bà Tư Kiến kêu chị thợ cắt biểu đem áo vô, mà bà lại kêu cô Phùng Xuân vô phòng nữa.

Cô Phùng Xuân đương may máy. Cô nghe bà chủ kêu. thì cô lật đật đứng dậy đi vô song nếu lúc ấy ai ngó cô, thì sẽ thấy sắc mặt cô buồn nghiến[ix][ix].

Bà chủ biểu chị thợ cắt đưa áo cho cô thầy thuốc bận thử và dặn cô Phùng Xuân phải ghi kích tấc rộng hẹp, hoặc dài, vắn, đặng nhớ mà may cho đúng.

Cô Phùng Xuân phải đứng nhắm cô thầy thuốc, phải đi chung quanh cô trót 15 phút đồng hồ mới rồi việc. Cô bước ra khỏi phòng, môi cô thường đỏ au, mà bây giờ lại tái lét.

Tối bữa ấy bà Tư Kiến thấy mấy cô thợ may đi chơi hết, duy có một mình cô Phùng Xuân ngồi buồn hiu, thì bà kêu cô lên lầu và cậy cô mạng dùm mùng rách cho bà. Cô ngồi mà mạng, bà nằm mà ngó cô trong phòng vắng vẻ, duy nghe tiếng xe chạy dưới đường với tiếng hát ở xa xa mà thôi. Cách một hồi bà hỏi cô rằng:

- Dì coi nết na của cháu cho tới tướng mạo cùng là cử chỉ, thì cháu chẳng phải là con nhà nghèo. Tại sao mà cháu phải xuất thân đi may mướn vậy.

- Thưa bà, hồi trước cha mẹ cháu cũng khá mấy năm nay bị nợ nần nên nghèo.

- Ờ, có vậy mới phải chớ... Cháu khiêm nhượng nên cháu nói “khá” đó, chớ dì chắc hồi trước cha mẹ cháu giàu đại, chớ không phải khá mà thôi đâu. Hồi nhỏ cháu học trường nào mà biết chữ nên cháu coi truyện coi sách đó?

- Thưa cháu học xong Nhà trắng[x][x] dưới Sóc Trăng.

- Học mấy năm?

- Thưa sáu bảy năm.

- Đó, dì đoán trúng rồi, phải con nhà giàu mới có thể học Nhà trắng tới sáu bảy năm chớ. Cháu biết tại sao mà dì dám đoán quyết cháu là con nhà giàu hãy không?

- Thưa, không.

- Dễ đoán lắm. Hồi chiều cô thầy thuốc tới bận thử áo, dì dòm thấy bộ tịch của cháu thì dì biết liền. Cháu làm thợ may mà đem áo cho người ta bận thử, chảu lại buồn bực hổ thẹn. Bao nhiêu đó thì đủ biết cháu là con nhà giàu, bây giờ suy sụp, ra thân làm mướn, nên cháu mới hố phận chớ.

Cô Phùng Xuân làm thinh một hồi rồi cô nói một cách rất buồn thảm rằng: “Bà đoán trúng lắm. Vì bà thương cháu, nên cháu phải tỏ thiệt việc nhà của cháu cho bà rõ. Song cháu xin bà đừng nói lại cho chị em bạn của cháu biết mà họ cười cháu tội nghiệp. Ông thân của cháu hồi trước làm Cai Tổng có ruộng đất nhiều mỗi năm góp huê lợi tới ba bốn chục ngàn gia. lúa. Vì thời vận không may, mùa màng thất bát, nợ nần chồng lời, gia đình suy sụp, ông thân cháu lo lẳng hết sức mà lo không kham nên chủ nợ biên tịch phát mãi ruộng đất nhà cửa hết, ông thân cháu thất chí, buồn rầu, nhuốm bịnh mà chết. Cháu có một người anh thứ hai, làm Hương chủ ở Kế Sách. Ảnh cũng nghèo, còn người chị thứ ba của cháu, chỉ có chồng Cái Côn thì chỉ khá.

Nói thiệt cho bà thương. Tuy bây giờ mẹ con cháu nghèo, song trong xứ ai cũng biết là vợ con của Cai Tổng. Không lẽ cháu ở đó mà làm thuê làm mướn cho được. Cháu lớn rồi, nếu cháu theo nương tựa với anh, thì sợ chị dâu nói tiếng nặng tiếng nhẹ. Còn chị ruột của cháu thì chỉ còn ở chung với cha mẹ chồng, cháu không lẽ theo ở với chị. Tại cái phận của cháu như vậy đó. nên cháu phải buộc lòng gởi bà thân của cháu ở với anh cháu đặng cháu đi xa làm mướn cho thiên hạ khỏi chê cười”.

Cô Phùng Xuân thuật tâm sự của cô mà cô rưng rưng nước mắt.

Bà Tư Kiến động lòng, nên bà thở ra mà nói rằng: “ở đời giàu hay nghèo ấy là may với rủi mà thôi, chớ không phải giỏi hay là dở. Trời khiến cái mạng cháu phải lận đận lao đao như vậy, cháu chẳng nên buồn làm chi, mà cháu thấy người ta giàu, cháu chẳng nên hổ thẹn. Cháu có học tự nhiên cháu biết. Tiền bạc không phải quý, đức hạnh kia mới thiệt quý, bởi vi tiền bạc dễ kiếm chớ đức hạnh khó kiếm, tiền bạc có, nhiều khi phải tiện tặn, chớ đức hạnh dẫu chừng nào cũng còn hoài. Họ giàu mà họ ăn ở bậy bạ thì sao bằng mình nghèo mà mình ăn ở từ tế. Dì khuyên cháu đừng thèm so sánh sự giàu nghèo, cháu cứ lo giữ tiết cho sạch, tập tánh cho cao, gìn lòng cho ngay, ráng chí cho vững, cháu được như vậy dù nghèo mà cháu quý hơn con nhà giàu sang hết thảy”.

Bà nằm suy nghĩ sao đó rồi bà lại hỏi tiếp rằng:

- Bữa hôm cháu nói cháu 24 tuổi, phải hôn?

- Thưa phải.

- Tuổi cũng trộng rồi! Sao cháu không tính lấy chồng đặng có chỗ mà nương dựa.

Cô Phùng Xuân nghe hỏi tới câu đó thì cô cúi mặt xuống, nhễu hai giọt nước mắt trong cái mùng. Cô nghẹn ngào nên đáp nhỏ nhỏ rằng: “Phận cháu nghèo khổ rồi, ai thèm cưới mà mong lấy chồng”.

Bà Tư Kiên ngồi dậy têm trầu mà ăn và nói rằng: “Thiệt đó chút đời này là đời tiền bạc.

Thiên hạ họ kể đồng tiền, chớ họ màng gì đức hạnh. Trai có học thì chen nhau dành giựt những tiếng kêu “thầy, kêu “ông”. Còn cưới vợ thì họ kiếm mấy chỗ giàu đặng òn ỷ sắm nhà lầu, mua xe hơi tốt. Con gái nghèo thì có thế gì mà mong lấy chồng cho sung s­ớng tấm thân được. Kìa như ông Huyện Phi ở trong Bà Chiểu đó. Ông có ba bốn đứa con gái đứa nào cũng học giỏi, bánh trái, mau vá khéo mà vì ông nghèo nên con ông sồ sộ mà có ai thèm rớ tới đâu. Đời khốn nạn quá!”

Cô Phùng Xuân mạng lỗ mùng rách xong rồi, đồng hồ gõ 9 giờ. Bà Tư Kiến biểu cô đi nghỉ.



[xi][i] loại bàn ghế làm bằng ván gỗ dày

[xii][ii] salon: nơi tiếp khách

[xiii][iii] không còn mới

[xiv][iv] bông tai gắn hột hổ phách (Bernstein)

[xv][v] lá to bông đỏ, lá được dùng gói nem chua

[xvi][vi] vợ của một y sĩ

[xvii][vii] trường kỷ, ghế dài

[xviii][viii] may bằng máy may

[xix][ix] nhiều, buồn nát lòng

[xx][x] trường nữ do nhà thờ quản lý, còn gọi là “trường bà phước”

Chương : 1   2    3    4   
Hồ Biểu Chánh
Số lần đọc: 2625
Ngày đăng: 01.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đêm trắng của Đức Giáo Tông - Trầm Hương
Nó và tôi - Nguyễn Quang Sáng
Trên một cung đường - Anh Động
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Bản án tản thất quân dụng - Lê Thành Chơn
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh
Thời áo trắng - Hoàng Mai Quyên
Chuyện tình nhà thơ lớp - Mai Bửu Minh
Cùng một tác giả
Ai làm được (truyện dài)
Ái tình miếu (truyện dài)
Thầy thông ngôn (truyện dài)