Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.046
123.235.312
 
Nó và tôi
Nguyễn Quang Sáng
Chương 7

Tôi thường đến câu lạc bộ bóng bàn với hai đứa, vừa chơi vừa xem bọn nhỏ tập. Xem những quả bóng qua lại cùng những động tác giựt đỡ của bọn nhỏ, tôi say mê và thấy sướng hai con mắt. Còn hai đứa đến lò võ luyện tập thì tôi chẳng bao giờ đến, nhưng rồi lại say mê võ như chúng nó, không phải say mê luyện tập mà say mê một kiểu khác. Tôi say mê đọc sách võ của hai đứa con mua về. Trong sách dạy võ có nhiều đoạn tôi thích:

“Người học võ không phải chỉ là luyện tập thân xác và kỹ năng chiến đấu mà thôi, mà người học võ chính là người lựa chọn con đường hành đạo thông qua võ thuật, đó là võ đạo... Dùng võ thuật như là một nghiệm sinh nhằm tiến về đạo, tức là đến sự quân bình, hòa hợp giữa thân và tâm và hơn nữa tìm một ý nghĩa cho cuộc sống, như là mục đích tối hậu của võ thuật...”. Ngoài ra còn nhiều đoạn cao xa hơn, tôi nghĩ là bọn nhỏ chưa hiểu nổi, nhưng hi vọng, bọn võ sinh nhỏ tuổi sẽ thắm dần.

Tôi yên tâm. Chuyện không hay xảy ra sau này do học võ hay là nhờ học võ mà nó thoát khỏi tai nạn.

Những buổi luyện võ của võ sinh, bao giờ cũng có những đứa nhỏ đứng ngoài nhìn vào. Đó là những đứa cũng thích võ nhưng không có tiền để mua sắm võ phục, không đủ tiền để đóng học phí. Là những đứa nghèo, nhưng đứa trẻ cơ nhỡ, đứa lượm rác, đứa bé bán vé số. Đứa ở trần, đứa quần áo cũ mèm, lôi thôi lếch thếch nhưng đứa nào cũng đậm đà sương gió, đứa nào cũng cùi cụi. Chúng không có trường lớp, chúng thành lập băng. Băng trưởng là thằng Hùng, biệt danh Hùng Hổ, được bọn nhỏ gọi là đại ca. Còn võ sinh ở bên trong áo quần trắng lốp, băng thằng Hùng gọi là một bầy cò. Cò thì đánh đấm gì. Trong đó có nhiều đứa vì ốm yếu, vì bịnh, có nhiều trẻ bị bịnh hen, cha mẹ đưa vào luyện tập để mạnh khỏe, băng thằng Hùng Hổ ganh với đám cò võ sinh theo cách gọi của chúng nó. Băng thằng Hùng thường hay khiêu khích đòi đấu. Thầy biết được, thầy cấm ngặt:

- Các con nên nhớ, học võ không phải để đánh lộn, đứa nào đánh lộn, thầy đuổi.

Nhờ đó mà không xảy ra xô xát.

Nhưng rồi nó vẫn bị thằng Hùng Hổ đánh vì một chuyện không đâu. Số là trong lớp nó có một đứa tên Đàm, một đứa con nhà giàu, ba nó là giám đốc công ty xuất nhập khẩu. Nhà thằng Đàm là một biệt thự mặt tiền trên con đường lớn, đối diện với con hẻm dẫn vào nhà thằng Hùng, thằng Hùng Hổ như là vệ sĩ của nó. Thằng Đàm đi học bằng chiếc honda đẹp nhứt, xịn nhứt, nhưng cũng là đứa học dở nhứt, lười nhứt, cúp cua nhiều nhứt. Ba má nó bận việc làm ăn, không để tâm đến việc học hành của con, chỉ biết đáp ứng những đòi hỏi của con nào quần, nào áo, nào tiền nào xe, ngày họp phụ huynh để nghe thầy cô báo cáo về việc học của con mình cũng không để ý.

Một ngày họp phụ huynh học sinh, bạn cùng lớp với thằng Đàm là trò Tuyên trực lớp, có nhiệm vụ tiếp đón các bậc cha mẹ. Cô chủ nhiệm để ý trò Tuyên đứng bên ngoài cửa sổ cứ chăm chăm vào một người đàn ông ngồi trên ghế ngay cái tên của thằng Đàm.

Sau giờ họp, cô giáo chủ nhiệm hỏi trò Tuyên:

- Sao em cứ nhìn lom lom phụ huynh của trò Đàm dữ vậy?

Trò Tuyên ngập ngừng một hồi lâu:

- Thưa cô, em thấy ông đó quen quen. Ba của bạn Đàm em biết, không phải ông đó.

- Hay là chú bác trò Đàm?

- Thưa cô! Chắc không phải, ông ấy đạp xích lô.

- Sao trò biết?

- Ngày nào ổng cũng đậu xích lô ở ngã ba trước nhà em, ngày nào em cũng gặp.

- Cô không biết, nhưng cô thấy là lạ. Khi cô nói về học lực và tư cách của trò Đàm, cô thấy ổng chẳng phản ứng gì hết. Thôi cảm ơn em!

Thế là thằng Đàm được cô chủ nhiệm gọi lên. Thằng Đàm con người nó cũng dễ gây ấn tượng lắm. Người nó mảnh khảnh, da trắng xanh, môi mỏng, đặc biệt là mái tóc, mái tóc không đen, không vàng, mái tóc tơ màu cỏ úa. Với giọng nghiêm khác, cô hỏi:

- Hôm qua, phụ huynh của em là ai?

- Dạ, ba em

- Cô cho em trả lời lần thứ hai! - Giọng của cô đanh hơn.

Thằng Đàm tái mặt nói cà lăm:

- Dạ, dạ, dạ...

Cô giáo đập tay xuống bàn:

- Ba em hay ông già chạy xích lô?

Người nó rúm lại, lại cà lăm, thấy nó muốn quanh co, bực mình, cô hạ xuống một câu:

- Chính trò Tuyên nhận ra mặt ông già xích lô.

Hết đường chạy, nó đành phải khai thật. Nó không dám cho ba má nó biết sự học hành và mọi hành vi của nó. Nó mướn ông già xích lô đi họp.

Khi ba nó được mời lên nhà trường trở về, mặt hầm hầm. Thấy nó đứng lớ ngớ, không nói không rằng, sẵn sợi dây nịt của nó giắt trên ghế, ông chụp lấy, quất nó tới tấp. Nó càng khóc ông càng quất, ông quất đến lúc vợ ông đi chợ về, ôm hai tay ông. Sau trận đòn, thằng Đàm sốt nằm liệt giường đến một tuần. Thay vì thấy lỗi lầm của mình, nó lại thù trò Tuyên. Nó nuôi thù, mối thù càng ngày càng nung nấu trong lòng nó. Nó lầm bầm: “Phải cho nó một trận”. Muốn trả thù, nhưng nó nhát. Ném đá nhưng phải giấu tay. Nó nghĩ đến thằng Hùng Hổ. Chuyện gì chứ đánh nhau thì thằng Hùng Hổ hăng lắm. Tay chân của thằng Hùng Hổ như lúc nào cũng ngứa ngáy. Nó hỏi:

- Mặt mày nó ra sao, tên gì?

Thằng Đàm tả thằng Tuyên:

- Nó tên Tuyên, da ngăm ngăm, mũi cao, mái tóc quăn.

Thằng nhỏ nhà tôi cũng nước da ngăm ngăm, cũng mũi cao và mái tóc cũng quăn. Tan trường, tay ôm cặp, vừa bước qua đường, thì từ dưới gốc me, thằng Hùng Hổ lao ra giáng cho một đấm ngay sống mũi, nó té ngồi, máu đầm đìa. Thằng Hùng Hổ thừa thắng xông lên. Thằng Hùng Hổ vừa lao đến thì nó tung một cú đá, trong lúc thằng Hùng Hổ lông chông thì nó bật dậy. Nó yếu hơn thằng Hùng Hổ, nhờ ba năm luyện võ, nó lao tới... Nhưng hai đứa chưa kịp đánh tiếp thì cả hai đứa đều bị ôm chặt. Người lớn đứng gần đó nhào ra can. Những người lớn là những người chứng kiến thằng Hùng Hổ tấn công trước, thằng Hùng Hổ bị đưa về đồn công an gần đó, còn nó thì đưa đến bệnh viện. Thằng Hùng Hổ bị giam một đêm thì được cha mẹ nó bảo lãnh với điều kiện phải bồi thường cho người bị thương tích.

Về đến nhà, nó tìm thằng Đàm khoe công và bắt thằng Đàm đền tiền thuốc men cho nó. Hai đứa gặp nhau trên đường. Thằng Đàm ngồi trên yên xe honda, thằng Hùng Hổ đứng trên lề đường. Thấy mặt nó, thằng Đàm kêu trời:

- Mày đánh lầm rồi, tao bảo mày đánh thằng Tuyên mày không đánh lại đi đánh thằng Quảng quắn.

Thằng Hùng Hổ ngớ ra:

- Tại mày, sao mày không đứng gần chỉ mặt nó, tao biết thằng nào với thằng nào? Thấy nó mũi cao, tóc quăn là tao chơi.

- May cho mày bị bắt sớm. Thằng Quảng ốm yếu hơn mày nhưng nó học võ đã ba năm, cái băng của nó toàn thằng có nghề.

Thằng Hùng Hổ trề môi:

- Nó có nghề tới đâu, tao cũng không ngán. Mày nhớ đền tiền thuốc men cho nó.

- Mày đanh thằng Tuyên bao nhiêu tao cũng lo. Mày đánh thằng Quảng, dính gì tới tao?

Nói xong, nó bật chìa khóa rồ máy định vọt nhưng thằng Hùng Hổ nhanh hơn, đưa tay chộp lấy cái cổ áo sau ót nó kéo lại:

- Nhà tao làm gì có tiền lo thuốc men cho người ta? Mày không biểu, tao đi đánh người ta làm gì?

Giọng thằng Hùng Hổ ấm ức như khóc. Nó hét lên:

- Mày muốn lật lọng phải không?

- Buông tao ra, bao nhiêu?

- Bao nhiêu tao chưa biết.

- Buông tao ra, tao lo.

Thằng Hùng Hổ buông tay, chiếc xe thằng Đàm vọt đi, để lại sau một làn khói.

Chương : 1    2    3    4    5    6    7   8    9    10   
Nguyễn Quang Sáng
Số lần đọc: 1526
Ngày đăng: 09.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thầy thông ngôn - Hồ Biểu Chánh
Thiệt giả, giả thiệt - Hồ Biểu Chánh
Đêm trắng của Đức Giáo Tông - Trầm Hương
Nó và tôi - Nguyễn Quang Sáng
Trên một cung đường - Anh Động
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Bản án tản thất quân dụng - Lê Thành Chơn
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh
Thời áo trắng - Hoàng Mai Quyên
Chuyện tình nhà thơ lớp - Mai Bửu Minh
Cùng một tác giả
Bài học tuổi thơ (truyện ngắn)
Cái gáo mù u (truyện ngắn)
Chị Nhung (truyện ngắn)
Chiếc lược ngà (truyện ngắn)
Con chim vàng (truyện ngắn)
Con Khướu sổ lồng (truyện ngắn)
Con ma da (truyện ngắn)
Con mèo của Foujita (truyện ngắn)
Đạo Tưởng (truyện ngắn)
Gà sanh đôi (truyện ngắn)
Người bạn lính (truyện ngắn)
Dân chơi (truyện ngắn)
Nó và tôi (truyện dài)
Vểnh râu (truyện ngắn)