Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.043
123.235.279
 
Nó và tôi
Nguyễn Quang Sáng
Chương 10

Đúng như lời của cô trưởng phòng giáo dục, hai ngày sau, tôi nhận được điện báo của cô, bảo sáng chủ nhựt, cháu đến trường để thầy kiểm tra. Không phải kiểm tra học lực của cháu vì sổ điểm của cháu thầy đã xem rồi, thầy muốn kiểm tra trình độ bóng bàn của nó.

Buổi sáng chủ nhựt, tôi chở nó đến trường. Tôi vui vì thấy ngôi trường trên con đường yên tĩnh, sân trường mát rượi dưới bóng những cây điệp cổ thụ. Sáng chủ nhật mà học trò đến chơi khá đông.

Thầy hiệu trưởng tuổi độ 40, dong dỏng cao, quần xám tro, áo sơ mi trắng. Thầy có gương mặt hiền từ, dễ gần. Thầy đón cha con tôi từ cổng và đưa cha con tôi thẳng vào phòng bóng bàn. Học trò tò mò kéo theo sau. Té ra những học trò buổi sáng chủ nhật này là những học trò mê môn bóng bàn và cũng là cổ động viên của thầy. Phòng bóng bàn bề ngang bề dài rất tiêu chuẩn. Thằng Quảng mặc bộ đồ thể thao, quần trắng áo xanh gọn gàng, thầy nhìn nó với đôi mắt cảm tình.

Học trò ngồi dài trên băng gỗ hai bên bàn bóng. Khi thầy vào bên trong, thầy trở ra với diện mạo con nhà thể thao. Thầy mặc quần đùi trắng, áo thun xanh, giày bata trắng, vừa gọn vừa đẹp. Học trò vỗ tay rầm rộ khi thầy cầm vợt đưa lên.

Thầy nói:

- Các em phải cổ động thật vô tư. Quả nào hay, bất cứ của ai, các em đều phải vỗ tay hoan nghênh, rõ chưa?

- Rõ!

Tiếng “Rõ” nghe ran cả phòng.

Thầy bước tới bắt tay Quảng. Thầy nói:

- Em là học trò, thầy dạy em phải nghe, nhưng trong thể thao thì bình đẳng. Là đối thủ của nhau, không được nhường, nhường có nghĩa là coi thường đối phương, em phải đấu hết mình.

Học trò cổ động viên, đứa nào cũng hồi hộp. Một trận đấu thật ngoạn mục. Hai đấu thủ hai cách đánh khác nhau. Thầy đứng xa bàn, thầy chơi bóng dài, bóng thầy sát lưới; thằng Quảng thì ôm bàn tấn công, giựt chan chát. Kẻ tấn người thủ, bóng qua lại liền liền, tiếng vỗ tay vang lên không ngớt, thật hào hứng.

Nó thắng “xê” đầu, thầy gỡ lại “xê” hai, “xê” ba nó thắng lại thầy với tỉ số khít khao trước sự cổ vũ nồng nhiệt của cổ động viên học trò.

Vậy là nó được trở lại trường. Tôi đâu có ngờ cái môn bóng bàn đã cứu nó. Nó được thầy cô quý mến, bạn bè nể trọng. Nó không chỉ được bổ sung vào đội bóng bàn nhà trường mà mỗi ngày sau giờ học, nó ở lại trường cùng thầy tập dượt cho đồng đội. Nó chơi lối chơi hiện đại hợp với tuổi trẻ hơn lối chơi xưa của thầy. Đồng đội nó tiến rất nhanh. Ngoài việc tập luyện trong nhà trường, nó còn cùng thầy tổ chức đấu giao hữu với bạn cũ của nó. Thầy mê quá. Thầy chắc mẻm là mùa giải tới, đội bóng nhà trường của thầy sẽ đoạt giải. Cả thầy trò đều khao khát chiến thắng.

Mùa hè lại đến, và giải bóng bàn học sinh toàn thành được long trọng tổ chức trong câu lạc bộ của thành phố.

Nhưng xui cho nó, xui cho đội bóng nhà trường của nó, nó được giao nhiệm vụ chủ công, trận nào cũng phải thắng để kéo đồng đội, nhưng nó chưa đấu thì đã bị loại từ đầu.

Ban tổ chức phát hiện ra nó. Trưởng ban tổ chức đến gặp thầy:

- Thưa thầy, trò Quảng không được thi đấu.

Thầy kinh ngạc đến sững sờ, tròn hai con mắt:

- Trò Quảng bị lỗi gì mà không được thi đấu?

- Trò Quảng không có lỗi gì, nhưng trò Quảng nằm trong hệ chuyên nghiệp. Giới bóng bàn thành phố không ai còn lạ gì cháu.

Thầy cãi lại:

- Nhưng trò Quảng là học trò trường tôi.

Trưởng ban tổ chức nhỏ nhẹ:

- Chúng tôi biết cháu vẫn là học trò, nhưng giải này là giải phong trào. Nếu để trò Quảng tham gia thì phạm qui. Mong thầy thông cảm.

Thầy đứng lặng, không nói được cái gì. Trưởng ban tổ chức đành an ủi thầy:

- Thầy phân công trò Quảng làm chỉ đạo viên cho đội bóng của thầy, trò Quảng chỉ đạo lợi hại lắm đó thầy.

Thầy nghe phải, thầy nhường quyền chỉ đạo cho nó. Lần đầu tiên đội bóng của thầy vào chung kết, đoạt giải nhì đồng đội, ngoài sức tưởng tượng của thầy và nhà trường.

Nó không được thi đấu, nhưng uy tín bóng bàn của nó từ đó lại... cao hơn.

Lạ thật!

***

Môn bóng bàn đưa nó trở lại nhà trường nhưng nó không còn say mê nữa. Tuổi 14, nó thuộc vào đội năng khiếu tuổi thiếu niên. Để chuẩn bị giải, nó cầm vợt trở về đội tập luyện. Thời gian qua, đồng đội của nó ngày nào cũng luyện tập với thầy, luôn cọ xát với người cao tay hơn mình, càng ngày càng lên bóng. Còn nó ngày ngày nó luyện cho người kém hơn. Nó làm thầy quá sớm, bóng càng ngày càng sụt. Trước đây nó là tay vợt số một của đội, bây giờ nó là cây vợt cuối bảng. Biết chẳng thắng ai, nó rút lui, nó bảo “gác kiếm”. Nó nản đến mức không xem đồng đội thi đấu nữa. Máu bóng bàn đã lạnh. Đến buổi thi đấu, nó cũng không đi. Tưởng nó đi cổ vũ cho đồng đội, không, nó rẽ đi ngả khác. Từ ngày chuyển trường, cái băng bụi đời đã rã, còn đó nhưng thiếu “đại ca”, không “ì xèo” nữa. Nó mới liên lạc với Hùng Hổ. Hùng Hổ đã đi học buổi học đêm. Hai đứa không đi bụi mà đi xem phim, đi hát karaoké.

Một buổi tối, cả nhà đông đủ, nó mang ra một cái băng, khoe với tôi:

- Ba nghe giọng hát này thử coi. Giọng trẻ đang lên.

Vốn là người mê nhạc, tôi hăm hở. Nó đặt cái máy nghe trên bàn trước mặt tôi, ấn nút.

Tiếng hát cất lên:

Nắng có buồn bằng đôi môi em

Mưa có buồn bằng đôi mắt em...

Ca khúc Như cánh vạc bay mà Trịnh Công Sơn thường hát dưới gốc mận nhà tôi, tôi rất thích. Giọng của ca sĩ trẻ này là giọng của một chàng trai trẻ vừa vỡ tiếng, cái giọng vừa trầm vừa rè gây cho tôi một cảm xúc khá mạnh, nhưng tôi lấy làm lạ về nhạc. Giọng ca trẻ không hát với cây guitar mà hát với một dàn nhạc nhiều nhạc cụ, một dàn nhạc quá kém. Càng nghe, tôi càng phát hiện dần ra...

Tôi đánh cái bốp vào vai nó:

- Giọng của mày!

Cả nhà cười rộ lên.

Hóa ra là nó đi hát karaoké, nó thu băng. Cả nhà khen tôi phát hiện ra giọng của nó.

Nhớ lại năm tôi 14 tuổi, tôi làm liên lạc cho đơn vị Vệ quốc đoàn. Tôi chưa mang nổi cây súng dài, nhưng bên hông tôi lủng lẳng trái lựu đạn. Có trái lựu đạn đeo bên hông, tôi thấy mình không còn là trẻ con nữa. Tôi không còn mê chơi nữa, chỉ có một niềm say mê, say mê chiến đấu. Tôi muốn trở thành một vị tướng nếu không “phơi thây ngoài chiến trường”. Làm anh bộ đội mà mơ ước thành tướng là mơ ước chính đáng.

Tôi nghĩ, thằng Quảng chắc đang chọn một niềm say mê nào đó. Bỏ bóng bàn, đang ham thích ca hát chăng? Có thể lắm, vì dưới gốc cây mận, hầu như ngày nào cũng có văn nghệ sĩ đến chơi, âm nhạc đã nhiễm vào tâm hồn nó từ bé.

Thế là tôi sắm cho nó một cây đàn organ Yamaha và mời một cô giáo dạy nhạc về dạy cho nó.

Như một phép màu, cây đàn với âm thanh khiến nó say mê như cuồng, như đắm đuối. Sau giờ học là nó đạp xe như đua vội vàng trở về nhà với cây đàn. Bao giờ nó cũng ngồi đàn ôn bài trước khi cô đến. Những ngày đầu, nó đánh đàn như gõ thùng thiếc, đinh tai nhức óc. Kệ! Cái gì mới bắt đầu mà không chệch choạc lủng củng. Nó say mê đến độ đến bữa cơm gọi nó, nó bảo:

- Để con đàn cho cả nhà ăn ngon.

Sau một năm học đàn, nó tụ tập một số bạn học tập họp lại thành một ban nhạc. Ban nhạc của nó có một cây đàn organ, một guitar thùng, một guitar xăng, một guitar bass, một dàn trống, một dàn ca sĩ ba nam, hai nữ. Nó đặt tên cho ban nhạc của nó là ban nhạc Chuột nhắt, vì trong ban nhạc có ba đứa loắt choắt như chuột.

Mỗi lần có lễ lạt, nhà trường đều thuê ban nhạc cho ngày vui thêm rôm rả và phải mất ít nhứt một triệu đồng. Ngoài một triệu đồng cầm tay, còn phải bia bọt nữa. Từ ngày có ban nhạc Chuột nhắt, cây nhà lá vườn, nhà trường không hao tốn, lại tưng bừng rôm rả. Ban nhạc Chuột nhắt không chỉ hoạt động trong nhà trường mà còn mở rộng đến các trường khác. Nó không chỉ chơi đàn mà còn sáng tác cho Chuột nhắt. Đó là những ngày vui nhứt và hạnh phúc nhứt của nó trong một mùa hè âm nhạc trước khi chuyển lớp.

Qua năng khiếu và niềm say mê của nó, ai cũng đoán, nó sẽ trở thành nhạc sĩ. Chưa chắc, ở lứa tuổi 14, khó đoán trước được. Có lẽ phải đến mười năm sau, đến tuổi trưởng thành thì mới chắc.

Như tôi chẳng hạn. Năm 1946, 14 tuổi, tôi đi bộ đội đánh Pháp, là một đứa nhỏ vào bộ đội sớm nhứt so với những đứa nhỏ ở làng, có đứa đi sau tôi vài năm. Sau ngày giải phóng (30-4-1975), mấy đứa nhỏ ấy về làng với cấp đại tá, trung tá.

Còn tôi, khi tôi trở về, bà con trong làng đều nghĩ, phải là tướng, tệ lắm cũng cấp tá. Nghĩ vậy, kể ra thật là “logic”. Nhưng tôi, không tướng, không tá, cũng không úy mà là một... văn nghệ sĩ.

Các bạn thấy có lạ và vui không?

Hết

6-9-2002

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10  
Nguyễn Quang Sáng
Số lần đọc: 1653
Ngày đăng: 09.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thầy thông ngôn - Hồ Biểu Chánh
Thiệt giả, giả thiệt - Hồ Biểu Chánh
Đêm trắng của Đức Giáo Tông - Trầm Hương
Nó và tôi - Nguyễn Quang Sáng
Trên một cung đường - Anh Động
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Bản án tản thất quân dụng - Lê Thành Chơn
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh
Thời áo trắng - Hoàng Mai Quyên
Chuyện tình nhà thơ lớp - Mai Bửu Minh
Cùng một tác giả
Bài học tuổi thơ (truyện ngắn)
Cái gáo mù u (truyện ngắn)
Chị Nhung (truyện ngắn)
Chiếc lược ngà (truyện ngắn)
Con chim vàng (truyện ngắn)
Con Khướu sổ lồng (truyện ngắn)
Con ma da (truyện ngắn)
Con mèo của Foujita (truyện ngắn)
Đạo Tưởng (truyện ngắn)
Gà sanh đôi (truyện ngắn)
Người bạn lính (truyện ngắn)
Dân chơi (truyện ngắn)
Nó và tôi (truyện dài)
Vểnh râu (truyện ngắn)