Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.036
123.235.492
 
Trả giá
Triệu Xuân
Chương 4 - chương 1

Liên hiệp Dịch vụ Biển đang ở vào tình trạng khủng hoảng thừa người không có nghiệp vụ và khủng hoảng thiếu những người có năng lực. Hàng chục năm nay, nguyên tắc của công tác tổ chức - cán bộ tuyển chọn người theo tiêu chuẩn cao nhất là lý lịch. Chủ nghĩa lý lịch chỉ có thể giúp cho giám đốc có nhiều nhân viên có thành phần cơ bản, chứ không mang đến cho giám đốc những tài năng. Thời kỳ này, người phụ trách kinh doanh của Liên hiệp Dịch vụ Biển là phó giám đốc Hòa. Đơn vị của ông được giao nhiệm vụ rất quan trọng là đảm bảo dịch vụ cho bốn công ty tư bản đang khoan tìm dầu ở ngoài khơi Vũng Tàu. Công việc thật mới mẻ. Nội một việc đi tìm một chiếc máy bay trực thăng loại nhỏ, vừa đủ đáp xuống giàn khoan trên biển đã là cả một sự náo động rồi. Máy bay trực thăng thì không thiếu, nhưng loại máy bay thích hợp với giàn khoan mà công ty tư bản yêu cầu: máy bay Puma của Pháp, thì ta chưa có. Phải nhập về, nhưng đô la ở đâu ra? Giả sử có đô la thì cũng phải mất cả năm trời mới xong thủ tục nhập được. Trong khi đó, khách hàng yêu cầu có ngay. Nếu sau năm ngày mà không có máy bay thì họ sẽ đi thuê của Xingapo. Bỏ lỡ dịp này vừa nhục với khách, vừa mất một khoản thu ngoại tệ rất lớn. Và thế là ông Hòa phải chạy. Không có sự quen biết rộng rãi, không có bạn bè thân thiết thì chỉ có nước bó tay. Ông Hòa đã kiếm được chiếc trực thăng loại nhỏ UH 1, và một trung tá - anh hùng quân đội, đã từng lái máy bay MIC 17 bắn rơi hàng chục thần sấm, con ma của Mỹ. Nhưng đó chỉ là chuyện một chiếc trực thăng với một người lái; đến chuyện phải có ngay trong vòng bảy ngày năm chục người giỏi tiếng Anh, biết nấu ăn và sức khỏe tốt để ra giàn khoan phục vụ, thì quả là...

Thời gian này, một công ty của Cộng hòa Liên Bang Đức đang khoan tại lô Bạch Hổ, một công ty của Italia thăm dò ở hai điểm, một công ty của Canađa khoan một điểm. Riêng một công ty của Na Uy thì đặc trách việc đào tạo công nhân giàn khoan cho Việt Nam tại trường Dầu khí. Cả bốn công ty cần ngay năm mươi người làm dịch vụ, không nhận phụ nữ.

Người biết tiếng Anh và có đủ sức khỏe, biết nấu ăn giỏi ở Sài Gòn và Vũng Tàu không thiếu; nhưng ai dám đảm bảo chắc chắn rằng họ không vượt biên ngay sau khi ra giàn khoan? Làn sóng di tản đang ở mức cao trào. Làm cách nào bây giờ?

Sự quảng giao và tình bạn đã giúp ông Hòa. Ông kiếm được đủ năm mươi người. Chiến dịch chiêu hiền đãi sĩ bắt đầu từ đó.

Trong số năm mươi người, chỉ có hai người được địa phương đồng ý chứng vào lý lịch và cho đi, còn bốn mươi tám người, lời chứng thực trong lý lịch đều mang nội dung: không đủ tiêu chuẩn chính trị. Người đã từng là hạ sĩ quan, binh sĩ chế độ cũ; người có anh ruột, cha ruột là sĩ quan cao cấp, viên chức cao cấp của Sài Gòn cũ; người có cha là tư sản mại bản… Về sau này, trong số năm chục người ra giàn khoan phục vụ chỉ có hai người vượt biên.

Riêng trường hợp của kỹ sư Lê Ngọc Trầm thì bản lý lịch tự khai với lời chứng thực hoàn toàn đối chọi nhau. Trầm khai trong lý lịch: Cha xuất thân là ngư dân giỏi, gia đình có truyền thống làm nghề biển. Mẹ bị giặc bắn chết. Anh là trung úy Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bản thân là kỹ sư tốt nghiệp năm 1973. Còn lời chứng thực của địa phương thì ghi rõ: “Cha là tư sản mại bản, chống cải tạo, đã vượt biên từ năm 1977. Không thể tiếp nhận vào cơ quan Nhà nước, nhất là phục vụ khách quốc tế!”.

Ông Hòa có người bạn rất thân là Tư Phương vừa từ Đà Nẵng chuyển vào Sài Gòn, là phó tổng giám đốc Liên hiệp Chế biến Thủy sản Xuất khẩu. Tư Phương cùng với bạn của mình là Hai Trung đã giới thiệu cho ông Hòa năm người, trong đó có kỹ sư Trầm. Sự giới thiệu của bạn, ông Hòa coi là đảm bảo tin cậy nhất. Vì thế ông quyết định nhận Trầm. Quyết định này nảy sinh sau cuộc nói chuyện giữa ông với Trầm.

- Ra giàn khoan lao động tạp dịch và nấu ăn. Cậu là kỹ sư, có chấp nhận những việc ấy không?

- Thưa ông giám đốc, ông đã nhận tôi, tức là ông tin ở tôi. Con người, nếu được tin cậy thì việc gì cũng làm được. - Trầm nhìn thẳng vào mắt Hòa trả lời.

- Ồ! Tuyệt lắm. Nhưng... thế này nhé. Bỏ lối xưng hô “Thưa ông giám đốc” đi. Mình là phó giám đốc, năm nay bốn mươi tám tuổi. Cậu ba chục phải không? Thế thì tại sao lại không xưng hô như là anh em nhỉ? Mình thích bạn bè, tình cảm, Trầm ạ.

- Dạ. Cám ơn anh. - Trầm thoáng đỏ mặt khi nói từ “anh”.

- Thế, được đấy. Bây giờ tôi hỏi thật cậu, cậu có thể làm được những gì, và cậu thích làm gì?

- Thưa anh, tôi học cùng một lúc hai trường: khoa kinh tế của Đại học Luật và trường Đại học Kiến trúc. Năm 1973, tôi nhận hai bằng: kỹ sư kinh tế và kiến trúc sư. Nhưng... bằng cấp chỉ là cái giấy chứng nhận có nghề thôi, anh Hòa ạ. Nghề của tôi là thế, tùy anh, anh giao cho tôi việc gì tôi cũng làm được. Tôi thích lao động sáng tạo. Từ tháng năm năm 1975 đến nay, tôi rất khổ tâm vì mình như người thừa. Có tri thức mà không được ứng dụng thì vô bổ. Tôi có thể làm công tác quản lý cũng được, trực tiếp thi công cũng được. Tôi mê cả hai.

- Cậu biết tiếng Anh từ năm nào?

- Tôi rành cả hai tiếng Anh, Pháp từ khi học xong lớp mười hai. Tôi rất ham học, anh ạ. Ba tôi đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi học. Còn tôi, tôi đã không lãng phí cơ hội ấy một phút nào.

Mình có trong tay một cục vàng ròng rồi đây! Ông Hòa thầm cám ơn Tư Phương và Hai Trung. Ông nói với Trầm:

- Thế này nhá! Liên hiệp Dịch vụ Biển đang có hai nhiệm vụ quan trọng phải tiến hành song song: Một là làm dịch vụ cho các công ty khoan tìm dầu; Hai là xây dựng gấp rút cơ sở vật chất để kinh doanh du lịch. Tôi sẽ đề nghị giám đốc giao cho cậu phụ trách phòng dịch vụ hoặc là phòng xây dựng cơ bản. Cậu thấy thế nào?

Trầm thẳng thắn:

- Tôi chỉ mong được làm việc với anh, vì anh nhận tôi vào, anh tin tôi. Tôi sẽ cố gắng để không phụ lòng anh. Hãy để tôi ra giàn khoan lao động một thời gian. Sau này, nếu cần, anh  hãy rút tôi về đất liền.

- Ra làm lao công, lãng phí năng lực của cậu.

- Không! Tôi cần chứng tỏ năng lực ở bất cứ nơi nào. Tôi biết, anh chưa tin tôi ngay đâu. Phải qua lao động, qua thử thách, người ta mới hiểu nhau, đúng không anh? Mặt khác, tôi cũng muốn ra giàn khoan. Tôi cần học hỏi ở đó. Công cuộc tìm dầu mới bắt đầu. Tôi nghĩ  là, sau này, biết đâu chính tôi sẽ làm việc ấy.

- Ồ! Hay quá.

Thế là Trầm ra giàn khoan làm tạp dịch. Nhờ thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, lại có trình độ vào loại xuất sắc, Trầm chiếm được cảm tình của giám đốc giàn khoan. Một công ty đề nghị Trầm làm việc cho họ với mức lương hai mươi ngàn đô la một tháng, nhưng anh thẳng thắn cự tuyệt.

Ở Vũng Tàu, người ta không tin Trầm. Vấn đề lý lịch sẽ còn làm anh khổ nhiều.

*

*          *

Ngày...

Hai con Đước, Trầm yêu quí của ba!

Ba để lại thư này cho hai con rồi ba phải ra đi! Ba không ngờ hòa bình rồi mà đất này lại không lành cho chim đậu. Cách nay hơn bốn chục năm, ba má đã một lần rời bỏ quê hương miền Trung đầy đau thương, ra đi tìm nơi sinh sống. Còn bây giờ, ba biết đi đâu?

Ba không thể, không thể rời mảnh đất đã nuôi sống ba má, mảnh đất mà hai con đã lần lượt chào đời, mảnh đất mà má con đã vĩnh viễn nằm xuống từ năm năm chín đến nay...

Ông Lê Văn Hải, tức Hai Mắm, tức “tên tư sản mại bản” như biên bản tịch biên toàn bộ tài sản trong hồ sơ cải tạo ghi rõ, gục xuống bàn, không viết tiếp được nữa. Nước mắt rơi lã chã trên trang thư viết dở dang. Trước mắt ông vụt hiện lên hình ảnh của Hường, người vợ tuyệt vời của ông đã bị kẻ thù sát hại. Hiện lên hình ảnh của Đước, đứa con trai đầu, cao to vạm vỡ y hệt ông thời trẻ. Lần ông ra Côn Đảo thăm con, con ông đã dùng tàu hải quân đưa ông đi một vòng quanh đảo. Ông đã góp ý với con trai: Nếu chỉ huy bộ đội làm kinh tế thì phải biến Côn Đảo thành cơ sở dịch vụ nghề biển. Ông nhớ đến Trầm, đứa con học giỏi, thông minh và rất hồn nhiên... Giờ này các con ông không có ở đây. Chỉ có một mình ông. Ông phải tự quyết định lấy; giống như trong suốt cuộc đời từ khi rời bỏ bờ biển miền Trung trên chiếc thuyền đánh cá có lá buồm to nhất lúc bấy giờ. Ông quyết định ra đi...

Toàn thân ông run lên trong nỗi đau đớn, xót xa vì nhớ vợ con, lo lắng cho số phận hai đứa con; vì thất vọng trước hiện thực. Ông thấy mình đã ảo tưởng quá nhiều.

Ông ngồi lặng đi hồi lâu, mắt nhìn như thôi miên vào bức sơn mài vẽ cảnh sông lạch Nam Bộ với chiếc ghe chài, y như chiếc ghe mà vợ chồng ông đã dọc ngang khắp miền rừng đước những năm đầu lập nghiệp. Đây là quà tặng của ông dành cho con trai út, khi con ông nhận cùng lúc hai bằng đại học. Ông Hải lau nước mắt, viết tiếp lá thư cho hai con. Ngày xưa, khi còn chiến tranh, ông tin sắt son vào ngày quê hương hòa bình. Sao ngày ấy ông giàu niềm tin thế? Còn bây giờ... Cách đây mấy tiếng đồng hồ, ông nhận được tin người bạn của ông, cũng là chủ một xưởng đông lạnh, đã treo cổ tự tử.

*

*          *

Con sông Cái chảy tới đây thì hòa vào ngã năm tạo nên một vùng sông nước mênh mông, cuộn sóng, quanh năm đậm đặc phù sa. Một trong những con sông nhỏ bắt nguồn từ ngã năm này đi sâu vào rừng đước phía Tây Nam. Trong cuộc hành trình từ đây ra đại dương, nó lại thâu vào lòng hàng trăm, hàng ngàn sông, lạch, xẻo, rộc... chi chít như mạng nhện. Còn cách biển chừng nửa giờ nếu đi bằng ghe chèo tay, sông đột ngột uốn cong mình như đuôi tôm, hướng dòng chảy về phía tay phải. Ở đoạn cong đuôi tôm ấy có một nhánh sông xuyên qua rừng đước, đi qua một khóm dân cư, rồi nhập vào một dòng sông nhỏ ở phía bên kia.

Khóm dân cư ấy là ấp Xẻo Đước có năm chục nóc nhà làm bằng cây đước. Thuở mới ra đời, ấp Xẻo Đước chỉ có độc một gia đình ông Hải. Gọi là gia đình vì có chồng và vợ. Lê Văn Hải năm ấy hai lăm tuổi, vợ mười sáu. Họ thương nhau rồi ở với nhau chứ Hải lúc đó nghèo lắm, tiền đâu mà cưới hỏi. Hai anh chị cùng một cảnh ngộ: mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cha của Hải và cha của Hường là bạn từ nhỏ, là hai tay lái kiệt xuất, đi biển giỏi nhất vùng; đặc biệt là tài săn cá mập. Nhưng làm được bao nhiêu, họ bị địa chủ biển vơ vét hết. Gia đình họ đã mấy đời ở đợ, làm mướn, ngoài sức và tài ra, không có một cắc làm vốn. Khắp miền biển Qui Nhơn hồi đó, ai nghe đến tên lão chủ biển Tài Phú cũng phải khiếp sợ và căm thù. Lão càng giàu, càng tham lam, độc ác và dâm dục. Những chàng trai đi biển, có vợ trẻ ở nhà thường bị lão lẻn đến cưỡng hiếp.

Năm ấy, tự nhiên có nhiều cá mập tụ về biển Đông. Tất cả dân chài làm thuê cho Tài Phú phải bám biển suốt ngày đêm. Câu cá mập là công việc nguy hiểm nhất trong nghề biển. Cá mập thường ở vùng biển rất sâu, rất xa bờ, đáy biển thường cuộn lên những vực xoáy, những cơn bão cấp kỳ. Thuyền của cha Hường bị một con cá mập cực lớn mắc câu, cuốn đi như tên bắn. Ông bình tĩnh lái thuyền theo hướng lao của con cá, tránh những đợt sóng trái chiều. Con cá mập cứ tha chiếc thuyền phóng ra khơi. Sáu người trên thuyền chóng mặt, trừ  thuyền trưởng là cha của Hường. Lúc đó Hường chưa ra đời. Vừa lái thuyền, ông vừa nghĩ đến người vợ trẻ bụng mang dạ chửa, sắp tới ngày sinh, phải kiếm được chút tiền cho vợ nuôi con chứ! Thấy thuyền của bạn có nguy cơ bị cá lôi xuống đáy biển, Sơn là cha của Hải - lao thuyền đến tiếp cứu. Ông gào lớn: “Chặt đứt dây câu ngay! Chặt đứt dây câu ngay!”. Bỏ dây câu, là bỏ cá để cứu thuyền và người. Tiếng kêu gào ấy không tới được tai bạn. Con mập mang trên mình nó ba mũi lao; sau gần hai giờ vùng vẫy đã đột ngột phóng thẳng lên trời, cách mặt nước tới hai mét, rồi cắm đầu lao xuống đáy biển, cuốn theo chiếc thuyền bé nhỏ và bảy chàng trai dũng cảm.

Không tìm được xác một người nào.

Thuyền trưởng Sơn đau xót cho thuyền trở về. Trên thuyền có hai mươi bốn con cá mập, nhưng mặt người nào cũng hằn sâu nỗi tiếc thương và khủng khiếp. Nghe tin chồng chết, Trúc ngất xỉu đi. Khi tỉnh dậy, cô trở dạ sinh được bé gái tên Hường, rồi bị băng huyết. Mười ngày sau cô cũng theo chồng.

Cả tuần liền, họ căng mắt tìm xác người xấu số, nhưng vô vọng... Rồi đến lượt họ. Từ năm Sơn mười ba tuổi theo cha đi ra khơi, chưa khi nào câu được nhiều cá mập như chuyến này. Thuyền của Sơn đầy ắp cá mập, hơn bốn chục con, căng buồm về đất liền. Đột ngột, họ đến vùng biển lặng như mặt gương. Mặt Sơn biến sắc. Anh chưa kịp nói gì với mọi người thì một cột nước khổng lồ xoáy từ đáy biển lên và bất thần chụp xuống thuyền của họ...

Hai người theo sóng dạt vào bờ, một người đã chết, người kia còn thoi thóp, đó là Sơn. Hải lúc ấy mới chín tuổi, ôm lấy cha, răng cắn chặt vào môi, ứa máu, mắt ráo hoảnh. Sơn thều thào với con:

- Mẹ con chết khi đang mang bệnh nặng mà đói cơm, không thuốc. Lúc ấy con mới lên ba. Nay ba không sống được mà nuôi con, con phải ở đợ cho nhà Tài Phú, ba lo cho con lắm. Ráng một vài năm con cứng cáp rồi tìm nơi khác mà sinh sống. Dắt cả bé Hường đi. Đất này... không... sống... nổi… đâu...

Nói đến đấy, máu từ mũi và mắt trào ra, Sơn tắt thở.

Đó là năm khủng khiếp nhất ở vùng biển này. Bé Hường sống được nhờ sữa của những người dân chài nghèo khổ. Cô bé sống vất vưởng bên bãi biển, trong sự chăm sóc của xóm chài, của Hải. Khi Hường bước vào tuổi mười lăm thì cô đã là một thiếu nữ xinh đẹp nhất vùng. Năm đó Hải hai mươi tư. Anh thừa kế ở cha lòng dũng cảm và tài nghệ trên biển. Anh được lão Tài Phú giao chiếc thuyền mới, có cánh buồm lớn nhất vùng. Một hôm, từ ngoài khơi về đã mười giờ đêm, Hải nghe tiếng la thất thanh của Hường:

- Bớ bà con! Cứu tôi với! Cứu tôi...

Thì ra lão Tài Phú mò đến túp lều của Hường toan cưỡng bức cô. Cô chạy thoát ra ngoài đúng vào lúc Hải về tới. Lòng căm uất tên địa chủ dồn nén bấy lâu, nay bùng dậy, Hải trói chặt chân tay hắn vào gốc cây dương sát mép biển, tống giẻ vào họng hắn. Ý định trốn đi đã nảy nở trong đầu anh ngay từ khi anh nhận chiếc thuyền mới. Anh rút dao định kết liễu đời tên chủ bạo tàn. Hường ngăn lại:

- Đừng, anh! Người nhà nó sẽ truy tìm mình, khó bề thoát, anh à.

Hải nghe lời Hường. Anh nắm tóc lão Tài Phú, dõng dạc:

- Nghe đây, tao tha mày lần này. Từ nay bỏ thói tàn ác, dâm dục đi. Nếu không, tao sẽ về hỏi tội mày!

Nói rồi, anh nhổ vào mặt hắn, phủi tay ra đi. Được mấy bước, anh nghĩ: “Trong lưng không có một đồng bạc, lấy gì sống?”. Hải quay lại, giật mấy chiếc nhẫn đeo ở hai bàn tay lão Tài Phú:

- Đồ này của dân nghèo chúng tao làm nên. Đâu phải của mày!

Hải nói thế, nhưng anh lưỡng lự. Anh nhìn mấy chỉ vàng trong lòng tay, rồi quả quyết quăng xuống chân tên địa chủ. Anh nhổ nước miếng vào nó rồi đi! Trong óc anh vang lên lời trăn trối của cha: “Đất này... không sống... nổi... đâu... Dắt cả bé Hường đi...”.

Hai người mau chóng thu dọn mấy chiếc áo rách, cái nồi đồng duy nhất trong nhà và con dao của Sơn để lại. Gà gáy canh ba, họ ra bến. Hải ẵm Hường lên thuyền, lặng lẽ rời bến. Anh nhìn lại dải bờ biển đầy cay đắng, cực khổ và căm hờn. Thuyền Hải căng buồm tiến về hướng Nam. Đó là lá buồm lớn nhất ở vùng này thời bấy giờ.

Họ đi mất nửa tháng trời thì tới mũi đất cuối cùng của Tổ quốc. Đúng là nơi cuối đất cùng trời. Vừa đi, họ vừa đánh cá; dùng cá tôm đổi nước ngọt, lương thực và thực phẩm. Có đủ lương ăn, không phải mua dự trữ  nữa thì họ bán lấy tiền. Tuần đầu tiên trên biển, họ vẫn là họ. Nhưng đến ngày thứ tám, Hường bị sốt cao, mê man hai ngày liền. Cô chưa đi biển xa bao giờ. Đây là chuyến đi biển dài nhất, sức cô chịu chưa thấu. Hải lấy bong bóng cá đường nấu cháo cho Hường ăn. Ngày thứ mười trên biển, Hường bình phục.

Đêm hôm ấy, họ tới một hòn đảo nhỏ và neo thuyền tại nơi khuất gió. Ăn uống xong, mỗi người lại nằm một góc, quấn quanh mình tấm bao tời đã rách nát. Nhưng không ai ngủ được. Cả hai cùng đang nghĩ về nhau. Bấy lâu nay họ sống với nhau như anh em. Hường không biết mặt cả cha lẫn mẹ. Hải còn nhớ như in gương mặt của cha mình và cha mẹ của Hường. Đã bao lần Hường bắt anh kể về cha mẹ, về bác Sơn, về tuổi thơ côi cút của mình. Hải thay cha lẫn mẹ chăm nuôi Hường từ tấm bé. Từ năm mười tuổi, Hải đã biết vừa ẵm em vừa làm đủ mọi việc trong nhà Tài Phú. Đêm về, hai anh em chui vào ngủ trong túp lều sát mí biển. Túp lều nằm giữa cồn cát trắng mênh mông. Năm tháng trôi đi cùng bao nhiêu tủi cực, Hải đã nuôi nấng bé gái mồ côi thành thiếu nữ. Nhưng quả tình, anh chưa hề có mảy may một ý tưởng nào khác. Tự nhiên như máu thịt, Hường, cô gái mà anh rất thương, anh tự ý thức được mình là trụ cột để Hường tựa. Nhất là sau cái đêm Hường thoát khỏi tay tên Tài Phú và hai người trốn đi.

Lênh đênh trên biển, những lúc nghỉ ngơi, Hường lại bắt anh kể chuyện. Hường hỏi: “Em có giống ba em không?”. Hải nói: “Giống, giống cái tính nết, giống chiều cao và cả dáng đi”. Hường hỏi: “Em có giống má?”. Hải tính nói: “Em mới mười lăm mười sáu tuổi mà đã đẹp quá trời”, song lại thôi. Anh đáp: “Giống hệt như hai giọt nước! Gương mặt em với má em là một”. Rồi Hường ngồi thừ ra, không vá lưới được nữa.

Đêm nay, họ lại nằm mỗi người một góc, cách nhau một khoảng vừa đúng hai cánh tay nối lại. Trăng rằm đã lên đến đỉnh đầu rồi mà không ai ngủ được. Họ cùng trở mình hướng mặt về phía nhau, họ cùng từ từ mở mắt ra nhìn nhau. Ngoài kia biển rộng quá, biển trời bát ngát ánh trăng. Phía tay mặt, hòn đảo nhỏ ngủ im lìm. Trời biển mênh mông mà thân họ lại quá nhỏ bé, đơn côi. Tại sao lại không là một? Như vợ chồng, như cha với mẹ ngày trước? Hai con tim cùng khát khao tình thương yêu, cùng đập gấp. Hai khối óc cùng nghĩ về nhau với tất cả hy vọng, tin tưởng. Hai bàn tay tìm đến tay nhau. Mặt hai người nhìn nhau chứa chan tình nghĩa. Không kìm được những đợt sóng yêu thương mãnh liệt trong lòng, Hải ôm lấy Hường, siết chặt. Hường vùi đầu vào bộ ngực nở nang của Hải, khóc nức nở. Hải vuốt ve mái tóc đen nhánh của Hường, bờ vai tròn lẳn của Hường, và Hường vẫn khóc. Họ cứ ôm nhau như thế cả giờ đồng hồ. Chợt khoang thuyền bừng sáng lên: Mặt trăng đã chếch về Tây, soi qua ô cửa sổ khoang thuyền. Vầng trăng dát ánh sáng ngọc ngà trên thân thể hai con người từ giờ phút này mới thực sực hòa làm một...

Đó là lễ cưới, là đêm tân hôn của họ.

Sáng hôm sau, mặt trời lên ngang tầm cột buồm, họ mới thức dậy. Hường lúi húi nấu ăn, Hải xuống đảo tìm nước ngọt đưa lên thuyền rồi nhổ neo. Họ nhắm thẳng đất liền tiến vào. Hải quyết định dừng lại ở khúc sông lượn cong hình đuôi tôm, anh cho thuyền rẽ vào con lạch nhỏ và neo lại. Ngày hôm qua họ sống giữa vùng biển trời bao la, thì hôm nay, họ đứng giữa rừng đước bạt ngàn. Với tay ra là thấy cây. Những cây đước lâu năm, một người ôm không xuể. Bốn phía là cây. Chỉ thấy cây! Dưới chân họ là sình lầy, dòng nước đầy tôm cá. Con mắt nghề nghiệp cho Hải biết, anh đang đứng giữa mỏ tôm, vựa cá. Hải buông thử vài tay lưới. Khi kéo lên, hai vợ chồng kinh ngạc: gần chục kí lô tôm thẻ và cá. Bữa ăn đầu tiên tại nơi ở mới, họ ăn toàn... tôm nướng.

Hải làm một căn nhà. Anh lựa những cây đước vừa tầm vừa sức mà chặt. Tháng đầu, họ vẫn ngủ trên thuyền. Phải một tháng trời Hải mới làm xong nhà. Căn nhà toàn bằng thân cây đước, mái lợp lá dừa nước, vách xung quanh bằng những cây đước nhỏ thưng lại. Anh làm sàn nhà cao hơn mực nước triều cường lớn nhất; có bậc thang dẫn xuống thuyền giống như cầu tàu ở cảng. Hường rất thích cái cầu tàu này. Hải phát quang xung quanh nhà để diệt muỗi. Hường bị sốt rét vì muỗi và ngay ngày đầu đã đạp phải rắn. Rắn cắn làm cho bàn chân Hường sưng vù. Rất may là Hải đã học được cách chữa rắn cắn của cha truyền cho.

Nhiều ghe xuồng đi biển thấy có căn nhà mới dựng đã ghé vào. Nhờ vậy mà Hường đã mua sắm được vài vật dụng cần thiết: mấy chiếc nồi bằng đất nung, cái cà om đựng nước ngọt. Suốt đêm ngày Hường phải đốt lửa để chống muỗi. Mới tắt nắng một chút là muỗi đã hoành hành. Giơ tay ra vơ một cái là muỗi đầy lòng bàn tay. Buổi sáng, Hường thức dậy rót nước từ ấm ra, chị thấy lạ: Nước lưng ấm mà sao không rót được? Mở nắp ấm ra, Hường rợn người: Trong ấm đầy muỗi. Muỗi nhét chặt vòi ấm nên nước không chảy ra được!

Dạo ấy, trời mưa liên miên cả chục ngày, đến khi trời nắng, Hường mang tấm đệm(1) ra phơi. Giở tấm đệm lên, chị rụng rời chân tay, miệng cứng không kêu lên được: Ở giữa những cây đước ghép thành chỗ nằm là bảy, tám con rắn, con nào con ấy to bằng cánh tay của chị, đang... nằm ngủ ngon lành. Khi Hải về, anh đuổi mãi chúng mới chịu đi. Hôm sau, anh gửi mua một lưỡi cưa lớn, một lưỡi cưa nhỏ và đồ làm mộc. Họ bắt đầu đốn cây để bán cho chủ lò than. Hai vợ chồng tranh thủ lúc trời mưa, hì hục xẻ đước thành ván và đóng giường. Anh đóng theo kiểu sập chân quì mà những nhà giàu ở quê anh thường xài. Từ ngày có giường, Hường không lo rắn đến ngủ chung nữa. Rồi Hải gỡ tấm ván lấy ở thuyền lên làm bàn thờ ông bà ngay từ ngày ở nhà mới. Anh đóng được chiếc tủ thờ, dù đơn sơ nhưng nó cũng là cái tủ; rồi một cái bàn để uống nước và bốn cái ghế tựa. Cả năm trời anh mới làm xong được những việc ấy, làm vào những ngày không đi biển. Một năm sau ngày Hải, Hường đến lập nghiệp ở Xẻo Đước, có thêm cặp vợ chồng mới đến: anh Ba Tràm quê Hà Tiên. Họ đến với hai bàn tay trắng. Ghe của họ bị bão lật chìm ngoài khơi đảo Phú Quốc. Họ sợ bị chủ trừng phạt, bỏ xứ trốn qua đây. Tràm đi làm thuê cho chủ lò than ở Cà Mau nhưng rồi chịu không xiết. Đã nhiều lần kéo bè gỗ đước ngược sông, qua đây, họ nhìn thấy một mái nhà với một chiếc thuyền. Đó là ước mơ của họ. Ba Tràm làm quen với Hải; Hải đốn cây đước bán cho chủ lò than. Đước của Hải được cao giá nhất vì toàn cây lớn. Tràm đến nhận cây, bao giờ cũng được Hải mời lên nhà uống rượu. Một hôm, Tràm nói với Hải:         

- Anh Hải à, anh cho vợ chồng tôi tới đây phụ giúp vợ chồng anh được không? Làm lò than cực quá, mà tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Tôi chịu hết nổi rồi.

- Được quá chớ. - Hải cười sang sảng! - Nếu thế thì còn gì bằng. Tôi thèm có bạn lắm rồi. Tới liền đi.

Họ cùng nhau dựng lên căn nhà thứ hai, đối diện với căn nhà cũ. Khi Hải cặm hàng đáy thứ tư trên sông thì vợ chồng Ba Tràm đến nhập cư vào Xẻo Đước.

Đất lành chim đậu.

Họ làm ăn tấn tới, đã có của để dành. Sông nước vùng này không phụ lòng người. Một mẻ đáy ở đây bằng ở ngoài Trung đi biển cả tháng trời. Hải mua cho vợ chồng Ba Tràm một  chiếc ghe lớn và lưới giã cào. Anh cặm thêm được hai hàng đáy nữa. Một năm sau, khi anh cặm hàng đáy thứ mười thì ấp Xẻo Đước đã có mười hai nóc nhà. Những gia đình ấy rất giống nhau về cảnh ngộ; và đặc biệt là họ rất biết ơn Hải, coi vợ chồng Hải là ân nhân.

Năm một ngàn chín trăm bốn mươi, Hường sinh được đứa con trai, đặt tên là Lê Văn Đước. Cả ấp Xẻo Đước như trong ngày hội. Đó là đứa trẻ con đầu tiên của khu dân cư mới. Năm ấy, ở đây đã có hai mươi sáu gia đình. Lần lượt các gia đình đều có tiếng ù ơ ru con, tiếng ca vọng cổ và các điệu lý. Hải bỏ vốn ra sắm một lúc mười lăm chiếc ghe giao cho bà con trong ấp đi biển. Sau mỗi chuyến biển, người ta tự động gửi lại anh một chút tiền, gọi là trả góp vốn ban đầu. Nhiều người có ý trả cả lãi cho anh, nhưng Hải và Hường kiên quyết từ chối.

- Chúng ta đã là nạn nhân của bọn địa chủ biển, bọn chủ vựa. Bộ bây giờ các chú, các anh lại muốn biến tôi thành hạng người đáng nguyền rủa đó sao?

- Nhưng chúng tôi chịu ơn anh! - Ba Tràm nài nỉ.

- Không! Tôi giúp không điều kiện! Nếu chịu ơn tôi thì hãy lo mà làm ăn cho phát đạt lên! - Hải nói với họ như vậy.

Đứa con trai - Hải đặt tên bằng tên của rừng cây đã cưu mang, nuôi sống mình -  lớn nhanh, khỏe mạnh, giống Hải như lột. Năm Đước chín tuổi thì Hường sanh đứa trai thứ hai. Lần này Hường giành phần đặt tên. Chị đặt tên con là Lê Ngọc Trầm. Hồi nhỏ, nghe bà con xóm chài và nghe Hải kể lại, quê của cha mẹ Hường ở miền tây Bình Định, có rất nhiều kỳ nam hương, tức là gỗ trầm hương. Hường đặt tên con là Trầm để sau này lớn lên, nhớ tới nguồn gốc ông bà của nó đã cực khổ, ê chề, lam lũ như thế nào, mà sống cho phải đạo làm người.

Ấp Xẻo Đước đã có tới năm chục nóc nhà, kéo dài từ chỗ uốn lượn hình đuôi tôm của con sông - nơi căn nhà của Hải - sang tận dòng sông bên kia  - cũng là một chi lưu của sông Cái lớn. Năm ấy, Hải đã có thêm chục hàng đáy biển và anh mua được một chiếc ghe lớn trọng tải mười tấn, chuyên dùng chở hải sản đi Sài Gòn; cùng nhiều ghe nhỏ đi biển. Một năm đôi ba lần, Hải mới đích thân lái tàu đi Sài Gòn, còn phần lớn thời gian, anh bám biển cùng mọi người.

Chẳng biết tự bao giờ, mọi người không kêu tên thiệt của anh mà họ kêu Hải là anh Hai Mắm. Hải thứ hai thì đúng rồi, còn Mắm? Tràm cắt nghĩa cho Hải rằng: “Mắm là loại cây tiên phong trong quá trình đất liền lấn ra biển. Khi còn là bùn non nửa đất nửa nước, cây mắm xuất hiện. Sau khi rừng mắm làm cho đất cứng lại thì nhường chỗ cho cây đước tới; cây mắm lại đi đến vùng nửa đất nửa nước mà lấn biển. Nhờ cây mắm mới có đất, mới có cây đước và rừng đước, mới có đất cho con người làm ăn sinh sống. Nếu không có cây mắm thì đất mới không thể nào hình thành, sóng biển sẽ cuốn bùn non dở đất dở nước đi mất... Khi thấy anh đặt tên cho thằng cháu đầu là Đước, chúng tôi kêu anh bằng Hai Mắm, là muốn ghi công lao của anh đã cứu mạng chúng tôi, đã khai lập ra cái ấp Xẻo Đước này, đã giúp cho mọi người có phương tiện làm ăn, gia đình hạnh phúc...”.

Năm một ngàn chín trăm năm mươi sáu, Lê Ngọc Trầm lên năm tuổi, Trầm thấy một người khách lạ ở trong nhà. Mọi người kêu là “chú Bảy”. Chú Bảy bị bệnh rất nặng, đang bị lính “quốc gia” lùng bắt. Đã một năm nay, ngày nào Trầm cũng thấy tàu chở lính chạy ầm ầm trên sông, chĩa súng vào rừng đước mà nhả đạn. Trầm thấy ba chôn một cái lu lớn xuống mé sau nhà, có nắp đậy, ở trên nắp là giàn phơi tôm cá. Mỗi khi có động, ba Trầm dìu chú Bảy chui xuống lu. Thầy thuốc đến nhà, nói bệnh của chú Bảy phải uống thuốc bắc hầm với chim bồ câu mới hết. Ở miệt này cò rất nhiều, cò đậu trắng cả rừng đước, nhưng chim bồ câu không có một con. Đích thân ông Hai Mắm lái tàu đi Rạch Giá mua bồ câu non về làm thuốc. Chú Bảy ở trong nhà Trầm một tháng thì khỏi bệnh. Chú rất thương Trầm, thường kể chuyện cho Trầm nghe và dạy Trầm học chữ. Một buổi sáng, Trầm thức dậy, không thấy chú Bảy đâu nữa. Ba và anh của Trầm cũng vắng nhà. Ông Hai Mắm cùng con trai đã dùng tàu chở tôm cá lên Sài Gòn bán. Dưới lớp tôm cá là “chú Bảy”. Mãi cho đến sau này, khi ông Hai Mắm bị cải tạo, bỏ đi biệt tích, người khách ấy có về thăm vùng cuối đất cùng trời. Ông hỏi thăm người đã mua chim câu về cứu sống ông; nhưng cả ở huyện và tỉnh, không ai biết gì về người dân chài ấy.

Từ Xẻo Đước lên thị trấn Mỏ Tôm mất ba giờ chèo ghe, ở đó mới có trường tiểu học. Hai Mắm thuyết phục tất cả các gia đình trong ấp phải cho con đi học. Đời ông, đời cha bị mù chữ nên bị người ta hà hiếp. Đời con mình phải thoát khỏi cảnh ấy. Hai Đước đi học dắt em theo. Đêm về, cả hai anh em cùng học bài và thường bắt mẹ kể chuyện đời xưa. Trầm và Đước rất mê những chuyện do chú Bảy kể trong những ngày chú nằm bệnh tại nhà. Trong đó có câu chuyện cổ về nguồn gốc của cây đước, của rừng cây được gọi bằng tên “rừng biết đi”:

“... Ngày xửa ngày xưa, vùng đất mà chú và hai cháu đang ở đây, - chú Bảy ẵm bé Trầm trong lòng; còn Đước thì ngồi đối diện với chú - là nơi vua Thủy Tề thường cỡi sóng đi dạo chơi. Mũi đất thuở ấy chưa tới đây. Nó còn ở tít miệt trên kia, nơi có rừng tràm mà ta kêu bằng U Minh. Thuở ấy, trong rừng đầy hổ báo và vô số các loài thú khác do một con hổ già được tôn là Chúa rừng cai quản. Con hổ này “tu luyện” được nhiều phép thần thông biến hóa. Một hôm, hổ chúa đi chơi ngoài bãi biển, gặp công chúa con vua Thủy Tề đang nằm tắm nắng. Hổ chúa mê sắc đẹp của nàng công chúa bèn cho cá sấu mang lễ vật xuống Long cung cầu hôn. Vua biển cười, trả lễ vật và nói: “Công chúa con ta là rồng, đứng đầu tứ linh, không thể gả cho cọp được!”.

Chúa rừng nổi giận vì những lời trịch thượng ấy, quyết tìm cách trả thù. Không thể mang binh rừng đi đánh dưới nước, hổ chúa cho lấp biển để bắt sống Long vương. Dã tràng ngày đêm hì hục tha đất lấp biển, nhưng sóng biển làm tan biến hết, công ấy chỉ là “công dã tràng”. Chúa rừng liền sai chim đi lấy đá tận dãy Tà Lơn mang thả xuống lấp biển. Đến nay, đàn nhạn biển vẫn kiên nhẫn làm công việc này mà cũng chỉ nhú lên được vài hòn đảo nhỏ xíu là Hòn Nhạn, Hòn Tre, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc... Chúa rừng bèn làm phép cho rừng tiến ra biển. Rừng tràm tiến rất nhanh. Nhưng Long vương nổi dông bão làm cho rừng tràm gãy rạp cả. Ngày nay, dưới nền rừng U Minh còn nhiều xác cây rừng lớn, nguyên vẹn nằm chồng lên nhau mà người ta kêu bằng tràm lụt.

Hổ chúa quyết định dùng biện pháp cuối cùng. Nhờ có phép nhìn xa, từ lâu hổ chúa đã nhìn thấy ở hướng Nam những quần đảo xa có một loài cây biết đi, có sức chống trả lại dông bão sóng gió. Chúa rừng bèn cho đàn cá sấu khai một đường nước bọc quanh rừng, tách bãi biển ra khỏi đất liền, rồi sai các loài chim bay đi lấy trái của loài cây biết đi, về thả dài theo bãi. Đường nước ấy ngày nay là dòng sông Ông Đốc bao bọc cả một phía rừng U Minh. Trái lạ kia nảy mầm lên cây; cây lớn nhanh như thổi và bắt đầu tiến ra biển, vừa tiến vừa thả trái xuống cho mọc lên cây mới làm thành rừng cây dày đặc. Cây tiến tới đâu, dã tràng xe cát tới đó, bồi cho vững gốc và đẩy biển lên xa. Biển không ngăn được phải lui dần. Hằng năm, lợi dụng mùa mưa lớn, Thủy Tề dâng nước biển lên hòng đánh bạt cây trở lại. Nhưng nhờ có bộ rễ đặc biệt nâng cây lên cao, nước biển tràn lên chỉ lùa qua lớp rễ bắc cầu vồng. Nước lại phải rút về. Cây hút chất phù sa tự bồi vào gốc và tiếp tục buông trái già xuống theo nước đuổi ra tận biển. Nước rút, trái cây găm sâu vào bãi bồi, nảy mầm, vọt lên một lớp rừng non; lớp trái sau lại tiến xa hơn, mỗi ngày một lấn nhanh ra biển. Đến nay, khu rừng ấy đã tiến rất xa, bỏ cửa sông Ông Đốc lại phía sau vài chục cây số, và mũi đất ấy đang hướng về phía Tây...”.

- Mũi đất ấy là mũi Cà Mau. Còn giống cây biết đi ấy là Cây Đước. Ba cháu đặt tên loài cây ấy cho cháu là muốn cháu có khí phách bất khuất, chiến thắng mọi kẻ thù. Cháu có hiểu không, Hai Đước?

- Dạ, cháu hiểu. - Đước trả lời.

Trầm tiếp lời anh:

- Cả cháu cũng hiểu, chú Bảy à!

Những câu chuyện, những câu vè, những bài vọng cổ của dân lưu tán tứ xứ về đây càng làm cho Hai Đước và Trầm hiểu thêm về thân phận con người bị đày đọa, áp bức. Những người đã thoát khỏi cái chết của nạn đói ở Cà Mau năm 1938, đã qua cuộc đấu tranh do Mười Chức cầm đầu, đã qua vụ đồng Nọc Nạn; những người chạy trốn sự bóc lột tàn nhẫn của tên đại điền chủ Trần Trinh Trạch... Họ về đây, được ông Hai Mắm giúp đỡ. Chính họ là những người đã hưởng ứng cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền ở Cà Mau năm 1945; và bao người đã nằm xuống trong hàng chục năm chiến đấu cho ước mơ: được tự do làm ăn trên đất, trên biển của mình, tự do hưởng thành quả lao động của mình. Những câu hát ru, mẹ Trầm thường ru Trầm hồi nhỏ:

           

“Trời xanh cây cứng lá dai

Gió lay mặc gió, chìu ai ta chẳng chìu...”

“Xứ đâu thị tứ bằng xứ Kinh cùng

Tràm xanh củi lụt, anh hùng thiếu chi...”

 

Nói lên tình nghĩa của những người đồng cảnh ngộ:

“Cũng là phiêu dạt theo nhau

Về đây chót mũi Cà Mau gặp cò...”

Nghe câu hát ru, nhìn từng đàn cò trắng đậu kín rừng đước; mãi cho đến sau này khi đã trưởng thành, Trầm chẳng bao giờ quên những năm tháng ấy.

Một nhà báo tố cáo với dư luận:

“... Những ngày đen tối nhất ở miền đất cuối cùng này với các cuộc càn quét, bắn giết cực kỳ dã man diễn ra liên miên. Ngô Đình Diệm sử dụng tên ác ôn khét tiếng Nguyễn Lạc Hóa, nguyên là tàn quân của Tưởng Giới Thạch đội lốt thầy tu. Hóa xây dựng “Biệt khu Bình Hưng”, suốt ngày cho quân vây bố, hãm hiếp phụ nữ rồi chặt đầu, mổ bụng, moi gan. Có ngày, hàng chục người bị giết, bêu đầu giữa chợ. Gia đình ông Tám Sồi có chín người, chúng giết một lúc bảy người, chỉ có hai người trốn thoát...”.

“... Ở Đầm Dơi, chúng giết một lúc mười chín người. Ở Vàm Đình, chúng mổ bụng bốn người, bắt cả ngàn đồng bào chứng kiến. Chúng bắt phụ nữ, đóng đinh chân tay vào cây thập tự rồi cho cả tốp lính hiếp tới chết. Hai thanh niên bị chúng nhốt trong lu nước rồi đổ nước sôi đóng nắp lại. Trong một đêm, ở Sông Đốc, chúng chặt đầu, mổ bụng lấy tim gan mật của tám người rồi thả xác trôi sông, trong số này có chị Danh Thị Tươi, ba mốt tuổi, là mẹ của bảy con nhỏ, một con còn đang bú. Bên bờ kinh xáng Đội Cường, chúng bêu mười đầu thanh niên và hàng chục bàn tay đã bị chặt cụt hết ngón...”.

 

Chúng tự hào về Biệt khu Bình Hưng. Ngô Đình Diệm kêu bằng “Biệt khu Hải Yến” bất khả xâm phạm. Bọn Mỹ gọi đó là “ngôi sao của thế giới tự do”. Còn đối với đồng bào ta, đó là địa ngục trần gian Mỹ - Diệm - Tưởng. Tội ác của chúng chồng chất vẫn không khuất phục được ý chí của người dân Đất Mũi. Đồng bào chở che cho du kích đánh giặc đêm ngày trên sông, trong thị trấn, tận sào huyện của giặc.

Một chiếc xuồng máy của bọn Bình Hưng bị đánh chìm trên đoạn sông uốn cong hình đuôi tôm. Chúng phát hiện ra hai du kích chạy về hướng Xẻo Đước. Nguyễn Lạc Hóa cho quân lục soát cả buổi mà không bắt được Việt Cộng. Chúng sục vào nhà Hai Mắm. Hai Mắm cùng cánh đàn ông trong ấp đi biển chưa về, Đước và Trầm đi học ở thị trấn. Chúng bắt Hường cùng sáu phụ nữ đem về Biệt khu Bình Hưng dâng cho Nguyễn Lạc Hóa. Năm ấy, Hường ba chín tuổi nhưng chị còn rất trẻ, đẹp mặn mòi. Bọn lính lùa bảy chị em xuống xuồng máy cùng với cả đống tôm cá khô, rượu, gà mà chúng vơ vét được. Nhân lúc chúng say sưa nhậu nhẹt, Hường cùng sáu chị em nhảy xuống sông. Ba người bị bắn chết ngay trên mặt sông. Ba người khác bị bắt lại và bị hãm hiếp đến chết ngay đêm hôm ấy. Duy chỉ có Hường nhờ giỏi lặn nên may mắn trốn thoát trong rừng đước. Chị cắt rừng mà đi, đi ra hướng biển. Chị đi suốt đêm, khúc sông nào cũng có bọn Nguyễn Lạc Hóa vây ráp. Đến tảng sáng, chúng phát hiện ra chị. Chị chạy đại vào rừng đước. Đây là khu rừng cổ thụ, đã bị khai thác hết cây lớn, chỉ còn lại cây nhỏ mươi năm tuổi. Hường nghe súng nổ quanh mình. Chị cắm đầu chạy. Trong đầu chị hiện lên hình ảnh Hải và con thuyền neo ở hòn đảo nhỏ ngoài khơi giữa đêm trăng mênh mông trời biển. Cái đêm họ hòa với nhau làm một, cái đêm tuyệt vời trước ngày hai vợ chồng tìm đến xứ rừng đước lập nghiệp. Hiện lên hình ảnh hai đứa con trai từ bốn giờ sáng đã thức dậy ăn cơm để chèo xuồng đi học. Cả hai giống cha như đúc. Thằng anh lầm lì hơn em. Trầm thì đa cảm, nó giống chị, hay thương người. “Phải thoát! Thà chết chứ không để rơi vào tay lũ mặt người dạ thú”. Chị tự nhủ và gắng sức vượt lên. Trước mặt chị là khu rừng lầy thụt. Đước ở đây rất to, có cây hai người ôm; vậy mà không ai dám vô đến, vì xen kẽ trong rừng đước có những bãi bùn thụt. Ai rớt xuống đó là bị chìm nghỉm ngay tức khắc.

Bọn giặc đã đuổi rát phía sau. Không còn đường chạy nữa rồi. Hường nhắm mắt lao vào khu rừng thụt. Chị kịp chui vào bộ rễ của cây đước lớn nhất và nhận ra khoảng cách rất đều nhau theo hình ngôi sao còn bốn cây đước lớn như cây mà chị đang núp. Nghe rõ tiếng giặc la hét:

- Nó kia rồi!

- Bắn chết mẹ nó cho rồi! Chớ có dại mà vô rừng này, chết chìm trong sình đó!

Một tên giặc nâng khẩu súng lên, nó bóp cò, hết một băng đạn. Chị tắt thở. Hai bàn tay bám chặt lấy rễ đước, đôi mắt rực lên căm thù cứ mở trừng trừng...

Hai Mắm cùng bà con trong ấp Xẻo Đước mai táng Hường ở ngay điểm giữa của năm cây đước cổ thụ hình ngôi sao năm cánh. Trầm khóc hết nước mắt. Trong khi đó, mắt Đước ráo hoảnh, cả tuần liền Đước lặng câm, không nói một lời.

Đước trốn ba, đi theo du kích, trước khi đi chỉ viết lại mấy dòng: “Ba ơi! Đau thương và căm thù quá đỗi, con lén Ba ra đi để trả thù cho Má! Ba ráng lo cho thằng Trầm học. Sau này nó sẽ đỡ khổ! Con thương Ba, nhưng con phải đi. Ba đừng giận con! Dù cho rừng này hết đước thì con cũng không quên mối thù này!”.

Năm ấy, Đước tròn mười chín tuổi. Hai Mắm đã tròn năm mươi.



(1)  Đan bằng cây bàng, dùng thay chiếu. Bàng là cây họ lác (cói), trong kháng chiến chống Pháp được dùng để đan nóp cho bộ đội.

Chương : 1    2    3    4   5    6    7   
Triệu Xuân
Số lần đọc: 2147
Ngày đăng: 13.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thầy thông ngôn - Hồ Biểu Chánh
Thiệt giả, giả thiệt - Hồ Biểu Chánh
Đêm trắng của Đức Giáo Tông - Trầm Hương
Nó và tôi - Nguyễn Quang Sáng
Trên một cung đường - Anh Động
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Bản án tản thất quân dụng - Lê Thành Chơn
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh
Thời áo trắng - Hoàng Mai Quyên
Chuyện tình nhà thơ lớp - Mai Bửu Minh
Cùng một tác giả
Cõi Mê (truyện dài)
Nỗi đau (truyện ngắn)
Trả giá (truyện dài)
Bụi đời (truyện dài)
Sóng lừng (truyện dài)
Tôi không mất em (truyện ngắn)
Khát vọng (truyện ngắn)
Giấy trắng (truyện dài)