Giọt nước mắt
hai thế kỷ
Cha chờ hai thế kỷ
Gió thổi trắng bàn tay
Mẹ chờ hai thế kỷ
Vẫn tường đất bủa vây
Ta chờ hai thế kỷ
Mắt trống vắng với đời
Con ngóng hai thế kỷ
Phập phồng bước trong mây
Nước mắt rơi xa ngái
Vời vợi những khát mòn
Con đường đây mất lối
Cỏ hoang và mù sương
Nước mắt ai chảy ngược
Thác lũ từ đầu nguồn
Trăm năm tạc bia đá
Nỗi buồn ở trên non.
7-2007
Hãy cứ chờ
Hãy cứ chờ mùa thu bạn ạ
Và chờ xem
Gió trong trẻo ùa về
Lá vàng rụng
Giữa trưa nắng nhẹ
Vòng tròn quay
Trời đất cứ si mê
Hãy cứ chờ mùa thu em ạ
Dẫu mấy mươi năm ta vẫn cứ chờ
Mỏi mệt lắm
Bơ vơ như ngọn cỏ
Gió rừng hoang
Rít đến bao giờ?
Hãy cứ chờ mùa thu bạn ạ
Tóc ngày xưa giờ đã trắng cả đầu
Sách không chữ
Và dòng sông chảy ngược
Trái tim ai đau
Và lại bắt đầu…
8-2007
Chiều nghìn năm
trong mắt…
Chiều nghìn năm trong mắt
Bừng nở một cánh hoa
Gió nghìn năm phiêu lãng
Quay về bên mái nhà…
Núi nghìn năm vẫn núi
Rừng nghìn năm sương dày
Tiền kiếp ai trở lại?
Áo Hoàng bào về đây.
Chiều nghìn năm trong mắt
Mây bay, mây trắng bay
Vẫn hồn sông thuở ấy
Vẫn biển kia sóng đầy.
Người mong người mãi đợi
Nghìn năm sáng con đường…
Rồng bay lên trời rộng
Bóng người trong đêm sương.
Ta đợi nghìn năm ấy
Cháy chiều trong mắt ai?
Ta đợi nghìn năm ấy
Quên đi những đêm dài…
Cuối năm 2006
Thái Thăng Long là một nhà thơ có tâm hồn hồn nhiên trong trẻo, một nhân cách tử tế, bây giờ anh đã vào tuổi 60, nhưng vẫn mang dáng dấp một thư sinh Hà thành. Anh là người có cá tính mạnh, nhưng hồn nhiên. Không biết do duyên nghiệp nào sô phận tôi đã gắn bó với anh, bởi đã có cái khoảng thời gian 10 năm vào đời đầy hoài bão, tôi được ở cùng anh tại khu tập thể Viện Công Nghiệp Dược, chị nhà là một dược sĩ, cán bộ tổ chức của Viện, còn tôi vừa ra trường được về phòng Nghiên cứu các hợp chất thiên nhiên. Tôi thường viết, Nhà thơ Anh Thơ là người mở cánh cửa văn chương cho tôi, nhưng người làm tôi, một thằng làm công việc nghiên cứu khoa học, lại chú ý đến thơ, chính là anh Thái Thăng Long. Hồi ấy còn rất trẻ, chưa vợ con, tối ngày tôi xuống căn hộ của anh, anh chỉ hơn tôi dăm tuổi, nhưng lại ở lứa những nhà thơ rất tiêu biểu của cuộc kháng chiến nên tôi đã được gặp họ ở nhà anh như: Nguyễn Đức Mậu, Văn Lê; Nguyễn Duy; Trần Mạnh Hảo; Nguyễn Thụy Kha, … Lúc đó, tất cả đều không biết tôi là ai.
Tôi làm nghiên cứu nên trong sáng tác tôi cũng có cái tính cụ thể hóa, từ cấu tứ cho đến những thao tác biến đổi ngôn ngữ, cảm xúc dù bay bổng cũng không ra ngoài không gian tư duy; còn Thái Thăng Long, ở những tập thơ trước đây, anh sáng tác nghiêng nhiều về phía cảm xúc, thơ anh bảng lảng, có khi phi logic, điều này cũng làm nên nét riêng của anh, nhưng bảo nhớ câu nào, bài nào của anh thì rất khó; có điều chính vậy thơ anh lại có chất âm nhạc, nên Nhạc sĩ Phú Quang, bạn anh, đã chắp cánh cho thơ anh bay vào khoảng trời mênh mông . Nhưng đến tập thơ “Đồng hành thế kỷ” mà anh vừa tặng, anh đã làm tôi bất ngờ, phải chăng tuổi tác hay chính những bài toán của cuộc đời đã làm chín sự suy tư trong thơ anh?
Một lần tôi đã viết: “Nền kinh tế ở ta đang phát triển nhanh, nhưng chưa bền vững, còn tụt hậu và đặc biệt còn hai quốc nạn lớn là tham nhũng và lãng phí. Trên diễn đàn…đã có những ý cho rằng, không phải chỉ do sự thoái hóa của cán bộ mà còn có phần do chính cái cơ chế xã hội có những điểm chưa phù hợp” (Về những sự sai trái không giới hạn,vanvn.net, (3/7/2009 8:38:28 AM).
Bằng một công cụ khác, Thái Thăng Long cũng đã thể hiện cái điều trăn trở ấy, đó chính là thơ ca. (ĐÔNG LA)