Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.125
123.228.412
 
Về nhà Nguyên Hồng nghe gió Nhã Nam
Trung Việt

Nguyên Hồng đã vứt tất cả những quyến luyến a tòng, về đây nghe gió reo trên đồi Cháy, xuống Cầu Đen câu cá uống rượu...     

 

Ông khoanh chân, lấy chõng làm bàn, ngồi viết bằng máu và nước mắt của một người suốt đời cúi xuống những kẻ manh lệ, như câu đối đóng khung trên tủ cạnh bàn thơ ông “huyết lệ thành văn”, như một thời ông đã khóc với những Tám Bính, Năm Sài Gòn. 

 

Chúng tôi đang ngồi uống rượu bên cây khế trước sân nhà văn Nguyên Hồng. Thức nhắm là khế hái từ cây này. Những trái khế vàng ươm, căng giòn. Ông Giang, con thứ của nhà văn, chậm rãi “hồi đó cụ tôi thường nhắm mồi này, lắm lúc muối cũng không có mà chấm”.

 

Thời gian qua kẽ tay. Nguyên Hồng đã về cõi khác uống rượu ngóng gió gần 30 năm rồi. Vườn rộng. Cây cối lưa thưa. Đường đất đỏ ẩm ướt. Tường gạch rêu phong. Trưa trung du xao xác tiếng gà.

 

Gian nhà gạch hình chữ công cũ kỹ đủ cho hai cây khế và me che rợp bóng. Giọng Bình – cháu nội nhà văn Nguyên Hồng nhỏ nhẹ rằng em phải chặt bớt cành khế, to quá.

 

Giọng ông Giang đều đều “cụ tôi đem hai cây này từ Hải Phòng về trồng đấy”. Hạch ra tuổi của nó, chắc chắc từ cái thuở chỉnh đốn sau vụ Nhân văn giai phẩm, báo Văn do Nguyên Hồng làm chủ bút bị dính chưởng, ông cuốn cả gia đình về ấp Cầu Đen đồi Cháy này, hạ trại.

 

Trong “Cát bụi chân ai”, Tô Hoài thuật lại cái chuyện bỏ về này khá kỹ. Hồi đó, nhiều văn nghệ sĩ viết bài trên báo không đúng với lòng mình. Khi Tô Hoài đưa ra bài báo như vậy, Nguyên Hồng xua tay hét vào mặt “Ông thì không! Nguyên Hồng thì không…Tao về Nhã Nam”. Nếu cái câu “gieo tính cách, gặt số phận” là đúng, thì vận vào Nguyên Hồng, không sai.

 

Con người khí phách đó một mình một tính. Thế là về Nhã Nam bốc đất hạ cây lập nhà, sống đời còn lại kham khổ, lại ở đúng cái chỗ ngày trước tiêu thổ kháng chiến tản cư chạy Pháp, bỏ lại sau lưng là Hà Nội với bao thú vui và phiền toái.

 

Anh em bảo phen này đi Nhã Nam chơi, đúng ngày hoàng đạo, là may mắn đủ đường. Mà thật. Hôm nay là ngày giỗ cụ bà vợ ông. Con cháu ông tề tựu về gần như đầy đủ. 

 

Sáu người con đi lập nghiệp xa quê, mỗi mình ông Giang là con thứ ở lại. Vốn là dược sĩ, học xong đi bộ đội, vào ngay rừng U Minh. Giải phóng ra lang thang về vùng Hậu Giang, Cần Thơ, nhưng ngẫm đi ngẫm lại, rằng đâu cũng không bằng cái ấp Cầu Đen này, nên quay về thủ trại, giữ di cảo của bố.

 

Gương mặt ông Giang hao hao giống bố, mới hơn 60 tuổi mà đã chống gậy lọc xọc. Nhà báo Xuân Ba bảo tôi “gàn lắm đấy”. Chút chộn rộn muốn biết Cầu Đen là gì, hóa ra là nó màu đen, mang tiếng là cầu, nhưng dài chỉ như cái cống lớn xả nước, trên con suối, dưới đó người ta lấy vải mùng giăng ra để bắt cá,  nằm ngay trước mặt nhà Nguyên Hồng.

 

Nguyên Hồng về một mình lập vườn trên cái đồi nắng cháy, lại mang tên đồi Cháy, có lúc gọi là đồi Án. Khi tôi ra thắp  nhang trên mộ ông cách nhà chừng hơn 5 phút đi bộ, càng  kinh ngạc về trí tuệ của con người phi phàm này.

 

Anh Xuân Hồng bảo, lúc sinh thời, ông nói: “Tôi chết là chỉ có chôn chỗ này”. Thế đất hết chỗ chê :  Tả thanh long, hữu bạch hổ, đầu tựa núi, chân đạp thủy, tựa như một án thư. Chết cũng chọn chỗ mà nằm cho tử tế!

 

Con suối đá chảy qua dưới chân mộ cụ, ông Giang kể, ngày xưa, lúc rỗi, các ông nhà văn nhà thơ hay tụ tập ra đấy tán phét. Nhà của cụ, trái phải trước sau đều gắn với tên tuổi các văn nhân lừng danh của nước mình, những người đã đưa gia đình lên trú ngụ đất này suốt thời kháng Pháp. Sau lưng là nhà Ngô Tất Tố.

 

Ông Tố có đến hai bà vợ là chị em ruột, ở riêng,  hai nhà sát nhau, nhưng nói như cụ Giang là thương quí nhau không một tiếng nặng nhẹ, phục cụ Tố thật. Nguyễn Huy Tưởng ở nhờ  nhà bà hai của cụ Tố. Mé bên phải là nhà ông Kim Lân. Chính bà mẹ ông Kim Lân là người đã cắt rốn cho ông Giang.

 

Trước mặt là nhà nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Mẹ ông Giang với bà Đỗ Nhuận là hai chị em ruột. Ngày giỗ bà hôm nay sao không thấy ai bên nhà ông Đỗ Nhuận về.

 

Cái sân chúng tôi đang ngồi đây, ngày trước là chỗ diễn ra đám cưới của Đỗ Nhuận. Trận đó Nguyễn Huy Tưởng say gần chết, sáng ngày thuật lại, là hình như về được nhà nhờ… bò đi…

 

Anh Xuân Hồng là Trưởng ban Văn nghệ Đài phát thanh truyền hình Bắc Giang, lại làm thơ, người được xem là đang nắm giữ nhiều “độc bản” về Nguyên Hồng.

 

Thuở đó nhà anh gần nhà cụ, bố anh với cụ là chỗ tâm giao, anh thường được phái đi mua rượu hầu hai cụ. Rượu vào, mặt Xuân Hồng vốn đã đỏ gay càng thêm óng lên.

 

“Tao nói chúng mày biết, cụ mất đi rồi, nhiều báo viết vớ vẩn, nhất là những giai thoại. Nguyên Hồng là người tử tế, đi đứng nói năng khoan thai, cốt cách đạo sĩ, không phải là hạng văn hóa thấp, nhân danh nhà báo nhà văn làm điều bậy bạ. Cụ chỉ mỗi cái tội là hay khóc, uất lên là khóc.

 

Bữa làm nhà, thợ quật móng, cụ xin chúng nó giữ lại một chút móng chừng 80 phân sát chuồng gà cũ rích đấy, thợ không chịu, nói mãi không được, cụ sang nhà bố tao nức nở “ông ạ, tôi về tôi chết đây, chúng nó có mới quên cũ, cái móng nhà đó mấy năm qua tôi nhờ nó, nhờ đành đoạn bỏ đi sao được, xin lại một tí nó đếch cho”.

 

Thế là bố tao và mấy ông nữa sang năn nỉ. Rồi cũng được. Ôi thôi là cụ sướng, say lăn đùng. Anh bảo năm đó cùng họa sĩ Thành Chương làm phim về Kim Lân. Vào đầu phim là cảnh Kim Lân đứng trước bàn thờ Nguyên Hồng, chắp tay “ông Hồng ơi, hôm nay tôi về uống rượu với ông đây. Ngày mai chúng ta lại uống rượu ở nơi xa  lắc xa lơ nào đó…”. Vái xong, Kim Lân òa khóc.

 

Tôi nhìn đoạn móng cũ trơ vài phân trên nền gạch, ngó tượng bán thân của cụ với chòm râu rất Nguyên Hồng đang ngoảnh ra hướng Yên Thế, lại ngó đếm đến 60 chồng bản thảo bọc trong bao ni lông, mà nói như ông Giang là mối nhiều lắm, may phát hiện sớm không thôi thì chết, nghĩ về cốt cách phẩm hạnh của nhà văn.

 

Lớp người thời đó xem ra không phải ai cũng tiết tháo trong hành xử, tri túc trong hành nghề. Ai rồi cũng chết. May mắn cho ai theo nghiệp sáng tạo là con đẻ sẽ sống, nếu nó là đứa đúng tháng đúng ngày khôi ngô kỳ vĩ, vậy thì hãy để nó lại mà vong thân đi trước những thói đời.

 

Nguyên Hồng đã vứt tất cả những quyến luyến a tòng, về đây nghe gió reo trên đồi Cháy, xuống Cầu Đen câu cá uống rượu, khoanh chân, lấy chõng làm bàn, ngồi viết bằng máu và nước mắt của một người suốt đời cúi xuống những kẻ manh lệ, như câu đối đóng khung trên tủ cạnh bàn thơ ông “huyết lệ thành văn”, như một thời ông đã khóc với những Tám Bính, Năm Sài Gòn.

 

Tôi về Nhã Nam đúng dịp hội Yên Thế, tổ chức ngay đồn Phồn Xương xưa. Gần 90 năm ngày “Hùm xám Yên Thế”  sa cơ,  nay sát bên lưng con ngựa ai đó đang nhai cỏ, đồn Phồn Xương chỉ còn một đoạn tường đất dày loang lổ. Đề Thám, một “đại diện của tâm hồn An Nam” như báo chí Pháp lúc đó đã viết.

 

Lính của ông bị dồn cứng vào nhà giam Hỏa Lò. Người anh hùng Yên Thế thì bị mưu sát, sau khi có thư trả lời Pháp “Chết thì thôi, chứ Thám tôi quyết không chịu cúi đầu quỳ gối. Chúng tôi đây không bao giờ chịu nổi cái cực khổ ấy. Chặt đầu thì chặt, chứ cúi đầu thì không”.

 

Giữa đại ngàn thâm u, người thủ lĩnh áo nâu của nông dân ấy, ngoài việc lo cơ binh, luyện sĩ tốt, đã kịp làm một cái việc mà đến hôm nay, trên những con ngựa lộc cộc gõ móng chở người từ ngõ Thái Nguyên, Tân Yên về hội còn chở theo cá, chim và hoa đăng, ấy là ông dạy và bắt mọi người, vào hội xuân phải  phóng ngư (thả cá)  về nguồn nước vào buổi sáng, trưa phóng điểu (thả chim) về trời, tối thì thả đèn sáng rực.

 

Tựu trung chuyện ấy không gì khác chính là khát vọng tự do lồng lộng trời xanh của người anh hùng. Tôi ở lại một đêm Nhã Nam. Đêm đó gió mùa đông bắc về. “Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế”. 

 

Mở cửa nhà nghỉ lọt giữa vườn tre, khế và ruộng, gió thông thốc qua áo, lùa ý nghĩ tôi băng qua những ngọn đồi bát úp, đến chỗ xưa Nguyên Hồng đã khóc đã cười đã viết, rồi quay về với u uẩn cây rừng nơi tượng thờ Hoàng Hoa Thám đang đứng uy nghi chốn Phồn Xương.

 

Tác giả của “Bỉ vỏ” là người Nam Định, lang bạt lên đây, đóng triện đất này với cái tên không làm hổ danh nơi mình cư ngụ. Ông mê Đề Thám. Máu nóng anh hùng ấy truyền sang con người mê tự do trong ông.

 

Chuyện rằng, khi đồn Phồn Xương bị đánh úp, Đề Thám chia quân thành ba đạo đánh ra, cũng thua. Trên đường hành quân, ông đã đến núi Sáng ở Vĩnh Phúc. Trên núi đó có loài hoa xuyến chi, màu vàng, bốn mùa rực rỡ.

 

Khi Nguyên Hồng viết bộ tiểu thuyết  “Núi rừng Yên Thế”, có người ra vế đối thách ông : “Buổi sáng, lên núi Sáng, trông hoa vàng lại nhớ Hoàng Hoa”. Ông đối ngay, nhưng hơi ép vần “Đêm sương, đến Phồn Xương, ngẫm sự thế càng yêu Yên Thế”.

 

Ảnh : Ông Giang – con trai nhà văn Nguyên Hồng (thứ hai từ trái sang) tiếp khách xa 

 

TPO

Trung Việt
Số lần đọc: 2007
Ngày đăng: 20.04.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện văn chuyện đời - Trần Huy Thuận
Tháng tư ..nổi sóng !!! - Vũ Trà My
Mưa Pleiku - Tạp bút thơ - Vĩnh Phúc
Trăng 14 Hội An - Nguyễn Thị Hậu
Hai cái chết tạo nên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Đoàn Vị Thượng
Người nữ trong nhạc Trịnh Công Sơn - Khuất Đẩu
Phêrô và Giuđa - Nguyễn Hữu An
Câu Chuyện Dịch Thuật :Bao Giờ Có Những “Dịch Trường”? - Bùi Văn Nam Sơn
Sông gốm - Nguyễn Thị Hậu
Tiềm thức Huế : Trịnh Công Sơn và tâm vô trú - Trần Hạ Tháp
Cùng một tác giả