Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.151
123.225.370
 
Trung Quốc muốn gì ?
Đinh Kim Phúc

Sau sự kiện lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hải quân Trung Quốc ngày 23-4-2009, cùng ngày Trung Quốc cho post Clip trên YouTube về trận đánh 14-3-1988: “Trung Quốc nổ súng chiếm Trường Sa”(1988年南沙海战(a sea battle Spratly Islands in 1988,China-Vietnam). http://www.youtube.com/watch?v=AXTTJAL52Pw

 

Những cảnh trong phim cho thấy các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đứng thành vòng tròn bảo vệ đảo Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa. Hải quân Trung Quốc bắt đầu tuôn đạn như mưa, các anh ngã xuống, lá cờ Tổ quốc vẫn tung bay... một số người bị bắt làm tù binh.

 

Trong một Clip khác cũng do Trung Quốc post lên YouTube chúng ta hãy nghe lời bình: “Cách đây 35 năm , năm 1974 tại Trung Quốc Nam Hải , Trung Quốc vì bảo vệ Tây Sa đã đánh một trận hải chiến với Việt Nam Cộng Hòa , cuộc chiến xãy ra vào thời kỳ đó đã từ từ rơi vào quên lãng. Những quốc gia ở xung quanh vùng biển Nam Trung Quốc càng ngày càng không giải quyết các tranh chấp chủ quyền hải đảo theo hướng hòa bình, những năm gần đây khu vực biển nam Trung Quốc dường như càng trở nên căng thẳng. . Và 35 năm sau, ngày hôm nay những trận hải chiến có nguy cơ tái diễn.


- Ngày 17/2/2009 quốc hội Philippin thông qua Dự luật đường cơ sở , trong đó nói đảo Hoàng Nham và bộ phận Nam sa của Trung Quốc thuộc chủ quyền của Philippin.

 
- Ngày 3/5/2009 Thủ tướng Malaysia đã thăm Đá Hoa Lau thuộc quần đảo Nam Sa và tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo này cùng vùng biển phụ cận.

 

-Ngày 8/3/2009 tàu do thám của quân Mỹ hoạt động ngay trên vùng biển nam Trung Quốc.

 

- Ngày 10/3/2009 Trung Quốc đưa tàu chiến lớn nhất, tàu 311 hỏa tốc lao ra Nam Hải.

 

Vùng biển nam hải chứa đựng nhiều tài nguyên dầu mỏ khí đốt , đồng thời cũng là con đường chiến lược trên biển cực kỳ trọng yếu của Trung Quốc. Đối với nguy cơ ở nam hải , nguyên tắc “gác lại tranh luận về việc khai thác chung” có còn phù hợp nữa không ? Trung quốc có nên tuốt gươm đe dọa các nước khác bằng vũ lực ? Dư luận đang tranh luận rằng vấn đề Nam Hải liệu còn có thể dùng hòa bình và công bằng để giải quyết hay không? Tổng thống và quốc hội các nước khác đều đứng dậy cả rồi , đã đến lúc trung quốc phải tuốt gươm. Tuy hiếu chiến không phải là cách bảo vệ tổ quốc , nhưng lần này Mỹ cũng đã cuộn mình lại rồi, tất cả chúng ta đều phải cảnh giác.Về chủ quyền, tài nguyên, nhiều nước đang tranh chấp. Đối với nguy cơ ở Nam Hải, Trung Quốc nên khai chiến?

 
Một câu hỏi được đặt ra: Trung Quốc muốn gì?

 

Như chúng ta đã biết trước khi bị các nước ngoài xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tức đầu thế kỷ XX trở về thế kỷ XVII, theo pháp lý quốc tế (theo kiểu Phương Tây) lúc bây giờ, sự xác lập chủ quyền Việt Nam trên vùng đất này một cách thật sự, liên tục, hòa bình là cơ sở pháp lý quốc tế đương thời. Đến khi chủ quyền của Việt Nam bị xâm phạm, vào thời điểm 1909, pháp lý quốc tế có giá trị phổ biến là Tuyên bố của Viện Pháp Luật Quốc Tế Lausanne năm 1888.

 

Sau đó Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và Luật Biển 1982 cũng là cơ sở pháp lý quốc tế mà các thành viên ký kết bao gồm các nước đang vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei đều phải tôn trọng.

 

Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền 75% diện tích ở biển Đông trong nhiều thập niên trước đây cũng như Trung Quốc đã có một loạt hành vi gây hấn có tính toán đối với Việt Nam, thực hiện bằng vũ lực kết hợp với mưu mẹo và theo một quá trình kéo dài nhiều thập niên. Cuối năm 2007, khi đơn phương quyết định đặt hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa trực thuộc hệ thống hành chính của mình, Trung Quốc đã đi xa hơn cuộc tranh chấp trên biển vì đã có hành động xâm lăng Việt Nam. Vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa không còn là một vụ lấn chiếm hải đảo riêng lẻ nữa mà là một hành động xâm chiếm vùng biển, xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, bất chấp hiến chương Liên Hiệp Quốc.

 

Dưới góc độ luật quốc tế, hành vi sáp nhập trong vụ Tam Sa chính là loại trọng tội đã được gọi tên là xâm lược (aggression), theo định nghĩa từ giữa thập niên 1970 của Liên Hiệp Quốc.

 

Cho đến đầu thế kỷ XX, pháp luật quốc tế vẫn còn thừa nhận việc dùng vũ lực để xâm chiếm một bộ phận hay toàn bộ lãnh thổ của một nước là hợp pháp. Nhưng ngay sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Quốc tế Công pháp đã cấm mỗi quốc gia thành viên không được xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của quốc gia khác. Khi có những sự vi phạm luật quốc tế, hòa bình và an ninh thế giới, chỉ Hội đồng Bảo An mới có thẩm quyền thẩm định và đưa ra các biện pháp chế tài. Các quốc gia không được tự ý hành động ngoài những điều luật quốc tế cho phép. Sau đây là những nét chính:

 

Điều 2(4) của Hiến Chương LHQ quy định:

 

“Tất cả các thành viên Liên Hiệp Quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc hay dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất cứ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên Hiệp Quốc.”

 

Nghị quyết 1514 ngày 14/12/1960 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về việc trao trả nền độc lập cho các nước và các đân tộc thuộc địa đã viết: “Mọi hành động vũ trang và mọi biện pháp đàn áp, bất kể thuộc loại nào, chống lại các dân tộc phụ thuộc sẽ phải được chấm dứt để các dân tộc đó có thể thực hiện quyền của họ về độc lập hoàn toàn một cách hòa bình và tự do, và toàn vẹn lãnh thổ của họ sẽ được tôn trọng”.

 

Nghị quyết 26/25 năm 1970 của Liên Hợp Quốc lại viết: “Các quốc gia có nghĩa vụ không được dùng đe dọa hoặc dùng vũ lực để xâm phạm các đường biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác hoặc như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế kể cả các tranh chấp về lãnh thổ và các vấn đề liên quan đến các biên giới của các quốc gia”.

 

“Mọi hành động thụ đắc lãnh thổ bằng đe dọa hoặc bằng sử dụng vũ lực không được thừa nhận là hợp pháp”.

 

Điều này được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc tái xác định trong Nghị quyết số 2625 (XXV) ngày 24.10.1970 khi đưa ra “Tuyên ngôn các Nguyên tắc quốc tế về sự liên đới và hợp tác anh em giữa các quốc gia theo tinh thần của Hiến chương Liên Hiệp Quốc”. Nguyên tắc đó như sau:

 

“Không một quốc gia hay một nhóm quốc gia nào có quyền can thiệp, trực tiếp hay gián tiếp, vì bất cứ lý do gì, vào các việc quốc nội hay quốc ngoại của bất cứ quốc gia nào khác. Do đó, sự can thiệp bằng võ khí hay tất cả những hình thức can thiệp khác, hay những âm mưu đe dọa chống lại nhân vật của quốc gia hay chống lại các yếu tố về chính trị, kinh tế và văn hóa của quốc gia đó, là vi phạm luật quốc tế.”

 

Nghị quyết số 3314-XXXIX (Resolution 3314 - XXIX) ngày 14.12.1974 đã định nghĩa tội xăm lăng (aggression) như sau:

 

“Xâm lăng là việc một quốc gia dùng quân lực chống lại chủ quyến, sự toàn vẹn lãnh thổ, hay sự độc lập chính trị của một quốc gia khác, hay bằng bất cứ cách nào khác không phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, như được nêu ra trong định nghĩa này.”

 

Chương VII của Hiến Chương LHQ dành cho Hội Đồng Bảo An quyền áp dụng các biện pháp chề tài đối với các quốc gia vi phạm luật pháp quốc tế, phương hại đến hòa bình và an ninh của thế giới.

 

Điều 39: “Hội đồng Bảo an xác định thực tại mọi sự đe dọa hòa bình, phá hoại hòa bình hoặc hành vi xâm lược và đưa ra những kiến nghị hoặc quyết định các biện pháp nào nên áp dụng phù hợp với các điều 41 và 42 để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế”.

 

Điều 41: “Hội đồng Bảo an có thẩm quyền quyết định những biện pháp nào phải được áp dụng mà không liên quan tới việc sử dụng vũ lực để thực hiện các nghị quyết của Hội đồng, và có thể yêu cầu các thành viên Liên Hợp Quốc áp dụng những biện pháp ấy. Các biện pháp này có thể là cắt đứt toàn bộ hay từng phần quan hệ kinh tế, đường sắt, đường biển, hàng không, bưu chính, điện tín, vô tuyến điện và các phương tiện thông tin khác, kể cả việc cắt đứt quan hệ ngoại giao”.

Điều 42: “Nếu Hội đồng Bảo an nhận thấy những biện pháp nói ở Điều 41 là không thích hợp, hoặc tỏ ra không thích hợp, hoặc đã mất hiệu lực, thì Hội đồng Bảo an có thẩm quyền áp dụng mọi hành động của hải, lục, không quân mà Hội đồng xét thấy cần thiết cho việc duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế. Những hành động này có thể là những cuộc biểu dương lực lượng, phong tỏa, và những cuộc hành quân khác, do các lực lượng của hải, lục, không quân của thành viên Liên Hiệp Quốc thực hiện”.

 

Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc. Trong đó lãnh thổ và biên giới quốc gia lại là hai yếu tố gắn bó với nhau như hình với bóng do đó pháp luật quốc tế hiện đại và tập quán quốc tế đều thừa nhận tính bất khả xâm phạm của lãnh thổ quốc gia và biên giới quốc gia.

 

Cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ và quyết liệt của các dân tộc thuộc địa sau Chiến tranh thế giới thứ 2 mà dân tộc ta là một đội ngũ tiên phong với chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ đã dẫn tới nghị quyết cụ thể và đầy đủ hơn của Liên Hợp Quốc về vấn đề này.

 

Đối với mọi quốc gia dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng - bất khả xâm phạm. Để có được giang sơn gấm vóc ngày nay, dân tộc ta đã phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu và trí tuệ trong suốt nhiều ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.

 

Chính vì vậy, khi giải quyết bất kỳ vấn đề gì liên quan đến biên giới và lãnh thổ chúng ta phải biết kết hợp các hình thức và biện pháp đấu tranh thích hợp đối với từng vụ việc phát sinh trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, giữ gìn quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, góp phần giữ gìn hòa bình , ổn định trong khu vực và trên thế giới../.

 

Đinh Kim Phúc
Số lần đọc: 3677
Ngày đăng: 25.04.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những Người Lãnh Đạo Phong Trào Duy Tân Ở Quảng Ngãi - Lê Ngọc Trác
Chủ quyền của Trung Quốc trên biển đông-những điệp khúc cũ - Đinh Kim Phúc
Phủ nhận hoàn toàn quan điểm của nhà nước Trung Quốc về vấn đề hai quần đảo Hoàng sa-Trường sa của Việt Nam - Đinh Kim Phúc
Lịch Sử thành thánh Giêrusalem - Nguyễn Hữu An
Ði tìm người dịch địa bạ triều Nguyễn - Hà văn Thùy
Nguyễn Phúc Nguyên ,vị chúa của những kỳ công mở cõi - Nguyễn Quang Ngọc
Trương Định - Thủ lĩnh vĩ đại của nghĩa quân chống Pháp - Lê Ngọc Trác
Có hay không có chủ quyền của Philippines trên quần đảo Trường Sa? - Đinh Kim Phúc
Malaysia hoàn toàn không có chủ quyền trên quần đảo Trường Sa - Đinh Kim Phúc
Hoàng Cao Khải không phải là người theo Pháp để hưởng lợi ? - Nguyễn Hùng
Cùng một tác giả
Game Over! (lịch sử)
Đọc thơ xưa (tạp văn)