Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.190
123.204.797
 
Trần Hữu Dũng, Thơ còn bao điều muốn nói
Inrasara

Cuộc sống và cuộc văn chương Sài Gòn xô bồ, rối rắm, căng phồng, hỗn độn và chuyển xoay nhanh rất khó nắm bắt. Dù ta quen thân với nó đến đâu, nó vẫn mở ra với ta bao khác lạ và mới lạ. Mỗi ngày mỗi khác lạ, và xa lạ. Khó hiểu, khó nắm bắt. Sáng mở mắt, chạy xe đến công sở giải quyết công việc hay ngồi mấy giờ liền quán cà phê vỉa hè tán dóc, trưa bia bọt bù khú, tối hộp đêm đèn mờ mù khói thuốc hay chơ vơ tầng thứ ba mươi lăm nhâm nhi nỗi cô độc. Người quen và người lạ, quen mà vẫn lạ. Không ai hiểu ai, ít ai muốn tìm hiểu nhau, để cùng có thể sẻ chia một manh tình vụn, nửa oan ức nỗi người, hoặc thậm chí vài khúc mắc nghiệp vụ trong cõi văn chương chữ nghĩa. Cô độc, mãi mãi chịu cô độc. Lầm lũi trở về nhà soi lại mặt, chợt thấy nó ngày càng tệ hại và thảm hại hơn. Mặt tôi, mặt em, mặt anh. Thật hay ảo? Thật và ảo lẫn lộn, khó biện biệt.

 

Một bạn thân uống cà phê trách
Độ rày mày trông bệ rạc và thảm hại
Tiêu ma sinh khí…
 
Một bạn đọc không ghi rõ họ tên mắng mỏ
Ông nhầm lẫn giữa đương đại và hậu hiện đại
 
… Cả điều tưởng mình chia sẻ với mọi người
Có lúc chẳng bao giờ thấu suốt
(“Chia sẻ”, Gương mặt, thật & ảo)

 

Ta không thấu suốt. Bằng hữu gặp nhau cụng li hay tán gẫu mỗi ngày cũng không thấu suốt. Với kẻ làm văn chương, thiếu thấu suốt về chuyên môn dễ dẫn đến thiếu cảm thông tình cảm. Con người gặp nhau ngoài phố và đi qua nhau như thể các sinh phận cô độc, lắm lúc còn hơn cả bạt ngàn chiếc xe vô hồn ngược hay chéo chiều dưới phố kia. Hết ngày, ta vội vã trở về nhà, với triệu triệu sợi dây thần kinh căng chùng bất chợt của ta, đối mặt với bao bất trắc trái tim ta trong căn phòng trắng hoang nơi những tờ giấy trắng đang chờ ta. Ta, nỗi cô đơn, tờ giấy hay màn hình trắng và con chữ. Nhưng những con chữ không phải là nơi cho ta tìm chạy trốn, mà chúng đẩy ta đối mặt với một cô đơn bất an và kinh khiếp hơn, đầy hiểm họa hơn nữa.

 

Và bài thơ, thức dậy viết lúc nửa đêm
Về sự cô độc trong căn phòng trắng rợn người
Cấu tứ hung hiểm sắc bén đường dao
Cứa vào mớ dây thần kinh mù quờ quạng
(“Chia sẻ”, Gương mặt, thật & ảo)


Không thấu suốt để sẻ chia đã đành, lắm lúc bạn bè cố tình xô nhau về phía tối, phía đen không đáng. Thật không đáng tí nào cả, trong cuộc người đã quá khốn đốn này. Tập thơ “vỉa hè” 13 bài thơ đẹp của tháng Ba khóc eo óc chào đời sau
một ngộ nhận ở cõi người và cõi thơ ấy. Trần Hữu Dũng đã cẩn thận ghi chú: “Gửi tặng các bạn thân: Vũ Trọng Quang, Nguyễn Đình Bổn, Phan Ngọc Thường Đoan, Nguyễn Thị Hậu, Nguyễn Hòa vcv, Nhật Chiêu…Giải tỏa niềm ám ảnh tai nạn tinh thần vào đầu tháng 3 năm 2008”. Tại sao phải ghi chú? Đánh dấu mốc thời gian để nhớ ư? Hay để cảnh giác? Để giải tỏa? Hoặc làm điều tâm niệm, như thể “Bốn điều răn cho chính mình”?

 

Lại là điều răn ảo và thực!


1. Cấm cửa bọn người thú. Ngồi một mình suy tưởng lòng nhân ái, từ tốn thôi như nhai một ổ bánh mì thịt điểm tâm buổi sáng.


2. Tìm nơi thanh tịnh, gột rửa tâm hồn. Nhớ tịnh khẩu và ngủ ngon giấc trưa và tối.


3. Tránh xa tiếng ồn, việc gì gây stress. Bây giờ cô hồn sống nhiều vô kể, dầu chưa đến rằm tháng 7, chớ dại dây vào mất mạng như chơi!


4. Viết giữ khoảng lặng trắng giữa các từ. Đón nhận mùi hương tinh khiết thoát ra từ nó và nghe gió ru bất cứ lúc nào.

 (13 bài thơ đẹp của tháng Ba)

 

Có thể không? Và có cần thiết không? Tôi không tin lắm về mớ điều răn to con đáng mơ ước ấy. Tôi càng không tin Trần Hữu Dũng chịu thực hiện hay thực hiện được mấy điều răn tưởng rất thiết yếu kia. Làm được thế, anh trở thành Thiền sư rồi còn đâu là thơ ca với sáng tạo! Không thể, bởi đơn giản, Dũng còn “có bao điều muốn nói”, khi đối mặt một thực tế lù lù với mênh mông đau buồn, mất mát và oan nghiệt. Tịnh khẩu giữa bao bề bộn xung quanh là điều bất khả, khi bạn đã một lần đánh đu với chữ nghĩa.

 

Đừng nhắc anh nỗi nhớ quê nhà
Hay niềm hạnh phúc ngọt ngào mềm môi

Thế giới phẳng lặng, mất mát, bạo lực
Sóng thần, bão loạn hay đầy dẫy bọn l
a đảo

Mặc kệ, vất chúng vào xó xỉnh nào đó
Để chúng nằm ngoài những trang thơ
(“Điều tốt lành đầu năm”, Gương mặt, thật & ảo)

 

Không thể vất chúng đi được. Vô ích và phi lí, ý muốn ấy. Bởi thơ Trần Hữu Dũng là thơ của/ về/ cho đời sống hôm nay. Vất chúng đi, nó hết còn là thơ anh. Dù không là loại thơ nhật kí, nhưng dấu vết sinh hoạt thường nhật anh và hơi thở cuộc sống thời đại trong thơ anh dày đặc. Sống trong thành phố, Cơn say lúc 3 giờ sáng, Câu chuyện qua điện thoại di động, Một lần ghé Sóc Trăng, Trong bệnh viện ung bướu, Lúc Ng. ngủ ở biển Nha Trang, Bài thơ của Hương, Viết cho V. ở trại phục hồi nhân phẩm, Li dị, Em có đến kịp sớm mai? Đêm trầm mình ở biển, Ăn Tết miệt vườn, Chuyến xe chiều,... Nhập nhằng giữa ảo và thực, giữa đô thị và vùng ven, đi và ở, yêu và ghét, cuồng nộ mong chối bỏ nhưng lại mơ phục dựng một điều gì đó còn rất mơ hồ, Trần Hữu Dũng di động mơ hồ trong mẫy nỗi ấy. Ngay cả trong tình yêu, cõi tưởng yên bình nơi tâm hồn cô đơn có thể tìm trú ngụ, nó vẫn cứ bấp bênh khó nắm bắt. Tình yêu lắm lúc chỉ có thể tìm đến nhau khi cả hai chìm trong cơn say ngập trời lúc ba giờ sáng. Tỉnh ra, cả hai linh hồn cứ vời vợi xa, biền biệt miền ốc đảo. Có và không. Có mà như không.

 

Điều răn thì bất khả thi rồi. Thực đơn cho một ngày còn khó lên bảng, nói chi “Thực đơn cho cuộc sống” trải dài suốt một đời người.

 

Rát. Bỏng. Cuồng nộ
Lúc vào cơn mê em và anh tuồn tuột
Rơi theo chiều thẳng đứng
Không bao giờ chạm đáy cuộc sống…
Buổi chiều nay thả bầy email đi hoang

(“Lắm lúc thả bầy mail đi hoang”, Gương mặt, thật & ảo)

 

Làm thi sĩ thì không cho phép bất kì ai định hướng cho mình, để cứ thế lầm lũi mà đi theo. Sống theo, làm theo và viết theo. Để trở thành thứ theo-ist tệ hại. Hắn càng không tự vạch định công thức sống và sáng tác nữa. Cái đích hắn nhắm tới là tự do, tự do và sáng tạo. Và tự do cho sáng tạo. Thoát khỏi mọi buộc ràng mọi chuẩn tắc, cả chuẩn tắc do chính hắn vạch ra.  Dù qua đó, hắn phải trả giá nó bằng bao cô đơn, hất hủi, hay thậm chí bằng chính sinh mệnh của mình. Nhưng dẫu sao đi nữa, Trần Hữu Dũng vẫn còn một cõi quê để nhớ, để linh hồn cô độc anh tìm về sau mấy thất vọng ê chề nơi tạp nham và ồn ào phố thị. An ủi và xoa dịu. Khi anh đã hết hơi, đã “tiêu ma sinh khí”.

 

Ai giấu dòng sông chảy xiết trong câu hò đồng ruộng

Sao giọng cô Tư ru con nghe nghèn nghẹn

Mưa tí tách rơi trên bụi chuối sau hè

Tôi nhìn trộm vào đôi mắt má - âm u bầu trời lộn ngược

 (“Câu hò đồng ruộng”, Lá thông non & em – Trang – sương mù)

 

Điên điển, điên điển vàng đến rối lòng

Bập bềnh trôi nổi theo mùa lũ đồng bằng nước trắng xóa

Em chèo xuồng ba lá chống trời nuôi hi vọng

Vớt chùm bông quàng cổ, xuống câu hò vắt ngang cánh rừng tràm

 (“Thủ thỉ với bông điên điển”, Lá thông non & em – Trang – sương mù)

 

Để đất và nước miền Tây sạc lại bình tích điện tâm hồn và thơ ca anh, khả năng vực anh dậy, để lần nữa trở về rong chơi và sáng tạo trong cuộc sống và cuộc thơ bề bộn Sài Gòn./.

 

Sài Gòn, 13-3-2009.

Inrasara
Số lần đọc: 3200
Ngày đăng: 26.04.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thân phận lưu vong - Bùi Công Thuấn
Tình Yêu Thời Bão Táp - Phạm Ngọc Hiền
Đoàn Quỳnh Như Vọng từ một Hành trình yêu - Inrasara
Tất cả chúng ta cùng một nẻo về với những nhân vật của Nguyễn Khương Bình - Trần Phá Nhạc
Sự thức nhận về vai trò, vị trí của nhà văn trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp - Nguyễn Mạnh Hà
Cái hài hước, giễu nhại trong Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn - Khánh Phương
Những cái chết và màu sắc của nó trong câu chuyện của Khương Bình - Liêu Thái
Cuộc chữ* chưa bày trăm năm đã cạn - Lê Vũ
Về một lối viết hiện thực huyền ảo Việt tính: Trường hợp Đỗ Ngọc Thạch - Đỗ Quyên
Nhà văn của những mảnh đời bất hạnh ! - Yến Nhi
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)