Trên con đường lởm chởm đá, ngược lên mạn tây, chạy xuyên qua cánh đồng vùng Kim Châu, ở phía trước nhà thờ An Tân, chú ngựa đực non đang kéo xác con ngựa cái già trơ xương bên trong chiếc xe ngựa xộc xệch. Đầu con ngựa già thòng hẳn xuống phía sau thùng xe, cứ rung lên theo nhịp lắc lư của chiếc xe, thỉnh thoảng, nẩy lên rồi rơi mạnh xuống đập vào cái bàn đạp dành cho khách lên xuống xe, bởi những cú xóc trên những ổ gà trũng sâu được tạo nên từ đầu mùa đông. Trên càng xe, lão già đánh xe ngồi tư lự, mắt hướng về phía mặt trời sắp lặn. Tiếng chuông nhà thờ dóng dả đổ, lan đi, xa dần, xa dần rồi mất hút trong bầu không khí tĩnh lặng của buổi chiều cuối năm.
Con ngựa đực non vẫn bước đều. Cái đầu không còn sinh khí của con ngựa cái già cứ lắc lư, lắc lư như gõ nhịp. Chiếc xe cũ nát đi dần vào bóng đêm.
Lần này thì khó qua, lão tự nhủ, sức đã kiệt rồi. Một nỗi buồn kinh khủng ập đến trùm lấy người lão.
Lão nhớ, dường như, suốt cả đời mình, lão chưa bao giờ được ăn một bữa no. Từ bé lão đã phải dùng đôi tay chai sạn bới vào cuộc đời móc ra từng hạt gạo. Trận dịch hạch năm ấy cướp đi bố mẹ lão khi lão còn chưa đủ trí khôn để biết mặt người sinh ra mình. Lão gửi thân trong gia đình ông chú nghèo kiết xác. Chú lão, một nông dân tham công tiếc việc với đủ những tật xấu của thằng đàn ông bủn xỉn, keo kiệt và gàn bướng. Suốt ngày lão phải quần quật với công việc đồng áng. Hết công việc đồng áng lão lại lênh đênh trên sông nước để bắt con cá, con tôm. Cứ thế, ông chú lão nuốt trọn tuổi ấu thơ và thời niên thiếu của lão.
Đến năm mười bảy tuổi, muốn làm một cuộc đổi đời, lão đột ngột lấy vợ. Vợ lão, một cô gái không đẹp, đen, nhỏ thỏ với cái mũi tẹt đến khó coi và có số phận cũng chó má như lão. Cô ta sống với bà cô dở điên đở khùng, lắm chuyện, trong khi gạo lúc nào cũng hết sạch trong vò. Và cô ta cũng không thể làm đẹp tuổi dậy thì của mình bằng những bộ quần áo vá chùng vá đụp.
Trong nỗi khốn khó của một gia đình trống rỗng, lão rong ruổi đời mình trên càng chiếc xe ngựa lão đánh thuê của tay cho thuê xe chuyên nghiệp ở gần chợ Cây Bông. Và đồng tiền lão kiếm được đến muốn toé máu con mắt chưa kịp cho vợ chồng lão một đời sống dễ chịu đã bị ngốn hết bởi những cơn đau thường xuyên của thằng con trai vợ lão sinh một năm sau ngày cưới. Nhưng cái chết không buông tha con lão. Rồi, tiếp đó, cái chết, cũng chính cái chết, đánh một đòn chí tử làm rệu rã toàn bộ con người lão: vợ lão nối gót thằng con trai ra đi bỏ lão trơ trọi giữa cuộc đời với con ngựa cái già lão đánh thuê. Cứ thế, lão lê đi trong đời với thân xác nhếch nhác của kẻ chìm ngập trong men rượu.
Lệnh động viên được ban bố, lão lao vào quân đội với nỗi vui mừng của người sắp chết đuối vớ được cọng rơm. Nhưng đời lính hiểm nguy, nhọc nhằn không làm lành vết thương lòng của lão. Nỗi cô đơn theo lão đi vào những trận đánh, bám riết lấy lão ở khắp các chiến trường và quấn lấy lão kể cả những lúc lão làm tình với bọn gái điếm khi đơn vị lão được đưa về thành phố nghỉ ngơi, sau nhữn tuần hành quân liên miên. Lão đi vào chiến tranh mà cứ như đi vào cõi chết. Nhưng bom đạn không đụng được lão. Cứ thế, lão để đời mình trôi theo cuộc chiến. Cho đến mùa xuân 1975 trong một cuộc tháo chạy tán loạn ở vùng duyên hải miền Trung chiếc xe quân sự không đưa lão và đồng đội về cái đích Sài Gòn mà lại lăn kềnh xuống hố. Một lần nữa, vận may lại đến với lão: lão chỉ bị xây xát trong khi đồng đội của lão bị chết sạch. Lão cố bò lên miệng hố và với thân thể đau nhức, ê ẩm, với nỗi đói khát hành hạ không chịu được, lão lặn lội trên con đường dài hàng trăm cây số, dưới cái nắng thiêu đốt tháng ba, trở về quê lão, nơi mà trước ngày ra đi làm lính lão đã phóng hoả đốt túp lều tranh không lọt đít con cóc ngồi cua mình.
Ngày đầu trở về, nhìn cái nơi một thời từng là tổ ấm của mình, giờ chỉ còn là mảnh đất hẹp bởi những căn nhà xung quanh lấn sang, với cây cỏ um tùm, với rác rưởi và phân heo bốc lên mùi hăng nồng, lão muốn phát khóc. Gia đình ông chú ly tán. Lão buộc lòng gửi miệng nhà hàng xóm với nỗi nhẫn nhục ngoài sức tưởng tượng của lão.
Một tuần sau, lão phải trình diện trước chính quyền cách mạng và điều tất nhiên là lão phải cải tạo.
Suốt ngày, lão cùng đám tù binh phải bì bõm dưới nước mặn, sâu đến tận rốn, móc lên từng nắm đất quánh để đắp con đê dài gần chục ki lô mét chống nước thuỷ triều vùng ven biển trong thời kỳ đầu khai hoang phục hoá sau giải phóng. Công việc nặng nhọc, nắng, gió và cơn sốt rét lão mắc phải vào thời kỳ chiến sự xảy ra ác liệt ở vùng rừng thiêng nước độc Cao nguyên Trung bộ giờ lại tái phát, biến lão vào cuối những ngày cải tạo thành một que củi. Lần này, cái chết vẫn khước từ lão.
Mãn đợt cải tạo, không còn con đường duy nhất “chơi trò súng đạn” dành cho những cuộc đời bế tắc trong thời chiến, lão buộc lòng tuân thủ nguyên tắc sống khắc nghiệt thời hậu chiến. Lão xin xỏ tranh tre hàng xóm dựng lên túp lều tí xíu, còn nhỏ hơn túp lều vốn đã quá nhỏ ngày xưa của lão, để trú thân.
Măm sau, trước con mắt sửng sốt của mọi người, lão lại đột ngột lấy vợ. Lão cưới một bà goá trẻ hơn lão gần một giáp, múp míp, có chút nhan sắc, nhõng nhẽo, thích làm dáng kiểu rẻ tiền, có hai con, một trai một gái, chồng mất tích trong trận Dak- Tô đẫm máu, ở cùng làng với lão. Từ đây, lão bắt đầu gắn đời mình vào cuộc sống khó khăn, buồn tẻ hàng ngày với vợ con, công việc. Đời mình khác gì con ngựa, ngồi trên xe ngựa lão thường nghĩ vậy. Ngày nối ngày lão để mình dằn xóc trên càng chiếc xe ngựa đã cũ với con ngựa chẳng còn trẻ trung gì nhưng thông minh và hiểu chủ mà lão mua được nhờ số vàng ít ỏi của vợ lão tích góp được từ số tiền tuất của người chồng chết trận. Con đường Bình Tiên – An Thạnh dài trên 40 ki lô met đối với lão đã trở nên quen thuộc như trong lòng bàn tay. Đó là con đường đầy bụi vào mùa hè và nhão nhoét về mùa đông, đã tước đi của lão và con ngựa rất nhiều sức lực. Tuy nhiên, có xe và ngựa, tình thế khốn cùng của gia đình lão được cải thiện nhanh chóng. Nhưng điều đó không khiến vợ chồng lão vui mừng được lâu. Gần một năm kể từ ngày cưới, không, đúng hơn, từ ngày lão về sống nhà vợ, bà vợ sinh cho lão một thằng con trai què quặt, dị dạng. Lão muốn đập phá tất cả: lão cần có một đứa con, một thằng bé khoẻ mạnh, bụ bẩm, can trường như lão. Rồi điều lão mong đợi cũng chóng đến. Tiếp sau đó không lâu, vợ lão hạ sinh đôi hai đứa con trai. Liền năm sau, vợ lão lại sinh thêm đứa nữa. Cứ thế sồn sồn mỗi năm một đứa nhưng đứa nào cũng què quặt, tật nguyền. Đến đứa thứ năm lão vẫn không thấy có dấu hiệu gì vợ lão ngừng đẻ. Và đó là một tai hoạ. Sức tàn của lão, sức mòn của con ngựa về già và chiếc xe cũ nát không kham nổi với gần mười miệng ăn. Nhưng lão chẳng cần các biện pháp tránh thai, mặc dù người ta vẫn luôn đục vào tai lão chuyện kế hoạch hoá gia đình. Trời sinh voi trời sinh cỏ mà, lão thường nghĩ vậy khi có ai bảo lão đã già còn sinh con đẻ cái hoặc những lúc lão phải chạy vạy đến mướt mồ hôi mua từng cân gạo. Và đến đứa thứ sáu thì … vợ lão chết cùng đứa hài nhi, sau gần hai giờ phẫu thuật không thành. Bà ta bị băng huyết quá nặng.
Đêm đã xuống lâu rồi mà con ngựa đực non vẫn chưa đi được bao nhiêu. Chỉ mới đến gần đường xe lửa, lão lẩm bẩm, còn xa lắm. Nó không quen kéo, lão nghĩ và bất chợt môi lão nhếch lên có vẻ chua chát và khinh bỉ trong đêm tối. Chẳng con nào muốn kéo nhưng con nào cũng phải kéo, phải kéo đến kiệt sức, lão lại nghĩ. Chiếc xe bắt đầu leo con dốc nằm vắt ngang con đường xe lửa. Càng lúc chiếc xe đi càng chậm lại, con ngựa đực non kéo trở nên nặng nhọc và mũi nó bắt đầu phì phò thở. Lão già vừa giật mạnh dây cương vừa cầm chiếc roi quất mạnh vào cái mông vốn óng ả, trẻ trung, đang độ nẩy nở, săn chắc của con ngựa non vừa quát: nhanh . Nhanh lên. Con ngựa đực non lồng lên. Nó rướn mạnh về phía trước nhưng đến gần đỉnh dốc người, xe, ngựa dường như đứng hẳn lại. Con ngựa non vùng vẩy, hơi thở nghe rõ to, bên mép đầy bọt trắng. Con khỉ, lão già hậm hực nhảy xuống xe. Cái gì thế này, lão ngạc nhiên tự hỏi. Đôi chân lão khuỵ xuống. Cả cái thân hình gầy yếu của lão đè lên đôi chân không còn khả năng chống đỡ. Cái gì đã hút cạn sức lực lão? Lão cảm thấy kinh hoàng.
Lão ngồi như thế một lúc lâu. Con ngựa đực non cứ vùng vẫy cố chống chọi lại cái lực khủng khiếp muốn kéo tột nó về phía sau. Nó kiệt sức đến nơi rồi, lão nghĩ và gắng gượng đứng dậy trên đôi chân run rẩy như muốn nhũn ra. Sau một lúc mò mẫm, một tay lão vịn được vào càng xe, tay kia nắm chặt thanh sắt cắm chặt trên thành thùng xe, miệng vừa hò hét những tiếng ngắt quãng cho con ngựa bước, lão vừa thu hết chút sức lực còn lại đẩy chiếc xe về phía trước. Chiếc xe nhích dần lên chậm chạp. Đến đỉnh dốc người và ngựa đầm đìa mồ hôi và lão cảm thấy ở ngực, nơi trái tim, bỗng đau nhói. Lão đưa tay lên ngực, chỗ như vừa có bàn tay ai bóp mạnh và chợt rùng mình. Không qua được rồi. Lần này thì chắc chắn, lão nghĩ.
Con ngựa đực non vẫn còn thở như kéo bễ. Người run lẩy bẩy, lão đứng tựa vào càng xe. Đêm tối dày đặc vây chặt lấy lão, vây chặt chiếc xe cũ nát và con ngựa đực non. Chung quanh im lặng. Cái tĩnh lặng của đêm ba mươi lúc đổi năm mới khác thường làm sao, cứ như tất cả chùng hẳn xuống, đè hẳn xuống, dừng thở để chuẩn bị vùng lên, vọt lên trong cái sức mạnh mới mẻ không gì cưỡng nổi. Lão chợt muốn phát khóc. Thời gian lặng lẽ trôi.
Một lúc sau, lão ấn đôi tay lên càng xe, vất vả đưa cái thân hình còm cõi đã trở nên quá nặng đối với sức lão lên nơi lão thường ngồi đánh xe và trong tư thế nửa nằm nửa ngồi, đầu tựa vào tấm ván ngăn giữa thùng xe với gọng xe, lão để mặc con ngựa đổ dốc. Chiếc xe lao nhanh xuống dốc. Bước chân ngựa dồn dập cứ như líu lại. Chiếc xe tung lên, ném xuống, nghiêng qua, đảo lại dữ dội. Cái đầu con ngựa già cứ đập vào bàn đạp xe, liên tục phát ra chuỗi âm thanh trầm và đục. Và cả cái thân hình nằm nghiêng bất động của nó lệch hẳn sang một bên, bốn vó nhô ra ngoài thùng xe. Nhưng lão chẳng buồn để ý. Một nỗi buồn se sắt đã làm tê liệt người lão.
Nó chết rồi.
Con ngựa già dẻo dai, thông minh, dũng mãnh thật sự bỏ lão ra đi rồi. Giữa lão và nó không bao giờ tìm lại được những tháng ngày cực nhọc nhưng êm dịu và ấm áp trong tình thân như ruột thịt. Hơn mười năm ròng rã, ngày tiếp ngày, dù mưa hay nắng lão và con ngựa quyện chặt lấy nhau, cố trườn đi trên những con đường đầy sỏi đất ở vùng miền trung thiên nhiên khắc nghiệt này. Sức con ngựa như chính là sức của lão, sức con ngựa phải bỏ lại trong đống đồ vật có trọng lượng khá lớn sau một chuyến kéo như chính sức lực lão mất đi. Và bao giờ cũng thế, khi nhìn thấy con ngựa trút xong gánh nặng trên mình, nó ngẩng cao đầu, mõm hơi nghếch lên, mũi phập phồng trong tư thế hết sức kiêu hãnh của kẻ biết mình vừa hoàn thành tốt một công việc khó khăn, lão cảm thấy rộn lên trong lòng một niềm vui kỳ lạ. Đúng, nó với lão là đôi bạn tri kỷ. Phải, còn ai gần gũi với lão hơn con ngựa? Lão luôn cảm thấy cô độc trong cái thế giới quá nhiều con người này. Người đàn bà duy nhất có nhỉiều thời gian tiếp xúc, ăn nằm, ôm ấp với lão – vợ lão – cũng không thể tạo cho lão một tâm hồn thanh thản, đem lại cho lão hạnh phúc, một niềm vui sống với đời thường. Chỉ có con ngựa, đúng, chỉ có con ngựa nó hiểu lão, nó sẵn sàng cùng sống, cùng chia sẻ, cùng chết với lão. Không, nó đã không cùng chết, nó đã chết trước. Con ngựa đã làm tất cả, đã làm hết những gì nó có thể làm được cho lão. Nó đã sống hết một đời cho lão. Và còn có cái gì gắn bó với con ngựa hơn lão? Lão đã mua nó về cuối tháng giêng, sau ngày lão được phóng thích khỏi trại cải tạo một năm. Khi đó nó còn chưa biết động đực, còn chưa biết kéo là gì. Thế mà chỉ một khoảng thời gian hết sức ngắn ngủi nó và lão đã rất thân với nhau cứ như nó và lão sinh ra là để làm bạn và sau đó, lão đã tập nó kéo thành thục đến nỗi nó đã vượt xa những con ngựa dạn dày trên đường kéo, khiến những nhà chở thồ chuyên nghiệp phải kinh ngạc trước sức mạnh phi thường, độ nhạy bén, bộ óc thông minh như người của nó. Cứ như nó và lão sống là để thích hợp với công việc kéo thồ. Hoặc trong những lần chờ một chuyến hàng, lão vui thích ngồi hàng giờ nói chuyện với con ngựa. Lão không chịu được cảnh trơ trọi, nhẫn nhục con ngựa phải chịu trong thân phận tôi tớ trâu ngựa của nó. Lần nào cũng vậy, con ngựa luôn luôn gật gật đầu tỏ vẻ sung sướng và biết ơn lão. Những lần như thế, đôi khi lão thấy con ngựa chảy nước mắt, lúc ấy bụng dạ lão nôn nao một niềm thương. Rồi ngay trong cái ăn lão cũng tự cắt một ít trong khẩu phần ăn của mình nhường cho con ngựa. Bằng cách, trưa nào cũng vậy, lão chỉ ăn lưng lửng bụng, số tiền dôi ra ít ỏi ấy, dành dụm một thời gian thành kha khá, lão đem mua nước mật, góp vào khẩu phần ăn quá hạn chế của con ngựa. Đó là thứ nước con ngựa của lão uống dường như không bao giờ đã khát. Và nó cũng là thứ nước cho gia đình lão sự sống. Đấy, lão đã gắn bó với con ngựa như thế đấy. Sao giờ này con ngựa đột ngột bỏ lão ra đi?
Nhanh quá, lão nghĩ, loáng một cái đã hết một đời. Lão nhớ rất rõ ngày lão mua con ngựa về, khi đó nó đang độ sung sức, trẻ trung, cái đầu mạnh mẽ luôn ngẩng cao, đôi mắt rạng rỡ, hồn nhiên, lớp lông dày đỏ tía, óng mượt, phủ lấy thân hình mềm mại, thon thả và cặp mông thì nẩy nở, săn chắc, cái vóc dáng tuyệt đẹp của nó thật thích hợp cho việc sinh đẻ và nuôi con. Thế mà bây giờ … lão nghĩ, rủi cho nó: nếu nó không rơi vào tay mình mà rơi vào tay một thằng cha nuôi ngựa nào khác, một thằng kha khá, giỏi nuôi ngựa cái để sinh đẻ, chỉ để sinh đẻ thôi thì đời nó sẽ khác đi bao nhiêu. Mười mấy năm trời, sự khốn cùng đã giết chết nó. Nhưng thôi đi, đừng nghĩ ngợi lung tung nữa. Cuối cùng sẽ về đến nơi thôi.
Càng về khuya trời càng lạnh. Không phải cái lạnh khô, châm chích da thịt người mà cái lạnh đêm giao thừa, đặc biệt lạ, cứ thấm dần vào từng mạch máu, gây cho người ta cảm giác ngây ngất ngọt ngào, dễ chịu như cảm giác cái chết lan đi trong cơ thể. Cái lạnh đã ngấm khắp thân thể lão già rồi. Lão không còn đủ sức để run nữa. Thân thể lão đã tê cóng. Lão ngước nhìn đằng tây, nơi có ngôi sao to lớn phát ra thứ ánh sáng vàng óng ánh, rực rỡ đến chói mắt mà lão đã phát hiện từ hồi đầu hôm nhưng nó đã biến mất tự bao giờ. Tất cả còn lại chỉ là những ngôi sao lưa thưa, bé nhỏ toả ánh sáng yếu ớt gắn trên vòm trời màu trắng mờ.
Chiếc xe đã vượt qua bao làng mạc, xuyên qua bao cánh đồng. Bây giờ con ngựa đực non không còn muốn bước nữa. Nó thả những bước nặng như treo chì. Một lúc sau, nó ngập ngừng rồi đứng hẳn. Thật là chó chết. Chẳng còn bao xa nữa. Vậy mà … lão tức điên lên và thầm trách mình sao tham công tiếc việc. Lão biét con ngựa già đã quá yếu. Nó không kham nổi một chuyến hàng quá tải trên một tuyến đường dài dằng dặc như thế. Vậy mà chỉ vì thằng cha thuê xe muốn kiếm lời trong chuyến buôn gạo cuối năm cứ nài nỉ và chỉ vì mấy chục ngàn tiền công của thằng cha đó trả cho lão vào dịp cuối năm, lão và con ngựa lại ra đi.
Lão nhớ như in, lúc lão đến gần chuồng ngựa để dắt con ngựa cái già ra xe, nó không tỏ vẻ vui mừng như thường khi nó vẫn làm thế, khi lão đến gần nó. Đôi mắt nó trông buồn rầu và trống vắng. Nó nhìn lão mà cứ như nó nhìn ở một điểm nào đó ở đường chân trời. Lão vỗ vỗ lên đầu nó và bảo, cố gắng lên con, một chuyến nữa nghỉ ngơi, rồi ăn tết. Con ngựa chẳng tỏ vẻ gì. Nó buồn rầu nhìn lão, đầu hơi rũ xuống. Lão ứa nước mắt. Khi lão dắt con ngựa ra xe, nó miễn cưỡng bước đi, đầu cúi xuống như đi vào lò sát sinh. Nó mệt mỏi đứng vào càng xe, không buồn động đậy để mặc lão già quấn dây nhợ vào mình, chờ đợi người ta chất hàng lên xe và để mặc những cái vòi nhọn của đám mòng chích vào da thịt.
Vừa nhấn những bước chân đầu tiên vào mặt đất lúc khởi hành, con ngựa cái già biết mình sẽ gục xuống, nó lảo đảo trên đôi chân run rẩy. Nhưng nó đâu phải là con ngựa dễ dàng bỏ cuộc. Nó gượng lại, đặt những bước chân bình tĩnh, vững vàng xuống mặt đất, cổ vươn ra, đầu ngẩng cao, lao mạnh tới.
Suốt cuộc hành trình là một cuộc vật vã khủng khiếp. Mồ hôi vã ra ướt đẫm mình con ngựa. Nó thở như kéo bễ, mép sủi bọt trắng đôi chân rã rời, xiêu vẹo, mắt nổ đom đóm và đầu óc quay cuồng, vang lên thứ âm thanh chan chát như tiếng búa nện vào kim loại. Và lúc leo con dốc ở gần thị trấn, thật cứ như nó ngừng thở. Vai lão già hích vào thùng xe, bắp thịt cuộn lên, dốc toàn lực ra góp sức cùng con ngựa vượt qua suốt con dốc dài.
Sau cùng người và ngựa cũng lê lết về được thị trấn . Khi mấy tay phu khuân vác bắt đầu dỡ đống hàng trên xe xuống thì lão già chợt nhận ra con ngựa cái già của mình không còn thở nữa. Nó chết mà cứ đứng im đầu hơi rũ xuống, mắt vẫn cứ mở giống hệt cái tư thế suốt đời nó đã ngủ như vậy. Lúc đó vào gần giữa trưa. Với nỗi lòng tê tái, lão già phóng vội về nhà dắt con ngựa đực non đi để nó kịp mang xác con ngựa già và kéo chiếc xe cũ nát về nhà trước lúc trời tối.
Bây giờ thì gay đây, lão già nghĩ. Chẳng lẽ con ngựa đực non cũng chết vì kiệt sức? Bỗng lão quai tới tấp những roi thật lực vào mông con ngựa. Con ngựa đực non giật nẩy người, lao mạnh tới. Cứ thế, lão cứ quai, cứ quai, ngọn roi vun vút đến khi lão hụt hơi. Bỗng một cơn đau thắt nơi tim làm lão già rúm người lại. Lão nằm ngửa mặt lên trời, miệng há ra thở. Suốt chặng đường còn lại con ngựa đực non hì hục kiệt sức kéo. Trận đòn làm nó kinh khiếp.
Về gần đến nhà, lão già chợt nhìn thấy, ở đằng đông, treo trên phía đường chân trời một ngôi sao to lớn – ngôi sao lão nhìn thấy lúc đầu hôm toả thứ ánh sáng vàng óng ánh, rực rỡ đến chói mắt. Lão dán mắt vào nó.
Con ngựa đực non nặng nhọc kéo chiếc xe ngựa cũ nát đi vào sân nhà. Nó dừng lại trước chuồng ngựa. Lão già lập cập bước xuống. Ngực lão cứ đau âm ỉ và lão thấy khó thở. Lúc chiều, lão cảm thấy bên trong cơ thể lão có cái gì khác lạ và bây giờ lão thấy cái khác lạ đó rõ nét đến từng phân vuông. Chung quanh im ắng quá. Sau giờ giao thừa người ta lại chìm vào giấc ngủ. Lão bước về phía hè nhà, nhìn qua cửa sổ mở hé, lão nhìn thấy đám con lão nằm lổn ngổn, ốm yếu, co rút, không chăn. Trên bàn thờ vợ lão ánh đèn leo lét, vàng úa. Đột nhiên, một cơn đau dữ dội nơi ngực bật dậy, lão già đứng tựa vào vách, mồ hôi vã ra ướt đẫm, đôi chân run rẩy. Lão gắng sức gọi cửa. Thằng con lớn ra mở cửa, miệng càu nhàu điều gì đó. Lão âm thầm bước lại chiếc giường của mình, cố nén cái đau, cố chịu đựng cái ngạt thở chết người đầu óc không còn nghĩ ngợi được điều gì nữa, mắt dính chặt vào ngôi sao vàng óng ánh, rực rỡ treo lơ lửng trên bầu trời, qua những lỗ hổng những mái tôn.
Quy Nhơn 9/1/2007