Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.117
123.229.157
 
Người Kéo Vĩ Cầm Trên Da Thịt
Trần Áng Sơn

Những năm trung học tôi tập tễnh làm thơ gửi đăng báo, thơ gửi đi thì nhiều nhưng được chọn đang chẳng bao nhiêu, mười bài may ra được đăng một, hai. Chỉ đọc thư tòa soạn thấy tên mình cũng đủ là niềm vui. Ngày nào có thơ đăng trên báo ngày ấy trở thành ngày hạnh phúc, bạn bè trong lớp bàn tán khâm phục, các bạn gái cùng lớp thỉnh thoảng liếc nhìn trộm làm tôi sung sướng choáng ngợp trong niềm vui. Thuở ấy còn đang ngồi ghế nhà trường đã có thơ đăng báo là ghê gớm lắm, thi sĩ còn hiếm hoi chứ không ta đường gặp thi sĩ như bây giờ. Trong lớp tôi có một học sinh cũng thích làm thơ nhưng chưa bao giờ thơ được chọn đăng báo, để được bạn học chú ý, cậu ta lấy những bài thơ đăng báo của tôi họa lại thế là cả lớp ai cũng trầm trồ. Cậu ta còn tiến xa hơn nữa bằng cách giới thiệu với tôi một anh chàng có vẻ con nhà lành nhưng gương mặt lúc nào cũng buồn buồn, hình như người bạn mới của tôi mang nỗi buồn từ thế kỷ trước đến kiếp này vẫn chưa nguôi.

 

Quen nhau một thời gian tôi mới biết mình may mắn, số phận đã trao tặng cho tôi một người bạn đỏ mắt tìm chưa chắc đã gặp, cậu ta tên Lê Duy Đạo, rất yêu thơ, thỉnh thoảng cũng làm thơ ký tên là Minh Hoài. Thoạt đầu tôi không chú ý lắm đến thơ Minh Hoài, vẫn là những khổ thất ngôn muôn thuở tuy về cấu từ, ý thơ đang có những dấu hiệu vong thân, để đến bờ bến nào chưa thể nói trước được. Minh Hoài đúng là người bạn hiếm có, từ khi quen tôi anh như tìm thấy được chính cái phần thiếu sót của mình, anh thường tỏ ra khao khát được sống phóng khoáng như tôi, là con em trong một gia đình toàn những nhà mô phạm, tất cả các người anh đều là giảng sư đại học, giáo sư trung học, bản thân anh cũng bị sức ép gia đình phải bỏ túi hai bằng tú tài ngay từ lần thi đầu tiên. Với các anh trai của Minh Hoài thì không có thơ thẩn gì cả, học để trở thành nhà giáo đó là nhiệm vụ thiêng liêng của những người đàn ông dòng họ Lê. Đến đây, tôi hiểu phần nào vì sao Minh Hoài luôn ở trong tâm trạng ảm đạm, tâm hồn bạn tôi như cơn gió bị nhốt trong tủ kính gia phong, vì được giáo dục quá chu đáo bạn tôi không thể phá cái vòng kiềm tỏa để bay đến những chân trời chỉ có trong mơ mới đặt được chân đến. Thế ra cuộc sống dân dã như tôi, thiếu thốn đủ mọi thứ lại là cuộc sống một số người khao khát hay sao?

 

Từ khi kết bạn với tôi hầu như ngày nào Minh Hoài cũng cỡi xe Gobel đến tìm tôi ở thảo trang Tân Sơn Nhất, ngày thường anh đến trước hoặc sau giờ tan học, rủ tôi đến quán cà phê ở Tân Định vừa nhâm nhi cà phên vừa nghe Dalida hát Bambino.

 

Ở Sài Gòn những năm cuối thập niên 50 Dalida là ca sĩ được suy tôn như thần tượng, nơi nào có âm nhạc nơi đó có tiếng hát đầy ma lực của Dalida vang lên. Hình như khi nghe Dalida hát tâm hồn Minh Hoài được giải phóng. Vào ngày chủ nhật hoặc ngày lễ, Minh Hoài hay rủ tôi đi chia verbe Bona hoặc Catina, có khi chúi đầu vào hiệu sách Khai Trí hay Tự Lực đọc thơ cọp của các tiền bối. Biết tôi rất mê sách nhưng vì hoàn cảnh tôi không thể mua tất cả những tác phẩm yêu thích, Minh Hoài thường mua tặng tôi một cách khéo léo bằng những cuộc tranh luận để buộc tôi phải nhận sách “khảo cứu” đề tài Minh Hoài rút ra từ sách khiêu khích tôi tranh luận. Chúng tôi tranh luận với nhau bất cứ đề tài gì chợt nhớ, bất kể đó là vấn đề… triết học, về hư vô, về chủ nghĩa hiện sinh đang thịnh hành, nhất là Sài Gòn đang lưu hành một loạt tiểu thuyết tiêu biểu cho lối sống hiện sinh của thanh niên Pháp của nhà văn nữ Françoise Sagan. Những bộ phim dựa theo tiểu thuyết của Sagan như: Buồi ơi chào mi!, Mường tượng một nụ cười, Em có thích nhạc Brahms không? Được thanh niên nối đuôi nhau vào xem trong đó có tôi và Minh Hoài. Thuở ấy loại phim này thường chiếu ở rạp Vĩnh Lợi (đường Lê Lợi) học sinh, sinh viên có thẻ được giảm giá vé một nửa nên rạp này gần như là rạp của học sinh.

 

Điều lạ lùng là cả Minh Hoài và tôi có những sở thích khá giống nhau, chúng tôi cùng thích hội họa, thích mua sơn dầu về trây trét lên khung vải, lại thêm một dịp Minh Hoài mua sách về hội họa tặng tôi, nhất là sách viết về Van Gogh. Với âm nhạc, tôi thích móc cổ điển với cây ghita thì Minh Hoài réo rắt với cây sáo trúc và rồi thì giây phút định mệnh đến. Học cùng trường nhưng dưới tôi hai lớp có một cô nữ sinh trên Hoàng Vân, cô bé rất xinh, nước da trắng hồng, gương mặt và cả kiểu tóc thoảng nét của Gina Lobobrigida, cô bé biết tôi có thơ thẩn đăng báo nên nhờ một cô gái khác làm quen với tôi, chỉ là tình bạn thuở học trò nên tôi sung sướng đón nhận cô bạn mới xinh đẹp. Chẳng hiểu bằng cách nào, không học cùng lớp nên chẳng cùng trường, nhà thì kẻ ở Sài Gòn người Phú Thọ thế mà anh chàng buồn muôn thuở Minh Hoài cũng quen với Hoàng Vân, thế là từ đó có một tình bạn tay ba. Qua Hoàng Vân tôi được biết Minh Hoài làm rất nhiều thơ nguồn cảm hứng chính là cô bé trong khi Hoàng Vân không hề gây cho tôi một chút xúc động nào để có thể bật ra thơ. Sự đời là cái vòng luẩn quẩn, cứ như trò chơi đi trốn đi tìm, tôi tỏ ra thờ ơ thì cô bé trách móc chung quanh tôi vây phủ bởi cái bóng tự phụ chẳng chia sẻ cảm xúc của người khác, ngược lại Minh Hoài luôn mong ngóng, lúc nào cũng cảm thấy “cách tường hoa ảnh động” mà bóng người vẫn bằn bặt. Tình bạn của chúng tôi với sự xuất hiện của bóng hồng đang đi vào khúc mắc. Thế rồi Minh Hoài bỏ lên Đà Lạt du lịch nhưng mới được mấy ngày đã viết thư về cho tôi than buồn toáng lên, dĩ nhiên trong cái buồn có cái nhớ cô bạn nhỏ Hoàng Vân của chúng tôi. Tôi mơ hồ cảm thấy mình là một phần nguyên nhân nỗi buồn của bạn nhưng do lúc ấy chúng tôi đang tuổi thanh niên, lòng hiếu thắng cao hơn đức khiêm tốn, lòng trắc ẩn.

 

Do đó giữa tôi và Minh Hoài ngầm có một cuộc tranh đua chinh phục trái tim cô bạn nhỏ. Tôi tự hứa sẽ ganh đua sòng phẳng không dùng bất cứ một thủ đoạn ma mãnh nào vượt qua đối thủ. Tôi rất tự tin vào ưu thế có thơ đăng báo của mình, Minh Hoài cũng hiểu rõ điều đó, cho nên cu cậu buồn tình mò lên Đà Lạt để tìm nguôi ngoai giữa thiên nhiên. Nhưng lòng kiêu hãnh của tôi không đem đến điều gì thích thú ngoài niềm ân hận, khi thấy người bạn thân trở về từ Đà Lạt với nỗi buồn còn mênh mang hơn cả khi đi. Tôi đến thăm Minh Hoài và ở lại suốt đêm nghe Hoài tâm sự, tuy không thú nhận mình đã yêu Hoàng Vân nhưng chỉ qua câu chuyện tôi hiểu cái gì đang nung nấu trái tim bạn mình. Chúng tôi gác chân lên nhau trút bầu tâm sự. Hoài khoe với tôi Hoàng Vân đã đến đây, anh còn khoe cả đôi guốc cô bé để lại cho Hoài làm kỷ niệm. Cậu ta không mơ ước mình sẽ trở thành thi sĩ nổi tiếng mà chỉ mong học thành tài ra nước ngoài bay nhảy. Tôi hơi ngạc nhiên về sự thay đổi của bạn mình, từ chỗ muốn giải thoát tâm hồn bằng thi ca chuyển sang mong ước thành đạt trên con đường khoa bảng. Tôi tự hỏi phải chăng sự xuất hiện của Hoàng Vân đã làm Minh Hoài thay đổi và nếu Minh Hoài thực hiện được ước muốn của mình tôi tin Hoài sẽ chinh phục được Hoàng Vân. Xét cho cùng, khi phải lựa chọn, người phụ nữ luôn tính toán sáng suốt hơn bọn con trai. Nếu hiện tại phần nào cô bé ngã về phía tôi chẳng qua cô đang mơ mộng mà thôi. Nhìn vào lòng mình tôi cảm thấy hình như mình đang đùa với tình cảm, một trò đùa ang ác với một người bạn quá đỗi thật thà, nhất là sau khi đọc bài thơ Hoài làm tặng riêng tôi trong đó thú nhận tình yêu tha thiết với Hoàng Vân:

 

Biết rõ cách tường hoa ảnh động

Nhưng đâu thấy được ngọc nhân lai?

Buồn rồi thực tế trôi vào mộng

Giấc mộng kinh hoàng ai đó? – Ai?

Có ai đi ghép thơ bằng mắt,

Đi vẽ tranh chiều trên đóa môi

Đi kéo vĩ cầm trên da thịt

Buồn lắm Cầm ơi và Vân ơi!

 

Hiểu rõ tâm trạng của bạn, tôi biết mình phải là gì. Cuộc thách đố thầm lặng thật ra chỉ do tôi suy diễn, trên thực tế Minh Hoài đã gần như bỏ cuộc, anh đã quen tặng cho tôi những gì tôi yêu thích, đành rằng người phụ nữ và con búp bê khác nhau; tuy nhiên, do yếm thế Hoài đã tự nhận mình là kẻ chiến bại, nếu nàng thơ thuộc về một trong hai chúng tôi vẫn đẹp hơn là thuộc về một chàng công tử, một cậu ấm con nhà giàu nào đó. Thế là vù lên Đà Lạt đi trốn “Minh Hoài đã tặng mình quá nhiều, phải công bằng với cậu ấy, mình chỉ là kẻ tự ái hão, Hoàng Vân không phải là nàng thơ của mình, trong tim mình hình bóng cô bé vẫn mờ nhạt, không thể có tình yêu”. Tôi tự nhủ với mình như thế. Kể từ đó tôi cắt đứt mọi liên lạc với Hoàng Vân, cũng không tìm gặp Minh Hoài để tránh gây xúc động. Lần này có lẽ như đến lượt tôi trốn tránh. Chỉ có Minh Hoài với giấc mộng khoa bảng, gia đình bề thế mới là chỗ dựa vững chắc cho Hoàng Vân, chim hoàng anh phải ở trong lầu son tiếng hót mới sang cả, thánh thót. Cái kiếp “gió trăng có sẵn làm sao ăn” “thương ai chỉ làm khổ cho người ấy”. Tôi tự ru mình như vậy và tuy không đau đớn bỗng dưng thấy lòng mình quạnh hiu…

 

Và rồi một buổi chiều, Hùng – bạn của chúng tôi dáng điệu bơ phờ đến báo tin Minh Hoài không còn nữa. Tôi đứng chết lặng. Những gì tôi tính toán đã không xảy ra, nó chỉ xảy ra điều tồi tệ nhất tôi không hề nghĩ đến. Ngay lúc ấy tôi gần như tê liệt. Hùng thuật lại tai nạn đem lại cái chết của Minh Hoài. Tối hôm ấy tôi đến nhà xác canh cho bạn an nghỉ lần cuối cùng. Tôi gần như người câm, ngồi trong góc tối, nước mắt âm thầm lăn xuống. Sáng hôm sau tôi theo Minh Hoài về nghĩa trang Bắc Việt. Đây phải chăng là lần cuối cùng đi với Minh Hoài, chẳng phải để xuống phố chúi mũi vào hiệu sách đọc thơ cọp, cũng chẳng phải để đến quán cà phê nghe Dalida hát Bambino, chúng tôi đến vùng vĩnh biệt. Dưới rặng thôn, sâu trong mộ huyệt. Minh Hoài của tôi nằm lại nơi đó. Và rồi thì bao nhiêu ương ngạnh, cứng cỏi, khí phách của một gã con trai bỗng nhiên tiêu tan, tôi bật lên khóc như một đứa trẻ thơ.

 

38 năm rồi tôi vẫn không ngừng suy nghĩ về cái chết của Minh Hoài, về câu thơ mang tính tiên tri:

Ai kéo vĩ cầm trên da thịt?

 

Tên tài xế lái xe bồn chính là kẻ kéo vĩ cầm, chiếc xe bồn chính là cây vĩ cầm, còn chiếc bánh xe chính là chiếc “ắc xê” đã kéo lê trên người Minh Hoài biến cơ thể Hoài thành một thi thể không nguyện vẹn!!!

 

38 năm rồi Minh Hoài ơi! 38 năm tình bạn mình dành cho cậu vẫn chẳng hề phai.

 

Sài Gòn 1999

Trần Áng Sơn
Số lần đọc: 2925
Ngày đăng: 01.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Anh giúp đời. Đời, ai giúp anh? - Võ Quê
Tôi dịch Csáth Géza - Nguyễn Hồng Nhung
Thời gian - Nguyễn Hồng Nhung
Về nhà Nguyên Hồng nghe gió Nhã Nam - Trung Việt
Chuyện văn chuyện đời - Trần Huy Thuận
Tháng tư ..nổi sóng !!! - Vũ Trà My
Mưa Pleiku - Tạp bút thơ - Vĩnh Phúc
Trăng 14 Hội An - Nguyễn Thị Hậu
Hai cái chết tạo nên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Đoàn Vị Thượng
Người nữ trong nhạc Trịnh Công Sơn - Khuất Đẩu
Cùng một tác giả