Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.230.320
 
Bàn về Vạn vật -1
Nguyễn Ước

I. Các bước khảo sát -II. Bản tính của vạn vật  -III. Khái niệm của Aristotle -IV. Khái niệm thời hiện đại

V. Tóm lược

 

I. Các bước khảo sát   

 

1. Phương pháp

Không chỉ một pháp môn

 

Triết học Phật giáo cho rằng vạn sự trong thế giới này đều tương liên nối kết (interrelation) và tương tác (interaction): “hỗ tương nhiếp nhập”; sự biến đổi xảy tới cho cái này sẽ tác động lên mọi cái khác.

 

Nếu quan điểm ấy đúng, và thế giới này là một hệ thống trong đó mọi sự mọi vật mọi biến cố đều tương thông tương xâm thì không quan trọng lắm việc chúng ta bắt đầu cuộc thẩm tra của mình từ chỗ nào.

 

Có nhiều con đường dẫn tới ngọn “Hoa sơn”, biểu tượng cho cực điểm thăng hoa của nhận thức và giác ngộ. Có thể vài con đường này được ưa thích hơn những con đường khác, nhưng nếu kẻ du hành quyết chí bền gan và cứ tiếp tục tiến bước, không sớm thì muộn y cũng sẽ đặt chân lên đỉnh núi ấy.

 

Ba điểm khởi hành

 

Một số triết gia thích khởi hành với khoa học. Họ xem khoa học là nguồn thông tin bảo đảm nhất mà chúng ta đang sở hữu. Họ triển khai các nội hàm (implications) của thông tin ấy thành một khái niệm tổng thể (a total conception) về vũ trụ.

 

Một số triết gia thích khởi hành với kinh nghiệm. Họ cho rằng điểm khởi hành đó thích đáng hơn, vì kinh nghiệm là nguồn thông tin có ngay lập tức ở cấp độ cao nhất tuy thường bị lơ là nhất.

 

Trong khi đó có một số triết gia khác lại thích khởi hành với lý trí. Họ cho rằng khi xem xét sơ bộ một loại câu hỏi nào đó, lý trí có thể xử lý rất hữu hiệu và có khả năng đưa ra một loại câu trả lời nào đó. Và khởi điểm hợp lý ấy sẽ ngăn không để cho triết gia chấp nhận và thực thi các quan điểm thật ra chỉ có giá trị thỏa mãn cảm xúc chứ không đáng tán thưởng chút nào.

 

Loại nào cũng phù hợp

 

Bất cứ khởi điểm thẩm tra nào trong cả ba loại vừa kể cũng phù hợp với mục đích của chúng ta. Mỗi loại cho thấy một phương pháp riêng biệt của triết học, tương ứng với cơ sở lý thuyết mà mỗi triết gia chọn lựa cho mình.

 

Tuy thế, nếu thích khởi hành với sự khảo sát có tính phê phán một số giả định căn bản của cảm quan chung và khoa học, có thể chúng ta sẽ cảm thấy khá gay go và nhiều khi không thuận chiều với sở thích của mình, ngoại trừ sự tiện lợi của nó và khát vọng nhấn mạnh chức năng phê phán của triết học. Ở đây, chúng tôi chọn lựa điểm khởi hành đó để chúng ta cùng dắt dìu nhau lần bước qua ngưỡng cửa triết học.

 

2. Ðối tượng

Ba đối tượng khảo sát

 

Ðối với người bình thường, thế giới dường như làm thành bởi vạn vật (things); vật nào cũng sở hữu phẩm tính (quality) và đồng thời tương liên tương nhập, làm thành tương quan (relation) với các vật khác.

 

Như vậy, chỉ có ba đối tượng khảo sát: (1) Vạn vật, (2) các phẩm tính, và (3) các tương quan; thế thôi. Bất cứ thông giải nào về vũ trụ cũng phải liên quan tới cả ba hạng mục căn bản (basic categories) ấy.

 

Ðặt vấn đề

 

Ngang đây, chúng ta không thể không thấy nổi bật hai vấn đề. Một là không biết người bình thường ấy đúng hay sai khi phân tích như thế. Hai là chúng ta phải khảo sát những gì những người ấy quả thật có ý nói qua các thuật ngữ (terms) dùng để gọi các đối tượng đó.

 

Trong chương này, chúng ta sẽ thảo luận ý nghĩa của “vạn vật”. Trong bốn chương kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét “phẩm tính” và “tương quan”, với sự viện dẫn (reference) đặc biệt tới tương quan của thời gian (time) với không gian (space) và quan hệ nhân quả (causality).

 

Rất có thể cuộc khảo sát mang tính phê phán các khái niệm này sẽ vén lộ cho thấy một số hiểu biết sai lầm đáng kể hoặc mơ hồ đáng kể, có khả năng tác động lên bất cứ lý thuyết tổng quát nào về bản tính của vũ trụ (the nature of universe)ï.

 

II. Bản tính của vạn vật

 

1. Thử xác định vật

Ba đặc điểm của vật   

 

Ở đây, từ ngữ “vật” (thing) được dùng với mục đích chỉ rõ một thực thể (entity) nhất định, thí dụ xe máy, trâu bò, ngôi sao, hành tinh, nguyên tử, tòa nhà. Nếu hiểu chữ ấy với hàm ý khả dĩ rộng rãi nhất của nó thì một cách khái quát, chúng ta có thể cho rằng vật có ba đặc điểm:

 

1. Ðặc điểm thứ nhất, vật dường như có tự tính (self-contained) – tự thân nó chứa đựng đầy đủ các đặc tính của nó – và có tính độc lập (independent), theo ý nghĩa có thể phân biệt nó với môi trường (environment) và có thể xê dịch nó từ môi trường này sang môi trường khác mà bản tính (nature) của nó không bị biến đổi (change).

 

2. Ðặc điểm thứ hai, vật dường như kéo dài (duration) bất biến trong một khoảng thời gian nào đó hoặc thường trực (thường tại, vĩnh viễn, permanence). Một vật có thể chịu những biến đổi trạng thái (changing states) – trái ổi xanh có thể biến thành trái ổi vàng nhưng cũng vẫn là trái ổi đó. Chiếc xe máy dù đang chạy trên đường hay đang đậu một chỗ, cũng vẫn là chiếc xe máy đó.

 

3. Ðặc điểm thứ ba, vật được giả định rằng tự nó sở hữu các phẩm tính của nó. Trái ổi chín thì tự nó có màu vàng, vị chua hay ngọt và hình tròn. Ðặc điểm thứ ba này gần gũi với đặc điểm thứ hai vì vật là cái gì đó thường tại, được phân biệt với các trạng thái đang biến đổi hoặc với các phẩm tính của nó.

 

Ðặt vấn đề

 

Ðối với chúng ta, vấn đề là quyết định rằng có quả thật tìm thấy cả ba đặc điểm ấy trong cùng một vật như một đối tượng – hay đối vật hay khách thể – của kinh nghiệm (object of experience) không.

Nếu thấy là không, lúc đó chúng ta buộc lòng phải xét lại quan niệm ấy về vạn vật.

 

2. Vạn vật có tự tính

Thí dụ minh họa

 

Năm ngoái, vào một buổi chiều có nắng vàng và gió nhẹ, tôi ngồi đọc sách nơi thềm đình làng Hàm Hòa, gần bờ sông Nhật Lệ. Nhìn sang bãi cỏ bên cạnh, tôi thấy có khoảng một chục đứa trẻ trong làng đang nô đùa trên bãi cỏ xanh, cạnh các cây dâm bụt đang ra hoa.

 

Tôi dễ dàng phân biệt bọn trẻ ấy với cỏ xanh và hoa đỏ mà không cần phải tách rời cái này với cái kia. Tôi chẳng cần phải có khả năng đặc biệt nào mới có thể phân biệt những vật ấy. Bọn trẻ tự chúng tạo nên sự phân biệt đó.

 

Nếu tôi có ý chờ lúc các bà mẹ ra gọi bọn chúng về ăn cơm, có khả năng tôi biết chắc chắn rằng bà mẹ nào sẽ gọi đứa con nào của mình, từng đứa trẻ, cỏ xanh, cây dâm bụt hoa đỏ, những phân biệt ấy chẳng chút nào khó khăn. Dường như các vật ấy có tự tính, nghĩa là nó tự túc, tự thân nó chứa đựng nó, và có tính độc lập. Ta có thể phân biệt chúng tách bạch với môi trường.

 

Mỗi đứa trẻ, giống như mỗi cọng cỏ và mỗi cây dâm bụt, hình như là một thực thể có tự tính, đang độc chiếm phần không gian riêng của nó và loại trừ mọi cái khác. Hôm qua, có một thằng bé vô ý thức; nó ra sức giành cái chỗ đang bị một bụi dâm bụt độc chiếm nhưng nó gặp phải sức kháng cự đáng kể, và nó không thành công. Nếu tôi nói rằng chúng được phân biệt nhờ những phần không gian khác nhau mà chúng đang chiếm lĩnh, tức là tôi cho rằng tôi hiểu từ ngữ “không gian” có ngụ ý gì. Trong một chương sau, chúng ta sẽ thấy đó là một giả dụ thập phần quan trọng.

 

Vạn vật có tự tính không

 

Do đó, chúng ta hãy cùng nhau xem xét lời phát biểu rằng vạn vật có tự tính (tính tự túc, tự chứa đựng). Dù chữ “tự tính” có ý nghĩa nào đi nữa, nó bao hàm sự phân biệt cá thể với môi trường.

 

Chữ “môi trường”, đối với bất cứ đứa bé nào ở đó, cũng bao gồm những đứa bé khác và cỏ và cây dâm bụt cùng với những cái khác nữa trong đó không khí được kể là một. Nếu có sự phân biệt thật sự đứa bé với môi trường thì phải có sự phân biệt đứa bé với không khí.

 

Ðứa bé nào cũng phải thở để sống; thở thì liên quan tới việc hít một số không khí vào buồng phổi. Giờ đây một thành phần của môi trường đã nhập vào và đang ở bên trong đứa bé khiếân tôi không thể định nghĩa môi trường một cách giản dị rằng nó là cái ở bên ngoài con người.

 

Một khi không khí đi vào phổi, dưỡng khí hòa nhập vào máu, có phải lúc ấy không khí thôi không còn là thành phần của môi trường mà đã trở thành thành phần của đứa bé? Nếu quả đúng như thế, tôi không còn chỗ nào để vạch lằn ranh phân biệt giữa đứa bé với môi trường.

 

Tương liên tương tác

 

Trong điều kiện bình thường, bọn trẻ không ăn thịt nhau, cũng như không ăn các vật như cỏ và cây dâm bụt, nên chúng ta vẫn có thể giữ sự phân biệt thật sự giữa bọn trẻ và môi trường của chúng. Chúng ta hãy làm cho quang cảnh thôn dã êm đềm ấy trở nên phức tạp một chút bằng cách cho vào đó một con bò.

 

Sự phân biệt đứa bé với con bò thì cũng rõ ràng không kém sự phân biệt nó với cây dâm bụt; nhưng tôi biết rằng con bò ấy có thể bị giết, lấy ít thịt của nó nấu một nồi bò kho rồi múc ra một tô cho đứa bé ấy ăn. Một khi hoàn tất việc giết, mổ thịt, nấu và ăn ấy, sự phân biệt giữa đứa bé và con bò biến mất.

 

Thành chu kỳ sinh hóa

 

Ðược nuôi dạy kỹ lưỡng, đứa bé ấy không ăn cỏ, cũng không ăn các đứa bé khác. Nhưng bò thích ăn cỏ và biến cỏ thành bản thể của chính nó. Khi đứa bé ăn thịt con bò tức là nó đã gián tiếp ăn cỏ. Chúng ta hãy thử làm như “hơi bệnh một tí” để đẩy ý nghĩ đi xa hơn, tới thời điểm đứa bé ấy đã sống đủ ngày đủ tháng đủ năm của nó và trở về đoàn tụ với ông bà tổ tiên. “Ðứa bé” lúc ấy được mai táng. Chẳng bao lâu, thể xác của nó bị rữa nát dưới huyệt mộ, trở thành thành phần của đất. Và trên nấm mồ của nó mọc lên những ngọn cỏ xanh lấy nó làm dưỡng chất.

 

Tới đây, xin dành cho bạn tưởng tượng tiếp, nhưng rõ ràng chúng ta đang tình cờ thấy một chu kỳ của thiên nhiên, còn gọi là tự nhiên. Cỏ chuyển thể thành con bò; con bò chuyển thể thành đứa bé; đứa bé chuyển thể thành cỏ; và rồi cỏ chuyển thể thành con bò, v.v. Làm sao vòng quay ấy khả thi nếu trong những cái chuyển thành đó, mỗi cái là một thực thể tự tính và độc lập?

 

3. Các quan điểm ban sơ

 

Thời huyền thoại

 

Những suy ngẫm về các vấn đề ấy đưa tới sự khởi đầu của nền triết học Hi Lạp. Các giải thích trước thời đó về thiên nhiên, vốn dựa trên những truyện thần thoại và truyền thuyết của hai thi sĩ Hi Lạp sống khoảng thế kỷ 8 trước Công nguyên là *Homer và *Hesiod, dường như không đủ thỏa đáng để giải thích sự phát triển của vạn vật đang mở ra trước con mắt quan sát của loài người.

 

Người thuở đó hẳn đã từng cảm thấy cực kỳ thú vị với lối giải thích đầy chất thơ ấy. Nó tự phân giải thành cuộc tìm kiếm chất liệu tối hậu (ultimate stuff) làm thành vạn vật và các nguyên tắc liên quan tới sự triển khai chúng thành những vật cá biệt hoặc đặc thù (particular things).

 

Thời triết học tiền-Socrates

 

Khác với chúng ta ngày nay, người Hi Lạp thuở đó không biết rằng có nhiều vật rất khác nhau, thí dụ kim cương và than đá, mà về mặt cơ bản chỉ là một. Nhưng chu kỳ thiên nhiên gợi cho họ thấy rằng vạn vật hẳn phải được cấu tạo bởi một bản thể chung (common substance), có như thế mới có khả năng giải thích sự chuyển thể của vật này thành vật nọ.

 

*Thales (k.620- k.555 tr.C.N.) là kẻ được hậu thế xem là triết gia đầu tiên vì ông đã đặt cơ sở cho triết học phương Tây. Ông tin rằng vạn vật được làm thành bởi nước. Rõ ràng lối giải thích ấy có những nan giải hiển nhiên. Người ta đề ra các thuyết khác để khắc phục những khiếm khuyết ấy nhưng chúng hầu hết đều xoay quanh ngụ ý ít nhiều tới thành tố – hoặc hành chất (substance) – được xem là cơ bản của thiên nhiên. *Anaximenes (?-k.500 tr.C.N.), nhà siêu hình học trứ danh, bảo là không khí. *Heraclitus nói là lửa. *Empedocles (k.495-k.435) thì kể tới bốn thứ là lửa, nước, khí và đất. Còn *Pythagoras (k. tk 6 tr.C.N.) lại bảo là các con số.

 

Cùng phát biểu về thế giới vật chất ấy còn có đại triết gia Hi Lạp *Ananximander (k.611-547), kẻ kế thừa và có thể là môn sinh của Thales. Ông thừa nhận rằng nguyên lý đệ nhất không phải là một hành chất đặc thù như nước hoặc không khí, mà là chất apeiron, có tính vừa vô hạn vừa hữu hạn, nó như những nguyên tắc phát sinh (generating principles), chịu trách nhiệm về sự phân biệt bản thể tối hậu (ultimate subtance) thành những vật cá biệt (specific things).

 

*Democritus (k. 460-370 tr.C.N.) cho rằng chất liệu tối hậu mang hình thức các nguyên tử (atoma). Ðối với triết gia ấy, vạn vật quả thật là những liên kết của các nguyên tử; chúng được hình thành bởi những hội tụ phi hoạch định và phi hướng dẫn của các nguyên tử đang rơi qua một không gian trống rỗng (kenon, chân không, empty space).

 

Nói chung, thuyết ấy không được người đương thời chấp nhận vì rất khó nhận thức tính khả thi của nó cũng như ý nghĩa của chân không. Thêm nữa, dường như người thuở đó không thể hiểu nổi rằng những sáng tạo của thiên nhiên có thể diễn ra mà không có hành động của một trí tuệ dẫn đạo nào đó.

 

Trình bày như trên thì quá đổi sơ sài vì lý ra phải dành nhiều chỗ hơn cho những phát biểu rất đặc sắc của các triết gia thời ấy kèm theo vũ trụ quan của mỗi vị và tán thưởng sự tiến bộ của tư tưởng Hi Lạp, mà chúng tôi sẽ đề cập thêm một chút ở phần chú thích tiểu sử của mỗi vị. Tuy thế, ngang đây cũng tạm đủ để cho ta thấy rằng các triết gia Hi Lạp quan tâm tới vấn đề bản thể, hoặc bản chất hay bản tính của vạn vậtï (nature of things) cùng các nguyên tắc liên quan tới quá trình phát triển và những khác biệt của chúng.

 

Nội dung triết học của thuở được gọi là tiền-Socrates ấy cùng những vấn đề của nó vẫn đang rất được thời đại chúng ta quan tâm. Bạn có thể đọc thêm về giai đoạn này trong cuốn Ðại cương triết học Tây phương, cùng một soạn giả.

 

4. Nhìn sang đông phương

 

Cùng thời điểm với Hi Lạp cổ đại, Ðông phương khoảng 25 thế kỷ trước cũng có những nỗ lực khám phá hành chất của vạn vật.

Triết học Ấn Ðộ và chung một bối cảnh văn hóa cổ đại với nó là Phật giáo, cho rằng vạn vật được lập thành bởi bốn yếu tố, gọi là tứ đại hay tứ đại chủng. Chúng gồm có đất (địa), nước (thủy), lửa (hỏa) và gió (phong). Chỉ bốn yếu tố ấy lập thành mọi thể: chất cứng (đất), chất lỏng (nước), hơi nóng (lửa) và yếu tố vận động (gió); vật thể do tứ đại hòa hợp mà thành.

 

Ðức Phật cũng tuyên bố, theo như lưu truyền trong kinh sách, rằng vạn sự bởi các pháp (dharmas) mà thành; và theo Phật giáo Nguyên thủy (*Theravada), chỉ có các pháp là có thật. Sang đến Ðại thừa, với *Trung quán tông nhấn mạnh Không tính (không có tự tính) của vạn vật; kế đó, Duy thức tông kết tập tính vô thường của vạn vật thành Chân như diệu hữu như yếu tính cốt lõi của nó.

 

Triết học cổ đại Trung Hoa đưa ra năm hành chất mà họ gọi là Ngũ hành: kim (sắt), mộc (gỗ), thủy (nước), hỏa (lửa) và thổ (đất). Năm hành chất này kết thành từng cặp tương sinh và từng cặp tương khắc để lập nên vạn thể, trên căn bản Âm Dương không hoàn toàn tách bạch nhau vì trong Thái âm có Thiếu dương và trong Thái dương có Thiếu âm.

 

Bạn có thể đọc thêm về vấn đề này trong cuốn Ðại cương triết học Ðông phương, cùng một soạn giả.

 

5. Thuyết nguyên tử hiện đại

Tái phát hiện Democritus

 

Kể từ thời Galileo và và triết gia Tin Lành người Pháp *Pierre Bayle (1647-1706), những gợi ý của Democritus về nguyên tử và chân không đã trở thành thành phần trong truyền thống tri thức của chúng ta. Chúng được xem là đặc biệt hữu dụng trong việc giải thích các hiện tượng như cô đặc và giãn nở của khí đốt.

 

Nhiều triết gia chấp nhận thuyết nguyên tử (atomic theory) dù vẫn còn nhiều triết gia khác, thí dụ Descartes, không chịu tin rằng có thể giải thích thế giới một cách giản dị như thế. Sự chính xác của nó dường như được kiến lập nhờ kết quả thuyết nguyên tử hiện đại của *John Dalton (1766-1844). Nhà hóa học người Anh ấy chứng minh rằng hóa học có thể phân giải các vật, thí dụ nước, thành các nguyên tố như hydrô cùng ôxy, và chúng vẫn giữ nguyên trạng trong những kết hợp khác.

 

Khám phá ê-te

 

Khi thuyết nguyên tử liên kết với các thuyết về bảo toàn vật chất và năng lượng (theories of the conservation of matter and energy), người ta có khả năng giải thích các hiện tượng thiên nhiên (natural phenomena) nhờ áp dụng các nguyên tắc cơ học vốn có trong khoa học mang bản sắc Newton.

 

Hết thảy mọi vật được xem là những kết hợp của các nguyên tử. Vì nguyên tử có tự tính và độc lập, nên dường như người ta cảm thấy an toàn khi giả định rằng vạn vật cũng được tạo thành bởi chính chúng. Kinh nghiệm thông thường đã chứng minh cho sự ức đoán ấy.

 

Những nghiên cứu và suy ngẫm tiếp theo đó gợi cho thấy các nan giải trong lý thuyết mang bản sắc Newton. Người theo thuyết Newton giả định rằng khả năng của một hành động ở một cự ly nhất định, chịu ảnh hưởng của mặt trăng lên thủy triều, nhưng dường như điều ấy chỉ khả thi khi có một trung gian.

Sự khám phá ra ê-te đã giải quyết được vấn đề đó. Nhưng dù là một hành chất (a material substance), ê-te phải được hiểu như một trung gian không có sức cưỡng lại cái được truyền qua nó, nghĩa là chẳng khác gì nói rằng ê-te là một hành chất không có những đặc tính của vật chất. Vì theo quan điểm thời ấy, ê-te được xem là một chất tỏa kín vũ trụ mà sóng ánh sáng có thể xuyên qua.

 

Vi hạt nhỏ hơn nguyên tử

 

 Sự khám phá ra năng lực phóng xạ gợi cho thấy các nguyên tử không quá thụ động như đã được giả dụ, và những nghiên cứu xa thêm nữa cũng chứng minh rằng chúng thậm chí cũng không là những thành tố tối hậu của thế giới vật lý.

 

Từ nguyên tử, ta có các vi hạt hạï nguyên tử (sub-atomic particles), những hạt nhỏ hơn nguyên tử, có ý nói tới các electron, proton và neutron trực tiếp lập thành nguyên tử, và các hạt khác bao gồm các hạt phức hợp, các cộng hưởng và các hạt cơ bản. Chúng được phân loại theo khối lượng, lượn xoáy, điện tích và các đặc tính khác. Các hạt hạ nguyên tử này cũng là các hạt lực (boson) và các hạt vật chất (femion).

 

Thế nhưng khoa học không dừng lại ở đó. Dưới vi hạt hạ nguyên tử ta tìm thấy các hạt quác (quark), còn gọi là vi lượng. Ðây là một trong những phần cực nhỏ mà người ta cho là hợp thành các hạt cơ bản. Cứ thế, trong tương lai, không biết ta sẽ gặp trong hạt quác cái gì li ti hơn nữa.

 

Vật chất thành năng lượng

 

Khi Einstein khai triển công trình của nhà vật lý học người Anh *James Clerk Maxwell (1831-1879) thì ngày càng rõ rệt rằng vật chất phải bị giảm thiểu thành năng lượng, hành động ở một cự ly nhất định được thay thế bằng hoạt động trong một phạm vi và toàn bộ tư duy được chuyển hướng từ mô hình tĩnh sang mô hình động.

 

Nếu quan điểm khoa học hiện đại ấy đúng, lúc đó gợi cho thấy rằng phải buông bỏ cái quan điểm, vốn được suy diễn từ kết cấu của một ngôi nhà, cho rằng vạn vật được xây lên từ những vi hạt tối hậu (ultimate little particles).

 

Vật là điểm hội tụ

 

Một cách chính xác hơn, chúng ta có thể nói rằng cái chúng ta gọi rằng vật thì chỉ là điểm hội tụ hay tiêu điểm (focusing)ï của môi trường của nó. Thật sự không thể phân biệt nó với môi trường của nó, vì theo ý nghĩa nào đó, nó là môi trường đó.

 

Vì thế, ngày nay, ít có triết gia hiện đại nào dám tuyên bố rằng vật có tự tính (self-contained) và độc lập (independent).

 

6. Vật có tính tổng hợp

 

Trở lại bên đình làng

 

Trong khi tôi đang trầm ngâm suy nghĩ trên thềm đình làng bên sông Nhật Lệ, nơi chôn nhau cắt rốn ấy, bọn trẻ bắt đầu đánh lộn. Ðây không là một cuộc ẩu đả nghiêm trọng với tiếng la hét dữ dội át đi các âm thanh khác, nhưng cũng đủ để chuyển sự chú ý của tôi từ điểm tổng quát của cả bọn sang điểm dị biệt của từng đứa.

 

Có đứa tả xung hữu đột trong khi có đứa co mình lại. Có đứa ích kỷ chỉ biết thủ thân trong khi có đứa quan tâm tới sự an nguy của “chiến hữu”. Và có một thằng bé dùng tới loại ngôn từ làm tôi nghe ù lỗ tai! Những dị biệt đó không làm tôi ngạc nhiên vì trong những buổi chiều ngồi đây đọc sách, tôi đã có dịp để ý tới lối cư xử của từng đứa khi nô đùa hoặc khi cãi cọ.

 

Bản tính và môi trường

 

Những dị biệt ấy gợi lên trong tôi ý nghĩ rằng mỗi đứa bé có một thiên hướng hoặc một bản tính riêng. Có thể lấy bản tính ấy làm cơ sở thích đáng hơn trong việc phân biệt từng đứa vì có vẻ như chúng cung cấp một lối thoát ra khỏi tình thế bối rối khó xử khi ta phân biệt thể xác với môi trường.

 

Có thể tôi đã quá vội vàng khi quyết định như thế. Tôi nhớ lại khi thoạt nghe mấy tiếng chửi thề tục tằn của thằng bé ấy, phản ứng tức thời của tôi là nghi ngờ rằng có điều gì đó không ổn trong giáo dục gia đình của nó. Nếu giáo dục gia đình chịu trách nhiệm về hành động của nó thì bằng một cách nào đó, bản tính của thằng bé ấy phản ánh môi trường sống của nó.

 

Khó phân biệt vật với môi trường

 

Ðể thuận tiện thảo luận, chúng ta hãy cứ cho rằng mỗi đứa bé có một bản tính với đầy đủ tính cách riêng tư của nó, phân biệt nó với các đứa bé khác. Bản tính này có thể ở với nó từ lúc mới sinh; trong trường hợp ấy, có thể do bởi ảnh hưởng di truyền nào đó hoặc do bởi hành động nào đó của một Ðấng (hay Hữu thể) siêu nhiên (supernatural Being).

 

Giả thuyết ấy có thể đúng nhưng vào lúc này, nó đặt thành các vấn đề có vẻ không thể nào giải quyết. Nếu quả thật như thế, nó gợi cho thấy rằng bản tính của đứa bé có thể tách biệt với các trải nghiệm của nó và tồn tại bất biến qua mọi thăng trầm của cuộc đời. Không có chứng cớ nào cho thấy có sự phân biệt đó, và những thông tin chúng ta sở hữu cũng cho thấy dường như không có khả năng đó.

 

Nếu chúng ta cứ giả định, dù đã được vạch rõ ở trên, rằng bản tính của đứa bé không thể nào sửa đổi thì thông tin ấy cũng chẳng có ý nghĩa lắm, vì sau trải nghiệm đầu tiên nó hẳn có một bản tính khác và vấn nạn về nguyên ủy không còn quan trọng nữa.

 

Chúng ta có thể bị buộc phải xem bản tính của đứa bé là cái gì đó được phát triển trong liên quan tới môi trường, và nếu như thế, chúng ta lại trở về với câu hỏi cũ, đó là làm thế nào phân biệt vật với môi trường của nó?

 

7. Ảnh hưởng của hệ thống

 

Thế giới là một hệ thống

 

Khi thế giới được nhận thức như một hệ thống thì trong đó không có thành phần nào có tự tính hay độc lập, ngoại trừ khái niệm trừu tượng (abstraction), hay còn gọi là sự trừu tưỡng hóa. Bản tính của mỗi thành phần được quyết định bởi hoàn cảnh – đôi khi còn gọi là  tình huống – (situation) của nó. Trong các triết gia hiện đại chịu ảnh hưởng của các lý thuyết khoa học gần đây, đang có sự đồng thuận khái quát rằng thế giới là một hệ thống và vạn vật không có tự tính mà là các điểm hội tụ (focusings) hoặc là các tâm điểm (centers) của hoàn cảnh. Những dị biệt của các triết thuyết tùy thuộc vào khái niệm của họ về “chất liệu” (stuff) tối hậu của vũ trụ.

 

Chủ nghĩa duy vật (materialism) giảm thiểu (hay giản lược, reduce) mọi sự thành tối hậu là vật chất (matter) nên mọi sự đều có tính vật chất, ngoài ra chẳng có gì khác. Ngược lại, chủ nghĩa duy tâm (idealism) chấp nhận hành động điều kiện hóa của vật chất (conditioning of matter) lên nhân cách và tâm trí nhưng không chấp nhận vật chất là tối hậu; nó tìm thấy trong vật chất khả năng nâng cao tâm trí và các giá trị tinh thần, như một bằng chứng cho thấy rằng vũ trụ quả thật có tính tinh thần (mental) hoặc tính tâm linh (spiritual).

 

Là đại biểu cho *triết học tiến trình (process philosophy), Whitehead không quan tâm tới ưu quyền của vật chất hay tâm trí nhưng ông nhấn mạnh bản tính hữu cơ (organic nature) của vạn vật trong đó mỗi vật được nhận thức như một điểm hội tụ của môi trường. Do đó, triết học hiện đại từ khước sự phân biệt giữa vật với môi trường của nó, như một cách nhìn vạn vật bằng sự trừu tượng hóa (abstraction).

 

Một thí dụ minh họa

 

Từ ngữ “đường”, nếu đứng riêng một mình, nó dường như mang ý nghĩa vô tận. Muốn xác định ý nghĩa của nó, ta phải cung cấp cho nó một số chữ khác để làm thành một câu. Câu ấy phải đáp ứng đòi hỏi đưa ra một ý nghĩa riêng biệt cho chữ “đường”.

 

Trong câu này, “đường” có nghĩa là sản phẩm của một xí nghiệp. Trong câu kia, “đường” có nghĩa là lối di chuyển cho một sinh vật hoặc xe cộ. Trong câu nọ, “đường” có nghĩa là phương cách đi kèm với đời sống và cư xử. Chữ “đường” cũng có thể đi với chữ “hoàng” hoặc chữ “bệ” nằm trong một câu khác nữa để diễn tả tác phong hay tướng mạo của một người. Ðường đi với từ đường có nghĩa là nhà thờ tổ tiên của một họ. Ấy là chưa kể phân đường, đường chủ của các bang hội, v.v. Những ý nghĩa khác nhau ấy không thể hiện chữ “đường” như một từ ngữ có tự tính, mà là phản ánh ảnh hưởng của ngữ cảnh.

 

Hiểu theo bối cảnh

 

Chúng ta đều biết rằng khi tách một lời phát biểu ra khỏi diễn từ hoặc văn bản hay bối cảnh phát biểu của nó, ta có thể gây hiểu lầm hay xuyên tạc, vì việc bỏ ngữ cảnh hoặc bối cảnh qua một bên có khả năng đưa tới sự hiểu sai dụng ý của người phát biểu.

 

Sự kiện ấy xác nhận rằng mọi vật, cũng giống như các từ ngữ, đều tùy thuộc vào môi trường mà có ý nghĩa và bản tính của chúng; nếu trong khi xem xét, chúng ta tách rời chúng ra khỏi môi trường của chúng thì có khả năng đưa tới hiểu sai.

 

Sống giữa môi trường

 

Trong lời tường thuật ở đoạn trên về cuộc đánh lộn của bọn trẻ, tôi có đề cập tới sự kiện một thằng bé buột miệng nói lên những lời bất xứng với nó, và tôi có nêu ý tưởng rằng đó có thể do bởi không khí giáo dục gia đình. Thực tế, lỗi không hẳn do bởi sự giáo dục không đầy đủ của gia đình vì trẻ em dễ bị nhiễm nhiều loại ảnh hưởng khác nhau. Ðiều tôi muốn nhấn mạnh là cá tính hoặc nhân cách hoặc bản tính của thằng bé có thể được quyết định phần nào bởi môi trường.

 

Giống với các bậc cha mẹ không lúc này thì lúc khác, thỉnh thoảng vẫn thường nhắc nhở con mình về vấn đề chọn bạn, rằng “Con phải để ý xem cậu ấy/cô ấy là con cái nhà ai?” Lời khuyên khôn ngoan đó cho thấy nhân cách của chúng ta phản ánh loại gia đình chúng ta được giáo dưỡng, và dĩ nhiên, nhân cách ấy còn bị biến đổi do những giao tiếp xã hội. Con người phản ánh môi trường; mỗi người là môi trường của nó. “Con ơi nhớ lấy lời cha, Ðừng đi nước mặn mà hà ăn chân” (Ca dao); “Hãy nói cho tôi biết anh kết bạn với ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là loại người nào” (Châm ngôn Pháp).

 

Cách đây hơn hai mươi bốn thế kỷ, mẹ thầy *Mạnh Tử (k.372-289 tr.C.N.) có lý khi bà nhiều lần thay đổi chỗ ở của gia đình để con bà được sống trong môi trường lành mạnh, phù hợp với định hướng giáo dưỡng của bà. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

 

Thật không quá đáng khi nói rằng mỗi người đơn giản chỉ là một tổng hợp hoặc một điểm hội tụ của hoàn cảnh mang tính môi trường sống của nó trong đó bao gồm kể cả những gì được cung cấp qua di truyền và do các trạng thái về trước của cá nhân đó. Không ai chào đời với một nhân cách. Nhân cách là cái được triển khai từ những cái tự thân chúng không là nhân cách.

 

Kiểu mẫu của Descartes

 

Có vẻ cũng đúng như thế đối với cuộc sống trí thức của chúng ta. Descartes tin rằng mình nên bắt đầu cuộc tra vấn triết học bằng hành động loại bỏ toàn bộ kiến thức đã tiếp nhận từ những nguồn bên ngoài lý trí của ông.

 

Nếu noi gương ông, chúng ta có thể thấy mình “hơi bị“ bối rối vì số lượng quá nhỏ các ý tưởng mà chúng ta có thể thật sự bảo là của mình. Toàn bộ thông tin chúng ta nhận được từ cha mẹ, thầy cô, các diễn giả, bạn bè, các phương tiện truyền thông, v.v. đều phải bị gạt sang một bên; chỉ còn lại bản thân chúng ta ở trong trạng thái nghèo nàn về mặt trí thức.

 

Không thể không tùy thuộc

 

Có lẽ bạn sẽ phản ứng rằng có thể gọi là của mình những thông tin được chúng ta tiếp nhận bằng giác quan mà không có thêm những suy ngẫm của kẻ khác. Thế nhưng khi muốn đề cập tới những thông tin ấy, bạn cũng vẫn phải phân biệt chúng bằng lời nói và chữ nghĩa bạn đã học được từ những kẻ khác suốt một thời gian rất dài, kể từ lúc bập bẹ tập nói cho tới nay.

 

Chừng nào ngôn từ ấy còn thiết yếu cho việc sắp xếp kinh nghiệm của chúng ta thì dường như chừng đó chúng vẫn phải hội đủ một số chức năng như tưởng tượng và hồi tưởng. Trong chừng mực ấy chúng ta vẫn còn tùy thuộc vào người khác. Ngoài loại thông tin qua giác quan ấy, những gì được gọi là của bản thân chúng ta đều có xuất xứ từ ngoại giới, và thế thì thêm lần nữa, rõ ràng chúng ta không là tác giả của những ý tưởng ấy.

 

Nếu có ý tưởng nào là của chính ta thì đó phải là ý tưởng được chúng ta triển khai từ nguồn lý trí của mình. Ðiều này đặc biệt hàm ý sự sở hữu một sức mạnh tinh thần độc lập với nội dung. Thế nhưng dường như đã có sựï đồng thuận khái quát rằng cuộc sống tinh thần của chúng ta đồng nghĩa với nội dung của nó và rằng nội dung ấy – ngoại trừ những nối kết giữa các ý tưởng mà chúng ta có thể lập thành hoặc những cái nhìn thấu suốt (insights) mà chúng ta có thể nảy sinh – đến từ một nguồn nào đó khác.

 

Kinh nghiệm chọn tín ngưỡng

 

Có thể thuyết phục người ta chấp nhận quan điểm tùy thuộc vào môi trường bằng cách viện dẫn niềm tin tôn giáo. Chưa từng có ai bẩm sinh là tín đồ Kitô giáo, đạo Islam hoặc ngay cả Phật giáo.

 

Tại Việt Nam, bạn không thể nào có con số chính xác tín đồ Phật giáo. Về mặt chính thức, người ta trở thành tín đồ Phật giáo sau khi trải qua nghi thức Qui y Tam Bảo với một nhà sư, nhưng trong thực tế (môi trường), có vô số người theo đạo thờ cúng tổ tiên, Nho giáo và ngay cả Ðạo giáo, cũng tự xem mình là người Phật giáo. Do đó, bạn có thể lấy con số Phật tử tại Việt Nam trong quãng từ 20% tới 80% tổng số dân chúng; số nào cũng không có khả năng sai.

 

Tôi chào đời trong một gia đình (môi trường) đã theo sẵn một tín ngưỡng nhất định, và việc tôi chấp nhận quan điểm của gia đình là điều bình thường. Tuy thường được gọi là “đạo dòng” nhưng trong Kitô giáo, không người nào sinh ra là tín đồ Công giáo, Tin Lành, Nhân chứng Giê-hô-va, v.v. Người ấy kế thừa từ những bậc cao niên trong gia đình, dòng họ, các ý tưởng của một hệ thống tương ứng.

 

Dần dà người ta ngày càng dễ dàng ứng xử với niềm tin kế thừa ấy như thể chúng được kiến lập bởi chứng cớ không thể chối cãi và cứ thế, người ta hành động như thể mình đã xem xét đầy đủ chứng cớ trước khi tán thành các tín điều, nhưng rõ ràng rằng sự chấp nhận ban đầu không thật sự có lý do mang tính lịch sử nào. Về sau, dưới ảnh hưởng của những kẻ khác, người ta có thể thay đổi tín ngưỡng của mình; và ngay cả việc đó cũng không thể xảy ra nếu không có sự chấp nhận ý tưởng từ những nguồn khác.

 

III. Thường trực và biến đổi

 

1. Khát vọng thường tại

Tính tiến trình của thực tại

 

Hầu hết các triết gia hiện đại đều đồng ý rằng không thực thể nào có tự tính (tự chứa bản tính, tự túc) và độc lập với ảnh hưởng của môi trường. Quan niệm mới mẻ đó liên quan tới sự chấp nhận thực tại mang tính chất tiến trình (reality of process). Mọi sự đều đang biến đổi. Ðối với qui luật căn bản đó không có và không thể có ngoại lệ. Nói theo kiểu Heraclitus hai mươi lăm thế kỷ trước là “Không ai có thể bước xuống dòng sông cũ vì nước giữa đôi bờ đã đổi khác”. Tuy thế ta vẫn thật sự có cảm giác rằng vạn vật đang kéo dài.

 

Khái quát, cái tôi hôm nay không là cái tôi hôm qua, cũng chẳng phải cái tôi ngày mai. Chúng ta nhận ra mình là con người rất khác với con người nhiều năm trước đây, kẻ đã thừa nhận người cha người mẹ ấy và đã đáp lại khi người ta gọi bằng cái tên ấy. Tuy thế, ta vẫn là con người ấy. Nếu chúng ta là một hệ thống đang biến đổi, phô bày trong bản thân ta những yếu tố khác của môi trường thì làm thế nào cắt nghĩa được sự kiện bản sắc liên tục này?

 

Ðịnh luật của tư duy

 

Vấn đề thường trực (permanence) và biến đổi (change) chiếm một phạm vi rộng lớn từ đầu tới cuối kinh nghiệm. Nó hấp dẫn lạ thường vì chắc chắn ta không thể tránh né và hình như cũng chẳng cách gì giải quyết. Tôi không thể nói rằng người ấy vừa mập hơn vừa gầy hơn thân phụ của y mà không tự mâu thuẫn hoặc đưa ra một lời phát biểu không thể hiểu nổi. Ðó là một trong những định luật cơ bản của tư duy.

 

Theo Aristotle, có hai nguyên tắc luận lý rất căn bản:

a. Cái là nó thì không là cái gì đó khác;

b. Hoặc là “p” hoặc là “không p”, không thể vừa là cả hai

Hơn 2.000 năm sau, *Leibniz cũng đưa ra hai định luật về luận lý học hình thức để xác định cái chắc chắn.

a. Ðịnh luật mâu thuẫn: Một lời phát biểu trong tự thân nó có mâu thuẫn, thì không thể nào đúng.   

b. Ðịnh luật loại trừ trung dung: Bất cứ lời phát biểu nào hoặc nó đúng, hoặc lời mâu thuẫn với nó đúng.

Nguyên tắc và định luật ấy của Aristotle lẫn Leibniz về tư duy đều vạch rõ rằng không thể khẳng định trong cùng một thời điểm và về cùng một đối tượng những thuộc tính mâu thuẫn nhau. Nếu tôi nói rằng cái gì đó vừa như cũ vừa biến đổi – nói cách khác, vừa thường tại vừa vô thường – tức là tôi vi phạm định luật cơ bản của tư duy, và lời phát biểu ấy của tôi hoặc sai thấy rõ hoặc vô nghĩa; thế mà thực tế thế này thế nọ cứ buộc tôi cứ phải liên tục đưa ra lời phát biểu kiểu đó.

 

Biển xanh  thành ruộng dâu

 

Ðã có thời kỳ các ngọn núi dường như độc lập với thời gian và con người tìm thấy trên các đỉnh đồi muôn thuở ấy hình ảnh minh họa sự bền vững của Thượng đế. Cũng đã có thời những tình nhân thắm thiết xem lời thề thốt mặn nồng là “lời non sông”, “lời thề non hẹn biển”; mượn hình ảnh núi sông và biển tiêu biểu cho tính son sắt cố định của lời vàng đá. Giờ đây chúng ta đều biết rằng những núi cùng đồi, sông cùng biển, đều có lịch sử: chúng được tạo thành, đang biến đổi và sẽ mất đi. Nói theo hình tượng nghệ thuật Trung Hoa là “Thương hải biến vi tang điền: Biển xanh hóa thành ruộng dâu”.

 

Cũng giống như các hiện tượng thiên nhiên khác, những sơn đảo trong vịnh Hạ Long, những núi đồi trong dải Trường Sơn đều đang liên tục biến đổi. Tuy thế, tôi biết rằng mình sẽ tìm thấy đèo Hải Vân ở cùng một chỗ nó đứùng năm ngoái, cách Lăng Cô một cây cầu. Và cũng từ Châu Ðốc, tôi có thể nhận ra, gọi đúng tên ngọn núi Sam đang vươn lên trên bầu trời xanh kia, bên bờ kinh Vĩnh Tế. Chắc chắn chúng đúng là những đèo những núi ấy. Thế nhưng, nếu khoa học chính xác thì hết thảy chúng đang đổi khác!

 

Khao khát thường tại

 

Cái đang đúng với rặng Trường Sơn kia thì nói chung, cũng đúng với các quốc gia, các xã hội, các cộng đoàn, con người và vạn vật. Vẫn còn chùa Tam Thanh ở Ðồng Ðăng nhưng đâu rồi nàng Tô Phụ. Lục địa Atlantic đang chìm khuất dưới biển sâu. Vương quốc Phù Nam hay Champa đã biến mất. Một số sắc tộc tuyệt chủng. Các nền văn minh nối tiếp nhau tàn lụi và các đế quốc lần lượt diễu hành vào quá khứ. Không một tổ chức chính trị nào tồn tại vĩnh viễn.

 

Tuy thế, tính thường tại có một yêu cầu khẩn thiết và đầy xúc động, đó là nỗi thúc bách trong tâm tư chúng ta phải tìm cho ra cái gì đó trường tồn bất biến, và còn nữa, chúng ta chỉ xem thật sự có giá trị những cái có khả năng kéo dài. Ngay cả lòng của đấng quân vương quyền uy tột đỉnh như Tần Thủy Hoàng hoặc Hán Võ đế vẫn khắc khoải đêm ngày chờ đợi kết quả cuộc tìm kiếm thuốc trường sinh ở ngoài biển khơi!

 

Ðịnh chuẩn đạo đức cũng biến đổi

 

Các định chuẩn đạo đức (moral standards) của xã hội được xem là thiết yếu để duy trì sự ổn định của xã hội; bất cứ nỗ lực nào nhằm thay đổi các kiểu thức (model) hay khuôn mẫu (pattern) đã được chấp nhận đều bị đón nhận với ánh mắt nghi ngờ, thậm chí thù nghịch. Tuy thế, không xã hội nào có khả năng duy trì bất biến các định chuẩn của nó. Không kẻ nào hoặc tổ chức nào có khả năng đáp ứng yêu cầu khôi phục quá khứ vì giờ đây, cái đang đi qua hay đã thuộc về dĩ vãng thì vô phương phục hồi.

 

Tuy thế, nếu chúng ta bác bỏ các định chuẩn cũ mà không suy xét thấu đáo thì có khả năng đưa tới tình trạng hỗn loạn, *vô chính phủ (anarchy). Yêu cầu về thường tại là một yêu cầu không bao giờ được đáp ứng thỏa đáng; dường như nó đòi hỏi phải làm cho cân bằng hoặc phải bù đắp các kết quả của cuộc vô thường không thể tránh.

 

Xét theo không gian

 

Những phân tử vật chất (material particles) trong khoa học mang bản sắc Newton vẫn tồn tại bất biến trong tự thân chúng; mọi biến đổi đều liên quan tới các vật làm nên các thành phần của chúng. Chủ nghĩa duy vật thời kỳ đầu đã có thể quả quyết điều đó vì chỉ có thể xác định các phân tử trong liên quan tới không gian.

 

Các phân tử được định vị trong không gian và mọi biến đổi chỉ là những biến đổi nơi tọa lạc; tự thân mỗi phân tử vẫn tồn tại bất biến suốt quá trình diễn biến của thời gian. Ðầu thế kỷ 21 này, nữ khoa học gia xinh đẹp Lisa Randall đã ngẩn ngơ khi sau một cuộc thí nghiệm, bà cân lại thấy thiếu một số lượïng vi hạt; chúng hình như “chạy lạc” vào một “cõi không gian” nào đó chưa ai biết tới.

 

Bị buộc phải điều chỉnh các khái niệm của những người từ cuối thế kỷ 17 theo phái Newton, các nhà khoa học hiện đại nhấn mạnh tầm quan trọng của thời gian. Việc thẩm định các vật mà không tham chiếu lịch sử của chúng nay đã không còn chính xác, và đã thuộc về quá khứ.

 

Xem tiếp Bàn về Vạn vật -2

Nguyễn Ước
Số lần đọc: 3191
Ngày đăng: 02.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Từ Những Địa Danh Nghĩ về Chất Ký Trong Thơ Quang Dũng - Trương Quang Cảm
Tửu Lượng Trong Truyện Kim Dung - Võ Công Liêm
Đôi nét về Logos và Logic * - Nguyễn Ước
Ðôi nét Kitô giáo - Nguyễn Ước
Văn chương về tình dục: Có thật “Việt Nam lạc hậu trăm năm”? - Nguyễn Khắc Phê
Ðôi nét Do Thái giáo - Nguyễn Ước
Ðôi nét Hồi giáo - Nguyễn Ước
Thơ Của Người Đang Trẻ - Lê Khánh Mai
J.W.GỚT, G.W.PH. HÊGHEN, C.MÁC : Bàn Về Tính Dân Tộc Trong Văn Nghệ - Phạm Ngọc Hiền
Triết học tâm trí - Nguyễn Ước
Cùng một tác giả
Ðạo đức học-1 (tiểu luận)
Ðạo đức học-2 (tiểu luận)
Ðạo đức học-3 (tiểu luận)
Ðôi nét Hồi giáo (tiểu luận)
Ðôi nét Kitô giáo (tiểu luận)
Cứu cánh luận (tiểu luận)
Cứu cánh luận-2 (tiểu luận)
Bàn về Giá trị-2 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -1 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 1 (tiểu luận)
Ấn giáo - 2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 3 (tiểu luận)
Ðám rước- 1 (tiểu luận)
Nụ hôn với quỉ -1 (truyện ngắn)
Nụ hôn với quỉ II (truyện ngắn)
Vua một năm (truyện ngắn)
Minh Triết -1 (triết học)
Minh Triết -2 (triết học)
Những kẻ thờ Satan (truyện ngắn)
Bài giảng trên núi (truyện ngắn)
Cơn bão (truyện ngắn)