Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.132
123.227.878
 
Y Uyên: Hiện thực chập chờn
Nguyễn Ước

Thời buổi ấy chập chờn. Xã hội quay cuồng theo những cơn lốc chính biến. Chiến tranh bốn bề lửa đạn. Quá khứ xa. Hiện tại nứt. Tương lai mù. Con người trôi dạt hoặc bị làm nguyên liệu chinh chiến. Vì sao nên nỗi và trong nông nỗi này, con người đi đâu về đâu. Ngày mai còn lại gì, kể cả thân xác này, trong lửa đạn. Không câu trả lời thoả đáng. Người ta sống mộng du. Thời gian lung linh, vừa rạng sáng vừa đứng bóng vừa chập choạng tối. Bầu trời đè lên đỉnh đầu. Không gian có sấm chớp lập loè bốn phía. Và ta là con rối, sau những lúc bị giật dây giãy giụa, bị dồn vào đường chết, chỉ còn những khoảnh khắc cúi gầm mặt, chẳng muốn nhìn lên.

 

Trong khung cảnh sầm sập mạt thế với những nhân vật hành tung không rõ nét, không ai biết từ đâu tới và sẽ về đâu. Lũ học trò khiếp sợ đại họa, chép lời sấm ký, đem từng tờ chuyền cho người khác lại xúm nhau đá vào mặt một đứa bé bán hành dạo cho lính Ðại Hàn vì nó không chịu cầm tờ sấm, sợ đó là truyền đơn. Thằng bé xui tận mạng ấy lại ngồi an ủi một lính Mỹ đang ngủ mà khi thức chỉ biết nói hai tiếng Việt "giồi ơi!” Người đàn bà chồng chết trên non cao lại tìm xác chồng dưới lòng sông. Anh lính giắt dao găm nơi ống giày, tìm giết vợ vì nghi “nó”  bỏ nhà đi làm đĩ, tới khi say xỉn lại nghĩ biết đâu “bả” đi buôn gạo rồi bị nổ tan xác theo chuyến xe đò vừa trúng mìn.

 

"Anh ta vịn vào cọc lều đứng dậy, lảo đảo ra đường, nhìn lên phía mặt lộ. Bụi kéo thành đám phủ xuống người anh. Anh đưa hai tay lên chụm mặt, quay lưng về hướng gió. Sao chiếc xe vẫn chưa tới? Sao nó chết cũng bắt anh chờ đội nôn nao như hồi sắp cưới nhau? Người đàn bà nào chết ở trển mà vô thừa nhận? Cũng có đứa đàn bà trốn mẹ, giấu chồng đi lấy lúa như nó hồi trước sao? Người lính không muốn trở vào quán nữa nhưng anh cũng biết mình không thể đi đâu lúc này. Sống lưng lạnh khô và như có cát bám từ gáy trở xuống. Mắt anh nhức nhối, hai màng tang máu đập dồn dập. Nắng vẫn chói loà nhức nhối. Như có những đốm hoa sầu đông bàng bạc hỗn loan trên không." (Bão khô)

 

Người lính thay vì đi đánh giặc, chỉ biết ngồi nốc rượu và chực giết vợ. Còn hai ông họ Trần mặc quần áo nhà tu, cổ đeo tràng hạt thì "Người ta nói màu áo nom lạ mắt. Có người nói chắc họ ở Bình Ðịnh đi thuyền men theo bờ biển vô đây ‘Phải là người gan dạ, võ nghệ cao cường mới dám xem thường nguy hiểm’.Người khác lại nói họ là bạn ông thầy pháp 9 vợ ở thôn trên, hồi mở hội bắt thăm người vợ út của ông dường như cũng có mặt hai người nầy. Cũng có thể là hai anh em họ Trần dong thuyền đánh cá ra khơi mất tích cả chục năm ít lâu nay lại nghe nói trở về hốt thuốc cứu độ cho những người dân miền bờ biển. Cũng có thể là người trong bọn chuyên môn đổi đô-la và buôn lậu bò sang bán bên kia đèo cải trang. Nhưng dù sao, mọi người cũng nhìn hai người lạ với sự e dè, kiêng nể. Những lời sấm bọn học trò truyền nhau chép và họ như có một liên lạc vu vơ." (Bão khô)

 

Con người bị mắc cạn, dính cứng vào khung cảnh xã hội: "Bây giờ không ai có quyền sống xa đời sống đông đảo quanh mình" (Có heo may Hà Nội). Vì thế, bất mãn, biết mình bất mãn, và đòi mình phải có thái độ dứt khoát: "Bất mãn số đông, khi được biết tới, được biểu lộ có tránh được những cá nhân giành giựt làm của riêng? Nại nói đắn đo hoài là một truỵ lạc tinh thần. Nhưng liều lĩnh có làm gì được hơn không? Ðời sống giả tạo ngay từ một cái lon uống nước, hạt cơm nhai từng bữa, từ một nụ cười vô tuyến truyền hình liệu có được những hành động từ một ý nghĩ độc lập? Những buổi tối gặp nhau tại đây, bọn Nại lại đem chuyện đó ra nói. Mường giận quá xuýt đập lộn vì một câu nói xấc của Kỉnh. (Gió cuối năm).

 

Truyện Có heo may Hà Nội có nhân vật người chú, khuyên cháu sống với thực tại trong khi bản thân chú lại chán chường Ngô Ðình Diệm, mê mải Kim Dung, hoài nghi các giá trị chính trị và chúi đầu vào truyện kiếm hiệp. Từ những năm 1954, người ta từng sống với niềm hi vọng,: "Lớn lên chắc cháu đỡ khổ hơn chú cháu."  Rồi tìm thấy mình tạm hứng qua ngày nhờ mơ ước viễn vông “năm này sang năm khác. Bao nhiêu năm nay vẫn những bộ mặt ấy, vẫn những câu chuyện quanh đám giỗ ấy." Và sống bằng ảo tưởng: "Những ảo tưởng về tương lai tuy chua xót nhưng bao giờ cũng đáng phấn khởi hơn những ảo tưởng về chuyện đã qua".

 

*

 

Khác với Bão khô với những nhân vật không tên, nhân vật nào trong Gió cuối năm đều có mang một cái tên nhưng xem ra sinh hoạt của họ cũng vật vờ, chẳng có gì rõ nét và rạch ròi. Nếu truyện ngắn, theo quan niệm cổ điển, với nội dung hư cấu quanh một vấn đề đầy kịch tính xuyên suốt từ đầu tới cuối; khi giải quyết xong các gút mắc của vấn đề là hết truyện, thì truyện của Y Uyên không mang dạng thức phổ biến đó. Nhìn gần, người ta không thấy Y Uyên nêu lên vấn nạn nào và vì thế, kết cuộc của truyện như chơi vơi; có thể chấm hết ở bất cứ chỗ nào; cũng có thể kéo dài đến bất tận. Nhìn xa hơn một chút, người đọc hẳn nhận ra vấn đề cốt lõi trong tác phẩm của Y Uyên không mang tính cá nhân mà là của tập thể và thời đại. Tập thể tan tác, đoạ đày vì chiến cuộc. Thời đại có kẻ đối xử với người khác cực kỳ thô bỉ và tàn mạt vì không đồng quan điểm chính trị "Sao bố con mày dại thế? Hòa bình đến nơi còn kéo đi. Việt gian hả (.) Chúng mày mà mách cô chúng mày, tao nhổ đờm vào thức ăn cho chúng mày ăn." (Có heo may Hà nội). Xe đò nổ tung vì mìn và người ta bình thản nói "Chết vậy mà chỉ tét bụng, đứt chân, mất đầu chứ không nát bấy như hồi ở Dốc Ðá." (Bão khô).

 

Các nhân vật trong Gió cuối mùa đi lính giải ngũ, cưới vợ, gặp bạn bè, nói chuyện với người yêu hay xô xát nhau trong quán cà phê... đều cho ta cái cảm giác vật vờ, lẩn quẩn. Không sống theo bản năng cũng không sống theo lý trí, chẳng chút đam mê cũng chẳng lấy gì lãnh đạm, có lý luận đấy rồi buông trôi đấy. Sống thờ ơ để mặc dòng đời cuốn đi, hoặc nếu có tạo cho mình một hình dáng khác thì chỉ làm cho mình đỡ quạnh hiu.

 

*

 

Có một thời người ta áp đặt và cổ vũ độc tôn một khuynh hướng sáng tác gọi là hiện thực xã hội và thậm chí thêm vào một cái đuôi “xã hội chủ nghĩa”. Chỉ qua vài chục năm, người ta khám phá rằng khuynh hướng ấy đã chẳng có chút nào hiện thực, lại đầy hư cấu và ảo giác. Không những phá hoại nghệ thuật, nó còn gây khúc xạ cho con người khi nhìn vào hiện thực, tạo cơ hội cho nghệ thuật bị cưỡng hiếp và kẻ viết bị khống chế. N ó là một lối đánh bạc bịp của  những tay “lưu manh chuyên chính” trên tiền vốn tài năng và tâm sức của người cầm bút để cưỡng chiếm và dày xéo chữ nghĩa. Con người thật hoàn toàn vắng mặt trong các tác phẩm ấy.

 

Xa lánh lối sáng tác gọi là hiện thực xã hội và né tránh các qui kết của những kẻ muốn nhốt mãi văn nghệ trong rọ chính trị để cho kính hiển vi quyền lực tha hồ xoi mói, một số người cầm bút tìm tới khuynh hướng sáng tác được gọi là "hiện thực huyền ảo". Nhưng thay vì làm giàu thêm chất sáng tạo cho tác phẩm như Kafka, Gabriel Marquez, Salman Rusdhie... những nhà văn tiên phong của hiện thực huyền ảo, họ lại sử dụng tác phẩm như một lối dùng dụ ngôn,  phúng thích, và như thế, văn học cũng lại chỉ là một công cụ, thay vì phục vụ ảo giác của chế độ chính trị lại có nguy cơ phục vụ cho ảo giác, tự ru ngủ và đôi khi hoang tưởng của cá nhân kẻ viết.

 

Ðọc Y Uyên, ta thấy gần như toàn bộ tác phẩm của anh đều mang tính hiện thực. Nó phản ánh lối sinh hoạt của nhiều tầng lớp dân chúng ở nhiều địa phương trong bối cảnh chiến tranh. Nó cho thấy những thân phận con người trôi dạt, quờ quạng, vô định như rong rêu rồi sẽ tan biến, những linh hồn rồi sẽ bất chợt bị bỏ thể xác, những tình yêu tình bạn tìm đến nhau nhưng không dự phóng, không cam kết hoặc không nương không lụy vào nhau. Ta cũng sẽ không tìm thấy trong Y Uyên những nhân vật sống thanh thản hoặc dằn vặt suy tư có tính triết lý hay tôn giáo, hiện sinh hay thiền... là những thứ thời thượng trong giới trung lưu trí thức vào thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, hoặc cất giọng cao đàm, đối thoại nảy lửa, biện hộ cho cá nhân mình hoặc cho một lập trường chính trị, một thái độ chủ chiến hay phản chiến. Nhân vật của anh sống, sống lờ quờ, đơn điệu, rời rạc và rồi đứt đoạn. Thế thôi. Do đó, tôi gọi cái hiện thực trong văn chương của Y Uyên là hiện thực chập chờn, của một thời đại chập chờn, cả không gian lẫn thời gian, từ tâm tư mình cho tới bốn phía chung quanh.

 

*

 

Không phải tình cờ mà chỉ trong vòng năm năm, từ 1966 tới 1971, có tới bảy tác phẩm của Y Uyên được xuất bản bởi các nhà xuất bản có uy tín ở Miền Nam. Sáu tập truyện ngắn và một truyện dài. Lúc Y Uyên qua đời, anh 26 tuổi. Nhiều lúc tôi tự hỏi nếu sống tới hôm nay, Y Uyên sẽ nghĩ gì và viết như thế nào. Chắc cũng chỉ một lối hiện thực chập chờn như thế, vì cho tới nay, súng đạn đã ngừng tiếng nhưng khung cảnh vẫn chẳng bớt chập chờn chút nào, còn gây chóng mặt và hư hoại hơn nữa.

 

Với lối viết giản dị mà chập chờn của Y Uyên, tác giả như thu mình thật nhỏ, ẩn thật khuất trong một góc nào đó, lặng lẽ. Trên sân khấu truyện là những nhân vật sống trôi dạt nhưng không vì thế mà không nói lên được những vấn đề của con người và của thời đại mình, sâu đậm và buốt nhói; tưởng như mộc mạc, không suy tư nhưng không vì thế mà thiếu vẻ lôi cuốn và không gây ray rứt cho người đọc khi gấp sách lại. Các biến cố trong truyện của Y Uyên không nhiều kịch tính, không sôi động như không vì thế mà thiếu tính chọn lọc và sắc cạnh. Ðối thoại chừng mực nhưng vẫn thấm thía. Y Uyên không dụng công làm mới ngôn ngữ nhưng anh đem được ngôn ngữ đời thường vào văn học, gọn gàng và mộc mạc.

 

Nếu các bản nhạc của Trịnh Công Sơn là những đoản khúc của một trường ca 60 năm, thì các truyện ngắn của Y Uyên là những đoản khúc của một tác phẩm trường thiên suốt một đời. Và cuộc đời ấy ngừng lại vào năm thứ 26. Bởi thế, đọc Y Uyên, dù chỉ vài ba truyện ngắn là đi vào cái toàn bộ, và có đọc toàn bộ vẫn thấy chưa đủ, vì người đọc như đang lần theo sợi chỉ xuyên suốt một thời đại chập chờn, làm nổi bật lên những phi lý của chiến tranh và mong manh của phận người.

 

*

 

Ngày nay, tìm lại cả bảy tác phẩm của Y Uyên thật khó. Nếu may mắn, có thể sưu tập khắp các thư viện phương Tây ở Mỹ và Úc, nhưng việc đó đòi hỏi nhiều công sức và đủ thứ hao tốn. Ở trong nước, chúng đang thuộc về loại văn học của những người thua trận. Nếu có được tái bản vẫn gặp khó khăn vì tác giả của nó là một sĩ quan tử trận, thêm nữa, các tác phẩm văn chương Việt Nam gần như không có chỗ đứng trong thị trường tiêu thụ hiện nay. Tuy thế, việc sưu tập và đánh giá sự nghiệp văn chương của Y Uyên là một điều cần làm, nếu thật sự muốn có một tổng quan và cân đối về văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ hai mươi. Ðó là một công việc không tránh khỏi vì một mình Y Uyên đủ làm thành một góc văn chương thời chiến. /.

Nguyễn Ước
Số lần đọc: 2912
Ngày đăng: 03.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trần Hữu Dũng, Thơ còn bao điều muốn nói - Inrasara
Thân phận lưu vong - Bùi Công Thuấn
Tình Yêu Thời Bão Táp - Phạm Ngọc Hiền
Đoàn Quỳnh Như Vọng từ một Hành trình yêu - Inrasara
Tất cả chúng ta cùng một nẻo về với những nhân vật của Nguyễn Khương Bình - Trần Phá Nhạc
Sự thức nhận về vai trò, vị trí của nhà văn trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp - Nguyễn Mạnh Hà
Cái hài hước, giễu nhại trong Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn - Khánh Phương
Những cái chết và màu sắc của nó trong câu chuyện của Khương Bình - Liêu Thái
Cuộc chữ* chưa bày trăm năm đã cạn - Lê Vũ
Về một lối viết hiện thực huyền ảo Việt tính: Trường hợp Đỗ Ngọc Thạch - Đỗ Quyên
Cùng một tác giả
Ðạo đức học-1 (tiểu luận)
Ðạo đức học-2 (tiểu luận)
Ðạo đức học-3 (tiểu luận)
Ðôi nét Hồi giáo (tiểu luận)
Ðôi nét Kitô giáo (tiểu luận)
Cứu cánh luận (tiểu luận)
Cứu cánh luận-2 (tiểu luận)
Bàn về Giá trị-2 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -1 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 1 (tiểu luận)
Ấn giáo - 2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 3 (tiểu luận)
Ðám rước- 1 (tiểu luận)
Nụ hôn với quỉ -1 (truyện ngắn)
Nụ hôn với quỉ II (truyện ngắn)
Vua một năm (truyện ngắn)
Minh Triết -1 (triết học)
Minh Triết -2 (triết học)
Những kẻ thờ Satan (truyện ngắn)
Bài giảng trên núi (truyện ngắn)
Cơn bão (truyện ngắn)