Ngày 7/5/2009, Chính phủ Việt Nam đã trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (Commission on the Limits of the Continental Shelf - CLCS) của Liên Hợp Quốc báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa nằm ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam.
Trước đó, ngày 6/5/2009, Việt Nam và Malaysia cũng đã phối hợp trình CLCS báo cáo chung về khu vực thềm lục địa kéo dài liên quan đến hai nước. Việc trình các báo cáo này là để thực hiện các quy định liên quan của Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (United Nations Convention on the Law of the Sea -UNCLOS).
Điều 76 Công ước Luật Biển xác định thềm lục địa của một quốc gia ven biển là đáy biển và lòng đất của phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ quốc gia ven biển đến mép ngoài của rìa lục địa.
Nếu rìa lục địa nhỏ hơn 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của quốc gia ven biển, thì thềm lục địa của quốc gia ven biển là 200 hải lý.
Nếu rìa lục địa của quốc gia ven biển rộng hơn 200 hải lý, thì quốc gia đó có quyền mở rộng thềm lục địa của mình ra quá 200 hải lý, nhưng tối đa không quá 350 hải lý.
Theo khoản 8 của Điều này, để xác định thềm lục địa vượt quá 200 hải lý, quốc gia ven biển phải nộp báo cáo lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa với đầy đủ các thông tin đo đạc khảo sát, khoa học, kỹ thuật theo bản hướng dẫn của Ủy ban để chứng minh.
Các quốc gia ven biển có thể tự nộp báo cáo toàn diện hoặc báo cáo từng phần và cũng có thể phối hợp với nhau trình báo cáo chung cho CLCS. Đối với các quốc gia ven biển đã trở thành thành viên Công ước trước ngày 13/5/1999, trong đó có Việt Nam, thì thời hạn cuối cùng để nộp báo cáo quốc gia là ngày 13/5/2009.
Trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát toàn diện về tình hình địa chất, địa mạo của thềm lục địa Việt Nam, các cơ quan hữu quan của nước ta đã xây dựng báo cáo quốc gia về ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Bắc và phối hợp với Malaysia xây dựng báo cáo chung về khu vực phía Nam Biển Đông và đã trình CLCS Liên Hợp Quốc đúng thời hạn quy định.
Nhưng cũng ngay trong ngày 7/5/2009, theo Tân Hoa xã cho biết phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đã gửi công hàm lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban- Ki-moon về việc Malaysia và Việt Nam ngày 6 phối hợp trình “Dự án phân định ranh giới” ngoài thềm lục địa 200 hải lý, trình bày lập trường nghiêm túc của Chính phủ Trung Quốc, trịnh trọng yêu cầu Ủy ban ranh giới thềm lục địa không xem xét “Dự án phân định ranh giới” nói trên theo quy định liên quan.
Trong công hàm, Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc viết, do “Dự án phân định ranh giới” xâm phạm chủ quyền, lợi ích chủ quyền và quyền quản lý của Trung Quốc tại biển Nam, Chính phủ Trung Quốc theo quy định liên quan của “Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển” và “Quy tắc nghị trình của Hội nghị Ủy ban Ranh giới thềm lục địa”, trịnh trọng yêu cầu Ủy ban Ranh giới thềm lục địa không xem xét “Dự án phân định ranh giới” nói trên theo quy định liên quan..
Trong “Quy tắc nghị trình của Hội nghị Ủy ban Ranh giới thềm lục địa”quy định, nếu đã tồn tại tranh chấp trên bộ hoặc trên biển, Ủy ban này không nên xem xét “Dự án phân định ranh giới” do bất cứ nước tranh chấp nào đưa ra. Theo quy định nói trên, dưới sự phản đối của Trung Quốc, Ủy ban sẽ không xem xét “Dự án phân định ranh giới” của Malaysia và Việt Nam.
Lập trường của Việt Nam đã thể hiện rất rõ ràng vào chiều ngày 8/5/2009 khi Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng cho biết:
“Ngày 7/5/2009, Chính phủ Việt Nam đã trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc Báo cáo quốc gia xác định Ranh giới thềm lục địa nằm ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam. Trước đó, ngày 6/5/2009, Việt Nam và Malaysia cũng đã phối hợp trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc Báo cáo chung về khu vực thềm lục địa kéo dài liên quan đến hai nước. Việc trình các báo cáo này là việc làm bình thường của quốc gia thành viên nhằm thực hiện nghĩa vụ của mình theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 .
Nội dung công hàm của phía Trung Quốc và bản đồ kèm theo công hàm đó đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông. Đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc thể hiện trên bản đồ đi kèm với công hàm là không có giá trị vì không có sơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn.
Một lần nữa, chúng tôi khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa”.
Tóm lại, Trung Quốc đã nhiều lần phản đối Việt Nam và các nước trong khu vực khai thác tài nguyên biển Đông, mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với đường ranh giới lưỡi bò vô căn cứ.
Vì vậy, Việt Nam và ASEAN cần tạo áp lực để Trung Quốc nói rõ về ranh giới lưỡi bò để tạo điều kiện cho các nước trên thế giới có phản ứng thích hợp. Đưa tranh chấp ra Liên Hợp Quốc là cơ hội tốt để gây áp lực cho Trung Quốc làm điều này.
Tuy Việt Nam sẽ gặp khó trong giải quyết vấn đề biển Đông nhưng sự đồng thuận bước đầu của các nước ASEAN,Việt Nam sẽ có tiếng nói mạnh mẽ tại diễn đàn Liên Hợp Quốc.
Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là điều thiêng liêng của mỗi dân tộc. Biên giới của mỗi quốc gia là biểu hiện của nền độc lập dân tộc bất khả xâm phạm của mỗi quốc gia đó. Biên giới bao hàm trong nó 3 vấn đề lớn: quốc gia, dân tộc và lãnh thổ. Biên giới luôn luôn gắn liền với lãnh thổ nên luật pháp và tập quán quốc tế thừa nhận tính bất khả xâm phạm của biên giới quốc gia. Biên giới được định nghĩa theo khía cạnh chủ quyền là “cái khung” của chủ quyền. Do đó, việc bảo vệ biên giới cũng chính là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ chống lại mọi hình thức ngoại xâm./.