Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.230.321
 
Bàn về Phẩm tính - 2
Nguyễn Ước

6. George Berkeley

Vật chất không hiện hữu

            Triết gia và giám mục Anh giáo George Berkeley, người đặt cơ sở cho một hệ thống được gọi là thuyết duy tâm chủ quan (subjective idealism), nhấn mạnh nhu cầu nhất quán trong triết học và tầm quan trọng mang tính nền tảng của kinh nghiệm, do đó ông từ khước ý tưởng vật chất.

            Theo Berkeley, vì vật chất không là phẩm tính để được nhận thức nên không thể nói rằng nó hiện hữu. Nó không là thực tế mà chỉ là thông giải của trải nghiệm và quả thật nó không có quyền đòi hỏi được chấp nhận. Khi khái niệm vật chất bị khước từ thì sự phân biệt các phẩm tính cấp một và cấp hai rơi vỡ tan tành.

Phẩm tính hiện hữu nhờ nhận thức

            Trong khi Locke vạch ra rằng không phải tất cả mà chỉ một ít phẩm tính trong kinh nghiệm của chúng ta tùy thuộc vào hữu thể nhận thức để hiện hữu, Bekeley quả quyết tất cả các phẩm tính đều lệ thuộc như thế. Theo ông, kích cỡ và hình dạng phải được nhận thức cùng với với màu sắc, cái bị Locke xếp loại là phẩm tính cấp hai. Người ta không thể nhận thức sự chuyển động mà không nhận thức đối tượng có màu sắc đang chuyển động. Người ta cũng nhận thức các phẩm tính cấp một khác theo cách thức giống y như thế, và có thể lấy sự tương tự ấy làm bằng cớ.

            Do đó, đối với Berkeley, hệ luận là khi theo một cách nhất quán nguyên tắc mang tính duy nghiệm chủ nghĩa, ta phải chấp nhận rằng mọi ý tưởng hoặc mọi phẩm tính chỉ hiện hữu khi chúng được nhận thức. Vì đối tượng chỉ là sự phối hợp liên tục các phẩm tính hoặc các ý tưởng, sự hiện hữu của nó lệ thuộc vào nhận thức, nghĩa là vào tâm trí. Vật chất bị xua đuổi vì không thiết yếu và bất khả thi. Vạn vật chỉ hiện hữu khi chúng được nhận thức.

Thượng đế nguồn của ý tưởng

            Ðiều này dường như giảm thiểu thế giới thành các giới hạn của ý thức cá nhân vì nó giảm thiểu thế giới của tôi thành cảnh giới của các ý tưởng của tôi. Berkeley tìm cách tránh né kết luận đó bằng việc thừa nhận Hữu thể siêu nhiên (supernatural Being) là cội nguồn các ý tưởng của tôi. Khi xem xét nội tâm (nội quan, introspection), tôi thấy rõ ràng rằng các ý tưởng đơn giản và căn bản đang lập thành kinh nghiệm của tôi đều đến với tôi một cách độc lập với các ý nguyện hoặc các ý thích bất chợt của tôi.

            Ngang đây, thêm lần nữa ta bắt gặp khái niệm về tính cưỡng bách của nhận thức. Ðối với Berkeley, tính thụ động ở phía chủ thể nhận thức là chỉ dấu cho thấy rằng y không thể là tác giả của ý tưởng. Vì ý tưởng phải có nguồn cội nào đó, và nguồn cội này phải có tính tinh thần – vì tính vật chất đã bị phủ định – nên phải hiện hữu Thượng đế, đấng duy trì toàn thể vạn vật hiện hữu bằng sự nhận thức liên tục của ngài và chịu trách nhiệm về việc gây ra ý tưởng trong tâm trí của tôi.

            Nếu bạn hỏi Berkeley rằng cây đa đầu làng của bạn có hiện hữu hay không nếu giữa đêm hôm khuya khoắt không có người nào nhận thức nó? Vị triết gia giám mục người Anh ấy sẽ trả lời rằng nó vẫn hiện hữu vì nó luôn luôn được nhận thức bởi ít nhất một hữu thể, đó là Thiên Chúa.

7. David Hume

Chưa ai từng tri giác Thượng đế

            Rủi thay, tính nhất quán hoặc tính duy nghiệm chủ nghĩa trong quan điểm của Berkeley không được như ông hy vọng. Ý tưởng chỉ có thể có cơ sở khi nó được nhận thức nhưng không có người nào từng nhận thức tâm trí của mình như một bản thể riêng biệt với các ý tưởng, cũng không có người nào từng nhận thức (tri giác) đấng Thần linh tối cao ấy (Hữu thể siêu nhiên).

            Nếu chúng ta muốn nhất quán trong thuyết duy nghiệm của mình thì phải từ khước các ý tưởng ấy, với kết quả là thế giới này sẽ bị giảm thiểu thành một hệ thống các ý tưởng không được tạo ra cũng như không được duy trì bởi bất cứ bản thể tinh thần nào. Ðó là kết luận được đạt tới bởi triết gia và sử gia người Anh David Hume.

Ðịnh luật kết hiệp

            Kết luận ấy dường như trái ngược với kinh nghiệm của chúng ta vì chúng ta cho rằng không thể tưởng tượng nổi một ý tưởng có thể hiện hữu mà không có cái gì đó chứa đựng nó hoặc nâng đỡ nó. Hume bác bỏ nhu cầu nâng đỡ; ông xem đó là di tích của thời Trung cổ, thuở con người không thể quan niệm các ngôi sao và các hành tinh hiện hữu lơ lửng giữa bầu trời mà không có các thiên thể nâng đỡ chúng.

            Newton đã làm cho khái niệm về thiên thể ấy trở nên không cần thiết bằng thuyết vạn vật hấp dẫn trong đó ông giải thích mối liên hệ giữa các thiên thể bằng định luật tự nhiên. Hume lập luận rằng có thể giải thích sự tổ chức của các ý tưởng bằng định luật về sự kết hiệp được đề ra trong tâm lý học (psychology). Và đó là giải thích duy nhất mà ta cần tới.

Phẩm tính do chủ quan

            Hume cho rằng hết thảy các phẩm tính đều tùy thuộc vào chủ thể (subjective), cũng có thể nói là đều có tính chủ quan. Lập trường ấy dường như rất lạ lùng vì chúng ta thường xác tín một cách kiên định rằng không cái gì có thể xảy ra mà không có nguyên nhân. Hết thảy chúng ta đều đồng ý rằng chúng ta có ý tưởng. Hume yêu cầu chúng ta hãy hài lòng với thực tế đó nhưng chúng ta cứ nhất quyết rằng mình không thể có tư tưởng nếu không có cái gì đó sản sinh ra chúng.

            Locke đề quyết rằng chúng được sản sinh bởi các đối tượng vật chất. Berkeley cãi lại rằng chúng được sản sinh bởi bản thể tinh thần. Hume bác bỏ rằng cả hai cái đó đều không thể chứng minh cho lập trường của ông vì cả đối tượng vật chất lẫn bản thể tinh thần đều không thể nhận thức được. Sai lầm của Locke và Berkeley phát sinh từ giả định rằng tính cưỡng bách của kinh nghiệm nhận thức (perceptual experience) cho thấy có một nguyên nhân độc lập và rằng thực tế của tư tưởng cho thấy có nguyên nhân của tư tưởng.

            Có lẽ ta có thể trình bày rõ ràng hơn quan điểm của Hume bằng cách gọi ý tưởng là một hiệu ứng (effect), hay kết quả, và lập luận rằng mọi kết quả đều phải có nguyên nhân (cause). Khi tôi nói rằng tôi đang nhận thức sự phối hợp của cái vàng, cái tròn và cái ngọt thì thật dễ dàng lập luận rằng phải có một trái ổi ngoại tại và độc lập để sản sinh các ý tưởng ấy trong tâm trí của tôi.

Trải nghiệm do bởi ý tưởng

            Trong chương bàn về định luật nhân quả, chúng ta sẽ thấy cách thức Hume bác bỏ lời khẳng định “kết quả phải có nguyên nhân”. Ngang đây hẳn tạm đủ để nói rằng đối với Hume, hoàn toàn không thể chứng minh việc đi từ thực tế tôi có một ý tưởng tới một đối tượng ngoại tại hoặc có tính vật chất hoặc tính tinh thần, được tôi khẳng định là phải sản sinh ý tưởng. Chính các ý tưởng của tôi làm thành các kinh nghiệm của tôi, đó là tất cả những gì tôi có thể thật sự nói.

            Do đó, chừng nào còn liên quan tới kinh nghiệm của tôi, chừng đó mọi phẩm tính đều có tính chủ quan; kinh nghiệm của tôi không chỉ tới cái gì khác hơn kinh nghiệm của tôi. Cũng có thể thích hợp khi giả định thế giới ngoại tại là nguồn gốc của các ý tưởng của tôi nhưng không thể nào chứng minh điều đó, và người duy nghiệm chủ nghĩa chỉ còn cách ở lại trong các giới hạn của bằng cớ kinh nghiệm.

Hume, BerkeleyNewton

            Sự phân biệt giữa các phẩm tính cấp một và cấp hai dường như thiết yếu để giải thích tính chất tương đối của nhận thức và đểù chứng minh cho trình tự của ngành khoa học tự nhiên nhưng nó thực hiện hai việc đó bằng cách làm cho khái niệm có tính cảm quan chung về thế giới trở thành không thỏa đáng.

            Berkeley tìm cách tránh sự phân đôi các phẩm tính bằng cách làm cho chúng hoàn toàn tùy thuộc vào nhận thức. Bằng cách đó, vị giám mục triết gia ấy gia tăng cường độ cảm xúc của vấn đề đối với người bình thường nhưng ông đã giải cứu triết học thoát khỏi chủ nghĩa duy vật ấu trỉ (naive materialism) mà không tác động lên bản tính tổng quát của nghiên cứu khoa học.

            Thuyết *duy hiện tượng (phenomenalism) của Hume, trong khi mang nguyên tắc duy nghiệm tới giới hạn đó, ngụ ý một sự biến cải trong khái niệm khoa học về quan hệ nhân quả (causality)û, như chúng ta sẽ thấy về sau, và sự tái phát biểu ý nghĩa của định luật ấy.

            Nhưng xét về mặt khoa học, trong hệ thống của Hume không có gì mâu thuẫn một cách căn bản với các giả định của khoa học mang bản sắc Newton. Cảm quan chung bị tổn thương nhưng nó chỉ mất mát cái ngụ ý luận lý bằng niềm tin của nó rằng chỉ có nhận thức mà chúng ta sở hữu về thế giới là lệ thuộc vào các phẩm tính được truyền đạt tới kẻ nhận thức qua các giác quan của y.

 

IV. Ý nghĩa của phẩm tính

1. Ðặt vấn đề

            Có lẽ giải pháp cho vấn đề ấy lệ thuộc vào sự khảo sát ý nghĩa của từ ngữ “phẩm tính”. Có thể đúng khi nói rằng phẩm tính là các đặc tính đang có của vật, độc lập với mối tương quan với các vật khác, hoặc có thể không đúng khi giả định rằng dữ-liệu-giác-quan (sense-data) thật sự là chính các phẩm tính hoặc là những biểu hiện trực tiếp cái đã định của tâm trí thụ động.

            Trong khi xúc tiến việc chọn lựa giữa những định nghĩa vừa kể nhằm góp phần giải quyết các vấn đề do Locke, Berkeley và Hume đã đặt, ta có thể gây ra những vấn đề khác, thậm chí nan giải hơn. Và chúng ta chẳng cần phải lo lắng chuyện đó. Vì giống như khoa học, triết học tăng tiến bằng cách mỗi câu trả lời cho một câu hỏi sẽ gợi ra thêm các câu hỏi khác cần phải được trả lời.

            Ngoài niềm hy vọng giải quyết các vấn đề ấy, các phẩm tính, dù trạng thái tối hậu của chúng là gì đi nữa, cũng đều là những yếu tố cấu thành kinh nghiệm, và nếu muốn am hiểu thế giới này, chúng ta không thể trì hoản việc khảo sát chúng. Các triết gia hiện đại chấp nhận những câu trả lời khác nhau cho các câu hỏi ấy, và chúng ta có thể nắm bắt một cách tốt nhất vai trò của các phẩm tính trong tư tưởng hiện đại bằng việc khảo sát những thông giải này nọ đang xung khắc nhau.

2. Phái Aristotle: không thể định nghĩa phẩm tính:

Chỉ có thể quan sát

            Ðối với câu hỏi về bản tính của phẩm tính, ta có câu trả lời đầu tiên, khẳng định rằng phẩm tính có thật và có tính khách quan nhưng vì chính bản tính của nó nên ta không  thể nào định nghĩa nó.

            Chúng ta có thể đưa ra một thí dụ về phẩm tính nhưng không bao giờ có thể nêu được ý nghĩa của nó, theo kiểu ta có thể đưa tay chỉ tới cái chúng ta có ý nói bằng từ ngữ “tam giác”. Vì chúng ta có thể định nghĩa từ ngữ “tam giác” nên nó có ý nghĩa cho dù trong thiên nhiên không có tam giác nào hiện hữu hoặc có thể hiện hữu. Một phẩm tính không thể có bất cứ ý nghĩa nào nếu không thật sự đang có những phẩm tính có thể được quan sát.

Hạng mục tối hậu

            Người theo phái Aristotle quả quyết rằng “phẩm tính” là một hạng mục tối hậu (ultimate category) của tư tưởng, một trong những cách thức chúng ta phải dùng tới để mô tả vật đang hiện hữu vì chúng ta không thể nào trải nghiệm một bản thể tách biệt với các phẩm tính của nó. Và vì các phẩm tính có tính tối hậu theo ý nghĩa ấy, nên không thể nào định nghĩa chúng.

            Theo Aristotle, mọi định nghĩa đều đòi hỏi một chủng loại và một dấu hiệu đặc trưng riêng biệt (a genus and a specific differentia). Ðể định nghĩa một thuật ngữ, chúng ta phải biét cấp cao hơn mà nó thuộc về, như con người thuộc về cấp của những vật được gọi là “động vật”. Chúng ta cũng phải biết những phẩm tính cốt yếu phân biệt vật này với với các phần tử khác của cấp ấy, thí dụ sự sở hữu lý trí phân biệt con người với con trâu và con bò là hai vật cũng thuộc về chủng loại “động vật”.

            Vì biết chủng loại ấy (động vật) và dấu hiệu đặc trưng (lý trí) nên chúng ta mới có thể định nghĩa con người là một động vật có lý trí. Vì là hạng mục tối hậu, phẩm tính không thể thuộc về bất cứ cấp rộng lớn hơn nào, như con người thuộc về cấp các động vật; do đó, để định nghĩa, một trong những đòi hỏi căn bản là không có mặt. Vì thế, không thể định nghĩa phẩm tính.

Gắn liền với bản thể

            Ðiều đó không hàm ý rằng chúng ta không thể hiểu từ ngữ “phẩm tính” có ý nói gì. Nhưng am hiểu ấy phải phát sinh từ bản tính của thế giới và từ sự suy ngẫm của chúng ta về nó. Chúng ta biết rằng vạn vật được gọi một cách thích đáng là các bản thể và rằng mọi bản thể đều sở hữu phẩm tính. Bản thể được biểu hiện như cái luôn luôn là chủ từ chứ không bao giờ là thuộc từ, nghĩa là nó hiện hữu độc lập với các vật khác. Nói cách khác, vì là cái bị bản thể sở hữu nên phẩm tính không có tính độc lập.

            Phẩm tính chỉ có thể hiện hữu khi có một bản thể mà nó thuộc về, nghĩa là nó hoàn toàn lệ thuộc. Các phẩm tính là những phương tiện qua đó chúng ta nhận thức vật đang hiện hữu. Các phẩm tính hiện hữu trong vật cho dù chúng ta đang hay không đang quan sát nó. Sự phân biệt giữa các phẩm tính cấp một và cấp hai là vô giá trị vì hết thảy các phẩm tính đều thuộc về vạn vật.

3. Phái thực chứng: không thể định nghĩa phẩm tính

“Ðưa tay” chỉ tới đối tượng

            Trong triết học hiện đại, có một trường phái đôi khi được gọi là *duy thực chứng luận lý (logical positivism). Các triết gia thuộc phái này đi theo truyền thống tổng quát của chủ nghĩa duy nghiệm và mắc David Hume một món nợ lớn. Họ cũng nhấn mạnh rằng không thể định nghĩa phẩm tính.

            Ðể có thể hiểu một cách tương đối dễ dàng các lý do khiến họ quả quyết như thế, chúng ta ngừng lại một chút, xem xét các tiêu chuẩn được họ dùng để kiểm tra tính chính xác ý tưởng hoặc giá trị của nó. Theo họ, cách kiểm tra thích đáng giá trị của một ý tưởng thì liên quan tới khả năng chỉ tới vật được ý tưởng ấy thể hiện. Khi tuyên bố rằng trái khế màu xanh, tôi có thể chứng minh giá trị của lời tuyên bố ấy bằng cách chỉ tới một trái khế đang có màu xanh.

Phải viện dẫn kinh nghiệm

            Không có ý tưởng nào ở trong tâm trí mà trước hết không ở trong giác quan, và bất cứ ý tưởng nào không thể xác nhận bằng cách viện dẫn kinh nghiệm đều vô giá trị. Nếu tôi thốt lên câu “Thượng đế có mặt khắp mọi nơi”, thì theo người thực chứng chủ nghĩa, tôi không thật sự đưa ra một lời phát biểu mà chỉ là đang kết hợp những âm thanh vô nghĩa vào với nhau.

            Tôi không thể chỉ tới bất cái nào trong kinh nghiệm của mình có liên quan tới ý tưởng “Thượng đế” hoặc ýù tưởng “có mặt khắp mọi nơi”, và tôi không thể nhận thức hoàn cảnh khả thi nào trong đó thực tại của hai ý tưởng ấy được thiết lập, bằng cách viện dẫn kinh nghiệm của mình.

            Nếu ý tưởng tôi đang có là ý tưởng phức tạp tới độ tôi không thể viện dẫn kinh nghiệm, tôi vẫn có thể khẳng định giá trị của nó bằng cách phân tích nó thành các thành tố đơn giản. Nếu có thể viện dẫn kinh nghiệm để chứng minh cho từng thành tố đơn giản ấy lúc đó tôi mới có thể nói rằng ý tưởng ấy có giá trị, bởi lẽ những thành tố đơn giản này kết hợp thành ý tưởng phức tạp kia.

Chiết các ý tưởng phức tạp

            Chúng ta có thể tiến hành theo một tiến trình thông thường: phân tích các ý tưởng phức tạp thành những thành tố đơn giản; đó là tất cả những gì chúng ta quả thật có ý nói khi định nghĩa chúng. Do đó, hết thảy những từ ngữ có thể định nghĩa đều có khả năng phân tích thành những thành phần đơn giản cấu thành chúng.

            Nhưng chẳng chóng thì chầy, tiến trình phân tích ấy sẽ mang chúng ta tới các từ ngữ không thể nào phân tích thêm nữa, thí dụ “xanh” hoặc “đỏ”, v.v. Khi đó, cách kiểm tra duy nhất các ý tưởng ấy là viện dẫn trực tiếp kinh nghiệm, hoặc nói theo từ ngữ thông dụng hiện nay là trải nghiệm (experience).

Chỉ có thể ngụ ý theo vẻ ngoài

            Ðối với các thành tố đơn giản có thể khẳng định bằng cách viện dẫn trực tiếp kinh nghiệm, chúng ta không thể định nghĩa chúng vì không thể nào phân tích chúng. Nếu cứ nhất định phải định nghĩa chúng, chúng ta chỉ có thể nói lên ngụ ý của mình qua từ ngữ ấy bằng cách định nghĩa vẻ bên ngoài của chúng.

            Nói cách khác, từ ngữ “xanh” được định nghĩa khi ta đưa tay chỉ tới hay kể ra một vật có màu xanh. Tôi không cách gì truyền đạt cho người mù bẩm sinh ý nghĩa của từ ngữ “xanh” dù tôi có thể làm cho người ấy hiểu tôi có ý nói gì qua từ ngữ “trái khế”.

            Do đó, theo quan điểm phân tích ấy hoặc theo thuyết duy thực chứng luận lý, ta không thể nào định nghĩa phẩm tính mà chỉ có thể nói tới vẻ bên ngoài của chúng, tuy chúng có tính khách quan theo ý nghĩa chúng thuộc về đối tượng và chúng là các thành phần tối hậu cấu thành kinh nghiệm của chúng ta.

Một hàm ý quan trọng

            Nhân đây cũng có thể ghi nhận rằng lập trường nói trên ẩn chứa một hàm ý  quan trọng trong phạm vi lý thuyết đạo đức, vì “tốt/thiện” (good) được xem là một phẩm tính của hành động, do đó nó thật sự thuộc về hành động nhưng tuyệt đối không thể định nghĩa nó.

            Theo lập trường mang tính thực chứng chủ nghĩa, cách duy nhất cho thấy ý nghĩa của tốt/thiện, là “đưa tay” chỉ tới các hành động tốt/thiện.

4. Ðịnh nghĩa theo thao tác

Phẩm tính hiện hữu từ trước

            Chừng nào các phẩm tính còn có tính khách quan và còn thuộc về đối tượng, chừng đó tri thức của chúng ta về chúng không tác động lên bản tính của chúng. Chúng hiện hữu trong thế giới ngoại tại, và khi nói chúng ta biết các phẩm tính thì chỉ có nghĩa chúng ta ngụ ý rằng mình biết cái gì đó hiện hữu từ trước, trước khi xảy ra hành động biết của mình.

            Nói như thế tức là liên quan tới sự xác định rằng tri thức có thể không có giá trị, và tới giả định rằng tri thức chỉ có chức năng làm thỏa mãn sở thích muốn biết, một cách thuần lý thuyết, bản tính của vạn vật chứ không dính dáng gì tới hệ quả thực tiễn của hành động biết.

Quan điểm của Dewey

            Khái niệm nói trên về các phẩm tính sẽ bị hoàn toàn bác bỏ nếu ta xác định theo cách khác, cho rằng tri thức không thể cách ly với hành động. John Dewey, khuôn mặt hàng đầu của thuyết *duy công cụ (instrumentalism)ï và *thực dụng chủ nghĩa (pragmatism), cho rằng tri thức không thể cách ly với hành động và rằng thật vô nghĩa khi cho là đối tượng hiện hữu trước khi có hành động biết cũng như nó không bị tác động bởi tương quan biết ấy.

            Dù không quan tâm tới *siêu hình học (metaphysics), dù cho rằng mọi phát biểu về bản tính tối hậu của thực tại đều không cần thiết và bất khả thi, Dewey chấp nhận lý thuyết tổng quát về thực tại của biến đổi (vô thường, reality of change). Lý thuyết ấy không đặt căn bản trên lập luận tinh tế có tính siêu hình nào mà là trên chứng cớ trực tiếp của kinh nghiệm.

            Nếu mọi sự đang biến đổi, ta phải hoài nghi sự hiện hữu của các phẩm tính thường trực và đang thuộc về các đối tượng thường trực. Nếu mọi sự đang biến đổi, tri thức về cái đã vượt ra ngoài sự hiện hữu đều không có giá trị. Vì tri thức về các phẩm tính được xem là hiện hữu từ trước khi xảy ra việc thẩm tra, và vì thế giới – hiểu theo nghĩa vạn vật – đang biến đổi trong từng khoảnh khắc, nên tri thức ấy đương nhiên hoàn toàn vô giá trị.

            Toàn bộ tri thức, nếu muốn có ý nghĩa, phải được phát biểu cho tương lai. Thông thường, các điều kiện của cuộc sinh tồn làm chứng cho khái niệm ấy.

Xét theo thuyết tiến hóa

            Thuyết tiến hóa nhấn mạnh thực tế rằng con người là một đối tượng tự nhiên, tương tác với môi trường tự nhiên; nếu muốn sống sót, con người phải duy trì tính thích nghi với tự nhiên. Chúng ta hãy tạm gọi mối quan hệ hữu cơ với môi trường đó bằng từ ngữ “hoàn cảnh”. Thật rõ ràng rằng từ khoảnh khắc chào đời cho tới phút giây lìa đời, cuộc sống của chúng ta loanh quanh bên trong các hoàn cảnh.

            May mắn thay, các hoàn cảnh thường ổn định một cách hợp lý và các cách thức mà thói quen đáp ứng với môi trường thường làm ta vừa ý. Cuộc sống hẳn không thể nào chịu đựng nổi nếu chúng ta cứ phải ra lệnh cho bao tử phải tiêu hóa thức ăn vừa nuốt vào, hoặc cứ phải để mắt dò chừng từng bước đi của mình. Các hoạt động ấy được tiến hành hoàn toàn tốt đẹp mà không có bất cứ sự giám thị hoặc kiểm tra nào có tính trí tuệ. Và cứ thế, trong nhiều lãnh vực rộng lớn của cuộc sống, chúng ta không cần phải đắn đo suy nghĩ.

            Chúng ta chỉ bắt đầu suy nghĩ khi có một hoàn cảnh bị trục trặc hoặc sụp đổ, phát sinh vấn đề và đòi hỏi chúng ta phải điều chỉnh một cách thích đáng để giải quyết. Nếu bạn đang ngồi xem cải lương và rạp hát bốc cháy, hoàn cảnh ấy rất khác các hoàn cảnh thông thường tới độ bạn không có thói quen thích hợp để sẵn sàng đáp ứng. Nếu lúc đó, cứ theo những thôi thúc tự nhiên, nhắm mắt nhắm mũi đâm đầu chạy, bạn có thể sẽ không thoát ra khỏi đám cháy hoặc bị kẻ khác dẫm chết.

Suy tưởng là để hành động

            Trong những hoàn cảnh (phát sinh vấn đề) như thế, chúng ta bị buộc phải suy nghĩ, và suy nghĩ chỉ có nghĩa là hành động sửa chữa thật sự hoàn cảnh ấy dưới sự hướng dẫn của ý tưởng hay kế hoạch hành động, đưa tới kết quả là chúng ta có giải pháp cho vấn đề.

            Nếu cho rằng ý tưởng là một giả thuyết, một kế hoạch hành động, một gợi ý về phương cách xử lý, chúng ta sẽ thấy rằng nó bao hàm tính khả thi của việc thao tác vận dụng vật, hướng tới các cùng đích nhất định. Trong rạp hát đang bốc cháy, không có chuyện trầm ngâm nghĩ ngợi tới việc làm thế nào cho da đừng bị phỏng, vì suy tưởng kiểu đó tức là không có khả năng giải quyết ngay tức khắc vấn đề, và thật chẳng có chút ý nghĩa nào khi đề nghị các kế hoạch hành động này nọ vì nó không thích đáng với hoàn cảnh trước mắt.

            Ngay lúc đó, các ý tưởng của chúng ta phải liên quan tới hoàn cảnh thực tiễn, phải thích đáng để có ngay giải pháp, bởi thế ta nên nhìn các lối đi khác nhau giữa các dãy ghế, tìm lối nào không có đông người đang chen lấn nhau, để chạy ra xa chỗ đang cháy, dẫn thẳng tới cánh cửa có ghi chữ “lối ra”. Các ý tưởng như thế phản ánh những phẩm tính của hoàn cảnh theo nghĩa chúng chỉ tới những cách thế hành động thật sự, hoặc cách vận dụng hoàn cảnh.

Phẩm tính và hành động khả thi

            Minh họa ấy có thể góp phần cho thấy rằng có thể định nghĩa phẩm tính là dấu hiệu của một hành động khả thi. Cách định nghĩa từ ngữ này được gọi là định nghĩa thao tác (operational definition). Một từ ngữ chỉ được định nghĩa, tức là chỉ mang ý nghĩa, khi nó có thể cho thấy nó có dính dáng tới thao tác hoặc làm cho thao tác ấy thành khả thi.

            Nhà hóa học hiện đại không bận tâm tới bản tính của các hóa chất y đang sử dụng như cái gì đó tách biệt với các quan hệ của chúng hoặc với các hành động khả thi. Y chỉ quan tâm tới việc khám phá tương quan giữa các hóa chất, những đặc tính đang chỉ rõ các thao tác có thể thực hiện trên chúng và qua chúng.

            Nếu tôi nói rằng đường có thể hòa tan, tôi không có ý khẳng định rằng có một phẩm tính khách quan thuộc về một bản thể được gọi là đường, cái góp phần vạch rõ cho tôi thấy bản tính của nó. Tôi quả thật chỉ có ý nói rằng nếu tôi cho đường vào một dung dịch nóng, nó sẽ phân hủy. Khi tôi nói rằng đường ngọt, tôi có ý khẳng định rằng trong một hoàn cảnh nhất định, thao tác được gọi là hòa tan sẽ được tiếp theo bởi sự biến đổi trong vị của dung dịch.

Tri thức là để có giải pháp     

            Dewey quả quyết rằng đó là cách thích đáng để định nghĩa phẩm tính, và đó là cách duy nhất có ý nghĩa. Tri thức không là một nắm bắt có tính trí tuệ về bản tính tiền-hiện-hữu (pre-existing nature) nhưng nó tương đương với những khẳng định đã được chứng thực về những phương cách hành động thích đáng trong những hoàn cảnh riêng biệt.

            Do đó, tri thức không liên quan tới bản tính của các thực thể độc lập và hiện hữu trước khi có hành động biết (tiền hiện hữu) được gọi là các phẩm tính, nhưng liên quan tới sự đánh giá chính xác các thao tác có thể thực hiện, và phẩm tính là dấu hiệu của thao tác đó.

Phẩm tính không cấp bậc

            Theo định nghĩa ấy, rõ ràng rằng sự phân biệt giữa các phẩm tính cấp một và cấp hai là vô giá trị. Phẩm tính không tương đương với dữ liệu giác quan trong ý thức, và không thể có sự phân biệt giữa các phẩm tính được nhận thức và phẩm tính không được nhận thức.

            Vì phẩm tính không hiện hữu độc lập mà chỉ là những dấu hiệu của các thao tác khả thi nên vấn đề ấy chỉ là kết quả của sự phân tích không thích đáng về tri thức và về bản tính.

5. Phẩm tính là thông giải

Tâm trí chủ động

            Chủ nghĩa duy tâm chống cả lý thuyết giả định rằng tâm trí thụ động lẫn lý thuyết cho rằng phẩm tính chỉ là dấu hiệu của thao tác khả thi.

            Thuyết thứ nhất hàm ý rằng phẩm tính thuộc về thế giới ngoại tại và độc lập, thông qua giác quan truyền đạt tới tâm trí thụ động. Triết gia Ðức *Immanuel Kant (1724-1804) nhấn mạnh rằng không thể nào cắt nghĩa tri thức nếu chúng ta không giả định rằng tâm trí chủ động, vì thế bất cứ lý thuyết nào về bản tính của phẩm tính có hàm ý tính thụ động của tâm trí đều chắc chắn không chính xác.

Ý thức hiện hữu vì xác thực

            Mặt khác, lý thuyết của Dewey giới hạn ý nghĩa của tri thức trong các hoàn cảnh thực tiễn. Nói rằng tri thức phải gắn bó chặt chẽ với hành động thì chẳng khác gì cho rằng tri thức không là gì cả mà chỉ là bản tường trình về cái đã được thể hiện trong hoàn cảnh hiện hành. Và như thế, thuyết thứ hai này tạo khó khăn cho việc biện minh cho khoa học thuần túy hoặc triết học suy tưởng.

            Khẳng định rằng ý tưởng chỉ là kế hoạch hành động thì rất gần với lời khẳng định rằng ý tưởng chỉ xác thực vì nó hữu hiệu, trong khi đó, có lẽ chính xác hơn nếu nói ngược lại rằng ý tưởng chỉ hữu hiệu vì nó xác thực.

Tâm trí thông giải vật

            Hoạt động của tâm trí được vén lộ trong những thông giải qua đó cái được cung cấp (vật hay sự kiện hay hoàn cảnh, v.v.) được triển khai và được thấu hiểu. Cần vạch rõ rằng chúng ta không bao giờ trải nghiệm hết thảy các phẩm tính cấu thành một đối tượng và rằng chúng ta cũng chẳng cần phải trải nghiệm mức như thế.

            Nếu màu trắng ấy có nghĩa là “canô”, thì nó thiết yếu đối với chủ thể để sở hữu từ ngữ tổng quát “canô” và để hiểu nó trước khi có khả năng thông giải như thế. Một người sinh ra và lớn lên trong một buôn làng heo hút ở vùng cao, chưa bao giờ đặt chân ra khỏi vùng rừng núi của mình, chưa hề nghe nói tới và chưa hề thấy canô, và giả dụ người ấy biết nói tiếng Kinh, sẽ hoàn toàn không có khả năng thông giải màu trắng ấy thành canô.

            Từ ngữ canôâ có tính phổ quát theo ý nghĩa rằng nó không ngụ ý tới chiếc canô A hoặc chiếc canô B nhưng bao hàm hết thảy các loại xuồng máy có thể được gọi một cách thích đáng là canô. Tiến trình của hành động biết này là sự triển khai các thành tố được cung cấp thành ý nghĩa đầy đủ của nó nhờ công dụng của những cái phổ quát ấy.

Phẩm tính không độc lập

            Tiếp đến, phẩm tính, như thế, không hiện hữu trong một bản thể vật chất nào đó độc lập với tâm trí; đúng ra, nó tùy thuộc vào tương quan giữa cái được cung cấp và hoạt động của tâm trí. Vật chất trở thành có ý nghĩa khi nó được giảm thiểu thành ý thức và được thông giải bằng những cái phổ quát.

            Khởi điểm của trình tự này được đồng hóa với các cấp bậc đơn giản hơn, đánh dấu bởi những thông giải như “cái này trắng” trong đó “cái này” thay thế cho cái được cung cấp, và “trắng” thay thế cho cái phổ quát qua đó cái được cung cấp được thông giải hoặc được làm cho có ý nghĩa.

Ý tưởng là ý nghĩa của vật

            Tới đây, có lẽ bạn phải thận trọng, đừng nghĩ rằng người duy tâm chủ nghĩa có vẻ như đang có một số cái phổ quát bí nhiệm nào đó để theo đó, họ sắp xếp các vật được cung cấp. Người duy tâm chủ nghĩa quả quyết rằng sự thông giải tiềm ẩn trong kinh nghiệm giác quan và rằng tâm trí chỉ làm công việc triển khai ý nghĩa của cái được cung cấp.

            Lập trường này phủ định sự tách đôi thành các phẩm tính cấp một và cấp hai, vì mọi phẩm tính chỉ là sự thông giải cái được cung cấp, nói cách khác, cái được cung cấp chỉ có thể có ý nghĩa một khi nó được thông giải.

            Ý tưởng là ý nghĩa – không phải là hình ảønh – của vạn vật. Nếu thuyết duy nghiệm về nhận thức là có giá trị, người ta có thể tưởng tượng rằng nhà phẫu thuật não có khả năng nhận thức các ý tưởng trong não của tôi. Như thế, về mặt lý thuyết, y có thể biết những gì tôi biết.

            Người duy tâm chủ nghĩa quả quyết rằng cho dẫu có những hình ảnh trong não làm đối tượng thẩm tra đi nữa, cũng không nhà phẫu thuật não nào biết hình ảnh, thí dụ “màu đỏ”, có ý nghĩa gì đối với tôi. Chỉ riêng ý nghĩa và một mình ý nghĩa mới là vấn đề. Do đó, người duy tâm chủ nghĩa nhấn mạnh tính chất phổ quát của phẩm tính như là những thành tố gốc (original elements) của ý thức.

6. Tương tác theo quan điểm hiện đại

Chưa ổn thỏa

            Như đã nêu ý kiến ở một đoạn trên, mô tả tổng quát vừa rồi về lối tiếp cận có tính triết học và đa dạng vào ý nghĩa của phẩm tính có lẽ gây thêm nhiều vấn đề hơn là giải quyết vấn đề.

            Ðây là một lãnh vực tra vấn cực kỳ quan trọng cho việc am hiểu bản tính của thế giới nhưng lại không đạt tới các kết luận ổn thỏa. Do đó, nó làm thành một thách đố cho những ai khắc khoải muốn phanh phui bí mật của thiên nhiên.

Phẩm tính và toàn bộ hoàn cảnh

            Mặt khác, người ta có thể đồng ý một cách khái quát rằng vấn đề được khoa học mang bản sắc Galileo và khoa học mang bản sắc Newton nêu lên về sự khác biệt giữa thế giới vật chất và thế giới tinh thần có thể nói là đã biến mất. Sự tách đôi bản tính vốn biểu hiện một sự trừu tượng hóa và một khái niệm về bản tính đặt cơ sở trên định nghĩa hẹp hòi về vật chất, nay không còn được xem là thích đáng.

            Vì hầu hết các học thuyết hiện đại đều bao hàm một lý thuyết tổng quát nào đó về sự tương tác (interaction) giữa vật và môi trường, nên có thể đưa tới ý tưởng rằng tất cả các lý thuyết ấy đều đồng thuận, trong chừng mực nào đó, phẩm tính là chức năng của toàn bộ hoàn cảnh trong đó bao gồm đối tượng (khách thể), trung gian truyền đạt, và người nhận thức (chủ thể). Trong các thành tố làm nên toàn bộ hoàn cảnh ấy, nếu mất đi một thành tố thì mất luôn ý nghĩa bản tính có phẩm tính của hiện hữu (qualitative nature of existence).

            Nếu lý thuyết tương tác này đúng thì hoàn toàn sai khi nói rằng đối tượng có phẩm tính độc lập trong quan hệ với các vật khác, hoặc rằng sự hiện hữu của phẩm tính chỉ lệ thuộc vào hoạt động của người nhận thức.

 

V. Tóm lược

Thế giới của phẩm tính          

            Không thành vấn đề việc chúng ta chấp nhận cái nào trong những thông giải vừa kể, vì một khi đã chấp nhận một cái có nghĩa chúng ta đã quyết định chiều hướng thông giải mang tính triết học của mình về thế giới.

            Ðối với kinh nghiệm bình thường, thế giới là thế giới của phẩm tính. Nếu phẩm tính hiện hữu trong các đối tượng ngoại tại của thế giới ngoại tại và độc lập với người nhận thức, lúc đó chúng ta phải thông giải bản thể theo truyền thống *duy thực chủ nghĩa (realism).

Vật là dấu hiệu của thao tác

            Nếu chúng ta chấp nhận quan điểm cho rằng phẩm tính chỉ là dấu hiệu của thao tác khả thi thì vấn nạn về tính cố hữu của chúng trong bản thể là một vấn nạn vô nghĩa. Lúc đó, các đối tượng của kinh nghiệm không là cái gì đó được cung cấp cho chúng ta; đúng hơn, ta sẽ xem chúng như được lập thành bởi sự quan sát các thao tác khả thi, và ta sẽ định nghĩa vật như một hội tụ các tiềm năng hoạt động.

            Trong khi định nghĩa một đối tượng, các nhà khoa học đều có trong tâm trí mình những thao tác khả thi trong các hoàn cảnh khác nhau. Ðiều này đặc biệt đúng trong hóa học. Như thế, “vật” là dấu hiệu của thao tác thực hiện được hoặc có thể thực hiện.

Vật là thông giải

            Nếu đồng ý với người duy tâm chủ nghĩa, chúng ta phải cho rằng đối với mỗi người, thế giới là cái gì đó không độc lập với người nhận thức nhưng đúng hơn, là cái gì đó được lập nên qua sự thông giải cái được cung cấp tức thời trong kinh nghiệm.

            Lúc đó, đối với mỗi người chúng ta, thế giới sẽ tương đương với một hệ thống các ý nghĩa. Hiểu theo lối này, nó có phần nào giống với khoa học được quan niệm như một hệ thống các ý nghĩa với tính nhất quán trọn vẹn và toàn diện đạt tới mức lý tưởng. Khi phát hiện các sự kiện mới mẻ, chúng được đưa vào một hệ thống khoa học cho dẫu việc tiếp nhận cái mới đó có thể tạo nên tình trạng không nhất quán hoặc mâu thuẫn.

Thật sự sở hữu tri thức

            Nhưng khoa học không thể tiếp tục an tâm với tình trạng mâu thuẫn. Và ta có thể đi tìm giải pháp bằng cách xét lại để đề ra một lý thuyết khoa học nhất quán và toàn diện hơn hầu loại bỏ mâu thuẫn, và qua đó, tiến lên vị trí cao hơn. Ðối với người duy tâm chủ nghĩa, đó là cách mà toàn bộ kinh nghiệm, toàn bộ tri thức của chúng ta tăng trưởng.

            Cũng một kiểu mẫu giống y như thế được minh họa trong quá trình phát triển cá nhân khi chúng ta tăng trưởng trong tri thức và trở thành người có giáo dục. Nhiều người trong chúng ta không đạt tới lý tưởng khoa học vì cứ mãi bảo lưu các ý tưởng xung khắc nhau và không cảm thấy cơn thôi thúc không cưỡng nổi, đòi hỏi phải nhất quán trọn vẹn.

            Tuy thế chỉ khi nào chúng ta nỗ lực khắc phục các lập trường mâu thuẫn nhau bằng những thông giải thích đáng hơn và bằng các nguyên tắc nhất quán hơn, lúc đó chúng ta mới thật sự cho rằng mình đang sở hữu tri thức.

Vấn đề là thông giải

            Toàn bộ việc biết chỉ là vấn đề thông giải. Khái niệm đó về tri thức có nghĩa rằng các phẩm tính đơn giản như “vàng” và “ngọt” không được cung cấp mà chỉ là những cái tương đương của toàn bộ tiến trình thông giải. Hoặc nói một cách độc đáo hơn, như triêát gia xã hội và phê bình văn hóa *hậu hiện đại chủ nghĩa người Pháp *Jean Baudrillard (1929-2004) rằng chúng ta đang sống trong thế giới của các hình ảnh nhưng chúng chỉ là những bản-thế-vì (simulations) cho các hình ảnh ấy.

            Các phẩm tính đơn giản biểu hiện cấp độ thấp nhất hoặc những khởi đầu. Hết thảy những phẩm tính đều là những thông giải về cái được cung cấp. Các phẩm tính đơn giản có tính khách quan không kém bất cứ thành tố nào của khác kinh nghiệm trong ý nghĩa rằng nếu chúng ta đáp ứng đầy đủ hoặc muốn hiểu rõ thế giới, chúng ta phải đưa ra những thông giải nhất định. Những kẻ có khả năng ấy và được đào tạo đều có thể đưa ra những thông giải ấy. Và cái đúng ở cấp độ này cũng đúng trong toàn bộ phạm vi kinh nghiệm.

Trải nghiệm và thế giới

            Ðể khép lại chương này, có lẽ cách tốt là nên thêm lần nữa đề cập tới các giới hạn do những đường biên của kinh nghiệm phẩm tính đặt ra cho chúng ta. Dù chúng ta thông giải phẩm tính ra sao đi nữa, chúng vẫn là những thành phần căn bản cấu thành thế giới. Và đối với chúng ta, thế giới không thể nào lớn hơn những giới hạn của kinh nghiệm phẩm tính của chúng ta.

            Có một thực tế được nhiều người biết rõ, đó là có nhiều phẩm tính nằm ngay trong phạm vi các khả năng của chúng ta mà chúng ta không biết tới. Ðó là những phẩm tính mà bằng bước nhảy khiêm tốn nhất, chúng ta thoát ra khỏi tình trạngï quan sát hời hợt. Cũng đúng như thế trong âm nhạc, lỗ tai không thành thạo thì để vuột mất hầu hết những gì kỳ diệu vì nó không thể nào phân biệt và phân tích các âm thanh phức hợp.

Ðánh thức các giác quan

            Cái đúng trong thiên nhiên và nghệ thuật thì cũng đúng trong toàn bộ kinh nghiệm của chúng ta. Nếu muốn đánh giá thế giới đúng như nó thật sự đang là và trong những giới hạn năng lực của mình, chúng ta phải đánh thức tính hiếu kỳ và niềm mong muốn được thao luyện các giác quan hiện chưa rành phân biệt của mình.

            Chỉ mới với hai giác quan thôi mà chúng ta đã biết tới cái đẹp của màu sắc và của âm thanh. Còn nữa, bằng sự tập trung vào chúng và qua chúng, chúng ta biến hóa thế giới và thưởng thức nó. Thế giới chỉ được vén lộ bằng trải nghiệm phẩm tính của nó, và sự tinh tế trong cách kết cấu của thế giới chỉ được nhìn rõ và tiếp nhận bởi những ai có nhận thức nhạy bén./.

 

Nguyễn Ước
Số lần đọc: 3147
Ngày đăng: 12.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ cần thiết cho ai - Nguyễn Đức Tùng
Đặc Trưng Văn Hóa và Ý Nghĩa Biểu Trưng Tôn Giáo của Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa - 1 - Đinh Văn Hạnh
Đặc Trưng Văn Hóa và Ý Nghĩa Biểu Trưng Tôn Giáo của Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa - 2 - Đinh Văn Hạnh
Vũ Bằng và Nghệ Thuật Viết Chân Dung Văn Học - Đỗ Ngọc Thạch
Hoàng Sa-Trường Sa Là của Việt Nam - Đinh Kim Phúc
Những bất lợi lớn trong các dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên - Nguyễn Trung
Bàn về Vạn vật -1 - Nguyễn Ước
Bàn về Vạn vật -2 - Nguyễn Ước
Từ Những Địa Danh Nghĩ về Chất Ký Trong Thơ Quang Dũng - Trương Quang Cảm
Tửu Lượng Trong Truyện Kim Dung - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả
Ðạo đức học-1 (tiểu luận)
Ðạo đức học-2 (tiểu luận)
Ðạo đức học-3 (tiểu luận)
Ðôi nét Hồi giáo (tiểu luận)
Ðôi nét Kitô giáo (tiểu luận)
Cứu cánh luận (tiểu luận)
Cứu cánh luận-2 (tiểu luận)
Bàn về Giá trị-2 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -1 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 1 (tiểu luận)
Ấn giáo - 2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 3 (tiểu luận)
Ðám rước- 1 (tiểu luận)
Nụ hôn với quỉ -1 (truyện ngắn)
Nụ hôn với quỉ II (truyện ngắn)
Vua một năm (truyện ngắn)
Minh Triết -1 (triết học)
Minh Triết -2 (triết học)
Những kẻ thờ Satan (truyện ngắn)
Bài giảng trên núi (truyện ngắn)
Cơn bão (truyện ngắn)