Cách nay hơn 37 năm (th.3/1972), trên KH và TT tôi đã có dịp đọc tập thơ đầu tay của Nhà Thơ Hoàng Lộc – đó là tập “Trái Tim Còn Lại” (Quế Sơn – XB th.9/1971). Báo và bản thảo đều bị “thất lạc” sau 75. May thay, một người bạn Văn ở Bến Tre vừa gởi cho một số sách và bản thảo cũ của tôi – trong đó có bài viết về tập thơ “Trái Tim Còn Lại”… Nhận thấy những ghi nhận lúc ấy vẫn còn nhiều ý nghĩa cho sinh hoạt VHNT hôm nay – nên xin được đăng lại …như lưu giữ một kỷ niệm! MVL
Trái Tim Còn Lại là tập thơ đã được trao giải thi ca Văn Bút Việt Nam năm 1970 của Hoàng Lộc – một nhà thơ trẻ. Tác giả là một nhà thơ quen thuộc của các tạp chí Bách Khoa, Văn, Văn học, Khởi Hành (…) Thi phẩm in dày 80 trang, gồm 28 bài thơ, đủ các thể loại (bảy chữ, lục bát, năm chữ, tự do và tám chữ). Bìa in ba màu (màu tím, xanh biển và đen) do họa sĩ Trịnh Cung vẽ, và hai phụ bản thật dễ thương của Lê Chánh. Tóm lại, phần trình bày của tập thơ có một nét đẹp giản dị, không hẳn là một tập thơ có hình thức lý tưởng (mà phải đòi hỏi nhiều tốn kém), nhưng đã là một tập thơ rất thơ. Trang nhã. Quyến rũ. Trái Tim Còn Lại do Quế Sơn xuất bản, phát hành tháng 9 năm 1971.
Trước đây tôi đã có nhiều dịp đọc Hoàng Lộc rải rác trên nhiều tạp chí, đã có lòng mến mộ vì những bài thơ tình thơ mộng rất học trò rất kiều diễm, nhưng cho tới bây giờ mới được đọc Ông với nguyên một tác phẩm được in ra. TRÁI TIM CÒN LẠI dầu chưa có thể cho tôi biết rõ được con đường dài đang tới trong dòng sáng tác của Ông- nhưng qua hai mươi tám bài thơ bày tỏ như một tâm sư liên tục; tôi đã nhìn thấy được mối suy tưởng đã qua và hiện có - thể hiện trong thơ ông : Cái nhan “Trái Tim Còn Lại” trước hết cho tôi hình dung được một hình ảnh ngời sáng sau cùng thực đáng lưu ý để từ đó bước dần vào thơ Ông theo nguồn xúc cảm mới. Dĩ nhiên là có nhiều ngã đường dẫn vào thế giới thơ Hoàng Lộc, có nhiều khía cạnh của mỗi giòng thơ được viết ra, nhưng ở đây, phạm vi bài này, tôi xin đề cập tới một tiêu đề, theo tôi, đó là một điểm tựa chính yếu (ít nhất là cho tập thơ này) : Trái Tim. Hy vọng rằng, trong một bài khác, tôi có thể sẽ nói tới Ông như là một nhà thơ tuyệt vời nhất của một cõi Tình yêu đầy mộng. “Áo trắng nõn nà chiều tan học / Nên mấy phong trần cũng thấy vui” – (Ngày Về Phép Cuối ở Hội An, tr 72.) (…). Vào đầu tập thơ, Ông đã cho trích hai câu thơ của bài “Qua Những Chặng Thăng Trầm” (tr.53):
Tôi còn lại trái tim người biết khóc,
Xin giữ làm kỷ niệm giữa hư vô.
Trài Tim, một báu vật thực linh thiêng của đời người, nó là biểu tượng của Tình yêu, của rung động, của lòng thành, của giá trị còn lại của con người. Trái Tim đã được Hoàng Lộc nói tới khá nhiều trong thơ Ông, như một nhắc nhở, phơi bày, tâm sự với mọi người một cách hết sức tha thiết. Trước hết, với một người yêu nào đó (ở Hội An, Vĩnh Điện hay Chánh Hưng?):
Anh còn trái tim còn màu da vàng
Em còn Tình yêu với bờ tóc chết
(Đầu Năm Cho Tình Yêu – tr.11)
Nhưng “Trái Tim Còn Lại” của Hoàng Lộc không là một trái tim hồng tươi, tim hy vọng, tim hạnh phúc: Đó là một trái tim đã héo, đã chai, đã rạn vỡ vì quá nhiều đau xót can qua. Ông đã viết như là một luyến tiếc ngậm ngùi cho một người tình (Có thể coi là một lời nhắn gửi cuối ?):
Hỡi con chim xưa lạc loài bé nhỏ
Đường tim hồng hãy soãi cánh cho nhanh
(Trời Xưa Cũ – tr.22)
Trái tim hồng son phơi phới mầm hy vọng kia đã có một thời che chở người thơ như là một hầm trú kiên cố nhất. Tim ru nồng tình người – Tim che chở bom đạn thù hận :
Em dẫn anh về thành phố
Bằng trái tim giận hờn
Làm nơi trốn pháo kích
(Ngoại Ô – tr.41)
Tâm sự của Ông bày tỏ một cách thật đầy đủ, thật bùi ngùi trong “Lần Hành Quân Trở Về” (tr.75). Sau một cuộc chém giết, sau những giờ phút xao động vì máu lửa bịt bùng, quay trở lại với sự chiến thắng ảo não đã khiến Ông cảm nhận rõ ràng sự lạc lõng ngơ ngác của đời mình trong thù hận. Ông đã thố lộ :
Muốn hỏi em lời buồn không hỏi được
Nên buổi chiều chiến thắng cũng sầu bi
Anh bé nhỏ như một loài ngựa lạc
Trái tim khô se sắt buổi quay về
(Lần Hành Quân Trở Về - 75)
Và đã nghĩ tới một ngày mai vô cùng ảm đảm :
Một ngày mai quỷ dữ
Ngự xuống từng con tim
Anh sẽ vào tu viện
Để muôn đời quên em
(Tiên Đoán – tr.62)
Sự “tiên đoán” của Hoàng Lộc không có gì lạ lùng để ngạc nhiên bởi vì đã nhiều lần Ông bày tỏ nỗi lòng (qua trái tim) là một hình ảnh tan vỡ, thất lạc, héo hắt tuyệt vọng cùng cực : “Anh còn lại trái tim người biết khóc / Xin giữ làm kỷ niệm giữa hư vô”. Trái tim được gửi vào cõi vô tận, hư ảo, vụn vỡ chơi vơi như mây gió. Có còn một số kiếp nào khác để trái tim được tươi hồng trở lại? Với người yêu ? Với bè bạn ? Với người thân? Với quê hương? Đó là một câu hỏi tắt nghẽn trong sự lạc loài cô độc giữa cõi chết trùng trùng; đây là một cảm tưởng tiêu biểu của Ông (nói với người yêu nào đó ở Chánh Hưng?):
Mắt ta mờ mịt luân hồi
Trái tim đã vỡ cuối thời phân tranh
Về nghe lá đổ vai mình
Thương con phố lạ đôi cành bóng xiêu
Này anh phận mỏng tay nghèo
Ngó đi em để xế chiếu nhớ nhau
(Khi Ghé Chánh Hưng – tr.25)
Hay :
Muốn vứt chuyện phân tranh ngoài tầm trí nhớ
Vẫn hằn trong tim những vết thương thầm
(Ơi Hoang Đường Ta – tr.26)
Tình yêu là một nơi chốn vừa quyến rũ vừa gợi nhiều nỗi tâm sự, bởi thế Hoàng Lộc đã qua người yêu, nói hết được những xúc cảm chân thực của tim Ông. Về chiến tranh. Về thù hận. Về số phận. Về tương lai. Về quê hương , v.v… Phải chăng chỉ có tiếng nói thì thầm rung động đó mới là tiếng nói thực của tim người ? Tôi đã tìm hiểu được dòng tư tưởng Hoàng Lộc nhờ những dòng bày tỏ tha thiết tràn đầy xúc cảm đó. Tuy vậy, chúng ta cũng có thể tìm thấy một vài nhắc nhở, tâm sự về cuộc đời ông qua ảnh hình của người thân, cha và mẹ :
Tim đọng lời di chúc
Của người cha chết oan
Một chiều bên núi đá
Hy vọng nào cho con
Đời sau còn tiếp nối?
Ngồi trong vùng nước độc
Nhớ mẹ hiền quê nhà
Chiếc rìu trên tay nhỏ
Có mong gì tương lai
Khi còng lưng tuổi trẻ
(Vì Mê Đi Tìm Trầm – tr.31)
Một nơi chốn, theo tôi, cũng ngọt ngào tươi mát như Tình yêu mà cũng là nơi dễ gợi nhiều tâm sự nhất đó là tình bằng hữu. Ở trong mối tình này, Hoàng Lộc cũng có những phát biểu như cùng một tâm sự, một dòng nước cùng nguồn để nói về đời sống, hy vọng, tương lai :
Nỗi hy vọng anh em
Chảy ngang dòng máu đỏ
Tôi đập vào bóng đêm
Bằng con tim phẫn nộ
Vui đã nhiều hoan hô
Buồn cũng rồi đả đảo
Giờ chúng tôi vẫn ngồi
Giữa dòng dây kẽm đó .
(Nhớ Một Thuở Cầm Cờ - tr.50)
Và cũng chính vì thế mà :
Xứ sở đó sắt se hồn dân tộc
Phượng hoàng kia ngoảnh cổ gáy mơ hồ
Tôi còn lại trái tim người biết khóc
Xin giữ làm kỷ niệm giữa hư vô.
Như đã trình bày ngay từ lúc đầu, tôi chỉ mới đề cập “Trài Tim Còn Lại” với một khía cạnh được giải tỏ của tác giả ; tuy vậy đọc hết tất cả những giòng thơ trong toàn tập, tôi có thể kết luận : thi cảm của Ông là một giòng nước lớn, trong, và tươi mát. Một giòng nước chảy rất chậm, rất êm ái qua hồn người, nhưng đã để lại vô cùng xao động, mênh mang, và lâu bền. Thơ trước tiên là một niềm xúc cảm mạnh mẽ, Hoàng Lộc đã viết ra mỗi dòng thơ đều bay thoát từ cái cảm xúc nồng nàn đó nên Ông đã truyền thấu được người đọc nhiều rung cảm như Ông. Ông thành công nhất ở thơ bảy và tám chữ. Thơ lục bát của Ông cũng là những thi cảm thi âm lạ, vì thế nó không nhập nhòa trùng hợp dễ gây nản chán như những bài thơ chỉ là một sự ghép chữ không hơn không kém khác mà tôi đã có dịp đọc. Tiếp tục cái đà khám phá, xây đắp xúc cảm cho tuyệt đỉnh, thơ Ông là những rung chuyển mạnh cho thế giới thơ hôm nay. Tôi cũng tìm thấy niềm hy vọng đó ở những người thơ như Luân Hoán, Trần Huiền Ân, Lâm Chương, Hà Nguyên Thạch, Hoàng Đình Huy Quan, Vũ Hữu Định, Hà Thúc Sinh, Mường Mán, Lâm Hảo Dũng, Phạm Cao Hoàng, v.v… Ngày nay, có thể nói thơ đã được nhiều người viết (hay thở) nhưng thơ không thể là một gán ghép, thu xếp bằng chữ nghĩa trống không mà nghe rất sang sảng. Rất triết lý chắp vá kỳ quặt. Thơ phải là một đời sống luôn trôi chảy, mải miết rung chuyển, vô cùng gần gũi với tâm hồn chớ không là mớ ngôn từ cóp nhặt giả trá để lừa đảo chính mình và người đọc. Đọc “Trái Tim Còn Lại” của Hoàng Lộc, tôi rất hy vọng. Tôi muốn được truyền niềm hân hoan tin tưởng này tới tất cả. Hôm nay./.
Tuy Hòa, tháng 3.1972