Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.138
123.227.554
 
Cây gõ thiêng trả ơn ngôi cổ tự
Phan Hoàng

Long Tường là một trong những ngôi chùa cổ của Phú Yên- tỉnh duyên hải Nam Trung bộ mà sắp tới kỷ niệm 400 năm thành lập (1611-2011), tính từ khi chúa Nguyễn Hoàng dẹp yên quân Chiêm Thành xâm lấn bờ cõi, lập phủ Phú Yên thuộc dinh Quảng Nam. Chùa Long Tường do Hoà thượng Thích Trí Quang khai sơn tạo lập, là tổ đình của hầu hết các ngôi chùa ở phía nam sông Đà Rằng (tức hạ lưu sông Ba), hiện nằm ở địa phận thôn Phú Thọ, xã Hoà Mỹ Đông, huyện Tây Hoà.

 

Các vị hoà thượng trụ trì như Thanh Chơn, Vạn Khánh, Hoằng Giác,… đã nối tiếp nhau chống chọi với thiên nhiên và hoà mình vào lịch sử đấu tranh của dân tộc, để bảo vệ và xây dựng chùa cũng như cả vùng đất một thời trấn biên này. Chùa Long Tường còn là tổ đình xuất thân của nhiều vị hoà thượng khác đi truyền giáo và xây dựng chùa mới, như Vạn Ân, Vạn Kim, Vạn Thành,… và cũng là nơi gắn bó của nhiều hoà thượng nổi tiếng như Phi Lai, Diệu Quang,…

 

Toạ lạc trên vùng cận sơn, chùa Long Tường có phong cảnh sông núi hữu tình. Mặt tiền chùa hướng về dãy núi Quảng Tường uy nghi như con rồng uốn lượn trong mây. Bao bọc ngay trước mặt và bên phải chùa là cánh đồng xanh ngút ngàn, ruộng lúa xen lẫn ruộng dưa, khoai, sắn. Sát bên trái chùa là con sông Bánh Lái thơ mộng, với hai bến Chùa và bến Trâu cát trắng nước trong.

 

Do nằm ở vùng đất thường xuyên bị thiên tai và diễn ra nhiều trận chiến ác liệt, tổ đình Long Tường đã bị hư hại đổ nát, rồi được phục dựng trở lại, mà lần trùng tu gần nhất do sư trụ trì Tâm Bổn thực hiện từ năm 1989-1992. Di sản vật chất quí nhất còn lại của chùa có lẽ là vườn tháp cổ gần 150 năm, nơi an nghỉ của các vị hoà thượng trụ trì; cùng cây gõ trên 300 năm tuổi.

 

Năm Quí Dậu- 1993, Phú Yên hứng chịu hai trận lụt và bão nối tiếp nhau hoành hành. Đây là cơn thiên tai lớn nhất tỉnh này trong thế kỷ XX, gây thiệt hại rất nhiều nhân mạng và của cải. Chùa Long Tường cũng cùng chung số phận, bị nước lũ tràn ngập và gió bão tàn phá công trình, cây cối, dù mới trùng tu được gần một năm. Đặc biệt, cây gõ cổ thụ hơn 300 tuổi trước sân chùa, gốc ba người ôm không hết, vốn được chăm sóc bảo vệ nghiêm ngặt, đã bị nước lũ xoáy trốc gốc và bão hất đổ. Nhưng rồi một chuyện lạ hiếm thấy đã diễn ra: cây gõ bị ngã vừa đến sát mái chùa thì bỗng dưng như có bàn tay thần thông màu nhiệm nào đó chặn lại. Chỉ một tích tắc nữa thôi là toàn bộ ngôi cổ tự nát vụn dưới thân cổ thụ. Một sự diệu kỳ đến khó tin. Chứng kiến hiện tượng cây gõ không chịu đổ ập xuống chùa, các tín đồ tin rằng Đức Phật phù trợ bảo vệ tổ đình. Còn người dân quanh vùng thì nói cây gõ thiêng đã trả ơn cho chùa cũng như vùng đất này, vì đã chăm sóc bảo vệ cây gõ tránh được sự tàn phá của thiên tai, chiến tranh lẫn sự rình rập của lâm tặc.

 

Mấy năm gần đây, Đại đức Thích Giác Thanh sau khi theo học ở TP.HCM đã trở về trụ trì phục dựng và phát triển tổ đình. Được sự ủng hộ của phật tử các nơi cùng nhân dân và chính quyền địa phương, thầy Giác Thanh đã nỗ lực dựng lại tháp chuông, đặt đúc một chuông đồng mang về từ Huế, trùng tu nhiều công trình phụ, xin đất để làm vườn cây ăn trái, vườn cây thuốc,… Tuy nhiên, do chùa bị nhiều hư hại, trong khi điều kiện lại có hạn, nên nhiều dự định của thầy chưa thành hiện thực.

 

Tôi cùng bạn bè về thăm lại chùa Long Tường, thắp nén hương tưởng nhớ trời phật tổ tiên, được trò chuyện với thầy Giác Thanh cùng các sư đồ phật tử, thấy lòng mình thanh thản ấm lại bao kỷ niệm thời ấu thơ cắt cỏ chăn bò. Tổ đình cùng cây gõ thiêng vẫn uy nghi một góc trời thương nhớ, mà bao phận người đã hoá mây bay…

 

 

Đại đức Thích Giác Thanh thổ lộ: “Mơ ước lớn nhất của tôi là làm được con đường từ chùa ra đến con đường dầu liên xã. Con đường dài hơn 1km, mùa nắng đi đã khó khăn, đến mùa mưa lầy lội, nước lụt tràn qua gây sụt lở, phật tử muốn về chùa đầy trở ngại. Nhưng tội nghiệp nhất là các em học sinh vùng này, hàng ngày đến trường rất nguy nan. Tôi đã lên kế hoạch nâng cấp thành đường bê tông, được chính quyền địa phương đồng ý. Nhưng theo dự toán của công ty tư vấn, số tiền khá lớn so với khả năng của chùa Long Tường, nên còn phải chờ lòng hảo tâm của phật tử và những nhà từ thiện mới có thể triển khai được”.

Mọi liên hệ với thầy Giác Thanh, xin gọi: 0909.791.721

 

 

Anh: Cảnh chùa Long Tường Đại đức Thích Giác Thanh kể chuyện về cây gõ thiêng

 

 

Phan Hoàng
Số lần đọc: 3313
Ngày đăng: 14.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cội Nguồn Phú Quốc - Huỳnh Kim
Vàm Cỏ Đông Mùa Mắc Cạn - Phùng Phương Quý
Ký ức tháng tư - Ban Mai
Để có tác phẩm hay... - Sương Nguyệt Minh
Miền Tây vòng tay thân ái - Võ Quê
Về Huế Thơ Mừng Gặp Người Kinh Bắc - Võ Quê
Ngồi lại với Huế…. - Mang Viên Long
New Orleans – thành phố u buồn - Ngô Kế Tựu
Quảng Trị , cuộc đất nghĩa tình - Mang Viên Long
Truân chuyên đường tới Việt y đạo. - Hà văn Thùy
Cùng một tác giả