Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.187
123.217.405
 
Ngày đó
Lê Văn Thiện

Đã lâu tôi không đi Sài Gòn, nên nay (1993) Sài Gòn trong đầu tôi vẫn là những tháng ngày đông lạnh, là dòng sông ngưng trệ, còn nằm nguyên ở thời điểm mấy năm đầu thập niên 1970. Nó hào nhoáng và bất an. Nó náo động và ngơ ngác. Nó rộng lớn và lạnh lẽo.

Sài Gòn là nhà anh Cảnh, một căn nhà tôn nhỏ, thấp, nằm cuối một con hẻm dài ngoằng, cạnh một cầu tiêu công cộng, gần chợ Xóm Chiếu, Khánh Hội. Anh Cảnh trạc ngoài ba mươi, không có nghề nghiệp ổn định. Một dạo anh đạp xích lô. Lúc khác anh giặt mướn cho một tiệm giặt ủi. Rồi anh quay sang làm phu bốc vác ở bến ghe. Vợ chồng anh có năm con, tuần tự đứa lớn hơn đứa nhỏ một tuổi. Bọn trẻ tròn trĩnh, xinh xắn như một lũ gà con. Nhưng chính chúng, cộng với sự túng thiếu kinh niên đã làm cho không khí gia đình luôn xáo trộn. Chị Tuyền – vợ anh Cảnh – có vẻ hiền lành, ít nói, nhưng hai người lại hay cãi nhau. Họ không chửi bới, không đánh nhau ồn ào. Họ thường mở cuộc cãi vã vào quãng từ nửa đêm đến sáng. Anh chị lời qua tiếng lại, nói nhỏ, lắm lúc như trò chuyện thầm thì. Chung quy cũng là chuyện tiền bạc, cơm áo, loại chuyện muôn thuở của dân nghèo. Kết thúc những trận chiến nhỏ ấy bao giờ cũng là những giọt nước mắt của chị Tuyền. Chị khóc cũng dai, lâu như chị nói, kéo rê tới sáng, tới trưa… Tôi ở nhà anh Cảnh bốn tháng. Tôi áy náy trước cảnh sống chật vật, bấp bênh của anh. Tôi thương yêu bọn trẻ, chúng như bầy chim quý bị bày bán giữa chợ. Nhưng tôi không chịu nổi cái nhớp nháp, ẩm thấp của con hẻm nhộn nhạo, không thể quen với cái nhà cầu chung kinh khủng nằm ngay bên lưng… Mấy tháng ở đây đã giúp tôi biết được vài điều “cơ bản”: trong nhà những người nghèo khổ có gì, và trước ngõ nhà họ có gì.

 

Sài Gòn là Long, và những cái quán nhỏ, những con hẻm hun hút ở quận 5. Long là bạn thân của tôi, điển trai, con nhà khá giả. Nó tốt nghiệp Trường sư phạm, được bổ đi dạy tại một vùng xa trên Đắc Lắc. Lên đó làm việc đúng ba tháng, nó kêu buồn, chán, bỏ về nhà đi chơi suông, báo cơm cha mẹ…

 

Không phải bợm rượu nhưng Long thích la cà trong các quán cóc. Nó bảo ngồi ở các quán ấy ta có thể thấy nhiều cảnh lý thú, nghe được nhiều chuyện hay, chiêm nghiệm được lắm “bài” sâu sắc! Long có thể ngồi suốt buổi tối bên nửa xị rượu nếp than và một dĩa nhỏ khô thiều. Dù không thích rượu chè tôi cũng đã ngồi nhăm nhi với Long khá nhiều lần. Tôi đã quen mặt mấy chục cô em tiếp viên ỏn ẻn, õng ẹo, thơm như mít. Tôi đã nghe đến thuộc lòng chuyện tình mùi rệu của Long với người đẹp Qui Nhơn. Đó là một tình sử thắm thiết, lửng lơ, mở đã rộng, trải đã dài, nhưng nhùng nhằng, lan man, chưa thấy đoạn kết! Khổ sở, bế tắc, Long quay ra viết nhạc, làm thơ. Vì nàng ở Qui Nhơn nên thơ nhạc của nó nhan nhản những tháp cổ, Cù Mông, Đồ Bàn, Khu Sáu. “Một chuyến bay chiều đưa anh về Sài Gòn. Một chuyến xe già tiễn em về Qui Nhơn. Chiều cuối năm cổ tháp mờ sương…”. Long còn là con sâu xinê. Tuần nào nó cũng xem ít nhất ba phim. Nó truyền cho tôi máu mê chui đầu vào rạp. Đặc biệt Long thích rạp cũ Vĩnh Lợi tồi tàn, cổ lỗ trên đường Lê Lợi. (Nói đến khu vực ấy, người ta luôn nhớ các rạp: Casino, Eden, Rex.) Rạp Vĩnh Lợi già cỗi phảng phất mùi ẩm mốc, gây gây mùi nước tiểu. Vào đó ta có thể gặp các tay chuyên bán sách báo khiêu dâm, mấy gã ma cô, những tên móc túi. Nhưng ở đó ta thường được xem các phim hay cũ, loại phim vang bóng của mười, hai mươi năm trước. Ở đó ta dễ dàng gặp lại C. Chaplin, M. Dietrich, J. Dean… trong những tựa phim lừng lẫy “Ngày dài nhất”, “Ben Hur”, “Theo chiều gió cuốn”, “Giai điệu hạnh phúc”… những phim đầu đời của J.P. Belmondo, E. Taylor, A. Delon… Quen lâu với Long nên trong nhiều năm tôi nghĩ: nếu không có xinê thì thế gian chỉ là một nhà kính khổng lồ vô vị, trống rỗng. Và nhờ quen Long, tôi biết được tâm trạng của người bước đi mà không nhìn tới trước; sống thờ ơ, uể oải không mục đích; sống miễn cưỡng, lặng lờ chẳng buồn nghĩ đến mai sau.

 

Sài Gòn một ngày hè chói chang năm 1971, Long đến tìm tôi trong dáng điệu khẩn trương: “Ngồi dậy, thằng lười, đi ăn đám cưới”

“Của ai, ở đâu?”

“Thằng Khiết, cục cưng của dì Năm tao… Có hai thiệp mời đây”.

 

Vậy là tôi đến nhà Long tắm táp, cạo râu, và được trang bị một bộ đồ lớn vừa người, hợp mốt. Chúng tôi đến nơi đúng giờ. Long đắc ý: “Tụi mình sẽ được dự một tiệc cưới ra cưới”.

 

Nhà hàng lớn nằm trên đường Lê Lai. Phòng ăn thênh thang, lộng lẫy. Chú rể dáng thư sinh. Cô dâu không được đẹp, hơi cao, mặt buồn thiu. Nhưng hai bên đều giàu! Hai chục cái bàn tròn xếp thành một vòng tròn lớn. Ban nhạc ngồi ở giữa. Nói năng, chúc tụng, ca hát ở giữa.

“Ăn đi, chúng mình chỉ có việc nhìn và ăn!”, Long bảo:

“Thanh lịch, sang trọng, không ai xấu cả”, tôi khen.

Long trề môi: “Sao lại không, đừng lầm, có đủ hạng trong ấy, như ngoài chợ vậy”.

 

Cha chú rể nói, cười hơi nhiều. Mẹ cô dâu lăng xăng, lúng túng, nói đớt. Có những người nói hay, lưu loát như những nhà hùng biện. Có cô gái hát không thua kém ca sĩ. Có mấy anh chàng khôi ngô, cáu cạnh như mới từ trong một lò hấp nào đó bước ra. Long hỏi:

“Đây giống như cảnh các bữa tiệc của các nhà quý tộc thế kỷ 19 trong những phim Ý, Pháp, thấy không?”.

Tôi gật: “Chỉ khác đèn điện và quần áo”

“Có lẽ mình nên ăn nhiều, uống ít thôi… No mắt, đã miệng, phải không?”

“Ừ, thượng lưu! … Nó có thể làm ta quên mau chóng các bà bán bánh canh, bánh bèo, cháo lòng, và những cái bàn xôi bắp, cơm tấm trên hè phố”

“Quên cả những tin chiến sự trên báo, những tiếng bom đạn gầm rú ngoài kia nữa… À, mày chưa thấy các em nhỏ mặc áo rách mướp, đi chân đất đến trường, những lớp học lợp tranh bàn ghế xộc xệch, mưa dột xồ xồ, phải không?… Nó ở trên Bản Đôn ấy”.

 

Nhưng không phải đám cưới này làm tôi nhớ mãi ngày hôm đó, mà do một bức thư mỏng gởi từ Nha Trang, tôi nhận được lúc ở nhà hàng về. Thư báo tin Như Quỳnh lấy chồng. Đây là mối tình “quan trọng” của tôi. Tuy không còn mặn mà, không gặp Quỳnh đã hai năm, nhưng tôi chưa xem nàng là cố nhân. Tôi bàng hoàng, ngẩn ngơ. Tôi thấy như mình vừa đánh mất một thứ gì đó. Mất gì? Chẳng lẽ mất cái mình không có!

“Buồn, không chết được, nhưng đau, tê tái phải không?”, Long hỏi:

Tôi gật: “Tao mất một món mà tao chưa mua”

“Tao hiểu”.

Suy nghĩ một lát, Long nói: “Mày sẽ tha hồ nghiền ngẫm về nó trong nhiều tháng.  Bây giờ thì, để đánh dấu sự kiện này tụi mình phải làm một cái gì.”

 

Nó kéo tôi ra quán của Đông Phương, hoa khôi ngõ hẻm 44. Long đãi bia, “uống mút chỉ để ghi nhớ ngày lịch sử”. Dù cố hết sức tôi cũng chỉ uống được ba chai. Long uống tay đôi với Đông Phương đến 2 giờ sáng… Sau đó, theo thời gian, tôi không buồn nữa. Nhưng tôi ngạc nhiên là mình không quên mối tình lỏng lẻo ấy một cách dễ dàng. Năm năm, mười năm sau tôi vẫn còn nhớ nó, và có thể ôn lại cảm giác mất mát, xót xa của đêm hôm ấy bất cứ lúc nào.

“Cuộc sống đuểnh đoảng, vớ vẩn lắm” Long nói.

“Con người sao mà đảo điên, phức tạp” tôi nghĩ.

 

Sài Gòn của một ngày tháng Mười 1972, lơ láo, bất trắc. Ngoạn đến tìm chúng tôi báo rằng nó vừa chôn cất vợ và đứa con trai bảy tháng. Hai người thân thiết nhất của Ngoạn gặp tai nạn dưới quê, do bom đạn gây ra. Nó khóc rống lên, thống thiết. Ngoạn là bạn của tôi và Long. Chúng tôi cùng khóc với nó một đêm. Chỉ khóc! Thử hỏi chúng tôi còn biết làm gì khác trong trường hợp này? Dù nói gì đi nữa chắc Ngoạn cũng chẳng nghe cho. Dẫu có đem hàng vạn lời hoa mỹ an ủi chắc cũng không thể làm vơi dịu nỗi khổ đau lớn lao của nó… Trong ngót một tháng chúng tôi kéo Ngoạn đi khắp các quán Long quen biết. Có ngày chúng tôi uống bốn, năm cữ cà phê. Lắm đêm ba thằng nhậu lê la qua hai, ba quán. Chúng tôi dìm Ngoạn trong bia rượu. Long nói: “Bằng cách này, Ngoạn sẽ quên hết, sẽ tung hê nỗi bất hạnh lên trời!”.

 

Ngoạn quên, nhưng không quên tuột. Nhiều khuya, tỉnh rượu, nằm co trong mùng, nó nói như gã tâm thần: “Các bạn biết không, Lan Chi nói bên tai tôi: “Cái gì vừa bao la vừa ngớ ngẩn? – Cái chết. Em thích nghe những chuyện phiêu lưu, kỳ bí, gay cấn nhưng không muốn nghe luận bàn về cái chết… Hãy nói về sự sống. Chúng ta sẽ sống với nhau bao lâu, ba mươi năm chăng? Hay bốn mươi, năm mươi? Mơ hồ, mông lung quá nhỉ!… Chúng mình sẽ có ba đứa con. Nghe quyết liệt và mạnh bạo! Trước kia người ta hay nói: chúc hai bạn chung sống đến đầu bạc răng long. Nghe hay hay và buồn cười! Hoặc nghĩ đến ngày hai đứa mình cùng leo lên tới tuổi bảy mươi, bảy lăm, kỳ quặc và buồn cười!” Lan Chi ngây ngô của tôi! Mọi việc trên đời đều khiến cô ấy lo ngại, ngạc nhiên!… Nhưng sân khấu đã đổ sụp, phông màn rách toang và bốc cháy. Bình Minh vừa tròn bảy tháng, Lan Chi mới hăm ba, có mênh mang không, buồn cười không?”.

 

Trong hai tháng đầu năm 1973, nhà tôi trọ đón một vị khách đặc biệt: chị Hào. Chị là chị họ tôi, một “gái già”, quê ở Cao Lãnh. Chị lên đây nuôi cha, đang nằm trị bệnh ở Chợ Rẫy. Cha chị mang nhiều bệnh trong người. Mỗi ngày chị đến nhà tôi vài tiếng, để tắm giặt, thư giãn, hít thở không khí bình thường. Chị nói, ở nhà thương thiệt mệt. Người đông nghẹt, nhiều giường nằm hai người, nhiều phòng người bệnh nằm tràn ra cả hành lang. Mùi thuốc, “mùi” bệnh tật bao trùm. Chị ăn không biết ngon, ngủ không được… Mới năm ngoái gia đình Hào đã phải gánh chịu một tổn thất lớn, em trai chị chết. Nó đẹp, học giỏi nhất nhà, vừa đậu tú tài nửa năm. Cha mẹ chị suýt phát điên. Không hiểu sao những năm gần đây tai họa cứ rình rập, lúc nào cũng sẵn sàng nhảy vào nhà chị. “Cái thằng sáng láng, thông minh nhất lại qui tiên, còn lại bốn “bà” lẵng nhẵng,, ăn hại, như bốn con ruồi!” Tôi hỏi:

“Chuyện anh Liêm tới đâu rồi?” Liêm là người yêu lâu năm của Hào.

“Tiêu rồi!” Chị đáp gọn, như đùa. “Anh ấy cưới vợ đã lâu.”

Tôi kinh ngạc, bởi hai người đã từng sống với nhau mấy năm, như vợ chồng.

“Liêm chán chị, chị cũng ớn anh ấy, thế là xa… Bỏ nhau chậm, từ từ, chẳng tuyên bố tuyên cáo gì hết!”

 

Tội nghiệp Hào, chị gặp toàn chuyện bầm dập. Tuy thế, bề ngoài trông Hào vẫn có vẻ nhàn hạ, ung dung. Chị mua về một xấp bài ca cải lương, nằm hát nghêu ngao. Chị mua ốc, mực, bánh kẹo, trái cây về ăn luôn miệng, nhiều lúc quên cả cơm. Chị nói: “Sài Gòn, có ở lâu mới thấy, đây chẳng phải là mặt trăng… Có lẽ ta phải có vòng vàng đeo kín cổ, túi đầy ngập tiền, mới thấy Sài Gòn hoa lệ!”

 

Hơn nửa năm sau, tôi lại đón chị Hào lần nữa. Lần này chị vẫn là khách của bệnh viện. Điểm khác, người bệnh là mẹ chị. Và túi chị đã đầy tiền, nhờ đứa em gái trợ cấp. Cô em này lấy chồng giàu, đổi đời. Chị Hào vẫn thế, vui vẻ, nhẹ nhõm, yêu đời, vẫn ăn vặt luôn mồm, và thích ca vọng cổ.

 

“Thời buổi này bấp bênh, bom rơi đạn lạc, hiểm họa không chỉ đến từ trước mặt, mà còn từ sau lưng, và cả hai bên hông, ta nên mau chóng thích nghi với nó… Nhìn kỹ lại, chỉ ít lâu nữa chúng mình sẽ già thôi.” Chị Hào xua tay, ra vẻ bất cần, “Già rồi thì còn gì? Còn mệt mỏi, buồn rầu… Mấy ông cư sĩ nói có lý. Em biết, về cuối đời các vị ấy sống thế nào không? Các vị bị gò trong cái khuôn hẹp, như một công thức 4 điểm: một mình, tự vấn, chao đảo, buông xuôi. Một mình là không phải nhiều mình. Tự vấn là bỗng muốn đặt ra cho mình vô vàn câu hỏi. Chao đảo là lung lay, quay tít. Và bỗng muốn làm thứ này thứ nọ nhưng thấy quỹ thời gian sống còn quá ngắn, nên đành thở hắt ra!... Chị sẽ như vậy, dù chị chưa hề tu tỉnh một phút nào.”

Chị Hào giỏi, mát tay, được việc. Cha mẹ chị đều vượt qua cơn khốn khó, sống thêm nhiều năm.

 

Chuỗi ngày vui, đẹp, tươi sáng sẽ qua đi, để lại dư vị ngọt, khiến người ta tiếc nhớ. Những ngày không vui, tối ám cũng qua, lặng lẽ, như dòng nước bẩn, ngầu bọt, trôi xuôi, để lại nhiều vết tích loang lỗ, dấu ấn xám xịt trong lòng những người trong cuộc… Những năm tháng ở Sài Gòn thời trẻ của tôi đã chìm vào ký ức từ lâu, nhưng phần lớn nhân vật chính của các phân cảnh nay vẫn còn sống. Họ đã lớn tuổi, tất nhiên, và xù xì, xấu hơn ngày trước. Lâu lâu, dù không cố tình, tôi vẫn gặp họ, thường là trong chiêm bao. Họ đi đứng khệnh khạng, nói cười nhanh, không rõ, như những đoạn phim hoạt họa, quảng cáo vui… Đó cũng là chuyện bình thường. Trong cuộc sống dài dằng dặc, người ta khó thể nhớ hết mọi việc ./.

Lê Văn Thiện
Số lần đọc: 2484
Ngày đăng: 16.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thằng con hoang - Vasiliy M. Shukshin
Nghe lầm - Nguyễn An Cư
Sau khi cởi áo lót của bạn gái, tôi đã khóc… - Đỗ Mai Quyên
Ông Tỉnh đi khám bệnh ! - Đổ Thị Hồng Vân
Hoài nhớ - Hoa Ngõ Hạnh
Hương Ngọc Lan - Phùng Văn Khai
Qủa ổi chín - Đậu Nữ Vệ
Người em họ - Huỳnh Văn Úc
Lưỡi câu đen - Giản Tư Hải
Thói ngậm tăm - Khôi Vũ
Cùng một tác giả
Biển cũ (truyện ngắn)
Nó nằm trong túi áo (truyện ngắn)
Ngày đó (truyện ngắn)
Cực lạc (truyện ngắn)
Ao buồn (truyện ngắn)
Mây Khói Lên Trời (truyện ngắn)
Chết đường (truyện ngắn)
Như Nguyệt (truyện ngắn)
Cho Kẻ Khuất Mặt (truyện ngắn)
Nói Trong Đêm (truyện ngắn)
Mộng (truyện ngắn)
Ngoại Lệ (truyện ngắn)
Chợ Tối (truyện ngắn)
Quá đã (truyện ngắn)
Âm Thầm (truyện ngắn)
Chiếc phao (truyện ngắn)
Ánh Sáng Trước Mặt (truyện ngắn)
Chuyện Tình (truyện ngắn)
Có Miền Sông Nước (truyện ngắn)
Như Là Vô Định (truyện ngắn)
Chuyện Vườn Đào (truyện ngắn)
Róc Rách Suối Ngầm (truyện ngắn)
Cổ tích mới (truyện ngắn)
Người đi (truyện ngắn)
Lơ mơ Ngọ (truyện ngắn)
Kỷ Niệm (truyện ngắn)
Một lối tiện lợi (truyện ngắn)
Chờ Mong Mòn Mỏi (truyện ngắn)
Nắng Quái (truyện ngắn)
Kêu ai (truyện ngắn)
Quán vắng (truyện ngắn)
Mưa Chết (truyện ngắn)
Mưa Lạ (truyện ngắn)
Bàn Tay Ấm Áp (truyện ngắn)
Diễn Viên (truyện ngắn)
Gió đưa (truyện ngắn)
Buồn Một Mình (truyện ngắn)
Chia Tay (truyện ngắn)
Quế (truyện ngắn)
Ôm Đĩ Mất Tiền (truyện ngắn)
Đẹp Và Ảo (truyện ngắn)
Tình Quê Xa Khuất (truyện ngắn)
Thư Giãn (tạp văn)
Mần Ăn (truyện ngắn)
Quả Bóng (truyện ngắn)
Giàu Nghèo Ngổn Ngang (truyện ngắn)